Tin Thế Giới
1.
Mỹ bảo đảm với đồng minh châu Á 'sẵn sàng đối phó' ở Biển Đông
Tân đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ hôm thứ Sáu bảo đảm với các đồng minh châu Á rằng các lực lượng của Hoa Kỳ đã được trang bị kỹ càng và sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống bất ngờ nào ở Biển Đông.
Đang trong chuyến công du 4 ngày tới Philippines, Đô đốc Scott Swift - người vừa lên nắm quyền chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương vào tháng Năm - cho biết hải quân có thể sẽ triển khai hơn 4 tàu chiến ven biển mà Mỹ đã hứa đưa đến khu vực. Ông Swift cũng tiết lộ là ông “rất quan tâm” đến việc mở rộng việc diễn tập tác chiến hằng năm mà Hoa Kỳ tổ chức với từng nước trong rất nhiều đồng minh thành một đợt diễn tập đa quốc gia, có thể bao gồm cả Nhật Bản.
Vừa mới lên nắm chức vụ được 6 tuần, Đô đốc Scott Swift đã chọn Philippines là điểm dừng chân đầu tiên của ông trong chuyến thăm khu vực châu Á Thái Bình Dương. Ông sẽ lưu lại Philippines từ ngày 16-19/7.
Tờ Inquirer trích lời Trung tá Noel Detoyato nói: "Ông cho biết ông cố ý chọn Philippines là điểm dừng chân đầu tiên của mình để nhắc lại tầm quan trọng của liên minh Philippines-Mỹ".
CBS News cho biết khi một nhóm ký giả ở Manila hỏi Mỹ dành bao nhiêu nguồn lực quân đội sẵn sàng cho Biển Đông, Đô đốc Swift nói ông rất hiểu những lo ngại của các đồng minh của Mỹ.
"Lý do mà mọi người liên tục hỏi về cam kết lâu dài và những ý định của Hạm đội Thái Bình Dương phản ánh thực sự tất cả những bất định trên vũ đài hiện nay", ông Swift nói. "Nếu chúng tôi có toàn bộ Hải quân Hoa Kỳ ở đây, trong khu vực, tôi nghĩ mọi người cũng vẫn sẽ hỏi: ‘Ông có thể mang đến thêm không?’’’.
Tranh chấp chủ quyền lãnh hải lâu nay giữa Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei đã bùng lên từng đợt trong nhiều năm, khơi ra nỗi lo là vấn đề Biển Đông có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang lớn tiếp theo ở châu Á.
Căng thẳng gần đây leo thang khi Trung Quốc tiến hành công tác bồi đắp các bãi đá, xây đảo nhân tạo ở khu vực ngoài khơi thuộc quần đảo Trường Sa.
Đáp lại những mối quan ngại trên, Đô đốc Swift nói ông "rất hài lòng với những nguồn lực đã sẵn sàng cho tôi ở vị trí chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương", và nói thêm rằng "chúng tôi đã sẵn sàng và được chuẩn bị để đối phó với bất kỳ tình huống bất ngờ nào mà tổng thống cho là cần thiết".
Đô đốc Swift cũng nhấn mạnh là Mỹ không đứng về phía bên nào nhưng sẽ thúc đẩy các hoạt động để đảm bảo tự do hàng hải trong vùng biển tranh chấp và những nơi khác. - VOA
|
|
2.
LHQ trả lời yêu cầu mượn bản đồ gốc của Campuchia
LHQ đã trả lời yêu cầu của Thủ tướng Hun Sen về việc mượn một bản đồ từ trước thời Khmer Đỏ mà ông hy vọng sẽ giúp giải quyết các tranh chấp biên giới với Việt Nam.
Bà Eri Kaneko, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon, nói với đài VOA Khmer qua điện thoại từ New York: “Chúng tôi đã cung cấp cho Campuchia thông tin có liên quan mà chúng tôi có thể tìm thấy và chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm các tài liệu quan trọng mà chính phủ Campuchia yêu cầu”.
Bà Eri không nói chi tiết về các loại tài liệu mà LHQ đã chuyển giao cho phía Campuchia, đáp lại yêu cầu hôm 6/7, đề nghị mượn một bản đồ mà Cố Quốc vương Norodom Sihanouk đã đệ nạp cho LHQ vào năm 1964.
Dân làng ở tỉnh Svay Rieng đã cáo buộc Việt Nam xâm phạm lãnh thổ, nêu ra những thắc mắc kéo dài về việc cắm mốc biên giới, một vấn đề hai nước vẫn đang đàm phán.
Những người ủng hộ phe đối lập dự định đến khu vực biên giới đang có tranh chấp vào ngày Chủ Nhật, 19/7, để điều tra về nơi được cho là đã xảy ra vụ xâm phạm lãnh thổ.
Ông Um Sam An, một nhà lập pháp phe đối lập Đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP), người có liên can đến vụ đụng độ gần đây với những người ủng hộ và nhân viên an ninh Việt Nam gần biên giới cho biết: “Lãnh thổ của chúng ta đến đâu, chúng ta phải cắm mốc đến đó.”
Ông này nói thêm: “Chúng tôi sẽ yêu cầu sự hợp tác của các cơ quan chức năng Svay Rieng để đưa chúng tôi đến xem xét các khu vực đã bị Việt Nam xâm phạm”. - VOA
|
|
3.
Đài Loan củng cố đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông
Vào lúc Trung Quốc đã nỗ lực xây các đảo nhân tạo trên Biển Đông, thì Đài Loan lại xây các tấm pin mặt trời và một bệnh viện để cứu trợ nhân đạo trên đảo Ba Bình (mà Đài Loan gọi là Thái Bình).
Hãng tin AP hôm nay, 18/07/2015, trích lời lãnh đạo lực lượng tuần duyên Đài Loan Vương Sùng Nghi hôm qua cho biết nước này đã lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trị giá 1,29 triệu đôla trên đảo Ba Bình từ năm 2011. Các tấm pin mặt trời này dùng để thắp sáng các tòa nhà trên đảo, cũng như để cung cấp năng lượng cho công trình xây dựng một cầu tàu dài 200 mét dự kiến sẽ hoàn thành trước cuối năm nay.
Cũng theo lời lãnh đạo lực lượng tuần duyên Đài Loan, các tấm pin mặt trời nói trên còn cung cấp điện cho một bệnh viện nhỏ (5 giường) và khu nhà tạm lánh của các thủy thủ từ bất cứ quốc gia nào. Trung bình mỗi năm Ba Bình tiếp nhận 10 tàu từ Trung Quốc hay Việt Nam, thường là vào để tránh bão.
Cầu tàu hiện đang được xây dựng trên đảo Ba Bình sẽ được thiết kế sao cho các tàu tuần duyên và sau này nếu cần, các tàu Hải quân có thể neo đậu dễ dàng tại đảo này. Ngoài ra, Đài Loan cũng đã xây một phi đạo quân sự trên đảo Ba Bình.
Theo AP, ông Vương Sùng Nghi, lãnh đạo lực lượng tuần duyên Đài Loan khẳng định: "Không ai phản đối (những hoạt động đó). Hoa Kỳ cũng tán đồng. Khi tình hình trở nên căng thẳng, lập trường của chúng tôi là đề ra một cách tiếp cận mới. Vì sao chúng ta không thể để các tranh chấp sang một bên? Đảo Thái Bình phát triển năng lượng Mặt trời và năng lượng xanh, cho thế giới thấy rằng chúng tôi có phương cách hành động khác".
Cũng theo AP, chính phủ Đài Bắc hy vọng là các quốc gia khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, tôn trọng những nỗ lực nói trên, tiếp thep sau sáng kiến của Tổng thống Mã Anh Cửu về hòa bình và chia sẻ nguồn năng lượng trên Biển Đông, được loan báo ngày 26/05 vừa qua.
Nói chung là Đài Bắc nỗ lực theo hướng bảo vệ môi trường trong lành trên đảo Ba Bình để thu phục cảm tình của quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ và châu Âu, qua đó củng cố vị thế của nước này trên Biển Đông.
Hãng tin AP cho biết là hôm qua, Văn phòng đại diện ngoại giao (trên thực tế hoạt động như đại sứ quán) của Hoa Kỳ tại Đài Bắc tuyên bố là Washington "đánh giá cao lời kêu gọi của Đài Loan muốn các bên tranh chấp nên tự kềm chế, không có những hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng", ám chỉ đến sáng kiến hòa bình của Tổng thống Mã Anh Cửu. Nhưng cơ quan này không có bình luận gì về chương trình phát triển năng lượng mặt trời trên đảo Ba Bình. - RFI
|
|
4.
Thủ tướng Hy Lạp thay bộ trưởng vì chống đối kế hoạch thắt lưng buộc bụng
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm thứ Sáu đã cải tổ nội các của ông để thay thế những bộ trưởng đã bỏ phiếu chống lại những cải thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt theo đòi hỏi của các chủ nợ quốc tế của Athens.
Ông Tsipras thay tổng cộng chín người. Bộ trưởng năng lượng Panagiotis Lafazanis được thay bằng cựu bộ trưởng lao động Panos Skourletis, trong khi ông Trifon Alexiadis trở thành thứ trưởng tài chính sau khi bà Nadia Valavani từ chức hồi đầu tuần này.
Ông Christoforos Vernardakis, một học giả, được bổ nhiệm làm thứ trưởng quốc phòng, và nghị sĩ Olga Gerovassili được bổ nhiệm làm phát ngôn viên mới của chính phủ.
Hy Lạp đã được Ngân hàng Trung ương châu Âu nâng hạn mức ngân khoản cứu nguy khẩn cấp.
Chỉ vài giờ sau khi các nhà lập pháp Hy Lạp chấp thuận những cải cách cần có, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro hôm thứ Năm đã nhất trí cấp cho Athens một khoản vay ngắn hạn nhằm giúp Hy Lạp thanh toán những khoản nợ sắp đáo hạn, và cũng khởi sự đàm phán về một gói cứu nguy mới kéo dài ba năm trị giá 94 tỉ đôla, sẽ là gói cứu nguy thứ ba của Hy Lạp trong năm năm qua.
Trong một diễn biến liên quan, quốc hội Đức hôm thứ Sáu đã bỏ phiếu với tỉ lệ áp đảo cho phép khởi sự đàm phán với Hy Lạp về gói cứu nguy thứ ba.
Các nhà lập pháp Hạ viện ủng hộ đề nghị của chính phủ với tỉ lệ 439-119 với 40 phiếu trắng để khởi động các cuộc đàm phán về chi tiết của kế hoạch giải cứu.
Đức, nước đóng góp lớn nhất cho gói cứu nguy Hy Lạp, đã nhất định đòi nước này phải cắt giảm mạnh chi tiêu và tăng thuế để đổi lấy ngân khoản cứu nguy. - VOA
***
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tối qua, 17/07/2015, đã thông báo thành phần nội các mới, trong đó các bộ trưởng chống đối kế hoạch cải cách theo đề nghị của chủ nợ bị gạt ra ngoài. Các tân bộ trưởng tuyên thệ nhậm chức ngay trong ngày hôm nay.
Thủ tướng Alexis Tsipras quyết tâm nắm lại đa số. Mười bộ trưởng được thuyên chuyển vị trí. Ba vị đã bỏ phiếu chống kế hoạch trợ giúp Hy lạp lần ba hôm thứ Tư vừa qua bị loại, hai trong số này đã từ chức.
Những thành phần phản kháng trong đảng Syriza đã không còn có mặt trong chính phủ.
Lần cải tổ nội các trên quy mô lớn đầu tiên kể từ khi đảng Syriza lên nắm quyền cách nay sáu tháng có giá trị như một thông điệp mạnh mẽ gửi đến các chủ nợ vốn vẫn nghi ngờ về quyết tâm cũng như khả năng giữ cam kết của chính phủ Hy Lạp.
Thông tín viên Charlotte Stiévenard từ Athens phân tích:
"Để cải tổ nội các lần này, Thủ tướng Alexis Tsipras phải đào xới bên trong nội bộ đảng của ông, trừ trường hợp đặc biệt của một tân bộ trưởng được chọn từ đảng liên minh, đảng Hy Lạp Độc lập (ANEL). Đây là giải pháp để loại phe tả trong đảng Syriza.
Với phe đối lập, cuộc cải tổ nội các này có thể là một thất vọng, trong khi từ lúc Quốc hội bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch cải cách của chính phủ đã có tin đồn chính phủ cải tổ sẽ được mở rộng ra bên ngoài. Đảng trung tả To Potami đánh giá việc thay đổi các bộ trưởng lần này còn "rụt rè".
Còn đối với đảng Xã hội Pasok, sự thay đổi thành phần chính phủ lần này là thiếu thuyết phục. Nó cho thấy phe cực tả đã không quyết tâm tiến hành các cải cách mang dấu ấn của họ. Tuy nhiên lần cải tổ nội các này có thể còn để ngỏ cửa cho các cuộc bầu cử sắp tới.
Đây cũng là điều mà báo chí Hy Lạp ngầm hiểu, theo đó chính phủ Hy Lạp đang cố gắng lấp lỗ hổng xuất hiện sau cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội vừa rồi, trong đó một phần tư nghị sĩ thuộc đảng Syriza phản đối các cải cách theo yêu cầu của chủ nợ. Số chống đối này đang chuẩn bị cuộc phản kháng mới trong bầu cử." - RFI
|
|
5.
Lãnh đạo biểu tình Hong Kong không nhận tội trước toà
Lãnh đạo sinh viên Joshua Wong và ba nhà hoạt động ủng hộ dân chủ khác ở Hồng Kông đã ra trước tòa hôm nay, 17/7, tuyên bố không nhận tội trước những cáo buộc liên quan tới một cuộc biểu tình chống Trung Quốc hồi năm ngoái.
4 nhân vật này đã bị buộc tội cản trở cảnh sát thi hành công vụ, sau khi họ và những người biểu tình khác đốt một bản sao của một “bạch thư” Trung Quốc bên ngoài văn phòng đại diện của Bắc Kinh tại Hồng Kông vào tháng Sáu năm 2014. Anh Wong cho biết khoảng 30 người đã tham gia cuộc biểu tình đó.
Wong và những người ủng hộ anh mô tả các cáo buộc đối với anh là hành động đàn áp chính trị của chính quyền Hong Kong thân Bắc Kinh. Cảnh sát phủ nhận cáo buộc này, và nói rằng những liên kết chính trị của các sinh viên không ăn nhập gì với ca truy tố họ.
Trước khi Wong và ba nhà hoạt động chung với anh bước vào phiên toà hôm Thứ sáu, đám đông người ủng hộ bày tỏ sự bất mãn đối với phiên tòa bằng hô bằng tiếng Quảng Đông: "Hãy trả lại tự do ngôn luận cho chúng tôi. Truy tố người vì động cơ chính trị là đáng xấu hổ".
Cả 4 người, kể cả Wong và Albert Chan, nói với tòa rằng họ không có tội, mà chỉ tự do thể hiện quan điểm của họ về tương lai của thành phố. Họ nói họ đã bị đàn áp chính trị bởi bạch thư tái khẳng định quyền kiểm soát của Bắc Kinh đối với Hong Kong, thuộc địa cũ của Anh. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Tổng bí thư CSVN: Phía Mỹ tiếp đón “vượt mức yêu cầu”
Tiếp xúc cử tri hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm (Hà Nội) sáng 18/7, bên cạnh các thông tin về hoạt động của Quốc hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội - đã chia sẻ thêm về chuyến thăm lịch sử đến Mỹ từ 6-10/7 vừa qua. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trước đó, một số cử tri đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến chuyến đi này của Tổng bí thư.
“Qua theo dõi các hoạt động của Tổng bí thư, trong đó có cuộc hội đàm lịch sử với Tổng thống Mỹ Barack Obama, cử tri rất tự hào”, một cử tri đến từ quận Hoàn Kiếm phát biểu.
Cảm ơn tình cảm của cử tri, Tổng bí thư nói dư luận chắc còn bàn nhiều về chuyến đi đó, bởi đây không chỉ là vấn đề Việt Nam với Mỹ, mà là vấn đề toàn cầu.
“Về nước cũng nhận được nhiều đánh giá, gọi điện hỏi, chúc mừng, cho đây là thành công rất lớn, gọi đây là cuộc gặp gỡ lịch sử, xem ông cộng sản Việt Nam đi ra nước ngoài thế nào mà đến Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, đối thoại với Tổng thống Mỹ, là việc chưa từng có trong lịch sử, mà lại là hai ông cựu thù”, Tổng bí thư nói.
Nhấn mạnh sự tiếp đón của phía Mỹ là “vượt mức yêu cầu”, Tổng bí thư thông tin, dự kiến cuộc gặp của ông và Tổng thống Mỹ là 45 phút, nhưng đã ngồi với nhau tới 1h35 phút.
“Báo chí chụp cảnh cả tôi và Tổng thống Mỹ xem đồng hồ, sau đó Phó tổng thống chiêu đãi, mới đầu dự kiến 3 chục người thôi, sau lên đến 230 người, và ông ấy còn lẩy Kiều: “Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Tôi nói là, gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Gác lại quá khứ, chứ không nói là khép lại, quá khứ không bao giờ thay đổi, chúng tôi không quên, nhưng vì lợi ích của hai nước, hai dân tộc, vì hòa bình ổn định, thì ta gác lại. Đối đầu với nhau chả hay ho gì”, Tổng bí thư kể.
Ông cũng nói thêm với cử tri rằng, Mỹ mời ông sang thăm từ tháng 7/2012, tức là 3 năm nay rồi, và phải cân nhắc lắm xem có đi không, rồi mới quyết định.
“Giờ Mỹ là đối tác toàn diện, quan hệ thương mại đã trên 36 tỷ USD, chỉ sau Trung Quốc thôi. Việt Nam có gần 17 ngàn sinh viên, học sinh Việt Nam đang học ở Mỹ. Việt Nam quan hệ với Mỹ để có môi trường hòa bình ổn định phát triển đất nước. Có ý kiến nói chuyện quan hệ với Mỹ để chống Trung Quốc ở biển Đông thì cũng chỉ là một cách suy diễn. Nhưng Mỹ đang muốn trở lại châu Á, Đông Nam Á, mà trong đó Việt Nam là nước rất quan trọng”, Tổng bí thư nói tiếp.
Theo Tổng bí thư, chuyến thăm Mỹ vừa qua đã được tính toán tổng thể trong chiến lược đối ngoại Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, rất muốn hòa hiếu thân thiện, không muốn chiến tranh với ai cả.
“Rất hay là vừa đi Mỹ về, thì Phó thủ tướng Trung Quốc cũng sang đây”, Tổng bí thư bình luận.
“Tổng thống Mỹ đã thừa nhận chế độ chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng, ta cũng vừa hợp tác vừa đấu tranh, cố gắng xây dựng môi trường hòa bình”, Tổng bí thư nói với cử tri Ba Đình và Hoàn Kiếm. - vneconomy
No comments:
Post a Comment