Monday, December 28, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 28/12

Tin Thế Giới

1.
Các lực lượng Iraq tái chiếm Ramadi từ tay Nhà nước Hồi giáo

Các lực lượng Iraq hôm thứ Hai thận trọng ra quét đường phố ở Ramadi để tìm kiếm chất nổ hay bất cứ mìn bẫy nào mà các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo gài lại trước khi chúng để mất quyền kiểm soát thành phố này về tay quân đội Iraq.

Các binh sĩ Iraq làm công tác đang tiến đến khu công ốc chính phủ ở trung tâm thành phố sau khi chiếm lại được khu vực này hôm Chủ nhật. Hồi tháng 5, các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo đã chiếm Ramadi, thủ phủ của tỉnh Anbar.

Các lực lượng Iraq chưa tuyên bố chiến thắng hoàn toàn trong lúc một số hang ổ của các phần tử thánh chiến vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên giới hữu trách nói rằng quân đội không còn gặp phải sự kháng cự nào kể từ khi các phiến quân Nhà nước Hồi giáo rút lui hôm Chủ nhật. Chưa có báo cáo khả tín nào về thương vong.

Hiện cũng không rõ còn bao nhiêu thường dân ở lại trung tâm thành phố. Ramadi nằm cách thủ đô Baghdad khoảng 100 kilômét về hướng tây. Nhưng một người phát ngôn Iraq nói rằng đa số cư dân đã đi lánh nạn tại một bệnh viện ở gần đó. 

Quân đội Mỹ cho hay họ thực hiện ít nhất 29 cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo trong tuần qua, và nhiều mục tiêu hơn bị đánh trúng trong ngày Chủ nhật.

Các giới chức nói rằng các cuộc oanh kích hôm thứ Bảy nhắm vào những chiếc xe do các phần tử Nhà nước Hồi giáo vận hành và một nhà máy chế bom để cài vào xe. Các điểm bắn tỉa cũng bị oanh kích. - VOA
|
|

2.
Biển Đông: Trung Quốc tức giận về vụ thanh niên Philippines cắm trại trên đảo Thị Tứ

Hôm nay 28/12/12015, Trung Quốc bày tỏ sự tức giận sau khi một nhóm người Philippines đổ bộ lên một hòn đảo đang tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông, nhưng hiện do chính quyền Manila kiểm soát. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã phản đối vụ cắm trại trên đảo Thị Tứ, tái khẳng định rằng Bắc Kinh có chủ quyền trên toàn bộ quần đảo Trường Sa.

Ông Lục Khảng tuyên bố: "Một lần nữa chúng tôi yêu cầu Philippines rút toàn bộ các nhân viên và các cơ sở thiết bị ra khỏi những đảo mà nước này chiếm đóng trái phép, tránh những hành động gây phương hại cho hòa bình và ổn định khu vực cũng như cho quan hệ Trung Quốc - Philippines".

Ngày 26/12/2015, một nhóm gần 50 người, đa số là thanh niên thuộc một nhóm mang tên "Kalayaan Atin Ito" (Kalayaan là của chúng ta) đã đến đảo Pagasa, còn được gọi là đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa, để cắm trại. Đây là một đảo đang tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc. Manila kiểm soát đảo này, sau khi đánh chiếm từ đầu thập niên 1970.

Hành động của nhóm người Philippines nói trên nhằm phản bác những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này, đặc biệt là lên án việc Bắc Kinh xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Sáng kiến cắm trại trên đảo Thị Tứ là do một cựu sĩ quan hải quân Philippines đề ra, nhưng chính phủ Manila không tán đồng và quân đội đã khuyên họ đừng đến đó. Tuy nhiên, phát ngôn viên quân đội Philippines cho biết sẽ theo dõi sát nhóm thanh niên cắm trại trên đảo Thị Tứ, để nếu cần có thể hỗ trợ cho nhóm này. - RFI
|
|

3.
Nhật Bản và Nam Triều Tiên đạt thỏa thuận về vấn đề 'an úy phụ'

Nhật Bản và Nam Triều Tiên đã đạt được một thỏa thuận có tính chất dấu mốc mà các vị ngoại trưởng của họ nói là giải quyết vụ tranh chấp lâu năm về trách nhiệm của Tokyo đối với những phụ nữ bị buộc làm nô lệ tình dục cho lính Nhật trong thời Thế chiến Thứ hai. Từ Seoul, thông tín viên Brian Padden của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng Nam Triều Tiên Yun Byung Se cho biết họ đã đạt được một giải pháp, theo đó Nhật Bản đưa ra một lời tạ lỗi chính thức và cung ứng một khoản tiền, để giải quyết vụ tranh chấp về vấn đề thường được gọi là “an úy phụ”.

Ngoại trưởng Kishida phát biểu như sau tại cuộc họp báo chung ở Seoul ngày 28/12.

"Vấn đề an úy phụ là một vấn đề liên quan tới việc nhiều phụ nữ phải gánh chịu những thương tổn lớn cho danh dự và phẩm giá của họ vì sự dính líu của quân đội thời đó, và từ nhận thức này, chính phủ Nhật Bản cảm thấy có trách nhiệm rất lớn".

Trong những năm qua, Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye đã nhiều lần yêu cầu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra “lời tạ lỗi chân thành” và bồi thường cho 46 an úy phụ người Triều Tiên còn sống và đang ở trong độ tuổi 80 và 90.

Theo ước tính, hơn 200.000 phụ nữ Á châu đã bị buộc làm nô lệ tình dục tại các nhà thổ của quân đội Nhật trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ các nước Á châu và trong thời Thế chiến Thứ hai.

Ông Abe đã đưa ra những thông cáo bày tỏ hối tiếc, nhưng không chính thức tạ lỗi, và lập trường của Tokyo đối với vấn đề bồi thường là trách nhiệm của họ đã được giải quyết xong về mặt pháp lý thông qua một hiệp định năm 1965 để bình thường hóa quan hệ giữa Nhật Bản và Nam Triều Tiên.

Một thông cáo được tuyên đọc tại cuộc họp báo chung ngày 28/12 bao gồm một thông điệp của thủ tướng Abe.

"Với tư cách là Thủ tướng của Nhật Bản, Thủ tướng Abe một lần nữa bày tỏ sự ân hận và những lời tạ lỗi chân thành nhất đối với tất cả những người phụ nữ đã phải trải qua vô số những kinh nghiệm đau thương và gánh chịu những thương tổn thể chất và tâm lý không thể nào chữa lành khi họ làm an úy phụ".

Từ ngữ mà phía Nhật Bản dùng để nói về vấn đề an úy phụ là một nguồn gây tranh chấp giữa Seoul và Tokyo. Nam Triều Tiên nhất mực cho rằng chính phủ Nhật Bản chưa thừa nhận một cách đầy đủ là họ dính líu tới việc bắt những phụ nữ đó làm nô lệ tình dục.

Ngoại trưởng Kishida và Ngoại trưởng Yun Byung Se hôm 28/12 không cho biết chi tiết về lời tạ lỗi, nhưng có tin nói rằng ông Abe sẽ gởi cho những an úy phụ còn sống mỗi người một lá thư “tạ lỗi”.

Ngoại trưởng Kishida cho biết Tổng thống Park Guen Hye và Thủ tướng Abe xế ngày 28/12 sẽ nói chuyện với nhau qua điện thoại về thỏa thuận này.

Vị ngoại trưởng của Nhật cũng xác nhận là Tokyo đồng ý trả 1 tỉ yen (hơn 8 triệu đôla) để giúp đỡ các an úy phụ. Khoản tiền này sẽ được đưa vào một quỹ của Nam Triều Tiên, tương tự như một sáng kiến của Nhật có tên là Quỹ Phụ nữ Á châu từ năm 1997 đến năm 2007 để cung cấp những sự trợ giúp cho các an úy phụ. Ngoại trưởng Kishida nói rằng khoản tiền này không phải là tiền bồi thường mà là một khoản quyên góp.

Sự thỏa hiệp về từ ngữ để gọi khoản tiền này là tiền quyên góp thay vì tiền bồi thường hạn chế trách nhiệm pháp lý của Nhật và có phần chắc sẽ mang lại cho ông Abe một tấm chắn để chống đỡ trước sự chỉ trích của những người bảo thủ ở Nhật. Những người này muốn tìm cách hạ giảm tầm quan trọng của những hành vi tàn ác của Nhật trong quá khứ. Cũng có nhiều người Nhật chống đối việc khơi lại một vấn đề mà họ cho là đã được giải quyết xong xuôi từ lâu.

Để đáp lại những hành động của Tokyo, Nam Triều Tiên đồng ý là vấn đề này được giải quyết một cách vĩnh viễn, về mặt pháp lý cũng như về mặt chính trị.

Ngoại trưởng Nam Triều Tiên Yun Byung Se phát biểu như sau.

"Dựa trên tiền đề là chính phủ Nhật Bản thực hiện đầy đủ những biện pháp này, chính phủ Nam Triều Tiên xác nhận là vấn đề này sẽ được giải quyết một cách hoàn toàn và không thể đảo ngược".

Theo dự liệu, hai nước sẽ ký một hiệp định chính thức để Nhật Bản khỏi phải chịu trách nhiệm thêm nữa đối với tất cả những hành vi trong thời Thế chiến Thứ hai.

Nhật Bản cũng muốn Nam Triều Tiên dời bức tượng của một an úy phụ được dựng trước sứ quán Nhật tại Seoul, nơi những người Nam Triều Tiên tới để biểu tình mỗi tuần.

Ngoại trưởng Nam Triều Tiên cho biết chính phủ ông sẽ thảo luận vấn đề này với những tổ chức tư nhân dựng tượng và tổ chức các cuộc biểu tình.

"Chính phủ Nam Triều Tiên hiểu được mối quan tâm của chính phủ Nhật Bản là bức tượng của cô gái trước sứ quán Nhật đang ở một địa điểm nguy hiểm, không an toàn".

Tháng 11 vừa qua, Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tiến hành cuộc họp song phương đầu tiên để trực tiếp giải quyết những mối bất đồng về các vấn đề lịch sử. Hai bên đã cam kết đạt được một giải pháp trước cuối năm nay, đánh dấu 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Nhiều nhà quan sát cho biết Hoa Kỳ cũng gây sức ép lên Nam Triều Tiên và Nhật Bản để hai nước đồng minh chính ở Á châu giải quyết vấn đề tranh cãi này ngõ hầu có thể ứng phó hữu hiệu hơn với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. - VOA
|
|

4.
Angela Merkel, nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2015

Chính Angela Merkel đã công nhận: năm 2015 là năm khó khăn nhất đối với bà. Tuy nhiên, ai cũng thấy rõ là trong năm 2015, Thủ tướng Đức đã nổi lên như là lãnh đạo số một của Châu Âu, luôn đứng ở tuyến đầu trong các cuộc khủng hoảng đã làm rung chuyển lục địa này.

Sau khi được tuần báo Mỹ Time và nhật báo Anh Finnancial Times bình chọn là Nhân vật của năm 2015, bà Merkel cũng vừa được hãng tin AFP tôn vinh là nhân vật có ảnh hưởng nhất trong năm nay. Hiếm có lãnh đạo chính trị thế giới lại có được vinh dự như thế.

Đúng là trong những tháng qua, trong mọi "mặt trận", từ cuộc "đọ sức" với Hy Lạp để cứu vãn khu vực đồng euro, thương lượng với Nga để giải quyết khủng hoảng Ukraine, cho đến việc đối phó với làn sóng người tị nạn từ Trung Đông ồ ạt đổ sang Châu Âu, Thủ tướng Đức vẫn là nhân vật được mọi người theo dõi nhiều nhất, vì những hành động và lập trường của bà có ảnh hưởng rất lớn đến diễn biến tình hình ở Châu Âu.

Có lúc Thủ tướng Merkel bị dân chúng thủ đô Athens cực lực phản đối vì chính bà đã áp đặt chính sách khắc khổ rất ngặt nghèo lên Hy Lạp, nhưng cũng có lúc bà được ca ngợi như là Mẹ Theresa, vì bà đã mở cửa nước Đức để đón nhận hàng trăm ngàn người di dân một cách hào phóng, đặc biệt là người tị nạn chiến tranh Syria.

Ngay cả cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis, người đã chống đối quyết liệt bà Merkel, cũng không che giấu lòng ngưỡng mộ đối với Thủ tướng Đức, đến mức tuyên bố với tuần báo Stern rằng: "Có thể nếu tôi là người Đức, tôi sẽ bầu cho bà Mẻkel".

Cuộc khủng hoảng di dân nghiêm trọng nhất ở Châu Âu từ năm 1945 đã làm lộ rõ một gương mặt khác của bà Merkel. Trong suốt nhiều năm cầm quyền, nữ Thủ tướng gốc Đông Đức vẫn lãnh đạo theo kiểu gió chiều nào, xoay chiều ấy, tùy theo xu hướng của công luận Đức mà ra các chính sách.

Nhưng khi đối phó với làn sóng người tị nạn, bà Merkel bổng trở nên hết sức cương quyết, bất chấp kết quả các cuộc thăm dò dư luận, dứt khoát mở rộng cánh cửa nước Đức. Trước đây vẫn bị chê là nói năng nhàm chán, Thủ tướng Đức chợt biểu lộ tài diễn thuyết hùng hồn, thuyết phục người dân Đức hãy đừng sợ tiếp đón hàng trăm ngàn người di dân.

Như một nhà truyền giáo nhiệt thành, bà Merkel không ngớt lập luận rằng: Để giải quyết khủng hoảng di dân, Châu Âu phải làm đúng theo những giá trị của mình, cho dù ở nhiều nước, kể cả ở Đức, xu hướng dân túy, cực hữu bài ngoại đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Nhưng việc bà Merkel gần như áp đặt nhãn quan của bà lên các lãnh đạo Châu Âu khác khiến một số người nghi ngờ về "âm mưu bá quyền" của nước Đức. Từ Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cho đến Thủ tướng Cộng hòa Séc, Bohuslav Sobotka đều chỉ trích nặng nề chính sách của Thủ tướng Đức, nhất là về hồ sơ di dân.

Ngay cả trong nước, hơn phân nửa người dân Đức nay không tin là bà Merkel có thể vượt qua thử thách lớn nhất kể từ khi nước Đức thống nhất. Tâm lý này có thể gây khó khăn cho Thủ tướng Merkel khi bà ra tranh cử cho nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2017. Năm 2016 được xem là một năm trắc nghiệm cho uy tín và cho tương lai chính trị của bà. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Dân biểu Mỹ: Oanh kích tác động rất ít đối với Nhà nước Hồi giáo

Dân biểu Mỹ Peter King cho rằng những vụ oanh kích do Hoa Kỳ dẫn đầu nhắm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq không mang lại nhiều kết quả. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, Dân biểu King cho biết như vậy hôm Chủ nhật sau khi có tin nói rằng thủ lãnh Nhà nước Hồi giáo Abu Bakar al-Baghdadi tuyên bố những vụ không kích của Mỹ và Nga đã không làm cho nhóm của ông bị suy yếu.

Ông Peter King, Chủ tịch Tiểu ban Tình báo và Chống khủng bố của Hạ viện Mỹ, cho biết ông không ngạc nhiên về tuyên bố của ông Baghdadi về chiến dịch do Mỹ dẫn đầu kéo dài 16 tháng và những vụ không kích của Nga trong 3 tháng qua.

"Chúng ta đã tạo ra một số tác động. Nhưng điều không may là nói chung thì ông ấy đã đúng khi cho rằng 16 tháng oanh kích của Mỹ đã có tác động rất ít đối với Nhà nước Hồi giáo, vì những vụ tấn công đó đã được thực hiện trong một thời gian khá lâu. Về phần người Nga, họ tập trung hầu hết những vụ tấn công của họ vào lực lượng kháng chiến Syria, thay vì nhắm vào Nhà nước Hồi giáo. Do đó Nhà nước Hồi giáo đang mạnh. Tôi tin là Nhà nước Hồi giáo hiện giờ mạnh hơn cách nay 16 tháng. Họ đang kiểm soát một phần đất rộng lớn, không chỉ ở Iraq và Syria, mà điều quan trọng là họ đã có những tiến bộ lớn ở Afghanistan và như quí vị đã biết, họ muốn tấn công nước Mỹ".

Trong một đoạn băng ghi âm phổ biến trên mạng, ông Baghdadhi, viên thủ lãnh ít khi xuất hiện công khai, đã bày tỏ sự tự tin mặc dù Nhà nước Hồi giáo trong thời gian gần đây gặp phải những thất bại trên chiến trường.

"Thượng đế sẽ cho chúng ta chiến thắng. Nhà nước chúng ta đang ở trong tình trạng tốt đẹp. Cuộc chiến chống lại chúng ta càng mạnh chừng nào thì chúng ta càng tinh thuần hơn và mạnh mẽ hơn chừng đó. Những người tham gia cuộc chiến chống chúng ta sẽ trả giá đắt và sẽ phải hối hận".

Lực lượng Dân chủ Syria, một liên minh kháng chiến bao gồm nhóm dân quân người Kurd do Hoa Kỳ hậu thuẫn, đang củng cố vị trí ở Đập Tishrin, nằm ở mạn đông của thành phố Aleppo ở miền bắc Syria, sau khi chiếm được địa điểm chiến lược này từ tay Nhà nước Hồi giáo. Trong khi đó, các lực lượng an ninh Iraq loan báo chiến thắng trong trận đánh kéo dài nhiều tuần với các chiến binh Nhà nước Hồi giáo để chiếm lại thành phố Ramadi, thủ phủ của tỉnh Anbar.

Sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Paris hôm 13/11 và vụ xả súng giết người bừa bãi ở San Bernardino, California, hôm 2/12, Dân biểu King hô hào cho việc tăng cường các hoạt động theo dõi trong các cộng đồng Hồi giáo, kể cả những đền thờ, ở nước Mỹ. Ông cho biết như sau khi được hỏi phải chăng những sự theo dõi như vậy vi phạm quyền hiến định của công dân Hoa Kỳ.

"Họ có la ó bao nhiêu cũng vậy thôi. Sự thật là đó là nơi phát xuất của những mối đe dọa, và chúng ta có thể nói là 98,99% những người Hồi giáo ở nước này là những người tốt. Chính tôi đã làm lễ tuyên thệ cho nghị viên Hồi giáo đầu tiên ở Long Island. Bà ấy là một người bạn thân của tôi. Cho nên, đây không phải là chống lại Hồi giáo. Sự thật là đó là nơi phát xuất của những mối đe dọa".

Dân biểu King cho biết nhân viên chấp hành pháp luật, những người trước đây đã thành công trong việc xâm nhập vào các cộng đồng người Mỹ gốc Ý và gốc Ireland để ngăn chặn những vụ bạo động của các băng đảng, phải được phép làm như vậy trong cộng đồng những người theo đạo Hồi. Ông nói rằng nhân viên chấp hành pháp luật hiện giờ đang đối mặt với nhiều hạn chế trong việc theo dõi các đền thờ Hồi giáo, nhưng đó là việc cần phải làm. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Quân đội Việt-Mỹ xích gần nhau cùng ngăn TQ chiếm Biển Đông

Hoa Kỳ cung cấp võ khí cho một quốc gia cộng sản, điều không tưởng cách đây nửa thế kỷ, nay đã thành hiện thực khi hai nước cựu thù tư bản Mỹ và cộng sản Việt cùng hướng về một mục tiêu chung: ngăn cản Trung Quốc bành trướng Biển Đông.

Trong bài nhận định hôm 28/12, tờ Global Post cho rằng liên minh quân sự Việt-Mỹ đang ngày càng thắt chặt trên mặt trận Biển Đông.

Sự thay đổi không chỉ từ chính sách của Mỹ, mà còn được nhìn thấy cả trong giới lãnh đạo Việt Nam khi bề ngoài họ vẫn tuyên bố duy trì tư duy Mác-Lê, nhưng chủ nghĩa cộng sản bài tư bản đã bị đẩy lùi để nhường chỗ cho thái độ yêu chuộng các nhãn mác của tư bản Mỹ. 

40 năm sau cuộc chiến Việt Nam kết thúc, hai nước thù nghịch thường tố cáo tội ác của nhau nay cùng nhau tố cáo một nước gây hấn thứ ba - Trung Quốc - giữa lúc Bắc Kinh đang ráo riết xây dựng và quân sự hóa các đảo để khẳng định chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông.

Theo Global Post, trong số các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền một phần ở Biển Đông, Việt Nam là nước duy nhất có sức mạnh quân sự đe dọa tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

Hải quân Việt Nam, một cánh tay của đảng cộng sản, giờ đây đã được Washington mở đường để tuần tra biển với súng ống của Mỹ.

Năm ngoái, Toà Bạch Ốc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận bán võ khí sát thương trên biển cho Hà Nội, cho phép Việt Nam phát triển năng lực quốc phòng hàng hải.

Dù chỉ một phần, nhưng động thái này dẫu sao đi nữa cũng là một dấu mốc lịch sử vì kể từ Thế chiến thứ hai, nhìn chung Mỹ chưa cung cấp võ khí cho một nước cộng sản nào.

Ngoài Việt Nam, trên thế giới chỉ còn lại một số ít các nước cộng sản bao gồm Cuba, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Lào. Tất cả bốn nước này đều bị cấm không được mua võ khí của Mỹ. 

Biệt lệ duy nhất đối với lệnh cấm vận võ khí của Mỹ đối với các nước cộng sản là vào những năm 80 khi cố Tổng thống Ronald Reagan chuẩn thuận bán võ khí cho Trung Quốc trong nỗ lực giúp Bắc Kinh đánh đuổi bất kỳ mối đe dọa nào từ đối thủ hàng đầu của Mỹ lúc bấy giờ là Liên Xô. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa từng nhận được võ khí của Mỹ vì Tòa Bạch Ốc đã đảo ngược quyết định vào năm 1989 sau vụ Bắc Kinh thảm sát người biểu tình ở Thiên An Môn.

Như vậy, Việt Nam là nước cộng sản đầu tiên sau nhiều thập niên mua được võ khí của Mỹ và một số giới chức Hoa Kỳ đang thúc đẩy xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm ban hành năm 1984 khi Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách Quản lý buôn bán võ khí quốc tế (ITAR).

Các công ty sản xuất thiết bị quốc phòng của Mỹ từ nhiều tháng nay đã bắt đầu ‘chào đón’ chính phủ Việt Nam.

Chính Washington cũng đang giúp Hà Nội tăng cường sức mạnh quân sự. Trong số 119 triệu đôla Mỹ loan báo hồi tháng rồi nhằm hiện đại hóa lực lượng hải quân các nước Đông Nam Á, có gần 20 triệu giúp đẩy mạnh khả năng tình báo, giám sát và do thám trên biển cho Việt Nam.

Tuy nhiên, những sự thay đổi từ hai phía Việt-Mỹ ấy không có nghĩa là Hà Nội đã sẵn sàng xoay trục hướng về Washington vì Hà Nội lâu nay vẫn bị chi phối và lệ thuộc rất nhiều vào quốc gia cộng sản anh em Trung Quốc bên kia đường biên giới.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc từ Việt Nam nhận định:

“Theo tôi, chính sách của Việt Nam hiện nay là muốn cân bằng quan hệ với các cường quốc trong đó có Trung Quốc vì Việt Nam đang yếu ở nhiều thế từ kinh tế tới quân sự. Nhưng trong vấn đề này, khi quyền lợi của các siêu cường đã bắt đầu xuất hiện rất rõ, Việt Nam phải nhìn thấy mình đang đứng ở đâu và đi với ai để bảo vệ lợi ích sống còn của dân tộc. Vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói ‘mất đảng, mất chế độ thì sẽ mất biển đảo.’ Tôi nói ngược lại ‘nếu biển đảo tiếp tục mất thêm thì chế độ sẽ mất’”.

Để thoát Trung và khẳng định vị thế trên bàn cờ quốc tế giữa những hiểm họa gia tăng từ Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam cần ý chí chính trị khôn ngoan hơn là võ khí quân sự hùng hậu.

Các chuyên gia cho rằng, khác với Trung Quốc, vấn đề bảo vệ lãnh thổ - chủ quyền của Việt Nam tùy thuộc rất nhiều vào thái độ dứt khoát của giới lãnh đạo Hà Nội chứ không phải ở mức độ trang bị súng ống và năng lực quốc phòng. - VOA

No comments:

Post a Comment