Tin Thế Giới
1.
Bắc Kinh lắp ráp thủy phi cơ lớn nhất thế giới để triển khai ở Biển Đông
Báo chí Trung Quốc ngày hôm qua, 18/07/2015 đưa tin, nước này bắt đầu tiến hành lắp ráp thủy phi cơ lớn nhất thế giới và loại máy bay này có thể được triển khai tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông.
Theo China Daily, Tổng Công ty hàng không Trung Quốc, nơi thực hiện lắp ráp thủy phi cơ AG-600 đã nhận được 17 đơn đặt hàng từ các đơn vị ở trong nước. Việc lắp ráp máy bay trước hết để phục vụ thị trường trong nước, đồng thời mở ra khả năng xuất khẩu.
Quan chức phụ trách thiết kế cho biết, loại máy bay này có 4 động cơ và đây là loại thủy phi cơ lớn nhất trên thế giới, hơn cả máy bay ShinMaywa US-2 của Nhật Bản và Beriev Be-200 của Nga. AG-600 có thể chở được 53 người, trọng tải khi cấp cánh là 53,5 tấn và có tầm hoạt động là 4500 km. Trung Quốc đã hủy không đặt đóng loại thủy phi cơ SH-5.
Theo lãnh đạo Tổng công ty hàng không Trung Quốc, ngay từ ngày đầu tiên bắt đầu dự án, thủy phi cơ AG-600 đã được thiết kế để phục vụ thị trường thế giới và Trung Quốc tin tưởng vào tiềm năng của thị trường này vì tất cả các tính năng của thủy phi cơ mới như tải trọng tối đa khi cấp cánh, tầm hoạt động, đều hơn hẳn các loại máy bay khác trên thế giới.
Bắc Kinh cho rằng các nước có nhiều đảo như Malaysia hoặc New Zealand sẽ quan tâm đến thủy phi cơ AG-600. Lãnh đạo Tổng công ty hàng không Trung Quốc nói thêm, trong số 17 đơn vị đặt hàng có một công ty mua thủy phi cơ này để chở du khách đến tham quan các đảo và rạn san hô ở Biển Đông. Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan tại Biển Đông.
Ngoài các hoạt động chữa cháy rừng, tìm kiếm, cứu hộ trên biển, chuyên chở người và hàng hóa, AG-600 còn phục vụ các hoạt động thực thi pháp luật trên biển và thủy phi cơ này có thể bay khứ hồi Tam Á-James Shoal (Trung Quốc gọi là Tằng mẫu ám sa) mà không cần tiếp tế nhiên liệu.
Dự án AG-600 được bắt đầu từ tháng 09/2009. Theo kế hoạch, thủy phi cơ này sẽ tiến hành chuyến bay thử đầu tiên vào nửa đầu năm 2016 và trong vòng 15 năm tới, Trung Quốc sẽ cần tới ít nhất là 100 chiếc thủy phi cơ này. - RFI
|
|
2.
Biểu tình chống Nga tại Gruzia
Ngày hôm qua, 18/07/2015, khoảng 3.000 người đã biểu tình tại Tbilissi, thủ đô Gruzia, để phản đối Nga sáp nhập Nam Ossetia và Abkhazia, các lãnh thổ ly khai thân Moscow.
Theo quan sát của AFP, những người biểu tình giương cao các biểu ngữ tố cáo chính sách xâm lược của Tổng thống Vladimir Putin, đòi ngăn chặn các hành động xâm lấn lãnh thổ của Nga.
Hôm thứ Ba, 14/07, Bộ Ngoại giao Gruzia cáo buộc Moscow "đe dọa hòa bình và ổn định" trong khu vực nam Kokaz, với các hành động xâm lấn đất đai của Gruzia.
Theo Tbilissi, lính biên phòng Nga trong tuần trước, đã di chuyển các mốc đánh dấu đường phân định biên giới giữa Gruzia và vùng ly khai Nam Ossetia, làm cho đường phân định này chỉ cách đường cao tốc nối liền đông-tây Gruzia có 450 mét và do vậy, mở rộng thêm lãnh thổ của Nam Ossetia.
Chính vì thế, một phần đường ống dẫn dầu nối liền Baku, thủ đô Azerbaidjan và cảng Soupa của Gruzia, bên bờ Hắc Hải, giờ đây nằm trên lãnh thổ của Nam Ossetia, nơi có hàng ngàn quân lính Nga đồn trú.
Hệ thống ống dẫn dầu này dài khoảng 830 km, có khả năng vận chuyển 100,000 thùng dầu mỗi ngày, cung ứng cho các thị trường Châu Âu.
Ngoài sự hiện diện quân sự tại Nam Ossetia, Nga còn có các căn cứ quân sự ở Abkhazia, một vùng lãnh thổ ly khai thân Moscow.
Tbilissi tố cáo sự hiện diện của binh lính Nga tại hai vùng ly khai nói trên là hành động "chiếm đóng". Hai vùng này chiếm 20% tổng diện tích của Gruzia. - RFI
|
|
3.
Ông Cameron: Anh cần giữ vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống IS
Thủ tướng Anh David Cameron nói nước ông cần giữ một vai trò lớn hơn trong nỗ lực đánh bại nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Xuất hiện trong chương trình Meet the Press trên đài truyền hình NBC News hôm Chủ nhật, Thủ tướng Cameron nói: "Chúng tôi hiểu là cần phải đánh bại ISIL, chúng ta phải đập tan Nhà nước Hồi giáo này, bất chấp là ở Iraq hay Syria. Đó là phần then chốt của cuộc chiến nhằm đập tan tai họa khủng bố mà chúng ta đang đối diện."
Quân đội Anh hồi tuần trước cho hay các lực lượng của họ đã thực hiện những cuộc oanh kích ở Syria trong chiến dịch phối hợp với các lực lượng đồng minh.
Anh Quốc cung cấp thông tin trinh sát và tiếp nhiên liệu trên không ở Syria, đồng thời thực hiện các cuộc oanh kích ở Iraq trong chiến dịch của liên minh quốc tế chống các phần tử khủng bố của nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo tuyên bố đã thực hiện một vụ đánh bom xe lớn, giết chết hơn 130 người vào chiều tối thứ Sáu gần thủ đô Baghdad của Iraq.
Các giới chức nói rằng vụ đánh bom làm bị thương ít nhất 170 người khác, và đó là vụ đánh bom nhắm vào thường dân gây thương vong nghiêm trọng nhất trong một thập niên qua.
Một thông cáo của Tòa Bạch Ốc gọi vụ đánh bom nhắm vào một khu chợ trong thị trấn Khan Beni Saad có đa số là người Hồi giáo Shia là "một bằng chứng đau thương nữa của sự tàn ác mà nhóm khủng bố ISIL tiếp tục gieo rắc lên người dân Iraq."
Thông cáo nói các phần tử khủng bố này "chủ ý và tàn nhẫn nhắm vào thường dân Iraq đang mừng lễ Eid-al-Fitr" đánh dấu chấm dứt tháng chay Ramadan.
Phái bộ Liên hiệp quốc ở Iraq ra một thông cáo gọi vụ tấn công là một "cuộc tàn sát khủng khiếp thực sự vượt ngoài mọi ranh giới của cách hành xử văn minh."
Các phần tử Nhà nước Hồi giáo nói vụ tấn công là nhằm giết chết những người Hồi giáo Shia. Nhóm này viết trên Twitter rằng người thực hiện vụ tấn công chở theo khoảng 3 tấn thuốc nổ trong xe.
Nhóm cực đoan này thường dùng Internet và các mạng truyền thông xã hội để quảng bá cho các hành động của bọn chúng và chiêu dụ người theo.
Phát biểu trên đài truyền hình NBC, Thủ tướng Cameron nói rằng ông hy vọng sẽ thuyết phục giới thanh niên Anh phủ nhận Nhà nước Hồi giáo và những khuyến dụ của nhóm này. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Trump gây giận dữ vì công kích McCain
Nhân vật đang chạy đua giành vị trí ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà, Donald Trump đã gây tức giận khi tấn công vào hồ sơ quân nhân của Thượng nghị sỹ John McCain, người từng là tù binh chiến tranh trong cuộc chiến Việt Nam.
Nhà tỷ phú đồng thời là ngôi sao truyền hình thực tế nói rằng ông McCain được coi là người hùng chỉ nhờ vào việc đã từng là tù binh chiến tranh.
Ông nói thêm: "Tôi ưa những người không bị bắt."
Những lời nhận xét của ông đã khiến có những chỉ trích mạnh mẽ ngay trong đảng Cộng hoà.
Ứng viên đang cùng cạnh tranh, Rick Perry nói những lời bình luận này là một điểm 'đi xuống' của chính trị Hoa Kỳ.
Ông Trump sau đó đã cố gắng làm rõ hơn về những nhận xét của mình, tuy không xin lỗi.
Kinh tởm'
"Nếu một người bị bắt thì họ là anh hùng, theo cách nhìn của tôi," ông nói. "Tôi không ưa những gì mà ông McCain đang làm tại quốc hội bởi ông ấy không quan tâm tới các cựu chiến binh của chúng ta."
Hai chính trị gia trước đây đã từng đụng độ nhau; ông McCain cáo buộc ông Trump là "nổ ra những thứ điên loạn" bằng các cuộc tấn công vào người nhập cư Mexico.
Ông McCain từng bị giam năm năm rưỡi tại Hoả Lò sau khi phi cơ của ông bị bắn hạ trong cuộc chiến Việt Nam.
Ông Trump đã tránh đi quân dịch bằng việc hoãn để đi học và vì lý do sức khoẻ.
Ứng viên trong cuộc chạy đua tranh cử hồi 2008 vẫn chưa phản hồi gì trước các bình luận của ông Trump, nhưng con gái ông là Meghan đã viết lên twitter rằng bà cảm thấy 'kinh tởm'.
Nhiều đối thủ cạnh tranh với ông Trump trong cuộc chạy đua vị trí ứng viên tổng thống đã đua nhau công kích ông.
Hiện có 15 người đang muốn giành vị trí ứng viên tổng thống đại diện cho phe Cộng hoà.
Ông Trump đã dẫn điểm trong một số cuộc thăm dò dư luận sớm, tuy nhiên các phân tích gia dự đoán rằng tuyên bố mới nhiều khả năng sẽ làm yếu đi vị thế của ông trong quá trình chạy đua sắp tới. - BBC
|
|
5.
Ẩu đả bùng ra ở South Carolina vì lá cờ liên minh miền Nam
Ẩu đả đã bùng ra ở trụ sở nghị viện bang South Carolina hôm thứ Bảy, sau khi mấy mươi thành viên của nhóm Ku Klux Klan, hay đảng 3K, phản đối việc tháo bỏ lá cờ Liên minh miền Nam, đối mặt trực tiếp với các nhà hoạt động người Mỹ gốc Phi biểu tình ở gần đó.
Cảnh sát thành phố Columbia đã bắt giữ một số người, nhưng không có tin tức nào về thương tích, trong lúc những người biểu tình của cả hai bên lớn tiếng chưởi bới nhau.
Giới hữu trách nói rằng những người biểu tình, được mô tả là một nhóm các học giả da đen, tập trung để nêu rõ điều họ tranh đấu đó là tình trạng bất bình đẳng chủng tộc, mà người tổ chức cuộc biểu tình là ông James Evans Muhammad nói là vẫn tiếp diễn bất chấp việc lá cờ gây tranh cãi đã được tháo bỏ hồi đầu tháng này.
Cảnh sát áp sát nhóm các thành viên đảng 3K theo chủ thuyết người da trắng thượng đẳng với số lượng đông đảo hơn, đẩy họ ra khỏi trụ sở nghị viện tiểu bang, trong lúc những người khác giải tán.
Lá cờ Liên minh Miền nam, mà những người chống đối xem như là một biểu tượng lịch sử của sự thù hận chủng tộc đối với người da đen, đã được tháo bỏ khỏi nghị viện tiểu bang tiếp theo sau vụ 9 tín đồ da đen bị giết hại trong một nhà thờ ở thành phố Charleston hồi tháng trước.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gọi việc tháo bỏ lá cờ, theo quyết định của các nhà lập pháp tiểu bang, là một cử chỉ thiện chí và nỗ lực hàn gắn chủng tộc. - VOA
|
|
6.
Ngoại trưởng Kerry cổ xúy cho hiệp định hạt nhân Iran
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry sẽ nỗ lực "cổ xúy" cho thỏa thuận hạt nhân với Iran trước công chúng Mỹ trong ngày hôm nay, Chủ nhật, trong cuộc nói chuyện của ông được 5 kênh truyền hình phát sóng chính.
Chỉ mới 2 ngày trước đó, ông Kerry đã gặp phải một thách thức tương tự, khi ông cố trấn an những lo ngại của Ả Rập Xê-út về thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Tổng thống Barack Obama, trong bài diễn văn hàng tuần hôm thứ Bảy, nói rằng hiệp ước này hữu hiệu hơn "bất kỳ ai đã từng làm được trước đó" trong nỗ lực ngăn không để cho Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Obama nói: "Với thỏa thuận này, các thanh sát viên quốc tế sẽ có quyền tiếp cận với toàn bộ dây chuyền cung ứng hạt nhân của Iran.
Tiến trình xác minh do hiệp ước này đặt ra là toàn diện, trực tiếp và chính xác để chúng ta có thể bảo đảm rằng Iran giữ đúng cam kết."
Trong lúc Ả Rập Xê-út giữ thái độ "chờ và xem" Iran tuân thủ hiệp ước này như thế nào, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond dường như tiến tới đôi chút với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, một người kiên quyết chỉ trích hiệp ước này.
Thủ tướng Netanyahu nói: "Chúng ta muốn thấy hiệp ước này lẽ ra nói rằng 'Iran, qúy vị sẽ được nới lỏng những chế tài đối với chương trình năng lượng hạt nhân của qúy vị và được bãi bỏ các lệnh trừng phạt nếu qúy vị thay đổi cách hành xử của qúy vị trước'.
Thực tế là không có một đòi hỏi nào là Iran phải thay đổi cách hành xử, và điều đó khiến cho hiệp ước này sai lầm cơ bản."
Nhà lãnh đạo Israel cũng cho hay ông dự định hợp sức với các nhà lập pháp đối lập trong Quốc hội Mỹ để làm chệch hướng hiệp ước hạt nhân này.
Tổng thống Obama nói rằng ông sẵn sàng đối diện với những thách thức, và ông hứa sẽ phủ quyết bất cứ nỗ lực nào của Quốc hội nhằm ngăn cản sáng kiến này.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao nói rằng hiệp ước hạt nhân theo trông đợi sẽ được Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua vào sáng thứ Hai ở Vienna.
Nghị quyết sẽ bắt đầu với tiến trình dỡ bỏ các lệnh chế tài quốc tế trừng phạt Iran, và đổi lại là việc Tehran từ bỏ chương trình hạt nhân. - VOA
No comments:
Post a Comment