Sunday, December 6, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 6/12

Tin Thế Giới

1.
Miến Điện: Thống tướng Than Shwe "ủng hộ" bà Aung San Suu Kyi

Cựu lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, Thống tướng Than Shwe, tuyên bố ủng hộ cựu thù, Aung San Suu Kyi và xem bà như là "nhà lãnh đạo tương lai" của đất nước. Trên mạng xã hội Facebook ngày 05/12/2015, cháu nội người từng cai trị đất nước với bàn tay sắt trong hai thập niên, đã cho biết như trên.

Thống tướng Than Shwe, 82 tuổi, liên tục cầm quyền trong hai thập niên cho tới năm 2010. Ngày 04/12/2015 ông đã có một cuộc tiếp xúc với bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ. Đảng này vừa đắc cử vẻ vang trong đợt tổng tuyển cử ngày 08/11/2015.

Mới chỉ cách nay 5 năm, tướng Than Shwe là người từng ra lệnh quản thúc tại gia giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi trong nhiều năm. Theo lời cháu nội cựu lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, sau khi tiếp bà Aung San Suu Kyi hôm 04/12/2015, Thống tướng Than Shwe nhấn mạnh: "Tất cả mọi người phải chấp nhận sự thật. Bà Aung San Suu Kyi sẽ là vị lãnh đạo tương lai của đất nước sau thắng lợi trong cuộc bầu cử vừa qua... Tôi thực lòng ủng hộ bà trong khả năng của mình nếu bà muốn phát triển đất nước".

Phát ngôn viên Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ, Win Myint xác nhận tin trên. Đây là lần đầu tiên bà Aung San Suu Kyi và tướng Than Shwe đã có một cuộc tiếp xúc kể từ năm 2003. Trong tuần, bà Aung San Suu Kyi cũng đã hội kiến Tổng thống Thein Sein và lãnh đạo quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, để chuẩn bị cho giai đoạn "chuyển tiếp" chính trị trong ôn hòa. - RFI

***
Cựu lãnh đạo quân đội của Myanmar xem kẻ thù xưa, bà Aung San Suu Kyi, là "nhà lãnh đạo tương lai" của đất nước và cam kết hỗ trợ cho bà.

Đó là những gì cháu nội vị tướng này tiết lộ sau khi Tướng Than Shwe và bà Suu Kyi họp kín.

Chi tiết của cuộc họp kéo dài hai giờ rưỡi hôm thứ Sáu giữa hai người, được cháu ông, người đóng vai trò là trung gian, nói trên Facebook.

Bà Suu Kyi lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà (NLD) giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử hồi tháng Mười.

Đây là cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức tự do tại Myanmar trong 25 năm.

Phóng viên BBC Jonah Fisher tại Myanmar nói Tướng Than Shwe, 80 tuổi, người lãnh đạo chính quyền quân đội Myanmar cho đến khi ông từ nhiệm năm 2011, vẫn còn ảnh hưởng rất lớn tại đây.

Cháu trai của Tướng Than Shwe, ông Nay Shwe Thway Aung, dẫn lời ông nói tại cuộc họp: "Sự thật là bà sẽ trở thành nhà lãnh đạo tương lai của đất nước", và "Tôi sẽ ủng hộ bà hết mình".

Không rõ liệu bình luận của Tướng Shwe có dẫn tới cam kết để giúp bà Suu Kyi thay đổi điều khoản trong hiến pháp cấm bà trở thành tổng thống hay không.

Tuần trước đã diễn ra các cuộc hội đàm giữa tất cả các bên chủ chốt tại Myanmar.

Một chủ đề thảo luận liên quan tới câu hỏi hóc búa là ai sẽ trở thành tổng thống kế tiếp của Myanmar.

Bà Suu Kyi trước đó đã nói với BBC bà sẽ tìm được một tổng thống cần thiết, nhưng "điều đó sẽ không ngăn cản tôi đưa ra tất cả những quyết định như một người lãnh đạo của đảng thắng cử". - BBX
|
|

2.
Bầu cử cấp vùng tại Pháp trong "tình trạng khẩn cấp" --- Bầu cử Pháp: Đảng cực hữu có thể giành chiến thắng

Còn bị chấn động vì loạt khủng bố 13/11/2015, cử tri Pháp đi bầu chính quyền cấp vùng trong ngày Chủ Nhật 06/12/2015. Đây là cuộc trắc nghiệm chính trị cuối cùng trước khi bầu tổng thống vào giữa năm 2017. An ninh được tăng cường trên toàn quốc nhất là ở Paris.

Khoảng 120 ngàn hiến binh, cảnh sát và quân nhân của ba binh chủng được huy động để bảo vệ an ninh cho cuộc bầu cử cấp vùng trong ngày Chủ Nhật 06/12/2015. Gần 45 triệu cử tri được mời tham gia bầu cử Hội đồng cấp vùng, 13 vùng tại lục địa và 4 vùng ở hải ngoại.

Sau cuộc cải tổ hành chính của chính phủ Xã Hội sáp nhập nhiều địa phương lại với nhau, số chính quyền cấp vùng giảm từ 22 xuống còn 13. Tại các thành phố lớn, nhất là tại Paris, trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp, các đơn vị cảnh sát và quân đội, áo giáp, tiểu liên cầm tay, tuần tiễu trên khắp đường phố và trước các phòng phiếu ở những nơi được xem là "nhạy cảm".

Trái với thông lệ, Tổng thống François Hollande không tuyên bố điều gì sau khi bỏ phiếu vào sáng nay. Cách nay hai hôm, ông kêu gọi dân chúng đi bầu đông đảo. Trách nhiệm thúc giục cử tri có lẽ giành cho Thủ tướng Pháp. Ông Manuel Valls kêu gọi người dân đi bầu vì mỗi lá phiếu là một "vũ khí" chống khủng bố.

Theo các kết quả thăm dò ý kiến, đảng Xã Hội đang bị đối lập bỏ xa, đứng hàng thứ ba (22%) sau liên minh Trung-Hữu (27%) và nhất là đảng cực hữu bài ngoại Mặt Trận Quốc Gia (30%). Đảng cực đoan, với chủ trương nước Pháp co cụm, lần đầu tiên qua mặt các đảng truyền thống. Cho đến trưa nay, tỷ lệ cử tri đi bầu mới lên đến 16,30%. Vòng hai được tổ chức vào Chủ Nhật 13/12/2015. - RFI

***
Cử tri Pháp hôm nay đi bỏ phiếu bầu chọn lãnh đạo các khu vực. Dư luận dự đoán phe cực hữu, thường là đảng chống Hồi giáo, có thể giành thắng lợi.

Cuộc bầu cử diễn ra giữa lúc Pháp vẫn trong tình trạng siết chặt an ninh tiếp theo sau các vụ tấn công khủng bố hồi tháng trước tại Paris làm 130 người thiệt mạng.

Dư luận dự đoán đảng Mặt trận Quốc gia chống di dân của bà Marine Le Pen sẽ giành được thắng lợi chính trị trong cuộc đua tranh với đảng Xã hội đương quyền.

Tỉ lệ ủng hộ cá nhân tăng mạnh dành cho Tổng thống Pháp Francois Hollande với quan điểm cứng rắn kể từ các vụ tấn công khủng bố, nhưng tỉ lệ dành cho đảng của ông vẫn ở mức thấp.

Tỉ lệ ủng hộ Mặt trận Quốc gia tăng lên sau các cuộc tấn công ở Paris.  Các nhà lãnh đạo của đảng Mặt trận Quốc gia thường xuyên gắn kết khủng bố với di dân.

Vòng đầu phiếu thứ nhì theo lịch trình sẽ diễn ra vào Chủ nhật tới. - VOA
|
|

3.
Một tỷ phú thân cận với Bạc Hy Lai chết trong tù

Được cho là người đưa hối lộ cho cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh, Bạc Hy Lai, nhà tỷ phú Trung Quốc, Hứa Minh (Xu Ming), 44 tuổi, đã chết trong tù hôm 04/12/2015. Mạng xã hội Tencent và đài truyền hình Hồng Kông Phượng Hoàng tiết lộ tin trên vào sáng ngày 06/12/2012.

Bản tin của Reuters nhắc lại, năm 2005 ông Hứa Minh được tạp chí tài chính Forbes của Mỹ bình chọn là nhà tỷ phú giàu thứ 8 của Trung Quốc. Nhân vật này đã bị bắt xét xử trong vòng bí mật. Không một ai biết ông đã bị bắt vào thời điểm nào, bị cáo buộc về những tội danh gì, lãnh án bao nhiêu năm tù và đến khi nào mãn án. Tuy nhiên theo tiết lộ của đài truyền hình Hồng Kông Phượng Hoàng, có khả năng ông Hứa sẽ được trả tự do vào tháng 9/2016.

Tên tuổi của nhà tỷ phú Hứa Minh được đưa ra ánh sáng từ vài năm trở lại đây trong các vụ xử liên quan đến cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai cùng vợ là bà Cốc Khai Lai. Ông Bạc đã bị khai trừ đảng từ năm 2012. Và trong phiên xử năm 2013, ông Hứa Minh bị chính quyền Trung Quốc kết án tù chung thân vì tội tham nhũng, lạm quyền.

Trong phiên tòa xử cựu lãnh đạo thành phố Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai bị tố cáo nhận 3,47 triệu đô la từ tay doanh nhân họ Hứa. Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, nhà tỷ phủ Hứa Minh tạo dựng sự nghiệp trong ngành địa ốc, và chính ông là người môi giới để mua một căn biệt thự cho cặp vợ chồng Bạc Hy Lai-Cốc Khai Lai tại Pháp.

Nhiều nguồn tin thông thạo được đài truyền hình Hồng Kông trích dẫn cho biết, cựu doanh nhân Hứa Minh đã qua đời vì bệnh tim trong nhà tù ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. - RFI
|
|

4.
Hội nghị COP21 trước một tuần lễ quyết định

Thế giới chỉ còn có 5 ngày để đạt được thỏa thuận về khí hậu cho toàn cầu. Đàm phán để đạt được một thỏa thuận cao vọng cho nhân loại sẽ được mở ra ở cấp bộ trưởng kể từ ngày 07/12/2015. Pháp trong cương vị nước chủ nhà ghi nhận một số "tiến bộ" mà các đoàn đàm phán đã đạt được nhưng còn phải san bằng nhiều bất đồng giữa 195 quốc gia tham dự hội nghị COP21.

Sau khi đã trình lên Chủ tịch COP21 bản dự thảo hiệp định, một thành viên trong phái đoàn đàm phán Trung Quốc nói một cách ví von: trong tuần vừa qua, các bên đã xác định được những thành phần nguyên liệu và gia vị để thực hiện một món ăn. Giờ đây đã đến lúc tất cả phải bắt tay vào việc để làm ra sản phẩm. Trọng trách đó thuộc về 195 bộ trưởng đại diện cho các quốc gia tham dự hội nghị Paris. Buổi làm việc đầu tiên sẽ được mở ra vào lúc 10 giờ sáng ngày 07/12/2015.

Các bên chỉ còn có 5 ngày để đạt được đồng thuận để giữ nhiệt độ của Trái đất không tăng quá 2° C. Kịch bản lý tưởng nhất là các nước tham dự COP21 tìm được đồng thuận trước sáng ngày Thứ Sáu 11/12/2015, để rồi các bên chính thức thông qua Hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu khi COP21 bế mạc. Nhưng theo các nhà quan sát, giả thuyết này ít có khả năng xảy ra bởi vì với những đề xuất hiện tại, thì ít nhất là đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ của Trái đất sẽ tăng thêm 3°C.

Theo như ghi nhận của tổ chức phi chính phủ Mạng lưới Hành động vì Khí hậu, bà Cécilia Gautier, thì hãy còn nhiều dị biệt trên những điểm then chốt nhất. Tổ chức chống đói nghèo và những bất công Oxfam cho là, trong tuần qua, vế tài chính đã không có nhiều tiến triển.

Một thành viên trong phái đoàn của Liên Hiệp Châu Âu không vòng vo nhận định: tất cả những điều khoản hóc búa nhất vẫn chưa được khai thông. Do vậy theo các nhà quan sát, tuần lễ sắp mở ra tại Le Bourget sẽ là một cuộc chạy đua nước rút để đạt được thỏa thuận sau cùng. Ngày 06/12/2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi bộ trưởng 195 quốc gia sắp bắt tay vào việc hãy "can đảm để đem lại những quyết định quan trọng cho thế hệ mai sau". - RFI
|
|

5.
Ông Assad: Không kích của Anh tại Syria là bất hợp pháp

Tổng thống Syria Syria Bashar al-Assad lên án việc Anh quốc tham gia liên quân do Mỹ lãnh đạo, tấn công các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Ông nói các cuộc oanh kích của Anh là bất hợp pháp và sẽ thất bại.

Trả lời phỏng vấn báo Sunday Times của Anh, Tổng thống Assad nói Nhà nước Hồi giáo không thể bị đánh bại đơn thuần bởi các cuộc không kích, và chỉ có các cuộc không kích của Nga là có hiệu quả kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch tại Syria hồi tháng 9.

Ông Assad lâu nay luôn chỉ trích các chính phủ Tây phương và các nước khác trong khu vực ủng hộ các chiến binh nổi dậy ôn hòa, và lên án chiến dịch không kích của liên quân vi phạm chủ quyền của nước ông.

Mỹ và các nước Tây phương khác nói rằng chiến dịch không kích của Nga phần lớn nhắm vào các nhóm nổi dậy ôn hòa, nhưng không nhắm vào Nhà nước Hồi giáo.

Ông Assad nói trong cuộc phỏng vấn rằng không có phe chống đối ôn hòa trong cuộc xung đột ở nước ông bắt đầu từ tháng 3 năm 2011, nhưng chỉ có "các phần tử cực đoan."  

Chính phủ Syria thường xuyên ám chỉ những người nổi dậy là các "phần tử khủng bố" kể từ khi cuộc khủng hoảng đi từ những cuộc biểu tình ôn hòa sang thành cuộc nội chiến giữa nhiều phe phái.

Ông Assad nói rằng nếu phương Tây và các nước trong khu vực chấm dứt ủng hộ các phần tử khủng bố, thì "chỉ mất một tháng" là cuộc xung đột chấm dứt.

Anh quốc mở rộng tham gia liên quân do Mỹ lãnh đạo hồi tuần trước từ chỗ chỉ oanh kích mục tiêu Nhà nước Hồi giáo ở Iraq mà thôi sang oanh kích phe chủ chiến này cả tại Syria sau khi Thủ tướng David Cameron thuyết phục được Quốc hội cho phép.

Ông Cameron nói các cuộc oanh kích thuộc khuôn khổ "một chiến lược rộng lớn hơn" nhằm khống chế Nhà nước Hồi giáo.

Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Bảy ra một thông báo cho hay đợt không kích đầu tiên vào đêm hôm trước nhắm vào một khu vực khai thác dầu hỏa ở miền đông Syria. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

6.
Pakistan: Không có liên hệ giữa tay súng California và những kẻ chủ chiến

Bộ trưởng nội vụ Pakistan cho biết ông không tin rằng có mối liên hệ giữa những kẻ chủ chiến ở đất nước ông với người phụ nữ gốc Pakistan tham gia vụ xả súng hôm thứ Tư ở bang California.

Bộ trưởng Nội vụ Chaudhry Nisar Ali Khan cho báo giới biết về những gì mà chính quyền Pakistan biết về nghi phạm Tashfeen Malik 29 tuổi.

Ông Khan nói rằng cuộc điều tra cho thấy cha mẹ của Tashfeen Malik đã chuyển đến sống ở Ả-rập Saudi 25 năm trước. Anh chị em của cô ta lớn lên ở đó. Cô ta từng theo học một trường đại học ở Pakistan, nhưng cho tới nay trong cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng có thể liên kết Malik với những kẻ chủ chiến Hồi giáo, ông nói.

Ông Khan cho biết Pakistan đã đề nghị giúp đỡ Mỹ.

Nhà chức trách Mỹ vẫn đang nỗ lực xác định vì sao Malik và người chồng sinh ra ở Mỹ, Syed Rizwan Farook, lại giết chết 14 người và làm bị thương 21 người khác tại một buổi liên hoan cuối năm của những nhân viên chính quyền địa phương ở thành phố San Bernardino, California.

Malik đến Mỹ vào năm 2014 theo visa hôn thê. Cô ta và Farook có một đứa con sáu tháng tuổi. Em bé được gửi lại nhà một người thân trước khi họ thực hiện vụ tấn công. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

7.
Bị tấn công sau buổi thảo luận Nhân quyền

Việt Nam cho hay các Luật sư Nguyễn Văn Đài và hai ông Vũ Văn Minh, Lý Quang Sơn bị kẻ lạ mặt tấn công sau khi có cuộc Thảo Luận Nhân Quyền tại Nam Đàn- Nghệ An, trong chiến dịch Tuần lễ Nhân quyền cho Việt Nam.

Ba người đã bị những kẻ đi trong 3 chiếc xe Camry che biển số đánh trọng thương.

Luật sư Đài bị đánh bầm dập, bắt lên xe ô tô ở thị trấn Quán Hành tỉnh Nghệ An đưa đi đâu chưa rõ. - RFA

***
Hôm Thứ Bảy 5/12/2015, LS Nguyễn Văn Đài nói chuyện về Hiến pháp và Nhân quyền tại Nam Đàn, Nghệ An, có cả công an và an ninh tham dự, hôm sau anh và các bạn bị đánh đập.

Vào khoảng 7:00pm tối Chủ Nhật 6/12, LS Nguyễn Văn Đài, anh Vũ Văn Minh và anh Lý Quang Sơn bị côn đồ đi trên hai xe ô tô và một số xe máy đuổi đánh tại thành phố Vinh (Vũ Văn Minh có số điện thoại 01266079666).

LS Đài sau khi phổ biến luật nhân quyền cho người dân đã bị các xe Camry của công an giả danh côn đồ che biển số đánh trọng thương.

Anh bị bắt ở thị trấn Quán Hành, Nghi Lộc, Nghệ An rồi chạy về hướng vào Vinh. Cả 3 người đều bị công an cướp hết tài sản, máy móc, điện thoại. Công an vứt các anh ở gần Cửa Lò. Các anh đã được anh em ở Vinh đón đến chỗ an toàn. Bạn trẻ tên Thắng là bạn của anh Vũ Văn Minh vẫn đang bị công an bắt đi mất tích. Anh Sơn bị công an đánh bong gân ở chân.

Cũng ngày hôm nay 6/12, công an đã chận xuất cảnh 4 người: Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy (ở sân bay Nội Bài), Trương Dũng và cháu Bình (bị chặn ở cửa khẩu Mộc Bài thuộc tỉnh Tây Ninh). - FB

No comments:

Post a Comment