Tin Thế Giới
1.
Hội nghị COP 21 thông qua một dự thảo hiệp định
Hội nghị Liên hiệp quốc về khí hậu đã vượt qua được một chặng quan trọng, với việc đại diện của 195 quốc gia hôm nay, 05/12/2015, vừa thông qua một bản dự thảo hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.
Thật ra văn bản dày 48 trang mà các nhà thương thuyết đạt được còn rất nhiều điểm mà các bộ trưởng của nhiều nước phải đạt được đồng thuận, để từ đây đến ngày kết thúc hội nghị 11/12 có thể thông qua một hiệp định, áp dụng cho toàn cầu về việc hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trong số những điểm chưa được quyết định, có mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất, chưa biết là nên giữ ở mức 2° C, hay giảm xuống còn 1,5°C như yêu cầu của nhiều đảo quốc nhỏ.
Việc tài trợ cho các nước phía Nam để thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như việc phân chia nỗ lực chống biến đổi khí hậu giữa các nước phát triển và đang phát triển vẫn là những điểm gay go nhất, mà các bộ trưởng sẽ phải giải quyết trong những ngày tới.
Các nước phía Nam thì muốn hiệp định phải ghi rõ khoản tiền 100 tỷ đôla/năm được hứa từ đây đến 2020 để giúp họ thích ứng với biến đổi khí hậu chỉ là một bước khởi đầu. Trong khi đó, các nước phía Bắc không muốn là chỉ có họ bỏ tiền ra. Thái độ này đã gặp sự phản đối của các nước phát triển, đòi là các nước giàu phải thực hiện đúng cam kết.
Bên lề hội nghị COP21 hôm nay, nhiều nhân vật tên tuổi trên thế giới đã tham gia sự kiện gọi là Ngày Hành động (Action Day) để thúc đẩy công cuộc chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Sau Leonardo de Caprio và Robert Redford hôm qua, hôm nay đến lượt một ngôi sao điện ảnh khác của Mỹ, Sean Penn là một trong những khách mời của hội nghị COP21.
Tổng thống François Hollande sẽ bế mạc Ngày Hành động và cũng sẽ tiếp cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore, người đã từng đoạt giải Nobel năm 2007 cùng với Nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu GIEC. - RFI
|
|
2.
Malaysia: Thủ tướng bị thẩm vấn vì tình nghi tham nhũng
Các quan chức cơ quan chống tham nhũng của Malaysia hôm nay, 05/07/2015, đã thẩm vấn Thủ tướng Najib Razak trong khuôn khổ cuộc điều tra về việc chuyển những khoản tiền tổng cộng 2,6 tỷ ringgit (615 triệu đô la) từ một một quỹ của Nhà nước vào các tài khoản ngân hàng của ông.
Vụ tai tiếng tài chính này đã bị phanh phui vào tháng 7 khi tờ nhật báo Mỹ The Wall Street Journal loan tin là các nhà điều tra đang tập trung điều tra một quỹ của Nhà nước, 1Malaysia Development Berhad (1MDB), vì họ thấy có nhiều khoản tiền từ quỹ này được chuyển vào tài khoản cá nhân của Thủ tướng Razak.
Những người chỉ trích Thủ tướng Malaysia tố cáo chính phủ can thiệp vào cuộc điều tra và họ đã yêu cầu ông Razak phải từ chức, vì ông đã không giải thích một thỏa đáng những khoản tiền đó là từ đâu, tại sao được trả cho ông và đã được sử dụng như thế nào.
Cho tới nay, Thủ tướng Razik, cũng là chủ tịch hội đồng cố vấn quỹ 1MDB vẫn khẳng định là ông không hề làm điều gì sai trái và cũng không bỏ túi riêng một đồng nào từ quỹ của Nhà nước.
Trước Quốc hội, chính phủ Kuala Lumpur cũng đã lập lại lời giải thích đó, thế nhưng theo hãng tin Reuters, không chỉ những người chỉ trích Thủ tướng, mà đa số người dân Malaysia đều không thỏa mãn với cách trả lời như trên và đặc biệt họ ghi nhận là ông Razak đã không thể kiện được tờ The Wall Street Journal.
Trong bản thông cáo đưa ra hôm nay, Uỷ ban chống tham nhũng Malaysia hứa là sẽ tường trình cho người dân về diễn tiến cuộc điều tra.
Không chỉ ở Malaysia, mà quỹ 1MDB còn bị ngành tư pháp ở Thụy Sĩ, Hồng Kông và Hoa Kỳ điều tra. - RFI
|
|
3.
Canada hợp pháp hóa cần sa
Canada sẽ là quốc gia đầu tiên của khối G7 hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa, một loại ma túy được coi là nhẹ.
Theo AFP, hôm qua 04/12/2015, Trong diễn văn về chính sách chung tân chính phủ, Thủ tướng Justin Trudeau, loan báo chính phủ sẽ thông qua "một số quy định pháp lý... hợp thức hóa việc sử dụng và điều chỉnh việc tiêu thụ cần sa, đồng thời giới hạn các khả năng tiếp cận với chất này".
Hợp pháp hóa cần sa từng là một trong các hứa hẹn tranh cử của ông Justin Trudeau, thủ tướng tương lai. Ông Justin Trudeau từng gây bất ngờ với tuyên bố đã hút cần sa "khoảng năm, sáu lần", trong đó có một lần vào năm 2010, khi ông là nghị sĩ Quốc hội.
Cách nay hơn 10 năm, nỗ lực hợp pháp hóa cần sa của chính phủ Canada đã không thành công, do áp lực của Mỹ. Còn hiện tại, bốn tiểu bang Hoa Kỳ đã hợp pháp hóa cần sa. Những người ủng hộ việc hợp pháp hóa tại Canada cho rằng biện pháp này có thể là mang lại một nguồn thu đáng kể.
Theo nhiều chuyên gia, mặc dù là một loại ma túy nhẹ, tác hại của cần sa là không thể được xem thường. Các hiểm họa cần chú ý là: nguy cơ gây nghiện (khoảng 3% người sử dụng, so với 80% người dùng thuốc lá), nguy cơ ảnh hưởng xấu đến trí tuệ, đặc biệt với thiếu niên. Độ độc hại của nhựa thuốc và monoxit carbon (CO) cao hơn nhiều so với thuốc lá (gấp 6 đến 7 lần) (theo l'Express).
Cùng với giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, hay thiết lập sắc thuế đánh vào cacbon, hợp thức hóa cần sa nằm trong một loạt các biện pháp, nhằm mang lại "một thay đổi thực sự" tại quốc gia Bắc Mỹ này, như hứa hẹn của tân chính phủ đảng Tự do thiên tả Canada, sau 10 năm cầm quyền của đảng Bảo thủ. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Tổng thống Obama: 'Chúng ta sẽ không bị khủng bố'
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm nay nói rằng “Chúng ta sẽ không bị khủng bố,” khi ông nói về vụ nổ súng giết người bừa bãi của một cặp vợ chồng tại một văn phòng của sở xã hội ở California hôm thứ tư.
Trong diễn văn hàng tuần phát thanh hôm nay, ông Obama nói “Chúng ta sẽ bảo vệ các giá trị của mình – của một xã hội tự do và cởi mở.”
Nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu như vậy một ngày sau khi Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) chính thức điều tra vụ xả súng ở San Bernadino như một hành vi khủng bố.
Phó giám đốc văn phòng Los Angeles của FBI, ông David Bowdich, cho biết một số bằng chứng cho thấy đây là một hành động khủng bố, kể cả những chỉ dấu cho thấy vụ này được trù hoạch một cách rất kỹ lưỡng.
Ông Bowdich không nói tới những bằng chứng cụ thể, nhưng cho biết những bằng chứng bao gồm những chiếc điện thoại di động bị đập dẹp mà giới hữu trách tìm thấy trong một thùng rác gần nơi xảy ra vụ thảm sát. Ông nói có những “sự liên hệ qua điện thoại” giữa các nghi can với những người khác, và những chiếc máy điện thoại này có thể mang lại những manh mối quan trọng.
Ông Bowdich cho biết ông đã xem thông điệp trên trang Facebook của Tashfeen Malik, người vợ trong cặp vợ chồng hung thủ, trong đó người phụ nữ gốc Pakistan này cam kết trung thành với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Tin nhắn này rõ ràng được đăng trên Facebook vào khoảng cùng thời gian vụ nổ súng bắt đầu nhưng ông Bowdich nói ông không thể cung cấp thêm thông tin về việc này.
Trong chương trình phát thanh hôm nay, nhóm Nhà nước Hồi giáo nói cặp vợ chồng bắn chết 14 người ở San Bernardino là “những người ủng hộ” của nhóm khủng bố này. Đài phát thanh al-Banyan nói “Chúng tôi cầu xin Thượng Đế nhận họ như những vị tử đạo.”
Giám đốc FBI, ông James Comey, nói không có chỉ dấu cho thấy cặp vợ chồng này là một phần của một tổ hoặc một mạng lưới khủng bố.
Những lời cam kết trung thành với thủ lãnh Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Badhdadi đã được đăng trên truyền thông xã hội bởi những kẻ thực hiện những vụ giết người tập thể. Một số người ủng hộ Nhà nước Hồi giáo đã đăng tin nhắn trên các trang mạng xã hội Ả Rập để tán dương vụ thảm sát ở California và chúc mừng những kẻ sát nhân. Một số người trong số đó còn hứa thực hiện thêm những vụ tấn công ở Mỹ.
Trong khi đó, tại một cuộc họp báo hôm qua, hai luật sư đại diện cho cặp vợ chồng hung thủ -- Syed Farood và Tashfeen Malik, đã chỉ trích giới truyền thông về điều mà họ cho là vội vã nói rằng đây là một vụ tấn công khủng bố chỉ vì những kẻ nổ súng giết người là người theo đạo Hồi. - VOA
|
|
5.
Xã luận hiếm hoi đòi cấm súng trên trang nhất New York Times
Vụ thảm sát tại San Bernardino, tiểu bang California (Hoa Kỳ), tiếp tục gây chấn động trong công luận Mỹ. Vào hôm nay, 05/12/2015, lần đầu tiên từ gần 100 năm nay, nhật báo có uy tín tại Mỹ, tờ The New York Times, đã đăng một bài xã luận trên trang nhất, kêu gọi nghiêm cấm các loại vũ khí được dùng trong vụ thảm sát ngày 02/12 vừa qua.
Trong bài xã luận mang tựa đề "The Gun Epidemic" (Dịch vũ khí), tờ báo cho rằng: "Nên cấm bán cho dân thường một số loại vũ khí, chẳng hạn như loại súng trường tác chiến có cải biến chút ít được dùng ở California, và một số loại đạn dược". Theo New York Times, với một lệnh cấm như vậy, người dân sở hữu các loại vũ khí đó "sẽ được yêu cầu giao nộp súng ống mình có vì lợi ích của đồng hương".
Hai thủ phạm vụ thảm sát 14 người tại California đã dùng loại súng trường cỡ nòng 0,223 mà họ đã mua một cách hoàn toàn hợp pháp. Ngoài ra, họ còn sở hữu nhiều khẩu súng ngắn bán tự động.
Vụ thảm sát tại San Bernardino đã được cơ quan FBI xem là một "hành vi khủng bố", nhưng đối với The New York Times, phải coi là khủng bố tất cả các vụ dùng súng giết người hàng loạt khác xẩy ra trên đất Mỹ.
Đây là lần đầu tiên từ năm 1920 đến nay mà tờ báo có uy tín nhất nhì tại Mỹ này cho đăng trên trang nhất của mình một bài xã luận. Lời kêu gọi hạn chế việc sử dụng súng được nhắc lại trong bối cảnh tranh cãi về quyền sở hữu súng, được Hiến pháp Mỹ bảo đảm, vẫn trở đi trở lại mỗi khi nổ ra những vụ bắn giết gây ít nhiều chấn động.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ hơn việc sở hữu súng đạn, nhưng những đề xuất của ông luôn luôn bị các thành phần chống đối thuộc đảng Cộng hòa trong Quốc hội ngăn chặn. - RFI
|
|
Tin Việt Nam
6.
“Việt Nam lấy tiền đâu để phát triển nhanh, bền vững?” [LMN: Ông Dũng trả lời là muốn lấy tiền của 92 triệu dân trong nuớc và 4,5 triệu đồng bào nước ngoài - nhưng quyền dân thì sao?]
Đây là câu hỏi được Giám đốc World Bank Việt Nam đặt ra cho Thủ tướng giữa bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn. Thủ tướng khẳng định, câu trả lời chính là huy động nguồn lực xã hội, và quyết định thành bại của sự nghiệp phát triển chính là nhân dân.
Doanh nghiệp Việt vẫn mong manh, yếu ớt
Tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) diễn ra sáng nay (5/12), đồng chủ tọa diễn đàn – Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa đã băn khoăn đặt câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu ra để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới?”
Bởi theo phân tích của đại diện World Bank, khi các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần, Việt Nam sẽ phải dựa vào nguồn thu trong nước là chính. Trong khi đó, tỉ lệ thu ngân sách nhà nước trên GDP đã cho thấy xu thế giảm trong 5 năm qua, từ 27% xuống còn 21%.
Theo bà Kwakwa, việc tăng cường huy động nguồn thu nội địa, tiết kiệm chi tiêu sẽ là yếu tố quan trọng giúp hoàn thành các mục tiêu phát triển mà không chịu rủi ro mất bền vững nợ. Ngoài ra, World Bank cũng đề nghị, nguồn vốn ODA phải được Việt Nam sử dụng hiệu quả hơn nhằm thu hút vốn tư nhân.
Theo đánh giá nêu tại một báo cáo được Chủ tọa VDPF công bố sáng nay thì sau 30 năm xây dựng nền kinh tế thị trường, khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn yếu và mong manh. Cụ thể, 97% doanh nghiệp tư nhân trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều đáng lo hơn là khi các doanh nghiệp tư nhân gia tăng quy mô thì lại kém hiệu quả hơn.
Nghiên cứu của World bank cho thấy, doanh thu trên tài sản và doanh thu trên lao động của các doanh nghiệp có trên 300 nhân công lại thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp có dưới 100 nhân công.
Nhân dân là người quyết định thành bại của sự nghiệp phát triển
Trước những góp ý trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam không hề thỏa mãn và chủ quan với những kết quả đạt được trong 5 năm vừa qua. Thủ tướng thẳng thắn: “Chúng tôi nghiêm túc nhận thấy rằng, kinh tế Việt Nam còn nhiều hạn chế, khó khăn, yếu kém, chưa đạt như mong muốn”.
Đi thẳng vào câu hỏi “lấy vốn đâu để phát triển nhanh, bền vững”, Thủ tướng cho rằng, câu trả lời chính là việc thực hiện đầy đủ thể chế kinh tế thị trường, hiện đại, hiệu quả.
Theo Thủ tướng, với việc hoàn thiện kinh tế thị trường, Việt Nam sẽ huy động hiệu quả nguồn lực xã hội với 92 triệu dân; 4,5 triệu đồng bào đang định cư ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ luôn ưu tiên khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, mà cụ thể ở đây là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Chúng tôi coi nhân dân chúng tôi là người quyết định thành công hay thất bại của sự nghiệp phát triển. Chúng tôi tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho người dân và coi đây là nội lực của đất nước, của nền kinh tế” – Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng khẳng định, theo luật Ngân sách mới, trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ giữ bội chi ngân sách nhà nước dưới 4%/năm. Đồng thời, bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn, gắn liền với việc sử dụng hiệu quả đầu tư công.
“Việt Nam dứt khoát bảo đảm an ninh của nền tài chính quốc gia, bảo đảm an toàn nợ công từ việc vay nợ cho đến sử dụng hiệu quả nợ công. Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội từ bài học đổ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội từ một số quốc gia trên thế giới” - người đứng đầu Chính phủ quả quyết.
Để bảo đảm thể chế kinh tế thị trường, Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam cải cách để thị trường đất đai, khoáng sản dễ tiếp cận hơn, bình đẳng, công khai, minh bạch hơn và được sử dụng hiệu quả hơn. Tương tự với thị trường vốn và các loại thị trường khác. - dantri
No comments:
Post a Comment