Friday, July 10, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 10/7

Tin Thế Giới

1.
Hy Lạp đệ trình các đề nghị cải cách kinh tế

Chính phủ Hy Lạp đã đệ trình các đề nghị cải cách kinh tế để đổi lấy một kế hoạch cứu nguy của các chủ nợ quốc tế. Nhiều người coi đây là cơ hội cuối cùng cho đất nước nợ nần chồng chất này để đạt được một kế hoạch cứu nguy, hoặc bị trục xuất ra khỏi khối sử dụng đồng euro. Trước một hội nghị của EU bàn về vụ khủng hoảng này dự trù vào ngày Chủ Nhật tới, thông tín viên VOA Henry Ridgwell tường thuật về bầu không khí ở trung tâm Athens.

Bên ngoài Quốc hội Hy Lạp, những người biểu tình ủng hộ EU đã tụ tập tối qua, kêu gọi chính phủ đạt một thỏa thuận và lùi lại trước bờ vực của việc rút ra khỏi khối Euro.

Người đàn ông này nói người Hy Lạp sinh ra là người Âu châu và phải tiếp tục là người Âu châu, bởi vì không có con đường bên ngoài châu Âu.

Chính phủ Hy Lạp đã đệ trình các đề nghị cứu nguy mới ngay trước kỳ hạn là tối thứ Năm. Các đề nghị này sẽ được các nhà lãnh đạo Âu châu duyệt xét trước cuộc họp thượng đỉnh quan trọng ở Brussels ngày Chủ Nhật.

Các chuyên gia phân tích nói hệ thống tài chính của Hy Lạp sắp sụp đổ. Các ngân hàng sẽ tiếp tục đóng cửa cho đến ít nhất là ngày thứ Hai và việc rút tiền bị hạn chế ở mức 60 euro mỗi ngày. Dòng người xếp hàng ở các máy rút tiền tự động chủ yếu là ôn hòa nhưng rất căng thẳng.

Tại ngôi chợ Varvakios ở Athens, nông phẩm từ khắp Hy Lạp đã được mua bán từ nhiều thế kỷ. Những người bán nói họ chưa bao giờ thấy ngôi chợ này im ắng như thế. Các kiểm soát về vốn có nghĩa là nhiều người Hy Lạp đang tiết chế một trong những thú vui là ăn ngon. Ông Kyriakos có một quầy bán thịt trong chợ.

Ông nói mọi người căng thẳng, bất mãn và đang chờ đợi cho đến phút chót để chính phủ đạt được một thỏa thuận. Ông nói một số người thậm chí còn bàn về việc trở lại sử dụng đồng drachma, nhưng chỉ có Thủ tướng Alexis Tsipras và những người quanh ông mới biết điều gì sẽ xảy ra sau ngày Chủ Nhật.

Nếu không đạt được một thỏa thuận, Hy Lạp có thể bị đẩy ra khỏi khối sử dụng đồng Euro. Chưa biết điều gì sẽ xảy ra đối với giá cả, với người dân, với Hy Lạp. Giữa tình trạng bất định tê liệt này, có sự thách thức.

Người bán cá Giannis Kasidokostas nói cho dù điều gì xảy ra đi nữa, người dân Hy Lạp cũng vẫn sống còn. Ông nói nếu họ cắt đi một cái đầu thì sẽ có 4 cái đầu khác mọc ra. Dân chúng đã sống sót qua Đế chế Ottoman, đã sống sót qua thời kỳ Đức chiếm đóng và không chết vào lúc này.

5 năm khủng hoảng kinh tế đã đem lại thêm một thời khắc lịch sử khác cho Hy Lạp. - VOA
|
|

2.
Kiện Trung Quốc về Biển Đông, Manila được điều trần lần thứ nhì --- Chuyên gia Mỹ: Bắc Kinh là kẻ xâm lược ở Biển Đông, Hà Nội không

Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc ngày 10/07/2015 vừa quyết định cho phép Manila tiếp tục điều trần ở vòng hai. Đợt điều trần thứ nhì sẽ bắt đầu vào lúc 10 giờ sáng ngày 13/07/2015. Tin trên do báo Rappler của Philippines tiết lộ.

Theo lời phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippines bà Abigail Valte, Tòa án Quốc tế đánh giá là: "Phía Philippines đã chuẩn bị đầy đủ để trả lời một cách tốt nhất những câu hỏi của bên Tòa án trong cuộc điều trần thứ nhì". Trong một thông báo trước đó Manila ghi nhận việc được quyền điều trần thêm một đợt thứ hai chỉ là một "thủ tục bình thường", và điều đó chứng tỏ các vị thẩm phán của Tòa "muốn tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề của vụ kiện".

Tòa án Trọng tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại La Haye, Hà Lan, bắt đầu nghe đại diện chính quyền Manila trình bày lập trường của mình trong hai phiên điều trần mồng 7 và 08/07/2015. Tòa án sẽ xác định xem phía Trung Quốc hay Philippines có quyền sở hữu đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, ở Biển Đông, nơi có những tuyến vận tải đường biển quan trọng đối với thương mại thế giới.

Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông, trong đó gồm cả vùng biển mà Philippines khẳng định thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình. Các chuyên gia Philippines đưa ra các lập luận và tài liệu để chứng mình rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc thông qua bản đồ 9 đoạn là vô giá trị, chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Ngay từ đầu, Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện cùng Philippines và khẳng định Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc không có thẩm quyền xem xét hồ sơ này. Các vùng tranh chấp chồng lấn tại Biển Đông là những điểm nóng trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng các cơ sở quân sự trên đó, còn Hoa Kỳ thì thực hiện chính sách xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương. - RFI

***
Báo Want China Times của Đài Loan hôm nay, 10/07/2015, dẫn nghiên cứu của một học giả thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế CSIS, có trụ sở tại Washington, theo đó, chính Trung Quốc mới là kẻ xâm lược tại Biển Đông, chứ không phải Việt Nam, như cáo buộc trước đó của học giả Greg Austin trên báo The Diplomat.

Tờ báo Đài Loan nhắc lại, trong bài viết ngày 18/06 được đăng tải trên The Diplomat, có trụ sở tại Tokyo, nhà nghiên cứu Greg Austin (Viện Ngoại giao Đông Á/Est West Institute for the Diplomat, ở New York) đã mô tả Việt Nam như "kẻ gây hấn lớn nhất khu vực". Tác giả Greg Austin cho rằng Việt Nam đã gia tăng gấp đôi số lượng thực thể chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa kể từ năm 1996. Trước thời điểm này, theo ông Austin, Việt Nam chỉ kiểm soát 24 thực thể địa lý.

Ông Gregory B. Poling, nghiên cứu sinh tại bộ phận Đông Nam Á (Sumitro Chair for Southeast Asia Studies) của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế CSIS khẳng định: có một sự khác biệt lớn giữa các hoạt động đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam và Trung Quốc. Trước hết, việc mở rộng đảo của Việt Nam tại Trường Sa vô cùng nhỏ so với Trung Quốc.

Riêng tại đảo Đá Chữ Thập (Fiery Croiss Reef) Trung Quốc đã mở rộng đến 800 acre (tương đương 32 ha), trong khi đó, toàn bộ các xây dựng của Việt Nam tại Trường Sa chỉ có diện tích 3,5 acre (1,4 ha). Việt Nam cũng chưa bao giờ thực hiện việc biến bãi đá ngầm thành đảo nổi. Vẫn theo nhà nghiên cứu Viện CSIS, diện tích toàn bộ các thực thể mà Trung Quốc đã tôn tạo rộng hơn Ba Bình, đảo lớn nhất tại Trường Sa, hiện do Đài Loan kiểm soát. Theo ông Gregory B. Poling, Washington nên đưa ra các giải thích đầy đủ hơn về những gì diễn ra tại Biển Đông, để phản bác lại quan điểm sai trái của Trung Quốc. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Cựu TT Bush và Clinton hy vọng về một chiến dịch vận động tranh cử lịch sự

Hai cựu tổng thống Mỹ, Bill Clinton và George W. Bush, đã đùa cợt về việc trở thành một người già và bày tỏ hy vọng sẽ có thái độ lịch sự trong chiến dịch vận động tranh cử khi hai người cùng phát biểu trong một buổi lễ hôm qua tại tiểu bang Texas, miền nam Hoa Kỳ.

Mặc dầu xuất thân từ hai đầu khác nhau và đôi khi chia rẽ sâu xa của chính trường Hoa Kỳ, ông Bush và ông Clinton đã trở nên những người bạn thân khi về hưu. Cuộc vận động tranh cử tổng thống hiện thời đang làm sống lại sự đối đầu giữa Bush và Clinton, lần này là giữa người em của ông George Bush, cựu thống đốc tiểu bang Florida Jeb Bush, và phu nhân của ông Bill Clinton, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Phát biểu tại một buổi lễ tốt nghiệp của chương trình Học giả Lãnh đạo của Tổng thống ở Dallas, ông Bush và ông Clinton tỏ ý lạc quan rằng cuộc vận động sẽ tập trung vào các vấn đề quan trọng chứ không phải sẽ được đánh dấu bởi những vụ tấn công cá nhân xấu xa thường liên hệ đến các cuộc chạy đua chính trị ở Hoa Kỳ.

Thống đốc Bush và Ngoại trưởng Clinton được coi là nằm trong số các ứng viên dẫn đầu để được đảng của mình đề cử ra tranh chức tổng thống, tiếp tục truyền thống dài của gia đình họ trong những hàng ngũ cao nhất của chính trường Mỹ. Kể từ năm 1976, chỉ có một cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 là không có thành viên của hai gia đình này tham gia. - VOA
|
|

4.
Tướng Mỹ: 'Nga là mối đe dọa lớn nhất'

Một tướng Hoa Kỳ gọi Nga là mối đe dọa lớn nhất cho an ninh quốc gia.

Tướng Thủy quân Lục chiến Joseph Dunford có phát biểu trên trong buổi điều trần chuẩn thuận ông làm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ hôm 9/7.

Ông nói những hành động của Nga trong thời gian qua là "đáng báo động".

Quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ đã xuống cấp nghiêm trọng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine hồi năm ngoái.

Cuộc nổi dậy của lực lượng thân Nga ở Đông Ukraine cũng khiến Hoa Kỳ phải đáp trả bằng hàng loạt lệnh trừng phạt.

"Nếu nói nước nào là mối đe dọa cho sự sống còn của Hoa Kỳ, tôi phải nói đó là Nga," Tướng Dunford nói trước Thượng viện hôm 9/7.

Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã thúc giục quân đội cung cấp vũ khí sát thương cho chính phủ Ukraine, một động thái mà ông Dunford cho là 'hợp lý'.

"Thành thật mà nói, Ukraine sẽ không có khả năng tự vệ trước hành động xâm lược của Nga nếu thiếu sự hỗ trợ này," ông nói.

Cho đến nay Hoa Kỳ vẫn chỉ viện trợ các thiết bị phi sát thương cho Ukraine.

Hơn 6.000 người đã thiệt mạng do xung đột tại Ukraine, vốn nổ ra hồi tháng Tư năm 2014, giữa quân đội chính phủ và phe nổi dậy thân Nga ở vùng Donetsk và Luhansk.

Phương Tây và Kiev cáo buộc Nga chi viện quân và khí tài cho phe nổi dậy, điều mà Moscow đã nhiều lần phủ nhận. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

5.
Xe ủi cán người biểu tình phản đối cưỡng chế đất ở Hải Dương

Một phụ nữ bị xe ủi cán qua người khi tham gia biểu tình phản đối cưỡng chế đất ở Hải Dương sáng 10/7.

Hình ảnh video do các nhân chứng quay được lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng xã hội cho thấy nạn nhân nằm bất động, vai và mặt đã bị máy xúc đè hẳn, dân chúng xung quanh gào thét kêu cứu "Chết người rồi" trong khi chiếc xe vẫn không lui lại.

Báo nhà nước cho hay nạn nhân là bà Lê Thị Châm, 54 tuổi, người thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giang.

Tờ Thanh Niên Online nói sự việc xảy ra lúc 8 giờ sáng trước cổng dự án thi công khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền.

Tờ báo dẫn lời một số nhân chứng cho biết sau khi nỗ lực kéo nạn nhân ra không được, dân chúng yêu cầu tài xế cho lùi xe để cứu bà Châm, khi đó máu me đã đầm đìa vì bị gãy xương vai và vỡ xương mặt.

Đây là tai nạn mới nhất trong loạt các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai tại Việt Nam, một vấn đề nóng gây nhức nhối công luận giữa lúc các chính sách về quản lý đất đai của nhà nước ngày càng gây phẫn nộ và chỉ trích.

Tình trạng cưỡng chế, tịch thu đất ngày càng phổ biến tại Việt Nam bị tác động bởi giá đất tăng cao, chính sách mở rộng đô thị và nạn tham nhũng vượt tầm khống chế.

Các vụ thu hồi đất, đền bù không thỏa đáng thường dẫn tới va chạm đôi khi trở thành bạo động giữa lực lượng công quyền được hỗ trợ bởi phương tiện, khí cụ, luật lệ với người dân nghèo tay không tấc sắt.

Bà Nguyễn Thị Hải, một dân oan mất đất ở Nam Định đi khiếu kiện gần 10 năm nay không được giải quyết mà còn bị hành hung nhiều lần, nói với VOA Việt ngữ:

"Là người dân, chúng tôi chỉ muốn có sự công bằng thôi, chúng tôi có đòi hỏi cái gì đâu. Uất ức lắm mà giờ dân thấp cổ bé họng biết kêu ai giờ. Kêu lên trên mà trên chả giải quyết. Người dân đã mất đất rồi mà còn bị đánh đập, đến bây giờ rốt cuộc có giải quyết được cái gì đâu, như tôi giờ tàn phế có được gì đâu, chả biết kêu ai được".

Ông Võ An Đôn là một luật sư nổi tiếng vì bênh vực miễn phí cho những người nghèo thấp cổ bé họng bị đối xử bất công trong xã hội. Luật sư Đôn nói các tai nạn đáng tiếc xuất phát từ các vụ thu hồi đất phần lớn thiệt thòi về phía người dân:

"Hầu hết các vụ kiện liên quan đến đất đai, còn gọi là các vụ kiện hành chính, giữa một bên là nhà nước và một bên là người dân thì đa số cho dù dân có làm đúng luật pháp, khi ra đến tòa cũng bị bác. 10 vụ thì gần 10 vụ bị thua, không thắng nổi. Dân oan nghèo khổ không có tiền nhờ luật sư hoặc không có điều kiện kêu oan có thể tìm tới các Trung tâm Hỗ trợ Pháp lý của nhà nước, nhưng các vụ liên quan đến nhà nước thì các trung tâm này thường rất e ngại và từ chối. Trong trường hợp đó, họ có thể nhờ các luật sư hảo tâm bảo vệ miễn phí hoặc giúp viết đơn kêu oan lên các cấp. Thông thường, các vụ không được dư luận quan tâm thì thường bị lãng quên. Nếu báo chí lên tin, dư luận quan tâm thì sẽ được các cơ quan nhà nước vào cuộc".

Vụ việc ở khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền xảy ra sau khi nhiều nông dân bị thu hồi đất ruộng cho dự án khu công nghiệp này tụ tập phản đối giá bồi thường quá thấp so với thị trường.

Báo Thanh Niên dẫn lời một số cư dân địa phương cho biết sáng nay khi xảy ra vụ xe ủi cán người biểu tình còn xuất hiện một số thành phần xã hội đen mang theo hung khí đe dọa, không cho dân cản trở kế hoạch thi công công trình.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cẩm Giàng xác nhận với trang điện tử Giáo dục Việt Nam rằng bà Châm được đưa cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Hải Dương, bị "gãy xương bả vai", "xây sát mặt", nhưng "không nguy hiểm tới tính mạng".

Ông Khiêm cũng cho biết là lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu giới hữu trách huyện, chủ đầu tư và đơn vị thi công dự án báo cáo về vụ việc.

Tuy nhiên, với đoạn video quay cảnh bà Châm bị xe ủi cán qua nửa người được đưa lên mạng, ông Khiêm cho là hình ảnh "cắt ghép" do các đối tượng xấu lợi dụng tình hình để tung tin gây hiểu lầm trong dư luận xã hội.

Dự án khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền khởi công từ năm 2008. Tháng Tư năm nay, dự án được chủ đầu tư ban đầu là công ty trách nhiệm hữu hạn Phúc Hưng chuyển nhượng cho công ty cổ phần Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore.

Suốt 7 năm qua, dự án này gặp trở ngại do sự phản đối của nông dân địa phương trước mức giá đền bù mà họ cho là chèn ép người dân.

Cập nhật: Đến 9 giờ tối ngày 10/7, VOA Việt ngữ liên lạc được với bà Lê Thị Thụy, chị ruột của nạn nhân Lê Thị Châm và được biết bà Châm hiện đã được chuyển từ bệnh viện tỉnh sang phòng cấp cứu bệnh viện Việt-Đức ở Hà Nội.

VOA Việt ngữ cố gắng liên lạc với quan chức địa phương để ghi nhận ý kiến giới hữu trách nhưng không được hồi đáp. - VOA
|
|

6.
Phu nhân Phó Tổng thống Hoa Kỳ Sắp tới Việt Nam

Phu nhân của phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ thúc đẩy chương trình giáo dục cho các bé gái và hỗ trợ các gia đình quân nhân trong chuyến thăm 4 nước Châu Á vào tuần tới.

Theo tin từ Tòa Bạch Ốc, bà Jill Biden sẽ đến thăm Hàn Quốc, Việt Nam và Lào từ ngày 16 đến 22 tháng 7 tới đây.

Cùng đi với bà Biden còn có bà Catherine Russell, Đại sứ lưu động về các vấn đề phụ nữ toàn cầu.

Hai bà sẽ gặp các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo tổ chức dân sự để thảo luận về việc trao quyền kinh tế và giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái.

Trước đó vào tháng 3 vừa qua, Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, bà Michelle Obama đã đến Campuchia trong chặng thứ hai, sau Nhật Bản, nhân chuyến công du hai nước nhằm cổ súy chương trình giáo dục trẻ em gái toàn cầu.

Nói về tình trạng trẻ em không được đi học, bà Susan Markham thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID cho rằng đường xa và nguy cơ bạo lực chỉ là một số trong những rào cản đối với việc đi học của các em gái.

Bà Jill Biden cũng sẽ dừng chân tại Nhật Bản trong hai ngày 22 và 23 tháng 7 để tham gia các sinh hoạt nhắm mục đích hỗ trợ các binh sĩ, cựu chiến binh và gia đình họ.

Hoa Kỳ công bố chuyến thăm của bà Jill Biden trong khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đang ở thăm Mỹ.

Hôm 7/7, Phó Tổng thống Joe Biden cũng đã tiếp và mở tiệc chiêu đãi ông Trọng. - VOA

No comments:

Post a Comment