Saturday, July 4, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 4/7

HAPPY FOURTH OF JULY
Ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ

Tin Thế Giới

1.
Bộ trưởng Tài chánh Hy Lạp tố cáo các chủ nợ là 'khủng bố' --- Biểu tình ở Hy Lạp trước trưng cầu dân ý

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp tố cáo các chủ nợ của Athens là ‘khủng bố’.

Nói chuyện với báo tiếng Tây Ban Nha El Mundo, ông Yanis Varoufakis nói rằng Brussels và tam đầu chế muốn phe bỏ phiếu thuận thắng trong cuộc trưng cầu dân ý là để “làm nhục” người Hy Lạp.

Trong ngày vận động cuối cùng hôm thứ Sáu, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói với hàng ngàn người ở Athens rằng biểu quyết “chống” sẽ giúp chính phủ Hy Lạp có quyền nhiều hơn để mặc cả với các chủ nợ Âu Châu trong các cuộc thương thuyết.

Ông nói "Tôi mời gọi các bạn hãy tuyên bố ‘Không’ với lòng tự hào trước những tối hậu thư này, hãy quay lưng đối với những người khủng bố tinh thần các bạn mỗi ngày."

Trong khi đó, các khoản viện trợ phụ trội của Âu Châu dành cho Hy Lạp đã bị cắt sau khi nước này không thanh toán món nợ 1,8 tỉ đô la trước hạn kỳ là giữa khuya thứ Ba.

Việc Hy Lạp không trả nợ là lần đầu tiên một quốc gia phát triên không thanh toán nợ đúng hạn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trên các đường phố thủ đô Athens hôm thứ Sáu, cảnh sát xô xát với những người biểu tình giữa lúc cử tri sắp sửa đi biểu quyết trong cuộc trưng cầu dân ý mà theo trông đợi sẽ quyết định hướng đi sắp tới của chính phủ.

Ba cuộc thăm dò mới đây cho thấy cử tri chọn bỏ phiếu thuận dẫn đầu một khoảng cách ngắn.

Các nhà phân tích nói lý do một phần là vì những lo sợ do những biện pháp kiểm soát tiền tệ trong tuần qua đã đóng cửa các ngân hàng, và giảm thiểu đáng kể số tiền tối đa thân chủ được rút ra tại các máy tự động.

Nói chuyện với các nhà báo tại Luxembourg hôm qua, Chủ tịch Uỷ hội Âu Châu Jean Claude Juncker nói rằng biểu quyết chống có nghĩa là vị thế của Hy Lạp sẽ bị ‘suy yếu đáng kể’. - VOA

***
Hàng chục nghìn người xuống đường tham gia các cuộc biểu tình kình chống nhau tại Athens, Hy Lạp, trước thềm cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7.

Thủ tướng Alexis Tsipras nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ đám đông sau khi kêu gọi cử trị bỏ phiếu 'Không' trước điều khoản mà các chủ nợ đưa ra để đổi lại một gói cứu trợ quốc tế.

Tuy nhiên những người tham gia một cuộc biểu tình lớn khác gần đó cảnh báo việc bỏ phiếu 'Không' sẽ khiến Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng euro.

Một tòa án tại Hy Lạp trước đó đã bác bỏ những nghi vấn về tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7, và khẳng định việc bỏ phiếu sẽ tiếp tục diễn ra.

Chương trình cứu trợ của Hy Lạp đã hết hạn hôm 30/6. Các ngân hàng nước này đã phải đóng cửa suốt một tuần và trần rút tiền mặt bị giới hạn ở mức 60 euro/ngày.

Phóng viên BBC tại Athens, Chris Morris, nói cuộc trưng cầu dân ý giờ đây đã trở thành sự lựa chọn có nên ở lại khu vực euro hay không.

"Khả năng thiệt hại cho các bên là rất lớn, khiến cuộc khẩu chiến trở nên ngày càng khốc liệt hơn. Cho đến nay vẫn không ai chắc chắn được rằng các ngân hàng của Hy Lạp có thể mở cửa vào tuần sau như chính phủ đã hứa", phóng viên của chúng tôi nhân định.

Kết quả thăm dò hôm 3/7 của hãng Ipsos cho thấy 44% người dân nước này ủng hộ bỏ phiếu 'Có', trong khi 43% ủng hộ bỏ phiếu 'Không'.

'Ngày tận thế'

Ước tính có khoảng 25.000 đến 50.000 người xuống đường tại Athens hôm 3/7. Cảnh sát và giới quan sát cho biết đám đông tham gia ủng hộ việc bỏ phiếu 'Không' có vẻ lớn hơn.

Trong bài diễn văn tối 3/7, ông Tsipras tái khẳng định quan điểm mà ông đã đưa ra tuần trước - Hy Lạp cần bảo vệ danh dự và "nói 'Không' trước tối hậu thư của châu Âu".

Ông nói: "Đây không phải là biểu tình, mà là ăn mừng việc vượt lên trên nỗi sợ hãi và hành động tống tiền".

Ông Tsipras đã kêu gọi người dân Hy Lạp "sống trong danh dự".

Tuy nhiên ông cũng phủ nhận việc bỏ phiếu "Có" đồng nghĩa với việc rời khỏi châu Âu.

"Chúng ta sẽ không để cho họ phá hoại châu Âu," ông nói.

Tuy nhiên, cách đó chỉ vài trăm mét, những người ủng hộ bỏ phiếu "Có" nói họ không tin rằng ông Tsipras có thể làm đúng lời hứa này.

Ông Nikos, một bác sỹ, nói với hãng thông tấn AFP: "Họ không thể giả vờ rằng không muốn rời khỏi khu vực đồng euro".

Kinh tế gia Marina Peppa, 45 tuổi, vốn đang thất nghiệp, nói với Reuters: "Điều này sẽ không dễ dàng, nhưng nếu phe ủng hộ bỏ phiếu 'Không' giành chiến thắng, chúng tôi sẽ đối mặt với ngày tận thế, sự nghèo nàn trên toàn diện".

Thị trưởng Athens George Kaminis nói người dân thậm chí còn không hiểu rõ câu hỏi trên lá phiếu.

"Chúng ta đang bị lôi kéo vào một cuộc trưng cầu dân ý vô nghĩa, gây chia rẽ trong người dân và làm tổn thương đất nước," ông nói.

Các lãnh đạo châu Âu cũng đã bác bỏ ý kiến từ giới chính trị gia Hy Lạp rằng việc bỏ phiếu 'Không' sẽ giúp chính phủ nước này có vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu Jeroen Dijsselbloem, khẳng định lá phiếu 'Không' sẽ làm suy yếu vị thế của Hy Lạp và ngày cả một lá phiếu 'Có' cũng không có nghĩa là việc đi đến một thỏa thuận sẽ trở nên dễ dàng.

Ông Dijsselbloem nói: "Cần có những quyết định cứng rắn để đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng suy thoái. Bất cứ chính trị gia nào nói có thể tránh khỏi điều này bằng việc bỏ phiếu 'Không' đều đang đánh lừa người dân của mình". - BBC
|
|

2.
Kiện TQ về Biển Đông: Philippines cử phái đoàn cao cấp tới La Haye

Liên quan đến vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông, hôm qua 03/07/2015, theo AFP, chính quyền Philippines thông báo một phái đoàn cao cấp sẽ tới La Haye (Den Haag), Hà Lan, để tham dự điều trần tại Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) của Liên Hiệp Quốc. Vòng điều trần, dự kiến diễn ra từ ngày 07 đến ngày 13/07/2015, sẽ quyết định xem Tòa án này có đủ thẩm quyền thụ lý vụ kiện của Manila hay không. Đại diện chính quyền Philippines tin tưởng lập trường của Manila sẽ được sự ủng hộ của Tòa án Liên Hiệp Quốc.

Người phát ngôn của Phủ Tổng thống Philippines cho biết, trong phái đoàn tới La Haye, có Chủ tịch Thượng viện Franklin Drilon, người phát ngôn Hạ viện Feliciano Belmonte Jr., Ngoại trưởng Albert Del Rosario, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin và Bộ trưởng Tư pháp Leila De Lima. Vẫn theo người phát ngôn Philippines, Chánh văn phòng phủ Tổng thống Paquio Ochoa Jr. hiện đã có mặt tại La Haye để tiếp xúc với các luật sư bảo vệ quyền lợi cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc.

Phát biểu trên đài truyền thanh của chính phủ, phát ngôn viên Phủ Tổng thống Abigail Valte khẳng định: "Chúng tôi đã chuẩn bị một hồ sơ chắc chắn… Chúng tôi tin tưởng Tòa án sẽ đứng về phía chúng tôi trong vụ kiện".

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose tuyên bố, nếu Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc khẳng định có thẩm quyền thụ lý vụ kiện, Manila sẽ tiếp tục đề nghị Tòa xem xét lập trường pháp lý của Philippines trong một vòng điều trần khác.

Philippines là một trong số các quốc gia lên án dữ dội nhất các yêu sách chủ quyền trên gần trọn Biển Đông của Trung Quốc. Vòng điều trần của Tòa án Liên Hiệp Quốc chuẩn bị diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa tiến hành một đợt mở rộng và xây cất lớn tại một loạt các đảo tranh chấp ở Trường Sa, bất chấp sự phản đối mạnh của Hoa Kỳ, cũng như các quốc gia láng giềng như Philipines, Việt Nam.

Từ đầu năm 2013, chính quyền Philippines quyết định khởi kiện Bắc Kinh lên Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc. Tháng 12/2014, chính quyền Việt Nam đã bày tỏ với Tòa trọng tài lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện và đề nghị Tòa quan tâm đến "các quyền và lợi ích pháp lý" của Việt Nam. - RFI
|
|

3.
Putin: Quan hệ Mỹ-Nga là chìa khoá để giải quyết khủng hoảng trên thế giới

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói quan hệ giữa Moscow và Washington vẫn là yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm ổn định và an ninh trên thế giới.

Trong một thông điệp chúc mừng gửi đến Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm nay nhân dịp Lễ Độc lập Hoa Kỳ, ông Putin nói rằng bất chấp những khác biệt quan điểm, Nga và Hoa Kỳ có thể tìm ra những giải pháp cho những vấn đề quốc tế gay go nhất và sát cánh trực diện với những thách thức toàn cầu, nếu hai nước tham gia một cuộc đối thoại dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng các lợi ích của nhau.

Ông Putin cũng đề nghị hợp tác với chính phủ của Tổng thống Obama trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố do Nhà nước Hồi giáo đặt ra.

Theo điện Kremlin, ông Putin đã giao trách nhiệm cho Ngoại trưởng Sergei Lavrov để thảo luận về một chiến lược chống khủng bố chung với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Các quan hệ Mỹ-Nga đã sa sút tới điểm thấp nhất từ thời Chiến tranh lạnh vì cuộc tranh chấp ở Đông bộ Ukraine, và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014.

Nga đã leo thang những phát biểu chống Hoa Kỳ sau khi Moscov tuyên bố rằng các biện pháp chế tài của các nước phương Tây để trừng phạt Moscov là kết quả của áp lực từ Hoa Kỳ.

Các nước Tây phương cũng lên tiếng tố cáo nước Nga là ủng hộ cuộc nổi dậy ở Đông bộ Ukraine, điều mà Nga bác bỏ, nói rằng những người Nga sát cánh chiến đấu với thành phần ly khai ở vùng Donbas là những người tình nguyện. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Hoa Kỳ ăn mừng Lễ Độc Lập --- Cảnh sát tăng cường an ninh bảo vệ các sinh hoạt mừng Lễ Độc Lập

Người Mỹ trên khắp nước hôm nay 4/7 ăn mừng kỷ niệm năm thứ 239 ngày Hoa Kỳ giành được độc lập từ tay nước Anh, với những cuộc tuần hành, picnic, pháo bông và các buổi hoà nhạc.

Tổng thống Barack Obama chúc mừng tất cả các công dân Mỹ một ngày Lễ Độc Lập tươi vui trong bài diễn văn hàng tuần của ông. Ngày này, 4/7, cũng đánh dấu sinh nhật thứ 17 của con gái lớn của ông, Malia.

Gia đình Tổng thống Obama đang tổ chức một "buổi nướng thịt sau vườn nhà" để tiếp đãi các vị khách mời là các quân nhân Mỹ và gia đình của họ.

Trong khi đó, một buổi lễ nhập tịch dành cho 100 công dân mới sẽ diễn ra tại Mount Vernon, cơ ngơi do George Washington, vị Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, để lại ở bang Virginia. Tại buổi lễ này diễn giả chính sẽ là Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương John Brennan. Các nghệ sĩ đóng vai Tổng thống Washington và phu nhân Martha cũng có mặt tại Mount Vernon trong dịp này.

Tối hôm nay sẽ có một buổi hoà nhạc và màn bắn pháo bông tại Quảng trường Quốc gia trước tiền đình Quốc hội Mỹ. Buổi hoà nhạc sẽ có mặt của các nghệ sĩ Barry Manilow từ Alabama, và ban nhạc Sunshine, Nicole Scherzinger, ca sĩ tenor người Ireland Ronan Tynan và Dàn nhạc Giao Hưởng Quốc gia.

Ngày 4/7 năm 1776, đại diện của 13 thuộc địa Mỹ chính thức thi hành Tuyên bố Độc lập, loan báo cắt đứt quan hệ với Anh Quốc.

Chiến tranh giành độc lập đã khởi sự từ năm trước đó, và kéo dài cho tới khi ký Hiệp định Paris vào năm 1783, chính thức công nhận chủ quyền của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. - VOA

***
Cảnh sát Mỹ tăng cường an ninh để bảo vệ các sinh hoạt mừng ngày Lễ Độc lập Hoa Kỳ, sau khi các cơ quan an ninh cảnh báo về những mối đe doạ khủng bố tiềm tàng, có thể được hoạch định trùng với ngày Lễ Độc lập 4 tháng 7.

Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công tại Tunisia và Kuwait.

Các giới chức thi hành công lực tại Hoa Kỳ khuyên dân chúng hãy chú ý tới mọi việc chung quanh, và báo cho cảnh sát, nếu họ thấy bất cứ điều gì khả nghi. - VOA
|
|

5.
Máy bay Solar Impulse 2 vượt Thái Bình Dương đến Hawaii

Một máy bay bay bằng năng lượng mặt trời của Thụy Sĩ đã đáp xuống ở Hawaii vào lúc 6:00 giờ sáng giờ địa phương (1600 UTC) hôm thứ Sáu, hoàn thành chuyến bay vượt Thái Bình Dương phá kỷ lục, là chặng rủi ro nhất của hành trình 35.000 km vòng quanh thế giới mà không tốn một giọt nhiên liệu nào.

Phi công Andre Borschberg của máy bay Solar Impulse 2 (Si2) bay 120 giờ, phá kỷ lục bay solo lâu nhất do nhà thám hiểm người Mỹ Steve Fossett nắm giữ, người đã bay vòng quanh thế giới trong 76 giờ bằng một máy bay phản lực được thiết kế đặc biệt.

Borschberg ngủ những giấc kéo dài 20 phút trong suốt cuộc hành trình trong buồng lái không điều áp trong khi máy bay đang bay ở chế độ tự động.

Si2 bay cất cánh từ thành phố Nagoya, Nhật Bản hôm thứ Hai sau một khoảng thời gian dừng không lên lịch trước, kéo dài cả tháng. Chiếc máy bay được chuyển hướng đến Nagoya vì thời tiết xấu vào đầu tháng 6, trên chuyến bay từ Nam Kinh ở miền đông Trung Quốc đến quần đảo Hawaii.

Nhà thám hiểm người Thụy Sĩ Bertrand Piccard sẽ bay trong chặng tiếp theo từ Hawaii đến thành phố Phoenix, bang Arizona của Mỹ. Từ đó Solar Impulse dự kiến sẽ bay đến New York, trước khi băng qua Đại Tây Dương đến đích cuối cùng ở thành phố Abu Dhabi, Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả-rập, nơi mà cuộc hành trình khởi sự hôm 9 tháng Ba.

Solar Impulse 2 là đứa con tinh thần của hai nhà khoa học người Thụy Sĩ Borschberg và Piccard, những người đã khởi động dự án vào năm 2002.

Chiếc máy bay làm bằng sợi carbon một chỗ ngồi có sải cánh 72 mét, dài hơn độ dài sải cánh của một chiếc máy bay Boeing 747, và nặng cỡ một chiếc xe hơi. 17.000 tấm pin quang năng được lắp trong cánh máy bay để nhận năng lượng mặt trời và nạp điện cho pin sử dụng trên máy bay.

Piccard và Borschberg nói rằng họ không có ý định cách mạng hóa ngành công nghiệp hàng không, mà thay vào đó chứng minh rằng những nguồn năng lượng thay thế và những công nghệ mới có thể đạt được điều mà một số người coi là không thể. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Chính trị VN qua chuyến đi Mỹ của ông Trọng

Vũ Tường
Phó Giáo sư, Đại học Oregon

Chuyến đi làm việc của ông Nguyễn Phú Trọng, và trước đó của các ông Phạm Quang Nghị và Trần Đại Quang là những chuyến đi lần đầu tiên của một Tổng Bí thư, Bí thư Thành ủy Hà nội, và Bộ trưởng Bộ Công An đến Mỹ.

Rõ ràng đây là những sự kiện quan trọng, nhưng quan trọng đến mức nào thì cần phải bàn. Phân tích chính trị Việt Nam khó vì thiếu thông tin xác thực. Nhưng điều này không ngăn cản chúng tôi đưa ra một số nhận xét dưới đây, dựa trên năm yếu tố hay xu hướng căn bản trong chính trị và quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong những năm gần đây.

Xin phép được tiết lộ trước kết luận của bài viết: Nói chung chúng tôi không đánh giá cao chuyến đi của ông Trọng.

Năm yếu tố hay xu hướng căn bản trong chính trị và quan hệ đối ngoại của Việt Nam là:

Thứ nhất, đấu đá tranh giành đặc quyền đặc lợi giữa các phe nhóm và cá nhân lãnh đạo các cấp ở Việt Nam ngày càng lớn về quy mô và mức độ. Trong thời điểm chuẩn bị Đại Hội Đảng như hiện nay, với cơ cấu nhân sự nhiệm kỳ tới là mục tiêu, việc đấu đá còn gay gắt hơn.

Thứ hai, trong chóp bu Đảng Cộng sản có nhiều người còn trung thành với chủ nghĩa Mác-Lê nin, xem Trung Cộng về căn bản là đồng minh chiến lược trong khi cảnh giác cao đối với Mỹ. Ông Trọng rõ ràng là một người trong nhóm này.

Thứ ba, 'tiền và mafia' ngày càng 'lũng đoạn' chính trị Việt Nam, chi phối hầu hết những vấn đề quan trọng từ việc bổ nhiệm nhân sự cho đến quyết sách ngoại giao. Các thế lực có tiền gồm chính phủ nước ngoài, các công ty ngoại quốc lớn, và giới tư bản đỏ cấu kết với các lãnh đạo Đảng.

Thứ tư, chính sách quân sự của Trung Quốc đang gây áp lực lớn lên chính trị Việt Nam. Áp lực từ dưới lên và từ trong ra đòi hỏi Đảng Cộng sản có lập trường cứng rắn hơn về vấn đề biển đảo. Áp lực này đang tạo ra phân hóa sâu sắc trong nội bộ Đảng này.

Và thứ năm, về quan hệ Mỹ-Việt, một số chính khách lớn của Mỹ như Thượng Nghị Sĩ John McCain xem Việt Nam là một đối tượng hợp tác quan trọng trong việc ngăn cản Trung Quốc bành trướng thế lực ở Á châu.

Dĩ nhiên những người ủng hộ Việt Nam ở Mỹ, kể cả ông McCain, không đủ quyền tự ý quyết định quan hệ Mỹ-Việt, vì có nhiều chính khách khác muốn bắt Việt Nam phải trả giá cho những vi phạm nhân quyền. Về mặt quyền lợi quốc gia, Mỹ cũng có nhiều đồng minh lâu năm khác ở Á châu, nên Việt Nam không phải là 'lá bài' chủ yếu hay duy nhất.

Lý do có chuyến thăm

Trên đây là những xu hướng căn bản của nền chính trị và quan hệ đối ngoại của Việt Nam hiện nay mà chúng ta có thể ít nhiều chứng thực từ các nguồn thông tin khác nhau.

Những xu hướng này giúp trả lời hai câu hỏi sau đây.

Thứ nhất, tại sao Washington mời ông Trọng?

Tổng thống Barack Obama, lãnh đạo Đảng Cộng Hòa, giới chức quốc phòng, và các nhóm lợi ích đại diện cho một số đại công ty của Mỹ muốn Quốc Hội Mỹ thông qua Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hai trong những trở ngại chính liên quan đến Việt Nam là việc Hà Nội không cho công nhân quyền tự do lập công đoàn và thành tích vi phạm nhân quyền cao của Việt Nam.

Mời ông Trọng và ông Quang sang Mỹ là có ý định cho thấy Mỹ công nhận quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản và không có mưu đồ chuyển hóa Việt Nam như họ lo sợ.

Qua việc bày tỏ thiện chí, chính quyền Obama có thể thuyết phục Bộ Chính trị chấp nhận viết vào Hiệp định TPP một vài câu 'mơ hồ' về cải thiện nhân quyền ở Việt Nam để Quốc Hội Mỹ dễ chấp thuận hơn.

Washington cũng có thể hy vọng công an Việt Nam thả một vài nhân vật đối kháng và giảm bớt việc bắt bớ đàn áp trong một giai đoạn nào đó.

Có thể tiên đoán Washington sẽ đạt được những mục tiêu khiêm tốn trên.

Thứ hai, vì sao Việt Nam nhận lời?

Tại sao ông Trọng (và trước đó là Nghị và Quang) nhận lời đi Washington?

Áp lực từ Trung Quốc và đấu đá nội bộ là những lý do chủ yếu.

Vụ Trung Quốc đặt giàn khoan năm ngoái đã làm yếu thế phe thân Trung Quốc ở Việt Nam.

Nhiều nhà quan sát cho rằng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đối thủ của ông Trọng và có nhiều khả năng sẽ thắng thế trong cuộc tranh giành chức vụ tổng bí thư nhiệm kỳ sắp tới, dù ông Trọng muốn dành chức này cho ông Nghị.

Còn sớm để nhận định

Chúng tôi cho rằng còn hơi sớm để nhận định.

Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản vẫn còn thế lực rất lớn so với Ban Chấp hành Trung ương, đặc biệt là trong vấn đề cơ cấu nhân sự trong mỗi nhiệm kỳ Đại Hội Đảng.

Ông Trọng và Nghị vẫn còn ưu thế, mặc dù phải dè dặt hơn.

Chuyến đi Mỹ của hai ông vì vậy có tác dụng giảm bớt áp lực chính trị đối nội và đối ngoại, lấy lại thế chủ động trong vấn đề quan hệ với Trung Quốc để bảo vệ vị thế của phe nhóm trong kỳ Đại Hội tới.

Là cán bộ tuyên huấn chuyên nghiệp trong bộ máy công chức với tầm nhìn và năng lực hạn chế, ông Trọng không thể và thực sự chưa bao giờ tạo ra đột phá.

Chuyến đi của ông chỉ là một chiến thuật be bờ cố thủ cho qua Đại Hội.

Ông Trọng có thể hài lòng với chuyến đi, như ông từng tuyên bố sau khi đi Vatican về: “Mình phải như thế nào người ta mới mời chứ!”

Nhưng áp lực từ Trung Quốc và đấu đá nội bộ rõ ràng sẽ không giảm, đòi hỏi ông phải tiếp tục cố gắng hơn.

Nhìn xa hơn chuyến đi, những xu hướng căn bản của chính trị Việt Nam cho phép chúng tôi tiên đoán ba điều sau đây:

Thứ nhất, Hiệp định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được thông qua, nhưng kinh tế Việt Nam ngày càng lệ thuộc Trung Quốc nhiều hơn;

Thứ hai, chiến tranh Việt-Trung sẽ không xảy ra dù Trung Quốc ngày càng lấn lướt;

Và thứ ba, lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ sẽ được giỡ bỏ phần lớn, nhưng quan hệ đồng minh thực sự giữa Việt Nam và Mỹ vẫn xa vời.

Nếu những tiên đoán trên chứa đựng nghịch lý, điều đó không phải ngẫu nhiên, mà do chúng phản ánh những mâu thuẫn sâu sắc và sự bế tắc của nền chính trị Việt Nam. - BBC

No comments:

Post a Comment