Thursday, July 30, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 30/7

Tin Thế Giới

1.
Biển Đông: Mỹ kêu gọi Châu Âu tỏ thái độ rõ ràng hơn --- Hải quân Nhật Bản lo ngại quân đội Trung Quốc khống chế cả Biển Đông

"Sẽ rất hữu ích" nếu như Liên Hiệp Châu Âu có thái độ rõ ràng hơn để hỗ trợ Hoa Kỳ trong lúc Trung Quốc đang bồi đắp, xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách khu vực Đông Nam Á, Amy Searight, tuyên bố như trên tại hội thảo về chính sách Đông Á của Washington và Bruxelles ngày 29/07/2015.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, bà Amy Searight nhấn mạnh Hoa Kỳ tôn trọng việc Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng con đường hòa bình và chiếu theo công ước quốc tế. Tuy nhiên Washington chờ đợi đồng ở minh Châu Âu "một cách tiếp cận rõ ràng và mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như việc kêu gọi ngưng đòi hỏi chủ quyền hay xây dựng cơ sở quân sự" tại Biển Đông. Sự ủng hộ đó của Liên Hiệp Châu Âu sẽ "rất hữu ích".

Cũng tại hội thảo được tổ chức tại trung tâm CSISS, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách toàn khu vực Đông Á, ông Michael Fuchs, đã nhấn mạnh đến nhu cầu giảm thiểu nguy cơ xung đột ở Biển Đông.

Theo các nhà quan sát, hiếm khi nào Hoa Kỳ trực tiếp chỉ trích đồng minh Châu Âu như vừa qua. Đáp lời bà Amy Searight, Đại sứ của Liên Hiệp Châu Âu tại Washington David O’Sullivan cho rằng về mặt cơ bản, Châu Âu và Mỹ có cùng một quan điểm trên vấn đề Biển Đông, nhưng những lời lẽ cứng rắn của phía Hoa Kỳ đôi khi "phản tác dụng". Vẫn theo ông O’Sullivan, Bruxelles đã tăng cường một số hoạt động an ninh trong vùng biển có tranh chấp này, thế nhưng việc làm đó cũng có "những giới hạn". Liên Hiệp Châu Âu không có cùng quan điểm với Mỹ về những đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực.

Tại một diễn đàn khác về an ninh Châu Á, Tư lệnh Hải quân Nhật Bản Đô đốc Tomohisa Takei tuyên bố các quốc gia trong vùng cần tăng cường khả năng phòng thủ và hợp tác trên biển để đối phó với những căng thẳng hiện nay. Để đạt được mục tiêu đó các quốc gia trong khu vực cần thắt chặt quan hệ với Mỹ và Nhật Bản. - RFI

***
Thế giới và khu vực tiếp tục bày tỏ thái độ quan ngại trước ý đồ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Phát biểu tại Hoa Kỳ vào hôm qua, 29/07/2015, Tư lệnh Hải quân Nhật Bản đã lên tiếng cảnh báo rằng một khi Trung Quốc sử dụng các hòn đảo nhân tạo mà họ vừa bồi đắp ở Trường Sa vào mục tiêu quân sự, toàn bộ vùng Biển Đông có nguy cơ rơi vào "vùng ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc".

Trong tham luận trình bày tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Thế giới (Carnegie Endowment for International Peace), một trung tâm tham vấn (think tank) tại Washington, Đô đốc Tomohisa Takei, Chỉ huy trưởng Lực lượng Phòng vệ Biển (tức Hải quân) Nhật Bản, đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đảm bảo sao cho Biển Đông luôn là một "vùng biển mở và tự do" để cho cả khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương vẫn là một "Đại dương thịnh vượng".

Đối với Đô đốc Takei, nếu quyền tự do hàng hải ở Biển Đông bị đe dọa, hệ quả có thể là "một sự cố ngoài ý muốn".

Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền trên cùng khu vực của các láng giềng như Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan. Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã bồi đắp các bãi ngầm và rạn san hô mà họ kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, xây dựng các cơ sở trên đó mà không che giấu khả năng sử dụng vào mục tiêu quân sự.

Nhật Bản không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng thường xuyên chỉ trích ý đồ quân sự hóa khu vực của Trung Quốc. Ngoài việc lên tiếng chỉ trích, Nhật Bản cũng giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam nâng cao năng lực giám sát và tuần tra vùng biển của mình. - RFI
|
|

2.
Nga bị chỉ trích vì phủ quyết nghị quyết LHQ về vụ bắn rơi máy bay MH17 --- Tìm thấy mảnh vỡ có thể là của máy bay MH370

Nga đang bị chỉ trích kịch liệt vì đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhằm thành lập một tòa án hình sự quốc tế để xét xử những người chịu trách nhiệm trong việc bắn rơi một chiếc máy bay của Hãng hàng không Malaysia trên bầu trời Ukraine cách đây một năm. Thông tín viên Michael Brown của đài VOA tường thuật.

Bộ trưởng giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai nói:

“Chúng tôi rất thất vọng về việc không thông qua được một dự thảo nghị quyết để thành lập một Tòa án hình sự quốc tế lâm thời cho vụ máy bay MH17 dù có những nỗ lực không ngừng của chúng tôi nhằm giải quyết những quan tâm của các thành viên Hội đồng Bảo an và xoá bỏ những sự khác biệt ”

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Pavlo Klimkin phát biểu:

“Nếu không phải là thủ phạm thì không có lý do gì để chống lại nghị quyết này.”

Nghị quyết không thông qua được sau khi Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vitaly Churkin nói với Hội đồng Bảo an là Moscow chống lại Tòa án vì lo ngại là tòa này sẽ không vô tư.

“Trong vụ này, căn cứ vào đâu để nói là chúng ta có thể đảm bảo cuộc điều tra sẽ vô tư? Cuộc điều tra này có thể cưỡng lại được những tuyên truyền kích động của truyền thông hay không? Tòa án có thể cưỡng lại những áp lực chính trị rõ rệt, khi nguyên nhân, và ngay cả những người chịu trách nhiệm trong thảm họa này, đã được nêu tên trước. Và những tuyên bố như vậy đã được đưa ra bởi một số các nhà lãnh đạo một vài quốc gia tham dự vào toán điều tra hỗn hợp.”

Cách đây một năm, chuyến bay MH17 của hãng Hàng không Malaysia bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur với 298 hành khách và phi hành đoàn bị một phi đạn đất đối không bắn trúng trên bầu trời miền đông Ukraine do các phần tử đòi ly khai được Nga hậu thuẫn kiểm soát.

Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc nói việc Nga chống đối đề nghị thành lập tòa án nêu lên những câu hỏi khác.

“Qua việc phủ quyết nghị quyết này, Nga đã tìm cách khước từ công lý cho 298 nạn nhân trên chiếc máy bay MH17 và không để cho gia đình của họ có được một cơ hội để buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm."

Ukraine và Tây phương nghi chiếc máy bay bị các binh sĩ Nga hay những phần tử đòi ly khai bắn rớt, nhưng Nga liên tục phủ nhận điều này.

Nga đổ lỗi cho một máy bay phản lực chiến đấu của Ukraine bắn rơi máy bay Malaysia. - VOA

***
Các nhà điều tra đang tìm hiểu liệu một mảnh vỡ của máy bay được tìm thấy trên một hòn đảo thuộc Pháp ở Ấn Độ Dương có phải là từ máy bay MH370 hay không. Chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines đã biến mất không để lại dấu tích vào tháng 3 năm 2014.

Mảnh vỡ dài hai mét đã được phát hiện hôm thứ Tư trên một bãi biển ở Đảo Réunion, nằm giữa Madagascar và Mauritius. Một người nhìn thấy mảnh vỡ này cho biết có nhiều vỏ sò bám trên đó, chứng tỏ nó đã ở trong nước một thời gian dài.

Một phát ngôn viên của Văn phòng Điều tra và Phân tích An toàn Hàng không Dân sự của Pháp cho biết vật thể này chưa được xác định và rằng vẫn còn quá sớm để nói liệu nó có phải là từ MH370 hay không. Tuy nhiên các chuyên gia hàng không cho biết dựa trên những hình ảnh của mảnh vỡ thì có vẻ như đây là một cánh tả của máy bay.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai cho biết chính phủ của ông đã gửi một toán điều tra đến Đảo Réunion để giúp xác định.

Hãng tin AP cuối ngày thứ Tư cho biết một quan chức Mỹ nói rằng các nhà điều tra "tin tưởng ở mức cao" rằng mảnh vỡ được tìm thấy là từ một chiếc Boeing 777, cùng loại với máy bay MH370.

Một chuyên gia hàng không Pháp, Xavier Tytelman, tán đồng nhận định này. Trong một blog về hàng không bằng tiếng Pháp, ông viết rằng một mã số viết trên mảnh vỡ sẽ giúp các nhà điều tra biết chính xác nó đến từ đâu trong vòng vài ngày.

Cục An toàn Giao thông Úc cho biết họ có những hình ảnh của mảnh vỡ đang được Boeing nghiên cứu trong một nỗ lực nhằm xác định nó. Boeing cho biết họ sẽ không bình luận về những hình ảnh này.

MH370 cất cánh từ Kuala Lumpur vào ngày 8 tháng 3 năm 2014 bay tới Bắc Kinh. Nó biến mất khỏi radar hơn một giờ sau đó ở một nơi nào đó bên trên Biển Đông.

Một cuộc tìm kiếm của hơn 50.000 km vuông đại dương đã không tìm thấy gì. Khu vực tìm kiếm cuối cùng là ở phía nam Ấn Độ Dương ngoài khơi bờ biển của Úc.

Các quan chức Malaysia nói tất cả 239 người trên máy bay Boeing 777 được cho là đã chết. - VOA
|
|

3.
Ngải Vị Vị chỉ được visa Anh ba tuần

Nghệ sĩ bất đồng chính kiến Ngải Vị Vị vừa bị chính phủ Anh từ chối thị thực nhập cảnh sáu tháng vào khi có những tuyên bố rằng ông đã nói dối trong tờ khai visa.

Ông đăng trên Instagram lá thư nói rằng việc nhập cảnh của ông vào Anh Quốc là có giới hạn vì ông đã không nêu rõ về "bản án hình sự". Tuy nhiên ông Ngải Vị Vị, dù bị giam giữ tại Trung Quốc 81 ngày hồi năm 2011, lại chưa bao giờ bị kết tội hay kết án ở Trung Quốc.

Nghệ sĩ này được cấp visa vào Anh 20 ngày để dự buổi khánh thành một triển lãm của ông ở London.

Tuy nhiên điều đó có nghĩa là ông không thể giám sát việc dàn dựng một triển lãm rất quan trọng dành riêng cho ông tại Viện Nghệ thuật Hoàng gia được dự kiến sẽ mở cửa cho giới báo chí vào xem trước hôm 15 tháng Chín.

Lá thư từ bộ phận visa của Sứ quán Anh tại Bắc Kinh, viết rằng việc nhập cảnh của ông Ngải Vị Vị vào Anh "đã bị hạn chế đối với thời gian xin đi... vì ông đã không đáp ứng các nguyên tắc của khách vào làm việc."

Tài liệu được một nhân viên quản lý thị thực nhập cảnh từ Bộ Di trú và Visa của Anh ký, viết tiếp rằng "Đây là vấn đề ghi nhận công khai ông đã từng bị kết án hình sự tại Trung Quốc và ông đã không khai điều đó.

"Trong khi đã có giải quyết như một trường hợp ngoại lệ nhưng những lần xin visa trong tương lai ông phải hoàn thành bản khai chính xác nhất có thể," và nói thêm rằng ông có thể bị cấm 10 năm nếu không tuân thủ.

Trong một tin khác đăng trên Instagram, ông Ngải Vị Vị nói ông "chưa hề bị kết tội hay kết án vì một tội nào" và "đã cố làm sáng tỏ điều này với Bộ phận Di trú và Visa của Anh và với Sứ quán Anh ở Bắc Kinh qua vài cuộc điện thoại."

"Nhưng các nhân viên đại diện vẫn quả quyết về độ chính xác của nguồn tin của họ và từ chối không thú nhận đã nhầm. Quyết định này là một sự bác bỏ các quyền của Ngải Vị Vị như một công dân bình thường," ông nói thêm.

Tuần trước ông đã được nhận lại hộ chiếu sau khi bị giới chức trách Trung Quốc thu giữ cách đây bốn năm khi ông bị bắt năm 2011 trong một đợt chính phủ đàn áp các nhà hoạt động chính trị. Ông bị giam giữ vì các tội bị cáo giác là đa thê và trốn thuế nhưng đã được thả mà không bị kết tội.

Ông Ngải Vị Vị bị phạt 15 triệu nhân dân tệ (tương đươn 2,4 triệu đô la) vì trốn thuế trong một vụ dân sự năm 2012. Nghệ sĩ này đã bị thua trong vụ khiếu nại về khoản tiền phạt này mà ông vẫn quả quyết là có động cơ trả thù vì những chỉ trích của ông với chính phủ Trung Quốc.

Trong một tuyên bố Bộ Nội vụ Anh nói rằng các đơn xin visa sẽ được xem xét "trên cơ sở từng trường hợp và thể theo các điều luật liên quan".

Tuyên bố viết thêm: "Ông Ngải Vị Vị đã được cấp visa đầy đủ cho thời hạn mà ông xin vào".

BBC đã liên lạc với Sứ quán Anh tại Bắc Kinh để hỏi về quyết định của họ nhưng chưa nhận được hồi âm.

Viện Nghệ thuật Hoàng gia cũng chưa có bình luận về việc này. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Microsoft chính thức ra mắt Windows 10 trên toàn thế giới

Việc phát hành phiên bản mới của hệ điều hành Windows 10 "đã diễn ra tốt đẹp". Tập đoàn Microsoft hôm nay 29/07/2015 loan báo như trên, hy vọng sẽ làm người sử dụng quên đi các sai sót của phiên bản trước, và thất bại trong lãnh vực điện thoại di động.

Một phát ngôn viên Microsoft nói với AFP: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi thử nghiệm việc triển khai như thế này, nhưng hiện nay mọi việc đều tốt đẹp và rất thuận lợi". Đồng thời cảnh báo "cần có thời gian" để 1,5 tỉ người sử dụng hệ điều hành Windows có thể cập nhật.

Tập đoàn từ chối công bố số lượng người sử dụng đã đăng ký hay cập nhật ngay trong ngày đầu tiên ra mắt. Chủ tịch Microsoft tại Pháp, ông Alain Crozier cho biết: "Có hàng chục triệu người đăng ký, chúng tôi đang phục vụ cho họ. Hiện đã bắt đầu tại Pháp, tại châu Á và gần 190 nước trên thế giới".

Khoảng năm triệu người đã thử nghiệm phiên bản bêta của Windows 10. Để thu hút, Microsoft cho phép ngay ngày hôm nay được cập nhật miễn phí các phiên bản trước (Windows 7 và 8). Về phần các nhà sản xuất máy tính thì phải tiếp tục trả tiền để cài đặt trước vào máy – bản quyền hệ điều hành vốn là nguồn thu lớn nhất của tập đoàn.

Theo Tổng giám đốc Microsoft Satya Nadella: "Windows 10 không chỉ là một phiên bản hệ điều hành mới, mà là khởi đầu một kỷ nguyên mới".

Ngoài việc cho đặt lại nút "menu khởi động" truyền thống, mà sự biến mất của nó trong Windows 8 đã làm nhiều người sử dụng lúng túng, Windows 10 có nhiều cải tiến, hy vọng sẽ được trang bị cho một tỉ máy tính từ nay đến 2018.

Ngược với các phiên bản trước, Windows 10 có thể thích ứng với tất cả các loại thiết bị, từ máy tính để bàn, điện thoại thông minh cho đến máy chơi game Xbox, kính thực tế ảo. Dự kiến có nhiều tính năng mới như nhận dạng sinh trắc học, cảm ứng, hệ thống tương tác bằng giọng nói Cortana (đối thủ của Siri nơi Apple) hay trình duyệt mới Edge (thay thế cho Microsoft Explorer).

Cuộc cách mạng do Microsoft hứa hẹn khi tung ra Windows 8 hồi cuối năm 2012 đã không diễn ra. Người tiêu thụ, doanh nghiệp và các nhà thiết kế ứng dụng cho điện thoại di động đã tỏ ra thờ ơ, và đầu tháng này Microsoft đã loan báo sa thải 7.800 người, chủ yếu thuộc chi nhánh Nokia.

Các loại điện thoại của Windows hiện không thể cạnh tranh nổi, do kho ứng dụng còn nghèo nàn so với iPhone của Apple hay các điện thoại sử dụng Android của Google. Lần này Microsoft không thể tự cho phép mình phạm sai lầm. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Phó Thủ tướng CSVN Phạm Bình Minh thăm Nhật

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 30/7 tại Tokyo.

Ông Minh sang Nhật đồng chủ trì phiên họp Ủy ban hợp tác Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 7.

Việt Nam nói hai nước sẽ trao đổi các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy “quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng”.

Trước đó cũng trong tháng Bảy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản.

Tuần này, hãng tin Kyodo cho hay giới chức hai bên đang chuẩn bị cho chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Nhật Bản.

Theo hãng tin Nhật, chuyến đi Tokyo của ông Nguyễn Phú Trọng, nếu xảy ra, dường như là để thử Trung Quốc, mà Việt Nam đang có bất đồng về lãnh thổ tại Biển Đông.

Trước ông Nguyễn Phú Trọng, vị tổng bí thư Đảng CSVN thăm Nhật Bản mới đây nhất là ông Nông Đức Mạnh, hồi tháng 4/2009. Khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật hồi đầu tháng, ông cũng đã chuyển cho phía Nhật ý nguyện thăm nước này của ông tổng bí thư.

Nhật Bản là quốc gia cấp viện lớn nhất cho Việt Nam, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ tư sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nam Hàn. Quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam đặc biệt gần cận trong các lĩnh vực kinh tế và cả chính trị. - BBC
|
|

6.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam xin nghỉ hưu

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam xin nghỉ hưu vì lý do "sức khỏe", chỉ năm tháng sau khi giữ chức.

Ông Lê Phước Thanh nói với một số tờ báo ở Việt Nam rằng đã nộp đơn xin nghỉ hưu trước tuổi vào ngày 29/7 và đang chờ ý kiến của Bộ Chính trị.

Ông nói ông gửi đơn vì “sức khỏe kém”, mặc dù đã được Tỉnh ủy bầu giữ chức Bí thư cuối tháng Hai.

Sinh năm 1956, ông Thanh là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam trước khi được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Hồi tháng Hai, người tiền nhiệm, ông Nguyễn Đức Hải, thôi chức Bí thư tỉnh để giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Hôm 23/6, tin cho biết Tỉnh ủy Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị Cán bộ chủ chốt của tỉnh.

Tại cuộc họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam giới thiệu ông Phan Việt Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, vào danh sách quy hoạch chức danh Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020, tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12.

Một người khác, ông Briu Liếc, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa 11, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, cũng được Quảng Nam đề xuất ứng cử Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 để tham gia Ban Chỉ đạo Tây Nguyên hoặc Ủy ban Dân tộc Trung ương. - BBC

No comments:

Post a Comment