Friday, July 17, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 17/7

Tin Thế Giới

1.
Ấn Độ sẽ trang bị thêm 200 tàu chiến

Hải quân Ấn Độ vừa thông báo một kế hoạch đầy tham vọng: Bổ sung thêm 200 tàu chiến từ nay đến năm 2027. Như vậy, New Delhi sẽ có số tàu chiến cao gấp đôi so với hiện nay là 137 tàu.

Đồng thời, các quan chức Hải quân Ấn Độ cũng khẳng định việc trang bị thêm 6 tàu ngầm và 3 máy bay vận tải quân sự, bổ sung cho ba trung tâm chỉ huy Hải quân của nước này. Trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Ấn Độ, ngày hôm qua, 16/07/2015, Phó Đô đốc P Murugesan cho biết: "Chính phủ đã đồng ý cho dự án trang bị 6 tàu ngầm hạt nhân SSN hồi đầu năm nay".

Thông thường, Ấn Độ ít nói về chủ đề này và từ chối bình luận về dự án phát triển tàu ngầm nguyên tử. Giờ đây, quan chức Hải quân nước này công khai khẳng định sự tồn tại của dự án. Phó Đô đốc P.Murugesan nói là Ấn Độ đã bắt tay vào dự án, nhưng đòi hỏi có nhiều thời gian. Hải quân Ấn Độ có thể rút ngắn được thời gian. Cho đến nay, loại dự án này thường phải mất khoảng 15 năm.

Hiện nay, mỗi năm, Ấn Độ có thể đóng được 4-5 tàu. Để đạt được mục tiêu đã đề ra là 200 tàu vào năm 2027, ngành đóng tàu Ấn Độ phải gia tăng gấp bội khả năng sản xuất. Theo giới chuyên gia, có thể Ấn Độ sẽ phải mua tàu của nước ngoài để bổ sung cho lực lượng Hải quân. Ấn Độ vẫn là một trong những nước nhập khẩu tàu lớn nhất thế giới.

Trong quá khứ, Nga là nước bán vũ khí nhiều nhất cho Ấn Độ và trong tương lai có thể là đối tác quan trọng trong việc cung cấp tàu chiến cho nước này. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Hoa Kỳ cũng đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí sang Ấn Độ. Theo giới quan sát, kế hoạch bổ sung tàu chiến, phát triển mạnh mẽ lực lượng hải quân của Ấn Độ nhằm đối phó với việc Trung Quốc tăng nhanh chi tiêu quân sự và có nhiều tham vọng.

Các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông làm cho nhiều nước Châu Á và các đồng minh phương Tây của họ lo ngại. Do vậy, Ấn Độ ngày càng trở nên lo ngại vì có đường biên giới chung với Trung Quốc, có tranh chấp lãnh thổ và đã từng xung đột quân sự với nước láng giềng này. - RFI
|
|

2.
Tư lệnh Hải quân Nhật: Nhật Bản có thể tuần tra Biển Đông

Hãng tin Reuters ngày 17/07/2015 dẫn lời Tư lệnh Hải quân Nhật Bản, Đô đốc Katsutoshi Kawano cho rằng Trung Quốc sẽ ngày càng quyết đoán hơn tại Biển Đông, do đó trong tương lai Nhật Bản có thể tiến hành các hoạt động tuần tra và giám sát tại vùng biển này.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, Đô đốc Kawano cho biết có đề cập đến việc tuần tra Biển Đông, kể cả các hoạt động chống tàu ngầm. Nhưng theo quan điểm của Nhật, đây chỉ là một khả năng trong tương lai, tùy theo diễn biến thực tế. Trước đó ông Kawano đã gặp gỡ đồng nhiệm Mỹ, tướng Martin Dempsey, Tổng tham mưu liên quân Hoa Kỳ và thảo luận việc tiến hành các phương hướng quốc phòng song phương đã được đôi bên nhất trí năm 2015.

Các yêu sách của Trung Quốc và việc Bắc Kinh nhanh chóng xây dựng các đảo nhân tạo tại Trường Sa, gây căng thẳng tại Biển Đông - tuyến đường hàng hải huyết mạch trong vùng, đã khiến Tokyo và Washington phải lên tiếng chỉ trích. Bắc Kinh đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, và tranh chấp với Tokyo tại Biển Hoa Đông. Đô đốc Katsutoshi Kawano cho rằng Trung Quốc sẽ còn cứng rắn hơn, và tìm cách mở rộng phạm vi xâm lấn. Ông nói: "Tôi cảm thấy xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai, khi Trung Quốc đi xa hơn chuỗi đảo ở Thái Bình Dương. Do đó nếu có chuyện gì xảy ra, tôi tin rằng tình hình sẽ còn tệ hại hơn".

Bắc Kinh đã tăng cao chi tiêu quốc phòng trong những năm gần đây, và nhắm đến việc phát triển một lực lượng hải quân có thể bảo vệ các lợi ích ngày càng tăng của nền kinh tế thứ nhì thế giới. Việc tiếp tục các hành động xác quyết chủ quyền đã gây lo ngại cho các nước láng giềng, dù Trung Quốc nói rằng không có ý định thù địch. Đô đốc Kawano cho biết thêm, số vụ phi cơ Nhật xuất kích để ngăn trở máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận trong năm 2014 tương đương với thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây.

Phát biểu của Tư lệnh Hải quân Nhật Bản được đưa ra sau khi Thủ tướng Shinzo Abe xúc tiến dự luật quốc phòng, được Hạ viện thông qua hôm 16/07/2015. Với dự luật này, lần đầu tiên kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, Tokyo có thể gởi quân đi chiến đấu ở nước ngoài. Tuy vấp phải những phản đối, nhưng ông Kawano nói ông tin rằng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản rồi sẽ chinh phục được dư luận. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
FBI điều tra động cơ vụ giết hại 4 binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ

Cục Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ, FBI, đang tìm cách xác định động cơ thúc đẩy tay súng đã bắn vào hai cơ sở quân sự ở Chattanooga, trong tiểu bang Tennessee hôm thứ năm, làm 4 binh sĩ thủy quân lục chiến thiệt mạng.

Ông Ed Reinhold của FBI tuyên bố trong một cuộc họp báo khuya hôm thứ năm rằng hiện nay chưa có gì để liên hệ tay súng, được nhận diện là Muhammad Youssef Abdulazeez, với các phần tử khủng bố quốc tế, như khả năng đó đang được điều tra.

Abdulazeez, 24 tuổi, sinh sống ở Hixson, Tennessee, ngay bên kia bờ sông Tennessee đối diện với Chattanooga. Hắn ta đã bị giết trong một vụ nổ súng qua lại.

Giới hữu trách cho hay tay súng đã vừa chạy xe vừa bắn vào một trung tâm tuyển mộ của quân đội tại một khu thương xá nơi 5 binh chủng có văn phòng liền nhau. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói đã có từ 25 đến 30 phát súng nổ và một thành viên của Thủy quân lục chiến làm công tác tuyển mộ đã bị thương ở chân. Ông này đã được đưa đến bệnh viện địa phương điều trị và đã xuất viện.

Tay súng sau đó lái xe khoảng 10 kilomet đến Trung tâm Yểm trợ Hành quân của Hải quân (NOSC) nơi các nhân chứng nói hắn ta lại xả thêm một loạt đạn nữa. 4 binh sĩ thủy quân lục chiến bị thiệt mạng ở trung tâm đó, và một thủy thủ bị thương nặng.

Người ta cho rằng tay súng đã bị các giới chức thi hành công lực ở địa phương hạ sát, sau khi truy đuổi hung thủ từ địa điểm đầu tiên. Tin cho hay một cảnh sát viên đã bị bắn vào mắt cá chân.

Thượng nghị sĩ Bob Corker của tiểu bang Tennessee nói hành vi “điên rồ” này đã làm rúng động cả nước.

Nghi can

Sinh ở Kuwait, Abdulazeez đã nhập tịch Mỹ. Hắn ta là một vận động viên đô vật ở trường trung học với bằng kỹ sư của trường Đại học Tennessee ở Chattanooga.

Nhóm Tình báo SITE tường trình rằng Abdulazeez đã viết một trang blog và hôm thứ hai hắn ta nói “cuộc đời ngắn ngủi và cay đắng.” Theo SITE, hắn ta còn nói, người Hồi giáo không nên bỏ lỡ “cơ hội “khuất phục trước Allah.”

Tháng 4 năm ngoái, cảnh sát địa phương đã chận Abdulazeez vì tội lái xe bất cẩn và chạy quá tốc độ, theo hồ sơ của tòa án. Hắn ta bị cáo buộc về tội lái xe trong khi say rượu.

Nhưng một phụ nữ từng theo học trường trung học Red Bank cùng với Abdulazeez nói với báo Chattanaooga Times Free Press rằng hắn ta là một đứa trẻ trầm lặng và dễ mến.

Bà Kagan Wagner nói với tờ báo này rằng, “Hắn ta thân thiện, vui tính và tử tế. Tôi không thể nghĩ lại là hắn ta. Bà thêm rằng, “Gia đình hắn ta thuộc loại bậc trung ở Chatanooga.”

Báo New York Times tường thuật rằng cha của Abdulazeez đã bị điều tra cách đây nhiều năm về các liên hệ có thể có với một tổ chức khủng bố nước ngoài.

Tiếp cận dễ dàng

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, đại tá Steve Warren nói với các phóng viên rằng tay súng có thể đã không gặp khó khăn khi tiếp cận các cơ sở quân sự.

“Chúng tôi đặt các trung tâm tuyển mộ ở những nơi dễ tiếp xúc với công chúng; chẳng hạn như ở một thương xá. Vì thế mà an ninh không giống như ở Fort Bragg hay ở Sân bay của Hải quân ở Norfolk hay ở Quantico. Do đó đây là một điều mà chúng tôi phải đối phó. Ông nói thêm, Đây là bởi vì chúng tôi phải tiếp xúc với công chúng Mỹ.”

Trung tâm Yểm trợ Hoạt động của Hải quân được sử dụng bởi nhân viên Hải quân và Thủy quân Lục chiến, và thường được gọi là một “trung tâm trừ bị.” Sứ mạng của NOSC ở Chattanooga là cung cấp huấn luyện và yểm trợ sẵn sàng cho nhân viên trừ bị để giúp họ hỗ trợ nhu cầu của tập thể Hải quân và Thủy quân lục chiến,” theo một thông cáo của Bộ Quốc phòng.

Giới hữu trách Hoa Kỳ đang tăng cường an ninh tại các cơ sở liên bang tiếp theo những vụ nổ súng. Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Jeh Johnson cho hay bộ của ông đang theo dõi sát vụ nổ súng và cuộc điều tra của FBI, nhưng ông cảnh báo rằng, “có nhiều tin chưa được kiểm chứng và có thể sai lạc về những diễn biến.”

Cuộc điều tra

Trong một buổi họp báo để tường trình với các phóng viên, một giới chức Bộ Quốc phòng nói những trao đổi bằng mạng xã hội từ các tổ khủng bố đã gia tăng sau khi nhóm Nhà nước Hồi giáo hô hào tấn công trong tháng chay Ramadan của người Hồi giáo, nhưng không có cuộc trao đổi nào đề cập đến các trung tâm tuyển mộ của quân đội. Tháng Ramadan kết thúc vào ngày hôm nay.

Một giới chức nói, “Một cách rất công khai, ISIL đã kêu gọi các phần tử thánh chiến đồng chí tiến hành những vụ khủng bố. Có liên hệ với tuyên bố công khai của ISIL, chúng ta quả đã thấy một sự gia tăng về trao đổi trên mạng. Không có gì là cụ thể. FBI đã loan báo thực hiện một số vụ bắt giữ. Chúng tôi đang theo dõi đến xem phải hành động ra sao.”

Thông điệp phân ưu

Từ Văn phòng Bầu dục, Tổng thống Obama hứa hẹn một cuộc điều tra “tường tận và cấp thời,” nhưng nói thông điệp chính của ông ngay lúc này là lời phân ưu dành cho những quân nhân bị giết hại và gia đình họ.

“Đây là một tình huống đau lòng đối với các cá nhân đã phục vụ đất nước với sự can trường vĩ đại mà lại bị sát hại như thế này.”

Nằm ở phía đông nam Tennessee, Chattanooga là thành phố lớn thứ tư trong tiểu bang này. Lọt giữa rặng núi Blue Mountains và dòng sông Tennessee, thành phố này mang tên Thành phố Hùng vĩ và được coi là một địa điểm du lịch. - VOA
|
|

4.
Tổng thống Hoa Kỳ tiếp Ngoại trưởng Saudi Arabia

Chính quyền Obama đang tiếp tục các nỗ lực quảng bá thỏa thuận hạt nhân Iran với các đồng minh còn hoài nghi, trong khi các nhà ngoại giao xúc tiến việc chuẩn bị phê chuẩn thỏa thuận tại Hội đồng Bảo an LHQ.

Tổng thống Barack Obama hôm nay sẽ tiếp tại Tòa Bạch Ốc Ngoại trưởng Adel al-Jubeir của Ả Rập Xê-út, là nước mà chính phủ đã bày tỏ sự lo ngại về thỏa thuận với đối thủ Iran trong khu vực.

Hôm qua Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã gặp ông Jubeir, người đã không công khai ủng hộ hay bác bỏ hiệp ước hạt nhân Iran.

Người đứng đầu ngành ngoại giao của Ả Rập Xê-út lập lại những quan ngại của chính phủ ông rằng Iran sẽ sử dụng khoản tiền có được nhờ việc nới lỏng chế tài để tiếp tục tài trợ cho các nhóm chủ chiến tại những nước như Syria, Yemen và Lebanon.

Ông Jubeir nói: “Chúng tọi hy vọng phía Iran sẽ sử dụng thỏa thuận này để cải thiện tình hình kinh tế tại Iran và cải thiện đời sống cho người dân Iran, chứ không sử dụng nó vào những cuộc mạo hiểm trong khu vực. Nếu Iran gây rối trong khu vực, thì chúng tôi cam kết sẽ kiên quyết đối đầu với Iran.”

Ông Kerry nói ông tin vào sự hợp tác liên tục giữa Hoa Kỳ và Ả Rập Xê-út và cam kết Washington sẽ góp phần “đẩy lui bất kỳ hành động cực đoan nào, kể các các hoạt động của Iran trong khu vực.”

Theo các nhà ngoại giao, thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được tuần trước giữa Iran và 6 cường quốc thế giới dự trù sẽ được chấp thuận vào sớm thứ hai tới tại Hội đồng Bảo an LHQ ở Vienna.

Nghị quyết sẽ khởi sự tiến trình tháo gỡ các biện pháp chế tài quốc tế áp đặt đối với Iran, đổi lấy việc Tehran từ bỏ chương trình hạt nhân của họ.

Những quan ngại của Israel

Tại Jerusalem, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đã công khai tranh cãi với Thủ tướng Benjamin Netanyahu về thỏa thuận trước khi đi vào các cuộc đàm phán riêng.

Ông Netanyahu nói nhà nước Do Thái muốn Tehran thay đổi hành vi trước đã, trước khi các biện pháp chế tài kinh tế do Liên Hiệp Quốc và phương Tây áp đặt được nới lỏng. Ông nói điều “đáng lo ngại” là hiệp ước không đề cập gì đến việc Tehran kêu gọi tiêu diệt Israel.

Ông Hammond nói ông hiểu được những mối quan ngại của ông Netanyahu về thỏa thuận, và thừa nhận rằng “hành vi trong khu vực” của Iran sẽ “phải được xử lý trong những tháng và những năm sắp tới”, và rằng phương Tây “không ngây thơ về việc này.”

Trước chuyến đi đến Israel, ông Hammond đã nói với quốc hội Anh hôm thứ tư rằng nhà nước Do Thái muốn có một “vụ đối đầu thường trực” với Tehran, nhưng ông Netanyahu nói ông Hammond đã đánh giá “sai.”

Là người đã giúp thương nghị hiệp ước, nhà ngoại giao Anh nói 6 cường quốc thế giới đã đạt được hiệp ước với Iran “ắt hẳn đã không đồng ý với thỏa thuận trừ phi chúng tôi chắc chắn là chúng tôi có sẵn những biện pháp vững mạnh để thực thi việc giám sát hữu hiệu chương trình hạt nhân của Iran.”

Ông Netanyahu đã gọi thỏa thuận là một “sai lầm lịch sử” và đang tìm cách gây thất bại trong việc được quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận.

Ông Hammond nói, “Ông đã khẳng định rõ rằng ông có ý định chiến đấu đến cùng và rằng Israel sẽ tìm cách vận dụng ảnh hưởng của mình tại quốc hội Hoa Kỳ để cản trở tiến trình của thỏa thuận. Tôi tìn rằng hành động đó sẽ không đạt được thành quả.”

Tổng thống Obama bênh vực Thỏa thuận

Tổng thống Obama đã cực lực bênh vực thỏa thuận hôm thứ tư tại một cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc được truyền hình trực tiếp gần như khắp thế giới, mặc dù không gồm cả Iran.

Ông lập luận rằng thỏa thuận là cách tốt nhất để giữ cho Iran không sở hữu một vũ khí hạt nhân, và phản bác những lời công kích thỏa thuận từ phía các đối thủ Cộng hòa tại Quốc hội và các ứng viên ra tranh cử tổng thống để tìm cách kế nhiệm ông khi nhiệm kỳ của ông tại Tòa Bạch Ốc chấm dứt vào đầu năm 2017.

Ông Obama nói: “Nếu 99 phần trăm cộng đồng thế giới và đa số các chuyên gia hạt nhân nhìn vào sự kiện này và nói nó sẽ ngăn trở Iran thủ đắc một quả bom hạt nhân, và quý lập luận rằng không phải như thế, mà ngay cả như nếu có thì chỉ là tạm thời… thì ắt hẳn quý vị phải có một giải pháp nào đó.”

Phó Tổng thống Joe Biden, người đã gặp riêng các đảng viên dân chủ tại Hạ viện hôm thứ tư, đã trở lại trụ sở Quốc hội hôm thứ năm để mở các cuộc hội đàm tương tự với cả đảng viên Dân chủ trong Ủy ban Ngoại vụ Thượng viện.

Ông Obama từng tuyên bố sẽ phủ quyết mọi việc bác bỏ của quốc hội đối với kế hoạch trong thời gian 60 ngày duyệt xét dành cho các nhà lập pháp.

Nếu xảy ra sự kiện này, Hạ viện và Thượng viện sẽ cần có đa số 2 phần 3 để vượt qua việc phủ quyết. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Thủ tướng Cam Bốt: Một số cột mốc biên giới với Việt Nam đặt sai vị trí

Trang báo mạng Cam Bốt, Cambodia Daily, cho hay, Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen hôm qua, 16/07/2015, tuyên bố rằng có một số cột mốc biên giới với Việt Nam bị đặt sai sang bên phần đất của Cam Bốt, đồng thời ông cho biết chính phủ có thể xem xét và "yêu cầu điều chỉnh".

Gần đây các nghị sĩ đối lập Cam Bốt đã khơi dậy vấn đề lãnh thổ với Việt Nam và tố cáo chính phủ của ông Hun Sen đã thỏa hiệp trong kế hoạch cắm mốc biên giới với Việt Nam khiến Cam Bốt bị mất đất.

Theo báo Cambodia Daily, hồi năm 2012, Thủ tướng Hun Sen đã từng có bài diễn văn dài 5 tiếng đồng hồ trước Quốc hội để bác bỏ các cáo buộc như vậy, nhưng hôm qua (16/5), phát biểu trong một buổi lễ tại Phnom Penh, ông Hun Sen lại nói chính phủ có thể phải xem xét lại việc cắm mốc trên chiều dài 1228 km đường biên giới với Việt Nam.

Thủ tướng Cam Bốt cho biết, hai nước đã hoàn thành việc cắm mốc phân định trên 83% chiều dài đường biên giới, Cam Bốt có thể xem xét những trường hợp đặt sai mốc để điều chỉnh. Trên chiều dài đường biên giới còn lại, hai bên vẫn còn chưa thống nhất được với nhau về một số vị trí cắm mốc.

Liên quan đến vấn đề phân định biên giới hai nước, trong cuộc họp báo chiều qua tại Hà Nội, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình, nói phía Cam Bốt đã không đáp ứng đề nghị của Việt Nam về việc không xây dựng các công trình trong phạm vi 100 mét tính từ đường quản lý thực tế về mỗi bên tại khu vực biên giới chưa phân giới cắm mốc.

Cũng trong cuộc họp báo này, trả lời câu hỏi về thông tin được đăng tải trên các trang mạng cho thấy Việt nam đang chuyển vũ khí, khí tài về phía biên giới Tây Nam, đại diện Bộ Ngoại giao Việt nam đã khẳng định đó là những thông tin "không có tính xác thực". - RFI
|
|

6.
Google bỏ 'Tam Sa' khỏi ứng dụng bản đồ

Google Maps vừa chính thức loại bỏ tên gọi 'Tam Sa' (Sansha) ra khỏi bản đồ đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa.

Đây là tên gọi của thành phố được Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm hồi năm 2012.

Bắc Kinh khi đó tuyên bố mục đích thành lập đơn vị hành chính này là nhằm tăng khả năng quản lý, phát triển với các hòn đảo và vùng nước xung quanh các quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa, Trường Sa.

Chính phủ nước này cũng khẳng định việc thành lập Tam Sa nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.

Sau khi điều chỉnh, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa chỉ hiển thị trên Google Maps dưới tên gọi quốc tế 'Paracel Islands'.

Nếu nhập 'Sansha' trên thanh công cụ tìm kiếm của ứng dụng này sẽ không còn mang lại kết quả nào.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời bà Amy Kunrojpanya, giám đốc truyền thông và đối ngoại của Google tại Việt Nam, Thái Lan và các thị trường mới nổi thuộc châu Á-Thái Bình Dương nói “chúng tôi có một chính sách lâu dài áp dụng trên phạm vi toàn cầu về việc mô tả các khu vực tranh chấp".

Google "không có sự xác nhận hay khẳng định vị trí là thuộc quốc gia hay vùng lãnh thổ nào”, bà nói thêm.

Trước đó, Google cũng ngưng sử dụng tên Hoa ngữ đối với một bãi cạn tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.

Bãi cạn này hiện nay hiển thị trên Google Maps dưới tên quốc tế là Scarborough, thay vì là một phần của quần đảo Trung Sa (Zhongsha) của Trung Quốc như trước.

Động thái trên diễn ra sau đợt vận động trên mạng cho rằng tên Hoàng Nham (Huangyan) mà Trung Quốc dùng làm tăng sức mạnh cho đòi hỏi của Bắc Kinh.

Bãi cạn Scarborough là địa điểm đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc đầu năm 2012.

Khi đó suốt nhiều tuần, tàu của hai nước có mặt tại khu vực.

"Chúng tôi đã cập nhật cho Google Maps để khắc phục vấn đề", Google nói trong một thông cáo gửi đến BBC.

"Chúng tôi hiểu rằng các tên gọi địa lý có thể tác động sâu sắc đến cảm xúc và vì vậy chúng tôi đã nhanh chóng sửa chữa sau khi được lưu ý đến vấn đề này."

Chính sách về các vùng tranh chấp của Google nói hãng này luôn ưu tiên những tên gọi được chấp nhận rộng rãi nhất.

Bên cạnh đó, Google cũng "luôn cố gắng tìm cách bao gồm quan điểm từ tất cả các bên mỗi khi xuất hiện các yêu sách mâu thuẫn". - BBC

No comments:

Post a Comment