Saturday, December 19, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 19/12

Tin Thế Giới

1.
Mỹ hoan nghênh nghị quyết hòa bình Syria

Hoa kỳ hoan nghênh một nghị quyết phác thảo tiến trình hòa bình ở Syria vừa được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhất trí thông qua.

Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry, nói kế hoạch này đem lại cho người dân Syria một "lựa chọn thực sự... giữa chiến tranh và hòa bình".

Hội đồng 15 thành viên đạt được một thỏa thuận hiếm hoi về vấn đề này trong một phiên họp ở New York ngày thứ Sáu 18/12.

Nghị quyết thừa nhận kết quả những cuộc đàm phán giữa chính phủ Syria và phe đối lập hồi đầu tháng Một, cũng như quyết định ngừng bắn.

Liên Hiệp Quốc (LHQ) nói cuộc chiến Syria đã bước sang năm thứ 5, làm 250.000 người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa.

Tuy nhiên, các bên vẫn chưa thống nhất được về số phận tương lai của Tổng thống Syria, ông Bashar al-Assad.

Hoa Kỳ, Anh và Pháp kêu gọi ông từ chức, và nói ông đã mất khả năng lãnh đạo đất nước.

Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc, không chấp nhận việc yêu cầu ông Assad rời bỏ quyền lực là tiền đề cho đàm phán hòa bình. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an không đề cập gì đến vai trò tương lai của ông.

Ngoài ra, vẫn còn tồn tại bất đồng trong việc xác định nhóm vũ trang nào sẽ thuộc phạm vi của thỏa thuận ngừng bắn.

Phân tích của Lyse Doucet, phóng viên trưởng quốc tế của BBC

Từ lâu, một bế tắc trong Hội đồng Bảo an đã ngăn cản bất cứ bước tiến nào tới một nghị quyết chính trị cho cuộc chiến khốc liệt ở Syria.

Trong nhiều năm, mọi người đều đòi hỏi không có giải pháp quân sự. Không ai nỗ lực để đạt được giải pháp này.

Đặc phái viên LHQ đầu tiên, ông Kofi Annan đã cay đắng quy trách nhiệm cho các lãnh đạo thế giới khi ông từ chức năm 2012, chỉ một năm sau khi nhận nhiệm vụ. Người kế nhiệm vị trí là ông Lakhdar Brahimi nhiều lần yêu cầu hội đồng phải làm nhiều hơn nữa và ông thường xuyên xin lỗi người dân Syria vì đã bỏ mặc họ.

Giờ đây đặc phái viên LHQ ông Staffan de Mistura được giao nhiệm vụ tổ chức các cuộc đàm phán về Syria. Sự thông qua nhất trí nghị quyết này là bước tiến quan trọng. Nhưng để đạt được “một nhà nước đáng tin cậy, toàn diện và không phe phái” trong vòng sáu tháng là quá tham vọng.

Phe của Tổng thống Assad sẽ hoan nghênh một nghị quyết của LHQ không đề cập gì đến vai trò của ông. Sự gia tăng về mặt quân sự và ngoại giao của Nga lên cuộc xung đột này có thể giúp đạt được thỏa thuận. Nhưng với phe đối lập và đồng minh, đây sẽ vẫn là vấn đề ngăn cản tiến triển của từng bước đàm phán.

‘Cột mốc’ quan trọng

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, chủ trì phiên họp, nói nghị quyết đã gửi “một thông điệp rõ ràng đến tất cả những ai quan tâm rằng giờ là thời điểm để kết thúc những cuộc bắn giết ở Syria.”

Ông nói: “Nghị quyết mà chúng ta vừa thông qua là một cột mốc, vì nó đã nêu rõ những mục tiêu cụ thể và khung thời gian cụ thể.”

Nghị quyết kêu gọi việc ngừng bắn diễn ra song song với các đợt đàm phán.

Tuy nhiên, hoạt động chống các nhóm được coi là tổ chức khủng bố vẫn sẽ diễn ra.

Điều này cho phép Nga, Pháp và Hoa Kỳ tiếp tục không kích tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo IS.

Nội dung nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về Syria

Kêu gọi ngừng bắn và đàm phán chính thức để chuyển giao quyền lực từ đầu tháng Một

Các nhóm được gọi là “khủng bố” gồm Nhà nước Hồi giáo IS, Mặt trận al-Nusra, không thuộc phạm vi nghị quyết này

“Các hành động tấn công và phòng vệ” chống lại các nhóm này – như việc không kích của Nga, Mỹ và đồng minh - vẫn tiếp tục

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon báo cáo vào ngày 18/1 về cách giám sát ngừng bắn

“Nhà nước đáng tin cậy, toàn diện và không phe phái” sẽ được thành lập trong sáu tháng

“Bầu cử công bằng và tự do”với sự giám sát của Liên hiệp Quốc sẽ được tổ chức trong vòng 18 tháng

Chuyển giao quyền lực do người Syria thực hiện

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius hoan nghênh thỏa thuận này nhưng ông nói việc ông Assad vẫn tham gia bầu cử là “không thể chấp nhận được”.

Một trong những điểm còn vướng mắc là nhóm phiến quân nào sẽ bị coi như vỏ bọc của khủng bố và cuối cùng bị loại trừ khỏi thỏa thuận ngừng bắn và các cuộc hòa đàm.

Thỏa thuận này đòi hỏi tất cả các bên ngưng tấn công dân thường.

Nga, một đồng minh của ông Assad, đã chống lại điều kiện đòi ông từ chức mới tiến hành hòa đàm. - BBC
|
|

2.
Trung Quốc: Mỹ thực hiện “hành vi khiêu khích quân sự nghiêm trọng” --- Biển Đông: B-52 Mỹ áp sát Đá Châu Viên, TQ phản ứng gay gắt

Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ thực hiện điều họ gọi là “một hành vi khiêu khích quân sự nghiêm trọng” qua việc điều oanh tạc cơ B-52 bay qua những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông.

Một thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay (19/12) nói rằng khi vụ việc xảy ra vào ngày 10 tháng 12 họ đã cảnh cáo đòi máy bay Mỹ bay đi nơi khác.

Trung Quốc nói rằng hành động đó của Mỹ tạo ra điều họ gọi là “tình thế quân sự hoá” giữa hai nước. Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông.

Ông Bill Urban, một viên chỉ huy của Hải quân Mỹ, nói rằng Hải quân thường xuyên thực hiện những cuộc huấn luyện trong khu vực. Ông nói thêm rằng chuyến bay đó không phải là một hoạt động “tự do hàng hải”, gợi ý là chuyến bay có thể đã bay chệch hướng.

Những hoạt động tự do hàng hải được thực hiện để thách thức điều mà Hoa Kỳ tin là những yêu sách chủ quyền quá đáng của những nước khác.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã ráo riết xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và thiết lập các cơ sở trên những hòn đảo đó, làm bùng ra những mối quan tâm của Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới. - VOA

***
Bộ Quốc phòng Trung Quốc vào hôm nay, 19/12/2015 đã tố cáo một "hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng" của Mỹ. Phản ứng giận dữ nói trên được đưa ra sau khi một oanh tạc cơ B-52 của Mỹ bay qua không phận bên trong vùng 12 hải lý của Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), một trong những hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh vừa bồi đắp tại Biển Đông. Washington đã giải thích đó chỉ là một sự cố "vô tình".

Trên trang web của mình, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rõ: "Ngày 10 tháng 12 vào buổi sáng, hai oanh tạc cơ Mỹ B-52 đã xâm phạm trái phép không phận quần đảo Nam Sa và vùng biển tiếp giáp của Trung Quốc". Nam Sa là tên Bắc Kinh đặt cho quần đảo Trường Sa.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tố cáo một "Hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng, làm phức tạp tình hình chung tại Biển Đông" và góp phần vào việc "quân sự hóa khu vực".

Nhật báo Mỹ Wall Street Journal vào hôm qua đã trích dẫn một số quan chức Lầu Năm Góc cho biết là vào tuần trước, một trong hai chiếc B-52 của Mỹ, khi tiến hành một phi vụ tuần tra, vì điều kiện thời tiết xấu, đã "vô tình" bay vào khu vực chỉ cách Đá Châu Viên 2 hải lý. Đây là một trong những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc vừa bồi đắp trên nền tảng một rạn san hô mà họ chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa.

Bắc Kinh đã bác bỏ lời giải thích nêu trên, cho rằng trong thời gian gần đây, "Mỹ đã không ngừng cho phi cơ chiến đấu bay vào không phận Biển Đông, với mục tiêu thị uy và làm dấy lên căng thẳng". Bộ Quốc phòng Trung Quốc đe dọa: "Quân đội Trung Quốc sẽ dùng mọi biện pháp và phương tiện để kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh của đất nước".

Bắc Kinh tự nhận là chủ nhân gần như toàn bộ Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các láng giềng Việt Nam, Philippines, Malaysia…, và đang rầm rộ tiến hành cải tạo các bãi cạn và rạn san hô trong tay họ ở vùng Trường Sa, biến các nơi này thành đảo nhân tạo và xây dựng trên đó nào là cảng biển, nào là phi đạo hay những cơ sở hạ tầng khác.

Đối với Washington, các công trình xây dựng và âm mưu quân sự hóa khu vực của Bắc Kinh là một mối đe dọa cho quyền tự do hàng hải trên, một trong những tuyến đường biển chiến lược nhất trên thế giới.

Trong những tháng gần đây, Mỹ đã hai lần khiến Trung Quốc giận dữ khi cho một khu trục hạm tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của Đá Xu Bi, một hòn đảo nhân tạo khác của Trung Quốc tại Trường Sa, rồi phái oanh tạc cơ B-52 tuần tra trên không phận Biển Đông.

Trung Quốc đã đối phó lại bằng cách tăng cường hoạt động trong vùng. Lực lượng Hải quân Trung Quốc đã được triển khai trong tuần này ở Biển Đông để tập trận, huy động nhiều loại chiến hạm, tàu ngầm, chiến đấu cơ, hệ thống do thám, chỉ huy đổ bộ… - RFI
|
|

3.
Indonesia tăng cường phòng thủ Natuna trước tham vọng của Trung Quốc

Jakarta đã lên kế hoạch nâng cao năng lực bảo vệ các vùng biển đảo của mình ở Biển Đông, cụ thể là quần đảo Natuna với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý bao quanh đã bị đường lưỡi bò của Trung Quốc ăn vào. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Nhật Bản Kyodo ngày 15/12/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia đã xác nhận rằng kế hoạch trên sẽ được xúc tiến ngay vào năm tới 2016.

Bộ trưởng  Ryamizard Ryacudu khẳng định: “Quần đảo Natuna vùng đảo bên ngoài của chúng tôi. Việc bảo vệ đảo xa của mình là một nhiệm vụ đương nhiên và hợp lý của một quốc gia”.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia giải thích: “Chúng tôi phải tăng cường năng lực quân sự của chúng tôi để ngăn chặn trước bất kỳ mối đe dọa nào như nạn đánh cá bất hợp pháp hoặc một cái gì đó giống như hành vi xâm nhập bất hợp pháp và nhiều loại đe dọa phi truyền thống khác nhắm vào lãnh thổ của chúng tôi”.

Theo ông Ryamizard, Indonesia có kế hoạch triển khai một phi đội chiến đấu cơ và ba hộ tống hạm đến vùng quần đảo Natuna, tu bổ và nâng cấp căn cứ hải quân và không quân tại chỗ, đồng thời triển khai thêm quân lính đến khu vực. Indonesia hiện có khoảng 800 quân đồn trú trong Natuna. Vào năm tới, quân số sẽ tăng lên thành khoảng 2.000 người.

Vào tháng 11 vừa qua, Tư lệnh Không quân Indonesia Agus Supriatna cho biết nước này sẽ chi hơn 14 triệu đô la cho việc nâng cấp căc căn cứ quân sự ở quần đảo Natuna, căn cứ không quân ở đó sẽ thành một căn cứ quân sự phức hợp, "một Trân Châu Cảng của Indonesia".

Quần đảo Natuna là một chuỗi gồm hàng trăm đảo ở xa ngoài khơi của Indonesia trên Biển Đông. Cư dân tại đấy chủ yếu sinh sống bằng nghề nông và nghề đánh cá. Cơ sở quân sự của chính quyền Jakarta tại vùng này rất nhỏ, không có gì đáng kể.

Việc Indonesia nghĩ đến việc tăng cường lực lượng quân sự tại vùng Natuna được xem là động thái mới nhất của nước này nhằm chống lại các âm mưu bành trướng quá trớn của Trung Quốc tại Biển Đông. Lý do không được Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia nói rõ ra, nhưng giới quan sát đều nghĩ đến mối đe dọa của Trung Quốc, với đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông, chồng lấn vào quần đảo Natuna của Indonesia.

Ngày 11/11 vừa qua, ông Luhut Panjaitan, Bộ trưởng đặc trách Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia công khai lên tiếng cho biết là Jakarta đang hối thúc Bắc Kinh làm rõ quan điểm về chủ quyền ở Biển Đông và về vấn đề đường lưỡi bò của Trung Quốc ăn vào quần đảo Natuna của Indonesia.

Một hôm sau, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lên tiếng trấn an ngay, xác nhận rằng chủ quyền quần đảo Natuna thuộc về Indonesia, cho dù giữa hai bên vẫn có một số tranh chấp hàng hải cần giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp.

Trong thực tế, đúng là Indonesia không có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền trên bất kỳ hòn đảo nào ở Biển Đông, nhưng Jakarta rất bất bình trước yêu sách biển của Trung Quốc đối với một phần vùng đặc quyền kinh tế thuộc quần đảo Natuna của Indonesia. Các yêu sách này đã bị Jakarta đánh giá là không có cơ sở pháp lý. Và cho đến nay, Bắc Kinh vẫn làm ngơ trước các yêu cầu làm rõ các yêu sách của họ. - RFI
|
|

4.
Nhật và Úc kiên quyết phản đối hành vi thay đổi nguyên trạng Biển Đông

Ngày 18/12/2015, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã công du Tokyo và đã hội đàm với đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe. Nhân dịp này lãnh đạo hai nước đã tái khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hợp tác quốc phòng đồng thời chống lại các hoạt động bồi đắp, xây dựng tại Biển Đông, đặc biệt là của Trung Quốc.

Trong một bản thông cáo chung công bố sau cuộc họp, hai Thủ tướng Nhật Bản và Úc đã bày tỏ lập trường "phản đối mạnh mẽ mọi hành động mang tính chất cưỡng bức hay đơn phương có tác dụng làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông".

Hai nhà lãnh đạo cũng kêu gọi mọi bên tranh chấp "đình chỉ các hoạt động bồi đắp hoặc xây dựng trái phép trên bình diện rộng", không sử dụng các thực thể tại các khu vực trên vào mục đích quân sự. Theo giới phân tích, dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng lời kêu gọi này rõ ràng nhắm vào Trung Quốc.

Hai Thủ tướng Nhật và Úc đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, thực thi các biện pháp nhằm giảm căng thẳng và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không.

Về quan hệ quốc phòng song phương, nhân chuyến thăm Nhật đầu tiên từ khi ông lên thay thế người tiền nhiệm Tony Abbott vào tháng 09 vừa qua, Thủ tướng Úc Turnbull đã cam kết duy trì mối quan hệ chặt chẽ với đối tác thương mại và chiến lược từ lâu trong khu vực, và xác nhận quyết tâm đạt được thỏa thuận nhằm tạo điều kiện cho các chiến dịch quân sự và tập trận chung giữa hai nước.

Về phần mình, Thủ tướng Abe phát biểu: "Tôi vui mừng là chúng ta hiểu rằng quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Úc là nền tảng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và chúng ta đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh".

Một quan chức của Nhật Bản cho hãng tin Reuters biết, trong cuộc họp thượng đỉnh, ông Turnbull cũng hoan nghênh việc Nhật Bản tham gia đấu thầu xây dựng một hạm đội tầu ngầm mới của Úc. Quyết định chính thức sẽ được Canberra công bố vào năm tới. 

Tập đoàn Nhật Bản Mitsubishi Heavy Industries được nhà nước hậu thuẫn và Kawasaki Heavy Industries đang cạnh tranh với tập đoàn Thyssen Krupp của Đức và Tập đoàn Nhà nước Pháp DCNS.

Tuy nhiên, trước người đồng nhiệm Nhật Bản, thủ tướng Úc cũng bày tỏ "nỗi thất vọng sâu sắc về việc Nhật Bản nối lại hoạt động đánh bắt cá voi". Song ông cho rằng một mối quan hệ thân thiện giữa hai nước còn quan trọng hơn để giải quyết thẳng thắn mọi bất đồng. Ông nói:

"Chúng ta là những người bạn rất thân. Những người bạn tốt làm gì khi họ có sự khác biệt? Họ thể hiện chúng một cách công khai và trung thực và bằng cách đó, chúng ta sẽ giải quyết được bất đồng".

Trước đó, vào tháng 12 này, một tầu đánh bắt cá voi của Nhật Bản đã xuất phát đến Nam Cực để đánh bắt loại cá được ưa chuộng tại xứ hoa anh đào, sau một một năm tạm ngừng theo quyết định của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ). Việc Nhật Bản nối lại hoạt động đánh bắt cá voi đã bị Úc, cũng như đồng minh thân cận Hoa Kỳ, chỉ trích. 

Hiện ông Turnbull đang phải cố gắng giữ cân bằng giữa một bên là Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc, còn bên kia là Nhật Bản, đồng minh lâu đời trong khu vực đồng thời là đối tác thương mại thứ hai. 

Trung Quốc có yêu sách chồng lấn với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei tại Biển Đông. Hành động bồi đắp đảo nhân tạo của Bắc Kinh và xây dựng sân bay trên đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa đã gây căng thẳng trong khu vực.

Về phần mình, Nhật Bản cũng đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại một số đảo nhỏ, không có người ở Biển Hoa Đông. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Các nhà lập pháp Mỹ yêu cầu VN trả tự do cho luật sư Nguyễn Văn Đài

Các nhà lập pháp Mỹ lên tiếng yêu cầu Việt Nam trả tự do cho luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài.

Trong thông cáo đề ngày 18 tháng 12, các Dân biểu Chris Smith, Zoe Lofgren và Loretta Sanchez, đồng sáng lập viên Khối Việt Nam tại Hạ viện Mỹ, yêu cầu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho luật sư Nguyễn Văn Đài, là người bị bắt mới đây về tội gọi là “tuyên truyền chống nhà nước.”

Thông cáo nói “vụ bắt giữ này là vụ việc mới nhất của một loạt những hành động hung bạo do chính quyền bảo trợ nhắm vào luật sư Đài, trong đó có vụ hành hung dữ dội của nhân viên an ninh thường phục trước đây trong tháng này và án tù 4 năm được tuyên không lâu sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới với sự ủng hộ của Hoa Kỳ.”

Dân biểu Smith là người bảo trợ Luật Nhân quyền Việt Nam năm 2015, trong đó có qui định là chính phủ Mỹ không được gia tăng các ngân khoản để xúc tiến thương mại và một số chương trình quốc phòng ở Việt Nam cho tới khi nào Tổng thống xác nhận là chính phủ Việt Nam có được tiến bộ đáng kể trong lãnh vực bảo vệ nhân quyền.

Yêu cầu của các nhà lập pháp Mỹ được loan báo trong cùng ngày Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan tâm về vụ bắt giữ và khởi tố luật sư Đài. - VOA
|
|

6.
74 lô đất 'nhạy cảm' Đà Nẵng được thu mua

Nhiều lô đất xung quanh sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng) đã được những "người nước ngoài giấu mặt" thu mua.

Báo Thanh Niên trong nước đưa tin khu vực đất đai nằm giữa tuyến đường Võ Nguyên Giáp và sân bay Nước Mặn, có 26 người đứng tên mua 74 lô đất, trong đó có cả những người trong diện kinh tế khó khăn.

"Anh Lý Phước C. (30 tuổi, trú tại thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) hiện là người sở hữu 12 lô đất, ước rộng khoảng 2.000 m2 tại khu vực này, theo giá hiện tại khoảng 60 tỉ đồng," tờ Thanh Niên trích dẫn một trường hợp mua đất điển hình.

Trong khi báo Dân Trí thì trích lời một người trong gia đình ông C., người đã mua 12 lô đất trên, rằng "lương không đủ nuôi con lấy đâu mà mua đất".

Sân bay Nước Mặn nằm trong địa phận quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Trước năm 1975, đây là sân bay quân sự.

'Rất đáng lo'

Sân bay này từng được dùng làm kho cung ứng xăng dầu cho các tỉnh thành ở miền Trung Việt Nam.

Năm 2007, tại sân bay này xảy ra một vụ nổ kho xăng dầu làm bốn người thiệt mạng. Tại thời điểm đó, đây là kho xăng dầu lớn nhất miền Trung.

Vào tháng Hai 2015, sân bay Nước Mặn được dùng làm sân bay trực thăng du lịch. Tổng công ty trực thăng miền Trung đã giới thiệu tour du lịch thăm quan Đà Nẵng từ trên cao tại sân bay này.

Trang tin tức Zing News trong nước nói "chủ nhiều lô đất là bảo vệ cho công ty Trung Quốc". Trang này cũng dẫn ra trường hợp ông Trách Duy Phúc, là đội trưởng bảo vệ một công ty Trung Quốc và đã mua ba lô đất, diện tích 500m2 trong khu vực này.

Ông Phúc cũng trả lời Zing News ông "có sự hợp tác đầu tư của người Trung Quốc" khi mua đất.

Khu vực phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, nổi tiếng vì có nhiều nhà hàng, khách sạn, quán massage do nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư với người Việt Nam đứng tên chung.

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Điểu - Giám dốc sở Tài nguyên - Môi trường Đà Nẵng, nói"hiện tượng này rất đáng lo". - BBC

No comments:

Post a Comment