Tuesday, July 28, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 28/7

Tin Thế Giới

1.
Tổng thống Obama nhấn mạnh cam kết của Mỹ tại Châu Phi

Tổng thống Barack Obama hôm nay chấm dứt chuyến viếng thăm lịch sử của ông đến Đông Phi, trở thành nhà lãnh đạo đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ đọc diễn văn tại trụ sở Liên hiệp Châu Phi ở thủ đô Ethiopia. Thông tín viên đài VOA Aru Pande tường thuật từ Addis Ababa.

Theo dự liệu, trong bài diễn văn tại Addis Ababa, Tổng thống Obama sẽ tái khẳng định quyết tâm làm việc với Châu Phi về một loạt các vấn đề, từ y tế toàn cầu cho đến biến đổi khí hậu.

Năm ngoái, khi dịch Ebola bùng phát đến cao điểm tại Tây Phi, Hoa Kỳ đã triển khai gần 3.000 nhân viên quân sự để giúp ngăn chận sự lây lan của virút đã làm hơn 9.000 người thiệt mạng tại Guinea, Sierra Leone và Liberia. Dù các binh sĩ Mỹ đã trở về nước vào đầu năm nay, Tổng thống Obama nói nỗ lực khống chế những vụ bộc phát dịch bệnh như vậy vẫn còn lâu mới chấm dứt.

Ngày hôm nay, khi nhà lãnh đạo Mỹ chuẩn bị đọc diễn văn tại trụ sở Liên hiệp Châu Phi, chính phủ Hoa Kỳ loan báo kế hoạch đầu tư hơn 1 tỉ đô la để mở rộng Kế hoạch An ninh Y tế Toàn cầu nhằm ngăn ngừa, phát hiện, và ứng phó với sự bùng phát của các căn bệnh truyền nhiễm tại 17 quốc gia, với hơn một nửa số tiền này dành riêng cho Châu Phi.

Ngày hôm nay Tổng thống Obama đi thăm nhà máy chế biến thực phẩm Faffa tại Addis Ababa, được sự hỗ trợ của sáng kiến của chính phủ Mỹ có tên là Nuôi dưỡng Tương lai nhằm tăng tiến an ninh lương thực để chống đói nghèo và suy dinh dưỡng.

Theo Tòa Bạch Ốc, nhà máy Faffa sản xuất mỗi năm 25.000 tấn thực phẩm bổ xung, trong đó có sữa bột pha trộn vitamin và các khoáng chất và thực phẩm cho trẻ em. Một số sản phẩm của Faffa được bán cho Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp quốc để phân phối cho những khối dân dễ bị ảnh hưởng và những người tị nạn dọc theo biên giới Somalia và Nam Sudan. Faffa cũng là nhà cung cấp thực phẩm cho trẻ em Ethiopia.

Ngày hôm nay chính phủ Mỹ loan báo một khoản đầu tư trị giá 140 triệu đô la vào chương trình Nuôi dưỡng Tương lai nhằm cung cấp cho nông dân tại 11 nước Châu Phi những loại hạt giống chịu được biến đổi khí hậu, trong đó có bắp, rau, gạo và lúa mì. Chính phủ nói sáng kiến này sẽ mang lại lợi ích cho hơn 11 triệu hộ gia đình tại Châu Phi trong vòng 3 năm tới.

Tổng thống Obama nói “Mục tiêu là gia tăng một cách mạnh mẽ năng suất của các nông dân tại Châu Phi vì điều chúng ta được biết là một tỉ lệ cao người Châu Phi vẫn còn có lợi tức từ nông nghiệp và hầu hết những người này đều có những miếng đất rất nhỏ, và không có nhiều công nghệ. Tuy nhiên với một ít những sự can thiệp khôn khéo, với một ít những sự giúp đỡ, họ có thể có được những sự cải thiện năng suất vô cùng to lớn.”

Tổng thống Obama cũng sẽ nêu lên vấn đề biến đổi khí hậu trong bài diễn văn của ông tại Liên hiệp Châu Phi ngày hôm nay, sau khi thảo luận với Chủ tịch Liên hiệp Châu Phi Nkosazana Dlamini Zum. Bài diễn văn của Tổng thống Obama tại trụ sở Liên hiệp Châu Phi kết thúc chuyến viếng thăm 5 ngày đến Kenya và Ethiopia.

Ngày hôm qua Tổng thống Obama gặp Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn để tiến hành cuộc thảo luận mà ông cho là “những cuộc thảo luận thẳng thắn”, bao gồm việc thúc đẩy chính phủ Ethiopia cho phép nhà báo và các đảng đối lập được hoạt động tự do hơn. Ông nói tạo không gian cho những tiếng nói này “sẽ củng cố hơn là ngăn cản” nghị trình của đảng cầm quyền.

Thủ tướng Hailemariam nói Ethiopia cam kết cải thiện nhân quyền và cai trị “Cam kết của chúng tôi đối với dân chủ là thật, không phải chỉ ở bề ngoài.”

Ngày hôm qua, Tổng thống Obama cũng đề cập khá nhiều về cuộc nội chiến tại Nam Sudan. Ông nói trước một cuộc họp với các nhà lãnh đạo Kenya, Uganda, Ethiopia và Liên hiệp Châu Phi là tình trạng tại Nam Sudan trở nên “tệ hại hơn nhiều.” Ông nói thêm là Tổng thống Nam Sudan và các nhà lãnh đạo đối lập rất bướng bỉnh và chỉ chú trọng tới lợi ích riêng của họ thay vì lợi ích của đất nước.

Tòa Bạch Ốc cho biết ngày hôm qua các nhà lãnh đạo trong cuộc họp đã đồng ý là các nhà lãnh đạo Nam Sudan cần đạt được một thỏa thuận hòa bình vào hạn chót là ngày 17 tháng 8 này. Một viên chức Mỹ nói với các phóng viên là các nhà lãnh đạo đã thảo luận về những biện pháp trừng phạt nếu không có thỏa thuận, bao gồm những chế tài và triển khai lực lượng can thiệp của khu vực.

Ông Obama là tổng thống tại chức đầu tiên của Mỹ đến thăm Ethiopia. Cùng với những cuộc thảo luận song phương ngày hôm qua, Tòa Bạch Ốc loan báo Hoa Kỳ có ý định cung cấp ít nhất 40 triệu đô la viện trợ để chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo động tại Đông Phi cộng thêm với số tiền 465 triệu đô la đã được đề nghị để thực hiện các chương trình huấn luyện, trang bị, xây dựng năng lực nhằm chống lại các phần tử cực đoan bạo động tại Châu Phi.

Ngày hôm qua, Tổng thống Obama nói với các phóng viên là Ethiopia đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc chống lại tổ chức hiếu chiến al-Shabab của Somalia. Ông cũng ca ngợi thành tích kinh tế của Ethiopia, trong đó có việc đưa hàng triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo đói cùng cực.

Các tổ chức nhân quyền đã thúc giục Tổng thống Obama yêu cầu cải cách tại Ethiopia, nơi chính phủ kiểm soát 100% ghế tại quốc hội và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động truyền thông.

Trước khi đến Ethiopia, Tổng thống Obama đã đi thăm 2 ngày Kenya, quê của thân phụ ông, nơi ông được ca ngợi như một người con cưng của đất nước.

Trong một bài diễn văn đọc trước khi rời khỏi Kenya ngày Chủ Nhật, Tổng thống nói Kenya đang ở ngả tư đường “đầy đau khổ, nhưng cũng có nhiều hứa hẹn to lớn.”

Tại Nairobi, Tổng thống Obama ca ngợi những thành tựu của Kenya trong việc giành được độc lập vào năm 1963, trong đó có việc chấm dứt sự cai trị độc đảng và vượt qua được những bạo động về bộ tộc và sắc tộc làm nhiều người thiệt mạng vào năm 2007 và lan tràn trên cả nước trong nhiều tháng. Tổng thống Obama nói “Người dân Kenya chọn cách không bị định đoạt bởi thù hận, các bạn đã chọn một lịch sử tốt đẹp hơn.” - VOA
|
|

2.
Trung Quốc đả kích chuyến đi Phi Châu của TT Obama

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đang chế nhạo động cơ những chuyến thăm châu Phi của Tổng thống Barack Obama là lo ngại về ảnh hưởng ngày càng bành trướng của Bắc Kinh ở châu lục này.

Ký giả Liu Zhun viết trong một bài xã luận đăng trên báo Anh ngữ Global Times ngày thứ hai rằng: Hoa Kỳ “rõ ràng thiếu một chính sách nhất quán về châu Phi” và coi Trung Quốc như một đối thủ tranh giành ảnh hưởng và các cơ hội kinh tế “thay vì một thế lực xây dựng khác đem lại phúc lợi cho vùng đất này.”

Ông Liu viết, “Hoa Kỳ từng là một thế lực bao trùm ở châu Phi. Nói rằng khối lượng giao thương giữa hai nước đã sụt giảm, ông kết luận rằng, “một sự thay đổi lập trường đã làm Hoa Kỳ lo ngại.”

Tân Hoa Xã cũng đả kích việc Hoa Kỳ tiếp xúc và khoe khoang các dự án của Mỹ, theo Associated Press. Tựa đề một bài trên mạng của thông tấn xã nhà nước Trung Quốc viết rằng, “Bất chấp kèn trống, các chương trình viện trợ của Hoa Kỳ dành cho châu Phi không tạo được một sự khác biệt lớn nào,” khi đề cập đến chương trình 1 tỷ đôla mà ông Obama công bố sẽ viện trợ cho các doanh gia toàn cầu ở châu Phi phía nam sa mạc Sahara.

Dự án Trang bị Điện khí cho châu Phi với kinh phí 7 tỷ đôla để cung cấp điện cho 50 triệu người Phi châu đã không đạt được mấy tiến bộ kể từ khi khai trương hồi tháng 6 năm 2013. Tân Hoa Xã tường thuật như vậy hôm thứ hai, viện dẫn một bài báo trước đó trên tờ Les Echos của Pháp.

Ảnh hưởng bành trướng

Đối tác thương mại lớn nhất châu Phi là Trung Quốc đã có các quan hệ với châu lục này từ nhiều thế kỷ và đã ráo riết cố gắng củng cố các quan hệ đó trong mấy năm vừa qua.

Diễn đàn về Hợp tác Trung Quốc – châu Phi họp lần đầu ở Bắc Kinh vào năm 2000, nay có 50 trong số 54 quốc gia làm thành viên. Kỳ họp thứ 6 dự kiến vào tháng 12 ở Nam Phi.

Cường quốc châu Á này đã tăng gấp đôi các cam kết tài chính của mình cho châu Phi tại ba cuộc họp hồi gần đây của diễn đàn và dự kiến sẽ thúc đẩy những cam kết này với "thêm một hạn mức tín dụng ấn tượng nữa," theo một báo cáo từ Chương trình Tăng trưởng châu Phi, một dự án của Viện Brookings ở Washington. Những cam kết của Trung Quốc tăng từ 5 tỉ đôla vào năm 2006 lên 10 tỉ đôla vào năm 2009 và 20 tỉ đôla vào năm 2012. Trung Quốc đã nới rộng hạn mức tín dụng của mình cho châu Phi thêm 10 tỉ đôla vào năm ngoái.

Mới tháng trước, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và những thực thể như Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc tổ chức một diễn đàn kéo dài hai ngày ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia về việc đẩy mạnh đầu tư "có trách nhiệm" và những mối quan hệ đối tác ở châu lục này. Ngành công nghiệp nhẹ được nêu ra là một trọng tâm đặc biệt," vì sự sẵn có của những nguồn lực địa phương và chi phí lao động tương đối thấp," trang web của Ngân hàng Thế giới cho biết.

Trang web của diễn đàn nhấn mạnh những trao đổi ngoại giao và học thuật, cũng như những dự án như cảng Lamu mà Trung Quốc tài trợ xây dựng ở Kenya. Trang web này cho biết thêm, dự án 24 tỉ đôla, dự kiến hoàn thành vào năm 2030, "sẽ là hành lang giao thông thứ hai của Kenya, thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập khu vực trong khu vực Đông Phi và xa hơn nữa".

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Phi

Chính quyền Obama cũng đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Các nhà lãnh đạo Mỹ-Phi tại Washington vào tháng 8 năm ngoái để tăng cường những quan hệ quốc tế. Hội nghị quy tụ khoảng 50 nguyên thủ châu Phi trong ba ngày diễn đàn về an ninh, y tế, môi trường và tham nhũng. Ông Obama, Phó Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng John Kerry đều có bài phát biểu trước cử tọa.

Tại hội nghị thượng đỉnh này, Mỹ đã công bố những giao dịch kinh doanh trị giá gần 1 tỉ đôla, thêm ngân quỹ cho hoạt động gìn giữ hòa bình, và hàng tỉ đôla cho những chương trình lương thực và điện năng.

Hội nghị này đã bị một số cơ quan truyền thông chỉ trích là một nỗ lực nhằm chống lại ảnh hưởng của các diễn đàn Trung-Mỹ. (Châu Âu và Nhật Bản cũng tham gia vào những nỗ lực tương tự với các nhà lãnh đạo châu Phi trong chính phủ và doanh nghiệp.)

'Không chú ý đủ'

Bù đắp ảnh hưởng là một yếu tố, nhưng không quan trọng bằng việc công nhận Mỹ thừa nhận là "đã không chú ý đủ đến châu Phi ở cấp cao nhất của chính phủ trong những năm gần đây," theo ông David Shinn, đồng tác giả cuốn sách "China and Africa: A Century of Engagement" (Trung Quốc và châu Phi: Một trăm năm giao tiếp) "

Ông Shinn, cựu đại sứ Mỹ ở Burkina Faso và Ethiopia và hiện là giáo sư trợ giảng tại Đại học George Washington, cho rằng Mỹ gia tăng sự chú ý là vì ba diễn biến này: nền kinh tế trong nước của Mỹ đang dần ổn định, nền kinh tế đang phát triển của châu Phi và những cơ hội cho quan hệ đối tác của Mỹ và đầu tư tư nhân, và những mối đe dọa an ninh ngày càng lớn mà những kẻ cực đoan đề ra ở châu Phi và ở nhà.

Ông Shinn đưa ra những nhận định này trong tạp chí đăng bình luận về quan hệ China-U.S. Focus Digest mùa thu năm ngoái. - VOA
|
|

3.
Nga muốn tăng cường hợp tác với Tây phương sau thoả thuận hạt nhân Iran

Nga bày tỏ sự hoan nghênh đối với thoả thuận hạt nhân Iran và hô hào cho việc hợp tác thêm nữa giữa Moscow với Tây phương để giải quyết những vấn đề gai góc khác. Theo tường thuật của thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA tại Moscow, thoả thuận hạt nhân Iran có thể gia tăng sự hợp tác ở Trung Đông nhưng những sự bất đồng giữa đôi bên đối với hai vấn đề Syria và Ukraine có phần chắc sẽ tiếp tục.

Giới hữu trách Nga trong thời gian gần đây đã không tiếc lời ca tụng thành tựu của thoả thuận hạt nhân Iran đạt được hồi đầu tháng này, thậm chí còn nhiều hơn các giới chức chính phủ Mỹ.

Trong lúc hiệp định gây tranh cãi này gặp phải những sự chỉ trích của những người chống đối, những người nói rằng cơ chế kiểm tra trong thoả thuận này quá đỗi yếu kém, Điện Kremlin chỉ nhấn mạnh tới sự thành công.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng hiệp định này làm mạnh thêm những nỗ lực ngăn chận nạn phổ biến vũ khí hạt nhân và có một ảnh hưởng tích cực đối với an ninh và ổn định của vùng Trung Đông.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thừa nhận là thành quả này không thể đạt được nếu không có sự hợp tác của Moscow, đồng minh chính của chế độ Assad ở Syria.

Ông Nokolay Kozhanov, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Carnegie ở Moscow, nhận định như sau.

"Trong 3 năm nay, bất chấp mọi vấn đề trong cuộc đối thoại Nga-Mỹ và những mối quan hệ của Nga với Tây phương, phía Nga đã chứng tỏ quyết tâm theo đuổi mục tiêu giải quyết vấn đề hạt nhân Iran."

5 nước hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc – Nga, Mỹ, Anh, Pháp, và Trung Quốc, cộng với nước Đức đã ký kết thoả thuận này với Iran để ngăn chận các tham vọng vũ khí hạt nhân của Tehran.

Ngoại trưởng Lavrov nói rằng sự hợp tác về vấn đề hạt nhân Iran có thể được dùng để giải quyết các vấn đề khác.

Ông Andrey Baklitsky, một nhà phân tích chính sách hạt nhân của Trung tâm PIR ở Moscow, cho rằng thoả thuận hạt nhân Iran có thể làm hồi sinh sự hợp tác về các vấn đề như chống khủng bố và Trung Đông.

"Những vấn đề mà cách tiếp cận của Nga và Tây phương khác nhau sẽ không bị ảnh hưởng nhiều như vậy. Đối với vấn đề Ukraine, rõ ràng là Nga và Tây phương có những cách tiếp cận khác nhau khá nhiều. Nhất là khi nói tới vấn đề bán đảo Crimea, tôi không nghĩ là sẽ có sự hoà giải thật sự vào thời điểm này."

Sự hợp tác giữa Nga và Tây phương phần lớn đã bị gián đoạn sau khi Moscow bị chế tài hồi năm ngoái vì sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và hỗ trợ cho phe đòi ly khai ở miền đông.

Ngoại trưởng Lavrov của Nga trích lời Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran sẽ loại bỏ nhu cầu thiết lập hệ thống phòng thủ phi đạn của Mỹ ở Châu Âu.

Washington cho rằng chương trình phi đạn đạn đạo của Iran làm cho Mỹ phải thiết lập hệ thống phòng thủ ở Châu Âu, nhưng Moscow e rằng kế hoạch đó có mục đích bao vây nước Nga.

Tuy nhiên, việc kiểm tra phi đạn đạn đạo của Iran không nằm trong thoả thuận hạt nhân và chương trình phòng thủ phi đạn ở Châu Âu chưa hoàn tất.

Một số nhà phân tích chính trị nói rằng Hoa Kỳ nên từ bỏ chương trình này để tránh gây căng thẳng không cần thiết với Nga. Nhưng những người khác thì cho rằng vì không có sự bảo đảm chắc chắn nào về phi đạn của Iran và thoả thuận hạt nhân chỉ mới được ký kết cho nên Hoa Kỳ cần xúc tiến kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ phi đạn ở Châu Âu. - VOA
|
|

4.
Malaysia cách chức phó thủ tướng

Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã thay người phó của mình giữa lúc đang xảy ra một vụ bê bối tài chính kéo dài.

Muhyiddin Yassin đã chỉ trích việc ông Najib xử lý các cáo buộc xoay quanh một quỹ đầu tư nhà nước.

Ông Najib đã bác bỏ các cáo buộc nói gần 700 triệu đôla đã được chuyển từ quỹ 1MBD do ông này lập ra năm 2009 vào các tài khoản cá nhân của mình.

Truyền thông nhà nước nói Tổng chưởng lý Abdul Gani Patail, người dẫn đầu cuộc điều tra vụ bê bối này, cũng bị thay thế.

Tuyên bố do hãng tin Bernama đưa ra nói ông bị bãi nhiệm vì lý do sức khỏe.

Phóng viên BBC Jennifer Pak tại Kuala Lumpur nói rằng với những diễn biến mới nhất, người dân Malaysia nghi ngờ không hiểu rồi liệu sự thực có được phơi bày hay không.

Tuy ông Najib có vẻ như đã kéo dài thêm được thời gian cho mình, nhưng hiện đang có những áp lực và ông vẫn phải đối diện với rất nhiều câu hỏi từ các đảng phái đối lập cũng như trong nội bộ đảng Tổ chức Dân tộc Malay Thống nhất (Umno) của mình, phóng viên chúng tôi nói.

Tuyên bố về việc bãi nhiệm ông Muhyiddin trên truyền hình, ông Najib nói sự khác biệt quan điểm "không có nghĩa là thể hiện tại một diễn đàn mở, là điều đi ngược lại với nguyên tắc trách nhiệm tập thể trong chính phủ".

Ông nói đó là một quyết định "rất khó khăn, nhưng tôi phải làm vậy để một nhóm làm việc mạnh có thể tiếp tục tiến lên".

Ông Najib nói ông Muhyiddin bị thay thế bởi cựu bộ trưởng nội vụ, ông Zahid Hamidi. Bốn bộ trưởng khác cũng bị thay thế trong cuộc tái sắp xếp nội các.

Vào đêm Chủ Nhật, ông Muhyiddin đã nói về vấn đề 1MDB tại cuộc họp của đảng Umno.

Ông nói ông đã thúc giục ông Najib từ chức khỏi 1MDB, nơi ông giữ chức chủ tịch ban cố vấn.

Ông cũng kêu gọi ông Najib hãy tự mình giải thích vấn đề.

"Các bộ trưởng không thể giải thích một cách thỏa đáng bởi chúng tôi cũng không biết các thông tin thực sự, cho nên nếu có người nói cho chúng ta biết thì người đó phải là ông thủ tướng, dù thông tin đó có đúng hay không," ông được báo The Star dẫn lời.

1MDB (1Malaysia Development Berhad) nói quỹ chưa bao giờ đưa tiền cho ông Najib và các cáo buộc là không có cơ sở.

Ông Najib nói ông là nạn nhân của "sự phá hoại chính trị" và cáo buộc cựu thủ tướng có nhiều ảnh hưởng Mahathir Mohamed đã dàn dựng chiến dịch bôi xấu nhằm lật đổ ông. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Khoa học gia cảnh báo về robot sát thủ

Hơn một ngàn chuyên gia công nghệ cao, khoa học gia và các nhà nghiên cứu đã viết một bức thư cảnh báo về sự nguy hiểm của vũ khí tự điều khiển.

Hòa cùng làn sóng phản đối mới đây nhất trước việc phát triển loại "robot sát thủ", lá thư cảnh báo rằng "một cuộc chạy đua vũ khí quân sự AI (Artificial Intelligence - Trí tuệ nhân tạo) là một ý tưởng không hay".

Trong số những người ký tên có khoa học gia Stephen Hawking, doanh nhân Elon Musk và người đồng sáng lập Apple, Steve Wozniak.

Lá thư này sẽ được đưa ra tại một hội nghị quốc tế AI hôm nay.

"Robot sát thủ" hiện đang là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận và gần đây đã được thảo luận tại các ủy ban của Liên Hiệp Quốc. LHQ sẽ xem xét khả năng cấm một số loại vũ khí điều khiển tự động nhất định.

Hiện nay các chuyên gia kêu gọi có một lệnh cấm cụ thể đối với việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo để quản lý những vũ khí nào có thể "vượt ra ngoài tầm kiểm soát có ý nghĩa của con người".

"Cũng như hầu hết các nhà hóa học và sinh vật học không quan tâm tới việc làm ra vũ khí hóa học hoặc sinh học, nhiều nhà nghiên cứu AI không quan tâm đến việc tạo ra vũ khí AI - và không muốn người khác làm hoen ố lĩnh vực của họ bằng cách tạo ra vũ khí này," họ thêm.

Giáo sư MIT Noam Chomsky, Trưởng nghiên cứu AI của Google Demis Hassabis, và chuyên gia về tâm thức Daniel Dennett là trong số những người đã ủng hộ lá thư này.

Nội dung lá thư, được đăng trên trang mạng Viện Tương lai cuộc sống (FLI), sẽ được trình trước các đại biểu tại Hội nghị quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo ở Buenos Aires.

AMA về AI

Giáo sư Hawking, một trong những người ký vào lá thư, hiện đang tham gia vào một phiên Ask Me Anything (AMA) trên Reddit, trong đó ông thu thập các câu hỏi về "làm cho tương lai của công nghệ được nhân bản hơn".

Ông sẽ trả lời một số câu hỏi được chọn ra trong suốt tuần, nhưng cho tới nay chưa đăng câu trả lời đầu tiên của mình.

Hồi tháng Mười Hai, trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho đài BBC, vị giáo sư này đã nêu lên mối quan ngại của ông rằng AI có thể báo hiệu kết thúc của nhân loại.

"Con người, vốn bị hạn chế bởi sự tiến hóa chậm về sinh học, không thể cạnh tranh (với trí tuệ nhân tạo), và sẽ bị thay thế," ông nói.

Tuy nhiên Eric Horvitz - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Microsoft - người ký thư về vũ khí tự điều khiển - đã đưa lên mạng một đoạn video biện hộ cho các nghiên cứu AI khác.

"Quý vị nhìn xem máy tính đã làm được biết bao nhiêu cho xã hội chúng ta, cho kinh tế xã hội, trong các ứng dụng như y tế. Thật là không thể tin được. AI sẽ làm thay đổi rất nhiều thứ," ông nói.

"Cùng với nó là rất nhiều hy vọng, rất nhiều lợi ích có thể có và cũng có một số quan ngại.

"Tôi cho rằng có những câu hỏi rất thú vị cần phải được giải quyết trong quá trình này nhưng tôi hy vọng kết quả đa phần là có lợi sẽ được đem lại từ các nghiên cứu này mà chủ yếu là do chúng ta định hướng nó." - BBC
|
|

Tin Việt Nam

6.
Ngoại trưởng Mỹ tới Việt Nam sau chuyến thăm lịch sử của ông Trọng

Ông John Kerry sẽ tới Hà Nội vào đầu tháng 8 trong chuyến công du một loạt các quốc gia Đông Nam Á, và dự kiến sẽ lặp lại lời kêu gọi ngưng xây đảo nhân tạo cũng như quân sự hóa biển Đông.

Trước khi thăm Việt Nam từ ngày 6/8–8/8, nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ sẽ dừng chân tại Ai Cập, Qatar, Singapore và Malaysia.

Tại Singapore, ông Kerry dự kiến sẽ có bài phát biểu về đầu tư và thương mại của Mỹ ở Đông Nam Á.

Còn ở Malaysia, Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ họp với 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ASEAN, mà nhiều nước trong số đó cùng chia sẻ quan ngại với Mỹ về các hoạt động lấn biển và xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông.

Trong số 4 nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, Việt Nam và Philippines thời gian qua lên tiếng mạnh mẽ nhất, phản đối các hành động lấn lướt nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Tuần trước, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, ông Daniel Russel nói rằng tại Malaysia, ông Kerry sẽ lặp lại yêu cầu chấm dứt xây đảo nhân tạo và quân sự hóa ở biển Đông.

“Trong một phát biểu nổi tiếng của [Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ] Richard Armitage, ông từng nói rằng, “nếu ta rơi xuống hố, tốt nhất là đừng có đào tiếp”. Đó là lời khuyên chúng tôi muốn gửi tới các quốc gia tuyên bố chủ quyền: hãy hạ nhiệt và đàm phán bằng cách chấm dứt việc lấn biển trên các bãi cạn ở biển Đông; ngưng xây dựng các cơ sở mới, và chấm dứt quân sự hóa các cơ sở hiện thời. Ngoại trưởng Kerry đã nói điều đó với các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng như các quốc gia tuyên bố chủ quyền khác, và sẽ gặp những người đồng cấp vào đầu tháng sau tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Malaysia, và sẽ thúc đẩy cho tiến bộ của vấn đề ưu tiên hàng đầu này.”

Ngoài vấn đề biển Đông, các nhà quan sát cho rằng vấn đề Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng nằm cao trong nghị trình của Ngoại trưởng John Kerry.

Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei là các quốc gia đang đàm phán với Mỹ về TPP mà Washington hy vọng sẽ kết thúc trong năm nay.

Ngoài hai vấn đề trên, trong chuyến công du 3 ngày tại Việt Nam, ông Kerry sẽ tham gia các hoạt động đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Washington.

Trong chuyến thăm gần đây nhất năm 2013, Ngoại trưởng Mỹ thông báo Washington sẽ hỗ trợ cho Hà Nội 18 triệu đôla cũng như cấp 5 tàu tuần duyên cho Việt Nam.

Chưa rõ lần này ông sẽ có cam kết gì cho Việt Nam hay không, trong khi đôi bên thời gian qua bày tỏ lo ngại về các động thái mạnh mẽ của Trung Quốc ở biển Đông.

Chuyến đi của ông Kerry lần này diễn ra một tháng sau khi Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thực hiện chuyến công du lịch sử tới Mỹ. - VOA

No comments:

Post a Comment