Tin Thế Giới
1.
Bắc Triều Tiên: Nghi ngờ vụ tử nạn của cố vấn Kim Jong Un --- Nhân vật số 2 tái xuất sau khi bị trừng phạt
Thêm một lãnh đạo Bắc Triều Tiên qua đời trong một hoàn cảnh đáng ngờ. "Người đồng chí thân cận nhất" với lãnh đạo tối cao Kim Jong Un đã thiệt mạng vì tai nạn xe hơi hôm qua, 29/12/2015, theo thông tin của KCNA.
Hãng thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên không cho biết cụ thể các tình tiết của vụ "tai nạn" đã dẫn đến cái chết của người cố vấn.
Ông Kim Yang Gon, 73 tuổi, là lãnh đạo cơ quan Mặt trận thống nhất của đảng Lao Động cầm quyền, trực tiếp phụ trách các quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Hồi tháng 8/2015, ông đã tham gia vào phái đoàn đàm phán cấp cao của Bình Nhưỡng trong các đối thoại với Seoul, nhằm tìm lối thoát cho khủng hoảng hai miền, sau một số đụng độ vũ trang tại vùng biên giới liên Triều.
Trong thời gian gần đây, người được coi là cố vấn thân cận thường xuyên xuất hiện bên Kim Jong Un trong các cuộc thanh tra của lãnh đạo tối cao tại một số nhà máy, nông trường, hay hội nghị ngoại giao.
Reuters đặt câu hỏi về cái chết bất ngờ của ông Kim Yang Gon. Theo chuyên gia về Bắc Triều Tiên Andrei Lankov, "Bình Nhưỡng có cả một danh sách dài các lãnh đạo tử vong trong những hoàn cảnh đáng ngờ... Phần lớn chết do súng ống, hoặc trong một tai nạn xe hơi". Vị chuyên gia trên giải thích thêm: "Trên thực tế, tại Bắc Triều Tiên vô cùng ít xe cộ, và đối với các lãnh đạo cao cấp dùng xe hơi đi lại, việc bảo vệ an ninh thường hết sức được chú ý. Do đó, cần nghi ngờ trước một thông tin như vậy đến từ Bắc Triều Tiên".
Năm 2003, người tiền nhiệm của ông Kim Yang Gon cũng được thông báo là đã qua đời trong một tai nạn giao thông. Năm 2010, Ri Je Gang, một lãnh đạo cao cấp Bắc Triều Tiên, cũng chết vì một lý do tương tự.
Gần đây nhất, năm 2013, lãnh đạo tối cao Kim Jong Un đã ra lệnh hành quyết người chú dượng Jan Song Thaek, được coi là nhân vật số hai của chế độ, với lý do "phạm tội phản cách mạng". - RFI
***
Tình báo Hàn Quốc khẳng định Choe Ryong Hae, một người thân tín của lãnh tụ Kim Jong Un, đã là nạn nhân của một vụ thanh trừng, nhưng tên ông này hôm nay 30/12/2015 lại xuất hiện ở một vị trí trang trọng trong danh sách chính thức các lãnh đạo Bắc Triều Tiên dự đám tang một nhà ngoại giao.
Hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA thông báo danh sách 80 quan chức được mời tham dự lễ tang cấp Nhà nước vào ngày mai của nhà ngoại giao Kim Yang Gon, trưởng bộ phận phụ trách quan hệ liên Triều của đảng Lao động Triều Tiên. Lãnh tụ Kim Jong Un đứng đầu danh sách, còn Choe Ryong Hae thứ sáu.
Ông Choe Ryong Hae, ủy viên thường trực Bộ Chính trị, là người thân tín của Kim Jong Un. Được coi là nhân vật số hai của chế độ Bình Nhưỡng, hồi năm 2013, ông Choe được giao trách nhiệm chuyển giao một thông điệp riêng đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và tháng Chín mới đây ông cũng đại diện cho Bình Nhưỡng đến dự cuộc diễn binh khổng lồ ở Bắc Kinh. Cuối năm 2014, ông Choe chính là đặc sứ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên gởi đến Moscow và được Tổng thống Nga Vladimir Putin đón tiếp.
Tháng 11/2015, các dân biểu Hàn Quốc dựa trên báo cáo của cơ quan tình báo nước này (NIS) cho báo chí biết, ông Choe Ryong Hae đã bị đày đến một nông trại để "cải tạo lao động".
Theo các chuyên gia về Bắc Triều Tiên, việc Choe Ryong Hae lại được hưởng ơn mưa móc chỉ là sự kiện mới nhất sau khi một loạt quan chức cao cấp đã được phục hồi và cho thấy Kim Jong Un vốn nổi tiếng tàn bạo, nay có thể đang cởi mở hơn.
Một quan chức khác của Bắc Triều Tiên là Won Dong Yon, nguyên phó ban của ông Kim Yang Gon cũng tái xuất hiện trong hàng ngũ thân cận lãnh tụ Kim Jong Un và có thể lên thay người quá cố.
Các tin đồn về những vụ thanh trừng và hành quyết tại Bắc Triều Tiên vẫn thường xuyên được lan truyền, và đôi khi nhân vật liên quan sau một thời gian lại thấy xuất đầu lộ diện. Trong năm nay có ít nhất hai trường hợp như vậy. - RFI
|
|
2.
Trung Quốc và Ðài Loan thiết lập đường dây nóng
Trung Quốc và Ðài Loan vừa chính thức thiết lập một đường dây nóng được dùng như một cơ chế khẩn cấp để giảm thiểu căng thẳng. Đây là nỗ lực mới nhất thúc đẩy cho tiến trình đối thoại chính trị giữa hai bờ eo biển Ðài Loan.
Đường dây nóng bắt đầu hoạt động hôm thứ Tư, theo lời một người phát ngôn của Văn phòng Ðài Loan Sự vụ của Bắc Kinh. Phát ngôn viên này nói thêm rằng các giới chức của hai bên đã sử dụng đường dây điện thoại này để nói chuyện với nhau.
"Mới đây, giám đốc của Văn phòng Ðài Loan Sự vụ, ông Trương Chí Quân, đã điện đàm với Bộ trưởng về các vấn đề Hoa Lục, ông Hạ Lập Ngôn, bằng đường dây nóng này," ông Mã Hiểu Quang nói tại một cuộc họp báo.
"Hai bên xác nhận những thành tựu to lớn mà mỗi bên đã đạt được trong nỗ lực thúc đẩy cho các mối quan hệ xuyên eo biển Ðài Loan thông qua liên lạc và tương tác tích cực," ông Mã nói, được đài truyền hình nhà nước CCTV loan tải.
Các giới chức Ðài Loan chưa bình luận về những gì được thảo luận trong cuộc điện đàm.
Trung Quốc và Ðài Loan đồng ý lập đường dây nóng tại cuộc họp lịch sử hồi tháng 11 giữa Tổng thống Ðài Loan Mã Anh Cửu và Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Đó là cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo hai bên trong hơn sáu thập niên.
Đường dây nóng, theo đề nghị của Tổng thống Mã, được xem là một cách để giải quyết những vấn đề cấp bách và ngăn ngừa những vụ đụng độ ngoài ý muốn. Các giới chức Bắc Kinh nói rằng đường dây nóng này sẽ giúp "quản lý những khác biệt và giảm thiểu những phán đoán sai lầm."
Ðài Loan tách khỏi Trung Quốc sau cuộc nội chiến năm 1949. Nhưng Bắc Kinh vẫn xem Ðài Loan là một tỉnh ly khai và một ngày nào đó sẽ tái thống nhất với Hoa Lục.
Các mối quan hệ về kinh tế và chính trị giữa hai bên đã được cải thiện trong những năm gần đây, nhất là sau khi ông Mã Anh Cửu, người được xem là có phần thân với Bắc Kinh, đắc cử tổng thống năm 2008 và tái đắc cử năm 2012.
Nhưng vẫn có những hoài nghi lớn ở Ðài Loan về các mối quan hệ với Bắc Kinh. Nhiều nhà phân tích nói rằng điều này có thể khiến cho Quốc dân Đảng, chính đảng đương quyền lâu năm tại Ðài Loan, thất bại trong cuộc bầu cử vào tháng Giêng năm tới. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Ngũ giác đài: Thắng lợi mỗi lúc một nhiều trong cuộc chiến chống IS
Các giới chức quân đội Mỹ gọi việc chiếm lại Ramadi là một chiến thắng quan trọng của quân đội Iraq và cho biết đây là phần đầu của đà tiến trong nỗ lực tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Từ trụ sở Bộ Quốc phòng ở Washington, thông tín viên Jeff Seldin của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật.
Quốc kỳ Iraq lại một lần nữa tung bay trên thành phố Ramadi, nơi binh sĩ chính phủ đang truy đuổi đám tàn quân của Nhà nước Hồi giáo và ra sức phá huỷ những loại mìn bẫy mà địch quân đã gài tại nhiều nơi.
Qua đường truyền video từ Baghdad, Đại tá Steve Warren, người phát ngôn của chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo, hôm thứ ba nói với các phóng viên tại Ngũ giác đài rằng nhóm khủng bố này chắc chắn sẽ bị tiêu diệt.
Ông Warren nói: "Khi các lực lượng Iraq hay bất kỳ lực lượng nào khác có thể tập trung sức chiến đấu qua việc tận dụng những yếu tố cơ bản của chiến tranh để gây sức ép lên kẻ thù này, bọn chúng sẽ rạn nứt và bọn chúng sẽ tan rã".
Các giới chức Hoa Kỳ tin rằng hầu hết các chiến binh trong số khoảng 300 chiến binh của Nhà nước Hồi giáo cố thủ ở Ramadi trong tuần qua đã bị hạ sát và số còn lại đang ẩn núp tại khu vực có tên là “vi cá” của thành phố này.
Các giới chức Hoa Kỳ và Iraq cho biết áp lực đối với Nhà nước Hồi giáo đang gia tăng trên nhiều mặt, trong lúc những vụ không kích tiếp tục cắt đứt những tuyến đường mà nhóm phiến quân này dùng để vận chuyển chiến binh và tiếp liệu giữa Iraq và Syria.
Tại Syria, các lực lượng do Hoa Kỳ hậu thuẫn đã chiếm được Đập Tishrin, một trung tâm hậu cần quan trọng trong khu vực.
Đại tá Warren cho biết những vụ không kích do Mỹ dẫn đầu trong tháng qua đã hạ sát 10 nhân vật lãnh đạo của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, trong đó có một người trực tiếp dính líu tới vụ tấn công khủng bố ở Paris.
Ông Warren nói: "Một trong các lý do đưa tới những thắng lợi đó là tổ chức này đang mất đi những người trong hàng ngũ lãnh đạo. Cho nên có thể nói là chúng tôi đang đánh vào đầu của con rắn".
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm qua đã đến thị sát tình hình ở Ramadi và bày tỏ tin tưởng là Nhà nước Hồi giáo sẽ bị đánh đuổi ra khỏi nước ông trong năm 2016.
Ông Abadi cho biết: "Chúng tôi có thể nói với người dân chúng tôi với sự tin tưởng vững chắc là chúng tôi sẽ giải phóng Mosul và đó sẽ là cú đấm chí tử sau chót nhắm vào Nhà nước Hồi giáo, nhờ vào ý chí của dân tộc vĩ đại này".
Các giới chức Hoa Kỳ nói đây không phải là một cuộc chiến đấu dễ dàng, nhưng họ nói thêm rằng nút thòng lọng đang thắt lại mỗi ngày một nhiều. - VOA
|
|
4.
Lũ lụt trái mùa xảy ra tại các tiểu bang vùng trung tây nước Mỹ
Ít nhất có 13 người thiệt mạng trong vụ lũ lụt nghiêm trọng tại tiểu bang Missouri vùng trung tây nước Mỹ, hầu hết là những người bị kẹt trong xe bị nước cuốn trôi. Sông Mississippi sẽ dâng cao đến mức kỷ lục trong vài ngày tới, hậu quả của những cơn mưa trái mùa. Lũ lụt đe dọa tràn qua 19 con đê liên bang tại khu vực St. Louis. Thống đốc Missouri Jay Nixon đã ban bố tình trạng khẩn cấp giữa lúc các giới chức cố gắng di tản dân chúng ở những thị trấn bị nước dâng cao tàn phá.
Trận lụt hiếm khi xảy ra vào mùa đông đã đóng cửa nhiều phần của hai xa lộ liên tiểu bang tại Missouri ngày hôm qua, đe dọa hàng trăm căn nhà và cửa hàng và làm cho nước cống dơ bẩn tràn vào sông rạch. Các giới chức chính quyền cảnh báo dân chúng không nên lái xe qua những khu vực ngập lụt.
Thống đốc Jay Nixon nói: “Đa số những cái chết xảy ra - và tôi muốn nhấn mạnh hết sức về việc này - đa số những cái chết xảy ra là do những người lái xe băng qua những khu vực ngập nước, nhất là vào ban đêm.”
Cư dân thành phố West Alton trong tiểu bang Missouri, nằm ở phía bắc thành phố St. Louis, đã được di tản trước khi những dòng nước chảy siết dâng cao. Mực nước sông Mississippi đã cao hơn một con đê chính dùng để kiểm soát lưu lượng nước trong khu vực.
Lực lượng Tuần Duyên Mỹ đóng cửa một phần con sông gần St. Louis để bảo vệ thành phố và canh chừng 24 tiếng đồng hồ một ngày các con đê. Cư dân được yêu cầu đổ đầy các bao cát và đặt dọc theo bờ sông.
Dù mưa đã dứt nhưng giới hữu trách nói cơn lụt tệ hại nhất chưa đến.
Thống đốc Jay Nixon nói: “Nước lũ sẽ tràn tới. Chúng tôi cố gắng chuẩn bị trước càng nhiều càng tốt. Hôm nay là ngày thứ Ba. Như tôi đã nói trước đây, chúng tôi dự kiến nước sông sẽ dâng lên tới mức cao nhất vào tối thứ Năm hay sáng thứ Sáu, do đó chúng tôi có từ 36 đến 48 tiếng đồng hồ để chuẩn bị.”
Lực lượng Tuần Duyên được điều động để trợ giúp bằng cách bảo vệ an ninh những khu vực dân chúng đã di tản, và giúp hướng dẫn xe cộ tránh xa những con đường bị phong toả. Đường bị đóng tại gần 500 địa điểm trên toàn tiểu bang. Với việc giao thông tàu bè đã bị ngăn chặn trên một phần của con sông, việc chuyên chở bằng tàu thuyền các sản phẩm nông nghiệp và các loại hàng hóa khác đã bị ngưng lại. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Biển Đông: Vai trò mập mờ của Úc
Vào giữa tháng 12 vừa qua, có tin là một phi cơ của không quân Úc, khi bay trên không phận quần đảo Trường Sa vào cuối tháng 11, đã bị tàu hải quân Trung Quốc yêu cầu rời khỏi nơi này. Câu trả lời của phi công Úc với hải quân Trung Quốc, được phóng viên của đài BBC ghi lại, có vẻ cho thấy là Canberra đã quyết định cùng với Mỹ đáp lại thái độ ngày càng hung hăng của Bắc Kinh nhằm xác quyền chủ quyền của họ trên Biển Đông.
Nhiều người đã nghĩ rằng chuyến bay tuần tra của chiếc P3 Orion thuộc Không quân Hoàng gia Úc là một phi vụ nhằm bảo đảm quyền tự do lưu thông ở Biển Đông, tương tự như chuyến tuần tra của khu trục hạm Mỹ USS Lassen vào cuối tháng 10 bên trong phạm vi 12 hải lý chung quanh một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Trường Sa.
Người ta cũng đã hy vọng là Úc sẽ có một số hành động cụ thể để yểm trợ cho những lời chỉ trích Hoa Kỳ về việc Trung Quốc xây những căn cứ quân sự trên các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông. Dẫu sao thì Canberra cũng là đồng minh thân cận nhất của Washington trong khu vực và vẫn ủng hộ mạnh mẽ chiến lược của Tổng thống Barack Obama “xoay trục” sang Châu Á.
Nhưng theo nhận định của nhật báo Singapore The Straits Times, trong một bài đăng trên mạng ngày 30/12/2015, trên thực tế chuyến bay nói trên của phi cơ Úc không phải là một hành động thách thức Trung Quốc như người ta nghĩ.
Các quan chức Úc nay nói rõ rằng chuyến bay của chiếc P3 Orion chỉ là một chuyến bay tuần tra bình thường trên Biển Đông, trong khuôn khổ một chiến dịch mang tên Operation Gateway, có từ thời chiến tranh lạnh, với mục tiêu ban đầu là nhằm phát hiện lực lượng hải quân Liên Xô xâm nhập vùng Ấn Độ Dương. Mặc dù chiến tranh lạnh đã chấm dứt, nhưng chiến dịch tuần tra này vẫn tiếp tục, nhằm thực hiện cam kết của Canberra bảo đảm an ninh hàng hải ở vùng Đông Nam Á.
Tuy Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo chính thức của Trung Quốc, nhưng theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa, đã ra lời đe dọa Úc về những phi vụ tuần tra bay sát các đảo mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền, chính phủ Bắc Kinh hầu như không có phản ứng gì, vì họ cũng thấy rõ là Canberra không thật sự có những hành động chống Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo The Straits Times, nhiều người ở Washington chắc là sẽ ngạc nhiên và thất vọng về thái độ của Canberra, vì ai cũng trông chờ là các nước đồng minh và các nước bạn ở Châu Á, nhất là Úc, sẽ hết lòng yểm trợ cho việc duy trì vị trí lãnh đạo chiến lược và thế thượng phong trên biển của Hoa Kỳ.
Đúng là toàn bộ các quốc gia láng giềng đều lo ngại trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, nhất là trước thái độ hung hăng của Bắc Kinh nhằm xác quyết chủ quyền của họ trên Biển Đông. Thế nhưng, các nước này cũng đang rất cần đến Trung Quốc, vì quốc gia đông dân nhất thế giới này có sẽ là cỗ máy kéo nền kinh tế Châu Á đi đến thịnh vượng và dẫu sao thì Trung Quốc cũng là cường quốc khu vực.
Chính vì vậy mà theo The Straits Times, không có nước nào ở Châu Á dám đứng hẳn về bên nào trong cuộc đối đầu chiến lược ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, một mặt thì rất muốn Mỹ kềm chế được Trung Quốc, nhưng mặt khác thì tránh công khai ủng hộ Washington vì sợ Bắc Kinh nổi giận.
Nước Úc cũng vậy. Tuy là đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương, nhưng trong năm 2015 này, Canberra đã mấy lần gây ngạc nhiên khó chịu cho Washington. Bất chấp thái độ không đồng tình của Mỹ, Úc đã quyết định gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc thành lập.
Hải quân Úc cũng đã tập trận chung ở cấp độ cao một cách khác thường với hải quân Trung Quốc gần như đúng vào lúc khu trục hạm USS Lassen đang tuần tra ở Trường Sa. Gần đây, chính quyền Úc còn quyết định giao cho một công ty Trung Quốc quản lý hải cảng Darwin, nơi trú đóng của các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ được triển khai trong khuôn khổ chiến lược “xoay trục” sang Châu Á của Tổng thống Obama.
Nhưng tờ The Straits Times cảnh báo rằng, nếu Úc cũng như các nước Châu Á khác có thái độ mập mờ như vậy thì đến lúc nào đó Hoa Kỳ sẽ rũ bỏ trách nhiệm và để mặc các nước Châu Á tự đối phó với Trung Quốc. - RFI
|
|
6.
2015: Đầu tư trực tiếp vào Việt Nam tăng 17,4%
Reuters hôm nay 30/12/2015 dẫn nguồn tin chính phủ Việt Nam cho biết, tuy trong năm 2015 các nhà đầu tư ngoại quốc đăng ký đưa 15,58 tỉ đô la vốn vào Việt Nam, giảm 0,4% so với năm trước. Nhưng trên thực tế đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng vọt 17,4%, đạt mức kỷ lục là 14,5 tỉ đô la được giải ngân.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư Nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư, gần 70% số vốn mới đầu tư đổ vào công nghiệp chế biến, rồi đến lãnh vực năng lượng và bất động sản. Hàn Quốc vẫn là nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam, thứ nhì là Malaysia.
Trong số các dự án lớn có thể kể việc Samsung Electronics tăng vốn lên đến 3 tỉ đô la để nâng cao năng lực sản xuất màn hình điện thoại thông minh, và dự án nhà máy điện chạy bằng than đá trị giá 2,4 tỉ đô la do công ty Janakuasa của Malaysia xây dựng.
Một chi nhánh khác của Samsung Electronics hôm qua cũng vừa được chính quyền Việt Nam bật đèn xanh cho tăng vốn từ 1,4 lên 2 tỉ đô la vào Khu công nghệ cao ở Saigon.Theo Reuters, quyết định này cho thấy tập đoàn điện tử Hàn Quốc đang rất chú ý tới Việt Nam vì giá nhân công rẻ hơn Trung Quốc, đồng thời hy vọng với nhiều hiệp định tự do mậu dịch, thuế hải quan đánh vào hàng sản xuất tại Việt Nam sẽ giảm trong tương lai.
Cũng trong hôm nay, Việt Nam công bố danh sách 17 lãnh vực kinh doanh được mở cửa cho các nhà đầu tư ngoại quốc, với một số điều kiện. Động thái này thể hiện nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng với luồng kiều hối là nguồn ngoại tệ quan trọng cho Việt Nam, giúp ổn định đồng tiền quốc gia và bù đắp cho thâm hụt thương mại, được ước tính khoảng 3,17 tỉ đô la trong năm nay.
Sau ba năm thặng dư thương mại, cán cân mậu dịch của Việt Nam lại bị thâm hụt trong năm 2015. Theo dự kiến của Bộ Thương mại và một cơ quan tư vấn chính phủ, thâm hụt thương mại trong năm 2016 sẽ lên đến từ 4 tới 6 tỉ đô la. - RFI
No comments:
Post a Comment