Monday, July 20, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 20/7

Tin Thế Giới

1.
Hai phụ nữ chạy đua tranh chức tổng thống Đài Loan

Cử tri Đài Loan hầu như chắc chắn sẽ chọn một người phụ nữ làm tổng thống. Hôm chủ nhật, Quốc Dân Đảng đương quyền chọn bà Hồng Tú Trụ, Phó chủ tịch Viện lập pháp, làm ứng viên tổng thống của đảng. Bà Hồng sẽ chạy đua với bà Thái Anh Văn, Chủ tịch Đảng Dân Tiến đối lập, trong cuộc bầu cử vào tháng giêng. Đây là lần đầu tiên cả hai đảng chính của Đài Loan đều chọn phụ nữ làm ứng viên tổng thống. Thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA tường thuật từ Đài Bắc.

Trong cuộc bầu cử vào tháng giêng sang năm, bà Hồng Tú Trụ, nữ ứng viên tổng thống đầu tiên của Quốc Dân Đảng đương quyền, sẽ chạy đua với bà Thái Anh Văn, người được Đảng Dân Tiến đối lập chọn làm ứng viên tổng thống của đảng hồi đầu năm nay. Bà Thái Anh Văn đã bị đương kim Tổng thống Mã Anh Cửu đánh bại trong cuộc bầu cử năm 2012.

Phụ nữ đã được chọn làm người đứng đầu chính phủ ở nhiều nước Á châu, như Ấn Độ và Nam Triều Tiên, nhưng việc này chưa từng xảy ra ở Đài Loan. Ông Dương Vĩnh Minh, phát ngôn viên của ban vận động bầu cử của Quốc Dân Đảng, nói rằng đây là một diễn tiến khá thú vị.

"Cả ứng viên của đảng đối lập chính lẫn ứng viên của đảng đương quyền đều là phụ nữ là một việc không có ở những nước khác, cho nên điều này có lẽ đang làm cho cuộc vận động bầu cử trở nên khá thú vị."

Bà Hồng Tú Trụ, 67 tuổi, xuất thân là giáo viên. Bà được nhiều người biết tiếng với những câu hỏi hóc búa và đôi lúc có tính chất hài hước mà bà nêu ra với các quan chức chính phủ tham dự những cuộc chất vấn tại quốc hội. Đối thủ của bà, bà Thái Anh Văn, là luật sư. Bà Thái, 58 tuổi, bị ông Mã Anh Cửu đánh bại với tỉ lệ chênh lệch phiếu là 6% trong cuộc bầu cử năm 2012.

Các nhà quan sát chính trị nói rằng cử tri Đài Loan có thể chấp nhận một nữ tổng thống bởi vì nền dân chủ của nước này đã trưởng thành từ khi bắt đầu cuối thập niên 1980 và những người phụ nữ trên 50 tuổi thường được xem là những người có năng lực để đứng đầu gia tộc trong nền văn hoá cổ truyền là văn hoá Trung Hoa ở Đài Loan. Một phần ba đại biểu quốc hội Đài Loan là phụ nữ và nhiều công ty hàng đầu của đảo quốc này có tổng giám đốc là phụ nữ.

Trong một dấu hiệu cho thấy giới tính là một vấn đề không quan trọng đối với cử tri Đài Loan, cuộc tranh luận về chức vụ tổng thống đã chuyển sang trọng tâm sang một trong những vấn nạn gai góc nhất: (đó là) mối quan hệ với Trung Quốc, là mối quan hệ vốn có rất nhiều căng thẳng nhưng được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền đối với Đài Loan từ thập niên 1940 và đòi đôi bên phải tái thống nhất. Các cuộc thăm dò công luận cho thấy người dân Đài Loan muốn duy trì mức độ tự trị như hiện nay, chứ không muốn bị sáp nhập vào Trung Quốc.

Năm 2008 Tổng thống Mã Anh Cửu đã gác qua một bên những vụ tranh chấp chính trị với Trung Quốc để tiến hành cuộc đối thoại có tính chất lịch sử và kết quả là đôi bên đã ký kết với nhau hàng loạt các hiệp định thương mại, kinh tế. Bà Hồng Tú Trụ chủ trương nên tiếp tục cuộc đối thoại dựa trên điều kiện của Bắc Kinh là đôi bên tự xem là một nước Trung Quốc duy nhất, nhưng không có đồng quan điểm về nội dung của cụm từ “một nước Trung Quốc.” Bà Thái Anh Văn cũng muốn đối thoại với Bắc Kinh nhưng bác bỏ điều kiện một nước Trung Quốc, và điều đó làm cho Trung Quốc cảm thấy lo ngại.

Ông Ross Feingold, một nhà tư vấn cấp cao ở Đài Bắc của công ty tư vấn rủi ro chính trị DC International Advisory của Mỹ, nói rằng cử tri sẽ xem xét tới chính sách về Trung Quốc của hai ứng viên -- cũng như quan điểm của họ về các vấn đề kinh tế.

"Cả hai ứng viên này đều là những nhân vật công chúng trong một thời gian khá lâu, cho nên chắc chắn là có những chuyện để xem xét trong thành tích của họ trong quá khứ và lập trường của họ đối với các vấn đề hiện nay. Những chuyện này đủ để cho mọi người bàn tán, tranh luận với nhau mà không cần phải nói tới vấn đề giới tính."

Nhiều người Đài Loan muốn có một mối quan hệ có tính chất dè dặt hơn với Trung Quốc và các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy bà Thái Anh Văn đang dẫn trước đối thủ trong lúc còn khoảng nửa năm nữa là tới ngày bỏ phiếu.

Tổng thống Mã Anh Cửu, theo qui định của hiến pháp, phải rút lui sau khi phục vụ hai nhiệm kỳ. - VOA
|
|

2.
Giá vàng ở Châu Á rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm

Tình trạng bán tháo ồ ạt sớm hôm nay trong phiên giao dịch tại Châu Á đã đẩy giá vàng xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm, xuống dưới 1.100 đôla một ounce. Thông tín viên Steve Herman gởi về bài tường thuật từ văn phòng Đông Nam Á của Đài VOA tại Bangkok.

Trong vụ tuột dốc này, việc bán tháo một số lượng vàng trị giá lên tới 30 tỷ đôla đã diễn ra chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ, trong bối cảnh các đơn đặt hàng trên thị trường tự động được đáp ứng khi đạt được một mức giá cụ thể.

Ông Luke Chua là người quản lý hoạt động và bán hàng tại Bullion Star, một công ty buôn bán kim loại quý ở Singapore.

“Trên thị trường thực tế, việc mua bán kiểu đó là điều không thể vì khối lượng vàng lớn như vậy. Nhưng trên thị trường giao hàng sau, tất cả đều là kỹ thuật số, đó là điều khả thi chừng nào ta tìm được người mua”.

Tin cho hay, tình trạng bán vàng vì lo ngại bất ổn đã bắt đầu tại Thị trường Vàng Singapore.

Theo các dữ liệu được các hãng tin tài chính tổng hợp, tình trạng bán tháo cũng xảy ra trên thị trường Thượng Hải.

Tình trạng bán tháo vàng còn gia tăng tốc độ vì nhiều người tin rằng các mối quan ngại về nền kinh tế Hy Lạp và các thị trường chứng khoán bất ổn định ở Trung Quốc đã giảm bớt.

Hiện còn có các nghi ngờ về sự dính líu trực tiếp của Trung Quốc vào tình trạng bán tháo vàng hôm nay.

Hôm thứ Sáu tuần trước, Trung Quốc, quốc gia sản xuất vàng lớn nhất thế giới, thông báo rằng dự trữ vàng của nước này đã tăng 59% lên mức 1.658 tấn vào cuối tháng Sáu.

Ông Luke Chua của công ty Bullion Star ở Singapore cho rằng thông báo đó có thể đẩy giá vàng lên.

“Nhưng đó không phải là điều chúng ta chứng kiến trên thị trường trong những ngày qua. Và lý do là, hiện nay, giá vàng bị ảnh hưởng mạnh bởi các thị trường giao hàng sau, chứ không phải thị trường thực tế”.

Một số nhà phân tích cho rằng việc tích lũy dự trữ vàng của Trung Quốc thấp hơn so với dự kiến, nhưng điều đó cũng không giải thích một cách đầy đủ cho việc bán tháo trong phiên giao dịch ngắn ngủi sớm hôm nay.

Giá vàng lúc này giảm khoảng 6% tính theo năm.

Các nhà mua bán kim loại quý cho biết họ dự kiến mức trần của vàng sẽ ở mức hiện nay hoặc có thể còn thấp hơn nữa vì theo dự liệu Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất trong năm nay. Điều đó sẽ làm cho nhiều nhà đầu tư cảm thấy mua trái phiếu chính phủ Mỹ có lợi hơn là mua kim loại quý. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ-Cuba tái lập quan hệ ngoại giao toàn diện

Hoa Kỳ và Cuba phục hồi quan hệ ngoại giao toàn diện ngay sau 12 giờ khuya hôm nay thứ hai (20/7) sau hơn 50 năm thù địch.

Vài giờ sau, trong sự tĩnh mịch trước buổi rạng đông, quốc kỳ ba màu đỏ, trắng, xanh của Cuba được kéo lên tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bên cạnh cờ của các nước khác có quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Mỹ và Cuba giờ đây có tòa đại sứ toàn diện chính thức tại nước bên kia.

Sự thay đổi ngoại giao mang tính lịch sử diễn ra sau 54 năm cắt đứt bang giao từ thời của chính quyền Tổng thống John Kennedy.

Hôm nay, các giới chức Cuba, trong đó có Ngoại trưởng Bruno Rodríguez Parrilla, sẽ tham dự lễ khai trương đại sứ quán Cuba ở thủ đô Washington.

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách khu vực Tây Bán Cầu, Roberta Jacobson, người đóng vai trò chính trong các cuộc thương thuyết giữa hai nước, cũng sẽ hiện diện tại sự kiện này.

Ngoại trưởng John Kerry hôm nay sẽ chính thức chào đón người đồng nhiệm phía Cuba, Rodríguez Parrilla. Sau đó, hai vị sẽ tổ chức họp báo chung.

Lễ khai trương tòa đại sứ Mỹ tại Cuba sẽ được trì hoãn cho tới khi Ngoại trưởng Kerry công du tới Havana, nhưng từ giờ đến đó, sứ quán sẽ vận hành đầy đủ mọi chức năng.

Việc tái thiết quan hệ giữa hai nước không phải không có chỉ trích.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio cho rằng Hoa Kỳ chưa nhấn mạnh đủ tới hồ sơ nhân quyền của Cuba. Trước đây trong năm, ông tuyên bố rằng: ‘Quan điểm của Cuba về nhân quyền không chỉ khác với chúng ta, mà còn hoàn toàn sai lầm và vô đạo đức.’

Roger Noriega, một nhà phân tích thuộc Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ và là một cựu đại sứ Mỹ tại Tổ chức các nước Châu Mỹ, cũng bày tỏ quan ngại về thành tích nhân quyền của Cuba. Ông nói: ‘Tôi cho rằng chúng ta đã phải hạ thấp tiêu chuẩn của mình để giương cờ Mỹ ở Havana.’

Trên đường phố Havana, người dân Cuba lạc quan cho rằng đây có thể là bước đầu tiên tiến tới bình thường hóa quan hệ hoàn toàn.

Ông Alberto Matos, một giáo sư ở Cuba phát biểu:

‘Đối với chúng tôi, bước tiến ngày nay rất quan trọng. Đây là bước quyết định tiến tới bình thường hóa quan hệ. Nói cách khác, người dân Cuba chúng tôi ăn mừng sự kiện này và mong đợi được nhìn thấy những gì có thể diễn ra và có thể tiếp diễn từ dấu mốc ngày hôm nay, điều mà chúng tôi lạc quan tin rằng là sẽ mang lại những chuyện khả dĩ cho nhân dân hai nước.’ - VOA
|
|

4.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đích thân thị sát Biển Đông

Họp báo tại Seoul sáng ngày 20/07/2015 Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift xác nhận ông đã thị sát tình hình tại Biển Đông. Đây là một chuyến tuần tra "bình thường" để bảo đảm quyền tự do lưu thông trên biển tại khu vực.

Lãnh đạo Hạm đội Thái Bình Dương cho biết ngày 18/07/2015 ông đã có mặt trên chiếc máy bay tuần tra P-8 Poseidon trong 7 giờ liên tiếp. Không đi sâu vào chi tiết nhưng Đô đốc Swift giải thích đã đích thân thị sát tình hình ở khu vực, để chứng minh là Hoa Kỳ bảo đảm các quyền tự do lưu thông trong vùng Biển Đông phải được tôn trọng.

Không trực tiếp nhắm vào Trung Quốc, tướng Scott Swift ghi nhận: "Có những yếu tố gây bất ổn trong khu vực và điều đó dẫn tới tình huống bất trắc".

Trước mắt Trung Quốc chưa có phản ứng về tin trên.

Bản tin của Reuters nhắc lại, hồi tháng 5/2015 Bắc Kinh đã mạnh mẽ lên án một việc chiếc máy bay tuần tra P-8 Pseidon đưa một đoàn phóng viên của đài truyền hình Mỹ CNN đến quan sát tình hình ở vùng biển có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia Đông Nam Á, như Philippines, Việt Nam… Trung Quốc coi đó là một hành động "vô trách nhiệm và nguy hiểm".

Trung Quốc liên tục xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông với mục đích quân sự, gây lo ngại cho nhiều nước lân cận. Washington kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt các hành vi nói trên và giải quyết tranh chấp chủ quyền theo công ước quốc tế.

Đô đốc Scott Swift, 63 tuổi, vừa chính thức nhậm chức Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ vào tháng 5/2015. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Tướng Thanh 'không có vấn đề về sức khỏe' [LMN: Ô Thanh sống/chết thực hư vẫn chưa rõ, nhưng điều thấy rõ là việc tranh chấp để nắm Bộ QP vẫn chưa thực sự ngã ngũ]

Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam nói với BBC Tiếng Việt rằng các đồn đại mới đây về sức khỏe của Đại tướng Phùng Quang Thanh là 'không đúng'.

"Sức khỏe của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh không có vấn đề gì," ông trả lời chiều 20/7 giờ Hà Nội.

Hiện tin tức nói ông Thanh đang được điều trị ở nước ngoài và sẽ sớm về Việt Nam trong thời gian tới.

"Hôm qua tôi có trao đổi thì nói rằng cuối tháng. Từ nay tới cuối tháng chỉ còn vài ngày thôi, tôi không nói chính xác được ngày," Tướng Tuấn cho biết thêm.

Trước đó, báo của Bộ Quốc phòng đăng tin Bộ trưởng, Đại tướng Phùng Quang Thanh gửi thư chúc mừng hai đơn vị, trái với tin đồn ông qua đời.

Tờ Quân đội Nhân dân sáng thứ Hai 20/7 đăng tin "Bộ trưởng Quốc phòng chúc mừng Lữ đoàn Thông tin 26, Quân chủng Phòng không-Không quân; Trung tâm Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng 2, Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân".

Hôm Chủ Nhật, một hãng tin châu Âu trong bản tin phát từ Hà Nội dẫn nguồn quân đội giấu tên cho hay Bộ trưởng Phùng Quang Thanh qua đời hôm 19/7 tại một bệnh viện ở Pháp, nơi ông đang trị bệnh ung thư phổi.

Hãng Deutsche Presse-Agentur (DPA) của Đức cũng nói ông Thanh qua đời tại bệnh viện Georges Pompidou [ở Paris].

Trong khi đó bản tin của báo Quân đội Nhân dân sáng 20/7, được một số báo khác đăng lại, cho biết: "Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống của Lữ đoàn Thông tin 26, Quân chủng Phòng không-Không quân (20-7-1965/20-7-2015) Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã gửi thư chúc mừng.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống của Trung tâm Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng 2, Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân (20-7-1995/20-7-2015), Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã gửi thư chúc mừng."

Thông thường bộ phận biên tập của các báo trong nước khá nhạy cảm trong các thông tin liên quan lãnh đạo cao cấp.

Lâu nay đã có nhiều tin đồn về sức khỏe của Đại tướng Phùng Quang Thanh.

Hôm 30/6, ông Thanh đã được các chuyên gia y tế của Pháp tiến hành phẫu thuật một khối u ở phổi. Các nguồn tin chính thống cho hay khối u lành tính và chưa có dấu hiệu của bệnh ung thư.

Hôm 9/7, một thành viên của Ban Chăm sóc Sức khỏe Trung ương nói ông Thanh đã được ra viện tuy vẫn được theo dõi. - BBC
|
|

6.
2.000 người Campuchia tới biên giới VN

Khoảng 2.000 người Campuchia dẫn đầu là các dân biểu của đảng Cứu quốc đối lập đã tới vùng biên giới với Việt Nam hôm Chủ nhật 19/7.

Đây là khu vực giáp ranh giữa tỉnh Long An của Việt Nam và tỉnh Svay Rieng của Campuchia, nơi có cáo buộc rằng Việt Nam "vi phạm đất đai của Campuchia".

Hôm 28/6 chính tại đây đã có xô xát giữa một nhóm nhà hoạt động Campuchia do dân biểu Real Camerin dẫn đầu với người dân Việt Nam làm gần 20 người bị thương.

Lần này con số người Campuchia đông hơn gấp bội.

Một nhân chứng có mặt tại đó nói với BBC rằng đoàn người Campuchia đã được xe chở tới từ Phnom Penh.

Những người này tụ họp tại công viên Tự do ở thủ đô Campuchia từ sáng sớm và được hàng chục xe chở tới Svay Rieng.

Họ tới huyện Kompong Ro vào khoảng 14:00 giờ chiều.

Theo các nguồn tin, chính quyền Campuchia đã tìm cách ngăn cản đoàn người nhưng họ vẫn tới được nơi dự định là cột mốc số 203.

Thường dân mang gậy

Nơi đây là địa điểm mà ông Real Camerin nói ông đã bị người Việt Nam đánh bị thương hôm 28/6.

Tại đó có hiện diện của binh lính và cảnh sát Campuchia. Tuy nhiên một nhóm thường dân Campuchia có mang gậy đã chặn đoàn người của đảng đối lập.

Theo nhân chứng, một cuộc xô xát nhỏ đã xảy ra giữa những người có gậy gộc và người của phe đối lập nhưng không ai bị thương.

Ông Real Camerin được các dân biểu cùng đảng Cứu quốc là Um Sam An, Cheam Channy và Nuth Rumduol tháp tùng.

Ông nói với đám đông là cột mốc 203 đã được dựng sai vị trí.

Ông dân biểu cũng tuyên bố rằng đây là "một ngày lịch sử cho Campuchia".

Đám đông đối lập rút lui khoảng 20:00 tối.

Bất đồng về biên giới lâu nay đã được đảng Cứu quốc dùng làm chiêu bài để công kích đảng cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen cũng như chính phủ Việt Nam.

Với các hoạt động như thế này, dường như căng thẳng đường biên chưa có chiều hướng suy giảm. - BBC

No comments:

Post a Comment