Friday, December 4, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 4/12

Tin Thế Giới

1.
Nga cảnh báo IS đột nhập vào Thái Lan

Cảnh sát Thái Lan cho biết họ được chính phủ Nga cảnh báo rằng 10 người Syria hoạt động cho cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) đã vào Thái Lan hồi tháng Mười với mục tiêu nhắm vào người Nga tại đây.

Một bản ghi nhớ chung của cảnh sát Thái Lan bị rò rỉ viết rằng thông tin này được cơ quan tình báo Nga chuyển cho họ. Hơn 1,5 triệu người Nga tới Thái trong năm 2013.

Nhưng cảnh sát Thái cho biết họ không thể khẳng định được sự hiện diện của những người Syria này và các viên chức kêu gọi hãy bình tĩnh.

Nga bắt đầu các cuộc không tập chống lại IS tại Syria vào cuối tháng Chín.

Một nhóm có liên hệ với IS cũng nhận là đã làm chiếc phi cơ của Nga bị rớt ở bán đảo Sinai của Ai Cập hồi tháng Mười, khiến toàn bộ 224 người trên phi cơ bị thiệt mạng.

'Mọi thứ đều an toàn'

Bản ghi nhớ chung bị rò rỉ, được đánh dấu "khẩn" và đề ngày 27 tháng Mười Một, là từ một vị chỉ huy đơn vị đặc biệt của Thái Lan và được gửi cho các đơn vị cảnh sát.

Thư này nói rằng Tổng cục An ninh Liên bang của Nga (FSB) đã nói với cảnh sát Thái Lan rằng các dân quân Syria đã vào đất nước này trong thời gian từ ngày 15-30 tháng Mười để nhắm mục tiêu là người Nga.

Bản ghi nhớ chung viết: "Họ đi riêng lẻ. Bốn người tới Pattaya, hai tới Phuket, hai tới Bangkok và hai người nữa tới các địa điểm chưa được xác định."

Kế hoạch là nhắm mục tiêu là "người Nga và liên minh của Nga với Thái Lan," bản ghi nhớ chung viết.

Bản ghi nhớ chung này kêu gọi gia tăng an ninh xung quanh những nơi có thể là mục tiêu tấn công.

Pattaya và Phuket đều là những khu nghỉ mát được ưa chuộng của khách Nga và mùa Giáng sinh và Năm mới luôn là cao điểm.

Nhưng giới chức trách Thái Lan nói rằng họ vẫn đang xác định xem những người Syria này liệu đã vào Thái Lan hay chưa.
Một phó Phát ngôn viên của cảnh sát Thái, ông Songpol Wattanachai, khẳng định bản ghi nhớ chung là thật nhưng nói thêm: "Cho tới nay đó vẫn chỉ là tin tình báo cần phải được kiểm chứng... chúng tôi chưa có bằng chứng liệu có thật là họ đã vào đất nước này hay chưa."

Người đứng đầu Hội đồng Anh ninh Quốc gia, tướng Thawip Netniyom, nói: "Chúng tôi chưa phát hiện thấy có những di chuyển bất thường. Mọi thứ vẫn an toàn, xin yên tâm là như vậy.."

Trường Cục Di trú, ông Nathathorn Prausoontorn, nói với hãng tin Reuters rằng trong số 231 người Syria đã vào Thái Lan hồi tháng Mười thì chỉ còn 21 người ở lại và "không có gì bất thường" trong số những người này.

Hồi tháng Tám, một vụ đánh bom tại đền thờ ở Bangkok đã giết hại 20 người và đây là vụ tấn công lớn đầu tiên nhắm vào khách du lịch tại Thái Lan.

Hai người Hồi giáo Uighurs bị bắt và bị buộc tội mặc dù giới chức trách nói rằng họ có liên hệ với các băng đảng đưa lậu người chứ không phải là các dân quân Hồi giáo.

Tuy nhiên phóng viên BBC tại Đông Nam Á ở Bangkok, Jonathan Head, cho biết hiện vẫn còn các trát lệnh bắt giữ 15 người bị tình nghi khác có liên quan tới vụ đánh bom này và những người này hiện vẫn chưa bị bắt.

Nhiều người tin rằng vụ đánh bom được thực hiện để trả đũa cho quyết định gây tranh cãi của Thái Lan hồi tháng Bảy đã cho đưa hơn 100 người Uighur đang xin tị nạn trả về cho Trung Quốc, phóng viên BBC nói thêm. - BBC
|
|

2.
16 người chết trong vụ đánh bom xăng tại một hộp đêm ở Ai Cập

Các giới chức Ai Cập cho hay ít nhất 16 người chết trong một vụ tấn công bằng bom xăng vào sáng sớm thứ Sáu tại một hộp đêm ở thủ đô Cairo của Ai Cập.

Chưa xác định được động cơ dẫn đến vụ đánh bom xăng xảy ra tại nhà hàng – quán bar El Sayad ở khu vực Agouza.

Các giới chức an ninh bác bỏ vụ tấn công này có liên quan đến khủng bố, nhưng đã đưa ra những thông báo trông có vẻ mâu thuẫn nhau.

Bộ Nội vụ Ai Cập nói rằng cuộc tấn công khởi sự từ một bất đồng giữa nhân viên của nhà hàng và những người khác, và những người trong vụ bất hòa đó đã đánh bom ở cổng vào hộp đêm.

Trước đó, hãng tin nhà nước MENA trích lời một giới chức nói rằng 3 người đàn ông đi xe máy đã ném bom xăng vào hộp đêm và tẩu thoát.

Một giới chức nói với hãng thông tấn Reuters rằng hung thủ là một nhân viên của hộp đêm vừa bị đuổi việc.

Các giới chức cho hay họ đang mở cuộc truy lùng các nghi can.

Các phần tử cực đoan Hồi giáo đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công kể từ khi Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi bị lật đổ năm 2013 và bị quân đội bắt giữ.

Một nhóm chủ chiến tự xưng có liên kết với nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo đã tuyên bố thực hiện nhiều vụ tấn công. Phần lớn những vụ tấn công đó nhắm vào các cơ sở của chính phủ.

Các vụ tấn công, đa số xảy ra trên bán đảo Sinai có nhiều phần tử nổi dậy nằm vùng, đã phá hoại ngành công nghiệp du lịch mang tính trọng yếu của kinh tế Ai Cập. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Biển Đông: Dân biểu Mỹ tố cáo Trung Quốc thiếu thành thật

Nhân một cuộc điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 02/11/2015, nhiều dân biểu Mỹ đã lên án Trung Quốc thiếu thành thật trong vấn đề các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp tại Biển Đông: Giới lãnh đạo Trung Quốc liên tục cam kết không quân sự hóa các thực thể này, trong lúc vẫn xây dựng các cơ sở có thể dùng vào mục tiêu quân sự.

Trong buổi điều trần tại Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện về "Lợi ích chiến lược của Mỹ và APEC cùng với khối Thượng đỉnh Đông Á" (U.S. Strategic Interests and the APEC and East Asia Summit), dân biểu Steve Chabot (Đảng Cộng hòa) đã tố cáo: "Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục nói rằng Trung Quốc không có ý định theo đuổi việc quân sự hóa tại Biển Đông, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã tiến hành điều đó, và các hòn đảo nhân tạo có cả công dụng dân sự lẫn quân sự".

Chủ tịch Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ, Matthew Salmon, cũng bày tỏ cùng một mối quan ngại: "Tôi nghĩ rằng họ (tức là Trung Quốc) đang miệng lưỡi lắt léo, nói rằng họ không có ý đồ xấu trong việc bồi đắp các hòn đảo này, nhưng hành động của họ thì cho thấy thực tế khác hơn nhiều".

Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, và đã rầm rộ bồi đắp và xây dựng công trình trên 7 bãi đá và rạn sạn hô do họ kiểm soát tại vùng Trường Sa, làm dấy lên các mối lo ngại trong vùng cũng như tại Mỹ.

Nhân chuyến thăm Hoa Kỳ tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc đã cam kết sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo, một lời hứa đã được chính ông lập lại sau đó tại nhiều thủ đô khác. Tuy nhiên, theo ghị nhận của các quan sát viên, tại chỗ, tiến trình quân sự hóa các đảo nhân tạo vẫn tiếp diễn.

Nhân buổi điều trần ngày 2/11, ông Michael Fuchs, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Chiến lược và Hồ sơ Đa phương đã bảo đảm với giới lập pháp Mỹ rằng Chính quyền Obama sẽ cố gắng ngăn chặn việc quân sự hóa các quần đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.

Theo ông: "Đa số các nước trong khu vực đều quan ngại về các hành động đang xẩy ra ở Biển Đông. Chúng tôi đang tìm kiếm đảm bảo sao cho có một sự đồng thuận trong khu vực nhằm ngăn không cho quân sự hóa hơn nữa các tiền đồn".

Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc dừng việc xây dựng đảo nhân tạo, và gần đây đã thể hiện quyết tâm bằng cách gửi chiến hạm USS Lassen tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc. Oanh tạc cơ B-52 cũng đi tuần tra gần khu vực này.

Dân biểu Gery Connelly thuộc đảng Dân chủ đã hoan nghênh các động thái trên đây, cho rằng Mỹ cần phải "nhắc nhở tất cả các bên trong khu vực là họ không thể tùy tiện hành động mà không sợ trừng phạt. Họ không được đe dọa láng giềng của mình. Và Mỹ sẵn sàng chống lại điều đó nếu cần thiết".

Dân biểu Matthew Salmon cũng chia sẻ lập trường trên, cho rằng Mỹ nên gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc. - RFI
|
|

4.
Tổng thống và các ứng viên tổng thống phản ứng trước vụ nổ súng ở California --- Cộng đồng Hồi giáo lên án hành vi bạo lực của các nghi can nổ súng vào đám đông

Từ Quốc hội cho đến Tòa Bạch Ốc và đến luồng vận động tranh cử, các chính trị gia đã bày tỏ phản ứng trước vụ xả súng vào đám đông ở California làm 14 người chết và 21 người khác bị thương. Từ thủ đô Washington, thông tín viên VOA Katherine Gypson ghi nhận chi tiết.

Vụ xả súng ở California đã châm ngòi cho cuộc thảo luận khắp nước về hai vấn đề gây chia rẽ: khủng bố và kiểm soát súng ống.

Tổng thống Obama nêu ra khủng bố có thể là một khả năng, trong khi kêu gọi có những luật lệ gắt gao hơn về súng…

“Khi các cá nhân quyết định muốn làm hại người khác, thì chúng ta nên gây khó khăn hơn một chút cho họ bởi vì ngay bây giờ thì mọi chuyện quá dễ dàng”.

Các thành viên đảng Dân chủ tại Quốc Hội đưa ra lời kêu gọi thêm, như nghị sĩ Harry Reid, trưởng khối thiểu số Thượng viện:

“Điểm đáng lo ngại là chúng ta không làm gì cả, chúng ta không làm gì cả. Trong tư cách là cơ quan lập pháp của xứ này, mà chúng ta không làm gì cả”.

Và bà Nancy Pelosi, trưởng khối thiểu số Hạ viện:

“Chúng ta không thể giữ im lặng được nữa. Ta có quyền gì mà tổ chức những phút mặc niệm khi mà chúng ta không có hành động gì đối với nguyên do gây ra sự đau buồn?”.

Các ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa gán cho vụ nổ súng là một vấn đề an ninh quốc gia.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz nói:

“Tất cả chúng ta đều hết sức quan ngại rằng đây là một biểu hiện khác của khủng bố, khủng bố Hồi giáo cực đoan ngay trong nước này”.

Một ứng viên tổng thống nữa là thượng nghị sĩ Lindsey Graham nói:

“Những gì xảy ra đêm qua không liên quan nhiều hơn đến kiểm soát súng so với một vấn đề chúng ta có với khủng bố và chủ nghĩa cực đoan đang lan tràn khắp thế giới”.

Nhiều người – kể cả ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton – đã bày tỏ sự quan ngại về phản ứng có thể có chống lại người Hồi giáo.

“Đại đa số người Mỹ theo Hồi giáo cũng lo ngại y như mọi người khác”.

Tổ chức dân quyền Hồi giáo lớn nhất nước kêu gọi sự quân bình. Sau đây là lời ông Robert McCaw, giám đốc Công vụ của Hội đồng Quan hệ Mỹ - Hồi giáo:

“Người Hồi giáo không chịu nhiều trách nhiệm hơn về vụ nổ súng hôm qua so với người Cơ đốc giáo trong vụ tấn công mới đây vào chẩn y viện Kế hoạch hóa Gia đình”.

Ngay lúc này, nhân viên điều tra đang tìm cách bổ sung thêm thông tin vào một cuộc tranh luận còn đầy những câu hỏi. - VOA

***
Vẫn chưa rõ được động cơ đằng sau vụ nổ súng vào đám đông khiến 14 người chết tại San Bernardino, California. Syed Rizwan Farook và vợ là Tashfeen Malik, đã gửi đứa con nhỏ cho thân nhân trước khi thực hiện vụ xả súng bừa bãi vào một buổi tiệc mừng lễ cuối năm. Một phần trong cuộc điều tra là tìm ra vợ chồng nghi can này là ai. Họ đã bị hạ sát trong cuộc nổ súng với cảnh sát tiếp theo vụ tấn công. Một thủ lãnh Hồi giáo ở địa phương và những người khác quen biết với Farook nói họ kinh ngạc khi biết được một người mà họ coi là tín đồ thuần thành liên can đến vụ việc.

Khi Farook, 28 tuổi và người vợ 27 tuổi được cảnh sát nêu tên là thủ phạm vụ nổ súng vào đám đông, Mustafa Kuko, giám đốc Trung tâm Hồi giáo ở Riverside nói ông không thể tin được.

“Tôi rất xuống tinh thần. Tôi lấy làm kinh động và có cảm giác bị phản bội khi thấy một điều như thế xảy ra do một người Hồi giáo đã được dậy dỗ ở đây và bất cứ nơi nào khác rằng đạo Hồi hoàn toàn chống lại hình thức cư xử bừa bãi như thế này.”

Ông Kuko mô tả Farook là một người trầm lặng, dễ thương, thích sửa chữa xe hơi. Ông nói Farook đã đến nhà thờ hồi giáo của ông vài năm trước khi dọn đi nơi khác vào năm 2014. Faraook còn tổ chức buổi tiệc cưới của anh tại Trung tâm Hồi giáo ở Riverside. Ông Kuko nhớ Farook đã nói với ông về Malik trước khi kết hôn với cô ấy:

“Farook nói anh ta đã gặp một người phụ nữ trẻ tuổi dễ thương, tốt, sùng đạo, gốc người Pakistan.”

Ông Kuko nói Farook thường đến nhà thờ hồi giáo mỗi ngày.

Ông kể: “Tôi lấy làm ngạc nhiên một hành động khủng khiếp như thế xuất phát từ một người rất sùng đạo, rất trung thành, và anh ta có vẻ là một người đứng đắn.”

Thân nhân của Farook cũng kinh động, theo ông Hussam Ayloush, giám đốc điều hành Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo ở Los Angeles.

Ông Ayloush nói, “Họ đã tìm cách gọi cho anh ta, gọi cho người vợ, không ai trả lời; họ hoảng hốt nghĩ rằng, “Chúa ơi, có thể anh ta bị bắn, có thể anh ta bị thương rồi.”

Ông Ayloush nói kể từ lúc cảnh sát công bố tên các nghi can nổ súng, đã có phản ứng chống lại cộng đồng Hồi giáo.

Ông nói, “Không may chúng ta thấy rất nhiều sự quy trách cho người Hồi giáo, nhiều thông điệp thù hận gửi cho các nhà thờ hồi giáo, những lời dọa giết gửi cho cá nhân chúng tôi, gửi vào điện thoại của chúng tôi. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời dọa giết.”

Tuy ông cũng nhận được những thông điệp ủng hộ, ông nói người Hồi giáo đang bị phán xét một cách bất công bởi một số người vì những hành động của các phần tử ngoài lề xã hội.

Ông Ayloush nói, “Tôi không thể trông đợi bất cứ người Cơ đốc giáo nào phải bênh vực khi một kẻ rồ dại nào đó phạm một tội ác. Tôi không thể trông đợi một người Do Thái hay cộng đồng Do Thái làm như thế. Và chúng ta không nên trông đợi người Hồi giáo Mỹ hay Hồi giáo trên khắp thế giới làm như thế. Hãy phán xét các cộng đồng qua những triết lý của họ, qua các hành động của họ trong tư cách một cộng đồng nói chung.”

Cộng đồng Hồi giáo tại đền thờ đạo hồi lớn nhất ở Quận San Bernardino đã tổ chức một buổi lễ đa tôn thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân vụ nổ súng và lên án những gì đã xảy ra.

Ông Amjad Mahmoud Khan thuộc Cộng đồng Hồi giáo Ahmadiyya nói, “Có thể rất mệt mỏi khi lúc nào cũng lên án các hành động và làm đi làm lại như thế như một tiếng dội lại trong căn phòng trống; nhưng cá nhân tôi tin rằng bất kể cảm giác sợ hãi đạo Hồi ngày càng tăng, là điều rất có thực, chúng ta cần phải suy ngẫm với tư cách một công đồng Hồi giáo Mỹ.”

Để chống lại những quan điểm tiêu cực về đạo Hồi, ông Khan nói các thành viên của cộng đồng Hồi giáo cần phải tiếp tục gửi đi thông điệp rằng họ phản đối mọi hành vi cực đoan và bạo động. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam nằm trong top 10 nước bị ảnh hưởng khí hậu nặng nề nhất

Việt Nam nằm trong danh sách 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong 20 năm qua vì bão, lũ, và đất chuồi, theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu do tổ chức Germanwatch có trụ sở ở Đức vừa công bố hôm 3/12.

Khảo sát cho thấy từ năm 1995 tới 2014, Honduras, Miến Điện và Haiti là ba nước bị tác động nghiêm trọng nhất bởi thiên tai. Kế đến là Philippines, Nicaragua, và Bangladesh. Việt Nam xếp thứ 7 trong danh sách, theo sau là Pakistan, Thái Lan và Guatemala.

Trong thời gian này, có tổng cộng hơn 525.000 người thiệt mạng trong khoảng 15.000 vụ thiên tai. 

Riêng tại Việt Nam, số tử vong ghi nhận là trên 361 trường hợp trong 225 cơn thảm họa thiên tai. Thiệt hại lên tới trên 2.900 tỷ đôla.

Dù Honduras có chịu ít thiên tai hơn so với Philippines hay Bangladesh, nhưng thiệt hại tài chính cho nền kinh tế quốc gia Honduras gây ra bởi khí hậu được xem là cao nhất trên thế giới.

Kết quả nhìn chung cho thấy các nước nghèo dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu hơn và thiệt hại nhân mạng cũng như tình trạng khốn khó do thiên tai tại các nước thu nhập thấp cũng cao hơn so với các quốc gia khá giả.

Germanwatch cho biết số tử vong vì thiên tai một phần cũng do chính sách phát triển như tình trạng gia tăng dân số ở các vùng dễ bị tổn thương và phương thức bảo vệ người dân trước biến đổi khí hậu. 

Các nhà khoa học cảnh báo thảm họa thiên tai sẽ xảy ra thường xuyên hơn nữa nếu tình trạng tăng nhiệt toàn cầu không được khống chế.

Giới chuyên môn nói nguy cơ bão, lũ lụt, hạn hán, và nước biển dâng cao sẽ không ngừng tăng lên trừ phi con người giảm lượng khí thải nhà kính đặc biệt từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Tổ chức Germanwatch thúc giục các nhà đàm phán trong hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc đang diễn ra ở Paris sớm đạt một thỏa thuận toàn cầu để đối phó với các tai ương khí hậu.

Tuy nhiên, các đại diện tham gia hội nghị cho biết các cuộc đàm phán đang tiến triển rất chậm. - VOA
|
|

6.
Một người Việt thiệt mạng trong vụ xả súng ở Mỹ --- Tay súng California 'đi theo IS'

Một cô gái Việt có tên trong số 14 nạn nhân thiệt mạng sau vụ xả súng hôm 2/12 tại thành phố San Bernardino, bang California, Hoa Kỳ.

Cô Tín Nguyễn, 31 tuổi, nhân viên thanh tra thực phẩm của Sở Y tế San Bernardino, là người gốc Việt duy nhất trong vụ thảm sát hàng loạt mới nhất gây kinh hoàng nước Mỹ. 

Theo báo Người Việt có trụ sở tại California, giới chức Sở cảnh sát địa phương xác nhận tin này với gia đình nạn nhân tại một cuộc họp báo ở khách sạn Hampton Inn hôm qua, 3/12.

Vụ nổ súng xảy ra tại trung tâm chăm sóc người khuyết tật ở San Bernardino, nơi cô Tín Nguyễn đang làm việc.

Tín di cư sang Mỹ từ nhỏ cùng gia đình định cư tại thành phố Santa Ana, nơi có rất đông người Việt sinh sống.

Báo chí địa phương dẫn lời thân nhân của Tín cho biết cô chuẩn bị kết hôn vào năm 2017. Vài phút trước khi thảm kịch xảy ra, cô còn chia sẻ kế hoạch đón Giáng sinh qua tin nhắn điện thoại với gia đình.

Một người bạn thân của Tín đã lập trang vận động quyên góp trên Gofundme. com để giúp gia đình cô vượt qua những khó khăn trong cơn hoạn nạn này. 

Ngoài 14 nạn nhân thiệt mạng, còn có trên chục người bị thương trong vụ nổ súng bừa bãi mà FBI không loại trừ khả năng cũng có thể là một vụ khủng bố.

Thủ phạm chính, cặp vợ chồng Syed Rizwan Farook, 28 tuổi, và Tashfeen Malik, 27 tuổi, đã bị bắn hạ, để lại đứa con thơ 6 tháng tuổi. - VOA

***
Nghi phạm nữ trong vụ thảm sát tại California đã tuyên thệ trung thành với lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo (IS) trên Facebook, theo truyền thông Mỹ.

Tashfeen Malik đăng bài khi dùng một tài khoản khác, theo lời giới chức Mỹ được báo chí dẫn lại.

14 người bị giết và 21 người bị thương trong vụ bắn súng hôm thứ Tư.

Malik cùng chồng, Syed Rizwan Farook, 28 tuổi, sau đó đã chết khi đấu súng với cảnh sát tại San Bernardino, California.

Báo New York Times nói chưa có bằng chứng rằng IS chỉ đạo vụ thảm sát.

Tờ này dẫn lời một viên chức nói rằng đây có lẽ là một vụ “lấy cảm hứng” từ IS.

Tổng thống Barack Obama nói FBI đã tiếp quản việc điều tra từ chính quyền địa phương.

Ông Obama nói: "Có thể vụ này liên quan khủng bố, nhưng chúng ta chưa biết chắc. Cũng có thể liên quan công việc".

FBI nói nhà chức trách cần thời gian để điều tra. Nhiều người, trong đó có ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà, Thống đốc New Jersey Chris Christie, tin rằng đây là khủng bố.

Tìm tòng phạm

Cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Tom Ridge nói thông tin đưa ra đã hướng dư luận về khả năng khủng bố.

"Tôi cho đây là tấn công khủng bố. Tấn công vì hiềm khích công việc thì sẽ bất chợt hơn và không được chuẩn bị trước, thường chỉ một người thực hiện và không có bom".

Cảnh sát đang tìm kiếm "tòng phạm" và đã liên lạc với thân nhân của các nghi phạm.

Farook, người sinh ra ở Mỹ, không nằm trong danh sách theo dõi của cảnh sát.

Ông này làm thanh tra nhà hàng cho Sở Y tế San Bernardino 5 năm nay. Tờ Los Angeles Times dẫn lời các đồng nghiệp cho hay ông ta là tín đồ Hồi giáo ngoan đạo nhưng ít khi đả động đến chủ đề này.

Ông ta và bà Malik mới lấy nhau và có một con sáu tháng tuổi, mà họ gửi nhà thân mẫu trước khi thực hiện cuộc tấn công.

Hôm đó, Farook cùng các đồng nghiệp đã dự một buổi tiệc tại Inland Regional Centre.

Đồng nghiệp Patrick Baccari cho hay ông ngồi cùng bàn với Farook trước khi ông này đột ngột bỏ đi, để lại áo khoác.

Mặc đồ nhà binh và mang theo súng, Farook sau đó trở lại cùng Malik và bắt đầu nổ súng.

Ông Baccari nói ông chạy trốn vào nhà vệ sinh và bị thương vì mảnh đạn xuyên tường nhưng may không chết. - BBC

No comments:

Post a Comment