Friday, December 18, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 18/12

Tin Thế Giới

1.
Chiến lược xoay trục Á châu của Mỹ đối mặt với chướng ngại trong năm 2016

Tòa Bạch Ốc sẽ đón tiếp những nhà lãnh đạo của các nước Á châu Thái Bình Dương trong năm tới, giữa lúc Hoa Kỳ tiếp tục những nỗ lực để gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng trong khu vực này. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chính phủ của Tổng thống Obama sẽ đối mặt với những thách thức trong lúc tìm cách gia tăng sự giao thiệp với khu vực này mà không làm gia tăng những mối căng thẳng với Trung Quốc. Thông tín viên Mary Alice Salinas của đài VOA gửi về bài tường thuật.

Tổng thống Barack Obama tuyên bố Hoa Kỳ phải được kết nối với khu vực Á châu Thái Bình Dương.

"Á châu Thái Bình Dương vô cùng quan trọng cho việc thăng tiến an ninh, thịnh vượng và phẩm giá của con người trên khắp thế giới. Đó chính là lý do tại sao tôi dành ra rất nhiều công sức trong chính sách đối ngoại của mình để gia tăng thêm nữa sự giao thiệp của Mỹ với khu vực này".

Trong một cố gắng để củng cố vị thế lãnh đạo của Mỹ ở Á châu Thái Bình Dương, Tổng thống Obama đã đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo khu vực tại Tòa Bạch Ốc và gặp gỡ các nhà lãnh đạo khác trong nhiều chuyến viếng thăm Á châu.

Nhưng mục tiêu của Mỹ nhằm xây dựng một khu vực Á châu Thái Bình Dương hoà bình và thịnh vượng cũng còn tùy thuộc rất nhiều vào quốc hội và vấn đề quốc hội có phê chuẩn Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2016 hay không.

Hiệp định thương mại qui mô lớn này đang gặp phải sự chống đối khá mạnh tại Điện Capitol.

Ông Christopher Johnson, một nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho rằng TPP không chỉ liên quan tới vấn đề kinh tế, thương mại.

"Đối với hầu hết các nơi ở Á châu, kinh tế chính là an ninh".

Ông Marc Noland, một nhà nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông cũng sẽ tiếp tục là một thách thức lớn.

"Những yêu sách chủ quyền và những hành động khác của Trung Quốc đã tạo ra sự lo lắng cho nhiều người ở những nước nhỏ hơn trong khu vực, cho nên họ hoan nghênh sự có mặt của Mỹ. Nhưng đồng thời họ cũng chẳng muốn bị lôi kéo vào những vụ đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc".

Ông Johnson cho rằng Hoa Kỳ cần phải hành xử một cách thận trọng.

"Có thể nói hành động cân bằng này sẽ là cân bằng giữa hai mục tiêu: một bên là tìm cách trấn an các đối tác và các đồng minh trên khắp Á châu, nhất là Đông Nam Á, là Hoa Kỳ có mặt ở đó, Hoa Kỳ giữ vững những cam kết về đồng minh quân sự trước những hoạt động mỗi ngày một tích cực hơn của Trung Quốc trong khu vực; và một bên là không làm cho Trung Quốc nghĩ rằng việc này là một chiến lược bao vây để tìm cách gây thiệt hại cho quyền lợi của Trung Quốc trong khu vực".

Hoa Kỳ đã cam kết giúp đỡ các nước Đông Nam Á tăng cường khả năng phòng vệ biển và yêu cầu Trung Quốc ngưng xây đảo nhân tạo, ngưng thực hiện những công trình xây dựng mới và ngưng quân sự hóa những khu vực có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Ông Johnson nói an ninh mạng cũng sẽ tiếp tục là một vấn đề dễ gây xích mích giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.

Washington tin rằng Bắc Kinh dính líu tới nhiều hoạt động gián điệp mạng nhắm vào chính phủ và doanh nghiệp Mỹ.

Trung Quốc bác bỏ cáo giác đó.

Ông Johnson nhận định như sau về vấn đề này:

"Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy nhiều áp lực chính trị hơn đối với chính phủ Obama đòi họ trừng phạt những kẻ hưởng lợi từ hoạt động gián điệp mạng, và một khi điều đó xảy ra, Trung Quốc có phần chắc sẽ trả đũa".

Sau chuyến công du Đông Nam Á hồi tháng trước, Tổng thống Obama cho biết quan hệ giữa Mỹ và vùng này sẽ được tăng cường thêm nữa và 10 nhà lãnh đạo lãnh đạo của các nước ASEAN sẽ đến thăm Tòa Bạch Ốc trong năm 2016. - VOA
|
|

2.
Các cường quốc thế giới thảo luận về cuộc chuyển tiếp chính trị ở Syria

Đại diện các cường quốc thế giới hôm 18/12 có mặt tại New York để tham dự vòng đàm phán thứ ba về một cuộc chuyển tiếp chính trị được đề nghị cho Syria, vài tuần lễ trước một kế hoạch để tổ chức cuộc thương thuyết do Liên Hiệp Quốc làm trung gian giữa chính phủ Syria và những tổ chức đối lập ôn hòa. Các nhà thương thuyết muốn có sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để thúc đẩy cho tiến trình chính trị này. Thông tín viên Nike Ching tại Bộ Ngoại giao Mỹ tường thuật.

Trong những ngày này, bầu trời Syria tràn ngập các máy bay chiến đấu của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo, trong đó có Pháp và Anh, không kích những mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo và máy bay của Nga. Các máy bay chiến đấu của Nga bắt đầu tiến hành một nỗ lực riêng rẽ tại Syria vào tháng 9 vừa qua. Nga nói rằng những cuộc không kích này nhắm vào Nhà nước Hồi giáo, nhưng các nhà phân tích nói mục tiêu của Nga là nhằm bảo vệ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Hoa Kỳ nhất mực cho rằng ông Assad rốt cuộc phải từ bỏ quyền lực.

Hoa Kỳ, các quốc gia Trung Đông và châu Âu trong vài tháng qua đã gặp nhau hai lần tại Vienna, đưa đến cuộc thảo luận tuần này tại Liên Hiệp Quốc.

Ngoại trưởng John Kerry sẽ chủ tọa một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Syria, sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov trước đây trong tuần mà ông nói là đạt được một số tiến bộ.

“Ngày hôm nay chúng tôi đã đạt được một số điểm chung và đồng ý về sự phức tạp của vấn đề liên hệ đến các tổ chức khủng bố”.

Nhóm có tên là Nhóm Hỗ trợ Quốc tế cho Syria hy vọng sẽ xác định những tổ chức khủng bố không được tham gia cuộc ngưng bắn được đề nghị, cũng như xác định những tổ chức đối lập Syria sẽ tham gia đối thoại chính trị với chế độ Assad.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nói:

“Điều quan trọng vào lúc này, như chúng ta đã đồng ý trong hội nghị Vienna 1 và Vienna 2, là chúng ta nên có một cuộc ngưng bắn trên cả nước tại Syria càng sớm càng tốt”.

Những quốc gia được mời tham dự cuộc thảo luận ngày 18/12 là những nước đã tham dự những vòng đàm phán trước đây tại Vienna, trong đó có Nga và Iran. Các nhà thương thuyết hy vọng sẽ đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc một nghị quyết ủng hộ một kế hoạch chuyển tiếp chính trị và một đề nghị ngưng bắn.

Bà Jessica Ashooh, chuyên gia về Trung Đông của Hội đồng Đại Tây Dương, nói:

“Những cuộc thảo luận ngày hôm nay, và nghị quyết có thể hay không có thể được đưa ra trong những cuộc thảo luận này, thực sự sẽ định đoạt vấn đề là cuộc xung đột Syria được giải quyết một cách nhanh chóng hay là vẫn còn kéo dài”.

Bà Jessica Ashooh nói nếu được chấp nhận thì đây sẽ là nghị quyết đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc liên hệ đến tình hình chính trị tại Syria kể từ khi cuộc khủng hoảng Syria bắt đầu vào năm 2011. - VOA
|
|

3.
Lý do ban nhạc Bắc Triều Tiên "Morabong" hủy biểu diễn ở Bắc Kinh

Nhật báo Hàn Quốc Chosun Ilbo, số ra ngày 18/12/2015, cho biết lý do ban nhạc pop nổi tiếng Morabong của Bắc Triều Tiên đã hủy buổi trình diễn tại Bắc Kinh vào phút chót dự định diễn ra vào ngày 12/12/2015: Trung Quốc không muốn chiếu hình ảnh tên lửa của Bắc Triều Tiên trên sân khấu biểu diễn.

Buổi biểu diễn ngày 12/12 tại Bắc Kinh của Moranbong lẽ ra là buổi trình diễn đầu tiên ở nước ngoài của nhóm nhạc, được đánh giá có phong cách hiện đại trái ngược với nền âm nhạc truyền thống gò bó của Bắc Triều Tiên.

Nhật báo Chosun Ilbo, trích dẫn lời một quan chức chính phủ Hàn Quốc, cho biết ban nhạc Morabong thà về nước còn hơn là cúi mình trước những áp lực của chính quyền Trung Quốc về phối cảnh sân khấu cho buổi biểu diễn.

Trong một buổi tập dượt, các cô gái của Morabong vô cùng tức giận vì nhóm định chiếu lên sân khấu hình ảnh Bắc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa, song chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu ban nhạc hủy màn này vì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự buổi trình diễn.

Dĩ nhiên, nhóm đã từ chối lời yêu cầu. Vì vậy, Bắc Kinh báo cho Morabong là Chủ tịch Trung Quốc cùng nhiều quan chức cao cấp khác sẽ không tham dự buổi biểu diễn của nhóm như dự kiến. Và ngay lập tức, Bình Nhưỡng đáp trả bằng tuyên bố hủy buổi hòa nhạc của nhóm.

Morabong là một ban nhạc toàn nữ ca sĩ, được thành lập theo gợi ý của chính nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Tại Bắc Triều Tiên, sinh viên thuộc lòng các bài hát Moranbong. Ban nhạc nữ bắt đầu buổi trình điễn đầu tiên vào năm 2012 và làm thay đổi hoàn toàn sân khấu âm nhạc Bắc Triều Tiên. Ngoài các bài hát yêu nước, nhóm còn hát lại nhiều ca khúc nổi tiếng thế giới như "My Way" hay nhạc phẩm trong phim "Rocky" và chơi thành thạo đàn violon điện tử.

Trung Quốc hiện đang thúc đẩy lại quá trình đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân quân sự của Bắc Triều Tiên. Các cuộc thương thuyết đã gặp thất bại vào năm 2009 vì Bình Nhưỡng lại tiến hành thử nguyên tử và cho phóng thử một tên lửa.

Bắc Kinh là đồng minh duy nhất trong khu vực của Bình Nhưỡng, đồng thời cũng là đối tác thương mại và nhân đạo duy nhất. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước đang trở nên căng thẳng hơn từ vài năm gần đây vì Bắc Triều Tiên tiếp tục chương trình hạt nhân. Kể từ ba năm sau khi thay thế người cha, Kim Jong Un vẫn chưa hề công du chính thức Trung Quốc. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

4.
Quốc tế tiếp tục lên tiếng về LS Đài --- Điều 88: Tội càng nhẹ tù càng nặng?

Chính giới quốc tế tiếp tục lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ bắt giữ luật sư, nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài hôm 16/12.

Ông Đài bị bắt tạm giam và khởi tố tội Tuyên truyền chống Nhà nước, theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Trước đó 10 ngày, ông cũng cáo buộc đã bị hành hung khi có buổi nói chuyện về nhân quyền tại Nghệ An.

Ngay sau khi ông Nguyễn Văn Đài bị bắt, một số tổ chức quốc tế đã lên tiếng yêu cầu trả tự do cho ông.

Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Andrus Ansip đã nêu vụ bắt giữ luật sư Đài trong phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu ngày 16/12 tại Strasbourg, Pháp.

EU cũng ra thông cáo cùng ngày “bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc bắt giữ ông Nguyễn Văn Đài" và nói việc này "đặc biệt gây lo ngại".

Tiếp theo đó, một số dân biểu phương Tây gửi thư phản đối vụ bắt giữ theo Điều 88.

'Trả tự do ngay lập tức'

Dân biểu Mỹ Alan Lowenthal hôm 17/12 vừa gửi thư lên Ngoại trưởng John Kerry để "bày tỏ sự quan tâm sâu sắc của tôi đối với việc Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị bắt giam ngày hôm qua tại Việt Nam với tội danh Tuyên truyền chống Nhà nước".

Ông Lowelthal, đại diện cho khu vực bầu cử 47, tiểu bang California, viết trong thư: "Tôi kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đòi hỏi chính quyền Việt Nam lập tức trả tự do Luật sư Đài và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông. Thêm vào đó, chính quyền Việt Nam cần phải dứt khoát chấm dứt mọi hành vi tấn công đối với các nhà hoạt động nhân quyền".

Bức thư được sao gửi Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cũng viết: "Trong lúc Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương đang chờ đợi sự chấp thuận của Quốc hội Hoa Kỳ, Việt Nam tiếp tục cho thấy không có dấu hiệu cải thiện nào trong việc tôn trọng các quyền căn bản của chính công dân của họ".

"Một mối quan hệ vững chắc giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chỉ có thể có được khi nhân quyền tại Việt Nam được hoàn toàn tôn trọng và bảo vệ."

Một dân biểu khác tại Úc châu, ông Bernie Ripoll, đã gửi hai lá thư đến Đại Sứ Việt Nam tại Úc và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về vụ bắt LS Đài.

Ông Ripoll bình luận: "Nguyễn Văn Đài là người đấu tranh can đảm và đầy nhiệt huyết. Ông đã tạo sự quan tâm tại trong nước cũng như trên thế giới về những vi phạm nhân quyền tại một quốc gia vốn không chấp nhận những tiếng nói phản kháng".

Vị dân biểu Úc kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Đài.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế như Amnesty International và Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo cũng đưa ra kêu gọi tương tự.

Giới đấu tranh trong nước tổ chức chiến dịch trên mạng đòi tự do cho ông Nguyễn Văn Đài. - BBC

***
Ngay sau khi báo chí Việt Nam đưa tin về vụ bắt luật sư Nguyễn Văn Đài vì 'vi phạm' điều 88 Bộ Luật hình sự Việt Nam, một số người dùng Facebook đã chỉ ra sai lệch về hình phạt giữa bản tiếng Anh và tiếng Việt trong luật này trên trang Bộ Tư pháp.

Nội dung tiếng Việt ghi là hình phạt cao nhất cho "trường hợp đặc biệt nghiêm trọng" là án tù đến 20 năm.

Nhưng bản tiếng Anh lại ghi là án tù cao nhất đó "dành cho tội phạm ít nghiêm trọng hơn".

Trên trang của Bộ Tư pháp CHXHCN Việt Nam ở địa chỉ www. moj. gov.vn người đọc có thể thấy:

"Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm."

Nhưng bản tiếng Anh của Bộ Luật hình sự 21/12/1999 được đăng lên, tính đến ngày 17/12/2015 khi người đọc xem trang này, lại viết:

"2. In the case of committing less serious crimes, the offenders shall be sentenced to between ten and twenty years of imprisonment."

(Trong trường hợp phạm các tội ít nghiêm trọng hơn, kẻ vi phạm sẽ bị xử từ 10 đến 20 năm tù giam.)

Dịch cắt dán?

Image copyri
Một số bạn đọc trên Facebook đã cho rằng đây chỉ là "lỗi dịch thuật, in ấn".

Nhưng nếu đây là một lỗi dịch thuật thì cũng có nghĩa người nước ngoài, kể cả các quan chức ngoại giao, giới luật gia chỉ có thể đọc bản tiếng Anh và hiểu một nội dung khác hẳn, thậm chí ngược lại nội dung tiếng Việt.

Các lỗi này có vẻ lặp lại ở cả Điều 80, 85, 86, 87.

Những điều luật này đều ghi tội phạm 'less serious' (ít nghiêm trọng) sẽ bị xử tới mức án cao nhất cho phép.

Một điều đáng chú ý nữa là bản tiếng Anh của Bộ Luật hình sự Việt Nam dùng tiếng Anh kiểu Mỹ, với các từ 'offenses, organizer, laborer' thay cho 'offences, organiser, labourer' trong tiếng Anh ở Anh.

Nhiều từ ngữ không mang tính chuyên môn, có vẻ như lặp lại một cách dịch tối nghĩa.

Khái niệm 'tội phạm nghiêm trọng' được dịch thành 'serious crimes' và dùng tràn lan.

Trong khi đó, các văn bản quốc tế phân biệt 'grave offences', chỉ các tội nghiêm trọng từ phản quốc, sát nhân đến bắt cóc, khủng bố...và 'serious offences' cho các tội không nghiêm trọng bằng (gây thương tích, gây cháy nổ...).

Khái niệm 'gây ra hậu quả nghiêm trọng' trong tiếng Việt được dịch thành 'causing serious consequences' trong khi 'to cause' theo nghĩa 'gây ra' chỉ dùng để nói về các hành vi cụ thể (to cause death, exposion, danger).

Còn 'cause' và 'consequences' thường dùng trong tiếng Anh để nói về 'nguyên nhân và hậu quả' của hành vi nói chung.

Tội phạm 'có tổ chức' được văn bản trên biến thành 'in an organized manner' (làm việc ngăn nắp) và ghi liên tục trong nhiều điều luật.

Chính vì thế, một số dân mạng cho rằng Bộ Tư pháp Việt Nam đã soạn văn bản tiếng Anh cho luật hình sự bằng cách "cắt dán" các câu từ những điều luật hay câu văn nào khác trên mạng. - BBC
|
|

5.
Trung Quốc tiến hành tập trận ở Biển Đông

Quân đội Trung Quốc tuần này tiến hành tập trận ở Biển Đông với các tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu mô phỏng các cuộc tấn công bằng phi đạn hành trình trên tàu, theo thông tin từ nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hôm 18/12.

Trong bài viết đăng trên trang bìa, tờ báo nói cuộc tập trận được tiến hành hôm thứ Tư trên "vài ngàn cây số vuông" tại một khu vực trên Biển Đông.

Nguồn tin này cho hay các lực lượng tham gia diễn tập được chia thành hai đội với các kịch bản khác nhau.

Trung Quốc lâu lâu lại thông báo các cuộc diễn tập như thế ở Biển Đông trong nỗ lực chứng minh tính minh bạch trong các hoạt động quân sự.

Hôm Chủ nhật, Bộ Quốc phòng Trung Quốc loan báo hải quân nước này vừa tiến hành tập trận ở Biển Đông. Không rõ đó có phải là cuộc diễn tập mà báo quân đội loan tin hôm 18/12 hay là một cuộc tập trận khác. - VOA
|
|

6.
Bảy năm tù vì chai nước ngọt 'có ruồi'

Tòa án tỉnh Tiền Giang đã tuyên ông Võ Văn Minh bảy năm tù giam vì cho rằng ông dùng chai nước ngọt có ruồi uy hiếp công ty Tân Hiệp Phát.

Ông Võ Văn Minh bị xử tội cưỡng đoạt tài sản vì đòi công ty Tân Hiệp Phát trả 500 triệu đồng cho một chai nước ngọt có ruồi do công ty này sản xuất.

Tại tòa ngày thứ Sáu 18/12, trong quá trình tranh luận, luật sư Phạm Hoài Nam - Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh - nói ông và luật sư Nguyễn Tấn Thi cảm thấy "bất ngờ" khi biết luật sư của Tân Hiệp Phát có biên bản hỏi cung ông Võ Văn Minh.

Ông Phạm Hoài Nam nói với BBC Tiếng Việt:"Tôi và luật sư Nguyễn Tấn Thi đã khiếu nại với Hội đồng xét xử. Luật sư của Tân Hiệp Phát chỉ bảo vệ quyền lợi cho bị hại trong phạm vi vấn đề về thiệt hại và bồi thường thiệt hại.

Nếu họ có các biên bản hỏi cung của phiên tòa như một vị đại diện công tố là không đúng vai trò luật sư của nguyên đơn dân sự trong một vụ án. Điều này sẽ làm xấu đi tình trạng của bị cáo và theo luật Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng hình sự."

Báo Tuổi Trẻ trong nước tường thuật tại phiên tòa cho thấy Viện kiểm sát Tiền Giang khẳng định ông Võ Văn Minh không phải là người tiêu dùng để có thể có quyền đòi thương lượng.

"Thực tế, Minh và chị gái là người mở quán bán hàng, trong đó có bán nước giải khát của Tân Hiệp Phát. Như vậy, Minh không thể là đối tượng người tiêu dùng có thể bị đe dọa sức khỏe giống như những người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm và có thể bị thiệt hại từ sản phẩm." - Tuổi Trẻ dẫn lời Viện Kiểm sát Tiền Giang.

'Không yêu cầu đền bù'

Hôm thứ Năm 17/12, đại diện Tân Hiệp Phát nói với báo Công An Nhân Dân họ "không yêu cầu đền bù và xin miễn trừ trách nhiệm dân sự cho ông Võ Văn Minh".

Trước đó theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tiền Giang, ngày 3/12/2014 ông Võ Văn Minh phát hiện một con ruồi bên trong chai nước ngọt nhãn hiệu Number 1 (một sản phẩm của công ty Tân Hiệp Phát) khi lấy ra bán cho khách.

Cáo trạng nói ông Minh đã dùng chai nước để đe dọa, yêu cầu Tân Hiệp Phát giao cho ông một tỷ đồng, sau hai bên thương lượng hạ xuống 500 triệu.

Đến ngày 27/1/2015, khi Tân Hiệp Phát đang giao tiền cho ông Minh thì công an Tiền Giang ập đến bắt quả tang ông Minh và số tiền.

Ông Minh bị truy tố tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo khung hình phạt Điểm a, Khoản 4 Điều 135 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Trước đó vào năm 2012, trong một vụ án tương tự, ông Nguyễn Quốc Tuấn cũng đã bị phạt ba năm tù khi "thỏa thuận" với Tân Hiệp Phát và nhận 50 triệu để giữ im lặng về việc ông phát hiện chai trà xanh không độ có con gián bên trong.

Ngay sau vụ bắt giữ ông Minh diễn ra đầu năm 2015, dư luận tại Việt Nam xuất hiện hàng loạt các trang mạng kêu gọi tẩy chay sản phẩm của công ty này.

Trong ngày xử đầu tiên của phiên tòa xử ông Minh, bà Trần Ngọc Bích - Giám đốc công ty Tân Hiệp Phát - nói Tân Hiệp Phát đã thiệt hại "hàng ngàn tỷ đồng" do "thông tin về vụ việc này đưa ra."

Luật sư Phạm Hoài Nam nói với BBC sau khi tòa tuyên án: “Bố mẹ và vợ anh Minh đã khóc ngay tại phiên tòa.”

“Bản thân thân anh Minh lúc rời khỏi phòng xử có nói với tôi anh sẽ kháng cáo và nhờ các luật sư tiếp tục bào chữa cho anh trong phiên tòa cấp phúc thẩm sắp tới”. - BBC

No comments:

Post a Comment