Monday, December 7, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 7/12

Tin Thế Giới

1.
Pháp: Đảng cực hữu FN thắng lớn ở vòng đầu bầu cử cấp vùng --- Mặt trận Quốc gia Pháp thắng bầu cử địa phương

Cú sốc làm rung chuyển nước Pháp: đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) thắng lớn trong vòng 1 cuộc bầu cử cấp vùng. Theo kết quả chính thức hôm nay 07/12/2015, đảng này về đầu tại 6 trên 13 vùng, chiếm 28% tổng số phiếu trên toàn quốc, khiến đảng Xã hội (PS) cầm quyền phải rút lui tại một số nơi để cố gắng ngăn chận bước tiến của phe cực hữu.

Trong một nước Pháp vẫn còn bị chấn động vì các vụ khủng bố ngày 13/11 và nạn thất nghiệp không hề sút giảm, đảng cực hữu FN của bà Marine Le Pen với tỉ lệ phiếu thu hút được là 28%, đã phấn khởi tự xưng là "đảng lớn nhất nước Pháp", dẫn trước cánh hữu (27%) và đảng Xã hội (23,5%), theo con số mới nhất của Bộ Nội vụ. 

Các liên danh của FN đã phá các kỷ lục trong kỳ bầu cử Châu Âu và cấp tỉnh trước đây, giành chiến thắng tại 6 trên tổng số 13 vùng mới được phân định lại của Pháp (trước đây là 22 vùng). Đó là Nord-Pas-de-Calais-Picardie, Provence-Alpes-Côtes d’Azur, Alsace-Lorraine-Champagne-Ardenne, Midi-Pyrénées-Languedoc-Roussillon, Bourgogne-Franche-Comté, Centre. 

Chủ tịch đảng Marine Le Pen với 41% số phiếu giành được ngay vòng đầu, chiến thắng của bà tại vùng là Nord-Pas-de-Calais-Picardie đang trong tầm tay. Tương tự với cô cháu gái Marion Maréchal Le Pen tại vùng Provence-Alpes-Côtes d’Azur (PACA). Không hẹn mà gặp, hai tờ báo có khuynh hướng trái ngược nhau là Le Figaro (cánh hữu) và L’Humanité (cộng sản) đều chạy cùng một tựa trên trang nhất hôm nay: "Cú sốc".

Như vậy việc tỉ lệ ủng hộ đương kim Tổng thống François Hollande tăng đột ngột sau các vụ khủng bố Paris vừa rồi, đã không giúp được gì tại các phòng phiếu.

Cuộc bầu cử cấp vùng hôm qua diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh cao độ, do nước Pháp vẫn đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Tỉ lệ cử tri đi bầu khoảng 48%, có tăng đôi chút so với năm 2010 (42,5%). - RFI

***
Mặt trận Quốc gia (FN) theo đường lối cực hữu của Pháp dường như đã thắng lớn trong vòng một cuộc bầu cử địa phương, theo các con số ước tính cho thấy.

Đảng FN đứng đầu tại ít nhất 13 vùng ở Pháp.

Các cuộc bầu cử là phép thử đầu tiên qua lá phiếu kể từ các cuộc tấn công tại Paris hồi tháng trước, trong đó 130 người bị giết hại.

Đảng cộng hòa cánh hữu do cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đứng đầu dường như đứng thứ hai trong cuộc bầu cử, đứng trên đảng Xã hội cầm quyền.

Vòng hai cuộc bỏ phiếu sẽ được tổ chức vào ngày 13/12 tới đây.

Vào khi các kết quả được công bố, đảng Xã hội cho biết họ rút khỏi vòng hai tại ít nhất hai vùng, ở miền Bắc và miền Nam, để tìm cách ngăn chặn thắng lợi của đảng FN.

Các khảo sát thăm dò ngoài phòng phiếu hôm Chủ nhật dự đoán đảng FN thắng 30% số phiếu, tiếp theo là đảng Cộng hòa của ông Sarkozy với 27,2% và đảng Xã hội của Tổng thống Francois Hollande với 22,7%.

Lãnh tụ đảng FN, bà Marine Le Pen, người ra ứng cử tại vùng Nord-Pas-de-Calais-Picardie ở miền Bắc, và cháu gái bà, Marion Marechal-Le Pen, người ra ứng cử tại tỉnh Provence-Alpes-Cote d'Azur ở miền Nam, đều dường như đã thắng trên 40% số phiếu, các thăm dò bên ngoài phòng phiếu dự đón, vượt các kỷ lục trước đó của đảng này.

Marine Le Pen nói với các ủng hộ viên rằng đây một "kết quả tuyệt vời" chứng tỏ đảng FN "không cần tranh cãi là đảng số một tại Pháp".

Marion Marechal-Le Pen, sinh năm 1989, ăn mừng thắng lợi khi Mặt trận Quốc gia Pháp (FN) giành trên 40% phiếu bầu sơ bộ vùng Provence-Alpes-Cote-d'Azur (PACA) ở phía Nam, khiến cô có thể trở thành dân biểu trẻ nhất Pháp.

Cũng thuộc gia đình Le Pen, bà Marine Le Pen, 47 tuổi, con gái của ông Jean-Marie Le Pen, nhân vật từng bị phê phán là bài Do Thái, đang dẫn dắt đảng Mặt trận Quốc gia Pháp giành thắng lợi tại 13 vùng trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương Pháp.

Bà Marine Le Pen đã thay đổi hình ảnh đảng FN để đảng này bớt bị coi là bài Do Thái và phân biệt chủng tộc, nhưng chủ trương cứng rắn với di dân và Hồi giáo vẫn là phần chủ đạo trong chính sách của đảng này.

Trong những năm trước phe đối lập trung hữu và đảng Xã hội cầm quyền đã từng cùng hợp tác để chặn thành công của đảng FN.

Tuy nhiên ông Sarkozy cho biết sẽ không có "liên minh chiến thuật" trong vòng hai cuộc bầu cử.

Phóng viên BBC tại Paris, Lucy Williamson, cho biết phe cực hữu đang dần chiếm thêm phiếu bầu của cử tri trong vài năm qua từ những người ủng hộ cánh tả và cánh hữu qua một số các chính sách pha trộn có đường lối dân tộc và vì phúc lợi.

Trong thời gian trước khi diễn ra bầu cử, các cuộc thăm dò dư luận gợi ý cho thấy đảng FN có đường lối chống nhập cư, và bài châu Âu đang ngày càng được ưa chuộng kể từ sau các vụ tấn công ở Paris hôm 13/11/2015.

Các cuộc bầu cử đã được tổ chức trong tình trạng khẩn cấp vẫn đang có hiệu lực sau các vụ tấn công ở Paris mà các dân quân Nhà nước Hồi giáo nhận là người thực hiện. - BBC
|
|

2.
Chuyên gia Úc: Bắc Kinh sẽ thống trị Biển Đông nhờ 4 phi đạo trên đảo

Ảnh vệ tinh trong thời gian gần đây cho thấy là Trung Quốc sắp có 4 phi đạo trên các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp tại Biển Đông. Theo hãng tin Mỹ AP, hôm qua, 06/12/2015, một chuyên gia quốc phòng Úc vừa lên tiếng cảnh báo rằng các cơ sở hạ tầng này sẽ cho phép Quân đội Trung Quốc thay đổi so sánh lực lượng trong khu vực và khống chế được toàn bộ Biển Đông.

Hiện nay, Trung Quốc đã có một sân bay đang hoạt động trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1974. Phi đạo trên đảo Phú Lâm - dài 2.400 thước - đã thuộc loại dài nhất Biển Đông, nhưng sẽ thua kém các đường băng khác mà Bắc Kinh đang xây thêm tại các đảo nhân tạo vừa bồi đắp ở quần đảo Trường Sa. 

Ảnh vệ tinh cho thấy là Trung Quốc đang xây thêm 2, và rất có thể là 3 phi đạo khác trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Xu Bi (Subi Reef) và Đá Vành Khăn (Mischief Reef). Bên cạnh các phi đạo, các cơ sở khác như tòa nhà, bến cảng đang cấp tốc được xây dựng. Một trong các đường băng đã hoàn tất nằm trên Đá Chữ Thập, dài hơn 3000 mét, tương tự như phi đạo sắp xây xong trên đá Xu Bi. 

Theo chuyên gia Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế Viện Lowy tại Sydney (Úc), các căn cứ không quân trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ "tác động đáng kể trên cán cân lực lượng trong khu vực", cho phép Bắc Kinh triển khai dễ dàng lực lượng Hải cảnh và Hải quân tại vùng biển này vốn rất xa lục địa Trung Quốc. 

Không chỉ thế, chiến đấu cơ Trung Quốc xuất phát từ sân bay trên các đảo này có thể tiến hành tuần tra thường xuyên trong vùng, vừa răn đe những nước tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, vừa gây trở ngại cho hoạt động của quân đội Mỹ trên Biển Đông. Theo ông Graham: "Trong những giai đoạn căng thẳng, giá trị răn đe của các cuộc tuần tra trên không xuất phát từ các đảo rất to lớn".

Hãng tin Mỹ cũng trích dẫn Han Kristensen, một chuyên gia về an ninh Trung Quốc thuộc Liên đoàn Khoa học gia Hoa Kỳ, nhận định rằng phi đạo có sẵn trên các đảo ở Biển Đông cho phép Trung Quốc tiếp tế nhiên liệu, vũ khí, sửa chữa và bảo trì phi cơ của họ ngay tại chỗ, không cần phải bay hơn 1.000 km để tới căn cứ không quân gần nhất trên đảo Hải Nam. 

Mới đây, thông tin về việc Trung Quốc đã cho triển khai chiến đấu cơ tiên tiến J-11BH của Hải quân trên đảo Phú Lâm hồi tháng 10 vừa qua đã gây quan ngại. Mặt khác, khả năng phi đạo trên Đá Chữ Thập có thể dùng cho oanh tạc cơ H-6K càng làm cho các nước khác lo âu vì loại oanh tạc cơ này được trang bị tên lửa tuần tiễu có sức công phá cực lớn. 

Như thông lệ, Bắc Kinh luôn luôn mập mờ về ý định thực thụ của mình đối với các phi đạo tại Biển Đông. Trong một cuộc họp báo gần đây, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ nhắc lại rằng mọi cơ sở hạ tầng quân sự trên đảo "chỉ phục vụ mục đích phòng thủ". - RFI
|
|

3.
Ô nhiễm không khí: Bắc Kinh lần đầu tiên báo động đỏ --- Paris dồn hết nỗ lực để đạt được thỏa thuận về khí hậu

Hôm nay, 07/12/2015, lần đầu tiên chính quyền ở Bắc Kinh quyết định đặt thành phố này ở mức "báo động đỏ", tức là mức báo động tối đa về ô nhiễm không khí, cho thấy hiện tượng được mệnh danh là "airpocalypse" càng thêm trầm trọng.

Kể từ sáng thứ Ba cho đến thứ Năm, các biện pháp đặc biệt sẽ được áp dụng đối với 20 triệu dân ở thủ đô của Trung Quốc, theo thông báo của Sở Bảo vệ Môi trường của thành phố này. 

Cụ thể là các xe hơi của cá nhân cũng như của quan chức Nhà nước sẽ luân phiên lưu thông theo biển số lẻ và biển số chẵn. Để bù vào lượng xe hơi bị hạn chế, công ty giao thông của Bắc Kinh sẽ tăng cường 200 xe bus, ưu tiên sử dụng xe bus chạy bằng điện hoặc bằng nhiên liệu kép điện-xăng.

Các công trường nằm lộ thiên sẽ tạm ngưng xây dựng, còn các xe tải chở xà bần sẽ bị cấm lưu thông. Các nhà máy gây ô nhiễm không khí nhiều nhất cũng sẽ tạm ngừng hoạt động. 

Các trường mẫu giáo, tiểu học cũng như trung học cấp được khuyên, nhưng không bắt buộc đóng cửa. Dân Bắc Kinh cũng sẽ bị cấm nướng thịt ngoài trời và không được đốt pháo hoặc bắn pháo hoa. 

Quyết định nói trên được đưa ra vào lúc miền Bắc của Trung Quốc trong những ngày qua đã bị một lớp sương mù ô nhiễm dày đặt bao phủ. 

Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Bắc Kinh là một trong những vấn đề chủ yếu khiến người dân Trung Quốc bất mãn, vì nó gây tác hại nặng nề cho sức khoẻ. 

Theo đo lường của đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, mức ô nhiễm không khí vào tối nay ở thành phố này đã lên đến mức hơn 224 microgram một mét khối khí, trong khi mức an toàn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là 25 microgram. - RFI

***
Sau tuần lễ đầu đàm phán, kể từ hôm nay 07/12/2015 các chuyên gia nhường chỗ lại cho bộ trưởng 195 quốc gia tiếp tục thảo luận để đạt được thỏa thuận Paris về khí hậu. Nước Pháp tạo mọi điều kiện để COP21 được thành công. 

Trong cương vị chủ nhà, Ngoại trưởng Pháp, Laurent Fabius đã thành lập "Ủy ban Paris" bao gồm 14 sứ giả đại diện cho cả các nước nghèo lẫn các nước công nghiệp phát triển. Nhiệm vụ của ủy ban này là mỗi ngày đều có một cuộc họp với các đoàn đàm phán. Để bảo đảm tính minh bạch của đối thoại giữa các bên, những cuộc họp đó được trực tiếp phát đi trên các màn hình ở khu Le Bourget.

Ngoài ra, dưới sự chủ tọa của Ngoại trưởng Fabius, Paris còn lập ra một nhóm công tác không chính thức để thúc đẩy một số hồ sơ vẫn gặp nhiều bế tắc. Chủ yếu là trên vấn đề tài trợ giúp các nước nghèo chống biến đổi khí hậu và đòi hỏi của các nền kinh tế chậm phát triển muốn có quyền phát thải khí carbon nhiều hơn các nước giàu để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.

Mỗi nhóm làm việc như vậy được đặt dưới sự điều hành của hai bộ trưởng đại diện cho khối các nước nghèo và các nước giàu. Chẳng hạn như trên vấn đề tài chính, hồ sơ nhạy cảm nhất của hội nghị COP21, nhóm công tác được đặt dưới sự điều khiển của Ngoại trưởng Gabon và bộ trưởng Môi trường Đức.

Một nỗ lực đáng kể khác của Paris để bảo đảm văn bản đúc kết hội nghị sẽ được đưa ra đúng thời hạn vào cuối ngày Thứ Năm, 10/12/2015 đó là trao trọng trách cho một ủy ban chuyên về luật pháp và ngôn ngữ. Biện pháp này nhằm bảo đảm là tất cả những văn bản chính thức được dịch một cách đúng đắn và nghiêm chỉnh sang 6 ngôn ngữ chính thức được sử dụng tại Liên Hiệp Quốc. - RFI
|
|

4.
Phe đối lập Venezuela thắng cử lần đầu tiên sau 16 năm

Liên minh đối lập Venezuela giành được đa số ghế tại Quốc hội lần đầu tiên trong 16 năm qua tại cuộc bầu cử hôm 6-12.

Thông báo trên truyền hình, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Venezuela Tibisay Lucena cho biết kết quả sơ bộ cho thấy Phong trào Liên minh Dân chủ (MUD) đối lập giành được ít nhất 99/167 ghế trong Quốc hội, còn đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất (PSUV) cầm quyền của Tổng thống Nicolas Maduro chỉ được 46 ghế. 22 ghế còn lại vẫn chưa có kết quả.

PSUV bị mất uy tín trầm trọng sau khi chính sách dân túy của ông Maduro bị người dân tẩy chay. Hàng loạt công ty bị nhà nước tịch thu, lạm phát tăng nhanh nhất thế giới và tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm khiến sự bất bình trong nước dâng cao.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 7-12 tại thủ đô Caracas, thủ lĩnh đối lập Jesus “Chuo” Torrealba, nói: “Thay đổi đã bắt đầu ở Venezuela. Phe đối lập cần đoàn kết hơn và chúng ta sẽ trở thành một khối thống nhất”.

Trong khi đó, Tổng thống Maduro đã thừa nhận thất bại của PSUV lần đầu tiên trong 16 năm qua. “Chúng tôi chấp nhận kết quả bỏ phiếu bất lợi này và nói với đất nước Venezuela rằng hiến pháp và dân chủ đã chiến thắng” – ông tuyên bố trên truyền hình.

Ngay sau kết quả bầu cử, người dân ở khu đô thị Chacao ở phía Đông thủ đô đã mang pháo hoa và kèn xuống đường ăn mừng. Khu phố Altamira ở Caracas cũng chật ních người.

Phe đối lập dự kiến giành ít nhất 113 số ghế tại Quốc hội, tương đương 2/3 số ghế cần thiết để thay đổi hướng đi của đất nước, theo nhận định của giám đốc điều hành Công ty hoạch định tài chính Torino Capital, Jorge Piedrahita.

Hồi tháng trước, Ngân hàng Bank of America dự đoán trái phiếu quốc tế của Venezuela có thể tăng hoặc giảm 15% phụ thuộc vào cuộc bỏ phiếu mở đường cho cải cách kinh tế hay dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị.

Nền kinh tế của Venezuela được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo sẽ giảm 10% trong năm nay. Hãng tin Bloomberg dẫn khảo sát từ các nhà kinh tế cho hay lạm phát của nước này sẽ đạt mức 124%. - nld
|
|

5.
Colombia tìm thấy xác tàu chở đầy châu báu

Colombia cho biết họ đã tìm thấy xác của một con tàu lớn của Tây Ban Nha chở đầy vàng, bạc và những báu vật khác 300 năm sau khi nó bị người Anh đánh chìm.

Tổng thống Juan Manuel Santos loan báo khám phá này hôm thứ Bảy, gọi đó là "kho báu quý giá nhất từng được tìm thấy trong lịch sử nhân loại."

Ông cho biết một viện bảo tàng sẽ được xây dựng ở thành phố Cartagena để trưng bày những báu vật.

Kho báu của con tàu, bao gồm vàng, bạc, ngọc bích và những loại đá quý khác, ước tính trị giá hơn 1 tỉ đôla. Nó được thu thập từ những thuộc địa ở Nam Mỹ của Tây Ban Nha và lẽ ra được vận chuyển đến Tây Ban Nha để giúp tài trợ cuộc chiến của Vua Philip V với Anh.

Những người săn kho báu đã truy tìm xác tàu San Jose từ nhiều thập kỷ nay.

Con tàu San Jose bị đánh chìm vào năm 1708 ngoài khơi bờ biển Caribean của Colombia trong một trận chiến với một hạm đội của Anh định chiếm lấy hàng hóa trên tàu. Chỉ có một vài người trong thủy thủ đoàn sống sót sau vụ tấn công.

Năm 1981, một công ty trục vớt của Mỹ cho biết họ định vị được con tàu ngoài khơi bờ biển của Colombia. Công ty Sea Search Armada cho biết họ đã thỏa thuận với chính phủ chia đôi khoản tiền thu được từ khám phá này, nhưng chính phủ sau đó rút khỏi thỏa thuận và nói rằng tài sản của con tàu thuộc về họ.

Vụ việc vướng vào một cuộc tranh tụng pháp lý kéo dài nhiều thập kỷ và vào năm 2011 một tòa án ở Mỹ ra phán quyết con tàu là tài sản của chính phủ Colombia.

Các chuyên gia nói rằng có thể có tới 1.000 xác tàu ngoài khơi bờ biển của Colombia. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

6.
TT Obama: Vụ xả súng ở California là hành vi khủng bố giết người vô tội

Trong bài diễn văn hiếm hoi từ Phòng Bầu Dục của Tòa Bạch Ốc tối chủ nhật, Tổng thống Barack Obama nói với công chúng nước Mỹ rằng vụ xả súng hồi tuần trước ở California là “một hành vi khủng bố nhằm giết hại những người vô tội.” Thông tín viên Richard Green của đài VOA tường thuật.

Hôm thứ tư tuần trước, Syed Rizwan Farook, một người sinh ra ở Mỹ, cùng với vợ Tashfeen Malik, người Pakistan, đã giết chết 14 người và gây thương tích cho 21 người khác tại một buổi liên hoan của nhân viên chính phủ ở San Bernadino, cách Los Angeles khoảng 1 giờ đồng hồ lái xe.

Trước khi tẩu thoát trên một chiếc xe SUV màu đen, hai hung thủ này cũng gài một quả bom tự chế, nhưng quả bom không nổ. Cả hai đã bị hạ sát sau đó trong một vụ chạm súng với cảnh sát.

Tổng thống Obama phát biểu như sau về vụ khủng bố này.

"Cho tới giờ, chúng tôi không có bằng chứng nào cho thấy những kẻ sát nhân này được chỉ huy bởi một tổ chức khủng bố nước ngoài hoặc họ là một phần của một âm mưu rộng lớn hơn ở bên trong nước Mỹ. Nhưng rõ ràng là hai người này đã đi vào con đường đen tối của cực đoan hoá, chấp nhận một sự giải thích méo mó về Hồi giáo là phải tiến hành chiến tranh chống Mỹ và Tây phương. Họ đã tồn trữ súng ống, đạn dược và bom tự chế. Do đó, đây là một hành vi khủng bố nhằm giết hại những người vô tội."

Tổng thống Obama cho biết nước Mỹ đã tăng cường sự phòng vệ để chống lại những mối đe dọa khủng bố, nhưng ông nói rằng trong những năm vừa qua, quân khủng bố đã bắt đầu chuyển sang điều mà ông gọi là “những hành vi bạo động ít phức tạp hơn”, như vụ nổ súng giết người bừa bãi mà ông nói là “đã xảy ra quá nhiều trong xã hội chúng ta.”

"Chúng ta cũng cần phải làm cho việc mua những loại vũ khí tấn công có hoả lực lớn, như loại vũ khí được dùng ở San Bernadino, trở nên khó khăn hơn. Tôi biết có một số người bác bỏ mọi biện pháp an toàn súng ống, nhưng thực tế là cho dù các cơ quan tình báo và chấp hành luật pháp của chúng ta hoạt động có hiệu quả đến đâu đi nữa, họ cũng không thể nhận diện những người sẽ là những kẻ nổ súng giết người hàng loạt, bất kể là người đó bị tác động bởi nhóm Nhà nước Hồi giáo hay bởi những ý thức hệ khác của sự thù hận. Những gì mà chúng ta có thể làm và phải làm là làm cho việc giết hại của họ trở nên khó khăn hơn."

Tổng thống Obama cho rằng Quốc hội phải hành động để bảo đảm là tất cả những người nằm trong danh sách không được đáp máy bay không thể mua súng.

Ông cam kết rằng quân đội sẽ tiếp tục truy lùng những thủ lãnh khủng bố tại bất kỳ quốc gia nào và sẽ tiếp tục cung cấp trang thiết bị và huấn luyện cho hàng vạn người thuộc các lực lượng ở Iraq và Syria đang chiến đấu chống nhóm Nhà nước Hồi giáo trên thực địa. Nhưng ông cho biết nước Mỹ sẽ không bị lôi cuốn vào một cuộc chiến tranh trên bộ kéo dài ở Iraq hoặc Syria, mặc dù Hoa Kỳ vẫn tăng cường những nỗ lực chống lại Nhà nước Hồi giáo.

"Đó là điều mà nhóm Nhà nước Hồi giáo mong muốn. Họ biết rằng họ không thể đánh bại chúng ta trên chiến trường. Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo là một phần của cuộc nổi dậy mà chúng ta đương đầu ở Iraq. Nhưng họ cũng biết rằng nếu chúng ta chiếm đóng đất đai ở nước ngoài, họ có thể duy trì cuộc nổi dậy của họ trong nhiều năm, giết hại hàng ngàn binh sĩ của chúng ta và làm cho các nguồn lực của chúng ta bị cạn kiệt, và lợi dụng sự hiện diện của chúng ta để tuyển mộ thêm chiến binh."

Tổng thống Obama cũng kêu gọi dân chúng đừng ghét bỏ những người theo đạo Hồi ở trong nước. Ông nói nhóm Nhà nước Hồi giáo muốn làm bùng ra một cuộc chiến tranh giữa Tây phương với Hồi giáo. Nhưng ông cũng kêu gọi những người Hồi giáo ở Mỹ và trên khắp thế giới tích cực tranh đấu để chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cho biết ông tin chắc là “chúng ta sẽ thành công trong sứ mạng này, vì chúng ta ở phía đúng của lịch sử.” Ông kêu gọi dân chúng “Đừng quên rằng tự do mạnh hơn nỗi sợ hãi.” - VOA

No comments:

Post a Comment