Thursday, July 9, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 9/7

Tin Thế Giới

1.
Tiền và tài khoản của Thủ tướng Najib Razak của Mã Lai

Kiểm toán Malaysia vừa gửi lên Nghị viện báo cáo sơ bộ về các vấn đề liên quan đến một quỹ công do Thủ tướng Najib Razak làm chủ tịch, theo phóng viên BBC Jennifer Pak từ Kualar Lumpur.

Thông tin báo chí gần đây cho rằng một số khoản tiền lớn 'chạy từ quỹ phát triển' sang tài khoản cá nhân của ông thủ tướng nhưng ông bác bỏ điều này.

Trong tuần, cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed và người đương nhiệm phê phán nhau trên truyền thông trong lúc mạng xã hội cũng đang đặt ra nhiều câu hỏi về vụ việc.

Trả lời BBC, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamed, đã kêu gọi ông Najib Razak hãy đưa ra cho công chúng các bằng chứng rằng tài sản của ông là hợp pháp.

Các phóng viên nói ông Najib đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình.

Ông cũng đang bị áp lực về vai trò lãnh đạo của ông, đặc biệt từ ông Mahathir, người được coi là 'cha đẻ' của nền kinh tế Malaysia trong nhiều thập niên tăng trưởng.

Ông Najib trước đó đã đưa ra một tuyên bố trên Facebook, nói rằng những cáo giác khác nhau về ông là "không có cơ sở" và "quá đáng".

Ông cũng cáo buộc ông Mahathir đã tìm cách lật đổ ông và coi tuyên bố của người tiền nhiệm rằng khoảng 11 tỉ đôla đã biến mất khỏi Quỹ này là lời nói "vô trách nhiệm".

Báo Mỹ, trang Wall Street Journal (WSJ) nói họ nhìn được văn bản với chỉ dấu tiền từ quỹ 1Malaysia Development Bhd (1MDB - thành lập năm 2009) cho thấy 700 triệu đô la từ quỹ chạy vào tài khoản cá nhân của ông Najib.

Trang BBC World Service tiếng Anh có bài đặt câu hỏi 'Phải chăng thủ tướng Malaysia đã bỏ túi tiền công?'

Mạng xã hội Malaysia đang nói nhiều về vụ việc nhất là trong không khí chi phí sinh hoạt tăng cao, và chính quyền áp đặt thuế tiêu dùng cho toàn dân.

Trên mạng, một số chủ đề như "Frozen (đóng băng - tài khoản)", "Tồi tệ (Rosmah)", "42 tỷ tiền nợ đen tối", "Hiệp sỹ nợ đang tới."

Một người viết trên Twitter viết: "Malaysia đang trong giờ phút đen tối nhất về chính trị." - BBC
|
|

2.
Chứng khoán Thượng Hải tăng mạnh trở lại nhờ biện pháp khẩn cấp của chính phủ

Chỉ số chứng khoán Thượng Hải tăng 5,76 % trong phiên giao dịch ngày 09/07/2015. Các nhà đầu tư tại Trung Quốc lo ngại đây chỉ là một dấu hiệu phục hồi "rất mong manh". Bắc Kinh vừa ra lệnh cấm các cổ đông có trên 5 % vốn của một tập đoàn bán ra các cổ phiếu đang nắm giữ. Cổ phiếu của hơn 1.400 công ty phải ngưng niêm yết trên các sàn giao dịch.

Sau khi đã tăng vọt 150 % trong vòng một năm, thị trường tài chính Thượng Hải đột ngột mất giá đến hơn 30 % trong ba tuần lễ vừa qua. Vào đầu phiên giao dịch trong ngày, chỉ số của Thượng Hải mất giá thêm hơn 3,8 % nhưng đến cuối ngày thì đã tăng lên được hơn 202 điểm. Theo lời một người môi giới chứng khoán thuộc cơ quan Central China Securities, đây là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư có vẻ đã "tin tưởng trở lại" một khi nhà nước ban hành các biện pháp hỗ trợ tất cả các tập đoàn tham gia sàn chứng khoán.

Ngay từ chiều hôm qua, 08/07/2015, các giới chức tiền tệ ở Bắc Kinh thông báo một biện pháp mạnh để ngăn chặn đà tuột dốc của chứng khoán Trung Quốc. Cụ thể là cấm các cổ đông nắm giữ quá 5 % vốn của một tập đoàn chuyển nhượng cổ phiếu trong vòng 6 tháng sắp tới.

Trước mắt biện pháp này có vẻ như đã phần nào trấn an được các nhà đầu tư nhưng theo phân tích của chủ tịch quỹ tài chính Templeton Emerging Markets Group được hãng thông tấn Bloomberg trích dẫn, thì việc Bắc Kinh phải cấp tốc can thiệp chứng tỏ các nhà cầm quyền ở Trung Quốc đang "vô cùng bối rối" và dường như là đã "không còn làm chủ được tình hình".

Bản tin của Tân Hoa Xã thậm chí không loại trừ khả năng Ngân hàng Trung ương sẽ phải nhanh chóng bơm tiếp 5,6 tỷ đô la nữa để tăng thanh khoản cho các tập đoàn.

Điều khiến các nhà quan sát lo ngại hơn cả là những khó khăn của các thị trường Thượng Hải và Thẩm Quyến lây lan sang tới các sàn chứng khoán trong khu vực. Chỉ số của Hồng Kông ngày 08/07/2015 giảm 6%, mức tệ nhất từ 6 năm qua.

Khủng hoảng tài chính của Trung Quốc sẽ kéo theo vào vòng xoáy các thị trường nguyên liệu và nhiên liệu toàn cầu, do Trung Quốc là một trong những nguồn tiêu thụ lớn nhất của toàn thế giới.

Nhìn từ Bắc Kinh, thông tín viên đài RFI Heike Schmidt ghi nhận Trung Quốc đã khẩn cấp can thiệp để xoa dịu phẫn nộ của các cổ đông. 99% các nhà đầu tư trên các thị trường chứng khoán Trung Quốc là tư nhân, bỗng chốc họ thấy 30% tài sản của mình tan thành mây khói.

"Cách nay một năm, khi giá cổ phiếu trên các thị trường tài chính Trung Quốc tăng giá 150% cô Tào Nhất Phàm (Cao Yifan) đã bắt đầu mơ đến một tương lai tươi sáng hơn. Tào đã bỏ tiền đầu tư, mua cổ phiếu theo sự dẫn dắt của bạn bè. Đối với cô, mua cổ phiếu cũng như là chơi sổ xố vậy. Cô Tào đã đầu tư vào nhiều công ty làm sạch môi trường vào lúc mà các nhà cầm quyền Bắc Kinh liên tục quảng bá cho một chính sách năng lượng sạch, một môi trường sạch.

Tào Nhất Phàm là một phụ nữ 28 tuổi và là nhân viên tiếp thị cho một nhà xuất bản. Cô đã dành ra tới 20.000 nhân dân tệ tức khoảng gần 3.000 euro để mua cổ phiếu. Số tiền này lớn gấp đôi so với mức lương tháng của cô. Mọi việc đã diễn ra tốt đẹp lúc ban đầu, nhưng thị trường tài chính ở Thượng Hải bị chao đảo trong thời gian gần đây, và cô Tào tới nay đã mất hẳn một nửa số vốn chi ra ban đầu. Cô nói đã phải trả giá để có được bài học này.

Tuy nhiên, đối với cô, hậu quả không đến nỗi quá tai hại vì Tào Nhất Phàm vẫn có lương hàng tháng, nhưng cô ý thức được rằng, nếu như dại dột bỏ tất cả trứng vào một giỏ thì không biết sẽ phải tính toán ra sao. Tào chỉ còn biết trông đợi chính quyền can thiệp để chấm dứt hiện tượng chảy máu tư bản trên các sàn chứng khoán". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Đại sứ Mỹ 'sẽ thăm Little Saigon' Nam California

Một số Dân biểu Liên Bang Hoa Kỳ đang lên kế hoạch tổ chức một buổi gặp gỡ với cộng đồng và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius vào cuối tuần này.

Thông cáo của Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal gửi tới BBC cho hay buổi gặp gỡ và trao đổi này sẽ tập trung vào các chủ đề như đàm phán Hiệp Ước Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tình hình nhân quyền, và phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam.

"Đây cũng là dịp để Đại Sứ Ted Osius và các Dân Biểu Hoa Kỳ lắng nghe ý kiến cộng đồng về sự bang giao Mỹ-Việt nhân 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước," thông cáo báo chí từ Văn phòng Dân biểu Lowenthal viết.

Được biết buổi gặp gỡ cộng đồng với ông Đại Sứ sẽ được tổ chức từ 13:30 tới 15:30 ngày Chủ nhật 12/07/2015 tại Coastline College, một địa điểm cạnh Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, thành phố Westminster, California.

Thông cáo cho hay buổi gặp gỡ này do Dân Biểu Alan Lowenthal (CA-47), cùng tổ chức với các Dân Biểu Ed Royce (CA-39) là Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, Dân Biểu Loretta Sanchez (CA-48) là Chủ Tịch Nhóm Quốc Hội Hoa Kỳ về Việt Nam, và Dân Biểu Dana Rohrabacher (CA-48) và được sự bảo trợ của Đại Học Cộng Đồng Coastline.

Khác với một số đại sứ Mỹ tiền nhiệm, dường như Đại sứ Ted Oisus chưa có buổi tiếp xúc có qui mô với cộng đồng người Mỹ gốc Việt trước khi ông nhậm chức tại Hà Nội.

Little Saigon được xem là thủ đô của người Việt tị nạn với cả trăm ngàn người sống và làm việc tại đây kể từ khi kết thúc chiến tranh tại Việt Nam cách đây 40 năm.

Cuộc gặp của Đại sứ Ted Osius theo dự kiến với cộng đồng người Việt tại California diễn ra chưa đầy một tuần kể từ khi Tổng thống Obama tiếp đón Tổng bí thư Trọng tại Nhà Trắng.

'Đối thoại tích cực'

Hoa Kỳ và Việt Nam vào tuần này đưa ra cái gọi là Tuyên bố Tầm nhìn chung Hoa Kỳ-Việt Nam.

Tuyên bố khẳng định hai nước "Tiếp tục theo đuổi một mối quan hệ sâu sắc, lâu bền và thực chất trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hiệp quốc, luật pháp quốc tế, và hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

“Hoa Kỳ khen ngợi tiến bộ về cải cách kinh tế của Việt Nam và khẳng định tiếp tục ủng hộ và can dự có tính xây dựng với Việt Nam, và Hoa Kỳ lưu ý mối quan tâm của Việt Nam đối với việc đạt được sự công nhận về nền kinh tế thị trường.

“Cả hai nước cam kết tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và ủng hộ duy trì đối thoại tích cực, thẳng thắn và có tính xây dựng về nhân quyền để cải thiện hiểu biết lẫn nhau, và giảm bớt sự khác biệt.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 25/6 công bố Báo cáo thường niên tình hình nhân quyền các nước, trong đó có Việt Nam.

Phần về Việt Nam có đoạn nói: "Những vấn đề quyền con người nổi bật nhất trong nước vẫn là: sự hạn chế nghiêm ngặt của chính quyền đối với quyền chính trị của công dân, đặc biệt là quyền của công dân trong việc thay đổi chính quyền thông qua bầu cử tự do và công bằng; hạn chế quyền tự do dân sự của công dân; không bảo vệ đủ quyền pháp lý của công dân, gồm bảo vệ trước sự bắt bớ vô cớ.

"Những vi phạm quyền con người cụ thể bao gồm việc làm chết người tùy tiện và phi pháp; các vụ tấn công của công an và tra tấn; bắt giữ và tạm giam tùy tiện vì hoạt động chính trị; công an tiếp tục đối xử không tốt với nghi phạm khi bắt giữ và tạm giam; và từ chối quyền được xét xử nhanh chóng và công bằng. Hệ thống tòa án không minh bạch và thiếu độc lập, ảnh hưởng kinh tế và chính trị thường xuyên tác động kết quả xử án.

"Chính quyền hạn chế các quyền tự do ngôn luận, báo chí và trấn áp những người bất đồng quan điểm; hạn chế quyền tự do sử dụng Internet, tự do tôn giáo; theo dõi các nhà hoạt động; và tiếp tục hạn chế quyền riêng tư và quyền tự do hội họp, tự do lập hội, và tự do đi lại." - BBC
|
|

Tin Việt Nam

4.
Ở CSIS, ông Nguyễn Phú Trọng nói quan hệ quân sự Mỹ-Việt sẽ được thắt chặt --- TBT Trọng: 'VN trong không khí dân chủ'

Tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố Việt Nam sẽ mở rộng quan hệ với cộng đồng quốc tế trong những năm tới, thắt chặt hợp tác an ninh với Washington. Một sự thay đổi mà lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng sẽ có lợi cho Hoa Kỳ và Việt Nam. Trung Quốc lộ vẻ không vui.

Hà Nội sẽ tăng cường hợp tác quân sự với Washington vì lợi ích của đôi bên và vì Việt Nam có nhu cầu "rất lớn". Trên đây là tuyên bố của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam ngày 08/07 tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Washington, Hoa Kỳ.

Theo AP, qua người thông dịch, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, và cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, giải thích với cử tọa Mỹ là Việt Nam có nhu cầu an ninh và quân sự  "rất lớn". Ông dự báo Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ trong lãnh vực quân sự.

Trước những chỉ trích Hà Nội đàn áp nhân quyền, giam cầm gần 100 nhà đối lập, ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng "nhân quyền là mục tiêu phát triển của Việt Nam". Cũng qua thông dịch viên, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố "phát huy nhân quyền là mục đích chính của chính sách phát triển. Những người bị giam là vì họ vi phạm pháp luật".

Tổng thống Barack Obama, sau khi tiếp ông Nguyễn Phú Trọng, trấn an các tổ chức nhân quyền và cộng đồng người Việt Nam hải ngoại là ông và ông Nguyễn Phú Trọng đã bàn thảo "thẳng thắn một số vấn đề khác biệt" và "những căng thẳng sẽ được giải quyết bằng cung cách hiệu quả".

Trong ngày hôm qua, ông Nguyễn Phú Trọng đến Quốc hội Mỹ để gặp Thượng Nghị sĩ John McCain. Cựu tù nhân Hỏa Lò giới thiệu với lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam một số bức ảnh lưu niệm, trong đó có bức hình chụp hồ Trúc Bạch ngày 26/10/1967 khi phi công John McCain, bị thương, máy bay rớt xuống hồ, vừa được đám đông kéo lên.

Tuy bị tra tấn, ngược đãi trong nhà tù, nhưng từ khi lao vào chính trường, John McCain luôn vận động để thắt chặt quan hệ với Hà Nội, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng tại Đông Nam Á.

Ông tuyến bố với AFP: "Không còn nghi ngờ gì nữa, chính thái độ của Trung Quốc đã thúc đẩy tiến trình hợp tác và cải tiến quan hệ Mỹ-Việt".

Sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng được mời thăm Hoa Kỳ đã gây bực tức cho chính quyền Trung Quốc. Hoàn Cầu Thời Báo, chuyên phản ánh quan điểm của phe diều hâu hù dọa Việt Nam sẽ "ăn đòn trả thù" nếu theo Mỹ chống Trung Quốc.

Giới quan sát còn chú ý đến một chương trình truyền hình tỉnh Vân Nam. Theo nguồn tin của đài VTC News Việt Nam, tướng Doãn Trác, chủ nhiệm Ủy ban Chuyên gia Hải quân Trung Quốc, người chủ trương "phải mạnh tay với ngư dân Việt Nam" bình luận: Mỹ lôi kéo Việt Nam về phía Mỹ để làm "cách mạng màu sắc" tại Việt Nam. - RFI

***
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người đang thăm chính thức Hoa Kỳ, vừa lên tiếng ca ngợi thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người.

Chiều thứ Tư 8/7, ông Trọng đã có bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ở Washington DC và sau đó trả lời một số câu hỏi của cử tọa.

Ông khẳng định người Việt Nam "chưa bao giờ được sống trong bầu không khí dân chủ như hiện nay" tuy thừa nhận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn nhiều khác biệt về cách hiểu phạm trù nhân quyền.

Ngoài ra, ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi "không nên để các vấn đề nhân quyền cản trở quan hệ hai nước".

'Cơ hội bỏ lỡ'

Trong bài phát biểu trước cử tọa tại tổ chức nghiên cứu quan trọng, ông Nguyễn Phú Trọng nói nhiều về quan hệ song phương.

Ông nói: "Một trong những quốc gia đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị chính là Hoa Kỳ; Người đã gửi 14 lá thư cho lãnh đạo Hoa Kỳ, trong đó có Tổng thống Truman, đề nghị thiết lập quan hệ "hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ."

"Tuy nhiên, thật đáng tiếc là có những cơ hội lịch sử đã bị bỏ lỡ và chúng ta đã phải trải qua một giai đoạn đầy thăng trầm và đau thương cho đến khi bình thường hóa quan hệ năm 1995."

Theo ông Nguyễn Phú Trọng, còn có nhiều cách hiều về cuộc chiến Việt Nam, nhưng đối với người Việt Nam, "đó là cuộc kháng chiến để giành độc lập, tự do cho dân tộc mình, giải phóng, thống nhất đất nước mình; không phải là cuộc chiến tranh nhằm chống lại Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ, càng không phải để chống nhân dân Hoa Kỳ".

Lời mời người đứng đầu đảng cầm quyền ở Việt Nam tới Nhà Trắng của Tổng thống Barack Obama được nhìn nhận như thiện chí thúc đẩy quan hệ hai bên của phía Hoa Kỳ.

Ông Trọng nhân chuyến đi này kêu gọi phía Mỹ đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư với Việt Nam.

"Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vẫn áp dụng nhiều rào cản thương mại đối với Việt Nam. Tôi hy vọng việc hoàn tất đàm phán TPP sắp tới sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thương mại giữa hai nước..."

Một chủ đề được nhiều người quan tâm là phát triển dân chủ và nhân quyền. Khi trả lời câu hỏi về chủ đề này, ông tổng bí thư nói giữa hai bên còn nhiều khác biệt.

Ngược lại với chỉ trích của các tổ chức nhân quyền cũng như một số đại diện của chính giới Mỹ, ông Trọng nói: "Người dân Việt Nam chưa bao giờ được sống trong bầu không khí dân chủ như hiện nay".

"Hiến pháp Việt Nam có chương riêng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, và đang dần được luật hóa."

Ông tái khẳng định điều mà lâu nay chính phủ Việt Nam vẫn dùng để giải thích cho các vụ bắt người: "Các vụ việc người bị bắt ở Việt Nam không phải do vấn đề dân tộc hay tôn giáo mà là họ vi phạm pháp luật".

Ông Nguyễn Phú Trọng khuyến cáo: "Cách hiểu của hai bên vẫn còn khác nhau, nên cách tốt nhất là theo tôi là tăng cường đối thoại. Nhưng chúng ta không nên để các vấn đề nhân quyền cản trở quan hệ hai nước". - BBC
|
|

5.
Báo chí Mỹ, Trung nói về chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng

New York Times: Mẫu số chung giữa Việt Nam và Mỹ

Trong bài xã luận đăng trong số báo ra ngày 08/07/2015, tờ New York Times nhắc lại rằng, do ông Nguyễn Phú Trọng không có chức vụ gì trong chính phủ Việt Nam, về nghi thức ngoại giao thì không cần phải có cuộc gặp gỡ với tổng thống Obama. 

Nhưng mặc dù còn bất đồng sâu sắc về nhân quyền và quyền của người lao động, ông Obama đã phá lệ vì ông Trọng là lãnh đạo cao cấp nhất, là nhân vật thuộc phe bảo thủ và đã từng là một trong những người chống đối mạnh mẽ nhất việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ.

Theo New York Times, cuộc gặp gỡ tại Nhà trắng cho thấy quyết tâm của tổng thống Obama xây dựng quan hệ đối tác sâu rộng hơn với các nước châu Á, nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc về kinh tế, chính trị và quân sự, đồng thời bảo đảm an ninh khu vực.

Tờ báo này cho rằng, một lý do khác thúc đẩy hai nước thắt chặt quan hệ, đó là lợi ích chung giữa Washington và Hà Nội. Tổng thống Obama đang cố thúc đẩy việc ký kết hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong tháng này và Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia đàm phán. Một số bất đồng lớn nhất trong việc thương lượng hiệp định này có liên quan đến Việt Nam.

Nhưng theo New York Times, khi thắt chặt quan hệ với Việt Nam, ông Obama gặp sự phản đối từ các tổ chức nhân quyền và một số nghị sĩ Dân chủ. Theo tờ báo này, những chỉ trích đó là đúng, bởi vì mặc dù số tù chính trị ở Việt Nam đã giảm trong những năm gần đây và Hà Nội đã phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về chống tra tấn vào năm 2013, nhưng hơn 100 người Việt Nam vẫn còn bị giam vì lý do chính trị và đối lập bị đàn áp.

Bài xã luận của tờ New York Times cho rằng tổng thống Obama nên tiếp tục thúc giục Việt Nam mở cửa thể chế chính trị và cho người dân hưởng các quyền tự do rộng rãi hơn, như quyền thành lập các công đoàn độc lập hoặc quyền tự do tham gia công đoàn mà mình chọn. Tờ báo viết: “Phải có những tiến bộ trong các lĩnh vực này trước khi Hoa Kỳ bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam hoặc trước khi tổng thống Obama thông báo chính thức ngày viếng thăm đất nước của ông Nguyễn Phú Trọng”.

Washington Post: Hoa Kỳ nên sử dụng ảnh hưởng đối với Việt Nam

Cũng trong số báo ra ngày hôm qua, tờ Washington Post có bài xã luận tựa đề: “Hoa Kỳ không nên ngần ngại sử dụng ảnh hưởng của mình trong quan hệ với Việt Nam”.

Mở đầu bài xã luận, tờ báo viết: “Chính quyền Cộng sản Việt Nam là một vấn đề, mà trước hết là một vấn đề đối với người dân Việt Nam, mà hiện vẫn còn bị đàn áp chính trị, mặc dù đã có những cải cách kinh tế theo hướng thị trường. Bốn mươi năm sau khi Sài Gòn thất thủ, vẫn chưa có chuyển tiếp dần dần sang nền dân chủ đa đảng, vẫn còn 110 tù chính trị và kiểm duyệt gắt gao tại quốc gia Đông Nam Á này”.

Washington Post viết tiếp: “Chế độ Việt Nam cũng là một vấn đề đối với những người vừa chủ trương rằng chính sách ngoại giao của Mỹ phải đặt nặng vấn đề nhân quyền, vừa muốn thúc đẩy hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương, mà trong đó Việt Nam là quốc gia chuyên chế có nhân công rẻ duy nhất".

Nhưng theo tờ báo này, xét về mặt chiến lược, Việt Nam và Hoa Kỳ có lợi ích chung trong việc kềm chế những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Đông Á, những hành động này khiến hai nước trở thành đối tác tự nhiên, cho dù trước đây Hoa Kỳ đã chiến đấu để ngăn không cho những người như ông Trọng chiếm toàn bộ đất nước bị chia đôi lúc ấy. Như lịch sử Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines đã cho thấy, dân chủ ở châu Á phát triển nhờ sự yểm trợ và sự ổn định, mà sự hiện diện quân sự của Mỹ mang lại.

Kết thúc bài xã luận, tờ Washingon Post viết: “Chính quyền Obama và những chính quyền kế nhiệm phải dùng quan hệ chặt chẽ hơn với Hà Nội như là một phương tiện để đến mục tiêu quan trọng hơn hết: quyền tự do lớn hơn (cho người Việt Nam), về mặt chính trị lẫn kinh tế. Trong năm qua, Việt Nam đã bớt đàn áp đối lập, trả tự do cho 50 trên tổng số 160 tù nhân lương tâm. Nhưng đó không phải là thay đổi căn bản của chế độ Hà Nội, mà chỉ là một nỗ lực nhằm đối phó với những người chỉ trích việc cho Việt Nam tham gia TPP. Nhưng dầu sao điều này cho thấy là Hà Nội cần chúng ta (có thể hơn là chúng ta cần họ). Cho nên Hoa Kỳ có một ảnh hưởng không nên ngần ngại sử dụng để giúp cho những người Việt Nam dũng cảm không đồng ý với quan điểm chính trị của nhà cầm quyền“.

Hoàn cầu Thời báo: "Việt Nam sẽ thiệt hại nhiều nhất"

Về phần báo chí Trung Quốc, tờ Hoàn cầu Thời báo, phó bản của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 08/07, đã có một bài nhận định về chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mở đầu bài viết, Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo mang xu hướng dân tộc chủ nghĩa, cho rằng: "Báo chí phương Tây đã diễn giải quá đáng chuyến viếng thăm của ông ấy từ một viễn cảnh địa chính trị. Họ xem chuyến viếng thăm này như là một đòn ngoại giao phối hợp giữa Việt Nam với Mỹ chống lại Trung Quốc và là một chiến thắng mới của Mỹ trong việc đối phó với Trung Quốc về mặt chiến lược".

Theo Hoàn cầu Thời báo, "một số nhà quan sát Mỹ và một số trí thức muốn gồm cả Việt Nam vào phe của Mỹ chống Trung Quốc. Tuy nhiên, mục tiêu này không chỉ xa vời, mà còn sẽ không bao giờ với đến được".

Tờ báo này nhìn nhận rằng việc Hà Nội phát triển quan hệ với Washington là điều tự nhiên, vì dẫu sao Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Duy trì quan hệ tốt với Mỹ sẽ phục vụ cho lợi ích quốc gia của Việt Nam. Xu hướng này sẽ được củng cố trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Nhưng Hoàn cầu Thời báo nhắc lại: "Trong khi Việt Nam xem Trung Quốc như một mối đe dọa cho an ninh quốc gia của mình, thì Việt Nam cũng được hưởng lực kéo kinh tế từ Trung Quốc và cũng được sự sự hỗ trợ từ thế chế Cộng sản Trung Quốc".

Tờ báo này kết luận bài viết với lời cảnh cáo: "Các mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ một phần nhắm vào Trung Quốc, và như vậy sẽ kéo theo các đòn đánh trả của Trung Quốc. Điều này sẽ tạo ra áp lực lên ba phía, nhưng trong trường hợp đó, Việt Nam có thể là kẻ phải chịu thiệt hại nhiều nhất". - RFI
|
|

6.
Việt Nam bắt nhân viên sân bay ‘chôm’ đồ của hành khách

Cơ quan Công an Hà Nội đã bắt giữ một nhân viên tại sân bay quốc tế Nội Bài, trong bối cảnh gia tăng các khiếu nại về tình trạng mất cắp hành lý tại sân bay.

Nghi phạm là người giám sát vận chuyển hàng hóa và hành lý của hành khách, và đã làm việc tại sân bay được 6 năm.

Theo thông tin do Công an Hà Nội cung cấp, nghi phạm và các đồng nghiệp khác đã thực hiện 10 vụ trộm cắp hành lý.

Trong đó, vụ đánh cắp mới nhất là vào tháng 11 năm 2014 với 4 chiếc điện thoại di động trị giá 8 triệu đồng Việt Nam (khoảng 370 USD).

Ngoài ra, nghi phạm còn đánh cắp những hàng hóa có giá trị khác như nước hoa và các phụ kiện thời trang đắt tiền.

Trước đó, khoảng giữa năm 2014, nhân viên này đã thông đồng với đồng nghiệp khác để ăn trộm nhiều điện thoại di động và mang bán tới hơn 54 triệu đồng Việt Nam (khoảng 2.500 USD).

Hiện nay, các cơ quan công an đang điều tra để xác định những đối tượng khác có liên quan đến các vụ trộm cắp này.

Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam cũng cho biết, chỉ riêng trong năm 2014 đã nhận được báo cáo về 48 trường hợp trộm cắp hành lý tại sân bay và đã xảy 23 trường hợp kể từ đầu năm 2015 đến nay.

Cục trưởng Lại Xuân Thanh đầu tuần trước đã yêu cầu các cơ quan hữu quan chung tay ngăn chặn tình trạng mất cắp hành lý ở các sân bay của Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận. - VOA

No comments:

Post a Comment