Friday, July 31, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 31/7

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc khai trừ Đảng Thượng tướng Quách Bá Hùng

Từng là nhân vật số hai trong hàng ngũ Quân đội dưới thời ông Hồ Cẩm Đào, Thượng tướng Quách Bá Hùng ngày 30/07/2015, bị khai trừ khỏi Đảng. Ủy ban kiểm tra kỷ luật Quân ủy trung ương thụ lý hồ sơ của ông Quách Bá Hùng.

Thượng tướng Quách Bá Hùng, 73 tuổi, cựu thành viên Bộ chính trị và nguyên là Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương từ năm 2002 đến 2012. Ông cũng là một nhân vật thân tín của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Theo kết quả điều tra của Ủy ban kiểm tra kỷ luật Quân ủy Trung ương, ông Quách Bá Hùng đã lạm dụng chức quyền để thăng quan tiến chức và trục lợi cho người khác. Tướng Hùng và gia đình cũng bị khép tội.

Tháng 4/2015, tướng Quách Bá Hùng đã chính thức bị điều tra. Giới quan sát ghi nhận, tướng Hùng là quan chức cao cấp thứ nhì trong quân đội Trung Quốc dưới thời cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bị kết tội tham nhũng. Người đầu tiên bị sa lưới chính sách "đả hổ diệt ruồi" do ông Tập Cận Bình đề xướng là cố Phó chủ tịch quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu. Tướng Hậu qua đời hồi tháng 3/2015 vì bệnh ung thư.

Theo nhiều nguồn tin báo chí Trung Quốc được AFP trích lại, từ thủa thiếu thời, tướng Quách Bá Hùng đã có nhiều hành vi xấu xa làm "hổ danh quân đội". Trong những năm tháng ở đỉnh cao danh vọng, vợ ông đã làm môi giới trong các vụ mua quan bán chức. Con trai tướng Hùng là Quách Chính Cương, một trong những vị thượng tướng trẻ tuổi nhất của quân đội Trung Quốc, cũng đã bị điều tra vì tham nhũng. - RFI
|
|

2.
Nga thông báo tìm được thỏa thuận với Pháp về vụ hủy giao tàu chiến Mistral

Tối qua, 30/07/2015, hãng thông tấn Nga Ria Novosti, đưa tin, sau nhiều tháng đàm phán, Moscow thông báo đã đạt được thỏa thuận với Paris về việc đền bù do hủy hợp đồng giao 2 tàu chiến Mistral cho Nga. Theo báo chí Nga, mức đền bù này có thể lên tới 1,2 tỷ euro.

Ông Vladimir Kojine, cố vấn của Tổng thống Nga, phụ trách hợp tác quân sự và kỹ thuật, được hãng tin Ria Novosti trích dẫn, cho biết: "Các cuộc thương lượng đã hoàn tất, tất cả đã được quyết định, bao gồm thời hạn và tổng số tiền đền bù".

Nhật báo Nga Kommersant, dẫn lại nhiều nguồn tin xin ẩn danh, tiết lộ: Paris sẽ phải đền bù cho Moscow khoảng 1,6 tỷ euro.

Tuy nhiên, Phủ Tổng thống Pháp, công ty phụ trách xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboroexport, cũng như văn phòng của Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogzine, tất cả đều không khẳng định với AFP về nội dung tuyên bố của ông Kojine cũng như thông tin của tờ Kommersant.

Việc kiện tụng giữa hai nước đặt Paris vào tình thế khó xử, giữa một bên là các lợi ích kinh tế và bên kia là ý muốn buộc Moscow phải thay đổi lập trường trong hồ sơ khủng hoảng Ukraine.

Trong bối cảnh phương Tây trừng phạt kinh tế Nga do cáo buộc Moscow dính líu đến cuộc khủng hoảng Ukraine, vào tháng 11/2014, nước Pháp buộc phải hủy bỏ hợp đồng giao tàu chiến Mistral cho Nga. Các cuộc thương lượng về đền bù thiệt hại do hủy hợp đồng đã kéo dài từ nhiều tháng qua.

Cho đến nay, Paris mới chỉ đề nghị thanh toán lại 785 triệu euro mà Moscow đã ứng trước. Nhưng Nga đưa ra con số hơn 1,1 tỷ euro tiền đền bù thiệt hại vì phải tính đến cả những chi phí đã đào tạo hơn 400 thủy thủ, xây dựng các cơ sở hạ tầng tại Vladivostok ở vùng Viễn Đông, theo dự tính là căn cứ đón tiếp chiếc tàu chiến Mistral đầu tiên, cũng như việc chế tạo 4 trực thăng chiến đấu.

Một chủ đề khác gây bất đồng giữa hai nước: Đó là việc Nga từ chối mọi khả năng Pháp tái xuất khẩu tàu chiến Mistral cho một nước khác, trước khi Paris thanh toán xong tiền đền bù thiệt hại. Theo báo Kommersant, hiện nay, mỗi tháng, Paris phải tốn kém 5 triệu euro cho việc bảo trì các tàu Mistral đang neo đậu tại cảng của Pháp.

Theo nguồn tin Nga, có thể thỏa thuận đền bù sẽ được ký kết trong những ngày đầu tháng Tám tới.

Chiếc tàu Mistral đầu tiên, mang tên Vladivostock, lẽ ra được giao cho Nga vào giữa tháng 11/2014 và tàu thứ hai, Sébastopol, vào mùa thu năm nay 2015.

Hợp đồng đóng tàu chiến Mistral cho Nga được ký hồi tháng 06/2011, dưới thời Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, với tổng giá trị lên tới 1,2 tỷ euro.

Được đóng tại cảng Saint-Nazaire, miền tây nước Pháp, tàu Mistral là chiến hạm đa năng, có thể chở trực thăng, xe tăng hoặc tàu đổ bộ, đón tiếp ban tham mưu và cả một bệnh viện. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng 2.3% từ tháng 4 đến tháng 6

Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2.3% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 sau một mùa đông khắc nghiệt.

Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Năm cho biết người tiêu dùng tăng mạnh chi tiêu và thặng dư xuất khẩu mới đã thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng trong quý hai. Bộ cũng đảo ngược một ước tính trước đó, kết luận rằng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 0.6% trong ba tháng đầu năm nay, chứ không phải suy giảm 0.2%.

Chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ, chiếm 70% nền kinh tế của đất nước, tăng lên rõ rệt trong những tháng mùa xuân, tăng 2.9% so với mức 1.8% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3.

Các nhà phân tích Mỹ đang trông chờ nền kinh tế tăng trưởng nhiều hơn nữa trong nửa năm sau, có thể lên đến 3%, với chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng trong khi chủ lao động tiếp tục thuê mướn người lao động.

Báo cáo mới này tương tự như những dự báo mà ngân hàng trung ương Mỹ công bố hôm thứ Tư, cho thấy mức tăng trưởng kinh tế ổn định.

Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang dự định sẽ tăng lãi suất cơ bản của ngân hàng vào cuối năm nay, lần đầu tiên trong bảy năm. Nhưng hiện giờ Cục Dự trữ Liên bang vẫn giữ lãi suất gần bằng không trong khi đất nước tiếp tục phục hồi từ cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái những năm 1930. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Phát hiện nhiều vũ khí tại Tân Sơn Nhất

Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất ngày 31/7 nói đã bắt giữ lô hàng vũ khí quân dụng lớn nhất từ trước đến nay vận chuyển qua cửa khẩu này.

Lô hàng gồm: 94 khẩu súng ngắn quân dụng và 472 băng đạn chưa qua sử dụng.

Báo Dân Trí tường thuật cơ quan chức năng đã tiến hành khám xét đột xuất chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Tờ này nói: “Vụ việc này mang tính chất cực kỳ nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.”

Tuy vậy, báo Công an TP. HCM lại nói nguồn tin của báo cho hay số vũ khí này do cảnh sát Singapore nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong lúc làm thủ tục hải quan, “số hàng này bị chuyển nhầm sang sân bay Tân Sơn Nhất”, theo tờ Công an TP. HCM. - BBC
|
|

5.
Tàu chống ngầm của Nga đến Đà Nẵng

Tàu chống ngầm mang tên Đô đốc Pantelev (số hiệu 548) của Hải quân Nga hôm nay đã tiến vào cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị Đà Nẵng.

Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng), Quân khu 5 và Tổng lãnh sự Nga tại Đà Nẵng đã đón tiếp thủy thủ đoàn.

Đại tá A.V Potapov, chỉ huy tàu, khẳng định chuyến thăm nhằm thắt chặt mối quan hệ truyền thống Việt-Nga nói chung và hải quân hai nước nói riêng.

Trong thời gian ở thăm Đà Nẵng đến ngày 2/8, các sĩ quan và thủy thủ đội tàu hải quân Nga sẽ có các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm tác chiến cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an ninh trên biển cũng sẽ được tổ chức.

Con tàu mang tên Đô đốc Pantelev thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga dài 163 m, rộng 19 m, lượng giãn nước hơn 7.000 tấn, tầm hoạt động 19.400 km, với gần 300 thủy thủ trên boong.

Vũ khí trên tàu gồm nhiều giàn phóng ngư lôi, giàn phóng tên lửa, phóng bom và máy bay trực thăng.

Nga là một trong các nước xuất khẩu vũ khí lớn của Việt Nam. Mới đây, tàu ngầm HQ-185 Khánh Hòa, tàu ngầm lớp Kilo thứ tư trong số 6 chiếc mà Việt Nam đặt Nga đóng theo hợp đồng ký cuối năm 2009, đã được giao cho phía Việt Nam.

Trước đó, ba tàu ngầm HQ-182 Hà Nội và HQ-183 TP.HCM và HQ-184 Hải Phòng cũng đã được bàn giao từ năm 2013 đến năm 2014. - VOA
|
|

6.
Tướng Vịnh: Quan hệ hữu nghị Việt-Trung không bao giờ thay đổi

Quan hệ hữu nghị giữa quân đội Việt Nam, Trung Quốc chứng kiến sự phát triển mới, và trở thành một trong những cột trụ quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa hai đảng và hai nhà nước, một quan chức cấp cao của quân đội Việt Nam nói.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã tổ chức chiêu đãi nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tối 28/7.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, ông Nguyễn Chí Vịnh, đã phát biểu nhân ngày lễ trọng đại của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đánh giá cao quan hệ hữu nghị hợp tác giữa quân đội hai nước và tin tưởng rằng mối quan hệ này sẽ có bước phát triển mới, xứng đáng là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ Việt-Trung

Ông Nguyễn Chí Vịnh nói: “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng thân thiện và điều đó không bao giờ thay đổi. Nhiều thế hệ đã qua, nhân dân hai nước đã thiết lập và duy trì mối quan hệ, cùng tồn tại, hình thành rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa”.

Ông Vịnh cho biết thêm, Trung Quốc là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, và luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Ông Nguyễn Chí Vịnh nói, các nhà lãnh đạo cấp cao của hai lực lượng vũ trang sẽ tiếp tục duy trì và thúc đẩy quan hệ giữa hai quân đội, đưa hợp tác quốc phòng vào chiều sâu và chiều rộng với những kết quả thiết thực.

Phát biểu tại buổi tiếp, tùy viên Quân sự Trung Quốc tại Việt Nam - ông Chân Trung Hưng - cho biết, các mối quan hệ quân sự là một phần quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Trong những năm gần đây, quân đội hai nước đã đạt được tiến bộ lớn trong các cuộc trao đổi cấp cao, đối thoại chiến lược, hợp tác lực lượng biên phòng và đào tạo nhân sự.

Ông Hưng nói: “Chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau cũng như bình đẳng và hợp tác cùng có lợi, hai nước sẽ tăng cường trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực quân sự và nỗ lực duy trì, phát triển lành mạnh và ổn định mối quan hệ song phương”.

Ông Hưng cho biết thêm, hiện nay, Trung Quốc đang thúc đẩy việc hiện đại hóa quốc phòng và đang phấn đấu để xây dựng lực lượng vũ trang tương xứng với an ninh và phát triển lợi ích quốc gia của Trung Quốc, và cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ cho việc thực hiện công cuộc hiện đại hóa của dân tộc Trung Hoa. Chính phủ Trung Quốc thực sự cam kết sẽ tuân thủ chính sách quốc phòng phòng thủ, không bao giờ giành quyền bá chủ và không bao giờ tham gia vào việc mở rộng quân sự. - VOA

No comments:

Post a Comment