Friday, December 25, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 25/12

KÍNH CHÚC QUÝ ANH CHỊ MỘT GIÁNG SINH AN LÀNH

Tin Thế Giới

1.
Đức Giáo Hoàng kêu gọi hòa giải trong thông điệp Giáng sinh --- Ít người dự lễ Đêm Giáng Sinh năm nay ở Bethlehem

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi hòa giải giữa các cộng đồng rạn nứt trong thông điệp Giáng sinh năm nay khi ông đứng trước hàng ngàn người tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Rome.

Đức Giáo Hoàng đã đưa ra phát biểu trên trong thông điệp Urbi et Orbi truyền thống hằng năm, “cho thành phố và cho thế giới”.

Thông điệp của ông có sức hấp dẫn toàn cầu trong một năm chứng kiến sự lớn mạnh của Nhà nước Hồi giáo và một dòng người tị nạn đến từ Trung Đông, xung đột sắc tộc ở châu Phi, các cuộc tấn công khủng bố ở Tây Âu và Hoa Kỳ, và các mối quan tâm về nhân đạo ở các quốc gia giàu có khi những người tị nạn từ các khu vực xung đột bạo lực và khổ sở về kinh tế đi tìm nơi an toàn, ổn định hơn để sinh sống.

Phát biểu hôm thứ Sáu trước hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô dưới bầu trời xanh không một gợn mây, Đức Giáo Hoàng nói, “Nơi Thiên Chúa sinh ra là nơi hy vọng sinh ra”.

Ông kêu gọi nối lại hòa bình ở những nơi có xung đột như Israel và các phần đất của người Palestine, và kêu gọi  mọi người sống hòa hợp với nhau.

Ông nói ông cầu nguyện cho Liên Hiệp Quốc thành công trong việc ngăn chặn cuộc xung đột ở Syria và trợ giúp cho những nỗ lực cứu trợ ở đó.

Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế làm việc để chấm dứt những tội ác ở Libya, Iraq, Yemen và các nước Phi châu ở phía nam sa mạc Sahara.

Đức Giáo Hoàng kêu gọi chú ý đến các nạn nhân gần đây của chủ nghĩa khủng bố ở Ai Cập, Lebanon, Pháp, Mali và Tunisia. Ông gọi những người thiệt mạng trong các cuộc tấn công khủng bố là “các thánh tử đạo của ngày hôm nay”.

Và ông đã cầu nguyện cho hòa bình và hòa hợp giữa các dân tộc của Cộng hòa Dân chủ Congo, Burundi, và Nam Sudan với hy vọng rằng đối thoại có thể dẫn đến “sự hiểu biết lẫn nhau”. - VOA

***
Rối loạn tiếp diễn đã phủ bóng mờ lên những lễ hội mừng Giáng Sinh ở Bethlehem, nơi do Thẩm quyền Palestine cai trị. Tại Quảng trường Máng lừa, số người đến dự lễ năm nay khá thưa thớt.

Các lễ hội mừng Giáng Sinh tại thành phố Bethlehem ờ Bờ Tây đã được mở màn với một cuộc tuần hành của các hướng đạo sinh Palestine qua Quảng trường Máng lừa.

Nhưng bầu không khí lễ hội không được tưng bừng như mọi năm: đợt bạo động kéo dài trong 3 tháng nay giữa người Palestine và Israel đã làm cho nhiều tín đồ Cơ đốc giáo và du khách không đến nơi chào đời của Chúa Giê Su.

Ông Louie Tawil, người quản lý Khách sạn Quảng trường Máng lừa gần Nhà Thờ Chúa Sinh Ra (Church of the Nativity), cho biết: "Nhiều người đặt phòng đã không tới vì tình hình chính trị bất ổn. Số du khách năm nay có lẽ chưa bằng phân nửa số du khách năm ngoái".

Nhưng những tín đồ hành hương tới đây cho biết họ cảm thấy vui sướng vì được có mặt tại vùng Đất Thánh.

Almar Sanko, đến từ Philippines, cho biết: "Là một tín đồ Cơ đốc giáo, là một người theo đạo Công giáo, chúng tôi hết sức vui mừng khi được có mặt ở đây. Nó làm cho đức tin của tôi mạnh hơn, vì tôi thật sự có mặt tại nơi Chúa Giê Xu chào đời. Thật là tuyệt vời".

Emily Walker đến từ tiểu bang Michigan của Mỹ. Cô cho biết khi nghĩ tới những vụ xả súng giết người bừa bãi ở Mỹ, cô thấy Bethlehem tương đối an toàn.

Cô nói: "Chắc chắn là tôi không sợ có mặt tại phần đất này của thế giới vào lúc này. Nhiều người thân trong gia đình và bạn bè tôi ở Mỹ cảm thấy lo lắng cho tôi. Nhưng khi tôi nghe nói về những vụ tấn công bạo động không ngớt xảy ra ở Mỹ, nó làm cho tôi nghĩ rằng bạo động có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào và tôi không cảm thấy ở đây là nguy hiểm".

Những người Palestine bán hàng lưu niệm, phần lớn là những vật làm bằng gỗ cây ô liu, nói rằng hàng họ năm nay thật là ế ẩm. - VOA
|
|

2.
Nga và Ấn Độ ký kết các hiệp định quốc phòng và năng lượng --- Thủ tướng Ấn Độ bất ngờ thăm nhà Thủ tướng Pakistan

Nga và Ấn Độ hôm thứ 5 đã ký kết những hiệp định trị giá hàng tỉ đô la để xây các nhà máy điện hạt nhân ở Ấn Độ và để hợp tác trong việc xây dựng năng lực quân sự và dân sự.

Phát biểu tại Moskova sau khi tiếp kiến thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tham dự lễ ký kết hiệp định, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói nước ông sẽ giúp Ấn Độ xây ít nhất 6 nhà máy điện hạt nhân trong vòng 20 năm tới đây.

Ông Putin cũng nói về sự hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ trong các lãnh vực quân sự và công nghệ.

Ông cho biết đôi bên đã thành công trong việc sản xuất phi đạn Brahmos và định cùng nhau chế tạo các loại phản lực cơ chiến đấu và máy bay thương mại do Nga thiết kế.

Nga đang ra sức nới rộng hoạt động xuất khẩu sang Ấn Độ trong lúc những biện pháp chế tài của các nước Tây phương làm cho kinh tế Nga bị khốn đốn.

Hai nước dự trù tăng kim ngạch thương mại song phương từ mức khoảng 10 tỉ đô la hiện nay lên tới 30 tỉ vào năm 2025. - VOA

***
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến Pakistan hôm thứ Sáu để gặp vị tương nhiệm trong một chuyến thăm cấp cao bất ngờ lần đầu tiên trong 12 năm, bao gồm việc dừng chân tại nhà của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Ấn Độ Vikas Swarup đăng trên Twitter rằng đây là “Chuyện gia đình”, cùng với tấm ảnh chụp 2 nhà lãnh đạo tại cư dinh của Thủ tướng Sharif ở thị trấn Raiwind, ngoại ô Lahore, nơi nhà lãnh đạo Pakistan tổ chức tiệc cưới cho cháu gái ông.

Theo tin cập nhật từ ông Swarup, ông Modi đã không ở lại dự tiệc cưới.

Nhà lãnh đạo Ấn đã thông báo về chuyến đi vào sáng sớm thứ Sáu trong khi dừng chân ở Afghanistan, nói rằng ông “đang mong gặp gỡ” với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.

Ông Sharif đã đón tiếp ông Modi tại phi trường thành phố Lahore, ở miền đông. Hai nhà lãnh đạo đã lập tức lên trực thăng để đến Raiwind.

Hai thủ tướng lần đầu tiên nối lại liên hệ cấp cao giữa hai quốc gia với một cuộc trò chuyện ngắn cách đây hai tuần ở Paris tại một hội nghị khí hậu quốc tế.

Mối quan hệ giữa hai quốc gia hạt nhân láng giềng đã bị căng thẳng trong suốt thời gian tồn tại của Pakistan, sau khi nước này tách ra từ Ấn Độ vào năm 1947, cả hai đều giành được độc lập từ Anh.

Hai quốc gia đã có ba cuộc chiến với nhau kể từ đó, hai trong số đó là vì vụ tranh chấp Kashmir.

Trước đó hôm thứ Sáu trong một bài phát biểu trước quốc hội Afghanistan, ông Modi kêu gọi hợp tác khu vực nhiều hơn giữa Ấn Độ, Pakistan và Afghanistan để thúc đẩy sự phát triển của Afghanistan. Ông cho rằng thành công của Afghanistan đòi hỏi sự hỗ trợ của tất cả các nước láng giềng.

Trong danh sách mà ông nêu ra bao gồm không chỉ Ấn Độ và Pakistan, nhưng còn có Iran “và những nước khác” trong khu vực, trong lúc Afghanistan chiến đấu chống khủng bố và làm việc để thành lập một chính phủ vững mạnh. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Các ứng viên tổng thống Mỹ phản ứng với kế hoạch trục xuất

Các ứng viên tổng thống Mỹ đang phản ứng với báo cáo được công bố nói rằng Hoa Kỳ có thể bắt đầu trục xuất các gia đình đang ở Mỹ bất hợp pháp vào đầu tháng Giêng.

Người đang dẫn đầu và là cựu ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết bà “quan tâm thực sự” về các báo cáo cho rằng Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ có thể bắt đầu nỗ lực quy mô lớn đầu tiên để trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp. Ban vận động của bà Clinton hôm thứ Năm nói bà “tin rằng điều quan trọng là mọi người phải có được một phiên tòa đầy đủ và công bằng, và đất nước của chúng tôi là nước cung cấp nơi trú ẩn cho những người cần đến”.

Đối thủ chính của bà Clinton trong cuộc chạy đua trong đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, cho biết hôm thứ Năm rằng ông “rất bất bình” về các báo cáo. Trong một tuyên bố, vị thượng nghị sĩ nói: “Đất nước chúng ta đã luôn là một ngọn hải đăng của hy vọng, là nơi trú ẩn cho người bị áp bức.... Chúng ta cần phải thực hiện các bước để bảo vệ trẻ em và các gia đình đang lánh nạn ở đây, không phải quăng họ ra ngoài”.

Các ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa, ông trùm bất động sản và ngôi sao truyền hình thực tế Donald Trump, đã mất điểm vì các tin tức trong những phản ứng trên Tweeter, nói rằng kế hoạch trục xuất đang được xem xét bởi vì ông làm áp lực chính phủ để làm điều đó. Ông bảo: “Đã đến lúc rồi!”

Hôm thứ tư tờ Washington Post đưa tin Mỹ đang chuẩn bị một loạt các cuộc bố ráp nhắm vào các gia đình đã đến Hoa Kỳ bất hợp pháp kể từ đầu năm ngoái.

Tờ báo trích dẫn nguồn tin giấu tên cho biết chiến dịch trên toàn quốc của Cơ quan Di trú và Chấp hành luật Hải quan Hoa Kỳ có thể bắt đầu sớm nhất là vào tháng 1 năm 2016.

Bài tường thuật cho biết đây sẽ nỗ lực quy mô lớn đầu tiên nhằm trục xuất hơn 100.000 gia đình đã vào Mỹ qua ngả biên giới phía Nam kể từ năm ngoái. Nhiều trong số các gia đình này đã chạy trốn bạo lực ở Trung Mỹ.

Báo cáo cho biết tỷ lệ giết người ở El Salvador đã đạt đến mức cao nhất trong một thế hệ, và hạn hán trong khu vực cũng đang góp phần làm tăng số người di cư về phía bắc. Năm ngoái, một con số chưa từng thấy những người di cư là trẻ em không có người lớn đi kèm đã vượt biên giới vào Mỹ.

Nhưng bài viết cho biết hoạt động trên dự kiến sẽ chỉ nhắm mục tiêu vào người lớn và trẻ em đã bị thẩm phán di trú buộc phải rời khỏi Mỹ, và chiến dịch này chưa được Bộ An ninh Nội địa chính thức thông qua.

Cơ quan này hiện vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận.

Áp lực trục xuất đang đè nặng vì một quy định liên bang hồi tháng Tám nói rằng trẻ em và các gia đình ở trong các trại tạm giam của Mỹ sẽ được phép nộp đơn khiếu nại về việc giam giữ họ. Sau khi quy định đưa ra, lại có một đợt tăng đột biến các gia đình di cư Mỹ bất hợp pháp vào tháng 10 và tháng 11. - VOA
|
|

4.
Okinawa kiện Tokyo về căn cứ Mỹ

Việc di dời căn cứ không quân Mỹ Futenma tiếp tục gây rối chính trường Nhật Bản. Hôm nay, 25/12/2015, chính quyền tỉnh Okinawa thông báo đã đệ đơn kiện để đáp lại việc chính quyền trung ương dùng thủ tục tư pháp để buộc duy trì căn cứ không quân Mỹ ở tỉnh này.

Trong đơn kiện, chính quyền tỉnh Okinawa yêu cầu tư pháp tái lập lệnh hủy bỏ giấy phép cho công trình di dời căn cứ Futenma sang một nơi khác cũng trên đảo này.

Vào tháng 10 vừa qua, tỉnh trưởng Okinawa, ông Takeshi Onaga đã hủy bỏ giấy phép do người tiền nhiệm của ông cấp vào năm 2013, nhưng chính phủ trung ương ở Tokyo đã xem quyết định này không có giá trị.

Đảo Okinawa chỉ chiếm 1% lãnh thổ Nhật, đã bị Hoa Kỳ chiếm đóng sau Thế chiến thứ hai và được giao trả cho Nhật vào năm 1972. Hơn phân nửa trong số 47.000 lính Mỹ tại Nhật là trú đóng tại Okinawa. Nhưng dân chúng địa phương thường xuyên than phiền về tiếng ồn, về nguy cơ tai nạn lưu thông, về tình trạng tội phạm do sự hiện diện của binh lính Mỹ.

Theo một quyết định được đưa ra từ năm 1996, căn cứ không quân Futenma của Mỹ, hiện nằm ở thành phố Ginowan, phải được dời sang Hennoko, một thành phố ven biển, ít dân cư hơn. Nhưng chính quyền Okinawa vẫn yêu cầu phải dời căn cứ Mỹ ra khỏi tỉnh này. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Quốc hội Việt Nam và Trung Quốc ký thoả thuận hợp tác

Nhà lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, ông Trương Đức Giang, hôm qua kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam củng cố niềm tin chính trị và đưa các quan hệ song phương trở lại theo đúng hướng.

Tân Hoa Xã, Xinhua, hôm nay tường thuật rằng ông Trương, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, phát biểu như vừa kể trong các cuộc đàm đạo với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ở Bắc Kinh.

Dịp này, ông Trương Đức Giang và ông Nguyễn Sinh Hùng đã ký một thoả thuận hợp tác giữa hai viện lập pháp.

Xinhua dẫn lời ông Trương nói rằng thoả thuận này phục vụ các quyền lợi cơ bản của hai nước và củng cố tình đoàn kết hữu nghị, đồng thời đào sâu mối quan hệ hợp tác cùng có lợi cho đôi bên.

Ông kêu gọi quốc hội hai nước chia sẻ kinh nghiệm về nỗ lực cổ vũ cho cải cách và củng cố quyền pháp trị, hầu tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho quan hệ hợp tác thực tiễn giữa hai bên.

Xinhua dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nói rằng một nước Trung Quốc hùng cường và ổn định sẽ cung cấp nhiều cơ hội cho sự phát triển của Việt Nam và cũng có lợi cho hoà bình và phát triển khu vực.

'Hữu nghị vĩnh cửu'

Theo Xinhua, ông Hùng còn nói rằng Việt Nam sẵn sàng làm việc với Trung Quốc ‘để tăng cường quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi và kiềm chế hữu hiệu những bất đồng, hầu có thể duy trì tình hữu nghị vĩnh cửu’.

Loan tin này hôm nay, báo Tuổi Trẻ nói rằng văn bản thỏa thuận hợp tác ‘là cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động hợp tác trong thời gian tới, tập trung vào việc duy trì và tăng cường trao đổi kinh nghiệm về công tác lập pháp, duy trì và thường xuyên triển khai việc trao đổi đoàn lãnh đạo, các ủy ban chuyên môn và các cơ quan khác của hai cơ quan lập pháp…’.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đang có mặt ở Bắc Kinh trong chuyến công du chính thức thăm Trung Quốc từ thứ Tư 23/12 tới Chủ nhật 27/12, thể theo lời mời của Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Trung Quốc Trương Đức Giang.

Hôm 23/12, ông Hùng đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc gặp gỡ này, ông Tập đề nghị hai bên củng cố nền tảng chính trị quan hệ Trung-Việt, thúc đẩy hợp tác và đối phó với sự bất đồng giữa hai bên.​ - VOA
|
|

6.
Công ty Việt Nam bác bỏ cáo buộc của Ngân hàng Thế giới

SFC, một công ty xử lý chất thải của Việt Nam đã bác bỏ những tố cáo về tội gian lận và những sai phạm khác trong hai dự án được Ngân hàng Thế giới tài trợ, nói rằng quyết định của Ngân hàng Thế giới cấm họ đấu thầu trong 10 năm là không công bằng.

Tờ Thanh niên hôm qua 24/12 dẫn lời ông Nguyễn Phương Quý, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển Môi trường SFC Việt Nam, phủ nhận cáo buộc của Ngân hàng Thế giới. Ông nói với trang mạng tin tức Zing rằng công ty SFC không tham gia đấu thầu trong hai dự án liên hệ.

Ngân hàng Thế giới cuối tuần trước ra thông báo cho hay SFC Việt Nam và các công ty phụ đã bị cấm không được đấu thầu trong ít nhất 10 năm, trong khi cá nhân Tổng Giám đốc Nguyễn Phương Quý và bất cứ thực thể nào do ông điều hành trực tiếp sẽ bị cấm đấu thầu trong ít nhất là 11 năm.

Quyết định đưa SFC Việt Nam vào sổ đen đã được Hội đồng xử phạt độc lập của Ngân hàng Thế giới đưa ra, dựa trên bằng chứng về hành vi lừa đảo và thông đồng liên quan tới hai dự án, gồm Dự án đầu tư hạ tầng ưu tiên ở thành phố Đà Nẵng và Dự án chuẩn bị Hỗ trợ kỹ thuật. Ngân hàng Thế giới khẳng định họ có đủ bằng chứng về những sai phạm gian lận và thông thầu của SFC Việt Nam.

Tháng Hai năm nay, Ngân hàng Thế giới cũng đã xử phạt công ty kiến trúc và Thiết Kế Luois Berger của Mỹ, không được đấu thầu trong một năm về tội hối lộ các giới chức chính phủ trong hai dự án trị giá khoảng 500 triệu đôla tại Việt Nam. - VOA

No comments:

Post a Comment