Wednesday, July 1, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 1/7

Tin Thế Giới

1.
Nga loan báo ngưng lập tức việc cung cấp khí đốt cho Ukraine --- Nga 'xem lại độc lập' của ba nước Baltic

Tập đoàn Nga Gazprom hôm nay 01/07/2015 xác nhận đã ngưng cung cấp khí đốt cho Ukraine, sau thông báo của Kiev hôm qua về việc ngưng mua khí đốt của Nga do thất bại trong việc thương lượng giá cả.

Tổng giám đốc Gazprom, Alexei Miller khẳng định: "Ukraine không trả tiền khí đốt tháng Bảy. Kể từ 10 giờ sáng 01/07/2015, Gazprom ngưng cung cấp khí đốt cho Ukraine, và sẽ không giao tiếp tục nếu không được thanh toán trước, dù giá cả như thế nào đi nữa".

Tuy vậy, việc Nga cắt nguồn khí đốt không đe dọa nặng nề đối với Liên hiệp Châu Âu, mà gần phân nửa được trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine. Tập đoàn nhà nước Ukraine Naftogaz hôm qua hứa hẹn sẽ tiếp tục vận chuyển khí đốt Nga sang các khách hàng châu Âu.

Hợp đồng cung cấp khí đốt của Nga cho Ukraine đã hết hạn vào hôm qua, trong khi chưa thỏa thuận được với Gazprom trong cuộc họp tại Vienna có sự tham dự của Liên Hiệp Châu Âu.

Gazprom và Naftogaz bất đồng gay gắt sau khi chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền ở Kiev vào đầu năm 2014, và tình trạng căng thẳng với Moscow tại miền đông Ukraine do phe nổi dậy thân Nga kiểm soát. Moscow đã tăng cao giá khí đốt bán cho Kiev, Ukraine từ chối trả cái giá này và ngày càng trông cậy nhiều hơn vào khí đốt từ Trung Âu, Na Uy.

Về phía Gazprom cho rằng việc cung cấp trên thường là bất hợp pháp, vì có thể đó là khí đốt từ Nga được các nước châu Âu khác bán lại cho Ukraine.

Châu Âu hiện không mấy lo ngại một cuộc "chiến tranh khí đốt" như đã xảy ra từ 2006 đến 2009, nhưng mong muốn có được một thỏa thuận "có thể đảm bảo nguồn cung ít nhất là trong mùa đông, cho đến cuối tháng 03/2016".

***
Công tố Liên bang Nga đang xem xét lại quyết định của Liên Xô năm 1991 công nhận độc lập cho ba nước cộng hòa Baltic.

Báo chí Nga cho hay trong một lá thư gửi lên nhà chức trách, hai dân biểu Viện Duma, ông Yevgeny Fyodorov và Anton Romanov, cho rằng quyết định để ba nước Lithuania, Estonia và Latvia độc lập khỏi Liên Xô năm 1991 là "do một cơ quan phi hiến pháp" đưa ra.

Họ yêu cầu phải điều tra việc này, và đang gây phản ứng từ các nước láng giềng nhỏ bé của Nga ở vùng biển Baltic.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania, ông Linas Linkevicius thì 'cuộc điều tra' của công tố viện Nga là điều 'hết sức phi lý'.

Estonia, Latvia và Lithuania vốn độc lập trước Thế Chiến 2 nhưng bị Hồng quân Liên Xô tiến chiếm từ 1940.

Tuần trước, trưởng công tố Nga tuyên bố quyết định của Liên Xô chuyển giao Crimea cho Ukraine năm 1954 là 'trái pháp luật'.

Hồi tháng 3 năm nay, lo ngại trước chiến sự tại Đông Ukraine, các nước Baltic đều ra lệnh củng cố phòng thủ.

Lithuania chẳng hạn đã ra lệnh tổng động viên và ấn hành 'cẩm nang chiến sự' cho mọi thư viện công trong cả nước, theo BBC News.

Các cuộc tập trận của Nga gần biên giới ba nước Baltic đã khiến các nước này cũng mời đồng minh NATO tổ chức tập trận chung.

Phi cơ của Anh Quốc, nước thuộc NATO đã từng 'đối mặt' với máy bay quân sự Nga bay gần vùng trời các nước Baltic.

Nhìn chung, hiện cả ba nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ven biển Baltic đều lo ngại xu hướng diễn giải lịch sử theo cách nhìn mới của Kremlin.

Người ta cũng lo ngại căng thẳng với cộng đồng thiểu số Nga tại hai nước Estonia và Latvia.

Tại Latvia, người Nga chiếm 26% tổng dân số 2 triệu.

Còn tại Estonia, nước có 1.3 triệu dân, người gốc Nga chiếm vào khoảng 300 nghìn.

Hiện chưa rõ vụ 'điều tra quyết định độc lập' chỉ là cách hai dân biểu Nga gây sức ép lên các nước Baltic vốn trở thành đồng minh của Hoa Kỳ và gia nhập khối NATO, hay là dấu hiệu Kremlin có ẩn ý gì khác.

Cả hai ông Yevgeny Fyodorov và Anton Romanov đều thuộc đảng cầm quyền tại Nga của Tổng thống Vladimir Putin. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

2.
Mỹ-Cuba đồng ý mở cửa lại các đại sứ quán

Sau gần 7 tháng thương thảo, Hoa Kỳ và Cuba hôm nay loan báo một thỏa thuận mở lại các đại sứ quán ở Washington và La Habana, trong một biến chuyển mới nhất nhằm chấm dứt nhiều thập niên thù nghịch. Biện pháp cấm vận thương mại của Mỹ và thành tích nhân quyền của Cuba vẫn còn nằm trong những vấn đề còn gây trở ngại cho việc bình thường hóa quan hệ đã bị cắt đứt sau cuộc cách mạng của Fidel Castro năm 1961.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại La Habana dự kiến sẽ mở cửa lại vào cuối tháng này và Ngoại trưởng John Kerry đã tỏ ý cho thấy ông sẽ đi dự lễ thượng kỳ. Việc phục hồi bang giao chính thức là bước mới nhất trong tiến trình kể từ khi Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro thông báo hồi tháng 12 năm ngoái rằng hai nước sẽ nối lại quan hệ ngoại giao.

Cả hai nhà lãnh đạo đã mở các cuộc hội đàm trực diện tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ ở Panama hồi tháng 4. Qua tháng 5, Hoa Kỳ đã gạt Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố, một quyết định được coi là cấp thiết cho việc phục hồi quan hệ ngoại giao.

Phát biểu qua lời một thông dịch viên hồi hôm qua tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Brazil đang ở thăm Hoa Kỳ, bà Dilma Rousseff hoan nghênh quan hệ nồng ấm trở lại và tác động của sự kiện đối với phần còn lại của châu Mỹ Latinh.

“Điều quan trọng là xóa sạch những vết tích cuối cùng còn rơi rớt lại từ thời Chiến tranh Lạnh, và chung cuộc nâng cao quan hệ giữa Hoa Kỳ và toàn thể khu vực. Tôi xin xác nhận tầm quan trọng của hành động đó đối với tất cả châu Mỹ Latinh và đối với hòa bình thế giới nói chung. Đây là một tấm gương quan trọng về bang giao để noi theo.”

Phục hồi các dịch vụ

Dịch vụ hàng không và tàu phà thương mại giữa hai nước đã, hoặc đang được phục hồi và những hạn chế thông tin liên lạc đã được nới lỏng, mặc dầu công dân Hoa Kỳ chỉ có thể du hành qua Cuba theo những quy định có giới hạn.

Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại, trong đó là việc Hoa Kỳ cấm vận thương mại Cuba mà chỉ Quốc hội mới có quyền bãi bỏ.

Chỉ mới trong tuần trước, Washington đã công bố bản phúc trình thường niên về nhân quyền, đề cập đến Cuba là nước vi phạm các quyền tự do cơ bản trong năm 2014, trong đó có việc bắt giữ tùy tiện những người bất đồng chính kiến và hạn chế việc tiếp cận thông tin độc lập và không bị kiểm duyệt.

Mở lại đại sứ quán

Nhà phân tích Châu Mỹ Latinh Mark Jones của trường Đại học Rice tin rằng việc mở cửa các đại sứ quan sẽ giúp cả hai nước giải quyết các vấn đề như thế.

“Điều mà việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức và một đại sứ quán sẽ làm được là cho phép các nước bắt đầu giải quyết loạt vấn đề mà cả hai nước đang phải đối đầu -- cho dù là những vi phạm nhân quyền ở Cuba và những vấn đề có liên quan đến việc bồi thường cho công dân Hoa Kỳ, và còn cả những vấn đề có liên quan đến những người đang bị các cơ quan công lực Hoa Kỳ truy nã hiện đang cư trú ở Cuba và có một biện pháp nào đó đối với những người đã bị tố cáo về những trọng tội, ở Hoa Kỳ và đã chạy trốn qua Cuba. Có nhiều phần chắc Cuba sẽ trở thành nơi trú ẩn ngày càng kém an toàn hơn cho những cá nhân ấy trong những năm sắp tới.”

Tuy nhiên, ông Jones không nhất thiết trông đợi các quan hệ nồng ấm trở lại sẽ thay đổi hệ thống độc đảng Cộng sản của Cuba. Ông nói những người Tây phương khác đã đi thăm đảo quốc trong vùng Caribean này từ nhiều thập niên mà không hề có thay đổi trong hệ thống chính quyền.

Vấp phải chỉ trích

Trong một tuyên bố, dân biểu đại diện tiểu bang Florida bà Ileana Ros-Letinen lên án quyết định mở lại một đại sứ quán là khuyến khích chế độ Castro “tiếp tục tấn công nhắm vào người dân Cuba.” Bà nói mở cửa đại sứ quán “sẽ không giúp ích gì cho nhân dân Cuba và chỉ là một mưu toan tầm thường khác để Tổng thống Obama tìm cách ghi thêm thành tích vào di sản của ông.

Nhà phân tích về Cuba của trường Baruch ở New York, ông Ted Henken nói các chính sách chống chế độ mà bà Ros-Lehtinen ủng hộ không giúp ích gì cho việc cải thiện nhân quyền của dân chúng Cuba.

“Sách lược của bà, sách lược mà bà tán đồng, đã thất bại. Bà ở lề trái của vấn đề này. Có quan hệ ngoại giao với Cuba không có nghĩa là chúng ta tán thành chính phủ Cuba, hay tán thành cung cách họ đối xử với người dân Cuba. Tôi nghĩ chúng ta sẽ có cơ hội tốt hơn để gây một hình thức ảnh hưởng nào đó ở Cuba bằng một mối quan hệ mang tính cách giao tiếp, đem lại sức mạnh hơn là một mối quan hệ cô lập hóa là gây nghèo khó cho chính phủ và nhân dân Cuba.”

Ông Henken nói điều quan trọng về chính sách đối với Cuba thay đổi có liên quan đến quyền lợi và ảnh hưởng của Mỹ, chứ không phải với sự thay đổi chính thể.

“Đây không phải là một viên đạn thần kỳ – không phải là sự nhân nhượng đối với chế độ độc tài Cuba. Đây là sự nhân nhượng đối với dân chúng Hoa Kỳ - đây là một sự nhân nhượng đối với chủ nghĩa thực dụng và sự hợp lý.”

Ông Henken cho rằng quan hệ bình thường có thể nuôi dưỡng sự hợp tác về những vấn đề như môi trường, cấm chỉ ma túy, người tỵ nạn và đoàn tụ gia đình. Theo ông, với bang giao được cải thiện, chính phủ Cuba sẽ không còn có thể viện cớ sự đối địch của Hoa Kỳ như một lý do để đàn áp dân chúng Cuba và sẽ bị đặt dưới áp lực ngày càng nhiều phải thỏa mãn các yêu sách của họ. - VOA
|
|

3.
Thống đốc Chris Christie tuyên bố tham gia tranh cử tổng thống 2016

Thống đốc bang New Jersey Chris Christie, người nổi tiếng với lối ăn nói bộc trực, hôm thứ Ba chính thức loan báo sẽ tranh đề cử tổng thống năm 2016 của Đảng Cộng hòa trong một cuộc đua với đông đảo ứng cử viên góp mặt. Ông tuyên bố sẽ thu hẹp sự chia rẽ về chính trị sâu sắc ở Washington.

"Nước Mỹ đã mệt mỏi về sự đấu đá và thiếu quyết đoán và yếu kém trong Phòng Bầu dục," ông Christie phát biểu tại trường trung học New Jersey, nơi ông từng tốt nghiệp, khi ông loan báo quyết định trở thành nhân vật thứ 14 của Đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống.

"Tôi nói thế nào thì nó là thế ấy," ông Christie 52 tuổi nói với những người ủng hộ chính trị của ông. "Sự thật và những quyết định khó khăn hiện nay sẽ đưa đến tăng trưởng và cơ hội mai sau."

Ông Christie lần đầu tiên đắc cử vào năm 2009 tại một bang chủ yếu ủng hộ Đảng Dân chủ, và nhanh chóng được cả nước chú ý vì phong thái thẳng thừng, thường là đối đầu tay đôi trong những lần tương tác với người dân và phóng viên trong những buổi họp mặt chất vấn trực tiếp và những cuộc họp báo. Ông tái đắc cử với tỉ lệ áp đảo vào năm 2013, và được nhiều người coi là ứng viên hàng đầu cho đề cử của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016.

Nhưng tiền đồ chính trị của ông Christie đã suy yếu kể từ vụ bê bối mà truyền thông Mỹ đặt tên là "Bridgegate," khi ba trợ lý của ông ra lệnh đóng cửa một phần cây cầu đông đúc xe cộ dẫn đến thành phố New York lân cận để trả đũa một thị trưởng địa phương vì từ chối ủng hộ nỗ lực tái đắc cử của ông. Tỉ lệ ủng hộ ông ở New Jersey đã giảm mạnh và những nhà tài trợ lớn tiềm năng cho chiến dịch tranh cử vào Tòa Bạch Ốc của ông cũng ngại không muốn ủng hộ vì vụ bê bối.

Ông Christie gia nhập danh sách gồm những nhân vật của Đảng Cộng hòa như cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush, trùm tỉ phú bất động sản Donald Trump, thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio, Rand Paul và Ted Cruz, và Thống đốc bang Louisiana Bobby Jindal, người loan báo quyết định tranh cử vào tuần trước.

Về phía Đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang là ứng cử viên số 1 giành đề cử của đảng cho cuộc đua năm 2016. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Quốc hội kết thúc kỳ họp, không có nghị quyết về Biển Đông --- 'Quân đội VN trung thành với Tổ quốc'

Quốc hội Việt Nam khóa 13 kết thúc kỳ họp thứ chín vào ngày 26 tháng 6 vừa qua sau hơn một tháng họp nhưng không ra nghị quyết về Biển Đông. Sau đó các đại biểu về địa phương gặp cử tri, cũng có người cho rằng Việt Nam hiện đang yếu nên không thể đương đầu với Trung Quốc.

Nhiều người dân quan tâm đến vấn đề Biển Đông không đồng ý với quan điểm của quốc hội như thế.

Lập luận của những người phản đối lập trường của quốc hội và đại biểu quốc hội trong chuyện Biển Đông như vừa qua là gì?

Sẽ ra nghị quyết Biển Đông khi cần thiết

Trong cuộc họp báo sau phiên bế mạc kỳ họp quốc hội, chủ nhiệm văn phòng quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói với báo giới là tán thành tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam trong vấn đề Biển Đông hiện nay. Quốc hội tiếp tục theo dõi và sẽ có tuyên bố chính thức khi thấy cần thiết.

Theo nhiều người quan tâm tình hình tại khu vực Biển Đông hiện nay sau khi Trung Quốc chính thức tuyên bố hoàn thành việc cải tạo một số bãi đá thành đảo nhân tạo, thì thực tế như thế là quá nguy cấp đối với Việt Nam chứ không thể nói là chưa đến lúc cần thiết.

Facebooker Trần Bang từ Sài Gòn trình bày về vấn đề này:

“Theo tôi Quốc hội Việt Nam không độc lập, phụ thuộc vào đảng nên chẳng qua chỉ là nơi để thực hiện các nghị quyết của đảng. Cho nên nói quốc hội Việt Nam đại diện cho dân Việt Nam thì không đúng lắm. 

Còn việc ra nghị quyết về Biển Đông theo tôi không phải chậm trễ mà là quá chậm trễ. Ngay từ năm ngoái khi giàn khoan HD981 đưa vào Biển Đông vào ngày 1 tháng 5 năm ngoái, đến nay họ vẫn tiếp tục không ra nghị quyết. Trong khi đó nguyện vọng của nhân dân là quốc hội phải có tiếng nói để chứng minh rằng việc Trung Quốc cứ lấn tới ở Biển Đông là việc nghiêm trọng và nhân dân Việt Nam phải lên tiếng cho nhân dân thế giới và nhân dân Trung Quốc biết việc Trung Quốc làm như thế là không chính đáng, tham lam, là sử dụng sức mạnh của một cường quốc mới nổi để ăn hiếp Việt Nam.”

Nhà nghiên cứu về Biển Đông, ông Trương Nhân Tuấn, từ Pháp cũng đưa ra những ý kiến về việc quốc hội Việt Nam qua mấy kỳ họp vẫn không có một nghị quyết nào về Biển Đông, mà trái lại còn cho chưa cần thiết:

“Chương năm bản Hiến pháp nói về vai trò Quốc hội. Điều 13 nói về thẩm quyền của quốc hội, nguyên văn như sau:

Quốc hội có quyền: “Quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;”

Sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của VN bị đe dọa. Những công trình mà TQ vừa xây xong, trong những ngày tới sẽ trở thành những căn cứ quân sự, không quân và hải quân, một số có thể trở thành những pháo đài trên biển. Tất cả các đảo hiện do VN kiểm soát đều bị các căn cứ này đe dọa. Trong khi tham vọng của TQ, họ không dấu diếm, là làm chủ 90% Biển Đông. Thời gian tới họ sẽ ra tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ). Vùng biển của VN cũng bị đe dọa sẽ mất cho TQ.

Trước một tình huống như vậy, nếu ta so sánh với Phi, thì ta thấy thái độ của đại biểu VN khi cho rằng chưa cần thiết để ra một nghị quyết về Biển Đông là vô trách nhiệm. 

Theo tôi, hợp lý thì quốc hội phải cấp thời ra nghị quyết về Biển Đông, ban bố tình trạng khẩn cấp ở Biển Đông, hoặc tuyên bố một biện pháp đặc biệt nào đó. Thí dụ kiện TQ ra Tòa. Hoặc là Quốc hội ra văn bản chính thức yêu cầu LHQ can thiệp, yêu cầu TQ “tôn trọng luật quốc tế”. Điều này dễ dàng thực hiện vì thời gian qua các viên chức Mỹ đã nhiều lần yêu cầu TQ phải tôn trọng luật lệ quốc tế.”

Không thể đánh lại Trung Quốc?

Phó chủ tịch quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, trong cuộc gặp cử tri thành phố Đà Nẵng sau kỳ họp quốc hội vào ngày 29 tháng 6 được báo chí trong nước trích dẫn nói rằng “Chúng ta cũng đã nghĩ đến việc lấy lại, nhưng hiện nay thì chưa thể thực hiện được thì đời con cháu chúng ta sẽ làm việc đó. Bà con cử tri cũng hiểu cho các đồng chí lãnh đạo, không phải chúng ta lúc nào cũng hô hào đánh nhau. Hiện đã có phương án, giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Khi cần chúng ta sẽ ra nghị quyết và đã ra nghị quyết thì phải có hiệu lực’.

Cư dân mạng bàn tán xôn xao về bài phát biểu của phó chủ tịch quốc hội, thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn và có những phản ứng như trình bày của facebooker Trần Bang:

“Điều này tôi có đọc lại một số báo thì thấy không hoàn toàn chính xác như Internet đưa. Còn nếu đúng như Internet đưa thì ông ấy không xứng đáng làm tướng, làm người dân Việt Nam cũng chưa được chứ đừng nói là làm tướng. Bởi vì như Internet đưa thì ông ta nói Trung Quốc mạnh lắm, mình không xâm phạm được nó. Nói như thế tức mình xâm phạm Trung Quốc, mà thực tế là Trung Quốc xâm phạm mình. Mình phải bảo vệ, bây giờ chúng ta chưa được mạnh thì chúng ta kêu gọi đồng bào, kêu gọi thế giới, tìm mọi biện pháp. Giống như chúng ta phải có Hội nghị Diên Hồng, kêu gọi người dân có kế gì hiến cho Nhà nước để đòi lại biển đảo. Trước mắt phải không để cho Trung Quốc xâm phạm nữa; sau đó chúng ta đòi lại từng phần đã mất. Phải kêu gọi như thế, ông ta là tướng khi kêu gọi phải ra được những ý như thế: chúng tôi cũng đã tìm cách đòi lại, lấy lại và trước mắt không cho Trung Quốc lấn tới nữa. Trung Quốc cứ nói hữu hảo mà cứ lấn tới hằng ngày, hằng giờ. Dân Việt Nam vẫn bị Trung Quốc xâm phạm. Ví dụ họ cấm không cho tàu thuyền của Việt Nam ra vùng Hoàng Sa từ tháng 6 đến tháng 8…

Về mặt pháp lý chúng ta hoàn toàn đủ sức chứ không yếu được. Mặt khác nếu thấy chưa đủ mạnh thì phải kêu gọi nhân dân, đồng bào, các nước ủng hộ chứ không thể nói yếu không dám chống giặc.”

Các biện pháp khả thi

Nhà nghiên cứu Biển Đông, Trương Nhân Tuấn, trình bày quan điểm về việc nhắc đến biện pháp chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc trong tình hình hiện nay:

“Mình đâu có yêu cầu Việt Nam đánh, Phi cũng đâu chủ trương đánh; không ai chủ trương đánh cả. 

Mình phải sử dụng những biện pháp mà luật pháp quốc tế cho phép. Vấn đề là Việt Nam có dư thừa những phương tiện để sử dụng, để chống lại Trung Quốc một cách hợp lý thì họ không sử dụng ví dụ như Trọng tài Quốc tế, hay sử dụng diễn đàn của Liên hiệp quốc để yêu cầu Liên hiệp quốc đưa ra những nghị quyết để buộc Trung Quốc tôn trọng luật lệ. Hoặc là Việt Nam có thể thắt chặt đồng minh với Mỹ như Phi họ đang làm. Mục đích để tạo ra một thế đối trọng. Mình biết yếu không thể nào thắng được; nhưng từ bao lâu nay một nước yếu luôn liên minh với một nước mạnh khác để bảo vệ mình. Hành vi của Việt Nam hiện nay là thái độ tự cô lập mình. Thái độ này gọi là ‘tự sát’.”

Theo nhiều người dân ở Việt Nam thì họ cho rằng chính quyền Hà Nội cần phải để cho dân chúng cùng tham gia lên tiếng về tình hình Biển Đông hiện nay. Đa số những người từng tham gia các lần biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam trước đây đều nêu chất vấn tại sao chính quyền Hà Nội lại mạnh tay đàn áp với người dân yêu nước; cũng như mạnh mẽ chỉ trích, tuyên truyền về các thế lực thù địch mà không nói đủ cho người dân trong nước và cả thế giới về tình hình nóng bỏng tại Biển Đông. - RFA

***
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phát biểu rằng Quân đội ở Việt Nam "phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, với Hiến pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam..", thu hút sự chú ý của dư luận.

Câu nói của Thủ tướng Dũng đặt Tổ quốc lên trên, khác với nội dung thường nêu ở Việt Nam cho là Quân đội "phải trung với Đảng".

Các văn bản chính thức tại Việt Nam những năm gần đây thường viết rằng Quân đội cần phát huy truyền thống “Trung với Đảng, hiếu với Dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Nội dung như vậy đã được nêu ra hồi 2014, khi Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức triển lãm Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập 22/12/1944-2014.

Trung thành với dân tộc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phát biểu hôm 1/7/2015 cũng đưa vào câu nói của ông khái niệm Quân đội "trung thành với dân tộc và Hiến pháp".

Tuy thế, ông Dũng cũng nói tại Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX năm 2015 vừa khai mạc sáng thứ Tư 1/7 tại Hà Nội rằng Quân đội Nhân dân VN cần "nghiêm túc chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đoàn kết một lòng xây dựng quân đội ngày càng vững mạnh về mọi mặt, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc..."

Ngoài ra, ông cũng nhắc lại rằng "Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng chính trị, đội quân chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta."

Báo Việt Nam cùng ngày trích đăng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "nêu rõ, mỗi cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng trong toàn quân phải tiếp tục thấm nhuần tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu,"

"Quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và cụ thể hóa phương hướng, mục tiêu của Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân..."

Trong phát biểu này, ông Dũng cũng đặt tư tưởng ái quốc của cố lãnh tụ Hồ Chí Minh lên cao, không nhắc đến ý thức hệ cộng sản hay cụm từ quen thuộc 'chủ nghĩa xã hội'.

Cố Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng Quân đội Nhân dân Việt Nam dòng chữ 'Trung với nước, hiếu với dân'.

Theo một số nhà quan sát, đây là nội dung lời thề quan trọng nhất, đứng đầu trong Mười lời thề danh dự của quân nhân Quân đội Nhân dân Việt Nam khi thành lập năm 1944:

"Hy sinh tất cả vì tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật-Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới."

Nội dung này sau bị sửa thành:

"Hy sinh tất cả vì tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.".

Từ đó, khi nhắc đến Quân đội Nhân dân Việt Nam, thay vì “Trung với nước, hiếu với dân” thì quan chức và báo chí ở Việt Nam lại nói “Trung với Đảng, hiếu với dân”.

Đại hội hôm thứ Tư tại Hà Nội đã vắng bóng Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Trên Đoàn chủ tịch, người ta thấy ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Thường vụ Quân ủy, ngồi giữa hai ủy viên khác là hai thượng tướng Ngô Xuân Lịch và Đỗ Bá Tỵ. - BBC
|
|

5.
TQ đang xây căn cứ quân sự trên các đảo ở Biển Đông?

Các hình ảnh mới chụp trong tuần này cho thấy Trung Quốc đang xây những cơ sở trông giống như những căn cứ quân sự trên những đảo mà Bắc Kinh mới bồi đắp ở Biển Đông.

Một bài viết đăng trên báo The Washington Post hôm nay nói rằng đây là một diễn biến có phần chắc sẽ làm tăng thêm quan ngại của Hoa Kỳ và các nước láng giềng của Trung Quốc ở Châu Á.

Hôm qua, Trung Quốc tuyên bố các hoạt động cải tạo đất của họ đã hoàn tất trên một số hòn đảo trong Biển Đông, nhưng giờ đây mọi sự chú ý đều dồn vào những hoạt động xây cất mà Trung Quốc đang tiến hành, trong khi nhiều người lo sợ các hoạt động đó đang tiếp tục quân sự hoá vùng biển đang trong vòng tranh chấp.

Theo báo Washington Post, hình ảnh mới chụp ngày 28 tháng 6 do Sáng Kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) công bố, cho thấy Trung Quốc đã gần hoàn tất việc xây cất một phi đạo tại Đảo Đá Chữ Thập.

Giám đốc AMTI Mira Rapp-Hooper nói rằng, các cơ sở này có đầy đủ khả năng quân sự, sẽ cho phép Trung Quốc cải thiện khả năng giám sát hoạt động của các nước khác trong khu vực quần đảo Trường Sa.

Vẫn theo Sáng Kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), mặc dù các hoạt động cải tạo đất dường như đã hoàn tất tại 5 trong tất cả 7 đảo mà Trung Quốc đang cải tạo ở Biển Đông, các hình ảnh chụp từ ngày 5 tới ngày 10/6 cho thấy các hoạt động cải tạo vẫn được tiến hành trên bãi Vành Khăn và bãi đá Subi. - VOA
|
|

6.
Vietnam Airlines nhận chiếc Airbus A350 đầu tiên

Hãng Hàng Không Việt Nam nhận chiếc Airbus A350 đầu tiên trong một buổi lễ bàn giao chính thức tại trụ sở chính của công ty Airbus ở thành phố Toulouse, Pháp, vào sáng hôm qua, giờ địa phương.

Trang mạng Australian Aviation hôm nay tường thuật rằng Hãng Hàng Không Việt Nam đã đặt mua 14 chiếc Airbus A350, 10 chiếc sẽ được công ty Airbus giao trực tiếp, và 4 chiếc còn lại qua trung gian các công ty cho thuê mướn máy bay.

Trang mạng về hàng không của Úc dẫn lời Phó Tổng giám đốc thương mại của Vietnam Airlines, ông Trịnh Ngọc Thành nói rằng chiếc Airbus A350, loại máy bay thân rộng hiện đại nhất thế giới, sẽ phục vụ hành khách tốt đẹp hơn. Ông nói Vietnam Airlines lấy làm hãnh diện là hãng hàng không thứ nhì trên thế giới được bàn giao loại máy bay hiện đại bậc nhất này.

Dự kiến Hãng hàng không sẽ bắt đầu các chuyến bay của chiếc Airbus A350 trước cuối tuần này, khởi sự với các tuyến bay nối liền hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội-Saigon, trước khi phục vụ tuyến Hanoi-Paris, và Saigon-Paris. - VOA

No comments:

Post a Comment