Sunday, December 20, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 20/12

Tin Thế Giới

1.
Tây Ban Nha tiến hành bầu cử Quốc hội

Cử tri Tây Ban Nha hôm nay đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử lập pháp được các nhà phân tích gọi là "mang tính lịch sử".

Hai chính đáng mới – Đảng Ciudadanus chủ trương ôn hòa, và Đảng Podemos chủ trương chống kiệm ước – có phần chắc sẽ tranh đua với các chính đảng hàng đầu lâu nay, là hai Đảng Xã hội và Đảng Nhân dân theo chủ trương bảo thủ của Thủ tướng Mariao Rajoy.

Các nhà phân tích dự đoán Đảng Nhân dân sẽ giành được tỉ lệ phiếu bầu lớn, nhưng không giành được tỉ lệ đa số tuyệt đối, buộc đảng đương quyền này phải thành lập liên minh.

Số phiếu bầu cho ba đảng còn lại được dự đoán hầu như sẽ đồng đều, tạo cho các chính đảng mới những ảnh hưởng chính trị chưa từng có trên chính trường Tây Ban Nha.

"Chuyển biến lớn trong hệ thống chính trị Tây Ban Nha được trắc nghiệm bằng tỉ lệ cử tri đi bầu dự kiến lên đến 80%, so với 69% trong cuộc bầu cử năm 2011," các nhà phân tích tại Unicredit nhận định.

Kinh tế Tây Ban Nha theo trông đợi sẽ đạt tăng trưởng 3% trong năm nay, một tỉ lệ tăng trưởng mà nhiều nước láng giềng Âu Châu thèm muốn, nhưng Tây Ban Nha vẫn chìm trong tỉ lệ thất nghiệp cao và khoảng cách thu nhập bất bình đẳng. - VOA
|
|

2.
Nữ sinh viên Tây Ban Nha đoạt vương miện Hoa hậu Thế giới 2015

Chiếc vương miện "Hoa hậu Thế giới 2015" đã đuợc trao cho người đẹp Tây Ban Nha Mireia Lalaguna trong cuộc thi lần thứ 65 tổ chức vào đêm thứ Bảy 19/12/2015, tại thành phố Tam Á, đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Cô sinh viên ngành dược khoa, đại học Barcelona, đã đánh bại 113 đối thủ mỹ nhân địa cầu. Mireia Lalaguna tuyên bố "được kết quả này là nhờ vào tình yêu thương ủng hộ của gia đình, của những người mà tôi đã gặp và mong ước thành công. Tôi muốn chứng tỏ với mọi người là tôi xứng đáng với danh hiệu hoa hậu thế giới và tôi sẽ làm cho tất cả hãnh diện".

Á hậu thế giới 2015 là hoa hậu người Nga Sofia Nikitchouk. Hạng ba là người đẹp Indonesia Maria Harfani. Cuộc thi hoa hậu diễn ra tại Trung Quốc không hẳn là thành công tốt đẹp. Chính quyền Trung Quốc không cấp visa cho hoa hậu Canada đến tham dự.

Cô Anastasia Lin - Lâm Gia Phàm đã tố cáo chính quyền Trung Quốc trả thù cá nhân vì các hoạt động chống đàn áp nhân quyền tại Trung Quốc. Không riêng cá nhân cô sinh viên gốc Canada bị trừng phạt mà thân nhân ở Hoa lục cũng bị hù dọa.

Hoa hậu Pháp 2016

Tại Pháp, trong hai năm liên tiếp, người đẹp vùng Nord - Pas de Calais đoạt vương miện hoa hậu. Người đoạt giải năm nay là Iris Mittenaere, 22 tuổi, sinh viên Nha khoa năm thứ năm. Còn lần trước là cô Camille Cerf cũng là hoa hậu đến từ vùng Nord - Pas de Calais.

Cuộc thi Hoa hậu Pháp hàng năm thu hút gần 9 triệu khán giả truyền hình. Chủ tịch ban giám khảo xướng tên thí sinh trúng giải trong đêm thứ Bảy 19/12/2015 là nhà thiết kế thời trang lừng danh Jean Paul Gaultier. - RFI
|
|

3.
Lở đất Thâm Quyến: hơn 40 người mất tích

Ít nhất 41 người mất tích, hàng trăm người sơ tán sau trận lở đất làm sập hơn hai chục ngôi nhà ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hôm Chủ nhật.

Trận lở đất xảy ra lúc 11h40 giờ địa phương (3:40 GMT) hôm 20/12/2015 khiến ít nhất 22 tòa nhà bị sập trong đó có 15 công ty ở một khu công nghiệp.

Ít nhất 900 người đã được sơ tán khỏi khu vực bị ảnh hưởng, theo BBC Tiếng Trung.

7 người đã được các lực lượng cứu hộ đưa khỏi các khu đổ nát mà chỉ bị thương nhẹ hoặc không có thương tích nào.

Khoảng 1.500 nhân viên cứu hỏa đã được gửi tới hiện trường, trong lúc nhà chức trách địa phương đang chuẩn bị tiến hành một cuộc họp báo, một thông báo trên trang mạng Sina Weibo cho hay lúc 16h48 giờ địa phương (08:48 GMT).

Trận lở đất được cho là đã dẫn tới một số vụ nổ ga làm ảnh hưởng tới nhiều tòa nhà, tuy nhiên các nguyên nhân chính vẫn còn chưa được công bố chính thức.

Sập nhà

Những hình ảnh từ hiện trường cho thấy đất bùn tràn ngập đường phố và khói bốc lên cuồn cuộn phía trên các đống đổ nát.

Các lực lượng cứu hoả của thành phố Thâm Quyến đã xác nhận trên truyền thông xã hội thời điểm xảy ra biến cố.

Hiện chưa rõ về con số thương vong, tuy nhiên giới chức cứu hộ nói một số nạn nhân đã được kéo ra khỏi đống đổ nát bên trong một khu công nghiệp.

Trước đó, ông Ngô Nghi, phó cảnh sát trưởng Thẩm Quyến nói với kênh truyền hình nhà nước CCTV rằng có tổng số 17 khối nhà đã bị sập.

Hai trong số đó là ký túc xá của công nhân.

Ông Ngô nói hầu hết mọi người đã thoát được ra, nhưng không cho biết còn bao nhiêu người bị mắc kẹt trong đống đổ nát. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Tranh cử Mỹ: Bà Clinton tiếp tục dẫn điểm --- Các ứng viên đảng Dân chủ tập trung vào vấn đề kinh tế, chống IS

Bernie Sanders đã xin lỗi Hillary Clinton, người đang cùng chạy đua giành vị trí ứng viên tranh cử tổng thống Hoa Kỳ của Đảng Dân chủ, sau khi nhân viên của ông đánh cắp các dữ liệu bầu cử giá trị từ chiến dịch vận động tranh cử của bà.

"Đây không phải là kiểu vận động tranh cử mà chúng tôi thực hiện," ông nói trong cuộc tranh luận trên truyền hình.

Các ứng viên đã cùng chỉ trích gương mặt hiện đang dẫn đầu trong cuộc đua ở phe Cộng hoà, Donald Trump, về việc ông này kêu gọi cấm người Hồi giáo vào Mỹ.

Tuy nhiên, họ đã tranh cãi nhau quanh vấn đề Syria, và ông Sanders cáo buộc bà Clinton đang dẫn tới việc làm thay đổi chế độ, trong lúc bà Clinton nói rằng vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ là cần thiết.

Cựu thống đốc bang Maryland, Martin O'Malley cũng tham gia cuộc tranh luận được tổ chức tại Manchester, New Hampshire.

Vị cựu ngoại trưởng hiện vẫn đang dẫn điểm so với các đối thủ khác.

Trong vấn đề Syria, bà nói rằng Hoa Kỳ cần phải tìm cách loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad khỏi quyền lực.

"Nếu Hoa Kỳ không dẫn đầu thì sẽ chẳng còn ai khác," bà nói.

Tuy nhiên, ông Saunder lập luận rằng Hoa Kỳ trước tiên cần tập trung vào việc đánh bại nhóm được gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS).

"Loại bỏ những kẻ độc tài là chuyện dễ thôi, nhưng quý vị phải nghĩ tới việc điều gì sẽ xảy ra trong những ngày sau đó," ông nói.

Cả hai nhà diễn thuyết chính đều dùng những lời lẽ mạnh mẽ đối với ông Trump; bà Clinton gọi ông là '"kẻ tuyển mộ" lớn nhất của IS và nói ông đã dùng "niềm tin mù quáng và sự khoác lác ồn ào để kích động mọi người".

Cuộc tranh luận vừa rồi là cuộc tranh luận đầu tiên của các ứng viên Dân chủ kể từ khi có 14 người bị một cặp vợ chồng, mà giới chức nói là bị cực đoan hoá, giết chết.

Cả ba ứng viên đều nói rằng điều quan trọng là phải hợp tác chặt chẽ hơn với các cộng đồng người Mỹ Hồi giáo để xử lý tình trạng cực đoan ngay từ trong gia đình.

Tiếp cận thông tin

Bernie Sander thừa nhận là có hai lần chiến dịch vận động của ông nhìn được các dữ liệu thuộc sở hữu của chiến dịch vận động của bà Hillary Clinton do các vi phạm về máy tính.

Ông nói đây là do lỗi của công ty bán lẻ phần mềm, và lần vi phạm mới nhất có liên quan tới hành vi không thích hợp của một trong số các nhân viên của ông, người nay đã bị sa thải.

Ông nói việc Đảng Dân chủ ra quyết định tạm ngưng việc để chiến dịch vận động của ông tiếp cận tới cơ sở dữ liệu có tính chiến lược vô cùng quan trọng là "hành động quá nặng".

Chiến dịch của ông Sanders hôm thứ Sáu đã đệ đơn phản đối một uỷ ban của Đảng Dân chủ lên một toà án liên bang nhằm phục hồi quyền tiếp cận các dữ liệu cử tri.

Các thông tin có tầm quan trọng chiến lược về cử tri có trong cơ sở dữ liệu này thường được các ứng viên dùng để ra quyết định về chiến lược vận động tranh cử.

Dữ liệu này có vai trò vô cùng quan trọng bởi các chiến dịch tranh cử đang chuẩn bị cho kỳ bỏ phiếu sơ bộ, sẽ diễn ra chỉ trong vòng hơn một tháng nữa. - BBC

***
Các ứng cử viên tổng thống của Ðảng Dân chủ nói rằng trong cuộc tranh luận cuối cùng trong năm nay, họ sẽ tập trung vào hai vấn đề ưu tiên hàng đầu là kinh tế Mỹ và đánh bại Nhà nước Hồi giáo.

Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders nói rằng Hoa Kỳ không thể được xem như là cảnh sát của thế giới, và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo cần phải có một liên quân, trong đó có Nga và quân đội của các nước Hồi giáo trong khu vực.

"Chủ trương của tôi là biến kế hoạch này thành hành động, đó là nói với Ả Rập Xê-út rằng thay vì tham chiến ở Yemen, Ả Rập Xê-út, một trong những nước giàu nhất trái đất, phải tham gia cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo, nói với Qatar rằng thay vì đổ 200 tỉ đôla vào World Cup, họ có thể chú ý vào Nhà nước Hồi giáo đang ở ngay thềm cửa của họ."

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đồng tình với một nỗ lực liên quân.  Bà nói rằng cần phải có sự hợp tác của các lực lượng người Kurd và lực lượng người Sunni. Bà Clinton nói sẽ là một lỗi chiến lược nếu lại phái bộ binh đến thực địa, vì "đó chính xác là điều mà các phần tử chủ chiến muốn thấy."

Ứng cử viên thứ ba, cựu Thống đốc bang Maryland Martin O'Malley nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thành lập một liên minh mới để đối phó với những mối đe dọa mới, và ông chỉ ra những thành tích mà Liên hiệp Phi châu đã thực hiện được tại Somalia.

Trước cuộc tranh luận sẽ diễn ra tại bang New Hampshire ở miền đông bắc, các cuộc thăm dò dư luận toàn quốc cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Sanders hơn 20 điểm, kém tỉ lệ ở bang Iowa một ít. Iowa là bang mà cử tri sẽ có tiếng nói đầu tiên trong cuộc đua vào ngày 1 tháng 2. Ông Sanders dẫn trước đôi chút trong các cuộc thăm dò tại bang New Hampshire, bang sẽ bỏ phiếu vào ngày 9 tháng 2. Ông O'Malley được sự ủng hộ với tỉ dưới 10% trong tất cả các cuộc thăm dò.

Bà Clinton, một mục tiêu thường xuyên bị nhắm tấn công trong các cuộc tranh luận của phe Cộng hòa, gọi ông Donald Trump, người dẫn đầu bên Ðảng Cộng hòa là "nhà chiêu mộ binh sĩ giỏi nhất" cho Nhà nước Hồi giáo. Bà nói việc đáp lại những đe dọa khủng bố bằng "sự cố chấp" không phải là lợi ích tốt nhất của đất nước. Bà nói điều quan trọng là phải bảo đảm không để cho người Hồi giáo cảm thấy bị gạt ra ngoài lề ngay vào thời điểm mà nước Mỹ cần đến họ nhất. Bà đã dẫn chứng những bài học sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001.

"Một trong những điều hay nhất đã làm được và do Tổng thống George W. Bush làm, và tôi đánh giá cao là tìm đến người Mỹ Hồi giáo và nói rằng tất cả chúng ta đều trong cùng cảnh ngộ này với nhau, qúy vị không phải là kẻ thù của chúng tôi, quý vị là đối tác của chúng tôi. Và chúng ta cũng cần phải bảo đảm rằng những thông điệp mang tính chia rẽ thực sự mà ông Trump gởi đi khắp thế giới không được tiếp thu."

Bà Clinton cũng nói rằng cần phải tăng cường kiểm tra lý lịch những người muốn đến Mỹ xin tị nạn, còn ông O'Malley nói rằng nếu cuộc khủng hoảng người tị nạn trở nên tệ hại hơn, Hoa Kỳ thậm chí sẽ phải nhận nhiều người tị nạn hơn nữa.

Kinh tế 

Cả ông Sanders lẫn ông O'Malley đều theo chủ trương đả phá các ngân hàng lớn nhất của Mỹ.  Hai ông nói rằng các ngân hàng đó giữ một vai trò tiêu cực trong nền kinh tế quốc gia. Ông Sanders, người tự hào đã gây quỹ từ các cá nhân thay vì từ những doanh nghiệp lớn, nói rằng cần phải có biện pháp đối phó với "thái đội coi thường và bất hợp pháp" của Wall Street và cần phải nâng mức lương tối thiểu trong nước lên.

Bà Clinton cũng cho rằng cần phải nâng mức lương tối thiểu lên để người người dân cảm thấy công sức lao động của họ được đền trả tương xứng thay vì cảm thấy hệ thống kinh tế "bị lũng đoạn."  Bà cũng nói đến ý định sẽ tiếp tục xây dựng sáng kiến hệ thống chăm sóc sức khỏe thành công của Tổng thống Obama, nhưng bà nói là chưa có đủ sự cạnh tranh và cơ chế kiểm soát các công ty bảo hiểm y tế, và giá thành đã tăng lên quá cao.

Ông Sanders bênh vực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ông dẫn chứng chi phí y tế bình quân đầu người tại Mỹ cao hơn cả những nước như Anh và Pháp. Ông cũng tố cáo các công ty dược phẩm "mua chuộc" Quốc hội.

Vấn đề kiểm soát súng cũng được ba ứng cử viên hết sức quan tâm. Ông Malley chỉ trích hồ sơ của ông Sanders và cho rằng quan điểm của bà Clinton không nhất quán. Bà Clinton nói bà đồng ý về việc cần phải có một cảm nhận chung về các biện pháp kiểm soát súng ống, và phe Cộng hòa sẽ thậm chí không chấp nhận là vấn đề này hiện hữu. Ông Sanders nói rằng sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có một sự nhất trí. Ông nói ông sẽ đứng lên chống phe vận động cho súng.

Ông Sanders xin lỗi

Trước cuộc tranh luận, ông Sanders được yêu cầu phải trả lời về việc một nhân viên trong nhóm vận động tranh cử của ông xâm nhập kho dữ liệu cử tri của phe bà Clinton, và ông đã lên tiếng xin lỗi.  Bà Clinton chấp nhận và nói rằng điều quan trọng là hướng tới phía trước. Ông O'Malley cũng nói rằng có những vấn đề lớn hơn và những cãi vả là chuyện gây xao lãng trong chính phủ. - VOA
|
|

5.
'Máy bay ném bom Mỹ không cố ý bay gần đảo nhân tạo ở Biển Đông'

Một người phát ngôn của Ngũ giác đài hôm thứ Bảy 19/12 nói rằng hai máy bay ném bom B-52 không cố ý bay gần một đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông hồi tuần trước.

Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ thực hiện điều họ gọi là “một hành vi khiêu khích quân sự nghiêm trọng” qua việc điều oanh tạc cơ B-52 bay qua những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông hôm 10 tháng 12, và nói rằng hành động của Mỹ dẫn đến những "điều kiện quân sự " giữa hai nước.

Nhưng phát ngôn viên Mark Wright nói trong một e-mail gởi cho hãng thông tấn AP rằng "không có chủ đích bay trong phạm vi 12 hải lý của bất cứ công trình nào."

"Hoa Kỳ thường xuyên thực hiện các cuộc diễn tập bằng máy bay ném bom B-52 trong khắp khu vực, trong đó có Biển Đông ," ông Wright viết trong e-mail.  "Các cuộc diễn tập này là nhằm duy trì sự sẵn sàng, và thể thể hiện cam kết của chúng tôi đối với tự do hàng không và hàng hải tại bất cứ nơi đâu được luật quốc tế cho phép."

Bình luận này lập lại tuyên bố hôm thứ sáu của Trung tá Hải quân Mỹ Bill Urban rằng Hải quân thường xuyên thực hiện những cuộc huấn luyện trong khu vực.

Ông Urban nói thêm rằng chuyến bay đó không phải là một hoạt động “tự do hàng hải,” hàm ý rằng chuyến bay có thể đã bay chệch hướng.

Hoạt động tự do hàng hải được thực hiện để thách thức điều mà Hoa Kỳ tin là những yêu sách chủ quyền quá đáng của những nước khác.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã ráo riết xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và thiết lập các cơ sở trên những hòn đảo đó, làm bùng ra những mối quan tâm của Mỹ và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Trung Quốc: Tình hình biển Đông vẫn ổn định --- Việt Nam và Trung Quốc khảo sát chung ở Vịnh Bắc Bộ

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm nay tuyên bố rằng tình hình ở biển Đông vẫn “tương đối ổn định”, đồng thời thúc giục các quốc gia ngoài khu vực giúp đỡ duy trì tình trạng như vậy, thay vì thổi bùng cuộc xung đột ở đó.

Ngoài Việt Nam, Trung Quốc và Philippines, một số các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền tại biển Đông.

Tuần này, quân đội Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận tại đó. Tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu đã mô phỏng cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào các tàu này.

Ông Nghị nói trong chuyến thăm Berlin: “Một số quốc gia bên ngoài khu vực quan ngại về khu vực này, và chúng tôi hoàn toàn hiểu điều đó, nhưng tôi nghĩ rằng các nước này cần phải hỗ trợ nỗ lực duy trì khu vực này ổn định thay vì làm nghiêm trọng thêm tình hình, hay khiến các nước chống lại nhau”.

Mới đây, chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cảnh báo về khả năng chạy đua vũ trang ở biển Đông, và điều đó có thể “nhấn chìm” khu vực vì nhiều nước ngày càng mong muốn sử dụng quân lực để giải quyết tranh chấp.

Trong khi đó, Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ thực hiện điều họ gọi là “một hành vi khiêu khích quân sự nghiêm trọng” qua việc điều oanh tạc cơ B-52 bay qua những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông.

Một thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay nói rằng khi vụ việc xảy ra vào ngày 10 tháng 12 họ đã cảnh cáo đòi máy bay Mỹ bay đi nơi khác.

Trung Quốc nói rằng hành động đó của Mỹ tạo ra điều họ gọi là “tình thế quân sự hoá” giữa hai nước. Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông. - VOA

***
Bắc Kinh và Hà Nội hôm nay đã khởi động việc khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.

Mục tiêu của việc khảo sát chung là phục vụ công tác phân định ranh giới thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam-Trung Quốc cũng như hợp tác cùng phát triển tại vùng biển được coi là giàu tài nguyên này.

Việt Nam và Trung Quốc đạt thỏa thuận về việc khảo sát chung trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Việt Nam hồi tháng 11.

Hai quốc gia đã thương thảo về cách thức phân giới và phát triển vùng nước ở cửa Vịnh Bắc Bộ kể từ năm 2012.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng việc khởi động này cho thấy hai nước “cam kết giải quyết các khác biệt về lãnh hải thông qua hợp tác một cách thích hợp”. - VOA

No comments:

Post a Comment