Saturday, July 11, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 11/7

Tin Thế Giới

1.
Quốc hội Hy Lạp ủng hộ kế hoạch cải cách

Quốc hội Hy Lạp ủng hộ đề xuất cải cách kinh tế của chính phủ, vốn được đưa ra nhằm đổi lại một gói cứu trợ mới và chấm dứt khủng hoảng nợ.

Thủ tướng Hy Lạp, ông Alexis Tsipras, nói ông có trọng trách phải hoàn tất đàm phán với các chủ nợ của Hy Lạp.

Tuy nhiên, một số nghị sỹ trong đảng của ông Tsipras đã phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng trong kế hoạch mới.

Kế hoạch này giờ đây sẽ được đệ trình ra trước các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro.

Các nguồn tin từ Liên Hiệp châu Âu (EU) nói các chủ nợ của Hy Lạp, Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho rằng kế hoạch là khá 'tích cực'.

Đề xuất tái cơ cấu của chính phủ Hy Lạp đã nhận được 251 phiếu thuận, 32 phiếu chống và 8 phiếu trắng tại Quốc hội.

Các thành viên của đảng cầm quyền vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu bao gồm Chủ tịch Quốc hội Zoe Constantopoulou và Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis.

"Ưu tiên hàng đầu hiện nay là mang lại một kết quả tích cực cho các đàm phán," Ông Tsipras nói trong một thông cáo.

Ông Tsipras đang yêu cầu một gói cứu trợ 53,5 tỷ euro để tái cơ cấu nợ. Đây sẽ là gói cựu trợ thứ ba dành cho Hy Lạp.

Đổi lại, ông sẽ đáp ứng yêu cầu cải cách lương hưu, tăng thuế và tư hữu hóa, vốn bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 5/7.

Các ngân hàng Hy Lạp chỉ còn đủ tiền để hoạt động trong vài ngày tới.

Nếu một thỏa thuận không sớm được thống nhất, nước này sẽ phải đối mặt với nguy cơ rời khỏi khu vực đồng euro.

Phóng viên BBC Mark Lowen ở Athens nói đây là một sự thỏa hiệp lớn từ phía Thủ tướng Hy Lạp, vốn thắng cử nhờ các lời hứa chấm dứt chương trình thắt lưng buộc bụng.

Phát biểu tại Quốc hội trước cuộc bỏ phiếu, ông Tsipras thừa nhận chính phủ đã phạm phải một số sai sót, nhưng cũng nói các đề xuất này sẽ giúp mang lại thỏa thuận tốt nhất cho Hy Lạp.

Ông cũng gọi các cuộc đàm phán kéo dài với các chủ nợ là "một cuộc chiến".

Ông Tsipras nói thỏa thuận cứu trợ 'bao gồm nhiều đề xuất trái với những gì chúng ta đã cam kết", nhưng vẫn "tốt hơn nhiều các đề xuất mà các chủ nợ đưa ra hồi tuần trước."

Nhóm các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro dự kiến sẽ họp vào ngày 11/7. Tiếp theo đó là cuộc họp lãnh đạo khu vực đồng euro vào ngày 12/7.

Cuộc họp toàn thể các lãnh đạo EU cũng sẽ diễn ra vào ngày 12/7.

Các biện pháp mới bao gồm:

- Tăng thuế đối với các công ty vận tải, bãi bỏ ưu đãi thuế đối với các đảo nhỏ.

- Thống nhất VAT ở mức chuẩn 23%

- Cắt giảm ưu đãi lương hưu

- Cắt giảm thêm 300 triệu euro từ ngân sách quốc phòng trước năm 2016

Các đối tác của Hy Lạp trong khu vực đồng euro vẫn tỏ ra chia rẽ trước các đề xuất của nước này.

Tổng thống Pháp Francois Hollande gọi các biện pháp này là 'nghiêm túc và khả thi'. Tuy nhiên Bộ Tài chính Đức cảnh báo 'việc tái cơ cấu sẽ rất tốn thời gian'.

Các chủ nợ của Hy Lạp đã giải ngân hơn 200 tỷ euro từ hai gói cứu trợ trong 5 năm qua. Gói cứu trợ thứ hai đã hết hạn vào ngày 30/6.

Các ngân hàng Hy Lạp vẫn đang đóng cửa và giới hạn rút tiền mặt 60 euro/ngày vẫn đang được áp đặt. - BBC
|
|

2.
Siêu bão Chan-Hom ập vào Trung Quốc.

Siêu bão Chan-Hom đã ập vào miền đông Trung Quốc. Cơn bão với sức gió lên tới 160 km/giờ ập vào thành phố Chu San ở tỉnh Chiết Giang.

Hiện chưa có tin tức gì về mức thiệt hại cũng như về mặt tổn thất nhân mạng.

Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia nói rằng trận bão này có thể là một trong các trận bão mạnh nhất từng ập vào khu vực.

Nhà chức trách cho biết 865.000 người đã được sơ tán ra khỏi các vùng duyên hải ở tỉnh Chiết Giang. Gần 30.000 tàu thuyền đã được triệu tập về bến.

Các giới chức nói thời biểu của hàng chục chuyến bay, xe lửa và xe buýt đã bị gián đoạn trong khu vực.

Trận bão trước đó đã đổ bộ vào miền Nam Nhật Bản và miền Bắc Philippines.

Trước đó trong tuần, bão Linfa ập vào bờ biển tỉnh Quảng Đông, phía Nam Trung Quốc. - VOA
|
|

3.
Indonesia chuẩn bị lập căn cứ quân sự tại Biển Đông

Trong ấn bản ngày 10/07/2015 báo Jakarta Post trích dẫn nhiều nguồn quan chức trong quân đội cho biết bộ trưởng Quốc phòng Indonesia ủng hộ kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại Biển Đông. Dự án sẽ phải được trình lên tổng thống Joko Widodo.

Vẫn theo tờ báo trong cuộc họp ngày hôm qua 10/07/2015 giữa bộ Quốc phòng và Ban Kế hoạch và Phát triển Quốc gia Bappenas, các bên đã thảo luận về những địa điểm có thể được chọn để đặt căn cứ quân sự của Indonesia. Danh sách đó bao gồm huyện Sambas phía Tây đảo Kalimantan, các quần đảo Natuna, Riau và Taralan ở phía bắc Kalimantan.

Theo lời lãnh đạo Ban kế hoạch Bappenas Indonesia, ông Andrinof Chaniago, cuộc họp nói trên tại Jakarta nhằm “đặt ra những mục tiêu chung vì lợi ích quốc gia và để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”. Bappenas hy vọng kế hoạch mở căn cứ quân sự tại vùng Biển Đông của Indonesia sớm được thực hiện.

Về phần mình bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, Ryamizard Ryacudu, tuyên bố ủng hộ dự án nói trên, do ông từng công tác tại đảo Kalimantan và ông cam chắc “đặt căn cứ quân sự tại đây là một quyết định sáng suốt”, do đây là một vùng lãnh thổ có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên của Indonesia “cần phải được bảo vệ”.

Indonesia không trực tiếp tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, như Philippines hay Việt Nam, nhưng Trung Quốc căn cứ trên bản đồ 9 đoạn để đòi hỏi chủ quyền với hơn 80% diện tích của vùng biển này, trong đó bao gồm cả quần đảo Natuna của Indonesia.

Tham quan quần đảo Natuna vào tháng 3/2014, trợ lý của bộ trưởng An ninh và chiến lược quốc phòng Indonesia, tướng Fahru Zaini đã khẳng định: "Những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của khu vực quần đảo Natuna” và do vậy, vẫn theo quan chức này, Jakarta cần có một “chiến lược phòng thủ cụ thể” .

Cùng thời điểm tổng tư lệnh quân đội Indonesia, tướng Meoldoko, trả lời báo tài chính Mỹ The Wall Street Journal khẳng định “quân đội Indonesia quyết định tăng cường lực lượng tại Natuna… để đối phó với mọi tình huống”. Gần đây hơn vào tháng 2/2015 viên tướng này ghi nhận “Trong tương lại, Jakarta lo ngại Biển Đông trở thành điểm nóng, do vậy tăng cường quân sự trong khu vực là điều hết sức quan trọng”.

Trước mắt tổng thống Joko Widodo vẫn muốn Indonesia đóng vai trò trung gian giữa các quốc gia có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Jakarta không trực tiếp đối đầu với Bắc Kinh. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
South Carolina chính thức tháo bỏ lá cờ Liên minh miền Nam

Một vệ binh danh dự thuộc lực lượng Tuần tra Xa lộ bang South Carolina đã kéo lá cờ Liên minh miền Nam xuống sau khi nó bay trên khuôn viên tòa nhà lập pháp của bang này hơn 50 năm qua.

Hôm thứ Sáu, một đám đông nhiều sắc tộc khác nhau đã hò reo và hô vang "USA, USA" khi họ chứng kiến sự kiện lịch sử này - một ngày mà nhiều người ở South Carolina nghĩ là sẽ không bao giờ đến.

Một số người vẫy quốc kỳ của Mỹ.

Động thái này diễn ra ba tuần sau vụ giết người có động cơ kỳ thị chủng tộc làm thiệt mạng chín thành viên trong một nhà thờ của người Mỹ gốc Phi ở thành phố Charleston, South Carolina.

Bên ngoài tòa nhà lập pháp, những người ủng hộ tháo bỏ lá cờ đông hơn nhiều so với những người tỏ ra thất vọng về việc này. Một nhà lập pháp người da đen nói với đài CNN rằng ông và các nhà hoạt động khác đã tranh đấu và tổ chức những cuộc tẩy chay đòi tháo bỏ lá cờ suốt hơn 20 năm qua.

Nhiều vận động viên, nghệ sĩ đã từ chối thi đấu và biểu diễn ở South Carolina vì vấn đề này.

Lá cờ được tháo bỏ một ngày sau khi Thống đốc Nikki Haley ký một dự luật được cả đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ kêu gọi tháo bỏ lá cờ từ thời Nội chiến Mỹ. Các nhà lập pháp trong Hạ viện South Carolina tiếp bước Thượng viện khi họ thông qua dự luật sau hơn 13 giờ tranh luận xúc động.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Liên hiệp Thành thị Columbia South Carolina J.T McLawhorne nói với đài VOA rằng trong khi một số người đã coi lá cờ là biểu tượng của một di sản, nhưng nó thực sự có hại nhiều hơn thế.

“Khi bạn nhìn vào lịch sử, lịch sử cho ta biết rất rõ ràng là lá cờ này là một biểu tượng, một biểu tượng thực sự của sự hăm dọa, kỳ thị chủng tộc, và khủng bố mà những người Mỹ gốc Phi đã phải gánh chịu nhiều năm,” ông McLawhorne nói.

Bà Haley gọi ngày thứ Năm là "một ngày trọng đại" cho South Carolina - một ngày "thực sự đưa tất cả chúng ta đến với nhau trong khi chúng ta tiếp tục hàn gắn vết thương". Bà trao mỗi một cây bút trong chín cây bút mà bà dùng để ký cho chín gia đình nạn nhân trong vụ xả súng.

Bà cho biết lá cờ sẽ được đặt vào đúng nơi của nó là viện bảo tàng. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
PetroVietnam, ExxonMobil sẽ sản xuất khí đốt ở Biển Đông trước năm 2021

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ sẽ sản xuất dòng khí đốt đầu tiên từ mỏ khí Cá Voi Xanh ngoài khơi miền Trung Việt Nam khoảng năm 2021, PetroVietnam cho biết trong một thông cáo hôm thứ Năm.

Trang tin PetroNews cho biết Chủ tịch PetroVietnam Nguyễn Xuân Sơn đã thảo luận về dự án này với Phó Chủ tịch của ExxonMobil Raymond E Jones ở Washington hôm thứ Tư.

Ông Sơn kêu gọi hai công ty làm việc chặt chẽ với nhau về tìm kiếm khách hàng sử dụng khí đốt, định giá khí đốt và các vấn đề thương mại khác cho dự án.

Được biết ông Sơn cũng yêu cầu ExxonMobil sử dụng những công nghệ tối ưu của mình để sản xuất khí đốt một cách hữu hiệu và tìm kiếm những cách giảm chi phí sản xuất và giá thành dự kiến.

PetroVietnam cho biết họ sẽ làm việc với chính phủ Việt Nam để lên kế hoạch xây dựng những nhà máy điện khí mới trong khu vực mà sẽ mua khí đốt từ dự án.

Ngoài ra PetroVietnam cũng ký một thỏa thuận hợp tác với tập đoàn Murphy Oil của Mỹ nhằm thúc đẩy những cơ hội hợp tác tại các dự án dầu khí ở Việt Nam, Mỹ và ở một nước thứ ba.

Mỏ khí Cá Voi Xanh, nằm ở phía nam Biển Đông cách bờ biển giữa tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi khoảng 80 km, được cho là mỏ khí lớn nhất từng được khám phá tại Việt Nam cho đến nay.

Mỏ này cũng nằm gần địa điểm nơi mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc hồi tháng 5 năm 2014 đã đưa giàn khoan 981 vào hoạt động. - VOA
|
|

6.
Màn trình diễn hoàn hảo của Tổng Bí thư

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng kết thúc chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ 6 đến 10/7/2015. Tuy không phải là quốc khách nhưng ông Trọng đã được tiếp đón trọng thị và đã gặp gỡ Tổng thống Barack Obama tại phòng Bầu Dục Nhà Trắng ở Washington DC. Chuyến đi chưa từng có của một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến thủ đô Hoa Kỳ được đánh giá như thế nào là chủ đề tạp chí Đọc báo trên mạng tuần này.

Những việc được thỏa thuận từ trước

Những gì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn Việt Nam đạt được trong những ngày ở Mỹ là những việc đã được thỏa thuận từ trước, qua những chuyến đi con thoi của các giới chức cao cấp Mỹ đến Việt Nam và những khoảng thời gian thảo luận chặt chẽ giữa hai chính phủ Việt-Mỹ. Thế nhưng dư luận cho rằng Nhà Trắng và Chính phủ Hoa Kỳ đã giữ lời hứa, thực hiện những điều mà Đại sứ Ted Osius tuyên bố trước đó trên báo chí Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ tiếp đón người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam một cách trọng thị.

Và ông Nguyễn Phú Trọng có vẻ gây ngạc nhiên cho nhiều người về phong thái được cho là ung dung và tự tin của ông, nếu so sánh với 4 nhà lãnh đạo Việt Nam là Khải-Triết-Dũng-Sang đã từng vào Nhà Trắng trước ông. Ông Nguyễn Phú Trọng người sắp rời cương vị Tổng Bí Thư sau kỳ Đại hội Đảng XII vào sang năm, từng được biết đến như một nhà lãnh đạo bảo thủ giáo điều với những phát ngôn gây thất vọng cho người Việt Nam. Những điều này không chỉ thể hiện trên các trang mạng xã hội như blog hay facebook mà còn được chính các báo do nhà nước quản lý trích thuật.

Người đọc báo chưa thể quên những phát biểu điển hình của ông Nguyễn Phú Trọng như “Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” hoặc “Cương lĩnh Đảng cao hơn Hiến Pháp”. Tuy vậy, tác dụng của phương tiện đa truyền thông tường thuật hoạt động của ông Nguyễn Phú Trọng ở thủ đô Hoa Kỳ được cho là đã giúp ông lấy lại một chút uy tín.

Nội dung bản Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ được Nhà Trắng phổ biến sau cuộc hội đàm Barack Obama-Nguyễn Phú Trọng tuy không có những đột phá quan trọng, nhưng cũng sẽ được biết tới như thành quả của chuyến đi Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Giáo sư Jonathan London chuyên gia về các vấn đề Việt Nam và thông thạo Việt ngữ từ Hong Kong nhận định:

“Ít nhất cuộc gặp gỡ này với việc hai lãnh đạo gặp nhau là một bước đi lịch sử trong quan hệ song phương giữa hai nước. Tôi đặc biệt mừng về phần nội dung của tuyên bố hai bên vì có rất nhiều nội dung liên quan đến vấn đề cải cách ở Việt Nam.”

Câu chuyện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Tổng thống Barack Obama tiếp đón và đàm luận ở Nhà Trắng được giới quan sát cho là một sự kiện lịch sử. Tuy vậy họ không chờ đợi một sự đột phá nào. TS Nguyễn Thanh Giang một nhà phản biện độc lập ở Hà Nội nhận định:

“Những chuyến đi trước của ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn Tấn Dũng đã đẩy lên được một quan hệ hợp tác toàn diện. Đáng lẽ chuyến này đi phải đẩy lên một bước tiến mới là hợp tác chiến lược toàn diện, nhưng tôi không tin là ông Nguyễn Phú Trọng có thể làm được. Hơn nữa, trong tình hình này thì phải thiết lập được liên minh toàn diện với Hoa Kỳ trong đó có liên minh về quân sự và có việc đàm phán mở cửa cho Hoa Kỳ vào Cam Ranh. Nhưng tôi không tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng có thể làm được những việc cần phải làm đó.”

Không có đột phá?

Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nhà Trắng công bố là Việt Nam và Hoa Kỳ đạt tới Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, việc cấp giấy phép thành lập Viện Đại học Fulbright tại Việt Nam; cũng như nhiều thỏa thuận khác mà giới quan sát cho là không có tầm mức quan trọng.

Một trong những vấn đề được quan tâm rất nhiều trước chuyến đi là sẽ có đột phá về việc Mỹ công nhận qui chế kinh tế thị trường của Việt Nam, tuy nhiên điều này đã không xảy ra. Trong Tuyên bố tầm nhìn chung Việt-Mỹ, Nhà Trắng dùng lời lẽ ngoại giao ghi nhận sự quan tâm của Việt Nam mong muốn đạt được kinh tế thị trường, mà không có hứa hẹn gì cụ thể.

TS Vũ Quang Việt, chuyên gia kinh tế từng có nhiều năm làm việc cho Liên Hiệp Quốc từ New York nói về khúc mắc quan trọng khiến Việt Nam vẫn chưa được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường:

“Việt Nam ngay cả trong Hiến pháp và các văn bản quyết định khác đều coi kinh tế quốc doanh là chủ đạo. Nếu quốc doanh chủ đạo thì có nghĩa là nó được hưởng rất nhiều ưu tiên. Cái đó là một trong 5 lý do mà người ta không chấp nhận kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường. Với chế độ cộng sản và với nền kinh tế họ coi là quốc doanh chủ đạo thì như vậy họ sẽ làm lợi nhất cho những người ở trong Đảng và những người cầm quyền, đặc biệt việc sử dụng đất đai…họ sẽ tạo ra những cơ sở để cho đảng viên những người liên quan đến Đảng, liên quan đến chính quyền được hưởng lợi ích và giới tư nhân khó lòng mà cạnh tranh lại những người đang nắm quyền… ”

Vấn đề TPP cũng vậy, trong Tuyên bố tầm nhìn chung Việt-Mỹ, Nhà Trắng cho thấy sẽ còn các cuộc đàm phán khác và Việt Nam cần tiến hành những cải cách để đáp ứng tiêu chuẩn cao của TPP, kể cả khi cần thiết đối với các cam kết liên quan tới Tuyên bố của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO năm 1998 về Nguyên tắc cơ bản và Quyền tại nơi làm việc.

Theo các chuyên gia vấn đề vừa nêu có thể tóm tắt là Việt Nam phải cải cách chính trị và pháp luật, chấp nhận quyền tự do nghiệp đoàn. Đã có những tin không chính thức nói là Việt Nam mong muốn giảm nhẹ vấn đề này trong giai đoạn chuyển tiếp, chấp nhận hình thức người lao động có thể thành lập nghiệp đoàn riêng của mình tại cơ sở, tức là ở nhà máy, hãng xưởng nơi họ làm việc. Pháp luật hiện hành của Việt Nam cấm tự do nghiệp đoàn và cả nước chỉ có một loại nghiệp đoàn trực thuộc Đảng và Nhà nước đó là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Vấn đề nhân quyền luôn là một vướng mắc trong quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu vào chiều 8/7 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS ở Washington DC đã nhấn mạnh, không để vấn đề nhân quyền cản trở quan hệ Việt Mỹ. Ông nói:

“Tôi hiểu trong vấn đề này, hai bên còn có những khác biệt về nhận thức và cần tiếp tục thông qua đối thoại thẳng thắn, xây dựng để có cách nhìn tổng thể về những thay đổi cơ bản mang tính hệ thống, từ đó có đánh giá khách quan hơn về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, không để vấn đề này cản trở đà tiến triển tốt đẹp của quan hệ, cũng như ảnh hưởng tới việc xây dựng lòng tin giữa hai nước.”

Ghi nhận tín hiệu cải cách qua chuyến đi của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Giáo sư Jonathan London từ Hong Kong phát biểu bằng tiếng Việt là ông tán dương việc Hoa Kỳ đặt nặng vấn đề nhân quyền và ông Nguyễn Phú Trọng cũng có đề cập tới.

“Tôi nghĩ Việt Nam càng tiến bộ về vấn đề nhân quyền thì quan hệ song phương giữa hai nước sẽ gần nhau hơn. Chẳng hạn nếu Việt Nam làm một số điều quan trọng như thả những người nên thả và chấm dứt hành vi sách nhiễu… thì tôi có thể tưởng tượng Obama sẽ sang thăm Việt Nam trong năm nay…nhưng vẫn cần có một số tiến bộ.”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm được gì và chưa làm được gì trong chuyến đi lịch sử tới Hoa Kỳ sẽ có thể là đề tài mà các nhà bình luận mổ xẻ. Thế nhưng trong tương lai khi người dân hai quốc gia Việt-Mỹ tránh được việc bị đánh thuế hai lần, hay các sinh viên theo học tại Trường Đại học Hoa kỳ không vụ lợi đầu tiên ở Việt Nam mang tên Fulbright, thì lúc ấy họ có thể nhớ lại một vài điều tốt đẹp của sứ mạng Nguyễn Phú Trọng. - RFA

No comments:

Post a Comment