Wednesday, December 16, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 16/12

Tin Thế Giới

1.
Tập Cận Bình kêu gọi “Chủ quyền mạng”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các quốc gia tôn trọng “chủ quyền trên mạng” của nhau và tôn trọng các mô hình quản trị internet khác biệt tại Hội nghị Internet Quốc tế Bắc Kinh. 

Ông Tập nói các quốc gia có quyền chọn lựa cách phát triển và điều chỉnh hệ thống internet của riêng mình.

Ông phát biểu tại Hội nghị Internet Quốc tế do Bắc Kinh tài trợ, vừa diễn ra tại tỉnh Chiết Giang.

Trung Quốc bị phê phán vì chính sách internet khắc nghiệt của mình. Quốc gia này chặn hàng loạt website lớn và kiểm duyệt nội dung trên mạng.

Phóng viên John Sudworth của BBC có tham dự hội nghị. Ông nói bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình là dấu hiệu rõ ràng cho thấy an ninh và kiểm soát internet đã được nâng lên cấp độ ưu tiên quốc gia.

Thông điệp của ông Tập là Trung Quốc, với 650 triệu người sử dụng internet, lẽ ra phải có tiếng nói trong việc xây dựng các nguyên tắc toàn cầu, và họ cũng nên bao gồm cả quyền quyết định kiểm duyệt hay chặn các trang web – phóng viên BBC nói.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã cảnh báo các công ty nước ngoài và chính phủ không nên tham dự hội nghị vì sự có mặt của họ, như tổ chức này nói, sẽ biến họ thành kẻ đồng lõa với chế độ kiểm duyệt nơi gần 40 nhà báo đã bị bỏ tù vì các nội dung họ đăng trên mạng.

'Chủ quyền quốc gia trên mạng'

Sự kiện này đã diễn ra lần thứ hai, có sự tham gia của các lãnh đạo từ Nga, Pakistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan vàTajikistan, và đại diện của các tập đoàn công nghệ.

Phóng viên BBC nói hội nghị năm ngoái đã kết thúc như một trò cười khi nhà tổ chức nỗ lực ép cho ra một “tuyên bố chung” ngay tại cửa khách sạn của các đại biểu, yêu cầu họ ký vào một quan điểm của Trung Quốc về quyền của nước này với “chủ quyền quốc gia trên mạng”.

Ngày thứ Tư 16/12, ông Tập Cận Bình cũng nhắc lại lời kêu gọi các nước cùng hợp tác vì an ninh mạng.

Ông nói không quốc gia nào nên “làm bá chủ trên mạng” hay tham gia các hoạt động phá hoại an ninh quốc gia của nước khác, theo thông cáo được tường thuật bởi hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã.

Trung Quốc đã có đụng độ với Hoa Kỳ trong các cáo buộc tấn công trên mạng, cả hai bên buộc tội lẫn nhau xâm nhập hệ thống mạng để đánh cắp các thông tin thương mại và chính phủ.

Ông Tập ủng hộ một hệ thống quản trị mạng toàn cầu để “ngăn chặn việc lạm dụng công nghệ thông tin, phản đối việc giám sát và tấn công trên mạng, và chống lại chạy đua vũ trang trên mạng”.

Ông nói: “Không nên có chủ nghĩa đơn phương. Các quyết định không nên được quyết định bởi một bên kêu gọi tấn công hoặc một vài bên tự thảo luận với nhau." - BBC
|
|

2.
Biển Đông: Không quân Úc tuần tra gần đảo Trung Quốc bồi đắp

AFP ngày 16/12/2015 dẫn nguồn tin của BBC cho hay mới đây, một máy bay quân sự của Úc đã bay tuần tra áp sát các khu vực đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Trong khi thực hiện chuyến bay, không quân Úc đã thông báo rõ cho hải quân Trung Quốc họ đang thực thi "quyền tự do lưu thông".

Tối ngày 15/12/2015, BBC tiết lộ không quân Úc đã thực hiện nhiều chuyến bay tuần tra trên Biển Đông. Để chứng minh, hãng tin Anh cho phát một đoạn ghi âm lời của phi công Úc thông báo cho hải quân Trung Quốc khi tới gần vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do Bắc Kinh chiếm giữ:

"Chúng tôi là không quân Úc đang thực hiện các quyền tự do lưu thông trên không phận quốc tế, chiếu theo Công ước quốc tế vầ hàng không dân dụng quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển".

BBC cho biết thêm chi tiết, đoạn đối thoại trên được một nhà báo của hãng có mặt trên chiếc máy bay dân sự của Philippines ghi được vào buổi chiều ngày 25/11 và phi công Úc đã lặp lại nhiều lần thông báo trên nhưng hải quân Trung Quốc không đáp lại.

Trong khi đó theo tờ báo Úc The Australian, phi cơ Úc không bay vào trong vùng 12 hải lý quanh các đảo hiện do Bắc Kinh chiếm giữ trong Trường Sa. Về phần mình, bộ Quốc phòng Úc khẳng định có đưa các máy bay tuần tra trong khu vực này.

Phát ngôn viên Quốc phòng Úc cho AFP biết: "một máy bay Orion AP-3C của quân đội Úc đã tiến hành tuần tra trên biển trong khuôn khô chiến dịch Gateway từ 25/11 đến 4/12".

Quan chức Úc cho biết thêm, chiến dịch Gateway bao quát các nhiệm vụ giám sát phía bắc Ấn Độ Dương và Biển Đông  và việc làm này là sự đóng góp của Úc vào việc "giữ gìn an ninh, ổn định trong khu vực Đông Nam Á".

Giải thích thêm về các thông tin có được, BBC cho biết họ đã thuê một máy bay nhỏ của Philippines để quay phim các công trình xây dựng cải tạo của Trung Quốc trên các đảo đang có tranh chấp.

Phản ứng về những thông tin trên, ngày 16/12/2015 Bắc Kinh qua phát ngôn viên ngoại giao kêu gọi các nước bên ngoài khu vực không được can thiệp "làm phức tạp tình hình" ở Biển Đông.

Cũng với mục đích tương tự, hồi cuối tháng 10 vừa qua Washington đã đưa khu trục hạm USS Lassen tuần tra áp sát khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp trong quần đảo Trường Sa. Hành động trên của hải quân Mỹ đã khiến Bắc Kinh rất tức giận. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Các ứng viên đảng Cộng hoà tranh cãi về khủng bố và an ninh

9 ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hoà Mỹ tối thứ Ba đã tranh cãi với nhau về các vấn đề an ninh quốc gia trong cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ 5 trên truyền hình.

Cuộc tranh luận tại Las Vegas của phe Cộng hoà diễn ra trong lúc chưa đầy hai tháng nữa là tới ngày bầu cử ở Iowa, là cuộc đầu phiếu quan trọng đầu tiên của mùa bầu cử sơ bộ để chọn ứng viên của đảng ra tranh chức tổng thống vào tháng 11.

Phần đầu của cuộc tranh luận tập trung vào chủ trương của tỉ phú Donald Trump, người đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến, là tạm thời cấm người Hồi giáo vào nước Mỹ, tiếp theo sau những vụ tấn công khủng bố hồi gần đây ở Paris và California.

Trùm địa ốc và là ngôi sao truyền hình này đã bênh vực cho đề nghị gây nhiều tranh cãi của ông: "Chúng tôi không nói về tôn giáo. Chúng tôi nói về an ninh. Đất nước chúng ta đã vượt khỏi tầm kiểm soát".

Mặc dù nhiều nhân vật lãnh đạo đảng Cộng hoà đã lên tiếng chỉ trích đề nghị cấm người Hồi giáo của ông Trump, hầu hết các ứng viên tham gia cuộc tranh luận hôm qua đã tỏ ra ngần ngại, không muốn trực tiếp đối đầu với ông Trump về vấn đề này.

Cựu Thống đốc Florida, ông Jeb Bush, là một ngoại lệ. Ông nói: "Điều đó sẽ làm cho thế giới Hồi giáo xa rời chúng ta trong lúc chúng ta cần giao thiệp với họ để có được một chiến lược nhằm tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo. Ông Trump là người có tài đưa ra những câu nói ngắn gọn, gây nhiều ấn tượng, nhưng ông ấy là một ứng viên gây hỗn loạn và sẽ là một tổng thống gây hỗn loạn".

Phần lớn cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề làm thế nào để đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo, một vấn đề mà Thượng nghị sĩ Ted Cruz của tiểu bang Texas và Thượng nghị sĩ Marco Rubio của tiểu bang Florida, xem là vấn đề quan trọng nhất hiện nay.

Ông Cruz nhắc lại chủ trương là tiến hành một vụ dội bom theo kiểu rải thảm để đánh bại Nhà nước Hồi giáo.

Ông nói: "Chúng ta cần phải sử dụng sức mạnh áp đảo trên không. Chúng ta cần phải cung cấp vũ khí cho người Kurd. Và chúng ta cần phải chiến đấu và hạ sát Nhà nước Hồi giáo tại nơi bọn chúng có mặt".

'Xây dựng liên minh'

Ông Rubio nhấn mạnh tới việc điều động lực lượng tác chiến trên bộ tới Iraq và Syria: "Nhà nước Hồi giáo là một tổ chức cực đoan của Hồi giáo Sunni. Bọn chúng không thể bị đánh bại chỉ bằng những vụ không kích. Không kích là một phần rất quan trọng, nhưng bọn chúng phải bị đánh bại ngay tại chỗ bởi một lực lượng trên bộ".

Trong khi đó, Thống đốc John Kasich của tiểu bang Ohio, cho rằng cần phải xây dựng liên minh để đánh bại Nhà nước Hồi giáo: "Điều đầu tiên và quan trọng hơn cả là chúng ta cần phải ra tay tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo và chúng ta cần phải thực hiện điều này với các nước bạn trong khối Ả Rập và với các nước bạn ở Âu châu".

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Rand Paul của tiểu bang Kentucky cho rằng điều quân tới Syria là lập lại những sai lầm trong quá khứ: "Vẫn còn có những người, đa số những người tham gia cuộc tranh luận này, muốn lật đổ ông Assad để rồi chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn và tôi nghĩ rằng Nhà nước Hồi giáo lúc đó sẽ nắm quyền kiểm soát Syria".

Các ứng viên Cộng hoà cũng tranh cãi với nhau về cách thức để giúp cho người Mỹ được an toàn.

Thống đốc Chris Christie của tiểu bang New Jersey cho rằng cần phải tăng cường khả năng theo dõi của các nhân viên chấp hành pháp luật.

Ông nói: "Tôi muốn nói với quí vị điều này. Tôi từng làm công tố viên liên bang. Tôi đã chiến đấu chống khủng bố và đã thắng; và khi chúng ta trở lại Tòa Bạch Ốc, chúng ta sẽ chiến đấu chống lại bọn khủng bố và chúng ta sẽ thắng một lần nữa, và nước Mỹ sẽ được an toàn".

Các ứng viên Cộng hoà sẽ gặp nhau lại trong cuộc tranh luận kế tiếp vào trung tuần tháng giêng. - VOA
|
|

4.
Quốc hội Mỹ đạt thỏa thuận ngân sách cho năm 2016

Các nhà thương thuyết trong quốc hội Mỹ vừa đạt được thỏa thuận về dự chi ngân sách chính phủ 1.100 tỉ đôla cho năm 2016, và sẽ gia hạn nhiều khoản giảm thuế phổ biến cho doanh nghiệp và cá nhân.

Các nhà lập pháp Cộng hòa ở Hạ viện hé lộ một kế hoạch dự chi ngân sách khổng lồ chiều tối hôm 15/12 sau cuộc họp do Chủ tịch Quốc hội Paul Ryan chủ trì.

Các điều khoản của kế hoạch này bao gồm việc chấm dứt một lệnh cấm xuất khẩu dầu thô từ Mỹ đã áp dụng 40 năm qua mà phe Cộng hòa mưu tìm, và gia hạn miễn thuế 5 năm cho các nhà sản xuất năng lượng từ gió và mặt trời mà phe Dân chủ mưu tìm.

Dự luật cũng ngưng hai năm hai loại thuế được dùng để tài trợ cho luật chăm sóc sức khỏe do Tổng thống Barack Obama chủ xướng – một suất thuế đánh vào các thiết bị y khoa, và một suất thuế đánh vào các dịch vụ bảo hiểm sức khỏe giá trị cao có hiệu lực vào năm 2018.

Hai viện Quốc hội đều do Ðảng Cộng hòa kiểm soát theo trù liệu sẽ biểu quyết kế hoạch dự chi ngân sách vào ngày 17/12.

Thỏa thuận này đạt được sau vài tuần lễ kể từ khi Tòa Bạch Ốc đạt được một thỏa thuận với chủ tịch Quốc hội lúc đó là ông John Boehner để cấp ngân sách cho chính phủ, giúp tránh việc đóng cửa chính phủ có nguy cơ xảy ra khi năm tài chánh 2016 bắt đầu. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Chính quyền Việt Nam bắt luật sư Nguyễn Văn Đài --- LS Đài 'không dự phòng' việc bị bắt

Một nhà hoạt động nhân quyền hàng đầu tại Việt nam đã bị bắt lại vào ngày 16/12/2015. Bộ Công an cáo buộc và khởi tố luật sư Nguyễn Văn Đài về tội "tuyên truyền chống nhà nước". Tuần trước, nhà hoạt động nhân quyền này cùng ba người bạn đã bị công an mặc thường phục tỉnh Hà Tĩnh đánh trọng thương

Theo trang mạng của bộ Công An và báo chí Việt Nam, công an đã đến nhà luật sư Nguyễn Văn Đài, ở Hà Nội khám xét nhà cửa, ra lệnh khởi tố và bắt tạm giam nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng này vì "hoạt động tuyên truyền chống phá nhà nước" vào sáng thứ tư 16/12.

Ông Nguyễn Văn Đài, sinh năm 1969, tốt nghiệp luật sư năm 1995, đại học Hà Nội. Ông bị bắt lần đầu vào năm 2007 cùng với đồng nghiệp Lê Thị Công Nhân, bị kết án 4 năm tù với tội tàng trữ tài liệu xuyên tạc lịch sử dân tộc, xuyên tạc chính sách của nhà nước đối với công nhân và công đoàn, bôi nhọ chế độ…

Tin này gây nhiều phản ứng trong và ngoài nước. Trên mạng báo Tuổi Trẻ, một độc giả kêu gọi chính quyền phải xét xử công khai ông Nguyễn Văn Đài để công luận được tỏ tường "tội ác xuyên tạc lịch sử dân tộc".

Bản tin của AFP nhấn mạnh đến các hoạt động nhân quyền của "nhà ly khai hàng đầu" tại Việt Nam, bảo vệ những người biểu tình hay phản kháng trong các vụ xử.

Tuần trước, sau một buổi hội thảo ở Hà Tĩnh về bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà Việt Nam đã ký kết, ông Nguyễn Văn Đài cùng các bạn hữu đã bị hàng chục công an mặc thường phục bao vây đánh đập.

Tin các nhà tranh đấu ôn hòa bị tấn công, sách nhiễu trong những tuần qua gây lo ngại cho Liên Hiệp Quốc. Cao Ủy Nhân quyền cho biết đã được báo động và kêu gọi chính quyền Việt Nam chấp dứt tình trạng đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền .

AFP nhắc lại trong tháng 10, cựu trung tá Trần Anh Kim, cự tù nhân chính trị, đã  bị bắt lại với tội "âm mưu lật đổ chính quyền". Thứ hai 14/12, thanh niên Nguyễn Viết Dũng, dân Nghệ An, bị kết án 15 tháng tù vì "mặc áo lính Việt Nam Cộng Hoà", theo bản cáo trạng. - RFI

***
Nguyễn Văn Đài đã không hề 'dự phòng' khi bị bắt lại và bị truy tố về tội 'tuyên truyền' chống nhà nước Việt Nam hôm 16/12/2015 tại Hà Nội, theo một luật sư và nhà quan sát nhân quyền từ Việt Nam.

Bình luận về vụ bắt giữ này với BBC hôm thứ Tư, luật sư Lê Quốc Quân, nhà hoạt động nhân quyền từ Hà Nội, nói:

"Đêm hôm qua vào lúc 8 giờ tối, tôi có nhận được một cái tin rằng nghe nói anh luật sư Đài bị bắt, tôi nói làm gì có, để tôi kiểm tra, tôi gọi điện cho anh Đài.

"Anh Đài bảo không có gì đâu, hoàn toàn không có vấn đề là tôi bị bắt.

"Anh Đài rất là hồn nhiên và thực tế là tôi khá bất ngờ..., tôi biết là anh Đài không dự phòng, không nghĩ rằng là mình sẽ bị bắt.

"Cái đó là tôi có thể đọc được suy nghĩ, tình cảm và khi nói chuyện với tôi vào đêm hôm qua là rất hồn nhiên.

"Và khi đêm hôm qua tôi 'chat' (trao đổi) không có vấn đề gì với anh ấy, thì sáng nay tôi có một cuộc hội thảo gọi là nói chuyện về đoàn nhân quyền của EU sang, sau khi ngày hôm qua họ nói chuyện với chính phủ, gọi là cuộc 'Đối thoại nhân quyền' giữa phái đoàn EU và Việt Nam.

"Sau khi đối thoại nhân quyền với nhà nước, thì hôm nay (16/12) họ muốn mời trưởng các nhóm xã hội dân sự và các nhà hoạt động, trong đó có luật sư Đài, thì sáng sớm tôi chưa biết địa chỉ, anh Đài nói tôi đi.

"Sáng sớm tôi chưa biết địa chỉ, tôi gọi lại cho anh Đài thì không liên lạc được, và trong quá trình chúng tôi nói chuyện như thế, thì vào thời điểm đó thì mọi người nói anh Đài chắc bị tạm giữ không đến được.

"Vừa kết thúc cuộc họp ra nhận được tin ngay vào lúc 11 giờ trưa nay là anh Đài bị bắt," luật sư Lê Quốc Quân nói với BBC.

Không tính toán gì?

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, từ Sài Gòn cũng bình luận về vụ luật sư Đài vừa bị bắt.

Ông nói với BBC: "Tôi nghe luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt vì tội tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhưng bên cạnh đó có tin ông này vào nói chuyện với một số người, khoảng mấy chục người về vấn đề Hiến pháp 2013, và vấn đề Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị.

"Tôi nghĩ rằng nếu chỉ nói trong phạm vi đó thì không hiểu là có căn cứ nào mà cơ quan pháp luật lại giữ và truy tố ông này."

Còn Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà vận động và quan sát dân chủ hóa và nhân quyền từ Hà Nội, nói:

"Mấy hôm trước, tôi có gặp đoàn tham gia đối thoại nhân quyền của EU, trước khi họ tiến hành đối thoại nhân quyền với Việt Nam vào ngày hôm qua, ngày hôm nay phái đoàn ấy vẫn còn ở Hà Nội.

"Họ đang có thông báo cho các tổ chức xã hội dân sự về kết quả của đối thoại nhân quyền hôm trước, và sáng thì người ta bắt luật sư Nguyễn Văn Đài.

"Sở dĩ tôi nói hai sự kiện đấy nó khác nhau, để cho thấy rằng đây là một việc làm hết sức là không có tính toán, hay là đây có một sự gọi là giữa các phe phái họ đánh nhau hay thế nào thì không rõ.

"Nhưng mà việc bắt luật sư Nguyễn Văn Đài là việc cực lực lên án. Việc bắt luật sư Nguyễn Văn Đài trong hoàn cảnh này, khi TPP vừa mới được ký xong, khi mà EU và Việt Nam đã hoàn tất Hiệp định Thương mại và tất cả hai bên đều nói là Việt Nam phải cải thiện về nhân quyền.

"Và 6 tháng nữa Việt Nam phải kiểm điểm giữa kỳ UPR (kiểm điểm định kỳ về nhân quyền), thì tôi nghĩ rằng một thành viên của Hội đồng nhân quyền thế giới, của LHQ, tôi nghĩ rằng trong hoàn cảnh ấy, thực sự không hiểu được là tại sao người ta lại làm những việc mà hết sức thô bạo như vậy," TS. Nguyễn Quang A nói với BBC. - BBC
|
|

6.
Ngư dân TQ phá san hô ở Biển Đông

Những gì tôi (Rupert Wingfield-Hayes, phóng viên BBC) chứng kiến ở một rặng san hô nằm xa giữa Biển Đông khiến tôi bị sốc và khó hiểu.

Người ta bảo tôi ngư dân Trung Quốc cố tình phá san hô trong khu vực đảo ở Spratlys (Trường Sa theo cách gọi Việt Nam) do Philippines quản lý, nhưng tôi không tin.

“Người ta phá hủy suốt ngày đêm, từ tháng này qua tháng khác.” – một thị trưởng Philippines nói với tôi trên đảo Palawan của nước này.

“Tôi nghĩ họ cố tình làm vậy. Cứ như thể họ đang trừng phạt chúng tôi bằng cách phá các rặng san hô.”

Tôi không chú ý lắm tới những lời nói đó. Tôi nghĩ đó có thể chỉ là sự tức giận bài Trung Quốc của một chính trị gia sẵn sàng trách mọi thứ đều do láng giềng đáng ghét của ông ta gây ra. Người láng giềng nói hầu hết các đảo ở Biển Đông đều thuộc về họ.

Nhưng sau đó, khi chiếc máy bay nhỏ của chúng tôi hạ cánh xuống đảo nhỏ Pagasa do Philippines quản lý, tôi nhìn qua cửa sổ và thấy điều đó. Ít nhất hơn chục chiếc tàu đang đậu gần bãi san hô. Một dải cát và sỏi đá kéo dài sau đám tàu này.

“Nhìn kìa!” – Tôi bảo người quay phim Jiro “Đó chính là điều ông thị trưởng nói, họ đang đào xới rặng san hô.”

Dù thấy thế, nhưng tôi đã hoàn toàn bất ngờ trước những gì mình thấy khi tiếp cận vùng nước này.

Một thủy thủ Philippines lái chiếc tàu câu cá nhỏ của anh đi giữa vào đám tàu săn lùng san hô của Trung Quốc.

Họ neo tàu vào rặng san hô và mở động cơ cực mạnh. Khói đen từ động cơ diesel bốc lên cao.

“Họ làm gì thế?” – Tôi hỏi người thủy thủ.

“Họ đang dùng động cơ để kéo bẻ gãy rặng san hô.” – người đàn ông đáp.

Một lần nữa tôi lại nghi ngờ. Chỉ có cách kiểm chứng duy nhất là lặn xuống nước.

Dưới biển đục ngầu vì bụi và cát khuấy lên. Tôi chỉ có thể thấy một cánh quạt bằng thép đang quay ở cuối trục dài, nhưng không thể nói chính xác việc phá hủy này diễn ra như thế nào.

Dù vậy, hậu quả thì đã rõ ràng. Hủy hoại hoàn toàn.

Trước đây nơi này là một hệ sinh thái san hô phong phú. Giờ đáy biển phủ dày một lớp mảnh vụn, hàng triệu cành san hô bị phá vỡ, trắng và chết chóc như xương vụn.

Tôi tiếp tục bơi. Sự phá hoại diễn ra ở khắp các hướng, trải dài hàng trăm mét. Hàng lớp những nhánh san hô gãy vỡ xếp chồng lên nhau. Một cảnh tượng vô lý. Tại sao những ngư dân, hay những kẻ săn trộm, lại đi hủy hoại toàn bộ hệ sinh thái san hô như thế?

Ngay sau đó, bên dưới mình, tôi nhận ra hai người săn trộm, đeo mặt nạ và ống thở nối dài phía sau. Họ đang mang theo vật gì đó rất nặng.

Khi họ cố gắng ngoi lên từ lớp cát dày dưới nước, qua những bong bóng thở, tôi thấy thứ họ đang mang theo là một con sò khổng lồ, ít nhất chiều dài cũng phải cỡ một mét.

Họ thả nó xuống một đống gần tàu. Nằm cạnh nó là ba con sò khác mà họ đã mang tới đây từ trước. Loại sò cỡ này khoảng 100 năm tuổi, và sau đó trên một trang web đấu giá trên internet, tôi thấy những con sò này có thể được bán với giá khoảng 1.000 – 2.000 USD một cặp.

Chúng tôi di chuyển bằng thuyền đến một nhóm tàu cá lớn hơn đậu phía ngoài rặng san hô. Đó là những "tàu mẹ" của đám tàu săn trộm tại rặng san hô này. Trên boong các tàu lớn, tôi nhìn thấy hàng trăm vỏ sò khổng lồ chất đầy.

Phần sau đuôi mỗi con tàu, hai chữ Trung Quốc lớn được in rõ với tên: Tanmen (Đàm Môn).

Tôi đã nghe nói về Đàm Môn trước đó. Đó là một cảng đánh cá ở đảo lớn Hải Nam của Trung Quốc.

Vào tháng Năm 2014, một tàu khác từ Đàm Môn đã bị cảnh sát Philippines bắt trên một rặng đá khác gần Philippines tên là Bãi Trăng Khuyết (Half Moon. Trên bong tàu, cảnh sát cũng đã tìm thấy 500 con rùa biển Hawksbill, hầu hết đã chết.

Rùa Hawksbill là loài cực hiếm và đang bị đe dọa. Loài này được bảo vệ bởi Công ước quốc tế về mua bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Một phiên tòa ở Philippines đã tuyên phạt chín người Trung Quốc săn trộm một năm tù giam.

Bắc Kinh đã phẫn nộ. Bộ ngoại giao yêu cầu phải trả tự do những tay săn trộm ngay và cáo buộc Philippines “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc... khi bắt giam trái phép các tàu đánh cá và ngư dân Trung Quốc trên vùng biển thuộc đảo Tam Sa của Trung Quốc.”

Điều này không chứng minh được rằng Trung Quốc bảo vệ những kẻ săn trộm, nhưng cũng không cho thấy Trung Quốc có ý định ngăn cản các hành vi này. Những tay săn trộm chúng tôi gặp chẳng thể hiện chút sợ hãi gì khi bị quay phim.

Trở về đảo Pagasa, một sĩ quan thủy quân lục chiến Philippines cho tôi biết hoạt động phá hủy các bãi san hô đã diễn ra ít nhất hai năm, suốt ngày đêm.

“Lính của các anh có vũ trang mà.” – Tôi nói với ông ta – “Tại sao các anh không dùng tàu cao tốc ra đuổi họ hoặc bắt giữ họ?”

“Quá nguy hiểm” – ông nói – “Chúng tôi không muốn khơi mào chiến tranh súng ống với Hải quân Trung Quốc.”

Tôi vẫn thấy không hiểu được tại sao những ngư dân Trung Quốc kia, những người đã có một lịch sử dài đánh bắt cá ở những rặng san hô, giờ đây lại đi hủy hoại san hô.

Lòng tham có thể là một câu trả lời. Ở nước Trung Quốc mới giàu có, kiếm tiền từ đánh bắt trộm và buôn bán động vật quý hiếm hẳn là dễ hơn đánh bắt cá.

Có một thực tế đáng buồn khác đang diễn ra ở đây.

Dù tôi rất sốc khi chứng kiến cảnh rặng san hô bị phá và vơ vét, nhưng không gì có thể so sánh được với sự hủy hoại môi trường mà chương trình cải tạo đảo của Trung Quốc đang gây ra ở vùng biển gần đó.

Hòn đảo mới nhất mà Trung Quốc cải tạo và cơi nới là Mischief Reef (Đá Vành Khăn) dài hơn 9km. 9km rặng san hô sống giờ đã bị chôn vùi dưới hàng triệu tấn cát và sỏi đá. - BBC

No comments:

Post a Comment