Tuesday, July 7, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 7/7

Tin Thế Giới

1.
Tổng thống Mỹ tiếp lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam tại Nhà Trắng --- Đón tiếp ông Nguyễn Phú Trọng, Mỹ tìm đồng minh chống Trung Quốc

Hôm nay 07/07/ 2015, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hội kiến tổng thống Mỹ Barack Obama tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng. Nghi lễ tiếp đón mang ý nghĩa biểu tượng và trọng thị, cho dù khách mời không phải là nguyên thủ quốc gia.

Theo thông cáo của phủ Tổng thống Mỹ, sáng nay, vào lúc 11 giờ 10 , tổng thống Barack Obama và Phó tổng thống Joe Biden tiếp Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng.

Trước đó, thông cáo của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong cuộc gặp gỡ này, Tổng thống Obama thảo luận với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng những phương thức thắt chặt quan hệ toàn diện với Việt Nam, 20 năm sau khi bình thường hóa bang giao với Hà Nội. Phía Hoa Kỳ xem đây là dịp để thảo luận các hồ sơ khác từ Hiệp định Tự do Thương mại xuyên Thái Bình dương TPP, nhân quyền tại Việt Nam và hợp tác an ninh quốc phòng.

Theo Washington Post, chính quyền Obama cho biết Hà Nội bài tỏ nguyện vọng tăng cường quan hệ kinh tế và quân sự với Hoa Kỳ và tổng thống Obama đã đáp ứng lại mong đợi này.

Sự kiện bất thường gây chú ý là ông Nguyễn Phú Trọng được đón tiếp trong Phòng Bầu dục, một vinh dự hiếm khi dành cho khách mời không phải là nguyên thủ quốc gia.

Giới bảo vệ nhân quyền và nhiều dân biểu Mỹ chỉ trích tổng thống Mỹ tiếp ông Nguyễn Phú Trọng một cách trọng thị, trong khi tại Việt Nam còn hơn 100 tù nhân chính trị.

Theo dân biểu Zoe Lofgren, bang California, nhân chuyến viếng thăm Việt Nam hồi tháng 3, bà đã trao cho ông Nguyễn Phú Trọng danh sách các tù nhân chính trị và đòi Hà Nội phải trả tự do cho những tù nhân này. - RFI

***
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam được tổng thống Mỹ đón tiếp một cách vinh dự trong Phòng Bầu dục. Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa lãnh đạo một siêu cường tự do và lãnh đạo một chế độ độc tài, không được chính giới và công luận Mỹ đồng tình. Nhưng tình hình địa chính trị tại châu Á Thái Bình Dương buộc Washington và Hà Nội phải gạt qua những dị biệt để đương đầu với nguy hiểm chung.

Theo phân tích của AFP từ Washington, 40 năm sau ngày "Sài-gòn thất thủ" và 20 năm sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Tổng thống Mỹ sẽ nhân cuộc gặp gỡ với lãnh đạo đảng Cộng sản Việt nam để thông báo chuyến công du sắp tới tại Việt Nam. Năm 2000, tổng thống Bill Clinton, sau khi thiết lập bang giao với Hà Nội, đã đến Việt Nam trong động thái hòa giải lịch sử và tổng thống Obama sẽ tiếp nối chiến lược này.

Chính quyền Obama xem châu Á Thái Bình dương là mục tiêu chiến lược trong chính sách đối ngoại, không che dấu quyết tâm cải thiện và tăng cường quan hệ với Việt Nam. Hà Nội cũng muốn phát triển hợp tác kinh tế lẫn quân sự với Mỹ trong bối cảnh các nước Đông Nam Á đứng trước tham vọng biển đảo càng ngày càng lộ rõ và thái độ hung hăng lộ liễu của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, bản chất độc tài của Hà Nội đã gây phản ứng không thuận lợi trong công luận Mỹ. Trong một bức thư ngõ gửi tổng thống Obama, khoảng một chục đại biểu của Lưỡng viện Quốc hội Mỹ chỉ trích tổng thống mời ông Nguyễn Phú Trọng vào Nhà Trắng, trong khi ông không phải là nguyên thủ quốc gia, cũng không phải là đại diện một chính phủ do dân bầu. Các nhà dân cử Mỹ lên án "chế độ độc đảng là cội nguồn gây thảm họa cho nhân quyền tại Việt Nam" và họ kêu gọi tổng thống "yêu cầu Hà Nội trả tự do cho các tù nhân chính trị, chỉ vì phát biểu ôn hòa mà đã bị tù giam".

Phía hành pháp Mỹ cũng công nhận là nghi thức đón tiếp ông Nguyễn Phú Trọng không theo thủ tục "truyền thống". Tuy nhiên, một viên chức cao cấp, được AFP trích dẫn, lưu ý: lãnh đạo đảng Cộng sản là người nắm thực quyền tại Việt Nam. Cuộc gặp gỡ này là cơ hội để hai bên thắt chặc quan hệ.

Quan điểm của hành pháp không được giới bảo vệ nhân quyền chia sẻ. Ông John Sifton, thuộc Tổ chức Human Rights Watch, nhận định là Hà Nội không có tiến bộ nhiều "để có thể được tưởng thưởng đón tiếp trong Phòng Bầu dục". Human Rights Watch nhìn nhận tổng thống Obama đã nhiều lần lên tiếng bênh vực cho các nhà tranh đấu tại Việt Nam, nhưng các thông điệp này ít được Hà Nội đáp ứng.

Theo AFP, trong quan hệ Mỹ-Việt, có hai hồ sơ quan trong sẽ được lãnh đạo Mỹ và Việt Nam bàn thảo: cấm vận vũ khí và hiệp định thương mại xuyên Thái bình dương TPP.

Cả hai hồ sơ này đều gắn liền với tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Tháng 10 năm 2014, Hoa Kỳ đã bãi bỏ một phần cấm vận vũ khí và đã cho phép bán cho Việt Nam trang thiết bị phòng thủ biến đảo như tàu tuần tra có võ trang. Tuy nhiên, một viên chức của bộ Ngoại giao cảnh báo: mọi biện pháp cung cấp vũ khí cho chế độ cộng sản Việt Nam cho đến bây giờ vẫn còn bị cấm và Hoa kỳ đã lưu ý Hà Nội là mọi quyết định mới tùy thuộc vào tình trạng nhân quyền.

Kế hoạch thiết lập vùng trao đổi mậu dịch tự do xuyên Thái Bình dương TPP đang thương thuyết cũng có điều kiện tôn trọng quyền tự do thành lập công đoàn độc lập mà Hà Nội rất e ngại.

Trong 6 năm qua, tổng thống Obama đã không ngừng tiến hành một chính sách ngoại giao mới, bắt tay hòa giải với kẻ thù cũ, chứng tỏ siêu cường số một thay đổi để các chính quyền độc tài tin cậy và noi gương. Ông đã chứng minh, lời nói đi đôi với việc làm, qua chính sách Miến Điện và Cuba, được công luận quốc tế, dân chúng và chính quyền hai quốc gia này hoan nghênh.

Liệu Việt Nam sẽ nắm lấy bàn tay thân thiện của Mỹ hay tự cho mình là một trường hợp ngoại lệ?

Nhật báo Washington Post nhận định thẳng thừng: Barack Obama nỗ lực lôi kéo Việt Nam làm đồng minh chống Trung Quốc. Một viên chức Mỹ xin ẩn danh phân tích: Ông Nguyễn Phú Trọng là đại diện của phe bảo thủ, nhưng tổng thống Mỹ có "bùa". Cuộc gặp gỡ này là tín hiệu "chốt chận cứng cõi cuối cùng" bên trong ban lãnh đạo Việt Nam đã được bứng đi . - RFI
|
|

2.
Thế giới chờ kết quả cuộc họp thượng đỉnh về khủng hoảng Hy Lạp --- Hy Lạp 'không có kế hoạch gì mới'

Mọi sự chú ý tại nước Hy Lạp nợ nần chồng chất và khu vực rộng lớn hơn đều dồn vào một hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Âu Châu dự kiến triệu tập trong ngày hôm nay trong một vụ đôi co có phần chắc sẽ quyết định liệu các ngân hàng Hy Lạp có sẽ mở cửa trễ hơn trong tuần này, hay sẽ vẫn tiếp tục đóng cửa.

Áp lực gia tăng hôm qua đối với Athens, giữa lúc một trong những chủ nợ hàng đầu của Hy Lạp, là Ngân hàng Trung ương Âu Châu, quyết định không tăng khoản tín dụng khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp.

Không có sự giúp đỡ từ bên ngoài, các ngân hàng dự kiến sẽ cạn tiền mặt vào ngày thứ Tư này, trong khi Athens dự báo sẽ không thanh toán hàng tỉ đô la tiền trả nợ đến hạn phải trả cho các chủ nợ Âu Châu vào cuối tháng này.

Lên tiếng tại Paris hôm qua bên cạnh Tổng Thống Pháp Francois Hollande, Thủ Tướng Đức Angela Merkel nói các điều kiện cho gói cứu nguy tài chánh cho Hy Lạp đã không được thi hành.

Bà Merkel quy trách nhiệm cho các nhà lãnh đạo Hy Lạp là không hành động nhanh chóng nhằm đạt được một thoả thuận với các chủ nợ, để có thể ở lại trong khối sử dụng đồng euro.

Không đạt được thoả thuận, theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng có thể buộc người Hy Lạp ra khỏi khối 19 nước sử dụng đồng euro, lần đầu tiên một nước ra khỏi khối Euro trong lịch sử 16 năm của khối này. - VOA

***
Hy Lạp 'không có đề xuất nào cụ thể' về gói cứu trợ tài chính mới, trước cuộc họp quan trọng với các bộ trưởng tài chính khu vực dùng đồng euro, theo Thủ tướng Malta.

Ông Joseph Muscat viết trên Twitter rằng điều này “không hề có ích cho cuộc họp tối nay của các lãnh đạo khối đồng euro” ở Brussels.

Khu vực đồng euro thúc giục Hy Lạp nộp bản kế hoạch mới hoàn toàn sau khi người dân bỏ phiếu chống lại các điều kiện để có được gói cứu trợ trong cuộc trưng cầu dân ý.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras sẽ xuất hiện trước Nghị viện châu Âu vào thứ Tư 08/07, một nguồn từ chính phủ Hy Lạp nói.

Thông tin báo chí cho biết phía Hy Lạp đã trình bày trước các bộ trưởng tài chính vào thứ Ba. Tuy nhiên các nguồn cho biết không hề có văn bản kế hoạch mới nào.

'Không thể lãng phí thời gian'

Một nguồn nói với hãng tin Reuters: “Họ nói sẽ nộp một bản thỉnh nguyện mới và đại cương đề xuất mới, có thể vào ngày mai (thứ Tư).”

Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos nói với một phóng viên người Tây Ban Nha: "Chẳng có đề xuất nào. Chúng tôi chỉ họp chung chung. Và chúng tôi không có thời gian để lãng phí."

Nói về mức độ khó khăn của cuộc họp, một quan chức khối euro cho biết: "Nếu họ thực sự lên kế hoạch sẽ đề xuất chính thức gì đó vào ngày mai, họ có thể sẽ chẳng tìm thấy ai mà đọc."

Ông Tsipras được cho là muốn cắt 30% khoản nợ từ tổng số 323 tỷ euro, trả trong vòng 20 năm.

Ông Tsipras sẽ gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande trước cuộc gặp với các lãnh đạo ở Brussels, một quan chức Hy Lạp nói.

Trước đó Thủ tướng Pháp Manuel Valls nói nước này sẽ làm tất cả có thể để giữ Hy Lạp trong khu vực đồng euro và đó là “nền tảng cho một thỏa thuận đã tồn tại”.

Tuy nhiên, Đức cảnh báo chống lại mọi kiểu xóa nợ vô điều kiện cho khoản nợ của Hy Lạp trong lúc có lo ngại điều này sẽ làm sụp đổ dòng tiền tệ chung duy nhất. - BBC
|
|

3.
Tòa LHQ bắt đầu vụ Philippines kiện TQ

Một tòa án của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang xem xét xem có khả năng xử vụ kiện tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Năm 2013, Philippines yêu cầu Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) công bố những tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp là vô giá trị.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng Biển Đông khiến một số láng giềng châu Á giận dữ.

Trung Quốc nói tòa không có quyền tài phán để xử vụ kiện.

Nếu tòa án quyết định có thẩm quyền xử, các phiên điều trần pháp lý sẽ diễn ra.

Philippines cho gửi nhóm luật sư cao cấp tới phiên tòa gồm 5 thành viên tòa án sẽ tiếp diễn tới ngày 13/07. Trung Quốc không tham gia phiên xử.

Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei và Indonesia cũng tuyên bố chủ quyền đối với khu vực rộng 3.5 triệu kilomet vuông, được cho là giàu tài nguyên.

Philippines đã có tranh chấp ngoại giao với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough và đặc biệt là quần đảo Trường Sa.

Nước này nói “đường chín đoạn” của Trung Quốc dùng làm đường biên giới để tuyên bố lãnh thổ, là trái luật xét dưới Luật biển của Công ước LHQ, mà cả hai quốc gia đã ký, và muốn tòa án công bố đây là trái luật.

Phân tích của Carrie Gracie, biên tập viên Trung Quốc, BBC News

Đây là cuộc chiến giữa David nhỏ bé và người khổng lồ Goliath trước tòa LHQ tại Hague vào thứ Ba 07/07, nếu Goliath xuất hiện.

Năm 2010, Ngoại trưởng Trung Quốc lúc đó là Dương Khiết Trì, nói với các vị láng giềng rằng: “Trung Quốc là nước lớn, các nước khác là nước nhỏ, và đây là chỉ đơn giản là thực tế.”

Nhưng kích cỡ không được coi là phương tiện trao đổi hợp pháp trong cuộc đua tranh tuyên bố lãnh thổ trên Biển Nam Trung Hoa.

Năm vị quan tòa của Tòa Trọng tài sẽ quyết định trường hợp của Philippines với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo Luật biển của Công ước Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) mà cả hai quốc gia cùng ký.

Phí tham gia kiện vẫn rẻ hơn là xây dựng quân đội, và đây là sân chơi cân bằng hơn cho Philippines bé nhỏ đối đầu với vị láng giềng khổng lồ.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc ra sức bồi đắp và xây dựng cơ sở ở một vài rạn san hô, khiến Hoa Kỳ đưa ra kêu gọi tạm ngưng những hoạt động này.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đang xây dựng đường băng trên rạn Fiery Cross (đảo đá Chữ thập) thuộc Trường Sa, bên cạnh xây dựng những cơ sở khác.

Trung Quốc biện hộ rằng nước này đang hoạt động hợp pháp dựa trên quyền chủ quyền ở khu vực tranh chấp. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
TT Obama cam kết tăng cường cuộc chiến chống IS ở Syria

Hôm thứ Hai 6/7,Tổng thống Barack Obama thực hiện chuyến thăm hãn hữu đến Ngũ Giác Đài để nói chuyện với các cố vấn an ninh quốc gia về việc cải thiện sách lược của Hoa Kỳ nhằm đánh bại các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi Giáo. Thông tín viên Đài VOA tại Ngũ Giác Đài Carla Babb ghi nhận chi tiết.

Tổng thống Obama nói: “Điều gì có tác dụng, và điều gì chúng ta có thể làm tốt hơn.”

Sau khi gặp các thành viên trong ban cố vấn của ông ngày hôm qua, Tổng thống Barack Obama cam kết gia tăng cường độ chiến đấu, đặc biệt tại Syria, nơi ông nói là Hoa Kỳ sẽ nhắm vào các kho dự trữ dầu và giới lãnh đạo Nhà nước Hồi Giáo.

“Và tôi khẳng định rõ điều này với ban cố vấn của tôi là chúng ta sẽ làm nhiều hơn nữa để huấn luyện và trang bị cho phe đối lập ôn hòa tại Syria.”

Một số nhà phân tích chỉ trích tác động việc làm của Hoa Kỳ tại Syria. Chuyên gia Brian Katulis thuộc Trung tâm vì Sự Tiến bộ của Hoa Kỳ nói với Đài VOA qua Skype rằng Syria là điểm yếu nhất trong chiến lược chống IS của tổng thống Obama.

“Thực rõ ràng là có nhiều hoạt động trên bộ tại Syria, nhưng dường như rất ít hoạt động giúp tiến đến mục đích của chúng ta hay là ít nhất mục đích chính sách của chúng ta đã được đưa ra là gì.”

Chuyến viếng thăm của tổng thống Obama đến Ngũ Giác Đài tiếp theo nhiều ngày gia tăng cường độ các cuộc không kích chống lại tổ chức khủng bố ISIS. Tại Syria, một cuộc không kích đánh sập một cây cầu chính nằm trên đường chuyển vận của IS tại Raqqa, Syria, được Nhà nước Hồi Giáo tự xưng là thủ đô của Vương quốc Hồi Giáo của họ.

Tổng thống Obama nói hơn 5.000 cuộc không kích của Liên minh cùng với hoạt động của các lực lượng địa phương đã thành công trong việc đẩy lùi Nhà nước Hồi Giáo tại Iraq và Syria. Các lực lượng này đã chiếm lại được một số lãnh thổ tại vùng Đập Mosul, núi Sinjar, các tỉnh Kirkuk và Irbil, tại Tikrit và ngay cả chặn vùng tiếp liệu chính yếu của IS tại miền bắc Syria.

“Những điều này nhắc nhở chúng ta rằng những khuyết điểm chiến lược của ISIS là có thực.”

Nhưng Tổng thống Obama cảnh báo là không có mức độ lực lượng quân sự nào sẽ đánh bại được các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi Giáo trừ phi được phối hợp với những nỗ lực chính trị và kinh tế để lấp đầy khoảng trống tạo ra một khi tổ chức này bị đánh bại. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam đang tái cân bằng chiến lược, xoay sang Hoa Kỳ?

Một chuyên gia về Việt Nam đã đặt câu hỏi “Có phải Việt Nam đang tái cân bằng chiến lược, xoay trục sang Hoa Kỳ?” trong một bài viết đăng trên báo The Diplomat hôm 6/7, giữa lúc Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khởi sự chuyến công du chính thức tới thăm Washington.

Giáo sư Carl Thayer trích các nguồn tin ngoại giao nói rằng Việt Nam đã dồn nỗ lực vận động để vượt qua được một số khó khăn về nghi thức, Hà Nội kiên trì vận động để dược Tổng Thống Barack Obama đón tiếp ông Nguyễn Phú Trọng tại Tòa Bạch Ốc, trong khi với tư cách Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trọng không có người “tương nhiệm” trong hệ thống chính trị Mỹ.

Theo các nguồn tin ngoại giao, Tổng Bí thư Trọng sẽ được Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đón tiếp tại Tòa Bạch Ốc, sau đó Tổng thống Obama sẽ tham gia các cuộc thảo luận. Có tin cho biết ông Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ gặp bà Hillary Clinton, nhân vật có triển vọng nhất có thể được đề cử làm ứng viên của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.

Giáo sư Thayer nhận định rằng cuộc gặp gỡ giữa Tổng Bí thư Trọng và Tổng thống Obama có ý nghĩa đặc biệt, và bất cứ sự đồng thuận nào mà hai ông đạt được trong lần gặp gỡ này sẽ đặt nền móng cho quan hệ Mỹ-Việt giữa lúc hai nước trải qua một giai đoạn chuyển tiếp chính trị, với thay đổi nhân sự ở cấp lãnh đạo cao nhất.

Năm 2013, Tổng thống Obama và vị tương nhiệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Hiệp định Đối tác Toàn diện. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng. Đây sẽ là văn kiện chủ yếu làm khung cho các quan hệ song phương, trong bối cảnh Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 vào đầu năm 2016, thông qua chiến lược trong 5 năm tới.

Trong khi đó Việt Nam coi cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một động thái công nhận vai trò của Đảng Cộng sản trong hệ thống chính trị Việt Nam, và chuyến đi sẽ dọn đường cho các chuyến công du của các nhân vật lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trong tương lai.

Báo Washington Post hôm 3 tháng 7 đăng bài góp ý của Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Hoàng Bình Quân, nói rằng chuyến công du Mỹ của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng “là tín hiệu cho thấy sự tôn trọng của Mỹ đối với lựa chọn về thể chế chính trị của Việt Nam."

Về vấn đề này, một nhà đấu tranh để dân chủ hoá Việt Nam đang sống lưu vong tại Hoa Kỳ, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, nhận định:

“Chúng ta không nên quên rằng trong hai lần Tổng thống Mỹ tiếp nhân vật cao cấp nhất Việt Nam, lần Tổng thống Bush tiếp ông Nguyễn Minh Triết, và lần này Tổng thống Obama tiếp ông Nguyễn Phú Trọng, thì chúng ta đều thấy là chính quyền Mỹ đã tiếp các nhà hoạt động chính trị bất đồng chính kiến. Lần này thì Hội đồng An ninh Quốc gia đã tiếp đại diện của ba tổ chức chính trị, trong đó có một tổ chức chính trị mà người sáng lập và lãnh đạo hiện có mặt tại Sài Gòn (Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, người sáng lập Tập họp vì nền Dân chủ ở Việt Nam). Thành ra Mỹ đã gửi đi một thông điệp có hai nội dung. Một nội dung là công nhận Đảng Cộng sản đang cầm quyền ở Việt Nam, và một nội dung thứ hai là ủng hộ những tiếng nói đối lập. Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới đây thì chắc chắn Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện việc ủng hộ này, và tôi nghĩ rằng đây là một cánh cửa mở ra cho lực lượng đối lập chính trị hoạt động trong thời gian tới ở Việt Nam.”

Hãng tin AP tường thuật rằng vấn đề nhân quyền vẫn là một khó khăn chủ yếu, giữa lúc chiến dịch đàn áp giới bất đồng ở Việt Nam tác động tới sự ủng hộ chính trị tại quốc hội Hoa Kỳ cho tiến trình thương thuyết Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, mà các chuyên gia cho là không những mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam, mà còn phục vụ các lợi ích an ninh của Việt Nam, trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông. Giáo sư Đoàn Viết Hoạt:

“Việt Nam chắc cũng đã thấy được cái điều này và chắc chắn là họ cũng sẽ tìm cách để mà thay đổi cái chính sách để có thể hoà nhập vào cái chính sách chung của vùng Thái Bình Dương về mặt kinh tế là TPP và về mặt an ninh quốc phòng mà tôi nghĩ sau Đại Hội 12 chúng ta có thể thấy nó hiện ra rõ hơn.”

AP dẫn lời ông John Sifton, đại diện của Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch ở Washington, nói rằng Tổng thống Obama nên được hoan nghênh vì đã tiếp tục gây sức ép với Hà Nội, đòi phóng thích tù chính trị, tôn trọng quyền người lao động và tự do tôn giáo, nhưng ông nói vấn đề nằm ở chỗ những đòi hỏi đó đã không được đáp ứng đúng mức.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam có trụ sở tại Paris, và là một nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo và Phật giáo Việt Nam, nói ông đồng ý với quan điểm đó. Ông nói Hoa Kỳ muốn giúp thì nên nghĩ tới 90 triệu dân hơn là chỉ nghĩ tới chế độ đương quyền hiện nay. Ông nói tiếp:

“Ngoại giao thì dĩ nhiên bao giờ nó cũng xảy ra giữa các nhà lãnh đạo, nhưng mà dưới các nhà lãnh đạo thì các tầng lớp nhân dân rất là lớn, tự do thì hoàn toàn không có… Thành ra có thể nói rằng nhân quyền chỉ là một cái mộng ước thôi, chứ còn trong thực tại Việt Nam thì tuyệt đối không hề có sự tôn trọng nhân quyền, chẳng những thế mà còn đàn áp một cách khốc liệt các tôn giáo ở Việt Nam.”

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa từng bị cầm tù vì những hoạt động đấu tranh đòi dân chủ trong nước, nhận định là muốn có dân chủ bền vững, Việt Nam phải thay đổi thể chế chính trị:

“Phải mở rộng tự do dân chủ cho nhân dân, công nhận những cái quyền căn bản của người dân, và sau cùng là phải công nhận cái hệ thống chính trị đa nguyên, đa đảng thì đất nước Việt Nam mới thực sự có dân chủ vững bền.”

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho rằng tình hình trên thế giới đã thay đổi với các yếu tố địa chính trị mới, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục chính sách bành trướng đi kèm với những hành động gây hấn ở Biển Đông, thì có những lợi ích của hai bên đang hội tụ về môt điểm. Giáo sư Đoàn Viết Hoạt:

“Tôi nghĩ rằng cái tình hình Việt Nam đã bước sang một cái giai đoạn mới và quan hệ Việt-Mỹ cũng bước sang một giai đoạn mới. Chúng ta hy vọng rằng Việt Nam sẽ phải thực hiện cái đổi mới mà quốc tế gọi là đổi mới Hai, tức là đổi mới về văn hoá và chính trị, sau cái đổi mới Một về kinh tế.”

Giáo sư Thayer nói trong bối cảnh hệ thống làm quyết định tại Việt Nam luôn bị che lấp dưới màn bí mật. Giới phân tích quốc tế cho rằng có hai phe cánh trong Bộ Chính trị, một bên có lập trường bảo thủ, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và phe cải cách, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật được tin là đang tìm cách thắt chặt các quan hệ kinh tế và có thể cả quan hệ an ninh với Hoa Kỳ.

Theo Giáo sư Thayer thì sự khác biệt quan điểm trong các phe phái trong nội bộ Bộ Chính trị phức tạp hơn thế, vì không chia rõ rệt thành hai phe, phe thân Trung Quốc và phe thân Mỹ, mà khác biệt chủ yếu dựa trên sự đánh giá và quan hệ với các cường quốc phải như thế nào để đừng phương hại tới các lợi ích của quốc gia. - VOA
|
|

6.
GPBank bị mua lại giá 0 đồng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GP Bank) với giá 0 đồng/cổ phần.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của GP Bank.

Thông báo loan đi hôm 7/7 cho biết Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) sẽ tham gia quản trị, điều hành GP Bank, đồng thời “kiện toàn Hội đồng quản trị, Ban điều hành và Ban kiểm soát của GP Bank”.

Thông báo nói thanh tra năm 2012 phát hiện GP Bank “bộc lộ nhiều yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro”.

Đây là ngân hàng thứ ba bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua lại với giá 0 đồng trong năm nay, gồm VNCB, OceanBank và GPBank. - BBC

No comments:

Post a Comment