Tuesday, October 6, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 6/10

Tin Thế Giới

1.
Hiệp định TPP được hoan nghênh ở Châu Á với một số lo ngại

Hoa Kỳ và 11 quốc gia ven Thái Bình Dương khác đã đạt được thoả thuận chung cuộc về một hiệp định thương mại sẽ hạ thấp thuế quan và giảm thiểu những rào cản mậu dịch cho gần phân nửa nền kinh tế thế giới. Theo tường thuật của các thông tín viên đài VOA, hiệp định TPP được nhiều người ở Châu Á hoan nghênh, nhưng cũng có những mối lo ngại.

Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP, giảm thiểu thuế quan và rào cản mậu dịch cho nhiều loại hàng hoá và dịch vụ, kể cả xe hơi, thuốc men và những sản phẩm làm bằng sữa. Nó cũng đặt ra những luật lệ cho các vấn đề lao động và bảo vệ môi trường và bảo vệ quyền tài sản trí thức cho các công ty đa quốc.

Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman phát biểu như sau về thoả thuận có được sau 7 năm đàm phán gay go.

"Chúng tôi dự kiến hiệp định lịch sử này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ cho những công ăn việc làm lương cao; tăng cường sáng tạo, năng suất và sức cạnh tranh; nâng cao tiêu chuẩn sinh hoạt, giảm thiểu nghèo túng ở các nước chúng tôi; và thúc đẩy cho sự minh bạch, quản trị tốt đẹp và những sự bảo vệ mạnh mẽ cho người lao động và môi trường."

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng hiệp định này là một cơ hội để thay đổi cho nền kinh tế nước ông.

"Hiệp định này tăng cường một cách cơ bản cho tinh thần pháp trị trong lãnh vực kinh tế. Nó sẽ gia tăng sự tương thuộc với những nước hoạt động dựa trên những luật lệ thích hợp với kỷ nguyên mới. Nếu Trung Quốc tham gia một hệ thống như vậy trong tương lai, điều đó sẽ có ích rất nhiều cho an ninh của Nhật Bản và sự ổn định của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, và tôi tin rằng nó sẽ có một tính chất quan trọng hết sức lớn xét theo quan điểm chiến lược."

Trung Quốc, quốc gia có nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới, đã quyết định không tham gia TPP vì họ muốn theo đuổi những mục tiêu kinh tế của riêng họ. Tuy nhiên, các giới chức Mỹ cho biết Trung Quốc sẽ được đón nhận để trở thành một đối tác bất cứ khi nào họ nghĩ rằng đã tới lúc thích hợp để làm như vậy.

TPP là một thắng lợi quan trọng về chính sách đối ngoại của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, tuy hiệp định này chưa chắc sẽ được quốc hội chấp thuận. Nhiều nhà lập pháp Mỹ cho rằng TPP sẽ làm nước Mỹ mất đi công ăn việc làm, thị trường Mỹ sẽ bị tràn ngập bởi sản phẩm nước ngoài, môi trường sẽ bị tổn hại và sức khoẻ người dân sẽ bị đe dọa bởi các thực phẩm nhập khẩu thiếu an toàn.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm thứ hai cho biết TPP sẽ giảm 18.000 loại thuế khác nhau cho các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ, mở thêm thị trường thế giới cho các sản phẩm chế tạo ở Mỹ và có những biện pháp bảo vệ lao động và môi trường mạnh mẽ nhất so với tất cả những hiệp định thương mại toàn cầu từ trước tới nay.

Hiệp định cần phải được các nhà lập pháp của các nước tham gia thông qua, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Những người cổ xúy cho hiệp ước do Hoa Kỳ chủ xướng nhằm tự do hóa thương mại cho 40% nền kinh tế thế giới nói rằng cần phải có thỏa thuận này để cạnh tranh với siêu cường kinh tế Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh.

Nhưng những người ủng hiệp ước không chống đối sự tham gia của Bắc Kinh. Họ nói nếu Trung Quốc tham gia hiệp ước, thì tiêu chuẩn thương mại công bằng hơn sẽ được áp dụng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Giáo sư khoa học chính trị Koichi Nakano của Đại học Sophia ở Tokyo nói rằng sẽ không một nước nào tham gia hiệp định này thắng hay thua.

"Tùy thuộc vào quan điểm kinh tế của bạn về quốc gia tham gia hiệp định này để đánh giá thỏa thuận này tốt hay xấu."

Tại Nhật Bản, liên minh Ðảng Tự do Dân chủ của Thủ tướng Abe có đủ số phiếu cần thiết trong quốc hội để thông qua TPP, nhưng có phần chắc sẽ gặp phải sự chống đối từ một ngành sản xuất nông nghiệp sẽ phải cạnh tranh với thịt bò giá rẻ hơn và các mặt hàng nhập khẩu khác vì thuế quan được miễn, giảm.

Nhưng ngành công nghiệp ô-tô của Nhật Bản có thể sẽ hưởng lợi vì họ có thể sử dụng nhiều phụ tùng xe ô-tô được sản xuất ở Châu Á để bán vào thị trường Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Australia Andrew Robb nói rằng qua thời gian nước ông có thể tăng gấp đôi lượng đường xuất khẩu sang thị trường Mỹ, từ mức hiện nay là 107.000 tấn lên thành 207.000 tấn.

Thủ tướng New Zealand John Key nói rằng hạ giảm thuế quan cho 93% các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm từ sữa của nước ông ít hơn mức ông trông đợi nhưng nhìn chung là một thỏa thuận tích cực.

Các nhà sản xuất tại những nước có giá lao động thấp như Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc có thể thâm nhập các thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản nhưng không bị đòi hỏi phải tuân thủ các tiêu chuẩn cao hơn về lao động và môi trường.

TPP cũng sẽ làm cho giá cả của một số mặt hàng nhập khẩu cao hơn như các loại dược phẩm. Theo TPP, các hãng dược phẩm phát minh các sản phẩm sinh dược mới, được hưởng quy chế độc quyền khoảng 8 năm trước khi bị cạnh tranh bởi các sản phẩm cùng loại có giá rẻ hơn.

Nam Triều Tiên, nước tập trung nhiều hơn vào các hiệp định tự do thương mại song phương, gọi hiệp ước này là "một khung sườn kinh tế lớn nhất cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương," và bày tỏ mong muốn tham gia hiệp ước.

Phó Thủ tướng Nam Triều Tiên Choi Kyung-hwan phát biểu:

"Quan điểm của chính phủ chúng tôi là chúng tôi đang có kế hoạch cân nhắc việc tham gia TPP."

Thái Lan và Philippines cũng tính đến việc tham gia hiệp ước thương mại này.

Những người chống đối TPP tranh cãi rằng những thỏa thuận được thương lượng trong vòng bí mật như TPP chỉ làm lợi cho các doanh nghiệp nhưng gây thiệt hại cho lợi ích của công chúng.

Chẳng hạn như TPP bao gồm một thỏa thuận về hệ thống giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có quyền kiện chính phủ nước sở tại về những quy định làm giảm lợi nhuận của họ. Hệ thống đó được gọi tắt là ISDS.

Các công ty thuốc lá đã dùng hệ thống ISDS trong một thỏa thuận đầu tư Australia-Hồng Kông để kiện chính phủ Australia nhằm bỏ những cảnh cáo về an toàn do nhà nước quy định phải in rõ hình ảnh các bệnh ung thư trên bao bì thuốc lá.

Tuy nhiên Đại diện Thương mại Hoa Kỳ nói trong một thông báo rằng TPP đặc biệt chú trọng đến "các vấn đề y tế công cộng liên quan đến thuốc lá, bảo lưu quyền của Hoa Kỳ và các nước tham gia TPP khác quy định các luật lệ về thuốc lá."

Những người hoài nghi như Giáo sư Nakano cho rằng quyền của người lao động sẽ không được bảo vệ chặt chẽ như quyền của các doanh nghiệp trong hiệp định này.

"Mặc dù vào giai đoạn này chúng ta được bảo rằng đây là một thắng lợi cho người lao động trên toàn thế giới, kể cả ở những nước đang phát triển như Việt Nam, thì điều đó cho đến nay chưa được thể hiện trong quá trình đàm phán."

Tại Châu Á cũng như tại Hoa Kỳ, Giáo sư Nakano nói, TPP sẽ thúc đấy tăng trưởng kinh tế nhưng cũng sẽ làm tăng khoảng khác biệt về thu nhập, khiến công chúng phẫn nộ, chống đối toàn cầu hóa và tư bản chủ nghĩa. - VOA
|
|

2.
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh cáo Nga về vụ máy bay xâm phạm không phận

Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ hai cho biết chiến đấu cơ Nga đã xâm phạm không phận của họ gần biên giới Syria nhiều lần trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Ankara cảnh báo Moscow phải chịu trách nhiệm về mọi vụ việc ngoài ý muốn nếu xảy ra một vụ vi phạm khác. Theo tường thuật của thông tín viên Sharon Behn của đài VOA, các nhà phân tích cho rằng việc Nga thực hiện những vụ oanh kích ở Syria và xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ đã làm thay đổi cuộc diện của cuộc nội chiến ở Syria.

Theo dự báo của Nga, thời tiết trong khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ khi đó là rất tốt để oanh tạc Syria.

Tuy nhiên, hôm thứ hai phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, nói rằng thời tiết xấu làm cho máy bay của Nga bay lạc vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ, một nước thành viên của liên minh NATO.

Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, nói rằng những vụ vi phạm này là không thể chấp nhận.

"Những hành động của Nga không có ích cho an ninh và ổn định của khu vực."

Moscow khăng khăng cho rằng chiến dịch của họ ở Syria chỉ nhắm vào nhóm hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter nói rằng Nga đang tấn công bất cứ nhóm nào chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

"Cách thức của Nga là ủng hộ ông Assad thay vì ủng hộ một cuộc chuyển tiếp chính trị, và chiến đấu chống lại mọi đối thủ của ông Assad. Cách thức đó chắc chắc chắn sẽ thất bại. Tại sao chắc chắn sẽ thất bại? Tại vì nó chỉ làm cho lửa bùng lên thêm, như tôi nói là châm dầu vào lửa, cho cuộc nội chiến ở Syria."

Một số nhà phân tích cho rằng vụ xâm phạm không phận này là một hồi chuông báo thức. Ông Michael O’Hanlon, một nhà nghiên cứu của Viện Brookings ở Washington, nhận định như sau.

"Hy vọng và dự kiến của tôi đó là một việc chỉ xảy ra một lần, và tôi hy vọng nó sẽ làm cho tất cả các bên mau chóng cải thiện những trình tự để tránh xung đột."

Tuy nhiên, Hoa Kỳ không có ý định giảm bớt những phi vụ oanh tạc trong không phận Syria để chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo. Ông Anthony Cordesman, một nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết như sau.

"Có những chỉ dấu cho thấy Hoa Kỳ muốn thay đổi chiến lược để gia tăng số phi vụ oanh kích trong vùng Raqqa và những khu vực khác có thể gần với khu vực mà Nga sẽ hoạt động."

Cũng trong ngày hôm qua, một nhà lập pháp hàng đầu của Nga cho biết "một đơn vị quân tình nguyện của Nga," bao gồm nhiền chiến binh dày dạn kinh nghiệm chiến trường ở miền đông Ukraine, có thể cùng với quân đội chính phủ Syria chống lại những phần tử cực đoan của nhóm Nhà nước Hồi giáo và những kẻ khủng bố khác ở nước này.

Khi trả lời hãng tin Interfax-AVN của Nga hôm thứ Hai, Đô đốc Vladimir Komoyedov, cho biết sự tham gia của Nga trên bộ ở Syria là "khả dĩ."

Ông Komoyedov, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Nga, không đưa ra một thời gian biểu cho bất kỳ sự tham gia nào của Nga, và không có bình luận ngay tức thời từ Điện Kremlin vào cuối ngày thứ Hai.

Phát biểu của nhà lập pháp này được đưa ra giữa lúc tin tức của giới truyền thông chưa được xác nhận cho hay quân tình nguyện của Nga đã được nhìn thấy chiến đấu bên cạnh quân đội của Syria.

Trong khi đó, hàng chục các nhóm nổi dậy ở Syria hôm thứ Hai tuyên bố sẽ tấn công lực lượng của Nga sau chiến dịch không kích của Moscow ở nước này.

"Thực tế mới này đòi hỏi các nước trong khu vực và cụ thể là các nước đồng minh phải đẩy nhanh việc hình thành một liên minh khu vực để đối mặt với liên minh Nga-Iran đang chiếm đóng Syria," 41 phe phái cho biết trong một tuyên bố do nhóm Ahrar al-Sham công bố. - VOA
|
|

3.
Khoa học gia người Nhật, Canada đoạt giải Nobel vật lý

Hai nhà khoa học Takaaki Kajita, người Nhật, và Arthur MacDonald, người Canada, đã đoạt giải Nobel Vật lý năm nay cho khám phá của họ về khối lượng của hạt sơ cấp neutrino – trong đó cho thấy những hạt neutrino – là loại hạt nhiều thứ nhì trong vũ trụ chỉ sau hạt photon – có khối lượng.

Ủy ban Nobel cho biết trong một thông cáo rằng công trình nghiên cứu của ông Kajita thuộc trường Đại học Tokyo và ông MacDonald thuộc trường Đại Học Queen đã làm thay đổi sự hiểu biết của thế giới về những vận hành tận cùng của vật chất.

Ủy Ban Nobel hôm thứ 2 cũng đã công bố tên những người đoạt giải về y học – đó là các nhà khoa học của Ireland, Nhật và Trung Quốc.

Nhà khoa học người Ireland, William Campbell, và nhà khoa học người Nhật, Satoshi Omura, cùng chung giải thưởng cho phát hiện của họ về một liệu pháp mới chữa trị những viêm nhiễm do dòng ký sinh trùng giun sán gây ra.

Nhà khoa học người Trung Quốc, bà Đỗ U U, đã khám phá ra một loại thuốc có khả năng làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong của bệnh nhân bị sốt rét và bà cũng đã cùng giành giải thưởng này.

Các giải Nobel được trao năm nay về các lĩnh vực y học, vật lý, hóa học, văn học, hòa bình và khoa học kinh tế. Tiền thưởng là do nhà sáng chế người Thụy Điển Alfred Bobel để lại và các giải thưởng, có từ năm 1901, đã trở thành giải thưởng thành tựu cao nhất trong mỗi lĩnh vực.

Những người giành giải được trao một giải thưởng bằng tiền có giá trị hơi khác nhau trong từng năm – trong năm 2015, giải Vật Lý là 963.000 đô la, và được chia đều cho những người thắng giải. Họ cũng nhận được một huy chương và một “bằng” Nobel.

Những người giành giải thưởng được công bố vào tháng 10, và các giải thưởng được trao tại những lễ trao giải được tổ chức đầu tháng 12 tại Stockholm, thủ đô của Thụy Điển, và Oslo, thủ đô của Na Uy. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Thống đốc California phê chuẩn dự luật về quyền được chết

California giờ đã trở thành tiểu bang thứ 5 ở Mỹ hợp pháp hoá các vụ quyên sinh được bác sĩ hỗ trợ.

Thống đốc Jerry Brown ký thành luật dự luật này hôm thứ Hai, cho phép các Bác sĩ viết toa các loại thuốc gây tử vong cho các bệnh nhân nan y mong muốn kết thúc cuộc sống của họ.

Luật này chỉ áp dụng cho những người hoàn toàn có đủ khả năng về tinh thần để quyết định, với điều kiện họ được cho biết chỉ còn có thể sống thêm 6 tháng nữa.

Những người ủng hộ nói biện pháp này sẽ cho phép những bệnh nhân sắp chết có quyền kết thúc mạng sống của mình với đầy đủ nhân phẩm.

Nhưng những người chống đối, kể cả Giáo Hội Công giáo, lo sợ những bệnh nhân dễ bị tác động như người nghèo, người già và người khuyết tật có thể bị áp lực phải kết thúc cuộc sống sớm hơn.

Trong một tuyên bố có chữ ký mà ông gắn liền vào dự luật này, Thống đốc Brown, một giáo dân Công giáo từ khi lọt lòng đã từng có thời theo học để trở thành linh mục, nói ông đã tham khảo ý kiến của rất nhiều người về những lợi điểm của dự luật, kể cả tham khảo ý kiến của một Giám mục Công giáo và hai vị bác sĩ riêng của ông. - VOA
|
|

5.
South Carolina hứng chịu trận lụt tệ hại nhất trong lịch sử

South Carolina đang bị chao đảo vì cơn lụt tệ hại nhất trong lịch sử tiểu bang này khiến cho các cư dân phải rời bỏ nhà cửa và hàng ngàn người không có điện nước. Nhiều nơi ở tiểu bang này trong đó có thủ phủ Columbia, chỉ trong vài ngày qua đã hứng nhận khoảng 60 centimét nước mưa. Giới hữu trách cảnh báo là mưa hết không có nghĩa là hết nguy hiểm, vì sẽ phải mất nhiều ngày nước mưa mới rút xuống. Thông tín viên Zlatica Hoke tường trình.

Ngày hôm qua, phần lớn tiểu bang South Carolina bị ngập nước sau vài ngày mưa như thác đổ. Nước mưa tràn vào nhà cuối tuần qua nhanh đến nỗi nhiều người không kịp chạy thoát, và nhiều người được máy bay trực thăng đến cứu.

Một bà mẹ được cứu thoát nói:

“Có lẽ đây là giây phút khủng khiếp nhất của đời tôi, nhất là khi phải bồng đứa con gái nhỏ 15 tháng tuổi ở độ cao như thế thật là đáng sợ, nhưng chúng tôi cũng thoát được.”

Một phụ nữ ra được khỏi nhà bị ngập nước nói:

“Tôi sợ là chúng tôi không thể lái xe ra khỏi nhà. Tôi bắt đầu đi bộ. Tôi nghĩ chúng tôi sắp chết.”

Một phụ nữ trong căn nhà bị nước lụt cho biết:

“Tôi vứt mọi thứ trên giường, và tôi làm mọi việc có thể được để cứu vật dụng trong nhà.”

Một người đàn ông dùng thuyền của ông để cứu những người bị kẹt. Ông nói:

“Tôi gõ trên một mái nhà và lắng nghe xem có ai gõ lại hay không. Chúng tôi tìm thấy một mẫu giấy ghi rằng “Chúng tôi đang ở trên tầng sát mái nhà.”

Thống đốc Nikki Haley nói South Carolina gánh chịu những con mưa tệ hại nhất “từ cả 1000 năm".

“Hiện nay chúng tôi có 40.000 người không có nước để sử dụng, và tôi biết cơ quan cấp nước đang làm việc để có nước trở lại. Chúng tôi có 26.000 người không có điện. Đây chỉ là con số trung bình. Họ chưa có điện trở lại. Khi một người không có điện-chúng tôi giúp cho người khác có điện trở lại.”

Giới hữu trách cảnh báo cư dân hãy thận trọng dù mưa đã ngưng, vì những con đường đọng nước và những cơ cấu bị hư hại có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Một toán cứu hộ chuyên nghiệp thuộc quận Fairfax, Virginia đang có mặt tại vùng bị lụt để trợ giúp.

Ông Randy Bittinger, thuộc toán cứu hộ trong thành phố quận Fairfax nói:

“Chúng tôi hiểu là vì lũ lụt nên có thể có những cấu trúc bị hư hỏng, do đó chúng tôi chuẩn bị các dụng cụ và trang bị để đối phó với bất cứ sự sụp đổ nào.”

Một toán 80 nhân viên cứu hộ được trang bị xuồng cao tốc, chó đánh hơi, máy móc và dụng cụ đã được Cơ quan Quản trị Khẩn cấp Liên bang triển khai để sẵn sàng hoạt động. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Nga sẵn sàng lắp tên lửa cho chiến hạm của Việt Nam

Giám đốc nhà máy đóng tàu Zelenodolsk cho biết Nga sẵn sàng lắp hệ thống tên lửa hành trình Klub cho các tàu hộ vệ Gepard của Việt Nam, trong khi có tin nói Trung Quốc tức giận vì điều này.

Các tên lửa Klub được thiết kế cho các chiến hạm với khả năng đánh trúng các mục tiêu trên biển và trên bộ.

Năm 2011, Nga đã bàn giao hai tàu hộ vệ Gepard cho Việt Nam, và hai chiếc khác hiện đang được đóng tại nhà máy Zelenodolsk.

Hồi tháng Năm, một trang mạng chuyên về chiến lược quốc phòng có trụ sở ở Mỹ đăng một bài viết nói rằng Trung Quốc đã chính thức lên tiếng khiếu nại, sau khi Moscow đồng ý bán 50 tên lửa Klub trang bị trên tàu ngầm cho Hà Nội.

Các nhà quan sát tình hình khu vực nhận định rằng việc Hà Nội mua loại tên lửa của Nga là một dấu hiệu nữa cho thấy quyết tâm của Việt Nam nhằm đương đầu với Trung Quốc trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền lãnh hải leo thang.

Loại tên lửa Klub có tầm bắn khoảng 300 km và vì thế, các thành phố ven biển của Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu trong bất kỳ cuộc xung đột nào.

Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trang bị tên lửa tấn công các mục tiêu trên bộ cho đội tàu ngầm và chiến hạm.

Việt Nam chưa lên tiếng trước các thông tin về tên lửa Klub của Nga nhưng các quan chức nước này từng nói rằng việc mua sắm các loại vũ khí, trong đó có tàu ngầm, chỉ nhằm mục đích phòng thủ, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế. - VOA

No comments:

Post a Comment