Wednesday, October 28, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 28/10

Tin Thế Giới

1.
Mỹ có thể thực hiện thêm các cuộc tuần tiễu ở Biển Đông

Một quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng có phần chắc Hải quân Mỹ sẽ thực hiện thêm các cuộc tuần tiễu gần những hòn đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc và một số nước khác tuyên bố có chủ quyền. Thông tín viên Carla Babb của đài VOA tường trình.

Hôm thứ ba, sau khi chiến hạm USS Lassen của Mỹ tiến vào phạm vi 12 hải lý của một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây hồi gần đây ở Biển Đông, một quan chức quốc phòng Mỹ yêu cầu được giấu tên nói rằng “Đây không phải là cuộc tuần tiễu cuối cùng.”

Viên chức này cho biết vài chiếc tàu của Trung Quốc đã theo dõi khu trục hạm Lassen như họ vẫn thường làm mỗi khi có tàu hải quân Mỹ hoạt động ở Biển Đông. Ông nói “Tất cả những thao tác của các chiếc tàu và máy bay Trung Quốc là an toàn và chuyên nghiệp. Không có gì bất thường”.

Trung Quốc đã lên án cuộc tuần tiễu này và cho rằng đó là một hành động “diễu võ dương oai”, có tính chất “khiêu khích” trong vùng biển vô cùng quan trọng đối với hoạt động thương mại quốc tế.

Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh hôm thứ ba nói rằng tàu Lassen “xâm nhập trái phép” vào hải phận của Trung Quốc và đã triệu Đại sứ Mỹ Max Baucus đến để chính thức phản đối.

Các giới chức quân sự ở Washington cho biết việc tiến gần bãi đá Subi do Trung Quốc chiếm đóng là một hoạt động “tự do hàng hải”, không liên quan gì tới vấn đề chủ quyền của những hòn đảo mà Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đều cho là lãnh thổ của mình.

Tại Washington, Thượng nghị sĩ John McCain nói rằng hoạt động đó của hải quân Mỹ lẽ ra phải được thực hiện từ lâu.

Ông nói “Vì Trung Quốc không ngừng thách thức tự do hàng hải trên khắp khu vực Á châu Thái Bình Dương, nên Hoa Kỳ phải điều máy bay bay qua, phái tàu đi qua và hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép; đó là một việc quan trọng hơn lúc nào hết. Và Biển Đông không thể là ngoại lệ.” Ông đề nghị tiến hành những hoạt động tuần tiễu thường xuyên trên không và trên biển trong những tuần lễ và những tháng tới đây để chứng tỏ “quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ tự do hàng hải.”

Các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng hoan nghênh việc tàu chiến Mỹ tiến gần những hòn đảo có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, tuy những ngôn từ họ sử dụng có tính chất dè dặt hơn.

Tại Manila, Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói “bất kỳ sự di chuyển nào thông qua vùng biển này đều không thể bị cản trở bởi bất kỳ thực thể nào”.

Nhật Bản cho biết họ tiếp tục quan tâm về những hoạt động của Trung Quốc tại những phần đất và những vùng biển có tranh chấp. Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga nói “Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ các thông tin tình báo của mình với Hoa Kỳ”.

Việt Nam chưa bình luận về diễn tiến này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, cho rằng “im lặng là đồng ý”. Ông nói “đây là một chuyến đi mang tính biểu tượng để bảo vệ lợi ích của Mỹ về tự do hàng hải, và phục vụ cho việc ổn định cũng như giữ nguyên trạng biển Đông”.

Cách nay nhiều tuần lễ Mỹ đã tỏ ý cho thấy Hải quân sẽ phái tàu tiến vào vùng biển có tranh chấp chủ quyền. Các chuyên gia tin rằng khoảng 200 binh sĩ Trung Quốc đang đồn trú ở bãi đá Rubi, là nơi vốn chỉ cao hơn mặt nước biển khi thuỷ triều xuống thấp.

Bà Sheila Smith, một chuyên gia về Nhật Bản của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington, cho biết hành động của hải quân Mỹ đã được nhiều người trông đợi. Bà cho rằng phản ứng của Trung Quốc chứng tỏ “họ không muốn giải quyết những vụ tranh chấp này một cách hoà bình” và việc Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự và sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trên những hòn đảo nhân tạo đó cho thấy họ muốn tạo ra “một sự đã rồi.” Bà nói “Họ chỉ muốn chiếm những đảo này.”

Bà Smith cũng cho biết các nước khác đòi chủ quyền ở Biển Đông không thể cạnh tranh với sức mạnh hải quân và không quân của Trung Quốc, nên Hoa Kỳ không thể thoái lui mà phải nắm giữ vị thế lãnh đạo trong khu vực. - VOA
|
|

2.
Nepal có nữ tổng thống cộng sản

Một nữ lãnh tụ cộng sản, bà Bidhya Devi Bhandari, vừa chính thức được công nhận thắng cử làm tổng thống Nepal.

Năm nay 54 tuổi, bà cũng là nữ tổng thống đầu tiên của quốc gia nhỏ bé nằm ở rặng Himalayas.

Là phó chủ tịch Đảng cộng sản (CPN-UML) bà đã giành được 327 phiếu trong Nghị viện Nepal.

Ứng viên của Đảng Quốc đại Nepal, Kul Bahadur Gurung, chỉ được 214 phiếu trong tổng số 549.

Bà Bhandari sẽ làm lễ tuyên thệ vào ngày 29/10 này.

Năm 2008, Nepal lần đầu tiên bỏ chế độ quân chủ sau 239 năm và đưa ông Ram Baran Yadav lên tổng thống.

Nay, các dân biểu trong nghị viện bầu ra tân tổng thống, đưa bà Bhandari lên làm nguyên thủ quốc gia thứ nhì kể từ khi có nền dân chủ đại nghị.

Cộng sản và dân chủ

Bà Bidhya Devi Bhandari là vợ của nhà lãnh đạo cộng sản Madan Bhandari, người chết trong trong một vụ tai nạn giao thông năm 1993.

Đảng của họ cho rằng ông Bhandari bị kẻ thù chính trị lập mưu sát hại.

Bà Bidhya Devi Bhandari từng là một nhà hoạt động cuối thập niên 1970 và cũng từng nắm chức bộ trưởng quốc phòng.

Đảng Cộng sản Marxist-Leninist Thống nhất Nepal (CPN-UML) ra đời năm 1991 từ sự sáp nhập của hai đảng cộng sản khác.

Cùng đảng Quốc đại Nepal, CPN-UML được cho là đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi dân chủ tại Nepal.

Có 31 triệu dân, Nepal là quốc gia vùng núi và có nhiều bất ổn bởi các cuộc tấn công của du kích cộng sản theo chủ nghĩa Mao gây ra từ thập niên 1960 đến nay.

Hồi tháng 4 năm nay, trận động đất khủng khiếp xảy ra làm chết hàng nghìn người và thiệt hại về tài sản vật chất, cơ sở hạ tầng đến nay vẫn chưa được phục hồi. - BBC
|
|

3.
Hàn Quốc phát triển máy bay tiêm kích không người lái

Người ta tin là Bắc Triều Tiên có một đội máy bay dọ thám quân sự. Trước mối đe dọa đó, giờ đây, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc cũng đang thử nghiệm các loại máy bay không người lái, còn được gọi là UAV. Thông tín viên Jason Strother tường trình từ thành phố Daejeon.

Đây không phải là một chiếc máy bay không người lái thông thường. Nó được thiết kế để phát hiện và tấn công một chiếc UAV của địch trên không trung.

Nhà nghiên cứu Shim Hyun-chul và toán sinh viên của ông đang thử nghiệm công nghệ mới có thể một ngày nào đó sẽ được quân đội Hàn Quốc sử dụng.

Ông Shim dẫn đầu nhóm nghiên cứu về các hệ thống không người lái tại trường đại học khoa học và công nghệ KAIST. Ông nói ngày nay máy bay không người lái có thể được chế tạo bởi bất cứ ai.

‘Cái đáng lo là những chiếc máy bay không người lái này rất dễ chế tạo. Chúng có thể làm được rất nhiều việc. Xem chừng đây là một mối đe dọa mới.’

Và ở Hàn Quốc, mối đe dọa đó tới từ miền Bắc.

Sức mạnh quân sự của Bắc Triều Tiên được phô diễn tại một buổi lễ kỷ niệm gần đây tại thủ đô Bình Nhưỡng, trong đó bao gồm dường như là một đội tàu bay không người lái mà một vài chiếc trong số này có thể đã vượt qua biên giới.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay đã phát hiện 4 chiếc máy bay không người lái của Bắc Triều Tiên bị rơi kể từ năm 2014 tới nay.

Tin cho hay một trong những chiếc UAV nhỏ đó đã bay một phi vụ trinh sát qua trung tâm thành phố Seoul.

Dù rằng dường như những chiếc máy bay này chỉ thực hiện nhiệm vụ ghi chụp lại lại hình ảnh, nhưng một số nhà phân tích an ninh lo rằng tiếp theo đó có thể sẽ là những chiếc máy bay không người lái có trang bị võ khí.

Nhà phân tích Moon Sung-muk thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Hàn Quốc ở Seoul phát biểu:

‘Chúng tôi đâu ngờ Bắc Triều Tiên có thể chế tạo những chiếc máy bay không người lái nhỏ như vậy tránh được radar của chúng tôi. Hàn Quốc phải có một kế hoạch an ninh mới để có thể phát hiện được các UAV này nhanh hơn và tấn công chúng.’

Việc này có thể bắt đầu với những chiếc máy bay xung kích không người lái mà ông Shim Hyun-chul cùng nhóm nghiên cứu đang thực hiện.

Theo ông, đương đầu với các máy bay không người lái của Bắc Triều Tiên hay của bất kỳ quốc gia thù địch nào không phải là điều dễ dàng.

‘Các máy bay không người lái rất nhỏ, rất khó phát hiện, cho dù có phát hiện được thì cũng khó có thể làm gì.’

Ông Shim nói điều mà toán nghiên cứu của ông có thể làm là hoàn thiện công nghệ máy bay không người lái của mình nhanh hơn đối phương. - VOA
|
|

4.
VW lỗ 3,48 tỷ euro do vụ bê bối khí thải

Hãng Volkswagen (VW) đã bị rơi vào tình trạng thua lỗ do chi phí gia tăng từ vụ bê bối về khí thải.

Hạch toán tài khoản đầu tiên được VW công bố kể từ khi nổ ra vụ bê bối cho thấy hãng đang đặt sang một bên 6,7 tỷ euro (tương đương 7,4 tỷ đô la) dành để giải quyết vụ này.

Kết quả là VW báo cáo khoản thua lỗ hoạt động lên tới 3,48 tỷ euro trong quý thứ ba năm nay, và một khoản lỗ trước thuế là 2,52 tỷ euro.

Hồi tháng Chín, VW thừa nhận đã cài đặt phần mềm được thiết kế để qua được các kiểm tra về khí thải cho 11 triệu chiếc xe hơi có động cơ diesel của hãng trên toàn thế giới.

Chi phí pháp lý

Trong ba tháng, tính đến cuối tháng Chín, doanh số bán xe giảm 3,7% và sản lượng giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, VW cho biết rằng họ dự báo vẫn có doanh thu gia tăng 4% cho cả năm.

VW cho biết họ dự kiến lợi nhuận của cả năm sẽ "giảm đáng kể", và đó là kết quả do các chi phí để giải quyết vụ bê bối về khí thải.

Matthias Mueller, Giám đốc điều hành và Chủ tịch Hội đồng Quản trị của VW, cho biết:

"Những con số một mặt cho thấy sức mạnh cốt lõi của Tập đoàn Volkswagen, mặt khác cũng cho thấy những tác động ban đầu của tình hình hiện nay đang trở nên rõ ràng hơn."

"Chúng tôi sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để giành lại sự tin cậy mà chúng tôi đã đánh mất."

Trong khi đó, Tập đoàn VW bắt đầu hạn chế chi tiêu và tuyên bố hồi đầu tháng này họ sẽ cắt giảm ngân sách cho nghiên cứu và phát triển của mình. Trong ba tháng vừa qua, Tập đoàn đã giảm chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển tới hơn 1 tỷ euro.

VW cho biết các chi phí pháp lý của vụ bê bối này là "không thể ước tính được vào thời điểm hiện tại", nhưng cho biết trong báo cáo hàng quý của mình rằng các loại kiện tụng mà họ sẽ phải đối mặt là:

- Cáo buộc hình sự và dân sự từ các cơ quan quản lý quốc gia.

- Các vụ kiện tập thể hoặc kiện dân sự cá nhân từ khách hàng.

- Các vụ kiện tập thể hoặc kiện dân sự cá nhân từ các nhà đầu tư.

Kết quả là cổ phiếu của Volkswagen tăng 3,2%, và là cổ phiếu tăng cao nhất trên chỉ số Dax 30 của Đức vào giờ giao dịch đầu tiên. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Hầu hết thế giới muốn Mỹ hủy bỏ lệnh cấm vận Cuba

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ ba hầu như đồng thanh chấp thuận nghị quyết đòi Hoa Kỳ chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế áp dụng đối với Cuba trong hơn 50 năm qua. Thông tín viên Richard Green của đài VOA tường thuật.

191 thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu Washington chấm dứt lệnh cấm vận được áp dụng vào thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh. Chỉ có Mỹ và Israel bỏ phiếu chống lại nghị quyết này.

Đây là sự ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với việc chấm dứt lệnh cấm vận mà Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ trong suốt 24 năm, kể từ khi họ bắt đầu đưa ra nghị quyết về vấn đề này.

Tuy nhiên, Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, ông Ron Goddard, nói rằng cuộc biểu quyết này “sẽ không góp phần làm cho mọi việc tiến về phía trước.”

"Tuy bình thường hoá là một con đường dài và phức tạp, chúng tôi đã có được những tiến bộ đáng kể. Do đó chúng tôi cảm thấy tiếc về việc chính phủ Cuba đã quyết định xúc tiến nghị quyết hàng năm này. Văn bản này không phản ánh những bước quan trọng đã được thực hiện và tinh thần chủ động giao tiếp mà Tổng thống Obama đang theo đuổi. Và do đó, Hoa Kỳ không thể ủng hộ nghị quyết."

Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh phục hồi đầy đủ các mối quan hệ ngoại giao với đảo quốc Cuba. Ông cũng nới lỏng một số hạn chế du hành, nhưng chỉ có Quốc hội Mỹ mới có thể thu hồi lệnh cấm vận đã áp dụng trong 56 năm qua.

Sau cuộc biểu quyết, Ngoại trưởng Cuba, ông Bruno Rodriguez Parrilla, hối thúc Hoa Kỳ đơn phương thu hồi lệnh cấm vận.

"Lệnh cấm vận đối với Cuba là một hành động đơn phương của Hoa Kỳ và nên được đơn phương thu hồi mà không yêu cầu đổi lấy một điều gì cả. Hoa Kỳ phải tự quyết định về việc áp dụng những biện pháp cần thiết để tuân thủ luật pháp quốc tế, như Tổng thống Obama đã nói, để phục vụ cho những quyền lợi quốc gia của nước Mỹ, những quyền lợi sẽ được thăng tiến qua việc thu hồi lệnh cấm vận."

Phó Đại sứ Goddard cho biết các giới chức Mỹ và Cuba đã họp với nhau ở Havana để ấn định một chương trình nghị sự tổng quát cho sự hợp tác bao gồm nhiều lãnh vực, từ chấp hành pháp luật và chống ma tuý cho tới nhân quyền và biến đổi khí hậu.

Ông Goddard nói với Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng việc phục hồi quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Hoa Kỳ với Cuba sẽ mất nhiều năm và đòi hỏi đôi bên phải có quyết tâm và kiên trì. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Australia hoãn diễn tập hải quân với TQ, cân nhắc đưa tàu tới Biển Đông

Các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Úc đang cân nhắc khả năng điều tàu hải quân vào vùng biển gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới xây ở Biển Đông, trong trường hợp Australia quyết định theo chân Hoa Kỳ để thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

Báo Wall St. Journal hôm nay, (28/10) dẫn lời một giới chức trong quân đội Úc quen thuộc với các nhà làm chính sách, nói rằng Australia đang cân nhắc những sự lựa chọn của mình. Giới chức này phát biểu không lâu sau khi tàu khu trục USS Lassen của Mỹ được máy bay hộ tống, đi ngang qua vùng biển trong phạm vi 12 hải lý – cách bãi đá Subi, một trong 7 bãi đá và bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa, nơi mà Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo mới đây.

Vẫn theo WSJ, một giới chức khác đã tham gia công tác soạn thảo cẩm nang quân sự về Biển Đông cho Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne, xác nhận rằng các kế hoạch cho các hoạt động của tàu bè và máy bay trinh sát của hải quân Úc đã được soạn sẵn, mặc dù giới chức này không cho biết là liệu Canberra có ý định thực hiện ngay kế hoạch hay không.

Giới chức này cho biết quân đội Úc đã xem xét những sự lựa chọn của mình, kể cả kế hoạch cho tàu chạy ngang, hoặc máy bay bay ngang, các đảo nhân tạo trong Biển Đông trong nhiều tháng rồi, giữa lúc tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng hơn.

Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne hôm qua bác bỏ rằng hành động đó, nếu được thực hiện, sẽ thách thức quyết tâm của Trung Quốc. Văn phòng của bà không trả lời yêu cầu bình luận của báo WSJ hôm nay, về ý định của Australia và liệu Hoa Kỳ có trực tiếp yêu cầu Australia điều tàu hoặc máy bay vào khu vực nhạy cảm trong Biển Đông hay không.

Theo WSJ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không trả lời yêu cầu gửi bằng fax của báo này yêu cầu bình luận về tin này.

Ông Peter Jennings, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Chính sách Australia, một think-tank được chính phủ Úc hậu thuẫn, nói rằng ông tiên liệu đa số các đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng sẽ thực hiện các chuyến đi để khẳng định quyền tự do hàng hải trên biển và trên không trong Biển Đông.

Ông Jennings nói điều thiết yếu là các đồng minh của Mỹ phải hành động bởi vì không thể ‘để mặc cho Hoa Kỳ phải đơn độc xử lý một vấn đề đang gây nhiều lo lắng cho Philippines và Việt Nam’.

Trong khi đó, tờ Hong Kong Free Press tường thuật rằng Australia loan báo hoãn lại các cuộc diễn tập hải quân chung với Trung Quốc, ngay sau khi chiến hạm Mỹ USS Lassen tiến gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc, một động thái bị Bắc Kinh cực lực lên án.

Theo kế hoạch đã định, hai tàu hộ vệ lớp Anzac của Australia là HMAS Arunta và HMAS Stuart sẽ lên đường tới cảng Trạm Giang, cảng nhà của Hạm đội Nam Hải, để tham gia tập trận chung với tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông vào tuần tới. Nhưng theo trang mạng tin tức News. com. au, cuộc diễn tập này đã được hoãn lại.

Trong một thông báo phổ biến hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Úc nói Australia, tại thời điểm này, không tham gia hoạt động của Mỹ, nhưng ‘điều quan trọng là phải thừa nhận tất cả các nước đều có quyền tự do hàng hải và tự do bay ngang các vùng biển quốc tế, kể cả Biển Đông, dựa trên luật pháp quốc tế. Australia mạnh mẽ hậu thuẫn các quyền đó.

Bà Payne nói thêm rằng Australia có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hoà bình và ổn định, việc tôn trọng luật pháp quốc tế, lưu thông tự do của các thương thuyền đi ngang qua Biển Đông.” Được biết 60% hàng xuất khẩu của Australia đi ngang qua Biển Đông. Và càng phức tạp hơn nữa, khi Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Australia.

Hãng tin AP hôm qua tường thuật rằng nhà lãnh đạo Indonesia kêu gọi tất cả các bên liên quan trong cuộc tranh chấp Biển Đông hãy tự chế. Phát biểu tại Washington hôm thứ Ba, vài giờ sau khi chiến hạm Mỹ USS Lassen tiến gần một trong các đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới bồi đắp trong Biển Đông, Tổng thống Joko Widodo kêu gọi Trung Quốc và ASEAN hãy khởi sự các cuộc đàm phán về một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển để quản lý những căng thẳng tại đây. - VOA

No comments:

Post a Comment