Thursday, December 10, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 10/12

Tin Thế Giới

1.
Lãnh tụ Kim Jong Un: Bắc Triều Tiên đã có bom nhiệt hạch --- Ban nhạc Bắc Hàn biểu diễn ở Trung Quốc

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tỏ ý cho thấy chế độ cô lập của ông đã phát triển một quả bom hydro.

Ông Kim Jong Un được thông tấn xã chính thống KCNA hôm nay dẫn lời cho biết Bắc Triều Tiên hiện nay là ‘một nhà nước trang bị vũ khí hạt nhân hùng hậu sẵn sàng kích nổ bom nguyên tử và bom hydro để bảo vệ chủ quyền.’

Theo hãng tin KCNA, phát biểu của ông Kim được đưa ra nhân chuyến tham quan một cơ sở quân sự lịch sử tại Bình Nhưỡng .

Bom hydro còn được biết đến là bom nhiệt hạch có sức công phá mạnh hơn nhiều so với bom nguyên tử nhờ sử dụng công nghệ tiên tiến.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc nói họ được một giới chức thuộc cơ quan tình báo nước này cho biết không có bằng chứng hỗ trợ cho tuyên bố của lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Bình Nhưỡng đang bị Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế khắt khe vì đã tiến hành 3 vụ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất trong ba năm 2006, 2009 và 2013. - VOA

***
Ban nhạc toàn nữ Bắc Triều Tiên, Moranbong, có kế hoạch lưu diễn tại Trung Quốc vào tuần tới.

Lãnh đạo Kim Jong Un đã quyết định gửi ban nhạc nổi tiếng này tới nước láng giềng để thúc đẩy quan hệ đôi bên.

Ban nhạc Moranbong, do chính ông Kim tuyển chọn, sẽ biểu diễn "hữu nghị" cùng với Dàn đồng ca Công huân của quân đội Triều Tiên, theo thông tấn xã Bắc Hàn KCNA.

Đoàn nghệ sỹ mặc quân phục được các quan chức nhà nước và đại sứ Trung Quốc ở Bình Nhưỡng ra ga tiễn.

Đây là chuyến lưu diễn ở nước ngoài đầu tiên của Moranbong.

Nó cho thấy quan hệ giữa hai nước láng giềng dường như đang nồng ấm trở lại sau một thời gian có những căng thẳng sau cuôc thử hạt nhân lần thứ ba của Bình Nhưỡng hồi năm 2013.

Tân Hoa Xã cho hay ban nhạc Moranbong sẽ biểu diễn tại Trung tâm Nghệ thuật Quốc gia ở Bắc Kinh từ 12-14/12.

Mới đây đã có tin ban nhạc toàn nữ này bị giải tán vì thất sủng, nhưng hóa ra là tin đồn thất thiệt.

Kim Jong Un đã ra lệnh lập ban nhac này vào năm 2012 với thành phần chính lấy từ một ban nhạc mà cha ông, Kim Jong Il, yêu thích.

Moranbong (Mẫu Đơn Phong) là ban nhạc hiện đại, phong cách trẻ trung sôi nổi kiểu phương Tây.

Các bài hát mà họ trình diễn, ngoài các bài cách mạng như Chúng tôi Ngày Đêm Nghĩ tới Người, Thống soái Kim và Đất nước Tôi là Đẹp nhất!, còn có các bài mang hơi hướng Âu Mỹ như bản nhạc dựa trên nền nhạc phim Rocky. - BBC
|
|

2.
Ấn Độ-Mỹ đẩy mạnh hợp tác quân sự

Công du nước Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar được đồng nhiệm Hoa Kỳ Ashton Carter nghênh đón tại Lầu Năm Góc ngày 10/12/2015. Cuộc hội đàm mở ra sau đó tập trung trên việc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn, với trọng tâm là an ninh trên biển.

Như để nhấn mạnh đến yếu tố hợp tác Mỹ-Ấn Độ trong lãnh vực an ninh hàng hải, hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Ấn sẽ cùng nhau ra thăm hàng không mẫu hạm Mỹ USS Eisenhower đang hoạt động ngoài khơi Hoa Kỳ. 

Trước khi đến Washington, hôm 07/12/2015 ông Parrikar là Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đầu tiên đến thăm Tổng hành dinh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tại Hawaii. 

Theo báo Stars and Stripes của quân đội Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đã thảo luận với Đô đốc Harry B. Harris Jr, Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương về tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa hai quân đội trong lãnh vực an ninh trên biển. 

Bản thông cáo về cuộc gặp do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ công bố cho biết là hai bên đã nhấn mạnh đến nhu cầu bảo đảm quyền tự do hàng không và hàng hải trong khu vực. Mỹ-Ấn Độ nêu rõ "đặc biệt tại tại Biển Đông". Hai ông Harris và Parrikar đã thảo luận về khả năng tổ chức các cuộc tuần tra trên biển hỗn hợp Mỹ-Ấn Độ, nhưng không nói rõ về địa điểm tuần tra. 

Cho dù Ấn Độ không tiếp giáp Biển Đông, nhưng trong thời gian gần đây, Mỹ đã kêu gọi các đồng minh và đối tác trong khu vực tham gia vào chiến dịch do Mỹ chủ trương, được mệnh danh là "Tuần tra vì quyền tự do hàng hải" gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới bồi đắp tại Trường Sa, bên trên cho xây phi đạo cùng nhiều cơ sở khác, mà Mỹ cho là nhằm "quân sự hóa" khu vực. 

Ấn Độ từng cố gắng tạo thế cân bằng trong quan hệ với Mỹ và với Trung Quốc, nhưng do thái độ ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh, kể cả trong tranh chấp biên giới với Ấn Độ, New Delhi được cho là đang càng lúc càng tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ. 

Hai ông Harris và Parrikar cũng thảo luận về một loạt các cuộc tập trận song phương và đa phương mà cả hai nước đều tham gia - Malabar, Yudh Abhyas, Red Flag, Vajra Prahar và RIMPAC. Nhân cuộc họp, hai bên đã nhấn mạnh: "Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác ưu tiên của Ấn Độ trong lãnh vực tập trận và trao đổi quân sự". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Quốc hội Mỹ tranh luận về lực lượng trên bộ chống IS

Chính phủ của Tổng thống Obama cho biết họ đang gia tăng áp lực quân sự lên nhóm Nhà nước Hồi giáo nhưng tiếp tục chống lại việc điều động một lực lượng đáng kể của binh sĩ Mỹ tác chiến trên bộ tới Iraq hoặc Syria. Theo tường thuật của thông tín viên Michael Bowman của đài VOA tại Điện Capitol, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cho biết như vậy trong cuộc điều trần hôm thứ tư trước Uỷ ban Quân vụ Thượng viện.

Trong lúc nhiều người vẫn còn cảm thấy kinh hoàng vì những vụ tấn công khủng bố ở Paris và San Bernardino, người đứng đầu Ngũ giác đài cho rằng việc điều động binh sĩ Mỹ tác chiến trên bộ tới Trung Đông để chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo là một việc sai lầm, vì làm như thế là mắc mưu kẻ địch.

Hôm qua, Bộ trưởng Carter phát biểu như sau tại cuộc điều trần ở Thượng viện Mỹ.

"Qua việc làm cho các cuộc xung đột ở Iraq và Syria bị Mỹ hoá dưới mắt người khác, chúng ta có thể khiến cho những người đang chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo hoặc đang muốn chống lại sự cai trị của nhóm này thành những người chống lại chúng ta."

Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ, đã phản bác nhận định đó.

"Mối đe dọa của nhóm Nhà nước Hồi giáo đối với đất nước của chúng ta là thật, trực tiếp và không ngừng gia tăng. Hiện nay chúng ta không thắng cuộc chiến này và thời gian không ở về phía chúng ta."

Ông Carter cho biết quân đội Mỹ đang tăng mạnh chiến dịch chống nhóm Nhà nước Hồi giáo với việc điều động các binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt và nới rộng các cuộc không kích.

Thượng nghị sĩ Jack Reed, người đứng đầu phe Dân chủ trong Uỷ ban Quân vụ, tán đồng chủ trương của Bộ trưởng Carter và cho rằng các lực lượng tác chiến trên bộ phải là lực lượng của các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực.

"Đưa một số lớn binh sĩ Mỹ tác chiến trên bộ tới Iraq và Syria, như một số người đã đề nghị, có thể làm cho chúng ta trực tiếp hoặc gián tiếp mắc mưu trong cuộc chiến tranh tuyên truyền của nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Cuộc điều trần diễn ra vài ngày sau khi Thượng nghị sĩ Ted Cruz, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà, đề nghị tiến hành một chiến dịch oanh tạc vô cùng dữ dội để tận diệt Nhà nước Hồi giáo."

"Tôi không biết cát có thể cháy rực trong đêm tối hay không, nhưng chúng ta sẽ biết được việc này."

Thượng nghị sĩ Claire McCaskill, thuộc đảng Dân chủ, bác bỏ ý kiến đó.

"Bao nhiêu phụ nữ và trẻ em sẽ bị vạ lây nếu chúng ta oanh tạc kiểu rải thảm vào khu vực mà nhóm Nhà nước Hồi giáo đang chiếm cứ? Chúng ta đang nói tới sự tổn thất của bao nhiêu sinh mạng?"

Các giới chức Ngũ giác đài nói rằng họ không hề có kế hoạch tiến hành một cuộc dội bom rải thảm để chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Phó Chủ tịch Ban Tham mưu Liên quân, Đại tướng Paul Selva, phát biểu như sau.

"Mục tiêu rõ ràng trong chiến lược của nhóm Nhà nước Hồi giáo là làm cho chúng ta tham gia một cuộc chiến tranh mà họ tin là một cuộc chiến tranh tận thế với Tây phương. Và bất cứ điều gì mà chúng ta làm để nuôi dưỡng lối suy nghĩ đó đều bất lợi cho an ninh quốc gia của chúng ta."

Thượng nghị sĩ Cruz không hề nao núng trước những ý kiến chống đối. Ông còn tố cáo chính phủ của Tổng thống Obama sao nhãng trách nhiệm trong cuộc chiến đấu chống nhóm Nhà nước Hồi giáo. - VOA
|
|

4.
Phát biểu của tỉ phú Trump gây phẫn nộ khắp thế giới --- Donald Trump hoãn chuyến thăm Israel

Phản ứng dữ dội từ quốc tế gia tăng hôm qua chống lại ứng cử viên Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Mỹ, Donald Trump, và đề xuất của ông đòi tạm thời cấm người Hồi giáo vào nước Mỹ, với gần 250.000 người Anh ký tên vào một thỉnh nguyện thư trực tuyến kêu gọi cấm ông trùm bất động sản này tới nước Anh.

Ông Trump hôm thứ hai đề nghị cấm cửa hoàn toàn không cho người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ, yêu cầu duy trì lệnh cấm này cho tới khi nào chính phủ có thể xác định được thái độ của người Hồi giáo đối với Hoa Kỳ. Phát biểu này được đưa ra sau vụ nổ súng chết người ở California hồi tuần trước.

Một số người Anh cho rằng bình luận của ông Trump lên tới ‘giọng điệu thù hận’ và kêu gọi cấm ông Trump sang Anh, nơi ông đang sở hữu một sân golf.

So sánh lời phát biểu thù hận

Nhà lập pháp Đảng Quốc gia Scotland, nghị sĩ Tasmina Ahmed-Sheikh, nói các  quy tắc tương tự nên được áp dụng với ông Trump như những gì được dùng để chống lại những nhà diễn thuyết Hồi giáo cực đoan.

‘Chúng tôi đã cấm 84 nhà diễn thuyết theo chủ nghĩa thù hận sang Anh. Tôi cho rằng phát biểu của ông Trump đã lên tới giọng điệu thù hận, và vì thế câu hỏi của tôi với chính phủ Anh là hãy xét tới việc liệt kê tên ông Trump vào vị trí thứ 85 trong danh sách này.’

Các kiến nghị thư trực tuyến vượt ngưỡng 100 ngàn chữ ký được xem xét đem ra tranh luận tại quốc hội, nhưng Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne hôm qua nói với các nhà lập pháp rằng ‘cấm các ứng cử viên Tổng thống nhập cảnh Anh’ có thể là việc làm không đúng.

Ông Osborne nói ‘Cách tốt nhất để đối đầu với quan điểm của một người như Donald Trump là tham gia vào một cuộc tranh luận dân chủ quyết liệt với ông ấy để chứng minh vì sao ông bị coi là sai lầm nghiêm trọng’.

Trước đó, Anh đã từ chối không cho nhập cảnh các nhân vật như như nhà quyền anh Mike Tyson của Mỹ, nghệ sĩ nhạc rap Tyler the Creator, các thuyết gia Hồi giáo cực đoan, và ông Fred Phelps Sr người theo chủ nghĩa Cơ đốc giáo chính thống. - VOA

***
Người đang đứng đầu trong cuộc đua tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, Donald Trump, nói ông tạm hoãn không đến Israel.

Nhà tài phiệt viết trên Twitter rằng chuyến thăm sẽ diễn ra sau khi ông “trở thành Tổng thống Mỹ”.

Đầu tuần này, ông Trump gây phẫn nộ khi đề nghị cấm người Hồi giáo vào Mỹ.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là một trong những người chỉ trích ông Trump vì tuyên bố.

Đề xuất cấm cửa của ông Trump đưa ra sau vụ tấn công của một cặp vợ chồng cực đoan làm nhiều người chết ở San Bernardino, California.

Tổng thống Israel Reuven Rivlin cũng ngầm phê phán ông Trump khi nói Israel “không có chiến tranh với Hồi giáo”.

Tại Mỹ, huyền thoại quyền anh Muhammad Ali, một người Hồi giáo, kêu gọi các chính khách “đem lại hiểu biết về Hồi giáo”.

Nhưng ông Ali không nhắc tên ông Trump. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam hoan nghênh Mỹ can dự ở biển Đông?

Chính quyền Hà Nội tuyên bố rằng mọi hoạt động đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định ở biển Đông “đều được hoan nghênh”, trong khi Trung Quốc phản đối Hoa Kỳ tuyên bố sẽ triển khai máy bay trinh sát P-8 tới Singapore.

Trả lời câu hỏi của phóng viên hôm nay, 10/12, về thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Singapore, bà Phạm Thu Hằng, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói rằng "duy trì hoà bình, ổn định Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực”.

“Và mọi hoạt động đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định ở khu vực đều được hoan nghênh", bà Hằng nói thêm.

Giới quan sát cho rằng tuyên bố của phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam có thể được coi là sự ủng hộ ngầm đối với các hành động của Mỹ, quốc gia không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.

Hoa Kỳ và Singapore hôm 7/12, đã ký một thỏa thuận về việc lần đầu tiên triển khai máy bay trinh sát P8 Poseidon ở Singapore từ ngày 7 tới 14/12.

Một quan chức quốc phòng Mỹ được dẫn lời nói rằng các đợt triển khai máy bay trinh sát tiếp theo ở Singapore có thể sẽ tiếp tục sau đó, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở biển Đông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 8/12 lên tiếng chỉ trích động thái này là nhằm “quân sự hóa khu vực” và “không phù hợp với các lợi ích chung và lâu dài của các nước trong khu vực”.

Hoa Kỳ thực hiện các chuyến bay do thám với máy bay P8 từ Nhật Bản và Philippines cũng như Malaysia.

Tháng trước, một máy bay ném bom B52 của Mỹ đã bay gần một số hòn đảo nhận tạo mà Trung Quốc xây dựng ở biển Đông, và cuối tháng Mười, một chiến hạm trang bị tên lửa dẫn đường của Mỹ cũng đã tiến vào khu vực trong phạm vi 12 hải lý thuộc các đảo đó.

Hồi tháng Năm, quân đội Trung Quốc cũng đã 8 lần cảnh cáo một chiếc máy bay trinh sát P8 bay gần các hòn đảo nhân tạo đó. - VOA
|
|

6.
Đà Nẵng ‘mạnh tay’ với người Trung Quốc

Đà Nẵng đã trục xuất 64 người Trung Quốc làm việc “chui”, trong bối cảnh có nhiều quan ngại về việc công dân nước này đang “nắm” nhiều khu đất mang tính “chiến lược” ở thành phố.

Truyền thông trong nước hôm 9/12 đưa tin, những người bị buộc phải rời Việt Nam sang Đà Nẵng với visa du lịch, và mỗi người đã bị phạt gần 1.000 đôla.

Trước đó, quan chức thành phố ở miền Trung cũng cho rằng tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh bằng đường du lịch để làm việc trái phép “đang gây nhiều phức tạp cho công tác quản lý nhà nước”.

Tin này được loan đi ít lâu sau khi quan chức địa phương thừa nhận đã phát hiện 71 cá nhân là người Việt đứng tên mua 137 lô đất trên địa bàn thành phố cho người Trung Quốc.

Khu vực mà người Trung Quốc mua chủ yếu nằm trên đường Võ Nguyên Giáp-Trường Sa, gần một căn cứ quân sự của quân khu 5.

Chị Thu Diễm, một người dân Đà Nẵng, nói với VOA Việt Ngữ rằng tình trạng này đang khiến nhiều người lo ngại. Chị nói thêm:

“Người Trung Quốc bây giờ họ mua đất ven biển rất là nhiều. Họ mua đất ở trong này nhiều nhưng đa số là mua theo tên của người Việt Nam, chứ không mua theo tên của người Trung Quốc. Người ta đã “chui” thì làm sao mà nắm rõ được. Người Trung Quốc họ mua đất chắc là muốn chiếm dụng đất của Việt Nam thôi. Người ta mua đất của mình, thông qua chính người dân của mình, và người ta sử dụng, chiếm dụng các vị trí đất đấy để làm những việc không có lợi cho mình thì tất nhiên mình phải bức xúc chứ?”

Quan chức địa phương được dẫn lời nói rằng những khu đất hiện do người Trung Quốc nắm giữ là “những vị trí nhạy cảm liên quan đến an ninh, chính trị, quốc phòng”.

Anh Thành Tâm, một người dân Đà Nẵng khác, cho VOA Việt Ngữ biết rằng người Trung Quốc chủ yếu tập trung ở khu vực ven biển, gần sân bay quân sự Nước Mặn.

Ông Trương Duy Nhất, blogger hiện sinh sống ở Đà Nẵng, nhận định rằng tình trạng người Trung Quốc “núp bóng”, mua đất như vậy “đúng là một mối lo”.

Ông cũng nói thêm rằng chính quyền đang bị đặt vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Ông nói với VOA Việt Ngữ:

“Chính quyền họ nhận ra rồi đấy, nhưng mà bây giờ để ngăn chặn tình trạng này thì cũng khó. Người ta có tiền người ta mua, sao cấm người ta được? Tên người Việt Nam mà. Thực ra, trên dưới 200 khu nền đất ven biển, dọc theo sân bay Nước Mặn ở quận Ngũ Hành Sơn thì nói là đứng tên Việt Nam, chứ đa phần là của người Trung Quốc. Một số khu bây giờ họ xây resort, xây khách sạn, xây nhà cao tầng, và chữ Tàu nó làm cả khu sống động lên rồi.”

Trong khi đó, hôm nay, báo chí trong nước đưa tin, hội đồng nhân dân Đà Nẵng đã “né” trả lời thẳng câu hỏi liên quan tới các vụ mua đất này.

Trong buổi họp hôm nay, 10/12, khi được cử tri bày tỏ bức xúc về hiện tượng người Trung Quốc “giấu mặt” để mua nhà đất, ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng thành phố, ông Trần Thọ, Chủ tịch Đà Nẵng, được trích lời nói rằng vấn đề này hơi "nhạy cảm" nên sẽ trả lời bằng văn bản sau.

Bình luận trên trang web của VOA tiếng Việt, một độc giả từ Sài Gòn viết rằng người Trung Quốc đang “Tàu hóa thành phố Đà Nẵng” và đưa người đổ dồn về thành phố này “theo chiến lược 3 mặt giáp công: trên không, trên biển và trên đất liền khi có chiến tranh xảy ra”.

Trong khi đó, blogger Trương Duy Nhất cho rằng không chỉ có Đà Nẵng vấp phải vấn đề người Trung Quốc tràn sang. Nhà bất đồng chính kiến từng bị cầm tù nói:

“Một số vùng nhạy cảm như Hà Tĩnh, như bauxite Tây Nguyên, tất cả các dự án bây giờ rơi vào tay của các doanh nghiệp Trung Quốc hết. Ngoài Hà Tĩnh, họ xây dựng một vùng Trung Quốc, toàn là Trung Quốc. Họ xây cả chùa chiền, đền đài họ thờ trong đó nữa. Cái đó là cái mình phải lo, mình phải đặt dấu hỏi.”

Một số nhà phân tích nói với VOA Việt Ngữ rằng người Việt quan ngại về ý đồ của Trung Quốc, nhất là khi quốc gia láng giềng khổng lồ không che giấu tham vọng thâu tóm biển Đông, trong bối cảnh tinh thần bài Bắc Kinh vẫn chưa có dấu hiệu “nguội” bớt. - VOA

No comments:

Post a Comment