Tuesday, July 21, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 21/7

Tin Thế Giới

1.
Nhật Bản: Hoạt động hung hăng của TQ trên biển đe dọa an ninh quốc gia

Nhật Bản nói các hoạt động hung hăng của Trung Quốc trong Biển Hoa Đông là một trong những mối đe dọa chính đối với nền an ninh quốc gia, giữa lúc Thủ tướng Shinzo Abe hối thúc thông qua một loạt các biện pháp gây nhiều tranh cãi nhằm nới rộng vai trò của quân đội Nhật Bản.

Trong báo cáo duyệt xét quốc phòng thường niên công bố hôm thứ Ba, Bộ Quốc phòng Nhật Bản mạnh mẽ đả kích việc Bắc Kinh khai thác các mỏ dầu hỏa và khí đốt dưới biển Hoa Đông, cũng như sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc gần một loạt các đảo đang nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Phúc trình này lên án các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông giàu tài nguyên, nơi mà Trung Quốc đã khởi sự xây nhiều đảo nhân tạo, một động thái đã làm leo thang các căng thẳng giữa Bắc Kinh và một số nước láng giềng vùng Đông Á.

Phúc trình này kết luận: “Đặc biệt về các vấn đề tranh chấp biển đảo, Trung Quốc tiếp tục hành động một cách hung hăng, kể cả các mưu toan cưỡng bức để thay đổi nguyên trạng và Bắc Kinh cũng đang sẵn sàng để thực hiện các đòi hỏi đơn phương của mình một cách không tương nhượng”.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng xác định chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa khác cho nền an ninh Nhật Bản. - VOA
|
|

2.
Đảng Cộng sản Trung Quốc phế truất Lệnh Kế Hoạch, nhân vật thân tín của Hồ Cẩm Đào

Tối ngày 20/07/2015, đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo khai trừ khỏi đảng ông Lệnh Kế Hoạch một quan chức cao cấp của đảng từng là nhân vật thân tín của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Quan chức cao cấp này hiện chính thức bị bắt giữ và hồ sơ vụ án được chuyển qua tư pháp xử lý.

Với thông báo trên của Đảng, ông Lệnh Kế Hoạch, 58 tuổi, cựu Chánh văn phòng Trung ương đảng, cựu Phó Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc từng là trợ thủ đắc lực của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, sắp sửa bị đưa ra tòa xét xử.

Ông Lệnh Kế Hoạch đã bị đặt trong vòng điều tra nội bộ của đảng từ tháng 12/2014. Quyết định khai trừ ông ra khỏi đảng được đưa ra sau phiên họp Bộ chính trị hôm qua. Ngay sau đó Viện Kiểm sát Trung Quốc thông báo đã nhận hồ sơ về các hành vi phạm tội của ông Lệnh để điều tra và xử lý theo pháp luật.

Những cáo buộc nhằm vào quan chức cao cấp trong đảng này rất nhiều và nặng nề. Theo thông cáo của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, "ông Lệnh đã vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng, vi phạm kỷ luật tổ chức, kỷ luật bảo mật, lợi dụng chức vụ để trục lợi cho người thân, nhận hối lộ lớn, lợi dụng chức quyền quan hệ ngoại tình với nhiều phụ nữ, thu thập bất hợp pháp bí mật quốc gia". Qua điều tra, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều hành vi phạm tội khác của Lệnh Kế Hoạch và kết luật ông Lệnh đã "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, làm tổn hại lớn tới uy tín của đảng gây ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội".

Lệnh Kế Hoạch bị tước mọi chức vụ từ cách đây một năm, nhưng sự nghiệp chính trị của của ông đã bắt đầu lao dốc từ trước đó hai năm. Đó là khi xảy ra vụ tai nạn chiếc xe hơi đắt tiền hiệu Ferrari hồi tháng 3/2012. Trên xe người ta phát hiện thấy cậu con trai ông bị thương nặng cùng với hai cô gái trong tình trạng lõa thể. Vụ tai nạn nhanh chóng cuốn Lệnh Kế Hoạch vào vòng nghi vấn tham nhũng và các cuộc điều tra nội bộ.

Những bê bối liên tiếp bị phát giác sau đó đã cản đường thăng tiến của ông vào Bộ chính trị trong ê-kíp của Tập Cận Bình. Mặc dù vậy sau đó ông Lệnh chỉ bị chuyển sang vị trí ít quyền lực hơn là Chủ tịch mặt trận Thống nhất, cơ quan phụ trách các quan hệ của đảng với các tổ chức đoàn thể xã hội.

Lệnh Kế Hoạch giờ là nhân vật cao cấp thứ 3 của Đảng bị xử lý trong chiến dịch làm sạch đảng của Tập Cận Bình sau Chu Vĩnh khang, vừa bị kết án chung thân và Bạc Hy Lai cũng nhận bản án tương tự trước đó một năm. - RFI
|
|

3.
Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tán thành hiệp ước hạt nhân Iran

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và sáu cường quốc thế giới cùng đồng ý trong tuần qua.

Quyết nghị được sự đồng tài trợ của tất cả 15 thành viên Hội Đồng Bảo An LHQ, cho phép dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran, bù lại Iran chấp nhận kiềm chế các hoạt động hạt nhân nhạy cảm.

Nhưng nó cũng cung cấp một cơ chế trừng phạt của Liên Hiệp Quốc để "đáp trả lại" nếu Iran không tuân thủ các nghĩa vụ của mình.

Sẽ không có hành động nào thêm nữa trong vòng 90 ngày, để Quốc hội Mỹ có thời gian xem xét liệu là đồng ý thông qua hay không.

Tổng thống Barack Obama cho biết ông hy vọng nghị quyết LHQ sẽ "gửi một thông điệp rõ ràng" đến những người chỉ trích rằng "số lượng áp đảo của các quốc gia" đã công nhận rằng ngoại giao "cho đến nay là cách tiếp cận mạnh nhất của chúng ta để đảm bảo rằng Iran không có vũ khí hạt nhân".

"Có sự đồng thuận rộng rãi của quốc tế xung quanh vấn đề này," ông nói thêm. "Quan điểm của tôi là Quốc hội nên chú ý đến sự đồng thuận cơ bản rộng lớn này".

Iran khẳng định rằng chương trình hạt nhân của họ là hoàn toàn hoà bình. - BBC

***
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai đã tán thành hiệp ước hạt nhân Iran, mở đường cho việc tháo dỡ các biện pháp chế tài kinh tế đối với Tehran, trong lúc chương trình phát triển hạt nhân của nước này bị kiềm chế. Từ New York, thông tín viên Ramon Taylor của đài VOA có bài tường trình.

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an tán thành và lập ra một cơ chế thực thi hiệp ước hạt nhân lịch sử đạt được sau gần hai năm đàm phán giữa 6 cường quốc thế giới và Iran.

Việc 15 thành viên của hội đồng thông qua nghị quyết này chủ yếu mang tính thủ tục vì tất cả 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết, cùng với Đức, đã tham gia đàm phán hiệp ước được đúc kết hồi tuần trước ở Vienna.

Trong số các điều kiện, hiệp ước này đòi hỏi Iran cắt giảm 2/3 số máy ly tâm và giảm lượng tồn trữ uranium tinh chế để ngăn chặn khả năng chế tạo được một vũ khí hạt nhân của Iran.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power, hoan nghênh điều bà gọi là phép thử ngoại giao của Hội đồng Bảo an nhưng bà nói rằng hiệp ước này chưa xóa tan lo ngại của Mỹ về Iran.

"Hiệp ước hạt nhân này không thay đổi nỗi lo ngại thực sự của chúng tôi về những vi phạm nhân quyền của chính phủ Iran hay những sự bất ổn do Iran gây ra ngoài chương trình hạt nhân của họ. Đó là lý do vì sao Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư vào an ninh cho các đồng minh trong khu vực và là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục giữ các biện pháp chế tài liên quan đến những vấn đề của Iran như ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, chương trình phi đạn đạn đạo và vi phạm nhân quyền".

Các nhà lập pháp Mỹ và các đồng minh trong khu vực lo ngại về việc rốt cuộc Liên Hiệp Quốc rút lại các biện pháp cấm vận liên quan các loại vũ khí quy ước và phi đạn đạn đạo của Iran.

Những người bất đồng nói rằng khả năng tiếp cận vũ khí hiện đại của Iran trong một tương lai gần sẽ gây thêm bất ổn cho khu vực và có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí quy ước ở Trung Ðông.

Đại sứ Israel ở Liên Hiệp Quốc, ông Ron Prosor, gọi nghị quyết này là một "bi kịch".

"Iran sẽ có 150 tỉ đôla để tài trợ cho các nhóm khủng bố. Bao nhiêu tiền sẽ được tài trợ cho Hezbollah, cho Hamas? Bao nhiêu tiền sẽ được tài trợ cho ông Assad? Bao nhiêu tiền sẽ được cung cấp cho các hoạt động khủng bố trên toàn cầu".

Các nhà lập pháp Mỹ có thời gian từ nay cho đến giữa tháng 9 để cân nhắc và cuối cùng sẽ biểu quyết thông qua hay bác bỏ hiệp ước hạt nhân với Iran. Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng ông sẽ phủ quyết bất cứ dự luật bãi bỏ nào và từ đó sẽ dẫn đến việc cả Thượng viện lẫn Hạ viện phải đạt được thế đa số 2/3 để đảo ngược phủ quyết của tổng thống.

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng kêu gọi Quốc hội hành động theo sự đồng thuận của quốc tế trong nỗ lực để đoan chắc Iran không có vũ khí hạt nhân. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Đệ nhị Phu nhân Mỹ gặp gỡ doanh nhân trẻ ở Sài Gòn

Phu nhân Phó Tổng thống Hoa Kỳ, bà Jill Biden, đã có cuộc gặp với các doanh nhân trẻ tại Tòa Tổng lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn tối ngày 20/7.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius phát biểu: “Chuyến đi của bà Biden là một minh chứng củng cố cho mối quan hệ song phương giữa hai nước”.

Ông nói thêm: “Các doanh nhân trẻ có mặt tại đây đang góp phần vào sự thành công và bền vững của kinh tế Việt Nam thông qua các ý tưởng độc đáo, khả năng không chỉ quản lý các doanh nghiệp thương mại thành công mà còn tăng cường và củng cố môi trường doanh nghiệp”.

Các nhà doanh nghiệp trẻ có mặt tại buổi gặp gỡ cũng chia sẻ những ý kiến của mình.

Anh Hoàng Linh, thành viên Ban giám đốc của doanh nghiệp Thanh niên Việt (VYE), một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cho các công ty mới khởi nghiệp, cho biết công ty anh có những lớp hướng dẫn người làm kinh doanh tiếp thị, bán hàng, phát triển sản phẩm, làm việc qua mạng và lên kế hoạch kinh doanh.

Anh nói: “Cá nhân tôi thực sự tin tưởng vào những người trẻ tuổi. Tôi thấy các sinh viên trẻ rất mong muốn tìm hiểu những điều mới lạ và rất chăm chỉ sáng tạo và tìm kiếm các cơ hội mới”.

Anh Mike Tran, Giám đốc Điều hành của Ticketbox, từng học tại Canada, cho biết Việt Nam có thể cạnh tranh trong khu vực, không chỉ riêng trong nước: “Tại Việt Nam, tôi thấy có hai thế hệ: Những người du học ở nước ngoài và những người học trong nước. Những người du học ở nước ngoài được tiếp xúc với các công ty lớn, tập đoàn lớn với quy mô từ khu vực đến toàn cầu. Những người học ở đây chỉ nghĩ về Việt Nam. Họ nghĩ mở rộng ra các thị trường khác nhau rất khó”.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, bà Biden cho biết bà đã tham dự nhiều sự kiện kể từ khi tới Việt Nam.

Bà nói: “Tôi đã lắng nghe câu chuyện của các bạn khi các bạn lên đây để chụp ảnh. Các bạn là một nhóm bạn trẻ tuyệt vời. Những gì các bạn đã làm tại nước mình thật đáng tự hào. Vì các bạn đều là doanh nhân, tôi hy vọng các bạn sẽ tuyển dụng cả các sinh viên khuyết tật”.

Bà Biden tới Việt Nam trong chuyến công du 4 quốc gia châu Á hôm 19/7, với trọng tâm là thúc đẩy các cơ hội giáo dục, kinh tế và trao quyền cho phụ nữ và các em gái.

Trước khi tới Việt Nam, phu nhân phó tổng thống Mỹ đã thăm Hàn Quốc. Bà sẽ đến Lào và Nhật Bản sau khi rời Sài Gòn. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Hải quân Trung Quốc tập trận quy mô tại Biển Đông

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 21/07/2015 loan báo, hạm đội Nam Hải đã tiến hành diễn tập đổ bộ quy mô "nhằm rèn luyện năng lực chiến đấu" tại Biển Đông, trong khi tình hình vẫn đang căng thẳng với các nước láng giềng.

Cuộc tập trận lớn này huy động một lữ đoàn đổ bộ, thủy quân lục chiến và các đơn vị trực thăng của Hải quân; theo CCTV là nhằm thử nghiệm khả năng phối hợp giữa nhiều lực lượng trong điều kiện bắn đạn thật.

Ji Hongtao, chỉ huy trưởng lực lượng đổ bộ cho biết lần đầu tiên tàu đổ bộ đệm khí loại mới "Bison" được mang ra sử dụng trong cuộc diễn tập, đã thành công trong việc đưa quân đổ bộ phá vỡ vòng vây, đạt được mục tiêu dự kiến.

Lực lượng đổ bộ là "quân đỏ" phải chiến đấu trong bóng tối, trong khi các cuộc tấn công của kẻ thù là "quân xanh" liên tục diễn ra. Không quân và đơn vị đổ bộ phối hợp sử dụng cả hỏa tiễn phòng không và đại bác bắn vào máy bay địch, đồng thời "quân đỏ" còn phải đối phó với các đợt tiến công dữ dội của các chiến hạm và tàu ngầm của "quân xanh". Sau một ngày hai đêm, lực lượng đổ bộ hoàn toàn làm chủ được tình hình.

Đài truyền hình Trung Quốc không cho biết cụ thể địa điểm diễn tập.

Theo CCTV, tàu đổ bộ đệm khí đã trở thành lực lượng chủ đạo của Trung Quốc để đưa quân đến các khu vực cần bảo vệ. Loại tàu đổ bộ "Bison" (hay Zuhr) là thủy phi cơ quân sự lớn nhất thế giới, có thể chở theo ba chiếc xe tăng hạng nặng mỗi chiếc gần 150 tấn, hoặc mười xe bọc thép và 140 binh sĩ.

Cuộc tập trận này diễn ra sau khi tân chỉ huy trưởng Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ thực hiện chuyến bay giám sát kéo dài bảy tiếng đồng hồ tại Biển Đông, trên một phi cơ trinh sát hiện đại nhất của Mỹ.

Nhật Bản trong báo cáo quốc phòng thường niên đã nhấn mạnh, Trung Quốc là mối đe dọa trong tình hình khu vực đang căng thẳng. Trang mạng The Inquirer của Philippines khi đưa lại tin của CCTV cũng bày tỏ quan ngại trước nguy cơ nổ ra xung đột vũ trang tại Biển Đông. - RFI
|
|

6.
Dân làng VN lo bùng nổ chiến tranh biên giới Campuchia

Nhiều nguời dân sinh sống ở khu vực giáp ranh với Campuchia cho biết cảm thấy bất an vì những diễn biến căng thẳng những ngày qua, sau khi phe đối lập của nước láng giềng cáo buộc Việt Nam chiếm đất đồng thời có những hành động khiêu khích.

Bà Nguyễn Thị Tâm, người xã Bình Hòa Tây thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, gần nơi xảy ra vụ va chạm giữa người dân hai nước, nói với VOA Việt Ngữ rằng bà cảm thấy quan ngại về tình hình hiện nay trên biên giới Tây Nam:

“Mình cũng lo, thực sự là lo. Sao không lo được? Mình phải chuẩn bị cho một tư tưởng có gì xảy ra thì phải dzọt, nếu không thì chết. Chiến tranh xảy ra thì phải đi lánh”.

Bà Tâm cho biết thêm rằng chính quyền ở địa phương cũng kêu gọi người dân bình tĩnh, không làm phức tạp thêm tình hình.

Người phụ nữ này lên tiếng 2 ngày sau khi một đoàn gồm hàng nghìn người Campuchia do các dân biểu đối lập dẫn đầu đã tới khu vực biên giới tranh chấp mà họ cho rằng Việt Nam đã lấn chiếm.

Không giống chuyến đi rầm rộ lần trước, dẫn tới xô xát giữa hai phía, cuộc đối đầu hôm 19/7 không xảy ra bạo lực, dù các bức ảnh cho thấy hàng nghìn người đứng khá gần nhau, tay lăm lăm gậy gộc.

Các nhà quan sát nhận định rằng nếu vấn đề biên giới Việt Nam-Campuchia không được giải quyết sớm, những lần đối mặt trong tương lai có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, dẫn tới các hệ quả khó lường.

Bà Vũ Chi, một người buôn bán trên biên giới Việt Nam-Campuchia, cũng có chung tâm trạng với bà Tâm. Người phụ nữ này nói với VOA Việt Ngữ:

"Ai cũng lo. Nói chung người Việt Nam hay Campuchia ai cũng lo. Cái người mà gây ra những chuyện này họ đứng sau lưng họ giật dây, chứ dân làm ăn chẳng ai muốn chuyện gì hết. Những người quấy rối là những người ở xa tới còn dân địa phương ai cũng thủ (không manh động)".

Trong khi đó, báo chí Campuchia mới dẫn lời ông Sar Kheng, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia, lên tiếng kêu gọi dân làng sinh sống tại khu vực biên giới tranh chấp với Việt Nam giữ bình tĩnh, trong khi chính quyền hai bên đàm phán tìm giải pháp cho vấn đề biên giới hiện thời.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng việc xử lý vấn đề này là chuyện phức tạp và cần phải kiên nhẫn. Ông Sar Kheng cũng yêu cầu các quan chức địa phương bảo đảm rằng người dân Campuchia trên biên giới không cho người Việt thuê đất.

Bộ trưởng Nội vụ Campuchia cũng yêu cầu chính quyền địa phương đóng bất kỳ hành lang qua lại phi chính thống trên biên giới và bắt giữ bất kỳ ai tìm cách vượt biên trái phép.

Bà Nguyễn Thị Mai Trinh, một người dân sống ở xã Bình Hòa Tây, cho VOA Việt Ngữ biết dù tình hình biên giới Tây Nam khá căng thẳng trong thời gian qua bà vẫn an tâm vì có sự canh gác của lực lượng biên phòng Việt Nam. Bà nói:

“Tôi không thấy lo lắng gì cả. Chỉ có một số người người ta hơi hoang mang. Tôi thấy ở đây an ninh cũng tốt rồi biên phòng cũng đi tuần tra nên không cảm thấy lo lắng gì cả”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây đã lên tiếng nói rằng những vụ va chạm trên biên giới vừa qua là do “các phần tử quá khích Campuchia gây ra”.

Bộ này cũng bác bỏ những hình ảnh và tin tức trên mạng nói rằng Việt Nam đang chuyển vũ khí về phía biên giới Tây Nam do tình hình bất ổn trên biên giới với Campuchia.

Báo chí nhà nước dẫn lời người phát ngôn Lê Hải Bình tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 16/7 khẳng định rằng “thông tin Việt Nam chuyển vũ khí vào Nam không xác thực”.

Cũng trong tuần trước, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã viết thư ngỏ gửi cho chính phủ Pháp, Anh và Mỹ để yêu cầu các nước này giúp về vấn đề bản đồ phân định biên giới với các nước láng giềng, nhất là Việt Nam.

Tin cho hay, ông Hun Sen cho rằng Pháp có thể nắm giữ bản đồ gốc vẽ vùng biên giới khu vực Đông Dương nhiều năm trước và yêu cầu Tổng thống Pháp Francois Hollande cho mượn một bản copy bản đồ này.

Nhà lãnh đạo Campuchia cũng đã gửi thư tới Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron vì cho rằng hai nước này có thể có bản đồ gốc được quốc tế công nhận những năm 60.

Ông Hun Sen nói rằng việc mượn bản đồ này nhằm “chấm dứt tình trạng kích động chủ nghĩa [dân tộc] cực đoan đã gây ra tình trạng rối rắm ý kiến trong nước lẫn trên trường quốc tế”.

Trước đó, người đứng đầu chính phủ Campuchia cũng đã viết thư tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, yêu cầu mượn bản đồ gốc mà chính quyền Phnom Penh đã nộp cho tổ chức này hàng chục năm trước.

Tuần trước, LHQ đã trả lời rằng cơ quan này đã “cung cấp cho Campuchia thông tin có liên quan mà chúng tôi có thể tìm thấy và chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm các tài liệu quan trọng mà chính phủ Campuchia yêu cầu”. - VOA

No comments:

Post a Comment