Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc: Hoạt động tàu sân bay cải thiện đáng kể
Báo của quân đội Trung Quốc cho biết nước này đang ngày càng cải thiện khả năng hoạt động của các máy bay chiến đấu từ tàu sân bay duy nhất của nước này là Liêu Ninh, và đang gia tăng các chuyến xuất phát từ đó. Tin này được loan đi hôm thứ Sáu, khi người đứng đầu hải quân Trung Quốc đến thăm tàu này.
Liêu Ninh, một chiếc tàu từ thời Liên Xô được mua từ Ukraine năm 1998 và được tân trang tại Trung Quốc, đã trở thành biểu tượng của sức mạnh hải quân Trung Quốc.
Trung Quốc muốn phát triển một lực lượng hải quân có khả năng bảo vệ các quyền lợi của nền kinh tế lớn hàng thứ hai trên thế giới, trong khi ngày càng có lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng ở Biển Đông.
Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung quốc cho đăng một bài xã luận trên trang nhất rằng tàu sân bay này đã đạt được “tiến bộ rõ ràng” trong việc nâng cao hiệu quả chiến đấu kể từ đầu năm.
Bài báo cho biết, số lượng các máy bay trên tàu sân bay và số lượng các chuyến bay xuất phát từ tàu đều gia tăng, trong khi “rất nhiều” phi công đã đủ điều kiện để vận hành máy bay phản lực chiến đấu Shenyang J-15 trên tàu sân bay.
Do đó, hải quân Trung Quốc đã thực hiện một “bước đột phá quan trọng” trong việc chuyển đổi từ giai đoạn thử nghiệm để có thể vận hành các máy bay cất và hạ cánh trên tàu.
Tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi đã đến thăm con tàu trong tuần này, gặp gỡ các phi công, ngồi vào buồng lái máy bay chiến đấu và trả lời các câu hỏi về việc làm cách nào Trung Quốc có thể tăng tốc khả năng hoạt động của con tàu.
Bài báo viết, những cuộc tập trận do Đô đốc Ngô giám sát diễn ra ở đâu đó trong vùng biển Bột Hải, ngoài khơi phía đông bắc Trung Quốc.
Tàu Liêu Ninh đã tham gia các hoạt động ở Biển Đông, nơi Trung Quốc có yêu sách chủ quyền chồng chéo với Việt Nam, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Brunei.
Hoạt động thành công của tàu 60 nghìn tấn Liêu Ninh là bước đầu tiên trong những gì mà truyền thông nhà nước và một số chuyên gia quân sự tin là sự triển khai tàu sân bay chế tạo trong nước vào năm 2020.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết hồi tháng 9 rằng Trung Quốc đang chế tạo hai tàu sân bay có cùng kích cỡ với tàu Liêu Ninh.
Chương trình tàu sân bay của Trung Quốc ít được biết đến vì đó là một bí mật quốc gia, mặc dù phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nói một cách bóng gió về những con tàu mới đang được chế tạo.
Ngũ Giác Đài cho biết trong một báo cáo hồi đầu năm nay rằng Bắc Kinh có thể chế tạo nhiều tàu sân bay trong vòng 15 năm tới. - VOA
|
|
2.
Phiến quân Syria tưởng niệm cái chết của người sáng lập Đạo quân của Hồi giáo
Các nhóm phiến quân Syria hôm nay làm lễ truy điệu cho một thủ lãnh có nhiều thế lực bị thiệt mạng trong một vụ không kích gần Damascus, và sau đó, chọn một viên chỉ huy quân sự hàng đầu làm người kế nhiệm.
Phiến quân và chính phủ Syria hôm qua cho biết ông Zahran Alloush, người sáng lập nhóm Đội quân của Hồi giáo, bị thiệt mạng trong vụ tấn công nhắm vào bộ chỉ huy của nhóm này ở Đông Ghouta, một khu vực ở ngoại ô thủ đô Damascus.
Cái chết của ông Alloush là một tổn thất lớn cho phe chống đối vũ trang, và làm tăng vị thế của Tổng thống Bashar al-Assad trước cuộc hoà đàm sẽ diễn ra vào đầu tháng giêng.
Hôm nay, nhóm Đội quân của Hồi giáo đã chọn ông Essam al-Buwaydhani, một viên chỉ huy ở chiến trường, còn có tên là Abu Hamman, lên thay cho ông Alloush.
Vụ không kích giết chết ông Alloush xảy ra vài ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết để tán thành một lộ đồ cho hoà bình Syria.
Nhóm Đội quân của Hồi giáo sẽ tham gia tiến trình hoà bình do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, nhưng họ bị chính phủ Syria và Nga, đồng minh thân cận nhất của Damascus, xem là một nhóm khủng bố không khác gì nhiều so với những nhóm cực đoan như nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Quân đội Syria nói họ thực hiện vụ không kích giết chết ông Alloush sau khi nhận được tin tình báo trên bộ. Nhưng nhiều người trong phe chống đối cho rằng vụ này được thực hiện dựa trên thông tin của các máy bay trinh sát tối tân của Nga. - VOA
|
|
3.
Tàu tuần duyên Trung Quốc có vũ trang xâm nhập lãnh hải Senkaku/Điếu Ngư
Tuần duyên Nhật Bản, ngày 26/12/2015, cho biết, một tàu tuần duyên Trung Quốc dường như có trang bị đại bác, đã xâm nhập vào hải phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tại biển Hoa Đông.
Theo thông cáo của tuần duyên Nhật Bản, chiếc tàu có vũ trang của Trung Quốc cùng với hai tàu khác, không vũ trang, vào lúc 9 giờ 30, giờ địa phương, sáng ngày 26/12 đã tiến vào hải phận của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và ở lại đó khoảng một tiếng. Vẫn theo Tokyo, đây là lần đầu tiên, một tàu có vũ trang của Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển của Nhật Bản.
Hôm thứ Ba, 22/12, Nhật Bản cũng đã thông báo là chiếc tàu này xuất hiện gần vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và lúc đó, phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết chiếc tàu tuần duyên Trung Quốc này có trang bị 4 khẩu đại bác.
Hồi tháng 11 vừa qua, Nhật Bản đã phát hiện một tàu do thám Trung Quốc hoạt động gần vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Quan hệ Trung-Nhật đã xấu đi nghiêm trọng kể từ tháng 09/2012, khi Tokyo tiến hành quốc hữu hóa các hòn đảo không có người ở trong vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Cho đến năm ngoái, Nhật Bản vẫn không thừa nhận là có tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Để cải thiện quan hệ song phương, trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cả hai nước đều đã ra thông cáo về vấn đề Senkaku/Điếu Ngư và Nhật Bản chỉ ghi nhận là hai bên có bất đồng trong hồ sơ này. Tokyo cũng khẳng định mong muốn lập cơ chế đối thoại và tham khảo giữa hai nước để "tránh mọi sự cố và làm cho tình hình xấu đi". - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Người gốc Việt được bồi thường 11,3 triệu đôla vì bị cảnh sát bắn
Một người Mỹ gốc Việt 36 tuổi đã được bồi thường 11,3 triệu đôla sau khi bị liệt vì bị một nữ cảnh sát ở thành phố San Jose bắn hai phát vào lưng hồi năm ngoái.
Theo đơn kiện, ông Hung Lam đang dí dao vào bụng thì bị nữ cảnh sát có tên Dondi West bắn hồi tháng Một năm ngoái.
Cảnh sát nói rằng ông Lam là nghi can trong vụ cãi vã giữa hai người đàn ông, và đã cầm dao tiến tới cảnh sát viên trên.
Nhưng luật sư đại diện của ông Lam phản bác lại điều đó, nói thêm rằng thân chủ của mình định tự tử và đang nói với một người hàng xóm.
Sau phiên xử kéo dài 3 tuần, một ban bồi thẩm liên bang ở San Jose đầu tuần này đã ra phán quyết có lợi cho ông Lam.
Phán quyết kết luận rằng bà West là bên có lỗi và theo luật, chính quyền thành phố phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại. Ông Lam được bồi thường 11,3 triệu USD cho các thiệt hại về kinh tế và phi kinh tế.
Theo đơn kiện, cảnh sát đã được gọi tới sau khi ông Lam dí dao vào bụng. Khi ấy, một người hàng xóm đã tìm cách thuyết phục ông không tự làm hại mình.
Sau khi có mặt, bà West đã chạy tới ông Lam và ra lệnh, bảo ông, “bỏ dao xuống” và “nằm xuống đất”, nhưng ông Lam vẫn nói với hàng xóm và không nhìn vào nữ cảnh sát viên.
Khi tiến gần tới ông Lâm khoảng 5 mét, bà West đã nã hai phát đạn vào lưng của ông Lam, làm tổn thương động mạch chủ, phổi và thận của nạn nhân.
Dù đã nhanh chóng được đưa đến bệnh viện và trải qua phẫu thuật, ông Lam vẫn bị liệt cả hai chân.
Theo đơn kiện, ông Lam từng là một vũ công đầy nhiệt huyết và nay đã bị tàn tật vĩnh viễn. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Việt Nam 2015: Tăng trưởng 6,68%, mức cao nhất từ 5 năm qua
Theo AFP ngày 26/12/2015, Việt Nam đạt tỉ lệ tăng trưởng đến 6,68% trong năm 2015, vượt chỉ tiêu đề ra và là tỉ lệ cao nhất kể từ 5 năm qua nhờ xuất khẩu tăng mạnh, đầu tư nước ngoài kỷ lục và tiêu thụ nội địa ổn định.
Hãng tin Pháp dẫn lời ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Việt Nam trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 26/12 cho biết : "Tỉ lệ tăng trưởng này rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới, trong bối cảnh giá dầu sụt giảm và thị trường tài chính quốc tế bất ổn".
Năm ngoái, Việt Nam có tỉ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa cao nhất Đông Nam Á là 5,98% so với năm 2013 là 5,42%. Tỉ lệ tăng trưởng năm nay cũng thuộc loại hàng đầu khu vực.
Nhiều nền kinh tế Châu Á đã bị chao đảo trong năm 2015, khi tăng trưởng của Trung Quốc xuống đến mức thấp nhất từ một phần tư thế kỷ qua. Trong khi những nước láng giềng như Thái Lan bị ảnh hưởng mạnh, Việt Nam đã chống đỡ được nhờ sự can thiệp của chính quyền. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hạ giá đồng bạc ba lần trong năm nay để kích thích xuất khẩu, sau khi Bắc Kinh bất giờ phá giá đồng nhân dân tệ.
Theo AFP, việc giá dầu lửa bị sụt là một yếu tố tích cực cho Việt Nam vốn là quốc gia nhập khẩu nhiều dầu. Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng 8,1%, đạt mức 162 tỉ đô la. Đặc biệt đầu tư ngoại quốc ồ ạt đổ vào, tăng 17,4% so với năm ngoái, đạt mức kỷ lục.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói với AFP, sản xuất công nghiệp tăng mạnh cũng đã tiếp sức cho nền kinh tế, cùng với "giá dầu thế giới rẻ hơn đã giúp giảm đáng kể giá nguyên vật liệu nhập khẩu".
Hôm thứ Năm 24/12, Hà Nội loan báo tỉ lệ lạm phát của năm 2015 là 0,63%, thấp nhất kể từ 14 năm qua. Những thập kỷ trước đây, Việt Nam phải chịu đựng nạn lạm phát phi mã, cho đến tháng 8/2008 tỉ lệ lạm phát vẫn lên đến 28,3%.
Bà Victoria Kwakwa, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: "Nhu cầu nội địa cao hơn, xuất khẩu tăng tiến mạnh, lạm phát thấp và lòng tin được cải thiện đã giúp Việt Nam tạo được các cơ sở vững chắc hơn cho tăng trưởng trong trung hạn. Đối với nước này, đây là thời điểm tốt để củng cố ổn định vĩ mô, tấn công vào tình trạng mất cân bằng ngân sách và đấu tranh chống những yếu kém trong lãnh vực ngân hàng".
Việt Nam nay là thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa mới thỏa thuận xong. Đây là hiệp định tự do mậu dịch lớn nhất thế giới giữa 12 quốc gia trong đó có Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhưng không có Trung Quốc.
Theo nhận định của AFP, Việt Nam là nước nghèo nhất trong số 12 nước TPP, hiệp định này gần như là một cuộc đảo chính đối với các lãnh đạo cộng sản đang điều hành đất nước.
Vào tháng Giêng năm 2016, Việt Nam sẽ chọn ra ban lãnh đạo mới nhân Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12 - sự kiện chính trị quan trọng diễn ra 5 năm một lần - và hoạch định kế hoạch kinh tế 5 năm tới.
Trong báo cáo hồi đầu tháng, Ngân hàng Thế giới nói rằng TPP có thể "giúp GDP của Việt Nam tăng đến 8% trong vòng 20 năm tới" nếu mọi việc diễn tiến tốt đẹp.
Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng tăng trưởng của Việt Nam dễ bị tổn thương vì nợ công cao, các tập đoàn quốc doanh hoạt động không hiệu quả và nạn tham nhũng hoành hành. - RFI
|
|
6.
Việt Nam-Campuchia khánh thành mốc biên giới
Thủ tướng Việt Nam và Campuchia hứa sẽ cùng nhau đảm bảo an ninh biên giới, trong lễ khánh thành cột mốc phân định ranh giới hai quốc gia hôm 26/12/2015.
Cột mốc số 30 đặt ở Lệ Thanh, Gia Lai, Việt Nam, và Ozadav, tỉnh Ratanakiri của Campuchia.
Đây là một trong số 10 cột mốc chính đánh dấu đường biên giới trải dài 1.270 cây số giữa hai nước.
Chính quyền của ông Hun Sen bị đảng đối lập chỉ trích trong cách giải quyết vấn đề biên giới với Việt Nam, với đảng đối lập cho rằng Việt Nam đã 'lấn đất'.
Hôm 19/7/2015, khoảng 2.000 nguời Campuchia dẫn đầu là các dân biểu đảng Cứu quốc đối lập đã tới vùng biên giới Svay Rieng với tỉnh Long An, để phản đối "Việt Nam vi phạm đất đai". - BBC
No comments:
Post a Comment