Tuesday, December 15, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 15/12

Tin Thế Giới

1.
'Mỹ cần đồng minh giúp sức thêm trong cuộc chiến chống IS'

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói rằng Tổng thống Barack Obama tái khẳng định với quân đội về việc phải đẩy nhanh chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo. Thông tín viên Chris Hannas và Mary Alice Salinas của đài VOA có bài tường trình chi tiết sau đây.

Trong lúc đáp máy bay sang Thổ Nhĩ Kỳ để bàn về việc tăng cường hỗ trợ trong chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo, Bộ trưởng Carter cũng nói với các phóng viên báo chí rằng Hoa Kỳ muốn các đối tác trong liên minh giúp đỡ nhiều hơn nữa để chống nhóm hiếu chiến này tại Iraq và Syria.

"Chúng tôi cần phải xác định những cách thức và sau đó tiến hành mọi cách thức có thể có để đẩy nhanh mục tiêu đánh bại Nhà nước Hồi giáo."

Người đứng đầu Ngũ giác đài cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có một vai trò quan trọng trong chiến dịch này.

"Thổ Nhĩ Kỳ cho chúng tôi sử dụng căn cứ không quân Incirlik. Đó là một đóng góp quan trọng. Nhưng còn nhiều việc cần phải làm, ngoài việc cho phép các lực lượng của chúng tôi và của đồng minh trú đóng. Chúng tôi muốn các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các cuộc hành quân trên không và trên bộ khi có thể."

Bộ trưởng Carter nói các viên chỉ huy trong quân đội Mỹ đang vạch ra chiến lược và chiến thuật mới, và cách thức để tăng cường nỗ lực của liên quân.

"Chúng tôi đã vạch ra chiến lược và xúc tiến các kế hoạch tăng nhanh trong thời gian qua. Chúng tôi cần phải làm nhiều hơn nữa. Đó là một trong những điểm mà Tổng thống Obama lập lại."

Tổng thống Obama hôm thứ Hai phát biểu rằng ông "tin chắc" là liên quân do Mỹ lãnh đạo sẽ thắng. Ông nói thêm rằng nhóm chủ chiến đang bị đẩy lui và các thủ lãnh của chúng không còn nơi ẩn náu.

"Thông điệp của chúng tôi gởi đến bọn chúng đơn giản là: 'đến lượt ngươi,'" Tổng thống Obama phát biểu bằng những từ ngữ mạnh mẽ tại Ngũ giác đài sau cuộc họp hôm thứ Hai với nhóm cố vấn an ninh quốc gia của ông về những nỗ lực mới nhất chống Nhà nước Hồi giáo."

Tổng thống Obama đã tìm cách trấn an công chúng Mỹ sau vụ một cặp vợ chồng được cho là theo Nhà nước Hồi giáo thực hiện vụ tấn công giết hại nhiều người ở thành phố San Bernardino, bang California, và các vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi tháng trước.

Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lãnh đạo liên minh toàn cầu trong nỗ lực được Tổng thống Obama gọi là tiến tới "với cảm giác cấp bách thật sự.”

Tổng thống Obama loan báo không có thay đổi trong chiến lược, nhưng ông nói rằng các lực lượng của liên quân sẽ tiếp tục truy lùng và tiêu diệt các thủ lãnh khủng bố, tiếp tục huấn luyện và trang bị cho các lực lượng của Iraq và một số chiến binh đối lập ở Syria chống Nhà nước Hồi giáo.

Ngoài ra Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ngăn chặn hoạt động tuyển mộ chiến binh, hoạt động kinh tài và chiến dịch tuyên truyền của Nhà nước Hồi giáo.

Cuối cùng, Tổng thống Obama nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria và mang lại một sự chuyển đổi chính trị để liên quân có thể tiếp tục tập trung vào mục tiêu đánh bại Nhà nước Hồi giáo. - VOA
|
|

2.
2015: Mỹ không tuần tra thêm trong vùng 12 hải lý đảo nhân tạo ở Biển Đông

Trong năm nay 2015, Mỹ khó thực hiện chuyến tuần tra thứ hai trong vùng 12 hải lý các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông. Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày hôm qua, 14/12/2015, cho Reuters biết, từ nay đến cuối năm 2015, Hoa Kỳ ít có khả năng thực hiện kế hoạch ban đầu, tức là tiến hành chuyến tuần tra thứ 2 trong vùng 12 hải lý các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông.

Theo các quan chức xin ẩn danh này, các chỉ huy hải quân Mỹ muốn thực hiện một chuyến tuần tra bảo đảm tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông, trong tháng 12 này.

Tuy nhiên, chính quyền Obama chưa bật đèn xanh cho chuyến tuần tra thứ hai vì Washington đang cân nhắc những nguy cơ gây căng thẳng trong khu vực vào lúc Hoa Kỳ đang tập trung vào cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Vẫn theo nguồn tin này, có thể Mỹ sẽ thực hiện chuyến tuần tra thứ hai vào tháng Giêng năm 2016.

Hồi tháng 10 vừa qua, trong khuôn khổ một cuộc tập trận tại Biển Đông, hải quân Hoa Kỳ đã điều khu trục hạm Lassen, có trang bị tên lửa dẫn đường, tới khu vực 12 hải lý của một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày hôm qua, từ chối bình luận về những chuyến tuần tra trong tương lai của hải quân Mỹ và chỉ nhắc lại rằng không quân và hải quân Hoa Kỳ sẽ hoạt động ở bất kỳ vùng nào mà luật pháp quốc tế cho phép.

Trong bối cảnh đó, hôm qua, khi phát biểu tại Hawaii, chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Scott Swift, cảnh báo nguy cơ xẩy ra chạy đua vũ trang tại các khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông. Vị chỉ huy này kêu gọi các nước liên quan, đặc biệt là Trung Quốc, hãy tìm kiếm trọng tài để giải quyết các tranh chấp này.

Trong khi đó, hải quân Trung – Mỹ vẫn đẩy mạnh các giao lưu. Chủ nhật, 13/12, ba tàu chiến Trung Quốc tới thăm căn cứ Trân Châu cảng (Pearl Harbor – Hickam) của Hoa Kỳ ở Hawaii. Chuyến thăm "thiện chí", "xây dựng quan hệ" này kéo dài cho đến thứ Năm 17/12.

Theo thông báo của Hải quân Hoa Kỳ, các chuyến thăm này sẽ giúp cho thủy thủ Trung Quốc tiếp xúc với các đồng nghiệp Trung Quốc và chứng tỏ sự tương đồng và bổ sung cho nhau giữa hai quốc gia. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Phim Star Wars 'The Force Awakens' (Thần Lực Trỗi Dậy) ra mắt tại Los Angeles --- Star Wars VII: Giá vé chợ đen lên tới $5,000 đô la

Cách đây lâu, lâu lắm rồi (tại một thiên hà xa xôi) Star Wars – Chiến tranh giữa các vì sao -  được trình chiếu tại các rạp hát và trở thành một biểu tượng văn hoá thời thượng, các ngôi sao điện ảnh đã đóng trong bộ phim đó hôm qua lại tụ tập ở thành phố Los Angeles với một thế hệ diễn viên mới để cho ra mắt phim đầu tiên trong thời đại mới của phim tập Star Wars có số doanh thu rất cao.

The Force Awakens – Thần Lực Trỗi Dậy là phim thứ 7 tính từ khi phim Star Wars đầu tiên xuất hiện vào năm 1977, và cũng là phim đầu tiên sau năm 2005. 3 phim sau cùng trong series phim này là những phim tiếp theo  bộ 3 phim nguyên thuỷ, cho nên phim mới ra mắt tiếp nối câu chuyện của phim Return of the Jedi phát hành năm 1983.

Mark Hamill nổi danh trong vai trò một hiệp sĩ Jedi tên Luke Skywalker trong các phim nguyên thuỷ, nói rằng trở lại đóng tiếp phim bộ phim Star Wars này sau nhiều thập niên mang lại cảm giác “siêu thực”, sau khi hợp lại với diễn viên Harrison Ford trong vai Han Solo, và Carrie Fisher trong vai Công chúa Leia.

Diễn viên Harrison Ford cũng nói ông lấy làm hài lòng khi trở lại với bộ phim Star Wars. Harrison Ford cho rằng đây là một cơ hội hiếm có, và có biết bao nhiêu người đã chờ đợi phim ra mắt trong bao lâu nay là điều tốt.

John Boyega thủ vai Finn, một trong những nhân vật mới, bày tỏ sự ngưỡng mộ của anh đối với sự nghiệp của các ngôi sao điện ảnh đi trước tại buổi ra mắt phim.

John nói anh là một fan của các phim Star Wars và anh có cảm giác như đóng phim này là một cách để vinh danh bộ phim tập mà anh thật sự ngưỡng mộ cho nên anh cảm thấy rất hài lòng.

JJ Abrams là đạo diễn phần đầu tiên của 4 bộ phim Star Wars mới dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2019.

Từ khi tin này được loan báo, các fan nóng lòng trông đợi loạt phim mới và họ bày tỏ sự phấn khích tại buổi ra mắt phim ở Los Angeles, cũng như bằng cách mua hàng hoá liên quan tới phim.

Nhiều fan cuồng đã cắm trại bên ngoài các rạp hát để chờ lúc phim ra mắt.

Ông Anthony Daniels nói chưa có ai từng có mặt tại một buổi ra mắt phim có tầm mức như thế này. Anthony từng đóng vai phù thuỷ C-3PO trong các phim trước. Anh nói về mặt quy mô, lần ra mắt phim Star Wars nay vượt xa lễ trao giải Oscars năm 1977, mà ông đã từng tham dự.

Lupita Nyong’o, nữ diễn viên đoạt giải Oscar năm 2014, hôm qua nói thoạt tiên cô không tin là mình có thể được chọn là một diễn viên trong bộ phim Star Wars.

Sự kiện ở Los Angeles hôm qua là màn mở đầu cho những gì có thể diễn ra tại các rạp hát trên khắp nước Mỹ vào những giờ đầu tiên ngày thứ Năm, khi bộ phim ra mặt tại Hoa Kỳ và tại hơn một chục nước khác.

Tại những nơi khác, nhiều người sẽ được xem phim Star Wars mới nhất vào ngày thứ Tư. - VOA

***
Bộ phim Thần Lực thức tỉnh Star Wars tập VII chính thức ra mắt khán giả Pháp ngày thứ Tư 16/12/2015, tức 24 tiếng đồng hồ trước Canada và Hoa Kỳ. Khán giả tại Pháp cũng như tại 14 quốc gia Châu Âu khác được xem bộ phim này trước mọi người, xuất đầu tiên là vào 9 giờ sáng. Tựa như một làn sóng vũ bão, Thần Lực thức tỉnh đổ bộ lên đất Pháp, vì hơn 1.100 rạp xinê tại Pháp sẽ đồng loạt chiếu tập VII của Star Wars.

Mặc dù có rất nhiều rạp hát tại Pháp cùng lúc khai thác Star Wars, nhưng trong trường hợp bạn chưa đặt vé trước, thì có lẽ bạn nên ở nhà và chờ đến tuần sau, chừng nào đợt sóng cao trào bắt đầu lắng xuống. Lý do đơn giản là vì giới hâm mộ Star Wars đã đặt mua vé sớm từ cả hai tháng trước. Theo báo Le Parisien, hơn 300.000 vé đã được bán sạch chỉ trong vòng hai ngày, một kỷ lục chưa từng thấy tại Pháp. Cứ trên 10 khán giả, là có 8 người chọn xem phim trên các màn ảnh lớn với công nghệ hình ảnh ba chiều Imax (3D).

Nhưng mua vé trước cũng chưa đủ, cuối tuần này, các khán giả còn sẽ phải tới sớm hơn vài giờ để xếp hàng tại các rạp hát một mặt để có chỗ ngồi tốt, mặt khác, để qua khâu kiểm tra an ninh. Có lẽ cũng vì lý do đó mà nhiều rạp hát ở thủ đô Paris, đặc biệt là ở trung tâm thành phố (khu vực Les Halles) yêu cầu khán giả tới sớm và nhất là cấm người xem không được đeo mặt nạ cải trang theo các nhân vật trong phim Star Wars.

Tuy sắp được công chiếu, nhưng chưa gì bộ phim Thần Lực thức tỉnh đã lập nhiều kỷ lục tại nhiều quốc gia về lượng vé đặt mua sớm, không chỉ riêng gì tại Pháp mà còn tại Anh, Đức, Nga cũng như tại Mỹ. Sự kiện này cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên cho lắm vì Star Wars có một lượng fan hâm mộ trung thành, đông đảo trên toàn cầu. Chỉ riêng trên thị trường Hoa Kỳ, các mạng bán vé sớm (trong đó có Fandango, The Alamo Drafthouse, AMC Theaters….) đã đem về hơn 50 triệu đô la doanh thu chỉ trong 24 giờ đầu. Lượng khán giả đặt mua vé trước khiến cho xa lộ thông tin bị ùn tắc, nghẽn mạch.

Tại Anh, mạng bán vé xinê Odeon bị tê liệt trong 24 giờ, còn tại Pháp, hệ thống bán vé của các rạp hát Gaumont cũng bị kẹt cứng. Theo ước tính của kênh thông tin Deadline, lượng vé bán sớm trên toàn cầu đem về gần 650 triệu đô la, trước khi bộ phim Thần Lực thức tỉnh chính thức ra mắt khán giả ở các rạp hát. Để so sánh, lượng vé đặt mua sớm của Star Wars tập VII cao gấp tám lần Trò chơi Sinh tử Hunger Games (2012), phá luôn kỷ lục của (Người Dơi) Kỵ sĩ Bóng đêm (Batman/The Dark Knight Rises). 

Bộ phim Star Wars tập VII sẽ được trình chiếu tại hơn bốn ngàn rạp trên đất Mỹ (theo số liệu của mạng BoxOffice), tức cao gấp bốn lần so với Pháp (khoảng 1.100 rạp). Vì thế cho nên, theo mạng Deadline, với một hoả lực mạnh như vậy, Thần Lực thức tỉnh có thể cán mốc hơn hai tỷ đô la dễ như chơi. Kỷ lục 2,7 tỷ đô la doanh thu toàn cầu do bộ phim Avatar nắm giữ bắt đầu lung lay, lần này có nguy cơ bị soán ngôi.

Giới hâm mộ Star Wars đặt mua vé sớm vì họ muốn được xem phim trước mọi người, nhưng cũng có nhiều kẻ tinh ranh mua vé trước chỉ vì mục đích ‘’đầu cơ trục lợi’’. Theo báo Le Figaro, thị trường vé chợ đen lại rộ lên ngay sau khi các kênh truyền thống ngưng bán vé chính thức. Chỉ cần liếc nhìn qua các mạng như eBay tại Mỹ hay là Le Bon Coin tại Pháp, giá vé chợ đen cũng đủ làm cho ta rùng mình chóng mặt. Trên các mạng chuyên bán lại như vậy, giá thấp nhất là 350 đô la, giá trung bình là 800 đô la. Người mua dĩ nhiên có thể mặc cả hay mua đấu giá.

Màn ảnh ba chiều càng lớn, rạp chiếu phim và chỗ ngồi càng tốt, suất chiếu phim càng lý tưởng (thường là vào buổi tối ngày cuối tuần), thì giá vé chợ đen càng cao ngất ngưỡng, mức cao nhất là 5.000 đô la cho mỗi chiếc vé. Tại Anh hay tại Pháp, việc mua đi bán lại tạo ra hiện tượng săn lùng dữ dội, khiến cho loại '‘vé xịn'' đạt tới những mức kinh khủng ‘’trên trời’’, cao từ gấp 40 lần đến 500 lần giá vé bình thường. Thần Lực thức tỉnh một lần nữa lại lập kỷ lục nhưng đây lại là một kỷ lục biến thành ‘’tà đạo’’.

Tập VII của Star Wars cũng lập nhiều kỷ lục khác, số lượng người xem trên mạng các đoạn phim quảng cáo (trailer) là từ vài trăm triệu trở lên, nếu tính gộp lại toàn bộ ba phim quảng cáo thì số lượt người xem cán mốc một tỷ. Báo Variety cũng ghi nhận là chiến dịch quảng cáo bắt đầu từ cả năm trước và càng lúc càng rầm rộ, các kênh truyền thông và nhất là các mạng xã hội bị đánh phủ đầu, các dòng sản phẩm có gắn thương hiệu Star Wars tràn ngập khắp nơi, đến mức chương trình Saturday Night Live ở Mỹ (hay Le Petit Journal ở Pháp) phải đem các sản phẩm vô duyên nhất của Star Wars ra làm trò cười.

Còn theo Hollywood Reporter, từ ít nhất là hai tuần lễ trước khi bộ phim này được công chiếu tại Mỹ, nhiều khán giả đã tụ tập lại để cắm trại xếp hàng trước rạp xinê ở Hollywood còn được gọi nôm na là Rạp hát Trung Hoa (TCL Chinese Theatre Imax). Tập đoàn Disney và công ty LucasFilm cho biết đã mướn tất cả các rạp hát (kể cả nhà hát Kodak) ở xung quanh khu vực này để chuẩn bị cho buổi lễ ra mắt khán giả tối thứ Năm 17/12. Lực lượng cảnh sát, nhân viên bảo vệ an ninh được huy động lần này còn đông đảo hùng hậu hơn cả buổi lễ trao giải Oscar.

Cũng theo tờ báo Hollywood Reporter, đa số người tụ họp về đây đã mua sẵn từ trước vé xem phim công chiếu, họ muốn có được chỗ ngồi lý tưởng nên phải xếp hàng cắm trại hàng tuần trước cửa rạp. Các fan của Star Wars lần này còn quyên tiền ủng hộ tổ chức từ thiện Starlight Children, hầu giúp đỡ những trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo. 

Nhưng đối với các fan cuồng nhiệt nhất, buổi ra mắt phim Thần Lực thức tỉnh tại Rạp hát Trung Hoa (TCL Chinese Theatre Imax) lại càng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với họ, vì đây chính là nơi trình chiếu bộ phim Star Wars đầu tiên vào năm 1977. Nhà hát này trở thành một địa điểm ‘’hành hương’’ đối với những kẻ ‘‘sùng đạo’’, nâng tư tưởng cũng như tinh thần Jedi trong Star Wars lên tới hàng ‘’tôn giáo’’.

Đối với những người không phải là dân mê xem phim Star Wars, thì những hành động như vậy trở nên thái quá, bởi vì trong mắt họ, chỉ có những dân ghiền hay nói cho đúng hơn là ‘’con nghiện’’ mới dám mua vé chợ đen ở mức cao ngất ngưỡng, chỉ có những ai vì Star Wars mà trở nên ‘’cuồng tín’’ mới chịu khó xếp hàng cả tuần bất kể trời mưa hay trời nắng.

Những ai không thích Star Wars, vào cuối tuần này, cũng nên tránh đi xem xinê. Một số rạp hát ở Pháp dành tới gần một nửa phòng chiếu phim (4 phòng trên mười) với các suất chiếu phim xen kẻ, hầu đáp ứng kịp thời lượng người xem quá đông đảo, cũng như để đề phòng tình trạng quá tải và tránh bớt những rủi ro về mặt an ninh. Tựa như làn sóng thần, Star Wars một khi đổ ập vào, cũng sẽ đè bẹp các bộ phim khác và vì thế cho nên tác phẩm mới của đạo diễn Quentin Tarentino (The Hateful Eight) dự trù phát hành cuối năm nay rốt cuộc dời lại ngày ra mắt tại Pháp đầu năm tới.

Những khán giả nào muốn xem xinê trong những ngày lễ cuối năm cũng đành gác lại các buổi đi xem chiếu phim, nhất là vào mùa nghỉ lễ lượng khán giả nhí cũng sẽ tăng lên một cách đáng kể. Giữa việc mua đồ chơi Star Wars cho con hay dẫn con đi xem phim Thần Lực thức tỉnh, có thể nói là nhiều bậc phụ huynh sẽ không khỏi bị nhức đầu, mà không chỉ riêng gì cuối năm nay mà hiện tượng này còn sẽ kéo dài cho tới năm 2020. 

Bộ phim Thần Lực thức tỉnh sẽ mở ra một chu kỳ Star Wars, mỗi năm có một bộ phim được cho ra mắt xen kẽ hai phần "chính truyện" và "ngoại truyện". Điều đó khiến cho nhiều người nói rằng tuần này là tuần của hội chứng ‘‘Nowhere to Hide’’: trốn đâu cho thoát, chạy trời không khỏi nắng. - RFI
|
|

4.
Mỹ bắt buộc đăng ký tất cả máy bay không người lái

Sau nhiều sự cố được báo cáo có liên quan tới những máy bay không người lái nhỏ vận hành không an toàn, chính phủ Mỹ đã quyết định bắt buộc chủ sở hữu của những máy bay không người lái phải đăng ký .

Cục Hàng không Liên bang (FAA), quản lý tất cả lưu thông hàng không trong nước Mỹ, hôm thứ Hai loan báo rằng kể từ ngày 31 tháng 12 tất cả những máy bay không người lái sẽ phải được đăng ký và phải có số đăng ký trên đó.

Công bố quy định mới, phó cục trưởng FAA Michael Whitaker cho biết mục đích là để giáo dục chủ máy bay về an toàn và trách nhiệm cũng như để liên kết những máy bay với chủ sở hữu của chúng.

Lệ phí đăng ký sẽ có giá 5 đôla cho tất cả những máy bay không người lái tư nhân và thương mại có trọng lượng trong khoảng từ 250gr đến 25kg, bao gồm cả camera gắn trên máy bay

Số đăng ký, có thể mua trực tuyến, sẽ bao gồm nhiều máy bay không người lái thuộc sở hữu của cùng một người hoặc thực thể và sẽ có hiệu lực trong ba năm.

Lệ phí 5 đôla sẽ được hoàn trả lại cho tất cả những ai đăng ký trong vòng 30 ngày đầu tiên kể từ khi quy định này có hiệu lực. Tất cả những máy bay không người lái được mua và vận hành trước ngày 21 tháng 12 sẽ phải được đăng ký trước ngày 19 tháng 2 năm 2016. Sau đó tất cả máy bay không người lái sẽ phải được đăng ký trước chuyến bay đầu tiên của chúng.

Giới hạn tuổi đăng ký là 13 tuổi, trong khi những chủ sở hữu nhỏ tuổi sẽ phải đăng ký máy bay của họ thông qua cha mẹ của mình. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam diễn tập chống ‘lực lượng phản động’ gây bạo loạn

Hàng nghìn người thuộc quân đội và cảnh sát Việt Nam mới tiến hành buổi diễn tập quy mô lớn về ngăn chặn biểu tình, bạo loạn cũng như chống khủng bố và cứu con tin tại thành phố Vĩnh Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Đích thân Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam đã chỉ đạo cuộc thao diễn kéo dài hai tiếng hôm 14/12 này.

Theo “kịch bản” mà báo chí trong nước đăng tải, “tại một số tỉnh, lực lượng phản động, kích động đã mua chuộc, lôi kéo một bộ phận quần chúng nhân dân tập trung biểu tình khiếu kiện đất đai, phản đối chính quyền địa phương xâm phạm tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo”.

Nội dung của cuộc thao dượt có đoạn: “Biểu tình diễn ra nhiều ngày, lan rộng ra nhiều tỉnh thành và chuyển thành bạo loạn chính trị kết hợp bạo loạn có vũ trang. Bọn phản động đã cướp chính quyền một số xã, phường, bắt giữ một số cán bộ địa phương làm con tin.

Chủ tịch nước đã ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc phòng ở một số tỉnh, trong đó có tỉnh X”.

Những tờ báo thuộc ngành công an và quân đội của Việt Nam thường coi những người bất đồng, có quan điểm trái chiều với nhà nước là những “phần tử phản động”.

Cuộc diễn tập diễn ra ít tuần trước khi Việt Nam tổ chức Đại hội đảng lần thứ 12, và vào những dịp đại hội trước, an ninh đã được thắt chặt.

Theo giới quan sát, việc Việt Nam tổ chức cuộc diễn tập quy mô lớn trên cho thấy sự quan ngại của chính quyền Hà Nội về khả năng xảy ra bạo loạn, bạo động. - VOA
|
|

6.
Đài Loan đáp trả cáo buộc của Việt Nam về Trường Sa

Đài Loan tuyên bố rằng việc xây dựng của họ trên hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa “không phải chuyện của nước khác”, sau khi Việt Nam chỉ trích Đài Bắc bất chấp quan ngại của mình, khi cử quan chức ra đảo Thái Bình mà người Việt gọi là Ba Bình.

Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm 13/12 ra tuyên bố nói rằng theo luật pháp quốc tế, Đài Bắc có chủ quyền đối với biển Đông, trong đó có quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) và Tây Sa (tức Hoàng Sa) cũng như các vùng lãnh hải lân cận.  

Cơ quan ngoại giao của Đài Loan nói thêm rằng chính quyền Đài Bắc nhiều năm qua đã triển khai binh sĩ tới hòn đảo; chưa từng có bất kỳ xung đột quân sự nào với bất kỳ ai cũng như chưa bao giờ cản trở lưu thông hàng hải và hàng không tại đảo Thái Bình.

Đài Bắc hôm 12/12 khánh thành một ngọn hải đăng và cầu cảng mới được tôn tạo lại trên hòn đảo này.

Đích thân Bộ trưởng Nội vụ Đài Loan Trần Uy Nhân đã tới dự lễ khánh thành trên hòn đảo có diện tích lớn nhất ở Trường Sa.

Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình, lên tiếng rằng việc Đài Loan “bất chấp quan ngại của Việt Nam, của các nước cũng như cộng đồng quốc tế, cử quan chức đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tiếp tục tuyên bố đưa vào hoạt động một số công trình trên đảo là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình tranh chấp ở Biển Đông”.

Ông Bình tuyên bố: “Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ bác bỏ hành động này” và “yêu cầu Đài Loan chấm dứt ngay những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự”.

Bộ Ngoại giao Đài Loan cho rằng việc Hà Nội cáo buộc chuyến thị sát của ông Trần làm tổn hại tới hòa bình khu vực “không đúng thực tế, và đi ngược lại với nhận thức chung của cộng đồng quốc tế”.

Bộ này cũng cho rằng việc Đài Loan nâng cấp hạ tầng cơ sở trên hòn đảo nhằm giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, và giúp hoàn tất nhiệm vụ của hòn đảo này là căn cứ nghiên cứu khoa học, cứu trợ khẩn cấp và bảo vệ môi trường.

Đài Loan trước đó cho biết sẽ “biến Thái Bình thành một hòn đảo hòa bình, trung tâm bảo tồn sinh thái và thải ít khí CO2 nhằm thực thi ‘Sáng kiến Hòa bình Nam hải’ của Tổng thống Mã Anh Cửu”.

Sáng kiến công bố hôm 26/5 dựa trên nguyên tắc “bỏ qua một bên các vấn đề chủ quyền” và “cùng nhau khai thác tài nguyên”.

Việt Nam hồi tháng Mười vừa qua đã phản đối việc Trung Quốc xây dựng hải đăng ở Hoàng Sa, coi đó là “sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam”. - VOA
|
|

7.
Trường Sa: TQ dọa phi cơ chở nhà báo BBC

Năm ngoái phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes dùng thuyền cá để tới khu vực có tranh chấp ở Biển Đông và trở thành nhà báo đầu tiên quan sát cận cảnh Trung Quốc đang xây dựng các hòn đảo mới trên các bãi đá ngầm ra sao. Cách đây vài ngày, ông đã trở lại khu vực này bằng chiếc phi cơ nhỏ và làm Hải quân Trung Quốc tức giận và có phản ứng đe dọa.

Các bãi đá ngầm, rạn san hô và cồn cát nằm rải rác được gọi là Spratlys (Việt Nam gọi là Trường Sa) là một nơi rất khó tới. Một số do Việt Nam kiểm soát, một số khác do Philippines và Đài Loan, và tất nhiên có những nơi do Trung Quốc nắm.

Đừng mong đợi có một lời mời thăm nơi này từ Bắc Kinh. Hãy tin tôi đi, tôi đã thử rồi.

Chỉ có Philippines mới cho phép bạn tiếp cận dải đất nhỏ bé dài 400 mét gọi là Pagasa. Chỗ này chỉ đủ lớn để một máy bay nhỏ có thể hạ cánh được.

Sau nhiều tháng chuẩn bị và đàm phán, tôi đang ngồi trong phòng khách sạn ở Manila đóng gói vali sẵn sàng để đi thì chuông điện thoại reo. Đó là đồng nghiệp của tôi, cô Chika.

"Giấy phép cho chúng ta hạ cánh xuống đảo Pagasa đã bị hủy!" Cô nói.

Tôi lo quá. Có việc gì vậy? Có phải chính phủ Philippines bị đe dọa? Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị tới Manila? Có lẽ Manila không muốn cảnh tượng này?

Trên thực tế thì còn tệ hại hơn. Thế nào đó mà Bắc Kinh đã phát hiện ra chúng tôi đang định làm gì.

Tiếp sau đó là người quản lý về biên tập của tôi gọi điện từ London.

"Đại Sứ quán Trung Quốc đã gọi điện đấy. Họ cảnh báo có thể có vấn đề xảy ra nếu BBC cố gắng tới nơi mà họ gọi là lãnh thổ bị chiếm đóng bất hợp pháp của Philippines ở Nam Hải (Biển Đông)," sếp của tôi nói.

Tôi bực quá. Làm sao họ lại biết được? Tôi cần phải thận trọng hơn.

Và vì vậy trong một tuần tôi buộc phải ngồi trong phòng khách sạn của tôi và xem Chủ tịch Tập đến Manila rồi rời đi. Sau đó, đàm phán căng hơn... và cuối cùng chính phủ Philippines cũng thông. Chúng tôi có thể đi.

Lúc 05:30 sáng, năm người chúng tôi tụ tập trên đường băng Puerto Princesa, nằm trên đảo Palawan của Philippines. Hai phi công, một kỹ sư, Jiro, người quay phim và tôi. Trước mặt chúng tôi là phi cơ Cessna 206 có một động cơ duy nhất.

Jiro và tôi nhìn nhau.

"Trời ơi," tôi nghĩ. "Chúng ta thực sự sẽ bay hơn ba giờ trên đại dương và đất liền để tới một hòn đảo nhỏ trên chiếc phi cơ bé xíu này sao?"

Thậm chí chính các phi công trông lo lắng. Và sự thật là chưa có ai từng thử làm điều mà chúng tôi sắp làm.

Với phi cơ nhỏ xíu chở thiết bị quay phim và xăng, phi cơ loạng choạng trên đường băng và chao đảo cất cánh và bay lên không trung. Vài phút sau, chúng tôi không còn thấy những ngọn núi xanh mướt của Palawan, và trước chúng tôi là nước xanh mênh mông của Biển Đông.

Kế hoạch của chúng tôi đơn giản thôi. Tức là từ Palawan chúng tôi sẽ bay thẳng đến đảo Pagasa (của Philippines), hạ cánh và tiếp nhiên liệu. Sau đó chúng tôi sẽ bay về phía tây nam và lượn vòng Fiery Cross (Đá Chữ Thập) mà Trung Quốc kiểm soát. Đây là nơi Trung Quốc có vẻ đã và đang xây một căn cứ hải quân và không quân.

Sau đó chúng tôi sẽ trở lại Pagasa và tiếp nhiên liệu một lần nữa. Cuối cùng, chúng tôi sẽ bay qua Mischief Reef (Đá Vành Khăn) trên đường quay về Palawan. Đây là một bãi do Trung Quốc kiểm soát, rất gần với Philippines, nơi diễn ra hoạt động xây cất trong năm nay với quy mô lớn.

Chúng tôi có hai mục tiêu. Tiếp cận càng gần càng tốt các đảo mới mà Trung Quốc kiểm soát để quay những công trình đang được thi công. Và cũng không kém phần quan trọng là để xem Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao.

Trung Quốc đang bị ràng buộc bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà họ tham gia. Công ước này quy định rằng các cấu trúc ngập nước, như bãi đá, không thể được tuyên bố là bờ biển có chủ quyền, và rằng việc xây dựng cấu trúc nhân tạo trên các cấu trúc này cũng không thể biến chúng thành lãnh thổ có chủ quyền được.

Một nước sở hữu một hòn đảo tự nhiên có thể tuyên bố giới hạn lãnh hải 12 hải lý xung quanh đảo này, cả trên biển và trên không. Nhưng cấu trúc nhân tạo không được hưởng bất kỳ quyền nào như vậy. Nói cách khác, chúng tôi sẽ có thể bay phi cơ của mình đến sát các đảo mới của Trung Quốc mà không vi phạm bất kỳ luật quốc tế nào, và Trung Quốc không nên can thiệp vào chuyến bay của chúng tôi.

Khi chiếc phi cơ nhỏ của chúng tôi đáp xuống đường băng Pagasa, tim tôi đập nhanh, phấn khích và hồi hộp. Bay khoảng nửa giờ về phía nam của hòn đảo, tôi thấy một dải đất màu vàng từ ô cửa trong máy bay. Trên dải đất này là một khu nhà màu trắng. Tôi nhận ra nó ngay lập tức từ các bức ảnh vệ tinh.

"Đó là Bãi Gaven!" Tôi hô lên với Jiro trong tiếng động cơ máy bay. "Có nhớ là chúng ta đi thuyền qua nó năm ngoái không. Lúc đó họ mới chỉ bắt đầu xây dựng thôi."

Ngay khi tôi hô lên thì một giọng nói lớn và dữ dằn phát lên từ radio.

"Máy bay quân sự không nhận diện ở phía tây của Bãi Nam Huân (theo cách gọi của Trung Quốc), đây là Hải quân Trung Quốc. Các vị đang đe dọa tới an ninh của trạm chúng tôi! Để ngăn ngừa tính toán sai lầm, rời khỏi khu vực này ngay lập tức!"

Các phi công của chiếc Cessna (chiếc còn xa mới có thể gọi là phi cơ quân sự) của chúng tôi đảo hướng về phía tây. Nhưng những lời cảnh báo tiếp tục hoài, bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, ngày càng lớn và căng thẳng hơn.

Chúng tôi bay về phía nam-tây hướng tới Fiery Cross Reef (Việt Nam gọi là Đá Chữ Thập, Trung Quốc gọi là Đá Vĩnh Thử). Sau một giờ chúng tôi có thể nhìn thấy nó từ xa, một dải rộng lớn màu vàng trên mặt đại dương.

Khi chúng tôi tới cách nơi này 20 hải lý thì lại có giọng radio phát ra.

"Máy bay quân sự nước ngoài đến phía tây bắc của đảo Vĩnh Thử, đây là Hải quân Trung Quốc, các vị đang đe dọa an ninh của trạm chúng tôi!"

Lần này phản ứng của các phi công là ngay lập tức, đổi hướng ngay về phía Bắc, cách xa các bãi này.

"Chúng ta cần tới gần hơn!" Tôi đề nghị cơ trưởng. "Chúng ta cần phải quay trở lại, chúng tôi không thể quay phim gì từ khoảng cách xa như vậy!"

Nhưng cũng chẳng ích gì cả.

"Tôi xin lỗi," cơ trưởng nói. "Chúng tôi có lệnh phải theo của chúng tôi."

Những lời cảnh báo trước đó đã làm các phi công khá sợ hãi. Tôi rất thất vọng. "Chúng ta sẽ chẳng quay được gì," tôi nghĩ.

Trở lại đảo Pagasa, khi máy bay tiếp nhiên liệu lần nữa, tôi đã đặt lại vấn đề với các phi công.

"Xem này," tôi nói. "Chúng ta không vi phạm bất kỳ luật lệ nào, Trung Quốc sẽ không bắn hạ chúng ta. Các anh phải thực hiện xong việc của mình chứ, và các anh phải đáp lại họ và nói cho họ biết chúng ta là một máy bay dân sự bay trong không phận quốc tế."

"Ông phải hiểu, chúng tôi là phi công dân sự chứ không phải không quân," họ trả lời. "Chúng tôi không biết họ có thể làm những gì tới chúng ta, chúng tôi coi an toàn là trên hết."

Cuối cùng, sau nhiều giờ thương lượng, các phi công đồng ý họ sẽ thử xem sao.

Chúng tôi cất cánh lần thứ ba, bây giờ quay trở lại về hướng Philippines. Sự căng thẳng trong tôi gần như tới ngưỡng chịu không nổi. Liệu phi công sẽ thực hiện được đúng việc của họ hay không?

Chẳng bao lâu thì một dải đất hình lưỡi liềm vàng khổng lồ xuất hiện bên dưới chúng tôi, hình dạng không thể nhầm lẫn của Mischief Reef (Việt Nam gọi là Đá Vành Khăn, Trung Quốc gọi là Mỹ Tế). Các phi công hạ độ cao xuống 5,000 bộ. Ở điểm 12 hải lý lại nghe các lời cảnh báo.

"Máy bay quân sự nước ngoài tại phía tây bắc của Bãi Mỹ Tế, đây là Hải quân Trung Quốc, các vị đang đe dọa an ninh của trạm chúng tôi!"

Cơ trưởng chúng tôi bình tĩnh trả lời: "Hải quân Trung Quốc, đây là máy bay dân sự Philippines trên đường đến Palawan, chở hành khách dân sự. Chúng tôi không phải là máy bay quân sự, chúng tôi là máy bay dân sự một động cơ."

Nhưng cũng chẳng khác gì cả.

"Máy bay quân sự nước ngoài tại phía bắc của Bãi Mỹ Tế, đây là Hải quân Trung Quốc!" và các lời cảnh báo liên hồi.

Nhưng lần này phi công của chúng tôi vững tâm. Tại điểm 12 hải lý, chúng tôi đi men theo phía bắc của hòn đảo mới khổng lồ.

Phía dưới chúng tôi là các đầm với đầy các loại tàu bè lớn nhỏ. Trên mảnh đất mới là các nhà máy xi măng và phần móng của những tòa nhà mới.

Sau đó, chúng tôi lượn vòng qua một đám mây, và lần đầu tiên chúng tôi đã nhìn rõ một đường băng mới Trung Quốc đang xây dựng ở đây, chỉ 140 hải lý tính từ bờ biển Philippines. Tôi đã làm một phép tính nhanh. Một chiến đấu cơ của Trung Quốc cất cánh từ đây có thể bay tới bờ biển Philippines chỉ trong khoảng tám hoặc chín phút.

Khi chúng tôi bay trở lại về hướng Philippines mọi người ai nấy đều cảm thấy phấn khởi. Chúng tôi đã làm được điều đó! Tôi nói đùa với cơ trưởng rằng chúng tôi nên quay đầu máy bay rồi hạ xuống thấp. Thế rồi từ radio phát ra một giọng rất khác, với tiếng Anh khác giọng hẳn.

"Hải quân Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc," giọng này vang lên. "Chúng tôi là một máy bay của Úc thực hiện quyền tự do bay trong không phận quốc tế theo công ước hàng không dân dụng quốc tế, và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển – xin hết."

Hoa Kỳ đã thực hiện một số chuyến bay và đưa tàu qua khu vực Biển Đông có qui mô trong những tháng gần đây, trong đó có cả phi cơ ném bom B-52. Nhưng Úc chưa bao giờ công khai tuyên bố rằng họ đang làm y như vậy. Vì vậy, đây kể như là “tin mới nóng”.

Chúng tôi nghe thông báo của phía Úc được lặp lại nhiều lần, nhưng không nghe thấy bất kỳ phản ứng nào từ phía Trung Quốc.

Mục đích của các chuyến bay như vậy là để chứng tỏ cho Trung Quốc thấy rằng các nước như Úc và Hoa Kỳ không công nhận các hòn đảo mới mà Trung Quốc đang cơi nới.

Nhưng những đảo đó có tồn tại và Trung Quốc đã và đang thực thi một khu vực cách ly 12 hải lý xung quanh các đảo này, hoặc cố gắng làm vậy.

Tại Fiery Cross (Bãi Chữ thập) những lời cảnh báo bắt đầu từ khi phi cơ vào giới hạn 20 hải lý.

Trung Quốc đã thành công trong việc tạo ra "sự việc đã rồi" mới. Họ đang xây dựng đường băng mới, trạm radar công suất lớn và các cơ sở cho cảng nước sâu.

Tại Manila vào tháng trước, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng Trung Quốc phải "ngưng toàn bộ việc xây cất mới" và "không tiến tới quân sự hóa" các cơ sở mới này.

Từ những gì tôi đã nghe và tận mắt thấy thì kể như đã quá muộn rồi. - BBC

No comments:

Post a Comment