Friday, July 31, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 31/7

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc khai trừ Đảng Thượng tướng Quách Bá Hùng

Từng là nhân vật số hai trong hàng ngũ Quân đội dưới thời ông Hồ Cẩm Đào, Thượng tướng Quách Bá Hùng ngày 30/07/2015, bị khai trừ khỏi Đảng. Ủy ban kiểm tra kỷ luật Quân ủy trung ương thụ lý hồ sơ của ông Quách Bá Hùng.

Thượng tướng Quách Bá Hùng, 73 tuổi, cựu thành viên Bộ chính trị và nguyên là Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương từ năm 2002 đến 2012. Ông cũng là một nhân vật thân tín của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Theo kết quả điều tra của Ủy ban kiểm tra kỷ luật Quân ủy Trung ương, ông Quách Bá Hùng đã lạm dụng chức quyền để thăng quan tiến chức và trục lợi cho người khác. Tướng Hùng và gia đình cũng bị khép tội.

Tháng 4/2015, tướng Quách Bá Hùng đã chính thức bị điều tra. Giới quan sát ghi nhận, tướng Hùng là quan chức cao cấp thứ nhì trong quân đội Trung Quốc dưới thời cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bị kết tội tham nhũng. Người đầu tiên bị sa lưới chính sách "đả hổ diệt ruồi" do ông Tập Cận Bình đề xướng là cố Phó chủ tịch quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu. Tướng Hậu qua đời hồi tháng 3/2015 vì bệnh ung thư.

Theo nhiều nguồn tin báo chí Trung Quốc được AFP trích lại, từ thủa thiếu thời, tướng Quách Bá Hùng đã có nhiều hành vi xấu xa làm "hổ danh quân đội". Trong những năm tháng ở đỉnh cao danh vọng, vợ ông đã làm môi giới trong các vụ mua quan bán chức. Con trai tướng Hùng là Quách Chính Cương, một trong những vị thượng tướng trẻ tuổi nhất của quân đội Trung Quốc, cũng đã bị điều tra vì tham nhũng. - RFI
|
|

2.
Nga thông báo tìm được thỏa thuận với Pháp về vụ hủy giao tàu chiến Mistral

Tối qua, 30/07/2015, hãng thông tấn Nga Ria Novosti, đưa tin, sau nhiều tháng đàm phán, Moscow thông báo đã đạt được thỏa thuận với Paris về việc đền bù do hủy hợp đồng giao 2 tàu chiến Mistral cho Nga. Theo báo chí Nga, mức đền bù này có thể lên tới 1,2 tỷ euro.

Ông Vladimir Kojine, cố vấn của Tổng thống Nga, phụ trách hợp tác quân sự và kỹ thuật, được hãng tin Ria Novosti trích dẫn, cho biết: "Các cuộc thương lượng đã hoàn tất, tất cả đã được quyết định, bao gồm thời hạn và tổng số tiền đền bù".

Nhật báo Nga Kommersant, dẫn lại nhiều nguồn tin xin ẩn danh, tiết lộ: Paris sẽ phải đền bù cho Moscow khoảng 1,6 tỷ euro.

Tuy nhiên, Phủ Tổng thống Pháp, công ty phụ trách xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboroexport, cũng như văn phòng của Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogzine, tất cả đều không khẳng định với AFP về nội dung tuyên bố của ông Kojine cũng như thông tin của tờ Kommersant.

Việc kiện tụng giữa hai nước đặt Paris vào tình thế khó xử, giữa một bên là các lợi ích kinh tế và bên kia là ý muốn buộc Moscow phải thay đổi lập trường trong hồ sơ khủng hoảng Ukraine.

Trong bối cảnh phương Tây trừng phạt kinh tế Nga do cáo buộc Moscow dính líu đến cuộc khủng hoảng Ukraine, vào tháng 11/2014, nước Pháp buộc phải hủy bỏ hợp đồng giao tàu chiến Mistral cho Nga. Các cuộc thương lượng về đền bù thiệt hại do hủy hợp đồng đã kéo dài từ nhiều tháng qua.

Cho đến nay, Paris mới chỉ đề nghị thanh toán lại 785 triệu euro mà Moscow đã ứng trước. Nhưng Nga đưa ra con số hơn 1,1 tỷ euro tiền đền bù thiệt hại vì phải tính đến cả những chi phí đã đào tạo hơn 400 thủy thủ, xây dựng các cơ sở hạ tầng tại Vladivostok ở vùng Viễn Đông, theo dự tính là căn cứ đón tiếp chiếc tàu chiến Mistral đầu tiên, cũng như việc chế tạo 4 trực thăng chiến đấu.

Một chủ đề khác gây bất đồng giữa hai nước: Đó là việc Nga từ chối mọi khả năng Pháp tái xuất khẩu tàu chiến Mistral cho một nước khác, trước khi Paris thanh toán xong tiền đền bù thiệt hại. Theo báo Kommersant, hiện nay, mỗi tháng, Paris phải tốn kém 5 triệu euro cho việc bảo trì các tàu Mistral đang neo đậu tại cảng của Pháp.

Theo nguồn tin Nga, có thể thỏa thuận đền bù sẽ được ký kết trong những ngày đầu tháng Tám tới.

Chiếc tàu Mistral đầu tiên, mang tên Vladivostock, lẽ ra được giao cho Nga vào giữa tháng 11/2014 và tàu thứ hai, Sébastopol, vào mùa thu năm nay 2015.

Hợp đồng đóng tàu chiến Mistral cho Nga được ký hồi tháng 06/2011, dưới thời Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, với tổng giá trị lên tới 1,2 tỷ euro.

Được đóng tại cảng Saint-Nazaire, miền tây nước Pháp, tàu Mistral là chiến hạm đa năng, có thể chở trực thăng, xe tăng hoặc tàu đổ bộ, đón tiếp ban tham mưu và cả một bệnh viện. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng 2.3% từ tháng 4 đến tháng 6

Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2.3% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 sau một mùa đông khắc nghiệt.

Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Năm cho biết người tiêu dùng tăng mạnh chi tiêu và thặng dư xuất khẩu mới đã thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng trong quý hai. Bộ cũng đảo ngược một ước tính trước đó, kết luận rằng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 0.6% trong ba tháng đầu năm nay, chứ không phải suy giảm 0.2%.

Chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ, chiếm 70% nền kinh tế của đất nước, tăng lên rõ rệt trong những tháng mùa xuân, tăng 2.9% so với mức 1.8% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3.

Các nhà phân tích Mỹ đang trông chờ nền kinh tế tăng trưởng nhiều hơn nữa trong nửa năm sau, có thể lên đến 3%, với chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng trong khi chủ lao động tiếp tục thuê mướn người lao động.

Báo cáo mới này tương tự như những dự báo mà ngân hàng trung ương Mỹ công bố hôm thứ Tư, cho thấy mức tăng trưởng kinh tế ổn định.

Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang dự định sẽ tăng lãi suất cơ bản của ngân hàng vào cuối năm nay, lần đầu tiên trong bảy năm. Nhưng hiện giờ Cục Dự trữ Liên bang vẫn giữ lãi suất gần bằng không trong khi đất nước tiếp tục phục hồi từ cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái những năm 1930. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Phát hiện nhiều vũ khí tại Tân Sơn Nhất

Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất ngày 31/7 nói đã bắt giữ lô hàng vũ khí quân dụng lớn nhất từ trước đến nay vận chuyển qua cửa khẩu này.

Lô hàng gồm: 94 khẩu súng ngắn quân dụng và 472 băng đạn chưa qua sử dụng.

Báo Dân Trí tường thuật cơ quan chức năng đã tiến hành khám xét đột xuất chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Tờ này nói: “Vụ việc này mang tính chất cực kỳ nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.”

Tuy vậy, báo Công an TP. HCM lại nói nguồn tin của báo cho hay số vũ khí này do cảnh sát Singapore nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong lúc làm thủ tục hải quan, “số hàng này bị chuyển nhầm sang sân bay Tân Sơn Nhất”, theo tờ Công an TP. HCM. - BBC
|
|

5.
Tàu chống ngầm của Nga đến Đà Nẵng

Tàu chống ngầm mang tên Đô đốc Pantelev (số hiệu 548) của Hải quân Nga hôm nay đã tiến vào cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị Đà Nẵng.

Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng), Quân khu 5 và Tổng lãnh sự Nga tại Đà Nẵng đã đón tiếp thủy thủ đoàn.

Đại tá A.V Potapov, chỉ huy tàu, khẳng định chuyến thăm nhằm thắt chặt mối quan hệ truyền thống Việt-Nga nói chung và hải quân hai nước nói riêng.

Trong thời gian ở thăm Đà Nẵng đến ngày 2/8, các sĩ quan và thủy thủ đội tàu hải quân Nga sẽ có các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm tác chiến cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an ninh trên biển cũng sẽ được tổ chức.

Con tàu mang tên Đô đốc Pantelev thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga dài 163 m, rộng 19 m, lượng giãn nước hơn 7.000 tấn, tầm hoạt động 19.400 km, với gần 300 thủy thủ trên boong.

Vũ khí trên tàu gồm nhiều giàn phóng ngư lôi, giàn phóng tên lửa, phóng bom và máy bay trực thăng.

Nga là một trong các nước xuất khẩu vũ khí lớn của Việt Nam. Mới đây, tàu ngầm HQ-185 Khánh Hòa, tàu ngầm lớp Kilo thứ tư trong số 6 chiếc mà Việt Nam đặt Nga đóng theo hợp đồng ký cuối năm 2009, đã được giao cho phía Việt Nam.

Trước đó, ba tàu ngầm HQ-182 Hà Nội và HQ-183 TP.HCM và HQ-184 Hải Phòng cũng đã được bàn giao từ năm 2013 đến năm 2014. - VOA
|
|

6.
Tướng Vịnh: Quan hệ hữu nghị Việt-Trung không bao giờ thay đổi

Quan hệ hữu nghị giữa quân đội Việt Nam, Trung Quốc chứng kiến sự phát triển mới, và trở thành một trong những cột trụ quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa hai đảng và hai nhà nước, một quan chức cấp cao của quân đội Việt Nam nói.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã tổ chức chiêu đãi nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tối 28/7.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, ông Nguyễn Chí Vịnh, đã phát biểu nhân ngày lễ trọng đại của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đánh giá cao quan hệ hữu nghị hợp tác giữa quân đội hai nước và tin tưởng rằng mối quan hệ này sẽ có bước phát triển mới, xứng đáng là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ Việt-Trung

Ông Nguyễn Chí Vịnh nói: “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng thân thiện và điều đó không bao giờ thay đổi. Nhiều thế hệ đã qua, nhân dân hai nước đã thiết lập và duy trì mối quan hệ, cùng tồn tại, hình thành rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa”.

Ông Vịnh cho biết thêm, Trung Quốc là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, và luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Ông Nguyễn Chí Vịnh nói, các nhà lãnh đạo cấp cao của hai lực lượng vũ trang sẽ tiếp tục duy trì và thúc đẩy quan hệ giữa hai quân đội, đưa hợp tác quốc phòng vào chiều sâu và chiều rộng với những kết quả thiết thực.

Phát biểu tại buổi tiếp, tùy viên Quân sự Trung Quốc tại Việt Nam - ông Chân Trung Hưng - cho biết, các mối quan hệ quân sự là một phần quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Trong những năm gần đây, quân đội hai nước đã đạt được tiến bộ lớn trong các cuộc trao đổi cấp cao, đối thoại chiến lược, hợp tác lực lượng biên phòng và đào tạo nhân sự.

Ông Hưng nói: “Chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau cũng như bình đẳng và hợp tác cùng có lợi, hai nước sẽ tăng cường trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực quân sự và nỗ lực duy trì, phát triển lành mạnh và ổn định mối quan hệ song phương”.

Ông Hưng cho biết thêm, hiện nay, Trung Quốc đang thúc đẩy việc hiện đại hóa quốc phòng và đang phấn đấu để xây dựng lực lượng vũ trang tương xứng với an ninh và phát triển lợi ích quốc gia của Trung Quốc, và cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ cho việc thực hiện công cuộc hiện đại hóa của dân tộc Trung Hoa. Chính phủ Trung Quốc thực sự cam kết sẽ tuân thủ chính sách quốc phòng phòng thủ, không bao giờ giành quyền bá chủ và không bao giờ tham gia vào việc mở rộng quân sự. - VOA

Thursday, July 30, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 30/7

Tin Thế Giới

1.
Biển Đông: Mỹ kêu gọi Châu Âu tỏ thái độ rõ ràng hơn --- Hải quân Nhật Bản lo ngại quân đội Trung Quốc khống chế cả Biển Đông

"Sẽ rất hữu ích" nếu như Liên Hiệp Châu Âu có thái độ rõ ràng hơn để hỗ trợ Hoa Kỳ trong lúc Trung Quốc đang bồi đắp, xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách khu vực Đông Nam Á, Amy Searight, tuyên bố như trên tại hội thảo về chính sách Đông Á của Washington và Bruxelles ngày 29/07/2015.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, bà Amy Searight nhấn mạnh Hoa Kỳ tôn trọng việc Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng con đường hòa bình và chiếu theo công ước quốc tế. Tuy nhiên Washington chờ đợi đồng ở minh Châu Âu "một cách tiếp cận rõ ràng và mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như việc kêu gọi ngưng đòi hỏi chủ quyền hay xây dựng cơ sở quân sự" tại Biển Đông. Sự ủng hộ đó của Liên Hiệp Châu Âu sẽ "rất hữu ích".

Cũng tại hội thảo được tổ chức tại trung tâm CSISS, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách toàn khu vực Đông Á, ông Michael Fuchs, đã nhấn mạnh đến nhu cầu giảm thiểu nguy cơ xung đột ở Biển Đông.

Theo các nhà quan sát, hiếm khi nào Hoa Kỳ trực tiếp chỉ trích đồng minh Châu Âu như vừa qua. Đáp lời bà Amy Searight, Đại sứ của Liên Hiệp Châu Âu tại Washington David O’Sullivan cho rằng về mặt cơ bản, Châu Âu và Mỹ có cùng một quan điểm trên vấn đề Biển Đông, nhưng những lời lẽ cứng rắn của phía Hoa Kỳ đôi khi "phản tác dụng". Vẫn theo ông O’Sullivan, Bruxelles đã tăng cường một số hoạt động an ninh trong vùng biển có tranh chấp này, thế nhưng việc làm đó cũng có "những giới hạn". Liên Hiệp Châu Âu không có cùng quan điểm với Mỹ về những đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực.

Tại một diễn đàn khác về an ninh Châu Á, Tư lệnh Hải quân Nhật Bản Đô đốc Tomohisa Takei tuyên bố các quốc gia trong vùng cần tăng cường khả năng phòng thủ và hợp tác trên biển để đối phó với những căng thẳng hiện nay. Để đạt được mục tiêu đó các quốc gia trong khu vực cần thắt chặt quan hệ với Mỹ và Nhật Bản. - RFI

***
Thế giới và khu vực tiếp tục bày tỏ thái độ quan ngại trước ý đồ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Phát biểu tại Hoa Kỳ vào hôm qua, 29/07/2015, Tư lệnh Hải quân Nhật Bản đã lên tiếng cảnh báo rằng một khi Trung Quốc sử dụng các hòn đảo nhân tạo mà họ vừa bồi đắp ở Trường Sa vào mục tiêu quân sự, toàn bộ vùng Biển Đông có nguy cơ rơi vào "vùng ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc".

Trong tham luận trình bày tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Thế giới (Carnegie Endowment for International Peace), một trung tâm tham vấn (think tank) tại Washington, Đô đốc Tomohisa Takei, Chỉ huy trưởng Lực lượng Phòng vệ Biển (tức Hải quân) Nhật Bản, đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đảm bảo sao cho Biển Đông luôn là một "vùng biển mở và tự do" để cho cả khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương vẫn là một "Đại dương thịnh vượng".

Đối với Đô đốc Takei, nếu quyền tự do hàng hải ở Biển Đông bị đe dọa, hệ quả có thể là "một sự cố ngoài ý muốn".

Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền trên cùng khu vực của các láng giềng như Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan. Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã bồi đắp các bãi ngầm và rạn san hô mà họ kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, xây dựng các cơ sở trên đó mà không che giấu khả năng sử dụng vào mục tiêu quân sự.

Nhật Bản không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng thường xuyên chỉ trích ý đồ quân sự hóa khu vực của Trung Quốc. Ngoài việc lên tiếng chỉ trích, Nhật Bản cũng giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam nâng cao năng lực giám sát và tuần tra vùng biển của mình. - RFI
|
|

2.
Nga bị chỉ trích vì phủ quyết nghị quyết LHQ về vụ bắn rơi máy bay MH17 --- Tìm thấy mảnh vỡ có thể là của máy bay MH370

Nga đang bị chỉ trích kịch liệt vì đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhằm thành lập một tòa án hình sự quốc tế để xét xử những người chịu trách nhiệm trong việc bắn rơi một chiếc máy bay của Hãng hàng không Malaysia trên bầu trời Ukraine cách đây một năm. Thông tín viên Michael Brown của đài VOA tường thuật.

Bộ trưởng giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai nói:

“Chúng tôi rất thất vọng về việc không thông qua được một dự thảo nghị quyết để thành lập một Tòa án hình sự quốc tế lâm thời cho vụ máy bay MH17 dù có những nỗ lực không ngừng của chúng tôi nhằm giải quyết những quan tâm của các thành viên Hội đồng Bảo an và xoá bỏ những sự khác biệt ”

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Pavlo Klimkin phát biểu:

“Nếu không phải là thủ phạm thì không có lý do gì để chống lại nghị quyết này.”

Nghị quyết không thông qua được sau khi Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vitaly Churkin nói với Hội đồng Bảo an là Moscow chống lại Tòa án vì lo ngại là tòa này sẽ không vô tư.

“Trong vụ này, căn cứ vào đâu để nói là chúng ta có thể đảm bảo cuộc điều tra sẽ vô tư? Cuộc điều tra này có thể cưỡng lại được những tuyên truyền kích động của truyền thông hay không? Tòa án có thể cưỡng lại những áp lực chính trị rõ rệt, khi nguyên nhân, và ngay cả những người chịu trách nhiệm trong thảm họa này, đã được nêu tên trước. Và những tuyên bố như vậy đã được đưa ra bởi một số các nhà lãnh đạo một vài quốc gia tham dự vào toán điều tra hỗn hợp.”

Cách đây một năm, chuyến bay MH17 của hãng Hàng không Malaysia bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur với 298 hành khách và phi hành đoàn bị một phi đạn đất đối không bắn trúng trên bầu trời miền đông Ukraine do các phần tử đòi ly khai được Nga hậu thuẫn kiểm soát.

Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc nói việc Nga chống đối đề nghị thành lập tòa án nêu lên những câu hỏi khác.

“Qua việc phủ quyết nghị quyết này, Nga đã tìm cách khước từ công lý cho 298 nạn nhân trên chiếc máy bay MH17 và không để cho gia đình của họ có được một cơ hội để buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm."

Ukraine và Tây phương nghi chiếc máy bay bị các binh sĩ Nga hay những phần tử đòi ly khai bắn rớt, nhưng Nga liên tục phủ nhận điều này.

Nga đổ lỗi cho một máy bay phản lực chiến đấu của Ukraine bắn rơi máy bay Malaysia. - VOA

***
Các nhà điều tra đang tìm hiểu liệu một mảnh vỡ của máy bay được tìm thấy trên một hòn đảo thuộc Pháp ở Ấn Độ Dương có phải là từ máy bay MH370 hay không. Chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines đã biến mất không để lại dấu tích vào tháng 3 năm 2014.

Mảnh vỡ dài hai mét đã được phát hiện hôm thứ Tư trên một bãi biển ở Đảo Réunion, nằm giữa Madagascar và Mauritius. Một người nhìn thấy mảnh vỡ này cho biết có nhiều vỏ sò bám trên đó, chứng tỏ nó đã ở trong nước một thời gian dài.

Một phát ngôn viên của Văn phòng Điều tra và Phân tích An toàn Hàng không Dân sự của Pháp cho biết vật thể này chưa được xác định và rằng vẫn còn quá sớm để nói liệu nó có phải là từ MH370 hay không. Tuy nhiên các chuyên gia hàng không cho biết dựa trên những hình ảnh của mảnh vỡ thì có vẻ như đây là một cánh tả của máy bay.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai cho biết chính phủ của ông đã gửi một toán điều tra đến Đảo Réunion để giúp xác định.

Hãng tin AP cuối ngày thứ Tư cho biết một quan chức Mỹ nói rằng các nhà điều tra "tin tưởng ở mức cao" rằng mảnh vỡ được tìm thấy là từ một chiếc Boeing 777, cùng loại với máy bay MH370.

Một chuyên gia hàng không Pháp, Xavier Tytelman, tán đồng nhận định này. Trong một blog về hàng không bằng tiếng Pháp, ông viết rằng một mã số viết trên mảnh vỡ sẽ giúp các nhà điều tra biết chính xác nó đến từ đâu trong vòng vài ngày.

Cục An toàn Giao thông Úc cho biết họ có những hình ảnh của mảnh vỡ đang được Boeing nghiên cứu trong một nỗ lực nhằm xác định nó. Boeing cho biết họ sẽ không bình luận về những hình ảnh này.

MH370 cất cánh từ Kuala Lumpur vào ngày 8 tháng 3 năm 2014 bay tới Bắc Kinh. Nó biến mất khỏi radar hơn một giờ sau đó ở một nơi nào đó bên trên Biển Đông.

Một cuộc tìm kiếm của hơn 50.000 km vuông đại dương đã không tìm thấy gì. Khu vực tìm kiếm cuối cùng là ở phía nam Ấn Độ Dương ngoài khơi bờ biển của Úc.

Các quan chức Malaysia nói tất cả 239 người trên máy bay Boeing 777 được cho là đã chết. - VOA
|
|

3.
Ngải Vị Vị chỉ được visa Anh ba tuần

Nghệ sĩ bất đồng chính kiến Ngải Vị Vị vừa bị chính phủ Anh từ chối thị thực nhập cảnh sáu tháng vào khi có những tuyên bố rằng ông đã nói dối trong tờ khai visa.

Ông đăng trên Instagram lá thư nói rằng việc nhập cảnh của ông vào Anh Quốc là có giới hạn vì ông đã không nêu rõ về "bản án hình sự". Tuy nhiên ông Ngải Vị Vị, dù bị giam giữ tại Trung Quốc 81 ngày hồi năm 2011, lại chưa bao giờ bị kết tội hay kết án ở Trung Quốc.

Nghệ sĩ này được cấp visa vào Anh 20 ngày để dự buổi khánh thành một triển lãm của ông ở London.

Tuy nhiên điều đó có nghĩa là ông không thể giám sát việc dàn dựng một triển lãm rất quan trọng dành riêng cho ông tại Viện Nghệ thuật Hoàng gia được dự kiến sẽ mở cửa cho giới báo chí vào xem trước hôm 15 tháng Chín.

Lá thư từ bộ phận visa của Sứ quán Anh tại Bắc Kinh, viết rằng việc nhập cảnh của ông Ngải Vị Vị vào Anh "đã bị hạn chế đối với thời gian xin đi... vì ông đã không đáp ứng các nguyên tắc của khách vào làm việc."

Tài liệu được một nhân viên quản lý thị thực nhập cảnh từ Bộ Di trú và Visa của Anh ký, viết tiếp rằng "Đây là vấn đề ghi nhận công khai ông đã từng bị kết án hình sự tại Trung Quốc và ông đã không khai điều đó.

"Trong khi đã có giải quyết như một trường hợp ngoại lệ nhưng những lần xin visa trong tương lai ông phải hoàn thành bản khai chính xác nhất có thể," và nói thêm rằng ông có thể bị cấm 10 năm nếu không tuân thủ.

Trong một tin khác đăng trên Instagram, ông Ngải Vị Vị nói ông "chưa hề bị kết tội hay kết án vì một tội nào" và "đã cố làm sáng tỏ điều này với Bộ phận Di trú và Visa của Anh và với Sứ quán Anh ở Bắc Kinh qua vài cuộc điện thoại."

"Nhưng các nhân viên đại diện vẫn quả quyết về độ chính xác của nguồn tin của họ và từ chối không thú nhận đã nhầm. Quyết định này là một sự bác bỏ các quyền của Ngải Vị Vị như một công dân bình thường," ông nói thêm.

Tuần trước ông đã được nhận lại hộ chiếu sau khi bị giới chức trách Trung Quốc thu giữ cách đây bốn năm khi ông bị bắt năm 2011 trong một đợt chính phủ đàn áp các nhà hoạt động chính trị. Ông bị giam giữ vì các tội bị cáo giác là đa thê và trốn thuế nhưng đã được thả mà không bị kết tội.

Ông Ngải Vị Vị bị phạt 15 triệu nhân dân tệ (tương đươn 2,4 triệu đô la) vì trốn thuế trong một vụ dân sự năm 2012. Nghệ sĩ này đã bị thua trong vụ khiếu nại về khoản tiền phạt này mà ông vẫn quả quyết là có động cơ trả thù vì những chỉ trích của ông với chính phủ Trung Quốc.

Trong một tuyên bố Bộ Nội vụ Anh nói rằng các đơn xin visa sẽ được xem xét "trên cơ sở từng trường hợp và thể theo các điều luật liên quan".

Tuyên bố viết thêm: "Ông Ngải Vị Vị đã được cấp visa đầy đủ cho thời hạn mà ông xin vào".

BBC đã liên lạc với Sứ quán Anh tại Bắc Kinh để hỏi về quyết định của họ nhưng chưa nhận được hồi âm.

Viện Nghệ thuật Hoàng gia cũng chưa có bình luận về việc này. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Microsoft chính thức ra mắt Windows 10 trên toàn thế giới

Việc phát hành phiên bản mới của hệ điều hành Windows 10 "đã diễn ra tốt đẹp". Tập đoàn Microsoft hôm nay 29/07/2015 loan báo như trên, hy vọng sẽ làm người sử dụng quên đi các sai sót của phiên bản trước, và thất bại trong lãnh vực điện thoại di động.

Một phát ngôn viên Microsoft nói với AFP: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi thử nghiệm việc triển khai như thế này, nhưng hiện nay mọi việc đều tốt đẹp và rất thuận lợi". Đồng thời cảnh báo "cần có thời gian" để 1,5 tỉ người sử dụng hệ điều hành Windows có thể cập nhật.

Tập đoàn từ chối công bố số lượng người sử dụng đã đăng ký hay cập nhật ngay trong ngày đầu tiên ra mắt. Chủ tịch Microsoft tại Pháp, ông Alain Crozier cho biết: "Có hàng chục triệu người đăng ký, chúng tôi đang phục vụ cho họ. Hiện đã bắt đầu tại Pháp, tại châu Á và gần 190 nước trên thế giới".

Khoảng năm triệu người đã thử nghiệm phiên bản bêta của Windows 10. Để thu hút, Microsoft cho phép ngay ngày hôm nay được cập nhật miễn phí các phiên bản trước (Windows 7 và 8). Về phần các nhà sản xuất máy tính thì phải tiếp tục trả tiền để cài đặt trước vào máy – bản quyền hệ điều hành vốn là nguồn thu lớn nhất của tập đoàn.

Theo Tổng giám đốc Microsoft Satya Nadella: "Windows 10 không chỉ là một phiên bản hệ điều hành mới, mà là khởi đầu một kỷ nguyên mới".

Ngoài việc cho đặt lại nút "menu khởi động" truyền thống, mà sự biến mất của nó trong Windows 8 đã làm nhiều người sử dụng lúng túng, Windows 10 có nhiều cải tiến, hy vọng sẽ được trang bị cho một tỉ máy tính từ nay đến 2018.

Ngược với các phiên bản trước, Windows 10 có thể thích ứng với tất cả các loại thiết bị, từ máy tính để bàn, điện thoại thông minh cho đến máy chơi game Xbox, kính thực tế ảo. Dự kiến có nhiều tính năng mới như nhận dạng sinh trắc học, cảm ứng, hệ thống tương tác bằng giọng nói Cortana (đối thủ của Siri nơi Apple) hay trình duyệt mới Edge (thay thế cho Microsoft Explorer).

Cuộc cách mạng do Microsoft hứa hẹn khi tung ra Windows 8 hồi cuối năm 2012 đã không diễn ra. Người tiêu thụ, doanh nghiệp và các nhà thiết kế ứng dụng cho điện thoại di động đã tỏ ra thờ ơ, và đầu tháng này Microsoft đã loan báo sa thải 7.800 người, chủ yếu thuộc chi nhánh Nokia.

Các loại điện thoại của Windows hiện không thể cạnh tranh nổi, do kho ứng dụng còn nghèo nàn so với iPhone của Apple hay các điện thoại sử dụng Android của Google. Lần này Microsoft không thể tự cho phép mình phạm sai lầm. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Phó Thủ tướng CSVN Phạm Bình Minh thăm Nhật

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 30/7 tại Tokyo.

Ông Minh sang Nhật đồng chủ trì phiên họp Ủy ban hợp tác Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 7.

Việt Nam nói hai nước sẽ trao đổi các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy “quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng”.

Trước đó cũng trong tháng Bảy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản.

Tuần này, hãng tin Kyodo cho hay giới chức hai bên đang chuẩn bị cho chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Nhật Bản.

Theo hãng tin Nhật, chuyến đi Tokyo của ông Nguyễn Phú Trọng, nếu xảy ra, dường như là để thử Trung Quốc, mà Việt Nam đang có bất đồng về lãnh thổ tại Biển Đông.

Trước ông Nguyễn Phú Trọng, vị tổng bí thư Đảng CSVN thăm Nhật Bản mới đây nhất là ông Nông Đức Mạnh, hồi tháng 4/2009. Khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật hồi đầu tháng, ông cũng đã chuyển cho phía Nhật ý nguyện thăm nước này của ông tổng bí thư.

Nhật Bản là quốc gia cấp viện lớn nhất cho Việt Nam, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ tư sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nam Hàn. Quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam đặc biệt gần cận trong các lĩnh vực kinh tế và cả chính trị. - BBC
|
|

6.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam xin nghỉ hưu

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam xin nghỉ hưu vì lý do "sức khỏe", chỉ năm tháng sau khi giữ chức.

Ông Lê Phước Thanh nói với một số tờ báo ở Việt Nam rằng đã nộp đơn xin nghỉ hưu trước tuổi vào ngày 29/7 và đang chờ ý kiến của Bộ Chính trị.

Ông nói ông gửi đơn vì “sức khỏe kém”, mặc dù đã được Tỉnh ủy bầu giữ chức Bí thư cuối tháng Hai.

Sinh năm 1956, ông Thanh là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam trước khi được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Hồi tháng Hai, người tiền nhiệm, ông Nguyễn Đức Hải, thôi chức Bí thư tỉnh để giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Hôm 23/6, tin cho biết Tỉnh ủy Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị Cán bộ chủ chốt của tỉnh.

Tại cuộc họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam giới thiệu ông Phan Việt Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, vào danh sách quy hoạch chức danh Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020, tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12.

Một người khác, ông Briu Liếc, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa 11, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, cũng được Quảng Nam đề xuất ứng cử Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 để tham gia Ban Chỉ đạo Tây Nguyên hoặc Ủy ban Dân tộc Trung ương. - BBC

Wednesday, July 29, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 29/7

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc sắp lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông? --- Vùng phòng không biển Hoa Đông: TQ chặn hàng không dân dụng Lào

Các chuyên gia an ninh của Mỹ và các nước khác hồi gần đây đã bày tỏ quan tâm là không bao lâu nữa Trung Quốc sẽ tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, nơi căng thẳng  đang leo thang vì những hoạt động xây đảo nhân tạo qui mô lớn của Bắc Kinh. Thông tín viên đài VOA Li Bao tường thuật

Trong năm vừa qua Trung Quốc đã ráo riết lấp biển để xây những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, nơi có những vụ tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Philippines.

Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói rằng việc xây đảo nhân tạo chỉ là phần mở đầu. Ông cho rằng bước kế tiếp của Trung Quốc sẽ là bố trí vũ khí trên những hòn đảo đó và tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông để tăng cường cho các yêu sách chủ quyền của mình.

Hồi tuần trước tại một cuộc hội thảo tại Viện Hudson ở Washington, ông McCain đã phát biểu như sau:

“Họ xây phi đạo; họ sẽ đặt vũ khí ở đó, và việc kế tiếp mà quí vị sẽ thấy Trung Quốc làm là khi một chiếc máy bay của Mỹ bay ngang, bất kể là máy bay thương mại hoặc máy bay quân sự, họ sẽ đòi máy bay đó phải khai báo với họ. Họ lập ra một Vùng nhận dạng phòng không, mà sau đó có nghĩa là chủ quyền lãnh thổ”.

Vùng phòng không

Vùng nhận dạng phòng không là vùng trời trên đất liền hay trên biển mà nước lập ra yêu cầu những máy bay bay vào phải khai báo và kiểm soát tuyến bay của những máy bay đó để phục vụ cho các mục tiêu an ninh quốc gia. Một khu vực nới rộng không phận quốc gia của một nước giúp cho nước đó có thêm thời giờ để ứng phó với những phi cơ có thể có những hành động thù địch.

Nam Triều Tiên và Nhật Bản đã lập ADIZ nằm rất xa bên ngoài không phận quốc gia của họ và hai vùng đó chồng lấp với nhau. Trung Quốc cũng lập ADIZ ở Biển Đông Trung Hoa vào năm 2013.

Ông Peter Jennings, Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Australia, tin rằng Trung Quốc sẽ thiết lập một ADIZ tương tự ở Biển Đông sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Hoa Kỳ vào tháng 9.

Ông Jennings nói tại một cuộc hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tổ chức ở Washington hôm 21 tháng 7:

“Sau chuyến viếng thăm đó, và sau khi nước Mỹ bước vào giai đoạn sôi nổi với cuộc vận động bầu cử tổng thống, tôi nghĩ rằng Trung Quốc có thể sẽ thực hiện bước kế tiếp này để củng cố sự khống chế của họ trong khu vực.”

Giáo sư Andrew Erickson của Trường Võ bị Hải quân Mỹ, cho biết ông tin rằng Trung Quốc sẽ tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Đông trong vòng hai năm nữa.

Lập ADIZ ở Biển Đông

Tại một cuộc điều trần ở Hạ viện Mỹ hồi tuần trước, ông Erickson nói rằng những cơ sở mà Trung Quốc đang xây dựng trong khu vực quần đảo Trường Sa bao gồm một phi đạo dài 3.000 mét trên Bãi Đá Chữ Thập và ứng dụng hợp lý nhất của phi đạo này là hỗ trợ cho một ADIZ của Trung Quốc trong tương lai gần.

Washington nhiều lần khẳng định việc đơn phương tuyên bố một ADIZ ở Biển Đông sẽ phương hại tới quyền tự do hàng hải và cảnh báo Bắc Kinh chớ đưa ra một tuyên bố như vậy.

Hoa Kỳ đã phản ứng một cách kịch liệt đối với việc Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông Trung Hoa và đã bày tỏ sự không thừa nhận của mình bằng cách phái máy bay quân sự bay qua vùng đó.

Theo giáo sư Erickson, không có luật lệ nào cấm Trung Quốc thiết lập ADIZ, nhưng ông nói rằng điều gây quan tâm cho Hoa Kỳ là cách thức Trung Quốc quản lý ADIZ của họ.

Ông nói “Đó là cách thức Trung Quốc áp dụng cho ADIZ ở Biển Đông Trung Hoa. Quân đội Trung Quốc tuyên bố những biện pháp phòng vệ khẩn cấp sẽ được áp dụng khi máy bay bay vào vùng này mà không tuân theo những đòi hỏi của Trung Quốc.”

Ông Erickson cho rằng “Điều đó hoàn toàn đi ngược với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế".

Chưa phải lúc

Bắc Kinh tuyên bố họ có quyền thiết lập ADIZ gần lãnh thổ của mình, nhưng hiện nay không phải là thời điểm thích hợp để làm việc này ở Biển Đông.

Ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam hải của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh nên tránh đơn phương tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông, một điều mà ông cho sẽ làm căng thẳng leo thang và gây phương hại cho sự hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Tại cuộc hội thảo ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, ông Ngô cho rằng Trung Quốc nên bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, tăng tốc tiến trình đàm phán với ASEAN để có một Bộ Qui tắc Ứng xử, và bảo đảm việc sử dụng cho mục tiêu dân sự của những cơ sở trên các hòn đảo nhân tạo.

Tuy nhiên, ông cũng nói với đài VOA là cuộc diện có thể thay đổi nếu có sự can dự của Nhật Bản. “Nhật Bản muốn cùng với Hoa Kỳ thực hiện những phi vụ tuần tra ở Biển Đông và hồi gần đây đã chỉ trích việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo,” ông Ngô nói. “Nếu một ngày nào đó Nhật Bản cùng với Mỹ thực hiện những phi vụ trinh sát ở cự ly gần, điều đó sẽ buộc Trung Quốc phải áp dụng những biện pháp đối phó.”

Các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông đã mạnh mẽ chỉ trích việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và tố cáo rằng Bắc Kinh muốn dùng những cơ sở trên các đảo đó cho mục tiêu quân sự. - VOA

***
Một máy bay của Lao Airlines trên đường từ Hàn Quốc về Vientiane, khi đi qua vùng biển Hoa Đông, đã bị Trung Quốc ngăn chặn, không cho bay qua vùng nhận diện phòng không mà Bắc Kinh đã thiết lập tại nơi có tranh chấp chủ quyền với Tokyo.

Website của nguyệt san Thế giới vận tải hàng không – Air Transport World, ngày 27/07/2015 cho biết, chuyến bay QV 916 của Lao Airlines cất cánh lúc 8 giờ sáng ngày ngày 25/07 từ sân bay Quốc tế Gimhae, Hàn Quốc, để quay về sân bay Vientiane của Lào.

Tuy nhiên, sau một tiếng bay, khi chiếc Airbus 320 của Lao Airlines qua vùng biển Hoa Đông, chuẩn bị vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh đã ngang nhiên thiết lập, các kiểm soát viên của Trung Quốc đã không cho máy bay hàng không dân dụng Lào đi vào khu vực này với lý do máy bay không có giấy phép bay qua không phận Trung Quốc. Do vậy, máy bay đã phải quay trở lại sân bay Gimhae.

Tháng 11/2014, Trung Quốc đã đăng Điện văn thông báo hàng không – Notice to Airmen – NOTAM liên quan đến việc thiết lập một vùng nhận diện phòng không mới, ở biển Hoa Đông. Điện văn yêu cầu các hãng hàng không nộp trước hành trình bay, chi tiết thông tin liên lạc cho cơ quan quản lý lưu không Trung Quốc nếu muốn đi qua ADIZ.

Năm 2013, Bắc Kinh thông báo lập vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông, trong khu vực đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Ngay lúc đó, 2 hãng hàng không của Nhật Bản là Japan Airlines và All Nippon Airways đều không nộp trước các kế hoạch bay cho Bắc Kinh với lý không có nguy hiểm cho hành khách và không quan tâm đến yêu cầu của Trung Quốc. Thế nhưng, các hãng hàng không của Mỹ và Hàn Quốc lại chấp nhận đòi hỏi của Trung Quốc.

Không rõ Lao Airlines có nộp trước kế hoạch bay theo như yêu cầu của Trung Quốc hay không.

Theo nguyệt san Air Transport World, kể từ khi Trung Quốc lập ADIZ đến nay, chưa có chuyến bay hàng không dân dụng nào bị chặn và phải quay trở lại điểm xuất phát như chuyến bay QV 916 của Lao Airlines, cho dù không phải tất cả các hãng hàng không đều đáp ứng đòi hỏi của Trung Quốc. - RFI
|
|

2.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Trung Quốc

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới Bắc Kinh, dự kiến hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Erdogan dẫn đầu một đoàn đại biểu doanh nghiệp và chương trình làm việc được cho là tập trung vào thúc đẩy quan hệ kinh tế.

Cũng có tin hai bên sẽ bàn về kế hoạch mua hệ thống hỏa tiễn Trung Quốc tầm xa đang gây tranh cãi của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyến đi của ông Erdogan diễn ra sau khi hai nước có căng thẳng ngoại giao xung quanh chủ đề người Hồi giáo Uighur vốn có quan hệ văn hóa và tôn giáo gần gũi với người Thổ.

Khoảng 100 lãnh đạo kinh doanh và nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ tháp tùng ông Erdogan trong chuyến đi kết thúc vào thứ Năm 30/7.

Phóng viên BBC John Sudworth tại Bắc Kinh nói chuyến đi này phản ánh tầm quan trọng ngày càng lớn của quan hệ thương mại song phương, nay đã lên tới 24 tỉ đôla/năm.

Khủng hoảng biên giới hiện tại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể cũng khiến cho lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc lại kế hoạch mua hệ thống tên lửa tầm xa của Trung Quốc, vốn đã đề xuất nhưng chưa thực hiện được vì gây quan ngại trong các nước thành viên Nato.

Chuyến thăm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng diễn ra sau nhiều tuần có biểu tình tại Istanbul và Ankara để phản đối chính sách đối xử bị cho là cứng rắn của Bắc Kinh đối với cộng đồng người Uighur.

Các cuộc biểu tình này nổ ra sau khi một nhóm người Uighur bị Thái Lan trục xuất về Trung Quốc theo yêu cầu của Bắc Kinh, mà các tổ chức nhân quyền nói sẽ khiến những người này bị đàn áp; cũng như sau khi có tin Trung Quốc cấm người Uighur nhịn ăn trong tháng chay Ramadan.

Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc trên và nói những người bị trục xuất là người nhập cư bất hợp pháp. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ngoại trưởng, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ lại ra điều trần trước Hạ viện

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Năng lượng Ernest Moniz lại ra trước một uỷ ban quốc hội hôm 28/7, giữa lúc hai ông tiếp tục các nỗ lực nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nhà lập pháp còn hoài nghi và đang thẩm định thoả thuận hạt nhân với Iran.

Quốc hội còn khoảng 7 tuần trong hạn thời gian 60 ngày để xem xét thoả thuận sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đánh đổi việc nới lỏng các biện pháp chế tài tài chính gây nhiều thiệt hại cho Iran. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã phê chuẩn các điều kiện của thoả thuận hồi tuần trước, đặt ra một thời biểu có thể chứng kiến việc tháo dỡ biện pháp chế tài trước cuối năm nay.

Hai ông Kerry và Moniz đã nhiều lần gặp gỡ các giới chức Iran để trước đây trong tháng, chung kết thoả thuận hạt nhân mà họ đã vận động từ lâu, sẽ ra điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cùng với Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew.

Cả ba vị Bộ trưởng đã tham dự một cuộc điều trần tương tự trước Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ hồi tuần trước. Tại đây, ông Kerry nói bác bỏ thoả thuận này là quay lưng với cơ hội tốt nhất để giải quyết hoà bình vấn đề về hoạt động hạt nhân của Iran.

Tổng Thống Barack Obama đã thề sẽ phủ quyết bất cứ biện pháp nào để bác bỏ thoả thuận hạt nhân này, và điều đó có nghĩa là cả lưỡng viện quốc hội phải hội đủ 2 phần 3 đa số mới có thể vượt qua được phủ quyết của tổng thống, để khước từ việc tháo gỡ các biện pháp chế tài do quốc hội áp đặt trước đây.

Trước cuộc điều trần hôm nay, Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, nói thoả thuận này có ‘những sự thiếu sót và phải được xem xét rất kỹ lưỡng’. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Trung Quốc cứu 48 thuyền viên Việt Nam

48 thuyền viên Việt Nam trên 6 tàu chở hàng đã được cứu ở ngoài khơi phía nam khu tự trị Quảng Tây ở Trung Quốc, lực lượng biên phòng nước này cho biết hôm 28/7.

Các tàu của Việt Nam đã bị lật hoặc mắc cạn chiều 28/7 tại vùng biển gần thành phố Phòng Thành Cảng do mưa bão và sóng lớn. Một số thủy thủ bị ngã xuống nước và một số bị kẹt lại trên con tàu bị mắc cạn.

Biên phòng địa phương cùng với nhân viên hàng hải và ngư dân đã bất chấp mưa lớn và gió mạnh để tiếp cận khu vực có thủy thủ gặp nạn và cứu 41 thuyền viên Việt vào buổi tối cùng ngày.

Sáng 28/7, 7 thuyền viên khác được cứu từ buồng lái của một con tàu mắc cạn sau khi những cơn sóng lớn rút đi.

Cũng liên quan đến tình hình mưa lũ ở phía bên kia biên giới - ít nhất 14 người đã thiệt mạng trong trận lũ tồi tệ nhất trong vòng 40 năm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nơi có khu du lịch vịnh Hạ Long được UNESCO xếp hạng di sản thiên nhiên thế giới.

Trang tin VnExpress của Việt Nam dẫn lời ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tại Quân khu 3 đã điều động bộ đội, xe đặc chủng xuống địa bàn, đưa người dân di chuyển khỏi vùng dễ sạt lở. Bộ Tư lệnh Hải quân cũng cử lực lượng xuống địa bàn tham gia cứu hộ cứu nạn.

Một quan chức cứu trợ thiên tai cho biết ba người bị mất tích và một số khách du lịch địa phương vẫn còn mắc kẹt gần đảo Cô Tô, khu vực bị cô lập khỏi đất liền do mưa xối xả.

Quan chức này yêu cầu giấu tên và cho biết thêm: “Chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào về người khách du lịch nước ngoài có thể đã bị mắc kẹt tại các khu vực bị ảnh hưởng”.

Lượng mưa đo được ở Thành phố Hạ Long lên đến 500mm (khoảng 20 inches) chỉ riêng trong ngày Chủ Nhật.

Trang web của tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết hàng ngàn binh lính đã được huy động để giúp người dân địa phương sơ tán khỏi khu vực bị ngập lụt và lở đất.

Hàng năm, Việt Nam phải hứng chịu hàng chục cơn bão nhưng từ đầu năm 2015 đến nay chưa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bất kỳ cơn bão lớn nào. - VOA
|
|

5.
Thủ tướng Anh 'thúc đẩy đầu tư' ở Việt Nam

Trong chuyến thăm Việt Nam hai ngày 29 và 30/7, Thủ tướng Anh David Cameron sẽ tham dự các hoạt động thúc đẩy đầu tư tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Sau khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài vào khoảng 4 giờ chiều ngày thứ Tư 29/7, ông David Cameron lập tức có chuyến thăm xưởng sửa chữa và bảo dưỡng máy bay của công ty Kỹ thuật Máy bay Hàng không Việt Nam (VAECO).

Sau đó ông sẽ dự lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch trước khi hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng Anh sẽ đi TP HCM vào tối cùng ngày.

Sáng hôm thứ Năm 30/7, tại TP HCM, Thủ tướng Anh sẽ tham dự diễn đàn doanh nghiệp Việt-Anh tại khách sạn Le Meridien Saigon và sau đó gặp ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy.

Ông cũng dành thời gian tham dự một sự kiện công nghệ tài chính và gặp gỡ các nhà đầu tư Anh và Việt Nam tại sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM.

Đầu giờ chiều 30/7, ông David Cameron sẽ kết thúc chuyến thăm Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Anh đến thăm chính thức Việt Nam.

Website của Chính phủ Việt Nam cho hay Việt Nam và Anh thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ ngày 11/9/1973. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước chỉ thực sự phát triển từ giữa thập kỷ 1990.

Về đầu tư, Anh hiện đang đứng thứ ba trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam, với 204 dự án có tổng số vốn đầu tư 3,18 tỷ đôla (chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam), theo thông tin do Hội hữu nghị Việt-Anh cung cấp.

Bên cạnh quan hệ thương mại, vấn đề người nhập cư lậu từ Việt Nam vào Anh để làm việc trong các trại cần sa và các nghề phi pháp khác cũng là đề tài giới chức hai bên bàn thảo.

Trang web của Phủ Thủ tướng Anh hôm 29/07 nói "trong chuyến thăm tới Việt Nam ngày hôm nay, Thủ tướng David Cameron sẽ nói về nỗ lực "chống nạn nô lệ với các biện pháp mới được đưa vào thực hiện":

"Thủ tướng sẽ tìm cách tăng cường hợp tác đã có với phía Việt Nam để chống nạn buôn người..."

"Một phần nỗ lực của chính phủ Anh nhằm dẫn đầu cuộc chiến ngăn chặn nạn nô lệ thời hiện đại, Anh Quốc muốn làm nhiều hơn cùng Việt Nam - nước hàng đầu về nguồn ra đi - để ngăn chặn các cá nhân khỏi bị khai thác, và cùng hỗ trợ nạn nhân."

"Điều này sẽ được xây dựng trên nền tảng đã có là hợp tác giữa Cơ quan chống tội phạm quốc gia Anh và cơ quan hành pháp Việt Nam để phá các đường dây buôn bán tệ nạn khủng khiếp này."

Trang web này cũng cho hay rằng Cao ủy chống nạn nô lệ ở Anh, ông Kevin Hyland, sẽ dẫn đầu một phái đoàn tìm hiểu tình hình sang Việt Nam vào mùa thu này để xác định Anh Quốc có thể làm gì hơn nữa để hợp tác trong lĩnh vực này. - BBC
|
|

6.
Báo Hồng Kông: Đầu tháng 9 ông Nguyễn Phú Trọng thăm Nhật

Theo tờ South China Morning Post, số ra ngày hôm nay, 29/07/2015, các nguồn thạo tin từ Việt Nam và Nhật Bản cho biết, hai nước đang chuẩn bị cho chuyến thăm Tokyo của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

 Các nguồn tin có liên hệ với đảng Cộng sản Việt Nam, vào hôm qua, nói rằng chuyến công du của ông Trọng có thể diễn ra vào đầu tháng Chín tới.

Trong tháng Bảy, ông Nguyễn Phú Trọng đã công du Hoa Kỳ, là lãnh đạo đầu tiên của đảng Cộng sản Việt Nam thăm nước Mỹ, kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam. Ông đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tại Nhà Trắng và hai bên đã bày tỏ quan ngại về các hành động đòi hỏi chủ quyền, lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông và cho rằng các hành động đó của Bắc Kinh không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo nhận định của South China Morning Post, chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dường như nhằm trắc nghiệm phản ứng của Trung Quốc trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Tháng 04/2009, ông Nông Đức Mạnh, trong tư cách Tổng Bí thư, đã công du Nhật Bản. Đầu tháng Bẩy vừa qua, khi công du Tokyo, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn công du Nhật Bản. Năm ngoái, khi công du Nhật Bản, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã đồng ý nâng quan hệ song phương lên thành Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Nhằm đối phó với thái độ quyết đoán của Trung Quốc khẳng định chủ quyền tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam đã tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Nhật Bản. Năm 2014, Tokyo và Hà Nội đã đạt thỏa thuận về việc Nhật Bản cung cấp 6 tàu tuần duyên cho Việt Nam. Gần đây, các tàu chiến và máy bay trinh thám P-3C của Nhật đã tới thăm Việt Nam.

Nhật Bản là nhà tài trợ lớn nhất của Việt Nam và là đối tác thương mại đứng hàng thứ tư của Việt Nam. Hai nước có quan hệ chặt chẽ trong lĩnh vực chính trị và kinh tế.

Trước khi công du Hoa Kỳ, ông Nguyễn Phú Trọng đã thăm Trung Quốc hồi tháng Tư và trong chuyến đi này, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam bày tỏ lo ngại là tình hình căng thẳng ở Biển Đông có thể ảnh hưởng đến mối bang giao giữa hai nước. - RFI

Tuesday, July 28, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 28/7

Tin Thế Giới

1.
Tổng thống Obama nhấn mạnh cam kết của Mỹ tại Châu Phi

Tổng thống Barack Obama hôm nay chấm dứt chuyến viếng thăm lịch sử của ông đến Đông Phi, trở thành nhà lãnh đạo đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ đọc diễn văn tại trụ sở Liên hiệp Châu Phi ở thủ đô Ethiopia. Thông tín viên đài VOA Aru Pande tường thuật từ Addis Ababa.

Theo dự liệu, trong bài diễn văn tại Addis Ababa, Tổng thống Obama sẽ tái khẳng định quyết tâm làm việc với Châu Phi về một loạt các vấn đề, từ y tế toàn cầu cho đến biến đổi khí hậu.

Năm ngoái, khi dịch Ebola bùng phát đến cao điểm tại Tây Phi, Hoa Kỳ đã triển khai gần 3.000 nhân viên quân sự để giúp ngăn chận sự lây lan của virút đã làm hơn 9.000 người thiệt mạng tại Guinea, Sierra Leone và Liberia. Dù các binh sĩ Mỹ đã trở về nước vào đầu năm nay, Tổng thống Obama nói nỗ lực khống chế những vụ bộc phát dịch bệnh như vậy vẫn còn lâu mới chấm dứt.

Ngày hôm nay, khi nhà lãnh đạo Mỹ chuẩn bị đọc diễn văn tại trụ sở Liên hiệp Châu Phi, chính phủ Hoa Kỳ loan báo kế hoạch đầu tư hơn 1 tỉ đô la để mở rộng Kế hoạch An ninh Y tế Toàn cầu nhằm ngăn ngừa, phát hiện, và ứng phó với sự bùng phát của các căn bệnh truyền nhiễm tại 17 quốc gia, với hơn một nửa số tiền này dành riêng cho Châu Phi.

Ngày hôm nay Tổng thống Obama đi thăm nhà máy chế biến thực phẩm Faffa tại Addis Ababa, được sự hỗ trợ của sáng kiến của chính phủ Mỹ có tên là Nuôi dưỡng Tương lai nhằm tăng tiến an ninh lương thực để chống đói nghèo và suy dinh dưỡng.

Theo Tòa Bạch Ốc, nhà máy Faffa sản xuất mỗi năm 25.000 tấn thực phẩm bổ xung, trong đó có sữa bột pha trộn vitamin và các khoáng chất và thực phẩm cho trẻ em. Một số sản phẩm của Faffa được bán cho Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp quốc để phân phối cho những khối dân dễ bị ảnh hưởng và những người tị nạn dọc theo biên giới Somalia và Nam Sudan. Faffa cũng là nhà cung cấp thực phẩm cho trẻ em Ethiopia.

Ngày hôm nay chính phủ Mỹ loan báo một khoản đầu tư trị giá 140 triệu đô la vào chương trình Nuôi dưỡng Tương lai nhằm cung cấp cho nông dân tại 11 nước Châu Phi những loại hạt giống chịu được biến đổi khí hậu, trong đó có bắp, rau, gạo và lúa mì. Chính phủ nói sáng kiến này sẽ mang lại lợi ích cho hơn 11 triệu hộ gia đình tại Châu Phi trong vòng 3 năm tới.

Tổng thống Obama nói “Mục tiêu là gia tăng một cách mạnh mẽ năng suất của các nông dân tại Châu Phi vì điều chúng ta được biết là một tỉ lệ cao người Châu Phi vẫn còn có lợi tức từ nông nghiệp và hầu hết những người này đều có những miếng đất rất nhỏ, và không có nhiều công nghệ. Tuy nhiên với một ít những sự can thiệp khôn khéo, với một ít những sự giúp đỡ, họ có thể có được những sự cải thiện năng suất vô cùng to lớn.”

Tổng thống Obama cũng sẽ nêu lên vấn đề biến đổi khí hậu trong bài diễn văn của ông tại Liên hiệp Châu Phi ngày hôm nay, sau khi thảo luận với Chủ tịch Liên hiệp Châu Phi Nkosazana Dlamini Zum. Bài diễn văn của Tổng thống Obama tại trụ sở Liên hiệp Châu Phi kết thúc chuyến viếng thăm 5 ngày đến Kenya và Ethiopia.

Ngày hôm qua Tổng thống Obama gặp Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn để tiến hành cuộc thảo luận mà ông cho là “những cuộc thảo luận thẳng thắn”, bao gồm việc thúc đẩy chính phủ Ethiopia cho phép nhà báo và các đảng đối lập được hoạt động tự do hơn. Ông nói tạo không gian cho những tiếng nói này “sẽ củng cố hơn là ngăn cản” nghị trình của đảng cầm quyền.

Thủ tướng Hailemariam nói Ethiopia cam kết cải thiện nhân quyền và cai trị “Cam kết của chúng tôi đối với dân chủ là thật, không phải chỉ ở bề ngoài.”

Ngày hôm qua, Tổng thống Obama cũng đề cập khá nhiều về cuộc nội chiến tại Nam Sudan. Ông nói trước một cuộc họp với các nhà lãnh đạo Kenya, Uganda, Ethiopia và Liên hiệp Châu Phi là tình trạng tại Nam Sudan trở nên “tệ hại hơn nhiều.” Ông nói thêm là Tổng thống Nam Sudan và các nhà lãnh đạo đối lập rất bướng bỉnh và chỉ chú trọng tới lợi ích riêng của họ thay vì lợi ích của đất nước.

Tòa Bạch Ốc cho biết ngày hôm qua các nhà lãnh đạo trong cuộc họp đã đồng ý là các nhà lãnh đạo Nam Sudan cần đạt được một thỏa thuận hòa bình vào hạn chót là ngày 17 tháng 8 này. Một viên chức Mỹ nói với các phóng viên là các nhà lãnh đạo đã thảo luận về những biện pháp trừng phạt nếu không có thỏa thuận, bao gồm những chế tài và triển khai lực lượng can thiệp của khu vực.

Ông Obama là tổng thống tại chức đầu tiên của Mỹ đến thăm Ethiopia. Cùng với những cuộc thảo luận song phương ngày hôm qua, Tòa Bạch Ốc loan báo Hoa Kỳ có ý định cung cấp ít nhất 40 triệu đô la viện trợ để chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo động tại Đông Phi cộng thêm với số tiền 465 triệu đô la đã được đề nghị để thực hiện các chương trình huấn luyện, trang bị, xây dựng năng lực nhằm chống lại các phần tử cực đoan bạo động tại Châu Phi.

Ngày hôm qua, Tổng thống Obama nói với các phóng viên là Ethiopia đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc chống lại tổ chức hiếu chiến al-Shabab của Somalia. Ông cũng ca ngợi thành tích kinh tế của Ethiopia, trong đó có việc đưa hàng triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo đói cùng cực.

Các tổ chức nhân quyền đã thúc giục Tổng thống Obama yêu cầu cải cách tại Ethiopia, nơi chính phủ kiểm soát 100% ghế tại quốc hội và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động truyền thông.

Trước khi đến Ethiopia, Tổng thống Obama đã đi thăm 2 ngày Kenya, quê của thân phụ ông, nơi ông được ca ngợi như một người con cưng của đất nước.

Trong một bài diễn văn đọc trước khi rời khỏi Kenya ngày Chủ Nhật, Tổng thống nói Kenya đang ở ngả tư đường “đầy đau khổ, nhưng cũng có nhiều hứa hẹn to lớn.”

Tại Nairobi, Tổng thống Obama ca ngợi những thành tựu của Kenya trong việc giành được độc lập vào năm 1963, trong đó có việc chấm dứt sự cai trị độc đảng và vượt qua được những bạo động về bộ tộc và sắc tộc làm nhiều người thiệt mạng vào năm 2007 và lan tràn trên cả nước trong nhiều tháng. Tổng thống Obama nói “Người dân Kenya chọn cách không bị định đoạt bởi thù hận, các bạn đã chọn một lịch sử tốt đẹp hơn.” - VOA
|
|

2.
Trung Quốc đả kích chuyến đi Phi Châu của TT Obama

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đang chế nhạo động cơ những chuyến thăm châu Phi của Tổng thống Barack Obama là lo ngại về ảnh hưởng ngày càng bành trướng của Bắc Kinh ở châu lục này.

Ký giả Liu Zhun viết trong một bài xã luận đăng trên báo Anh ngữ Global Times ngày thứ hai rằng: Hoa Kỳ “rõ ràng thiếu một chính sách nhất quán về châu Phi” và coi Trung Quốc như một đối thủ tranh giành ảnh hưởng và các cơ hội kinh tế “thay vì một thế lực xây dựng khác đem lại phúc lợi cho vùng đất này.”

Ông Liu viết, “Hoa Kỳ từng là một thế lực bao trùm ở châu Phi. Nói rằng khối lượng giao thương giữa hai nước đã sụt giảm, ông kết luận rằng, “một sự thay đổi lập trường đã làm Hoa Kỳ lo ngại.”

Tân Hoa Xã cũng đả kích việc Hoa Kỳ tiếp xúc và khoe khoang các dự án của Mỹ, theo Associated Press. Tựa đề một bài trên mạng của thông tấn xã nhà nước Trung Quốc viết rằng, “Bất chấp kèn trống, các chương trình viện trợ của Hoa Kỳ dành cho châu Phi không tạo được một sự khác biệt lớn nào,” khi đề cập đến chương trình 1 tỷ đôla mà ông Obama công bố sẽ viện trợ cho các doanh gia toàn cầu ở châu Phi phía nam sa mạc Sahara.

Dự án Trang bị Điện khí cho châu Phi với kinh phí 7 tỷ đôla để cung cấp điện cho 50 triệu người Phi châu đã không đạt được mấy tiến bộ kể từ khi khai trương hồi tháng 6 năm 2013. Tân Hoa Xã tường thuật như vậy hôm thứ hai, viện dẫn một bài báo trước đó trên tờ Les Echos của Pháp.

Ảnh hưởng bành trướng

Đối tác thương mại lớn nhất châu Phi là Trung Quốc đã có các quan hệ với châu lục này từ nhiều thế kỷ và đã ráo riết cố gắng củng cố các quan hệ đó trong mấy năm vừa qua.

Diễn đàn về Hợp tác Trung Quốc – châu Phi họp lần đầu ở Bắc Kinh vào năm 2000, nay có 50 trong số 54 quốc gia làm thành viên. Kỳ họp thứ 6 dự kiến vào tháng 12 ở Nam Phi.

Cường quốc châu Á này đã tăng gấp đôi các cam kết tài chính của mình cho châu Phi tại ba cuộc họp hồi gần đây của diễn đàn và dự kiến sẽ thúc đẩy những cam kết này với "thêm một hạn mức tín dụng ấn tượng nữa," theo một báo cáo từ Chương trình Tăng trưởng châu Phi, một dự án của Viện Brookings ở Washington. Những cam kết của Trung Quốc tăng từ 5 tỉ đôla vào năm 2006 lên 10 tỉ đôla vào năm 2009 và 20 tỉ đôla vào năm 2012. Trung Quốc đã nới rộng hạn mức tín dụng của mình cho châu Phi thêm 10 tỉ đôla vào năm ngoái.

Mới tháng trước, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và những thực thể như Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc tổ chức một diễn đàn kéo dài hai ngày ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia về việc đẩy mạnh đầu tư "có trách nhiệm" và những mối quan hệ đối tác ở châu lục này. Ngành công nghiệp nhẹ được nêu ra là một trọng tâm đặc biệt," vì sự sẵn có của những nguồn lực địa phương và chi phí lao động tương đối thấp," trang web của Ngân hàng Thế giới cho biết.

Trang web của diễn đàn nhấn mạnh những trao đổi ngoại giao và học thuật, cũng như những dự án như cảng Lamu mà Trung Quốc tài trợ xây dựng ở Kenya. Trang web này cho biết thêm, dự án 24 tỉ đôla, dự kiến hoàn thành vào năm 2030, "sẽ là hành lang giao thông thứ hai của Kenya, thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập khu vực trong khu vực Đông Phi và xa hơn nữa".

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Phi

Chính quyền Obama cũng đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Các nhà lãnh đạo Mỹ-Phi tại Washington vào tháng 8 năm ngoái để tăng cường những quan hệ quốc tế. Hội nghị quy tụ khoảng 50 nguyên thủ châu Phi trong ba ngày diễn đàn về an ninh, y tế, môi trường và tham nhũng. Ông Obama, Phó Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng John Kerry đều có bài phát biểu trước cử tọa.

Tại hội nghị thượng đỉnh này, Mỹ đã công bố những giao dịch kinh doanh trị giá gần 1 tỉ đôla, thêm ngân quỹ cho hoạt động gìn giữ hòa bình, và hàng tỉ đôla cho những chương trình lương thực và điện năng.

Hội nghị này đã bị một số cơ quan truyền thông chỉ trích là một nỗ lực nhằm chống lại ảnh hưởng của các diễn đàn Trung-Mỹ. (Châu Âu và Nhật Bản cũng tham gia vào những nỗ lực tương tự với các nhà lãnh đạo châu Phi trong chính phủ và doanh nghiệp.)

'Không chú ý đủ'

Bù đắp ảnh hưởng là một yếu tố, nhưng không quan trọng bằng việc công nhận Mỹ thừa nhận là "đã không chú ý đủ đến châu Phi ở cấp cao nhất của chính phủ trong những năm gần đây," theo ông David Shinn, đồng tác giả cuốn sách "China and Africa: A Century of Engagement" (Trung Quốc và châu Phi: Một trăm năm giao tiếp) "

Ông Shinn, cựu đại sứ Mỹ ở Burkina Faso và Ethiopia và hiện là giáo sư trợ giảng tại Đại học George Washington, cho rằng Mỹ gia tăng sự chú ý là vì ba diễn biến này: nền kinh tế trong nước của Mỹ đang dần ổn định, nền kinh tế đang phát triển của châu Phi và những cơ hội cho quan hệ đối tác của Mỹ và đầu tư tư nhân, và những mối đe dọa an ninh ngày càng lớn mà những kẻ cực đoan đề ra ở châu Phi và ở nhà.

Ông Shinn đưa ra những nhận định này trong tạp chí đăng bình luận về quan hệ China-U.S. Focus Digest mùa thu năm ngoái. - VOA
|
|

3.
Nga muốn tăng cường hợp tác với Tây phương sau thoả thuận hạt nhân Iran

Nga bày tỏ sự hoan nghênh đối với thoả thuận hạt nhân Iran và hô hào cho việc hợp tác thêm nữa giữa Moscow với Tây phương để giải quyết những vấn đề gai góc khác. Theo tường thuật của thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA tại Moscow, thoả thuận hạt nhân Iran có thể gia tăng sự hợp tác ở Trung Đông nhưng những sự bất đồng giữa đôi bên đối với hai vấn đề Syria và Ukraine có phần chắc sẽ tiếp tục.

Giới hữu trách Nga trong thời gian gần đây đã không tiếc lời ca tụng thành tựu của thoả thuận hạt nhân Iran đạt được hồi đầu tháng này, thậm chí còn nhiều hơn các giới chức chính phủ Mỹ.

Trong lúc hiệp định gây tranh cãi này gặp phải những sự chỉ trích của những người chống đối, những người nói rằng cơ chế kiểm tra trong thoả thuận này quá đỗi yếu kém, Điện Kremlin chỉ nhấn mạnh tới sự thành công.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng hiệp định này làm mạnh thêm những nỗ lực ngăn chận nạn phổ biến vũ khí hạt nhân và có một ảnh hưởng tích cực đối với an ninh và ổn định của vùng Trung Đông.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thừa nhận là thành quả này không thể đạt được nếu không có sự hợp tác của Moscow, đồng minh chính của chế độ Assad ở Syria.

Ông Nokolay Kozhanov, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Carnegie ở Moscow, nhận định như sau.

"Trong 3 năm nay, bất chấp mọi vấn đề trong cuộc đối thoại Nga-Mỹ và những mối quan hệ của Nga với Tây phương, phía Nga đã chứng tỏ quyết tâm theo đuổi mục tiêu giải quyết vấn đề hạt nhân Iran."

5 nước hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc – Nga, Mỹ, Anh, Pháp, và Trung Quốc, cộng với nước Đức đã ký kết thoả thuận này với Iran để ngăn chận các tham vọng vũ khí hạt nhân của Tehran.

Ngoại trưởng Lavrov nói rằng sự hợp tác về vấn đề hạt nhân Iran có thể được dùng để giải quyết các vấn đề khác.

Ông Andrey Baklitsky, một nhà phân tích chính sách hạt nhân của Trung tâm PIR ở Moscow, cho rằng thoả thuận hạt nhân Iran có thể làm hồi sinh sự hợp tác về các vấn đề như chống khủng bố và Trung Đông.

"Những vấn đề mà cách tiếp cận của Nga và Tây phương khác nhau sẽ không bị ảnh hưởng nhiều như vậy. Đối với vấn đề Ukraine, rõ ràng là Nga và Tây phương có những cách tiếp cận khác nhau khá nhiều. Nhất là khi nói tới vấn đề bán đảo Crimea, tôi không nghĩ là sẽ có sự hoà giải thật sự vào thời điểm này."

Sự hợp tác giữa Nga và Tây phương phần lớn đã bị gián đoạn sau khi Moscow bị chế tài hồi năm ngoái vì sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và hỗ trợ cho phe đòi ly khai ở miền đông.

Ngoại trưởng Lavrov của Nga trích lời Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran sẽ loại bỏ nhu cầu thiết lập hệ thống phòng thủ phi đạn của Mỹ ở Châu Âu.

Washington cho rằng chương trình phi đạn đạn đạo của Iran làm cho Mỹ phải thiết lập hệ thống phòng thủ ở Châu Âu, nhưng Moscow e rằng kế hoạch đó có mục đích bao vây nước Nga.

Tuy nhiên, việc kiểm tra phi đạn đạn đạo của Iran không nằm trong thoả thuận hạt nhân và chương trình phòng thủ phi đạn ở Châu Âu chưa hoàn tất.

Một số nhà phân tích chính trị nói rằng Hoa Kỳ nên từ bỏ chương trình này để tránh gây căng thẳng không cần thiết với Nga. Nhưng những người khác thì cho rằng vì không có sự bảo đảm chắc chắn nào về phi đạn của Iran và thoả thuận hạt nhân chỉ mới được ký kết cho nên Hoa Kỳ cần xúc tiến kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ phi đạn ở Châu Âu. - VOA
|
|

4.
Malaysia cách chức phó thủ tướng

Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã thay người phó của mình giữa lúc đang xảy ra một vụ bê bối tài chính kéo dài.

Muhyiddin Yassin đã chỉ trích việc ông Najib xử lý các cáo buộc xoay quanh một quỹ đầu tư nhà nước.

Ông Najib đã bác bỏ các cáo buộc nói gần 700 triệu đôla đã được chuyển từ quỹ 1MBD do ông này lập ra năm 2009 vào các tài khoản cá nhân của mình.

Truyền thông nhà nước nói Tổng chưởng lý Abdul Gani Patail, người dẫn đầu cuộc điều tra vụ bê bối này, cũng bị thay thế.

Tuyên bố do hãng tin Bernama đưa ra nói ông bị bãi nhiệm vì lý do sức khỏe.

Phóng viên BBC Jennifer Pak tại Kuala Lumpur nói rằng với những diễn biến mới nhất, người dân Malaysia nghi ngờ không hiểu rồi liệu sự thực có được phơi bày hay không.

Tuy ông Najib có vẻ như đã kéo dài thêm được thời gian cho mình, nhưng hiện đang có những áp lực và ông vẫn phải đối diện với rất nhiều câu hỏi từ các đảng phái đối lập cũng như trong nội bộ đảng Tổ chức Dân tộc Malay Thống nhất (Umno) của mình, phóng viên chúng tôi nói.

Tuyên bố về việc bãi nhiệm ông Muhyiddin trên truyền hình, ông Najib nói sự khác biệt quan điểm "không có nghĩa là thể hiện tại một diễn đàn mở, là điều đi ngược lại với nguyên tắc trách nhiệm tập thể trong chính phủ".

Ông nói đó là một quyết định "rất khó khăn, nhưng tôi phải làm vậy để một nhóm làm việc mạnh có thể tiếp tục tiến lên".

Ông Najib nói ông Muhyiddin bị thay thế bởi cựu bộ trưởng nội vụ, ông Zahid Hamidi. Bốn bộ trưởng khác cũng bị thay thế trong cuộc tái sắp xếp nội các.

Vào đêm Chủ Nhật, ông Muhyiddin đã nói về vấn đề 1MDB tại cuộc họp của đảng Umno.

Ông nói ông đã thúc giục ông Najib từ chức khỏi 1MDB, nơi ông giữ chức chủ tịch ban cố vấn.

Ông cũng kêu gọi ông Najib hãy tự mình giải thích vấn đề.

"Các bộ trưởng không thể giải thích một cách thỏa đáng bởi chúng tôi cũng không biết các thông tin thực sự, cho nên nếu có người nói cho chúng ta biết thì người đó phải là ông thủ tướng, dù thông tin đó có đúng hay không," ông được báo The Star dẫn lời.

1MDB (1Malaysia Development Berhad) nói quỹ chưa bao giờ đưa tiền cho ông Najib và các cáo buộc là không có cơ sở.

Ông Najib nói ông là nạn nhân của "sự phá hoại chính trị" và cáo buộc cựu thủ tướng có nhiều ảnh hưởng Mahathir Mohamed đã dàn dựng chiến dịch bôi xấu nhằm lật đổ ông. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Khoa học gia cảnh báo về robot sát thủ

Hơn một ngàn chuyên gia công nghệ cao, khoa học gia và các nhà nghiên cứu đã viết một bức thư cảnh báo về sự nguy hiểm của vũ khí tự điều khiển.

Hòa cùng làn sóng phản đối mới đây nhất trước việc phát triển loại "robot sát thủ", lá thư cảnh báo rằng "một cuộc chạy đua vũ khí quân sự AI (Artificial Intelligence - Trí tuệ nhân tạo) là một ý tưởng không hay".

Trong số những người ký tên có khoa học gia Stephen Hawking, doanh nhân Elon Musk và người đồng sáng lập Apple, Steve Wozniak.

Lá thư này sẽ được đưa ra tại một hội nghị quốc tế AI hôm nay.

"Robot sát thủ" hiện đang là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận và gần đây đã được thảo luận tại các ủy ban của Liên Hiệp Quốc. LHQ sẽ xem xét khả năng cấm một số loại vũ khí điều khiển tự động nhất định.

Hiện nay các chuyên gia kêu gọi có một lệnh cấm cụ thể đối với việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo để quản lý những vũ khí nào có thể "vượt ra ngoài tầm kiểm soát có ý nghĩa của con người".

"Cũng như hầu hết các nhà hóa học và sinh vật học không quan tâm tới việc làm ra vũ khí hóa học hoặc sinh học, nhiều nhà nghiên cứu AI không quan tâm đến việc tạo ra vũ khí AI - và không muốn người khác làm hoen ố lĩnh vực của họ bằng cách tạo ra vũ khí này," họ thêm.

Giáo sư MIT Noam Chomsky, Trưởng nghiên cứu AI của Google Demis Hassabis, và chuyên gia về tâm thức Daniel Dennett là trong số những người đã ủng hộ lá thư này.

Nội dung lá thư, được đăng trên trang mạng Viện Tương lai cuộc sống (FLI), sẽ được trình trước các đại biểu tại Hội nghị quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo ở Buenos Aires.

AMA về AI

Giáo sư Hawking, một trong những người ký vào lá thư, hiện đang tham gia vào một phiên Ask Me Anything (AMA) trên Reddit, trong đó ông thu thập các câu hỏi về "làm cho tương lai của công nghệ được nhân bản hơn".

Ông sẽ trả lời một số câu hỏi được chọn ra trong suốt tuần, nhưng cho tới nay chưa đăng câu trả lời đầu tiên của mình.

Hồi tháng Mười Hai, trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho đài BBC, vị giáo sư này đã nêu lên mối quan ngại của ông rằng AI có thể báo hiệu kết thúc của nhân loại.

"Con người, vốn bị hạn chế bởi sự tiến hóa chậm về sinh học, không thể cạnh tranh (với trí tuệ nhân tạo), và sẽ bị thay thế," ông nói.

Tuy nhiên Eric Horvitz - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Microsoft - người ký thư về vũ khí tự điều khiển - đã đưa lên mạng một đoạn video biện hộ cho các nghiên cứu AI khác.

"Quý vị nhìn xem máy tính đã làm được biết bao nhiêu cho xã hội chúng ta, cho kinh tế xã hội, trong các ứng dụng như y tế. Thật là không thể tin được. AI sẽ làm thay đổi rất nhiều thứ," ông nói.

"Cùng với nó là rất nhiều hy vọng, rất nhiều lợi ích có thể có và cũng có một số quan ngại.

"Tôi cho rằng có những câu hỏi rất thú vị cần phải được giải quyết trong quá trình này nhưng tôi hy vọng kết quả đa phần là có lợi sẽ được đem lại từ các nghiên cứu này mà chủ yếu là do chúng ta định hướng nó." - BBC
|
|

Tin Việt Nam

6.
Ngoại trưởng Mỹ tới Việt Nam sau chuyến thăm lịch sử của ông Trọng

Ông John Kerry sẽ tới Hà Nội vào đầu tháng 8 trong chuyến công du một loạt các quốc gia Đông Nam Á, và dự kiến sẽ lặp lại lời kêu gọi ngưng xây đảo nhân tạo cũng như quân sự hóa biển Đông.

Trước khi thăm Việt Nam từ ngày 6/8–8/8, nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ sẽ dừng chân tại Ai Cập, Qatar, Singapore và Malaysia.

Tại Singapore, ông Kerry dự kiến sẽ có bài phát biểu về đầu tư và thương mại của Mỹ ở Đông Nam Á.

Còn ở Malaysia, Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ họp với 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ASEAN, mà nhiều nước trong số đó cùng chia sẻ quan ngại với Mỹ về các hoạt động lấn biển và xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông.

Trong số 4 nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, Việt Nam và Philippines thời gian qua lên tiếng mạnh mẽ nhất, phản đối các hành động lấn lướt nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Tuần trước, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, ông Daniel Russel nói rằng tại Malaysia, ông Kerry sẽ lặp lại yêu cầu chấm dứt xây đảo nhân tạo và quân sự hóa ở biển Đông.

“Trong một phát biểu nổi tiếng của [Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ] Richard Armitage, ông từng nói rằng, “nếu ta rơi xuống hố, tốt nhất là đừng có đào tiếp”. Đó là lời khuyên chúng tôi muốn gửi tới các quốc gia tuyên bố chủ quyền: hãy hạ nhiệt và đàm phán bằng cách chấm dứt việc lấn biển trên các bãi cạn ở biển Đông; ngưng xây dựng các cơ sở mới, và chấm dứt quân sự hóa các cơ sở hiện thời. Ngoại trưởng Kerry đã nói điều đó với các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng như các quốc gia tuyên bố chủ quyền khác, và sẽ gặp những người đồng cấp vào đầu tháng sau tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Malaysia, và sẽ thúc đẩy cho tiến bộ của vấn đề ưu tiên hàng đầu này.”

Ngoài vấn đề biển Đông, các nhà quan sát cho rằng vấn đề Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng nằm cao trong nghị trình của Ngoại trưởng John Kerry.

Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei là các quốc gia đang đàm phán với Mỹ về TPP mà Washington hy vọng sẽ kết thúc trong năm nay.

Ngoài hai vấn đề trên, trong chuyến công du 3 ngày tại Việt Nam, ông Kerry sẽ tham gia các hoạt động đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Washington.

Trong chuyến thăm gần đây nhất năm 2013, Ngoại trưởng Mỹ thông báo Washington sẽ hỗ trợ cho Hà Nội 18 triệu đôla cũng như cấp 5 tàu tuần duyên cho Việt Nam.

Chưa rõ lần này ông sẽ có cam kết gì cho Việt Nam hay không, trong khi đôi bên thời gian qua bày tỏ lo ngại về các động thái mạnh mẽ của Trung Quốc ở biển Đông.

Chuyến đi của ông Kerry lần này diễn ra một tháng sau khi Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thực hiện chuyến công du lịch sử tới Mỹ. - VOA

Monday, July 27, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 27/7

Tin Thế Giới

1.
Bắc Kinh muốn lập tuyến du lịch thứ hai tới Hoàng Sa –Biển Đông

Truyền thông Trung Quốc ngày 27/07/2015 đưa tin, Bắc Kinh muốn lập một tuyến du lịch thứ hai tới Hoàng Sa, quần đảo có tranh chấp với Việt Nam nhưng đã bị Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ hồi tháng Giêng năm 1974.

Theo nhật báo China Daily, được Reuters trích dẫn, năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu thí điểm dùng tàu Coconut Princess đưa du khách từ tỉnh Hải Nam tới Hoàng Sa và tính đến nay, đã có hơn 10,000 lượt du khách. Trung Quốc dự tính, từ nay đến cuối năm 2015, sẽ huy động thêm một tàu nữa để đưa du khách tới các đảo khác, cũng trong khu vực, bao gồm cả đảo Phú Lâm, nơi Bắc Kinh lập trụ sở chính quyền, quản lý toàn bộ vùng quần đảo Hoàng Sa.

Vẫn theo báo Trung Quốc, do điều kiện thời tiết và cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, việc đưa du khách tới vùng này gặp nhiều khó khăn. Đại diện công ty du lịch Trung Quốc chuyên đưa khách tới Hoàng Sa nói rằng cần phải tính đến khả năng đón tiếp du khách của một số đảo nhỏ. Cho đến nay, các tàu du lịch không thể cập bờ của một số đảo, do vậy, phải dùng thuyền nhỏ hơn để đưa khách lên bờ.

Reuters nhắc lại là năm 2014, việc Trung Quốc đưa dàn khoan dầu tới khu vực mà Việt Nam coi là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình, gần Hoàng Sa, đã gây ra căng thẳng tại Biển Đông và làm dấy lên làn sóng biểu tình bài Trung Quốc tại Việt Nam, một số vụ biểu tình đã dẫn đến bạo lực. Cách nay vài tuần, Việt Nam cũng tuyên bố sẽ lập tuyến du lịch tới Trường Sa, nơi đang có tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước láng giềng. Động thái này cũng đã làm cho Bắc Kinh khó chịu.

Cho đến nay, Công ty hàng hải Eo biển Hải Nam mới chỉ có mỗi tàu Coconut Princess, phục vụ tuyến Hải Nam-Hoàng Sa, được tổ chức hàng tháng hoặc hai tháng một lần, và mỗi lần chở khoảng 200 du khách. Ban đầu, điểm xuất phát là thành phố Hải Khẩu (Haikou) thủ phủ tỉnh Hải Nam và hành trình tới quần đảo Hoàng Sa mất khoảng 20 tiếng. Từ ngày 02/09/2014, tàu xuất phát từ cảng Tam Á và chỉ mất 12 giờ để tới Hoàng Sa.

Trong chuyến đi, du khách tới tham quan Cồn Quan sát (Trung Quốc gọi là Ngân Tự - Yinyu và tên quốc tế Observation Bank), đảo Toàn Phú (Quanfu), đảo Áp Công (Yagong), tất cả đều nằm trong nhóm đảo Lưỡi Liềm (Vĩnh Nhạc quần đảo – Crescent Group), thuộc quần đảo Hoàng Sa. - RFI
|
|

2.
Biển Đông: Cựu Thủ tướng Úc bác bỏ lo ngại chiến tranh bùng nổ

Gần đây, một số chuyên gia đã lên tiếng lo ngại về nguy cơ chiến tranh bùng lên tại Biển Đông, đặc biệt trong trường hợp Trung Quốc gặp biến động. Theo cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd, ngày 26/07/2015, lập luận cho rằng chế độ Cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu sụp đổ là một nhận định sai lạc, và khả năng xung đột khu vực khởi đầu từ Biển Đông cũng khó có thể xẩy ra.

Phát biểu trong một cuộc thảo luận trên kênh truyền hình Mỹ CNN, cựu Thủ tướng Úc, một quan sát viên nhiều kinh nghiệm về Trung Quốc, đã bác bỏ thẳng thừng phân tích theo chiều hướng kể trên của ông David Shambaugh, một chuyên gia có uy tín về Trung Quốc. Trên nhật báo Mỹ The Wall Street Journal vào tháng 3/2015 vừa qua, ông Shambaugh đã cho rằng chế độ Cộng sản Trung Quốc đang trong giai đoạn hấp hối.

Đối với ông Kevin Rudd: "Lý thuyết gọi là ‘Trung Quốc sụp đổ’ đã lan rộng với tốc độ phi mã ở Úc, ở Mỹ và ở các nơi khác trên thế giới, kể từ khi David Shambaugh viết ra điều đó… Nhưng theo tôi, lý thuyết sụp đổ đó hoàn toàn sai lạc". Ông Rudd cũng bác bỏ những mối lo ngại về nguy cơ các hành động phô trương uy lực quân sự của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông biến thành chiến tranh khu vực. Lý do là vì cả Washington lẫn Bắc Kinh đều không có lợi khi để xẩy ra bất kỳ một sự cố đáng tiếc nào.

Theo cựu Thủ tướng Úc, Trung Quốc phải tránh xung đột vì điều đó sẽ làm đảo lộn chiến lược ưu tiên của họ là tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Hơn nữa, những thành phần thực tế trong quân đội Trung Quốc đều biết rõ rằng trong mọi trường hợp họ sẽ bị thất bại. Còn về phía Mỹ, ông Rudd cho rằng Washington cũng không có lý do đặc biệt gì để khơi dậy chiến tranh ở Châu Á. Do vậy, nhân vật hiện là Chủ tịch Viện Chính sách của Hiệp hội Châu Á Asia Society tại New York tin rằng tình hình Biển Đông vẫn nằm trong tầm kiểm soát. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Tổng thống Obama bắt đầu các cuộc thảo luận tại Ethiopia

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho biết ông hãnh diện được làm vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ đến thăm Ethiopia và chuyến đi của ông nêu bật tầm quan trọng mà Hoa Kỳ đặt lên Ethiopia và toàn thể Châu Phi.

Ông Obama cho biết như vậy tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn sau cuộc hội đàm ngày hôm nay.

Ông Desalegn khẳng định Ethiopia có quyết tâm cải thiện nhân quyền và sự cai trị. Ông nói “cam kết của chúng tôi đối với dân chủ là thật sự, chứ chẳng phải chỉ ở bề ngoài.”

Cuộc thảo luận này tập trung vào các vấn đề phát triển kinh tế và dân chủ hoá ở Ethiopia và cuộc chiến chống khủng bố cùng với hai vấn đề Nam Sudan và Somalia.

Hoa Kỳ xem Ethiopia là một đồng minh chính trong cuộc chiến chống lại nhóm hiếu chiến al-Shabab và giúp cho Somalia được ổn định. Song song với cuộc thảo luận song phương này, Tòa Bạch Ốc loan báo Hoa Kỳ định cung cấp ít nhất 40 triệu đô la viện trợ để chống chủ nghĩa cực đoan bạo động ở Đông Phi bên cạnh khoảng 465 triệu đô la để tài trợ cho các chương trình huấn luyện, trang bị, xây dựng năng lực để chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo động trên khắp Phi châu.

Loan báo này được đưa ra trong lúc các giới chức Tòa Bạch Ốc mạnh mẽ lên án vụ nổ bom hôm chủ nhật tại Khách sạn Jazeera ở Mogadishu, giết chết ít nhất 13 người. Trong chuyến viếng thăm Ethiopia, ông Obama sẽ tái khẳng định là Hoa Kỳ quyết tâm hợp tác với Somalia và các đối tác khu vực để chống khủng bố.

Vấn đề này là một trọng tâm trong cuộc hội đàm giữa ông Obama với Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta ở Nairobi hôm 25 tháng 7. Ông Kenyatta sẽ họp với Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo Liên hiệp Phi châu, Uganda và Sudan xế ngày hôm nay để bàn về vụ khủng hoảng Nam Sudan.

Chuyến viếng thăm Ethiopia của ông Obama gặp phải sự chỉ trích của các nhà tranh đấu nhân quyền. Những người này nói rằng chính phủ độc tài của thủ tướng Desalegn đã bắt giam các nhà báo, các nhân vật bất đồng chính kiến và các chính khách đối lập trong những chiến dịch chống khủng bố. Theo dự liệu nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ đề cập tới vấn đề nhân quyền của Ethiopia trong các cuộc thảo luận ngày hôm nay. - VOA
|
|

4.
Mỹ hoan nghênh các cuộc không kích chống IS của Thổ Nhĩ Kỳ

Tòa Bạch Ốc hoan nghênh việc Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng chú trọng và tăng cường các nỗ lực nhằm chống lại Nhà nước Hồi Giáo tại miền bắc Syria và Iraq, đồng thời cũng nhắm vào những chiến binh đòi ly khai người Kurd.

Thông tín viên Đài VOA Victor Beattie tường trình là một cố vấn an ninh quốc gia tháp tùng Tổng thống Obama trong chuyến viếng thăm Châu Phi nói rằng trong khi Thổ Nhĩ Kỳ có quyền hành động chống lại các mục tiêu khủng bố, các đối tác trong vùng nên làm việc với nhau để làm suy yếu các nơi an toàn của Nhà nước Hồi Giáo.

Phụ tá Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Ben Rhodes nói Hoa Kỳ hoan nghênh quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mở các cuộc không kích vào các mục tiêu Nhà nước Hồi Giáo và chia sẻ quan điểm của Ankara là Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) là một tổ chức khủng bố.

“Chúng ta khuyến khích các đối tác khác nhau của chúng ta trong cuộc chiến này làm việc với nhau và chúng ta rõ ràng là có một mối quan hệ cộng tác tốt đẹp với chính quyền khu vực của người Kurd ở miền bắc Iraq và các đường dây thông tin liên lạc đó đang mở rộng. Thổ Nhĩ Kỳ có quyền hành động liên hệ đến những mục tiêu khủng bố và chúng ta chắc chắn một lần nữa đánh giá cao những nỗ lực ngày càng tăng của họ chống lại ISIL. Chúng ta sẽ tiếp tục tiếp xúc với họ trong những ngày tới.”

Ông Rhodes nói ông nghĩ hành động của Thổ Nhĩ Kỳ có thể đưa đến những nỗ lực rộng rãi và hữu hiệu hơn để giảm thiểu những nơi an toàn của IS tại miền bắc Syria và Iraq, nhưng ông nói thêm “họ sẽ làm việc với nhiều đối tác khác nhau” để hoàn thành mục đích này. Ngày hôm qua, Hoa Kỳ thực hiện hơn 30 cuộc không kích nhằm các mục tiêu Nhà nước Hồi Giáo tại Syria lẫn Iraq.

Washington cho biết sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ là kết quả của những cuộc thảo luận liên tục. Việc này tiếp theo vụ tấn công trong tuần qua vào thị trấn biên giới Suruc làm 32 người thiệt mạng và những cuộc tấn công riêng rẽ giết chết một số nhân viên lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đổ lỗi cho PKK về vụ giao tranh mới đây làm 3 nhân viên thuộc lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong đó có những vụ bắt cóc công dân và công chức Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc không kích của Ankara nhắm vào PKK, tổ chức đã phát động một cuộc chiến tranh nổi dậy đòi tự trị cho quê hương của họ vào những năm 1980, đe dọa cuộc ngưng bắn mong manh kéo dài 3 năm với tổ chức này. PKK cho biết cuộc ngưng bắn không còn hiệu lực nữa.

Ông Brett McGurk, phó đặc sứ của tổng thống về Liên minh toàn cầu chống IS, ngày hôm qua đưa lên Twitter là không có liên hệ giữa những cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ chống PKK “và sự gia tăng hợp tác giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Nhà nước Hồi Giáo.

Tuy nhiên ông Stephen Zunes, một nhà phân tích vùng thuộc trường đại học San Francisco nói những cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi Giáo.

“Đảng PKK và những đồng minh thân cận, như PYG có căn cứ tại Syria, nằm trong số những chiến binh chống Nhà nước Hồi Giáo hữu hiệu nhất. Và do đó, chúng ta hiện nay đang có tình trạng là Thổ Nhĩ Kỳ được Hoa Kỳ vũ trang oanh kích các lực lượng người Kurd liên minh với Hoa Kỳ trong những cuộc tấn công vào Nhà nước Hồi Giáo, và đây là một sự phức tạp khác trong cuộc chiến đang diễn biến tại vùng đất này của thế giới.”

Thổ Nhĩ Kỳ nói những diễn biến mới đây xác nhận tầm quan trọng của việc thành lập một khu an toàn dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria để yểm trợ không quân cần thiết và bảo vệ những phần tử của Quân đội Syria Tự do FSA và những lực lượng ôn hòa khác đang chiến đấu chống lại chế độ Assad và Nhà nước Hồi Giáo. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Tướng Thanh xuất hiện trên truyền hình

Hình ảnh Đại tướng Phùng Quang Thanh dự một sự kiện nhân ngày thương binh liệt sĩ tại Việt Nam đã được truyền trên kênh VTV1 tối ngày 27/7.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam được giới thiệu tên, và ngồi cạnh các nhân vật lãnh đạo khác.

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Khát vọng đoàn tụ” được truyền hình trực tiếp tối 27/7.

Trước đó, trên mạng xã hội vẫn có dư luận hoài nghi rằng thực sự ông Thanh đã trở về nước sau thời gian chữa bệnh ở Pháp.

Truyền thông Việt Nam nói Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến trực tiếp trò chuyện với Đại tướng Phùng Quang Thanh hôm 26/7.

Thế nhưng không có báo nào đăng ảnh ông Thanh. - BBC
|
|

6.
Tư Lệnh lực lượng Tuần Duyên Mỹ sẽ đến thăm Việt Nam

Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Ted Osius cho biết đương kim Tư Lệnh lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ sẽ đi thăm Việt Nam vào tháng 9 tới đây.

Các báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên của Việt Nam hôm nay tường thuật Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết như vậy trong cuộc gặp gỡ với Thứ Trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh hôm nay.

Cuộc họp diễn ra bên lề một hội thảo quốc tế về các lực lượng gìn giữ hoà bình đươc tổ chức trong cùng ngày, thứ Hai 27/7.

Tin cho hay ông Nguyễn Chí Vịnh hoan nghênh chuyến đi thăm của Tư Lệnh Lực lượng Tuần duyên Mỹ, và ngỏ lời cảm ơn Đại sứ Osius đã thăm hỏi sức khoẻ của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, mà theo báo chí tại Việt Nam, đã trở về nước sau một thời gian chữa bệnh tại một bệnh viện ở Paris.

Hôm 19/7 hãng thông tấn DPA của Đức tường thuật rằng Đại Tướng Phùng Quang Thanh đã qua đời tại Paris sau khi điều trị bệnh ung thư phổi, nhưng sau đó đã đính chính tin này.

Báo chí Việt Nam cũng tường thuật rằng từ khi về nước, Tướng Phùng Quang Thanh đã gặp các giới chức cao cấp nhất trong chính phủ, nhưng tình trạng sức khoẻ của Tướng Thanh vẫn còn là một nghi vấn, sau khi ông không xuất hiện để tham dự lễ dâng hương tại Đài Tưởng niệm các Liệt sĩ, và cũng không dẫn đầu đoàn đại biểu quân uỷ trung ương đến thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo lịch trình đã được loan báo trước đó.

Trong mấy năm qua, Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã giúp Việt Nam tăng cường khả năng kiểm soát hàng hải bằng cách huấn luyện cảnh sát biển Việt Nam.

Trong cuộc tiếp xúc giữa Đại sứ Mỹ và Thứ Trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, hai bên bày tỏ hài lòng về sự tiến triển của các quan hệ hợp tác Mỹ-Việt. - VOA

Sunday, July 26, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 26/7

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc tố cáo nước ngoài thổi phồng cuộc tập trận tại Biển Đông

Ngày 20/07/2015, Trung Quốc loan báo một cuộc tập trận trên Biển Đông kéo dài 10 ngày với quy mô lớn. Bị chỉ trích là cố tình gây căng thẳng, Bắc Kinh vào hôm qua, 25/07/2015 đã lên tiếng giảm thiểu tầm mức quan trọng của cuộc tập trận đang diễn ra, đồng thời tố cáo ngược lại là chính nước khác đã làm cho tình hình Biển Đông căng thẳng.

Tân Hoa Xã đã trích dẫn ông Lương Dương (Liang Yang), phát ngôn viên Hải quân Trung Quốc, cho rằng cuộc tập trận đang diễn ra là một sự kiện thường niên bình thường, vì vậy các nước khác không nên có suy diễn quá trớn. Đối với Hải quân Trung Quốc, cuộc tập trận của họ hoàn toàn phù hợp với luật lệ và tập quán quốc tế,

Bị tố cáo dữ dội về các hành vi bồi đắp đảo nhân tạo tại Trường Sa trong thời gian gần đây, phát ngôn viên Trung Quốc nhân dịp này đã không ngần ngại cho rằng nước họ mới là nạn nhân bị các láng giềng chiếm đất:

"Quần đảo Nam Sa (Tên Bắc Kinh đặt cho Trường Sa) và vùng biển lân cận thuộc chủ quyền Trung Quốc từ xa xưa, nhưng một số đảo hiện đang bị các láng giềng chiếm đóng bất hợp pháp và xây dựng trên đó các cơ sở như phi trường, thậm chí còn triển khai vũ khí tấn công hạng nặng".

Phát ngôn viên Lương Dương cũng tố cáo ngược lại "một số cường quốc hùng mạnh ngoài khu vực" - hàm ý nói đến Mỹ và Nhật - là đã "dụ dỗ" các nước khác trên vấn đề Biển Đông, cho triển khai chiến hạm và phi cơ để tiến hành trinh sát và tổ chức các cuộc tập trận khác nhau với Trung Quốc như là kẻ thù tưởng tượng.

Đối với nhân vật này, các hành động vừa kể đã "đặt ra những mối đe dọa nghiêm trọng cho chủ quyền, lãnh thổ, an ninh và lợi ích trên biển" của Trung Quốc, đồng thời làm tổn hại đến an ninh khu vực, sự ổn định và quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. - RFI
|
|

2.
Tổng thống Bashar al-Assad: Từ ngữ 'chiến bại' không có ở Syria

Tổng thống Syria Bashar al-Assad phát biểu trong bài diễn văn được đài truyền hình nhà nước trực tiếp phát sóng hôm Chủ nhật rằng quân đội đã rút khỏi một số khu vực trong cuộc chiến chống lại phe nổi dậy, và ông đưa ra những biện minh.

Tổng thống Bashar al-Assad nói: "Chúng ta phải định ra những khu vực quan trọng và các lực lượng vũ trang sẽ giữ vững những khu vực đó, để những nơi đó không gây ra sụp đổ cho tất cả những khu vực còn lại. Chúng ta không thất bại. Từ 'chiến bại' không có trong tự điển của Quân đội Ả Rập Syria.

Nhưng quân số bị giảm do thương vong, đào ngũ, và việc tuyển quân thêm đang được gia tăng là những gì mà ông Assad thừa nhận. 

Trong bài diễn văn vào sáng Chủ nhật ở thủ đô Damascus, ông Assad nói: "Nhân lực đang bị thiếu hụt."

Các lực lượng chính phủ Syria đã bị đẩy lui khỏi phần lớn tỉnh Idlib ở miền tây bắc, và các khu vực quan trọng khác ở khu vực biên giới miền nam. Nhóm chủ chiến Nhà nước Hồi giáo đang kiểm soát thành phố cổ Palmyra.

Tổng thống Assad nói: "Quân đội không thể có mặt được ở mọi nơi trên lãnh thổ. Chúng ta sẽ chiến đấu…các lực lượng vũ trang có đủ khả năng bảo vệ tổ quốc."

Liên hiệp quốc ước tính cuộc xung đột ở Syria đã khiến ít nhất 220.000 người thiệt mạng và hơn 11 triệu người thất tán – nhiều người thất tán trong nước – kể từ khi chiến tranh khởi sự vào tháng 3 năm 2011 bằng những cuộc biểu tình chống chính phủ, rồi biến thành nội chiến sau khi bị nhà nước ra tay đàn áp. 

Tình hình ở Syria trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trên thế giới hiện nay. - VOA
|
|

3.
Trung Quốc phóng thêm 2 vệ tinh để cạnh tranh với GPS Mỹ

Hôm qua, 25/07/2015, Bắc Kinh đã phóng thêm 2 vệ tinh trong kế hoạch phát triển hệ thống định vị qua vệ tinh thuần túy Trung Quốc mang tên Bắc Đẩu, được lập ra để cạnh tranh với hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ.

Theo Tân Hoa Xã, hai vệ tinh đã được phóng đi từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên (miền tây Nam Trung Quốc) vào lúc 20g29 giờ địa phương.

Đây là vệ tinh thứ 18 và 19 của hệ thống định vị Bắc Đẩu (Beidou). Riêng trong năm 2015, Bắc Kinh đã phóng tổng cộng ba vệ tinh để phục vụ cho hệ thống.

Kể từ khi hoạt động từ năm 2012 đến nay, Bắc Đẩu càng lúc càng mở rộng phạm vi hoạt động, hiện đã bao phủ vùng Châu Á Thái Bình Dương, và được dự kiến bao trùm toàn thế giới vào năm 2020. Nhiều quốc gia Châu Á dùng dịch vụ của Bắc Đẩu, trong đó có Lào, Pakistan và Thái Lan.

Đây là hệ thống vệ tinh có thể dùng trong các lãnh vực như giao thông trên biển và trên bộ, dự báo khí tượng. Hệ thống này cũng có những ứng dụng cho lĩnh vực quân sự.

Như vậy, hiện nay trên thế giới đã có ba hệ thống định vị bằng vệ tinh là GPS của Mỹ, Glonass của Nga, và Bắc Đẩu của Trung Quốc. Sắp tới đây, sẽ có hệ thống Galileo của Châu Âu. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Tổng thống Obama nói chuyện với công chúng Kenya

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama kết thúc chuyến công du Kenya 3 ngày tại thủ đô Nairobi hôm Chủ nhật với một bài phát biểu với công chúng Kenya như được trông đợi để nhấn mạnh đến tình cảm trong chuyến đi thăm quê hương của thân phụ ông.

Phát ngôn viên an ninh quốc gia của tổng thống, ông Ben Rhodes nói với các phóng viên báo chí trước bài diễn văn của tổng thống rằng ông Obama sẽ "nói rất rõ" rằng những nỗ lực chống khủng bố không thể dẫn đến việc tạo ra một ấn tượng xấu cho cả đất nước.

Từ Nairobi, ông Obama đáp máy bay đến thủ đô Addis Ababa và trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm Ethiopia.

Phát ngôn viên Rhodes nói Tổng thống Obama sẽ nêu lên các vấn đề nhân quyền ở Ethiopia, giống như ông đã nêu lên ở Kenya. Trong cuộc họp báo hôm thứ Bảy cùng với Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, ông Obama nói rằng ông tin là nhà nước không nên phân biệt đối xử với người dân dựa vào định hướng giới tính của họ.

Ông Rhodes cho biết Tổng thống Obama cũng sẽ mở một cuộc họp với các nhà lãnh đạo khu vực, tập trung bàn về tình hình an ninh đang xấu đi ở Nam Sudan, nhưng Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe theo trù liệu sẽ không tham gia cuộc họp.

Cuối ngày bận rộn hôm thứ Bảy ở Nairobi, Tổng thống Obama đã dự quốc yến do Tổng thống Kenyatta thết đãi.

Tổng thống Obama nói rằng thân phụ sinh ra tại Kenya của ông và thân phụ của Tổng thống Kenyatta quen biết nhau, và "hai thân phụ của họ chắc khó có thể tưởng tượng được là con trai của họ ngồi chung với nhau tại đây hôm nay." 

Ông Obama cũng nói đùa rằng "một số người chỉ trích bên nước tôi đang có ý nói rằng tôi về đây để tìm giấy khai sinh," ám chỉ đến những cáo buộc nói rằng ông không phải là một công dân sinh ra tại Mỹ, và nếu như vậy ông không thể làm tổng thống theo quy định của hiến pháp.

Ông Kenyatta, con trai của tổng thống đầu tiên của Kenya là ông Joma Kenyatta, ca ngợi sáng kiết bắt đầu vào cuối thập niên 1950 cho phép hàng trăm sinh viên Kenya, trong đó có thân phụ của ông Obama, sang học tại Hoa Kỳ.

Tại cuộc họp báo trước bữa ăn tối, Tổng thống Obama nói rằng Hoa Kỳ và Kenya đoàn kết với nhau chống chủ nghĩa khủng bố và hợp tác chặt chẽ và hữu hiệu với nhau để đối phó với các mối đe dọa khủng bố chủ yếu xuất phát từ nhóm hiếu chiến Al-Shabab của Somalia. - VOA
|
|

5.
Google tuyển người phụ trách Việt Nam

Hãng công nghệ thông tin hàng đầu thế giới Google đang tìm người phụ trách thị trường Việt Nam.

Thông báo tuyển người được đưa lên mạng xã hội LinkedIn hôm 24/7 và tới nay đã có hơn 70 người đăng ký thi tuyển.

Google nói trách nhiệm của giám đốc phụ trách Việt Nam bao gồm "vạch ra chiến lược hoạt động, kinh doanh và tiếp thị", "phát triển chiến lược và kế hoạch để phát triển kinh doanh và thúc đẩy sự phối hợp giữa các bộ phận khác nhau để đảm bảo việc công việc trôi chảy và thành công".

Ứng viên sẽ phải có bằng đại học và 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, quảng cáo, quản lý và tư vấn. 

Ngoài vị trí giám đốc thị trường Việt Nam, Google cũng tuyển thêm bốn vị trí để thúc đẩy hoạt động ở Việt Nam.

Đó là các vị trí giám đốc đối tác chiến lược, chuyên gia phụ trách các khách hàng mới, giám đốc truyền thông, và giám đốc kinh doanh.

Tất cả các vị trí này đều đóng tại Singapore.

Các sản phẩm của Google trong đó có công cụ tìm kiếm và kênh video YouTube có nhiều người dùng ở Việt Nam.

Một số Bàn tròn thứ Năm hàng tuần của BBC dùng công nghệ Google Hangout On Air thu hút được hàng trăm ngàn lượt xem với số phút xem lên tới vài triệu. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

6.
Bà Mai Kiều Liên thôi làm chủ tịch Vinamilk

Bà Mai Kiều Liên rút khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) từ ngày 25/7/2015.

Lý do được nói là vì Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của Vinamilk năm 2015 đã thông qua việc tách hai vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc, không cho kiêm nhiệm.

Bà Mai Kiều Liên vẫn giữ chức Tổng giám đốc Vinamilk.

Bà được bầu vào Hội đồng Quản trị giữ chức chủ tịch và kiêm tổng giám đốc Vinamilk từ tháng 11/2003.

Ngày 24/7 Vinamilk đã bầu Chủ tịch mới. Bà Lê Thị Băng Tâm, cựu thứ trưởng Tài chính, thành viên Hội đồng Quản trị độc lập được bầu vào vị trí này.

Bà Băng Tâm còn là Chủ tịch HĐQT ngân hàng HD Bank.

Bà cũng từng kinh qua các vị trí Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Phụ nữ quyền lực

Hiện đang có lo lắng là doanh thu lợi nhuận của Vinamilk có dấu hiệu suy giảm.

Bà Mai Kiều Liên sinh năm 1953, tại Paris (Pháp), tốt nghiệp kỹ sư công nghệ chế biến sữa năm 1976.

Bà Liên trở lại Việt Nam vào năm 1976 khi 22 tuổi và vào làm việc cho Công ty sữa và cà phê miền Nam, tiền thân của Vinamilk. Bà đã đóng góp trong việc hiện đại hóa hợp tác xã cũ kỹ của nhà nước này.

Bà bắt đầu công việc từ vị trí kỹ sư và thăng tiến dần lên trưởng ca, phó giám đốc kỹ thuật, phó tổng giám đốc và tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị sau khi doanh nghiệp nhà nước này được cổ phần hóa.

Năm 2012 bà được tạp chí Forbes đưa vào danh sách 50 nữ doanh nhân có quyền lực nhất ở châu Á.

Năm 2010 Vinamilk lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp tốt nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng do Forbes bình chọn từ danh sách 12.000 doanh nghiệp khắp khu vực. - BBC