Tuesday, December 29, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 29/12

Tin Thế Giới

1.
Luật chống khủng bố của Trung Quốc bị chỉ trích

Hôm Chủ nhật vừa qua, quốc hội Trung Quốc đã thông qua luật chống khủng bố đầu tiên của nước này để nới rộng khả năng của chính phủ nhằm buộc các công ty công nghệ nước ngoài hợp tác với các cuộc điều tra của chính phủ. Theo tường thuật của thông tín viên Joyce Huang của đài VOA, nhiều người cho rằng luật này có thể xói mòn thêm nữa các quyền tự do của người dân Trung Quốc.

Giới hữu trách Trung Quốc nói rằng luật mới sẽ tăng cường khả năng chống khủng bố trong nước và nước ngoài, đồng thời bảo vệ cho các cá nhân và doanh nghiệp. Bắc Kinh nhất mực cho rằng những luật lệ, bắt đầu có hiệu lực từ tháng Giêng, là cần thiết và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Những người chỉ trích luật này ngay từ lúc nó còn ở trong giai đoạn soạn thảo bao gồm các tổ chức nhân quyền và giới hữu trách Hoa Kỳ. Họ cho rằng luật này quá rộng, và có thể đe dọa tới quyền tự do diễn đạt và tự do tôn giáo và gây phương hại cho quyền sở hữu tài sản trí thức.

Các giới chức Trung Quốc nói họ đạt được một sự cân bằng giữa mục tiêu tăng cường khả năng chống khủng bố với mục tiêu bảo vệ nhân quyền cũng như bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.

Tại cuộc họp báo hôm Chủ nhật ở Bắc Kinh, ông Lý Thọ Vĩ, một viên chức của Ủy ban Pháp chế của quốc hội, nói rằng luật này không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh bình thường của các công ty ở Trung Quốc.

"Chúng tôi không lợi dụng luật này để tạo ra “cửa hậu” để xâm phạm quyền tài sản trí thức của các công ty hay để gây phương hại cho tự do ngôn luận trên internet và tự do tín ngưỡng của người dân".

Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng luật này buộc các công ty phải giúp giới hữu trách Trung Quốc giải mã dữ liệu cho các cuộc điều tra chống khủng bố.

Nhiều người thắc mắc là tại sao giới hữu trách Trung Quốc lại cần có những quyền hạn mới trong lúc họ đã có sẵn những quyền hạn rất rộng rãi để điều tra và bắt giữ nghi can. Các giới chức Trung Quốc nói họ đang phải ứng phó với sự gia tăng của những hoạt động khủng bố.

Truyền thông bị hạn chế thêm nữa

Nhưng định nghĩa của Trung Quốc về khủng bố bị nhiều người xem là có quá nhiều tính chất chính trị.

Thứ 7 vừa qua, bộ ngoại giao Trung Quốc đã quyết định trục xuất nữ ký giả người Pháp Ursula Gauthier vì một bài viết của bà trên Tuần báo L’Obs của Pháp về bạo động sắc tộc ở Tân Cương.

Trong bài viết ngày 18 tháng 11, bà Gauthier cho rằng một loạt những vụ tấn công do người Uighur thực hiện là kết quả của những chính sách mạnh tay của Trung Quốc đối với nhóm người thiểu số theo đạo Hồi này, chứ không phải chỉ đơn thuần là những hoạt động khủng bố như chính quyền thường nói. Chính phủ ở Bắc Kinh nói họ cho rằng quan điểm đó là ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và họ quyết định không gia hạn thị thực nhà báo cho bà Gauthier. Nhà báo này sẽ phải rời khỏi Trung Quốc khi visa hết hạn vào ngày 31 tháng 12.

Bà Gauthier nói rằng quyết định của Trung Quốc là “kỳ quặc” và những luật lệ mới này chắc chắn sẽ xói mòn thêm nữa quyền tự do ngôn luận vốn bị hạn chế rất nhiều tại quốc gia Cộng sản này.

"Đây là một luật lệ có phạm vi áp dụng quá rộng rãi, và bộ phận trong bộ luật khiến cho các nhà báo chúng tôi lo ngại là bất kỳ những gì mà chúng tôi viết hay nói, mà bị cho là khích lệ khủng bố, là bất hợp pháp".

Hãng tin Tân Hoa của nhà nước Trung Quốc hôm thứ Hai cho biết luật mới sẽ áp dụng thêm những sự hạn chế đối với việc tường thuật về khủng bố trong nước, nhưng họ không cho biết thêm chi tiết.

Các tổ chức nhân quyền đã bày tỏ mối lo ngại là luật này sẽ cung cấp cơ sở pháp lý để giới hữu trách siết chặt các biện pháp kiểm duyệt hoặc giam giữ những người tham gia các phong trào xã hội.

Luật mới cũng cho phép quân đội Trung Quốc tham gia các cuộc hành quân chống khủng bố ở nước ngoài, nếu có sự chấp thuận của Ủy ban Quân sự Trung ương Đảng và của nước sở tại.

Ảnh hưởng đối với các công ty nước ngoài

Luật chống khủng bố của Trung Quốc cũng dành cho nhà nước quyền tiếp cận rộng rãi đối với những dữ liệu thương mại nhạy cảm. Điều 18 của luật này qui định rằng “các công ty viễn thông và các công ty cung cấp dịch vụ internet phải cung cấp giao diện kỹ thuật, giải mã và những sự hỗ trợ và trợ giúp khác” cho các cơ quan an ninh khi họ điều tra những hoạt động khủng bố.

Qui định này gây thêm khó khăn cho các công ty công nghệ nước ngoài đang làm ăn ở Trung Quốc và có thể ảnh hưởng tới những công ty Trung Quốc muốn tiến vào các thị trường nước ngoài.

Bà Hoắc Cẩm Khiết, giám đốc công ty tình báo thị trường IDC China, cho biết luật mới sẽ khiến cho nhiều công ty nước ngoài phải tìm kiếm các đối tác Trung Quốc để tuân hành những qui định mới mà không phải ra khỏi Trung Quốc.

"Chắc chắn là rất khó khăn, nhưng đây là một thị trường rất quan trọng cho các công ty đa quốc nên họ không thể bỏ đi. Đó chính là lý do tại sao trong 6 tháng qua có rất nhiều công ty liên doanh thuộc nhiều hình thức đối tác khác nhau đã được thành lập tại Trung Quốc".

Các công ty công nghệ Tây phương đã có xích mích với giới hữu trách ở Anh và Mỹ về việc cung cấp thêm quyền tiếp cận đối với những nội dung được mã hóa của người sử dụng. Các giới chức chấp hành pháp luật nói rằng sự mã hóa quá nghiêm nhặt gây phương hại tới khả năng bắt giữ những phần tử khủng bố. Các công ty thì nói rằng những cách thức cửa hậu để làm yếu đi biện pháp mã hóa sẽ bị những tay tin tặc lợi dụng và điều đó làm cho nội dung của tất cả những sự liên lạc dễ bị xâm phạm hơn nữa.

Giáo sư Hùng Chí Dũng, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung của Học viện Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng mọi người nên chờ xem Trung Quốc chấp hành luật này như thế nào.

"Bản thân luật này là không chống đối được. Nhưng trong lúc chấp hành luật, điều then chốt là phải chăng nó sẽ được áp dụng sai vào những lãnh vực mà lẽ ra nó không nên được áp dụng, vượt quá phạm vi của nó".

Luật chống khủng bố là sự nới rộng quyền hành mới nhất của chính phủ Trung Quốc kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, các giới chức Trung Quốc đã gia tăng sự kiểm soát đối với nền kinh tế, đàn áp các luật sư nhân quyền và tăng cường những vụ trấn áp tại các khu vực của người sắc tộc thiểu số như Tây Tạng và Tân Cương. - VOA
|
|

2.
Trung Quốc điều tàu trinh sát điện tử đến Biển Đông --- Theo dõi chặt động tĩnh của giàn khoan Hải Dương 981

Theo báo chí Trung Quốc, một tàu trinh sát điện tử vừa được điều đến Biển Đông cùng với 2 tàu khác để tăng cường cho hạm đội của Trung Quốc tại vùng biển này.

Hôm qua 28/12/2015, China Military Online, một trang thông tin do nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bảo trợ, loan tin là ba chiếc tàu, gồm tàu trinh sát điện tử Neptune cùng với một tàu tiếp liệu và một tàu khảo sát ngoài khơi đã bắt đầu tham gia hoạt động ở Biển Đông kể từ thứ Bảy tuần trước.

Tàu trinh sát điện tử Neptune có khả năng hoạt động liên tục trong mọi điều kiện thời tiết để trinh sát nhiều mục tiêu trong một phạm vi nhất định. Còn tàu tiếp liệu Luguhu được thiết kế để vận chuyển thiết bị, vật liệu cho lực lượng Trung Quốc đóng trên quần đảo Trường Sa. Tàu này có thể thực hiện những nhiệm vụ khác như hỗ trợ y tế và huấn luyện.

Chiếc tàu thứ ba mang tên Tiền Học Sâm (Qian Xuesen) có nhiệm vụ khảo sát đại dương và các đảo, quan sát khí tượng hải dương ngoài khơi, cũng như góp phần cung cấp các dữ liệu cơ bản cho việc bảo đảm an toàn hàng hải và nghiên cứu.

Việt Nam chế tạo máy bay không người lái

Về phần Việt Nam, báo chí trong nước gần đây đã đưa thông tin và hình ảnh về một mẫu máy bay không người lái (UAV) cỡ lớn, mang số hiệu HS-6L, có khả năng hoạt động suốt 35 tiếng đồng hồ, với phạm vi hoạt động lên tới 4.000 km. Đây là sản phẩm do Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam với Bộ Công An hợp tác chế tạo, được hoàn tất vào đầu tháng 11/2015.

Theo dự kiến, HS-6L sẽ được đem ra bay thử nghiệm trên Biển Ðông vào quý thứ hai của năm 2016. Loại máy bay không người lái này có thể được sử dụng để giám sát căn cứ hải quân Trung Quốc trên đảo Hải Nam và các cơ sở quân sự (hải cảng, phi đạo) mà Bắc Kinh đang xây trên Biển Đông. - RFI

***
“Giàn khoan Hải Dương 981 đang hoạt động trên Biển Đông, nhưng chưa có dấu hiệu bất thường. Cảnh sát biển Việt Nam vẫn đang theo dõi chặt”.

Đó là khẳng định của một chỉ huuy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam với Tuổi Trẻ.

Vị này cho biết giàn khoan Hải Dương 981 đang hoạt động cách đường trung tuyến bờ bờ (ranh giới phân định trên vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc) khoảng 70 hải lý về phía Đông.

Với nhiệm vụ của mình, Cảnh sát biển Việt Nam luôn theo sát hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 chưa có diễn biến phức tạp.

Theo Cảnh sát biển Việt Nam, đây là sự việc bình thường và sẽ  kịp thời thông tin nếu có những bất thường trong hoạt động của giàn khoan này.

Trước đó, trang web chính thức, Cục Hải sự Trung Quốc cho biết giàn khoan Hải Dương 981 sẽ khoan thăm dò ở khu vực có tọa độ17-29.53N, 110-57.18E từ ngày 28-12 đến 10-2-2016. Đồng thời cấm các phương tiện đường thủy tiến vào khu vực 2.000m xung quanh giàn khoan.

Sự xuất hiện của giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông thời gian qua luôn gây ra sự chú ý đặc biệt đối với truyền thông Việt Nam và khu vực.

Từ ngày 1-5-2014 đến 16-7-2014 Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu 80 hải lý trong thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý.

 Sau đó giàn khoan Hải Dương 981 còn nhiều lần xuất hiện trên Biển Đông để thăm dò dầu khí. - tuoitre
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ 'quan ngại' vụ bắt luật sư Đài

Mỹ bày tỏ lo ngại về vụ bắt giữ luật sư Nguyễn Văn Đài gần đây, cùng các cáo buộc hành hung giới hoạt động nhân quyền.

Ngày 29 tháng 12 năm 2015, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius, ra thông cáo báo chí bày tỏ mối quan ngại, nói các vụ việc “đe dọa làm lu mờ sự tiến bộ của Việt Nam về nhân quyền”.

Thông báo này cũng được đưa lên trang Facebook chính thức của ông.

Bộ Công an Việt Nam hôm 16/12 thi hành lệnh bắt sau khi ra quyết định khởi tố bị can luật sư Nguyễn Văn Đài về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước”.

Trong thông cáo đưa ra, ông Ted Osius đề cập đến vụ bắt này và tin tức về các vụ hành hung những cá nhân mà theo Mỹ là những nhà hoạt động nhân quyền.

“Tôi quan ngại sâu sắc do những báo cáo gần đây về các vụ sách nhiễu và giam giữ các nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa, trong đó có vụ bắt giữ ông Nguyễn Văn Đài ngày 16 tháng 12, cũng như thông tin về việc ông Hoàng Đức Bình, bà Đỗ Thị Minh Hạnh và các nhà hoạt động quyền lao động ôn hòa khác bị cảnh sát hành hung ở thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 15 tháng 12.”

Thông cáo báo chí của ông Ted Osius nói: “Xu hướng đáng lo này, tại thời điểm này, đe dọa làm lu mờ sự tiến bộ của Việt Nam về nhân quyền trong những năm gần đây.”

Ông thúc giục chính phủ Việt Nam điều tra các báo cáo về các cuộc hành hung và buộc những quan chức có trách nhiệm phải giải trình.

Ông kêu gọi Việt Nam thả vô điều kiện những cá nhân mà theo ông là “tù nhân lương tâm” và yêu cầu Việt Nam cho phép mọi cá nhân được bày tỏ quan điểm chính trị của họ, cũng như đảm bảo luật pháp và hành động của Việt Nam nhất quán với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế.

Ngày 11 tháng 12 Văn phòng Cao ủy LHQ (OHCHR) về Nhân quyền cũng đưa ra thông cáo đề cập các vụ tấn công các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam đang ở mức báo động và rằng LHQ quan ngại về việc nhà chức trách dường như làm ngơ và không truy tố những kẻ gây ra những vụ hành hung này.

Người phát ngôn của OHCHR nói tại cuộc họp báo ở Geneva vào đầu tháng 12, bà Ravina Shamdasani phát biểu:

“Chúng tôi thúc giục Chính phủ Việt Nam thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo an ninh cho tất cả nhà hoạt động nhân quyền và tiến hành điều tra bất thiên vị, điều tra ngay và triệt để tất cả các vụ việc được thông báo liên quan tới những người bảo vệ nhân quyền.” - BBC
|
|

Tin Việt Nam

4.
Việt Nam: Càng ngán Trung Quốc, càng thân với Mỹ.

Trong loạt bài nói về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm chiêu dụ thêm bạn bè và khách hàng ở Châu Á, cũng như nhằm khẳng định vị thế ngày càng áp đảo ở châu lục này, nhật báo Mỹ The Washington Post ngày 28/12/2015 đã nói về quan hệ Việt-Trung. Theo tờ báo này, chính thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc nhằm xác quyết chủ quyền trên Biển Đông đã khiến Việt Nam ngả nhiều hơn về phía cựu thù Hoa Kỳ.

Theo ghi nhận của The Washington Post, khi đến thăm Việt Nam vào tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được đón tiếp rất trọng thể với nghi thức bắn 21 phát đại bác. Vinh dự hiếm thấy là nguyên thủ Trung Quốc được phát biểu trước Quốc hội Việt Nam. Nhưng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình cổ vũ tình hữu nghị Việt-Trung thắm thiết đã được đón nhận bằng một sự im lặng nặng nề và với vài tiếng vỗ tay lác đác khi ông chấm dứt bài phát biểu. Trên gương mặt cử tọa hội trường Quốc hội hôm ấy lộ rõ vẻ chán chường, thờ ơ, thậm chí thù nghịch.

The Washington Post trích lời một quan chức Việt Nam, xin được miễn nêu tên vì đây là vấn đề “nhạy cảm”, cho biết là bầu không khí hôm ấy “rất căng thẳng”.

Tờ báo nhắc lại rằng Trung Quốc tỏ ý muốn giúp các nước láng giềng Châu Á xây những công trình cơ sở hạ tầng mà những quốc gia này đang rất cần, dưới danh nghĩa khôi phục Con đường tơ lụa xưa kia. Việt Nam cũng cần tiền, nhưng lại sợ mưu đồ ẩn giấu đằng sau.

The Washington Post trích lời ông Trần Trường Thủy, một chuyên gia ở Học viện Ngoại giao Việt Nam, nói rằng: “ Chúng tôi rất nghi ngờ, bởi vì chúng tôi không biết mục tiêu thật sự của họ là gì. Đằng sau dự án Con đường tơ lụa trên biển, Trung Quốc có thể đẩy mạnh tuyên truyền cho chủ quyền của họ”.

Tờ báo cũng ghi nhận sự tương phản giữa chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình với chuyến công du Việt Nam của cựu Tổng thống Bill Clinton vào năm 2000. Vào năm đó, hàng chục ngàn bạn trẻ đã đứng đợi tới khuya để đón vị Tổng thống đầu tiên của Mỹ đến thăm kể từ sau chiến tranh Việt Nam, còn khi Chủ tịch Trung Quốc đến thăm vào tháng trước, chẳng có đám đông nào hân hoan chào đón.

Một ví dụ cho thấy Việt Nam khó có thể tin tưởng Trung Quốc, đó là dự án đường sắt đô thị do Trung Quốc xây dựng ở Hà Nội đã bị trễ đến 3 năm so với dự kiến và tốn kém thêm 57% với với ngân sách dự trù. Chính Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng đã nói rằng, nhiều lần, ông muốn thay nhà thầu Trung Quốc, nhưng không thể làm được do các quy định của những khoản vay.

Ấy là chưa kể Trung Quốc thường chuyển giao những công nghệ lỗi thời cho Việt Nam, bất chấp các tiêu chuẩn về môi trường, đưa lao động của họ sang, thay vì tuyển mộ nhân công địa phương. Các công ty Trung Quốc cũng thường trúng thầu nhờ đưa giá thấp một cách vô lý, để rồi sau đó tính chi phí cao hơn.

Nhưng yếu tố khiến cho quan hệ Việt–Trung gần như gặp khủng hoảng, đó là vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 gần quần đảo Hoàng Sa vào tháng 05/2014, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình bạo động chống Bắc Kinh, với nhiều nhà máy Trung Quốc và Đài Loan bị đốt phá. Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc, vào lúc đó đã có lời kêu gọi Ban Chấp hành Trung ương họp khẩn cấp để thảo luận về việc thiết lập một liên minh với Hoa Kỳ. Nhưng đến tháng 07/2014, Bắc Kinh đã rút giàn khoan đi và cuộc họp khẩn cấp của Ban Chấp hành đã không diễn ra. Tuy nhiên, việc cải thiện quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã được thúc đẩy thêm.

The Washington Post thống kê là trong 12 tháng qua, đã có đến 8 trong số 16 ủy viên Bộ Chính trị thăm Washington, và khoảng 6 quan chức cấp chính phủ Mỹ đã đến Việt Nam. Tổng thống Obama lần đầu tiên cũng đã tiếp một lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nhà trắng vào tháng 07/2015 và dự kiến đi thăm Việt Nam vào năm tới.

Vào tháng 10/2014, Hoa Kỳ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí Việt Nam và đang giúp Hà Nội nâng cao khả năng của lực lượng tuần duyên để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhưng dấu hiệu rõ rệt của việc Hà Nội thắt chặt quan hệ với Washington, đó là việc Việt Nam gia nhập hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, do Mỹ khởi xướng. Hà Nội hy vọng là hiệp định TPP sẽ giúp họ bớt phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế.

Theo The Washington Post, mặc dù trong đảng có một phe bảo thủ thân Bắc Kinh còn rất mạnh, việc có nhiều ủy viên Bộ Chính trị đi thăm Washington trước khi thay đổi ban lãnh đạo vào năm tới đã là điểm đáng quan tâm. Tờ báo trích lời ông Trần Trường Thủy: “Đảng cũng phải chú ý đến công luận. Không ai muốn tỏ ra mềm yếu trong việc bảo vệ quyền lợi quốc gia hoặc không muốn tỏ ra quá nhân nhượng Trung Quốc”.

Nhưng theo tờ báo này, Việt Nam biết mình rất cần đến quan hệ tốt với Trung Quốc. Lịch sử và vị trí địa lý không cho phép Hà Nội biến Bắc Kinh thành kẻ thù. Việt Nam sẽ không bác bỏ những đầu tư của Trung Quốc, nhưng sẽ chọn lựa kỷ càng hơn và chắc chắn là sẽ không còn tin vào thiện tâm của Bắc Kinh. - RFI
|
|

5.
Lãnh đạo VN lo 'phản động, khủng bố’

Vài tuần trước khai mạc Đại hội Đảng 12, một số quan chức Việt Nam lên tiếng về nguy cơ ‘phản động và đối lập’.

Hôm 29/12, một website thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ dẫn lời Đại tướng Trần Đại Quang nói “Không để hình thành các tổ chức phản động, đối lập cũng như không để xảy ra các tình trạng bị động bất ngờ trong nội địa”.

Ông Quang phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch kinh tế xã hội năm 2016 của Chính phủ.

Báo VietnamNet hôm 28/12 tường thuật nhận định của Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn tại Hội nghị Phổ biến, Quán triệt và Tập huấn công tác Phòng chống khủng bố:

“Khủng bố đang triệt để lợi dụng sự ưu việt, hiệu quả của phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền, xuyên tạc, kích động quần chúng”.

Ông Tuấn được báo này dẫn lời: “Mục đích của khủng bố là nhằm mua chuộc, lôi kéo, tập hợp lực lượng từ các phần tử dân tộc, tôn giáo cực đoan, đối tượng có tư tưởng hận thù, thoái hóa biến chất, cơ hội, bất mãn, một bộ phận quần chúng nhẹ dạ cả tin”.

Trong một diễn biến khác, hôm 28/12, báo Tuổi Trẻ đã chạy bài với tựa “ngăn chặn âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước” khi dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Mặc dù đường link vẫn còn nhưng nội dung bài đã được thay đổi. Tuy vậy, trong phần bình luận phía dưới bản tin, bạn đọc vẫn tranh luận về chủ đề này.

Một trong những ý kiến nhận được nhiều lượt 'thích' là: “Quý vị cứ làm cho tốt, dân giàu nước mạnh, hành xử thật dân chủ, chống tham nhũng đả cả hổ lẫn ruồi, không hậu duệ... thì không ai dám can thiệp vào quý vị được. Còn nếu quý vị không có được lòng dân thì nên leo xuống”.

Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 21 đến 28/1/2016 tại Hà Nội.

Hôm 21/12, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin phiên trù bị của Đại hội tổ chức ngày 20/1/2016, khai mạc chính thức ngày 21/1/2016. - BBC
|
|

6.
Biển Đông 2016: Việt Nam cần làm gì với Lào, Chủ tịch ASEAN?

Vào năm 2016, một trong những sự kiện đáng chú ý liên quan đến Biển Đông là việc Lào lên nắm quyền Chủ tịch ASEAN. Là một quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, trong thời gian những năm gần đây, Lào có những dấu hiệu ngày càng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, chỗ dựa kinh tế lớn nhất cho Vientiane.

Có hai câu hỏi được đặt ra. Trước hết là liệu nước Lào có ngả theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông hay không và tìm cách nhận chìm hồ sơ này trong thời gian đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN? Câu hỏi tiếp theo là Việt Nam có thể làm gì để tác động được trên Lào, để hồ sơ Biển Đông nằm trong chương trình nghị sự của Hiệp hội ASEAN?

Kịch bản Cam Bốt nhận chìm hồ sơ Biển Đông năm 2012 sẽ không tái diễn.

Về điểm thứ nhất, đã xẩy ra tiền lệ của Cam Bốt vào năm 2012 đã không ngần ngại dùng quyền chủ tịch ngăn chặn không cho ra một bản Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN có nêu lên vấn đề Biển Đông không hợp ý Trung Quốc.

Gần đây hơn, trong một bài viết ngày 12/11/2015 trên báo Nhật Bản The Diplomat, hai nhà nghiên cứu Zachary Abuza and Cynthia Watson cũng nêu lên vai trò theo đuôi Trung Quốc của Cam Bốt nhân Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng tại Kuala Lumpur tháng 11 vừa qua:

"Đặc biệt là ảnh hưởng của Trung Quốc trên Cam Bốt, và trong một chừng mực nào đó trên Miến Điện, Lào, và bây giờ là Thái Lan, đã giúp đảm bảo rằng không có tuyên bố về Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM+)".

Tuy nhiên, theo nhận định của rất nhiều nhà phân tích, Lào không phải là Cam Bốt, và rất ít có khả năng Vientiane bắt chước Phnom Penh để mù quáng theo đuôi Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn riêng của Ban Việt ngữ RFI, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales) cho rằng kịch bản như tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 2012 thời Cam Bốt làm Chủ tịch khó có thể tái diễn. Ông phân tích:

"Trong năm 2012, theo một bản ghi chép lại diễn tiến các cuộc thảo luận tại cuộc Họp kín của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (ASEAN Ministers’ Meeting Retreat) được tiết lộ cho tôi biết, thì Lào hầu như không đóng một vai trò gì trong các cuộc thảo luận về vấn đề Biển Đông. Lào đã tuyên bố là họ sẽ đi theo sự đồng thuận trong cuộc họp, và đã giữ im lặng khi các cuộc thảo luận trở nên nóng bỏng. 

Trong tư cách là Chủ tịch ASEAN, Lào có rất nhiều khả năng là sẽ tiếp tục theo đuổi cùng một con đường. Có rất ít khả năng là Lào sẽ bắt chước những gì Cam Bốt đã làm vào năm 2012 và ngăn chặn một tuyên bố chung về Biển Đông. 

Lào sẽ phải chịu áp lực từ mọi phía. Trong số các quốc gia quan ngại về tình hình Biển Đông, đã xuất hiện một sự thất vọng rất lớn vì sự thiếu vắng tiến bộ về một Bộ Quy tắc Ứng xử COC. Các nước đó sẽ phản công chống lại bất kỳ áp lực nào của Trung Quốc trên Lào. 

Ngoài ra, vai trò của Tổng thư ký ASEAN (ông Lê Lương Minh) và Singapore, nước được ASEAN giao trách nhiệm điều phối quan hệ với Trung Quốc, sẽ rất quan trọng trong việc duy trì hồ sơ Biển Đông trong chương trình nghị sự của ASEAN".

Đối với Giáo sư Thayer, quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Lào sẽ là một nhân tố tích cực giúp thúc đẩy hồ sơ Biển Đông trong thời gian Lào làm Chủ tịch ASEAN:

"Việt Nam có quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo Lào; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm Vientiane vào năm nay. Các nhà ngoại giao Việt Nam có thể vận động Lào đóng vai trò Chủ tịch ASEAN bằng cách thể hiện sự đồng thuận trong khối về Biển Đông. 

Hầu như Lào không muốn, cũng như không có nguồn lực để có một lập trường chủ động trên vấn đề Biển Đông. Một ví dụ: ASEAN yêu cầu có hai hội nghị thượng đỉnh được tổ chức hàng năm. Lào đã xin được gộp cả hai làm một vào năm 2016 do những hạn chế về nguồn lực. 

Lào sẽ muốn đóng một vai trò khiêm tốn, và do đó sẽ hành động sao cho phản ánh được sự đồng thuận trong ASEAN, đồng thời để cho các nước khác vươn lên dẫn đầu. Cam Bốt có vẻ sẽ là nước tiếp tục thay mặt Trung Quốc, đóng vai trò phá rối".

Việt Nam có thể vừa mềm vừa cứng đối với Lào

Về phần mình, giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine (Hoa Kỳ), một người theo dõi rất sát hồ sơ Biển Đông, công nhận là hiện nay, Trung Quốc chiếm một vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế Lào, hơn xa Việt Nam. Tuy vậy, Việt Nam vẫn có thể sử dụng đến vấn đề kinh tế để tranh thủ Vientiane, chẳng hạn như đẩy mạnh đề án mở ngõ thông thương ra Biển Đông cho Lào có từ thời cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt.

"Lào là một nước nhỏ không có ngõ ra biển, chỉ có con sông Mêkông dẫn ra biển nhưng phải qua Thái Lan và Cam Bốt. Với tổng số dân khoảng 6,5 triệu người thì Lào cũng khó tự mình khai thác rừng và làm nông nghiệp để phát triển một cách hữu hiệu. Do đó, đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là trong các khu vực khai thác mỏ và thủy điện, đóng vai trò rất lớn trong trong một nền kinh tế chỉ có khoảng trên dưới 9 tỷ Mỹ kim năm 2014. 

Bốn nước có đầu tư lớn nhất ở Lào năm 2014 là Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Pháp. Tổng số đầu tư trực tiếp là 730 triệu Mỹ kim. Năm 2015, một phần vì hiệp ước thương chung ASEAN vừa mới ký, đầu tư từ các nước khác trong khu vực và ngoài khu vực sẽ tăng thêm. Tỷ phần đầu tư từ năm 1989 đến năm 2014 tại Lào là 33% của Trung Quốc, 27% của Thái Lan, 21% của Việt Nam, và 3% của Pháp. 

Do đó, đứng trên bình diện kinh tế mà nói, Việt Nam có thể thúc đẩy hồ sơ Biển Đông sau khi Lào nắm quyền chủ tịch nếu Việt Nam khéo vận động và mở đường thông thương cho Lào ra Biển Đông như ông Võ Văn Kiệt đã từng có cố gắng...".

Ngoài biện pháp kinh tế, giáo sư Ngô Vĩnh Long còn cho rằng Việt Nam cũng có thể vận động quốc tế gây thêm sức ép trên Lào về những con đập trên sông Mêkông có hệ quả phá hoại sinh thái mà chính quyền Vientiane đang xây dựng với sự tiếp tay rất lớn của Trung Quốc. Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, Trung Quốc đang áp dụng chiến lược "ba mũi giáp công" để ép Việt Nam, trong đó Lào và Cam Bốt là một mũi, do đó Việt Nam cần phải có chiến lược đối phó:

"Ngày xưa, quan hệ Lào-Việt Nam có thể nói là 'to lớn nhất', đặc biệt cho đến thời ông Võ Văn Kiệt còn quyền hành. Nhưng mà bây giờ, tôi nghĩ rằng ngoài việc trực tiếp mở đường thông thương cho Lào ra Biển Đông và qua đó tăng quan hệ kinh tế và mậu dịch với Lào để chiếm thêm thị phần, Việt Nam nên vận động các nước trên thế giới làm áp lực Lào về những đập Lào xây với Trung Quốc trên sông Mêkong vốn đã và sẽ gây thiệt hại rất lớn cho hai nước hạ lưu là Campuchia và Việt Nam. 

Ở phía bắc Lào, đập Xayaburi xây sắp xong với chi phí xây khoảng hơn 3,5 tỷ Mỹ kim. Ở phía nam, Lào bắt đầu xây đập Don Sahong với chi phí khoảng 300 triệu Mỹ kim. Thái Lan định mua 90% điện phát từ đập Xayaburi và phần lớn điện từ đập Don Sahong để cung cấp cho việc phát triển của Thái Lan.  

Hiện nay có chương trình xây thêm 11 đập thủy điện trên sông Mêkong mà 3 nước được hưởng lợi nhất là Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Trong khi đó nước bị thiệt hại lớn nhất là Việt Nam.  

Trung Quốc đang củng cố quan hệ với Lào, Thái Lan và Campuchia để ép Việt Nam từ phía Tây trong khi đang ép Việt Nam từ Biển Đông vào và từ biên giới phía Bắc xuống với bao nhiêu chiêu độc hại. 

Nếu muốn vận động Lào, Việt Nam phải làm sao cho Lào biết rằng quan hệ với Việt Nam sẽ có lợi cho Lào, đồng thời cũng cho Lào thấy là nếu quan hệ không tốt với Việt Nam, thì Việt Nam có thể vận động thế giới để cho người ta thấy là quan hệ giữa Lào với Trung Quốc, và Lào với Thái Lan có hại không chỉ cho Việt Nam và Cam Bốt, mà còn có hại cho sinh thái toàn khu vưc.

Thành ra nếu Việt Nam muốn tác động về Biển Đông vào lúc Lào làm chủ tịch ASEAN, Việt Nam phải có chiến lược rõ ràng và dài hạn để đương đầu với cái tôi tạm gọi là “ba mũi giáp công” của Trung Quốc..."

Năm sự kiện và một loạt câu hỏi về Biển Đông 2016

Sự kiện Lào lên nắm quyền chủ tịch ASEAN là một trong những yếu tố sẽ có liên quan đến Biển Đông cần phải theo dõi. Bên cạnh đó, giáo sư Carl Thayer đã nêu bật 5 sự kiện thiết yếu cần chú ý, từ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về đơn Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, cho đến mức độ quân sự hóa 7 hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp ở Trường Sa. Ông nói:

"Trong năm 2016, có năm vấn đề chính cần theo dõi.

(1) Phán quyết của Tòa án Trọng tài (Thường trực tại La Haye), dự kiến sẽ được đưa ra trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Sáu, và phản ứng của Trung Quốc cùng các quốc gia khác có đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông. Bất kỳ phán quyết nào có lợi cho Philippines đều sẽ bị Trung Quốc bác bỏ. Hành động đó của Trung Quốc sẽ đặt họ ra ngoài vòng luật pháp quốc tế. ASEAN sẽ làm gì? Các cường quốc hàng hải lớn sẽ làm gì?

(2) Mỹ sẽ tiếp tục các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải và hàng không (FONOP), được cho là sẽ diễn ra ít nhất mỗi quý một lần, bắt đầu từ tháng Giêng. Liệu Mỹ có sẽ tiến hành những chiến dịch tuần tra FONOP bén nhọn hơn hay không? như cho tàu áp sát các hòn đảo nhân tạo, hay cho phi cơ P-8 Poseidon và B-52 bay qua không phận trên các đảo? Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào?

(3) Khả năng đúc kết một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc, mà một số nhà quan sát ASEAN đã coi năm 2016 như là một thời điểm 'cấp bách' do việc Trung Quốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo. Nếu các cuộc tham vấn bị kéo dài mà không mang lại bất kỳ kết quả nào, liệu ASEAN có sẽ mở một cuộc tấn công ngoại giao hay không?

(4) Trung Quốc sẽ hoàn tất việc xây dựng và củng cố các cơ sở hạ tầng trên bảy hòn đảo nhân tạo của họ. Tiếp theo đó sẽ là gì? Ai sẽ cư ngụ trên các thực thể đó? Thiết bị nào sẽ được bố trí trên đó? Loại phi cơ hay tàu biển nào sẽ đồn trú ở đó? Liệu Trung Quốc có đặt căn cứ của lực lượng Hải cảnh của họ ở đó và sẽ hung hăng hơn trong việc khẳng định quyền tài phán đối với Philippines và Việt Nam hay không? Liệu Trung Quốc có quân sự hóa các đảo nhân tạo hay không bằng cách đặt radar tầm xa, hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm, pháo binh, thiết bị chiến tranh điện tử và cầu cảng cho tàu khu trục?

(5) Bầu cử ở Đài Loan và Philippines sẽ ảnh hưởng ra sao đến các động lực chính trị-ngoại giao của các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông? Tại Đài Loan, đảng Dân Tiến DPP liệu có nhấn mạnh hơn trên đòi hỏi chủ quyền và tách xa hơn khỏi Trung Quốc hay không? Một Tổng thống mới của Philippines có hòa hoãn hơn với Trung Quốc so với đương kim Tổng thống Aquino hay không?"

Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, diễn biến vụ Philippines kiện Trung Quốc cũng là sự kiện cần theo dõi, các hành vi của Trung Quốc cũng vậy. Nhưng quan trọng nhất là các động thái của các nhà lãnh đạo Việt Nam liên quan đến Biển Đông.

"Vấn đề cần theo dõi trong năm 2016 là vụ kiện của Philippines. Việt Nam có thể dùng tiến triển cũng như kết quả của vụ kiện này để vận động dư luận thế giới cũng như lập thế trận cho Việt Nam.  

Việc này rất quan trọng trên cả lãnh vực pháp lý lẫn chính trị. Thành ra trên chiều hướng này, cũng nên theo dõi tình hình chính trị ở Mỹ trước cuộc bầu cử để có thể có những thúc đẩy đúng lúc và đúng mức.

Trung Quốc cũng có thể lợi dụng việc Mỹ chú ý vào những chuyện trong nước để tăng áp lực trong khu vực Biển Đông, nói riêng, và khu vực Đông Nam Á, nói chung.

Nhưng vấn đề lớn nhất cần theo dõi, là thái độ và hành động của các lãnh tụ và các nhà làm chính sách Việt Nam. Nếu họ không năng động, thì các nước khác, trong đó có Mỹ, khó có thể có những hoạt động tích cực hơn nhiều so với năm 2015". - RFI

No comments:

Post a Comment