Friday, October 16, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 16/10

Tin Thế Giới

1.
Bắc Kinh khai mạc Diễn đàn An ninh cạnh tranh với Shangri-La --- TQ đề nghị diễn tập hàng hải với ASEAN --- Đài Loan hoàn tất phi đạo trên đảo Ba Bình

Các quan chức quốc phòng và chuyên gia châu Á-Thái Bình Dương họp lại hôm nay 16/10/2015 tại Bắc Kinh trong khuôn khổ một Diễn đàn An ninh kéo dài ba ngày. Trung Quốc tổ chức diễn đàn này nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế.

Hội nghị Hương Sơn (Xiangshan, còn gọi là Fragrant Hills) diễn ra trong lúc tình hình đang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh - hai nền kinh tế đồng thời là sức mạnh quân sự lớn nhất tại châu Á-Thái Bình Dương - qua vụ Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa thời gian gần đây.

Các quan chức Mỹ cảnh báo có thể gởi các chiến hạm đến khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo này, thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, và Bắc Kinh đã "kiên quyết phản đối".

Theo ban tổ chức, Diễn đàn An ninh Hương Sơn lần thứ sáu có sự tham dự của 60 viên chức quốc phòng và 130 nhà nghiên cứu. Đây là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế, cùng với việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) với số vốn hùng hậu nhiều tỉ đô la.

Tờ báo nhà nước China Daily nhận định sự kiện này sẽ giúp Bắc Kinh có "tiếng nói quan trọng hơn", và sẽ tô điểm cho hình ảnh bị coi là "hung hăng" của Bắc Kinh.

Diễn đàn Hương Sơn được coi là có tiềm năng cạnh tranh với "Đối thoại Shangri-La" nổi tiếng lâu nay của Singapore, hàng năm được tổ chức vào mùa xuân, thu hút các nhà lãnh đạo quân sự cao cấp cũng như các chuyên gia tên tuổi về an ninh. Trong quá khứ, Diễn đàn Shangri-La là dịp để các quan chức phương Tây vạch mặt tham vọng của Bắc Kinh tại Biển Đông - một điều không thể xảy ra trên sân nhà của Trung Quốc.

Hội nghị Hương Sơn diễn ra tiếp theo cuộc gặp không chính thức của các Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN, cũng tại thủ đô Trung Quốc. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có các thành viên đang tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Bắc Kinh là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Các tranh chấp đôi khi biến thành đối đầu giữa các tàu của những nước liên quan về khu vực đánh cá hay khai thác tài nguyên.

Việt Nam hôm qua một lần nữa lại tố cáo Trung Quốc đánh đắm tàu của ngư dân Việt tại Hoàng Sa. Philippines thì đã đưa vấn đề ra trước Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc, khiến Bắc Kinh giận dữ.

AFP dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn nhà nước Indonesia Antara cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, Ryamizard Ryacudu khi gặp gỡ đồng nhiệm Trung Quốc bên lề hội nghị, đã đề nghị "tuần tra chung một cách hòa bình" giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Ông Ryacudu nói: "Nếu các nước có lợi ích tại Biển Đông có thể giảm bớt căng thẳng và có thể quản lý được xung đột, thì không cần các đối tác khác tham gia để giải quyết".

Trong một bản tin khác, AFP cho biết Trung Quốc và Indonesia đã ký kết một hợp đồng xây dựng tuyến tàu cao tốc lên đến 5,5 tỉ đô la, trong đó 75% vốn do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cung cấp.

ASEAN từ nhiều năm qua vẫn kêu gọi Trung Quốc thương thảo Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông, nhưng Bắc Kinh chỉ đồng ý "tham vấn" chứ không chịu "thương lượng".

Nhiều Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN sau khi dự hội nghị không chính thức, đã ở lại Bắc Kinh để tham dự Diễn đàn Hương Sơn, trong đó có Đại tướng Phùng Quang Thanh của Việt Nam. Người điều khiển diễn đàn năm nay là Hun Sen, Thủ tướng Cam Bốt vốn có quan hệ thân thiết với Trung Quốc. Cam Bốt không nằm trong số các quốc gia yêu sách chủ quyền Biển Đông, và ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh là ASEAN nên đứng ngoài cuộc tranh chấp.

Không có quan chức Mỹ nào có tên trong nghị trình, dù Đô đốc về hưu Gary Roughead cũng sẽ phát biểu cùng với các Bộ trưởng Quốc phòng khác. - RFI

***
Trung Quốc đề nghị diễn tập hàng hải chung với các nước Đông Nam Á vào năm 2016 ở vùng Biển Đông đang xảy ra tranh chấp.

Bắc Kinh đang tổ chức cuộc họp không chính thức với các bộ trưởng quốc phòng trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông Thường Vạn Toàn đề nghị diễn tập “cứu nạn trên biển và cứu trợ thiên tai” trong cuộc họp hôm 16/10.

Những hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền trên biển của Trung Quốc trong những năm gần đây làm gia tăng căng thẳng với các láng giềng.

Philippines và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền trên cùng khu vực với Trung Quốc.

Đề nghị của Trung Quốc được đưa ra một tuần sau khi Hoa Kỳ thông báo đang xem xét đưa tàu tới tuần tiễu khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền – kế hoạch bị Trung Quốc công kích mạnh mẽ.

Diễn tập chung là một cách “cùng nhau giải quyết tranh chấp và kiểm soát rủi ro”, theo thông cáo của Bộ quốc phòng Trung Quốc.

Trung Quốc bị cáo buộc quân sự hóa và mở rộng tuyên bố chủ quyền vùng lãnh hải bằng các khu đất quanh rạn san hô và xây đường băng, cũng như xây dựng nhà cửa trên đảo.

Hoa Kỳ đã đưa ra kêu gọi Trung Quốc ngừng các hoạt động xây cất.

Tuy nhiên Trung Quốc khẳng định đây là khu vực thuộc chủ quyền của nước này và xây dựng nhằm phục vụ mục đích dân sự như đánh bắt cá và hoạt động cứu trợ. - BBC

***
Theo bản tin của tờ South China Morning Post ngày 15/10/2015, Đài Loan đã hoàn tất việc xây dựng phi đạo trên đảo Ba Bình (Đài loan gọi là Thái Bình) nằm trong quần đảo Trường Sa.

Một quan chức chính phủ Đài Loan cho biết, công tác đại tu phi đạo trên đảo Ba Bình đã hoàn tất trong tháng Chín năm 2015. Phi đạo này dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng ngay từ tháng 12/2015.

Theo như nhận định của các chuyên gia thuộc Asia Maritime Transparency Initiative, đây sẽ là phi đạo thứ ba dài nhất nằm trên vùng Biển Đông. Phi đạo mới này có thể tương thích cho hoạt động các loại chiến cơ F-16 và P-3C chống các loại tàu ngầm giám sát máy bay.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan, ông David Lo lại cho rằng việc xây mới phi đạo này là nhằm đảm bảo an toàn hàng không và cho các hoạt động nhân đạo, chẳng hạn cho các loại máy may vận tải C-130.

Theo mô tả chi tiết từ một quan chức tại Cơ quan Kỹ thuật Hàng không quốc gia Đài Loan, công việc đại tu bao gồm việc làm mới phi đạo dài 1.195 m, mở rộng khu nhà kho để máy bay phù hợp cho loại C-130, làm lại hệ thống chiếu sáng đường băng, hệ thống cống thoát nước, bể chứa và đường ống nhiên liệu.

Hồi tuần trước, Đài Bắc cũng loan báo đã xây xong một ngọn hải đăng lớn sử dụng năng lượng mặt trời. Chính quyền giải thích xây hải đăng là nhằm đảm bảo chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ an toàn lưu thông hàng hải.

Đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa, nằm trên vùng Biển Đông, nơi đang xảy ra các tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và Đài Loan. - RFI
|
|

2.
Năm thành viên mới được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc

Nhật Bản, Ukraine, Ai Cập, Sénégal và Uruguay hôm qua 15/10/2015 đã được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an thông qua cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Năm quốc gia này sẽ chính thức tham gia Hội đồng từ ngày 1 tháng Giêng năm tới, với nhiệm kỳ hai năm. Các nước ứng viên được lựa chọn theo khu vực, và không có nước nào cạnh tranh. Ukraine được đến 177 phiếu, Sénégal 187 phiếu trên tổng số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc.

Hội đồng Bảo an có 15 thành viên, trong đó chỉ năm thành viên thường trực (Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc) mới có quyền phủ quyết. Mười thành viên còn lại mỗi năm được thay đổi phân nửa, trên cơ sở có đầy đủ đại diện các lục địa.

Tổng thống Ukraine Petro Porochenko trên trang Facebook cho rằng việc nước mình được bầu vào Hội đồng Bảo an "mở ra những khả năng mới cho Ukraine để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ", đang bị phe nổi dậy thân Nga đe dọa. Ông hoan nghênh "việc thành lập một liên minh quốc tế thân Ukraine".

Ngoại trưởng Ukraine, Pavlo Klimkin có mặt tại New York hứa hẹn nước mình sẽ là "người giữ cửa tốt nhất cho Hiến chương Liên Hiệp Quốc", và Kiev sẽ "bảo vệ cho cuộc chiến và các giá trị của mình". Ông nói: "Tất nhiên là Nga không hài lòng về việc Ukraine vào Hội đồng Bảo an, nhưng hầu như tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Quốc đều ủng hộ thượng tôn pháp luật và Ukraine".

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nhấn mạnh nước mình vào Hội đồng Bảo an vào lúc "cộng đồng quốc tế đối mặt với nhiều thử thách" tại Cận Đông: xung đột tại Syria, Yemen, Libya; cuộc khủng hoảng Israel-Palestine. Ai Cập muốn "tham gia một cách tích cực và thiện chí" vào nỗ lực giải quyết.

Ngồi vào ghế Hội đồng Bảo an lần thứ 11, Nhật Bản sẽ cố gắng "tăng cường các hoạt động gìn giữ hòa bình, đặc biệt tại châu Phi". Đại sứ Motohide Yoshikawa tuyên bố Tokyo sẽ giám sát chặt chẽ tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên, và cho rằng Liên Hiệp Quốc phải "nhanh chóng phản ứng" nếu Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết về nguyên tử và vũ khí đạn đạo.

Uruguay, quay lại Hội đồng sau 50 năm vắng bóng, dành ưu tiên cho "nhân quyền và việc giải quyết hòa bình các xung đột". Còn Sénégal nhấn mạnh "cuộc đấu tranh chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực" tại châu Phi.

Năm thành viên mới thay thế cho Jordani, Chad, Nigeria, Litva và Chile. Các quốc gia thành viên không thường trực khác của Hội đồng Bảo an hiện nay là Angola, Malaysia, New Zealand, Tây Ban Nha và Venezuela. - RFI
|
|

3.
Toyota phát triển dòng xe tự động và sẽ chấm dứt xe chạy xăng dầu

Không chỉ dừng lại ở những dòng xe truyền thống, Toyota lấn sang dòng xe tự động đang làm mưa làm gió trên thị trường và được nhiều tập đoàn lớn quan tâm. Ngày 06/10/2015, Toyota đã giới thiệu một loại xe tự động không người lái, cùng với hi vọng sẽ bán ra thị trường sản phẩm này vào dịp Thế vận hội 2020 diễn ra tại Tokyo.

Loại xe tự động trên là dòng xe Lexus GS được cải tiến lại, được đặt tên là “Highway Teammate” (tạm dịch là “Phụ lái đường cao tốc”). Xe Lexus GS đã chứng minh được sức bền qua hàng loạt thử nghiệm. Ngoài ra, nhờ được trang bị công nghệ cao cùng với các bộ phận cảm nhận bên ngoài, chiếc xe này có thể hoà vào dòng lưu thông, thay đổi làn đường, vượt xe khác hay đi chậm lại tuỳ theo chướng ngại vật, thậm chí còn có thể tìm cách rẽ khỏi đường cao tốc.

Tuy nhiên, chế độ lái tự động chỉ có thể thực hiện được khi đã đi qua khỏi trạm thu phí cầu đường. Sau đó, người điều khiển xe có thể tự do thả tay lái để thư giãn, đọc sách hay gọi điện thoại. Mục đích của nhà sản xuất khi đưa loại xe này vào thị trường là để "giảm bớt số lượng người chết và bị thương vì giao thông, đồng thời cũng để giảm bớt tình trạng ách tắc trên các xa lộ".

Toyota nghiên cứu công nghệ lái tự động từ những năm 1990, song rất kín tiếng. Trong khi đó, nhiều tập đoàn công nghệ lớn khác liên tục công bố những dự án mới, như gần đây là công bố phát minh của Google chẳng hạn.

Hơn một tuần sau đó, ngày 14/10, nhà sản xuất Nhật Bản công bố thêm một tham vọng mới: sẽ từng bước ngừng bán loại xe chạy bằng xăng dầu từ nay tới năm 2050, thay thế vào đó là loại xe có động cơ hỗn hợp (chạy xăng hoặc điện), hoặc xe chạy bằng pin nhiên liệu (hay "tế bào nhiên liệu"), hoặc sử dụng một công nghệ sinh thái khác. Mục tiêu chính là nhằm giảm tới 90% lượng khí CO2 do xe hơi thải ra, như vậy đóng góp vào việc hạn chế tình trạng trái đất nóng lên gây hiệu ứng nhà kính.

Bản kế hoạch dài hạn mang tên "Thách thức môi trường 2050", được nhà sản xuất xe hơi số 1 Nhật Bản giới thiệu ngày 14/10, đưa ra mục tiêu bán ra trên thị trường thế giới hàng năm là 1,5 triệu chiếc có động cơ hỗn hợp (vừa chạy xăng và điện) và 30.000 xe chạy pin nhiên liệu từ nay tới khoảng năm 2020.

Đối thủ cạnh tranh của Toyota là Nissan, một tập đoàn đồng hương, cũng dự tính tung ra dòng xe “có chức năng lái tự động” vào năm 2016, tại Nhật Bản - thị trường đầu tiên đón nhận loại sản phẩm này. Sau đó, vào khoảng những năm 2020, Nissan dự tính đưa ra những loại xe hiện đại hơn, thậm chí có khả năng tự di chuyển trong môi trường phức tạp hơn là đường phố đô thị.

Chính phủ Nhật Bản luôn thúc đẩy các nhà công nghiệp, đặc biệt là các nhà sản xuất xe hơi và đồ điện tử, hợp tác với nhau về lĩnh vực tự động để không bị các tập đoàn nước ngoài bỏ xa. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Tổng thống Obama kéo chậm đà rút quân ra khỏi Afghanistan

Phe Taliban nhất quyết tăng cường các cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu Mỹ và lên án quyết định của Hoa Kỳ kéo chậm đà rút quân ra khỏi Afghanistan là “vô lý”.

Phe Hồi giáo nổi dậy đã có phản ứng trước lời loan báo của Tổng thống Barack Obama nói rằng ông sẽ giữ nguyên quân số Mỹ tại Afghanistan hiện nay ở mức 9.800 cho đến gần hết năm 2016, trước khi rút bớt con số đó xuống còn 5.500 khi ông rời chức vào tháng giêng năm 2017. Chính phủ Hoa Kỳ ban đầu dự định chỉ giữa khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ sau năm 2016, tập trung vào việc bảo vệ đại sứ quán Hoa Kỳ ở Kabul.

Trong một thông cáo gửi cho đài VOA, phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid nói nhóm nổi dậy đã nhiều lần khẳng định rằng “Binh sĩ Mỹ sẽ không chấm dứt xâm lược Afghanistan” và những lời “hứa hão” của họ chỉ nhắm mục địch đánh lừa người dân Mỹ và người dân Afghanistan.

Ông này nói quyết định của Tổng thống Obama sẽ không ngăn phe Taliban đẩy xa thêm cuộc thánh chiến chống lại các lực lượng chiếm đóng Afghanistan.

Không ủng hộ chiến tranh vô tận

Hôm qua tại Tòa Bạch Ốc, đứng cạnh Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter, Phó tổng thống Joe Biden và Chủ tịch ban Tham mưu Liên quân Joseph Dunford, Tổng thống Obama tuyên bố: “Tôi không ủng hộ quan điểm chiến tranh vô tận. Tôi đã nhiều lần lập luận chống lại việc tiến vào những cuộc xung đột quân sự không biết bao giờ chấm dứt và không phục vụ cho các lợi ích an ninh cốt lõi của chúng ta”. Nhưng tổng thống nói, điều cơ bản là ở những khu vực chủ yếu của nước này, tình hình an ninh vẫn còn rất mong manh, và ở một số nơi, có nguy cơ xấu hơn”.

Ông Obama nói: “Mặc dầu sứ mạng tác chiến của Mỹ có thể không còn nữa, cam kết của chúng ta đối với Afghanistan và nhân dân nước này vẫn còn. Trong tư cách tổng tư lệnh quân đội, tôi sẽ không để cho Afghanistan được sử dụng như một nơi an toàn cho các phần tử khủng bố để lại tấn công đất nước chúng ta”.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hoan nghênh quyết định vừa kể và nói trong một thống cáo rằng quyết định được đưa ra tiếp theo “nhiều tháng đàm phán liên tục giữa hai vị tổng thống”. Ông nói thêm rằng quyết định “một lần nữa chứng tỏ quan hệ hợp tác đổi mới và bang giao được củng cố giữa Hoa Kỳ và Afghanistan trên cơ sở lợi ích và nguy cơ chung”.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter nói: “Sứ mạng hiện nay trên cơ sở từng ngày một là huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ chống khủng bố. Ông Carter nói Hoa Kỳ nhất quyết phát triển ổn định ở Afghanistan về lâu về dài và sẽ không từ bỏ những thắng lợi mà lực lượng Hoa Kỳ đã hết sức tranh đấu để đạt được ở đó.

Quân đội Hoa Kỳ tại Afghanistan sẽ trú đóng tại một số nhỏ các căn cứ, trong đó có Bagram, Kandahar ở miền nam và Jalalabad ở miền đông.

Tiếp tục hỗ trợ tiến trình hòa giải

Chuyên gia phân tích Michael Kugelman nói với đài VOA: "Tôi nghĩ điều xảy ra ở Kunduz giúp ta rất nhiều. Ta có một tình hình trong đó quân đội Afghanistan chiếm lại thành phố Kunduz từ tay Taliban nhưng chỉ nhờ sự hỗ trợ của lực lượng Hoa Kỳ. Tôi không cho rằng sẽ có được kết quả mỹ mãn trong việc tái chiếm này Kunduz nếu không có sự yểm trợ của Hoa Kỳ". Ông Kugelman là giảng viên kỳ cựu về Nam Á tại Trung tâm Woodrow Wilson.

Các giới chức nói quyết định của Hoa Kỳ kéo chậm đà ở Afghanistan được đưa ra sau nhiều tháng suy tính giữa Tòa Bạch Ốc, các nhà lãnh đạo quân sự tại Bộ Quốc phòng và các cấp chỉ huy ở chiến trường, cùng với các giới chức Afghanistan và sau khi lực lượng Afghanistan mất quyền kiểm soát Kunduz trong một thời gian ngắn về tay các phần tử chủ chiến Taliban.

Trong các nhận định, tổng thống có một thông điệp gửi cho Taliban và các nhóm cực đoan khác khi loan báo việc trì hoãn triệt thoái binh sĩ Hoa Kỳ.

Ông Obama nói: “Tính đến nay, ắt là đã rõ để Taliban và tất cả những ai chống lại tiến bộ của Afghanistan rằng phương cách thực sự duy nhất để đạt được việc triệt thoái toàn bộ quân đội Hoa Kỳ và quân đội nước ngoài ra khỏi Afghanistan là thông qua một giải pháp chính trị lâu bền với chính phủ Afghanistan”.

Tổng thống Obama nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tiến trình hòa giải do Afghanistan dẫn đầu dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ghani và trưởng ban hành chính Abdullah Abdullah trong khi họ theo đuổi “các cải cách cấp thiết”.

Vào lúc kết thúc tuyên bố, ông Obama nói với các phóng viên rằng quyết định giữ lại số binh sĩ Hoa Kỳ ở Afghanistan cao hơn so với kế hoạch ban đầu không “gây thất vọng” mà là cần thiết và phù hợp với dự báo toàn diện của ông về một “khu vực nguy hiểm” trên thế giới.

Ông Obama nói: "Chúng ta vẫn luôn biết rằng chúng ta phải duy trì hoạt động chống khủng bố trong khu vực đó để tận diệt mọi sự tái xuất hiện của các mạng lưới al-Qaida và các mạng lưới khác có thể gây phương hại cho chúng ta". - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Bản lên tiếng” kêu gọi không hoan nghênh CT Tập Cận Bình thăm VN

Hơn 120 người ký tên vào một bản lên tiếng và nhiều cư dân mạng trên Facebook kêu gọi không hoan nghênh chuyến công du Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11 tới đây.

Bản lên tiếng

Bản lên tiếng về chuyến công du Việt Nam sắp tới của ông Tập Cận Bình và vấn đề Biển Đông được những người ký tên cho rằng trách nhiệm bảo vệ đất nước là của toàn dân và họ là những công dân thấy cần phải lên tiếng để cảnh giác.

Bản Lên tiếng nêu ra ba điểm: thứ nhất là tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải trong khu vực, gây ảnh hưởng lớn đến phát triển và ổn định của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; trong đó có Việt Nam phải gánh chịu những thiệt hại về kinh tế và đe dọa an ninh quốc phòng.

Thứ hai đây là thời cơ để Việt Nam tăng cường hợp tác với các quốc gia có cùng mối quan tâm về vấn đề Biển Đông, cũng như là thời điểm để xét lại mối quan hệ Việt-Trung với những khẩu hiệu do hai đảng cộng sản nêu ra trong các khẩu hiệu ‘4 tốt’ và ’16 chữ vàng’; Việt Nam cần phải sử dụng luật pháp quốc tế để kiện những hành động vi phạm của Trung Quốc đối với chủ quyền biển đảo của Việt Nam và không bị mắc mưu khi chỉ đàm phán song phương đôi bên theo ý của Trung Quốc.

Và điểm thứ ba là trong khi Trung Quốc cải tạo, bồi đắp biến những đảo chiếm được của Việt Nam thành đảo nhân tạo với mục tiêu quân sự và tiếp tục tấn công ngư dân Việt Nam đánh bắt tại Hoàng Sa và Trường Sa thì không thể tiếp đón ông Tập Cận Bình tại Việt Nam như một vị quốc khách được.

Thầy giáo Phạm Minh Hoàng, một cựu tù nhân chính trị hiện ở Sài Gòn và cũng là một trong những người ký tên vào Bản Lên tiếng cho biết lý do đưa ra bản lên tiếng:

“Bản Lên tiếng này được một số anh em đấu tranh trong nước, trong đó có rất nhiều anh em là cựu tù nhân lương tâm. Sở dĩ chúng tôi ra Bản Lên tiếng này vì thấy rằng trong thời điểm hiện tại Trung Quốc khuynh đảo đất nước chúng ta từ kinh tế đến chính trị, mọi lĩnh vực thậm chí là văn hóa nữa. Trên Biển Đông thì ai cũng biết là họ thường xuyên rượt đuổi, phá nát tàu của ngư dân Việt trên biển. Họ tiếp tục xây những đảo để làm căn cứ quân sự. Tình hình lấn chiếm Biển Đông và tấn công các ngư phủ dân thường là không thể chấp nhận được. Song song đó những ảnh hưởng về kinh tế, chính trị đến đất nước chúng ta là thường xuyên và càng lúc càng nhiều. Trong bối cảnh như thế thì chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là không thể chấp nhận được.”

Kêu gọi trên facebook

Blogger Nguyễn Hữu Vinh, người tham gia ký tên vào Bản Lên tiếng và đăng hình trên facebook với biểu ngữ không hoan nghênh ông Tập Cận Bình đến Việt Nam, cũng cho biết quan điểm của ông trong việc chính quyền Hà Nội và đảng cộng sản Việt Nam mời ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam trong bối cảnh như hiện nay:

“Truyền thống của Việt Nam từ xưa đến nay là không có ai rước ‘giặc’ vào nhà. Đó là một nguyên tắc. Tập Cận Bình hiện nay là chủ tịch nước Trung Quốc - đất nước đang xâm lược Việt Nam một cách rất rõ ràng. Hoàng Sa và một phần của Trường Sa - phần thiêng liêng của đất nước đang nằm dưới tay quân xâm lược. Đối với người dân Việt Nam thì đó là giặc. Tôi thấy người cộng sản học tập gương đạo đức Hồ Chí Minh hết đợt này đến đợt khác, tốn bao nhiêu tiền của dân nhưng họ quên mất một điều như Hồ Chí Minh đã nói rằng ‘còn một tên xâm lược nào trên đất nước chúng ta thì phải chiến đấu quét sạch nó đi.' Bây giờ sang làm gì? Bản thân tôi phản đối hành động rước giặc vào nhà.”

‘Biện minh’ của Hà Nội

Chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình trong cương vị chủ tịch nước và tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc được phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình xác nhận trong cuộc họp báo vào chiều ngày 8 tháng 10 vừa qua là sẽ diễn ra trong tháng 11 tới. Chuyến công du này là theo lời mời của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Lâu nay nhiều quan chức của Hà Nội cho rằng Việt Nam là nước nhỏ bên cạnh nước lớn Trung Quốc và kinh nghiệm lịch sử cho thấy phải nhân nhượng.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng có ý kiến về quan điểm đó như sau:

“Tạm gọi những cuộc binh biến giữa chúng ta với Trung Quốc trong quá khứ từ Hai Bà Trưng, rồi Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… trước khi ‘thần phục’ bao giờ cũng có một cuộc chiến. Như Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên Mông, Vua Lê Lợi sau khi đánh thắng nhà Minh, cũng như Vua Quang Trung sau khi đánh thắng nhà Thanh cũng cử sứ thần sang để (chúng ta tạm gọi là) ‘thần phục’. Nhưng ‘thần phục’ của các triều đại chúng ta ngày xưa là thần phục trong tư thế mạnh; nghĩa là chúng ta vừa đánh thắng xong, chúng ta lại tiếp tục vấn đề hòa hiếu. Chuyện đó xảy ra cách đây đã bao nhiêu thế kỷ rồi; đó là thời ‘chim trời, cá nước’, các nước ai muốn đánh ai cũng được; nhưng bây giờ khác rồi: từ năm 1945 đã có Liên hiệp quốc rồi. Không phải muốn đánh ai cũng được, thậm chí như Mỹ muốn đánh Iraq cũng phải có quyết định của Hội đồng Bảo an.”

Blogger Nguyễn Hữu Vinh cho rằng cách lập luận của các quan chức trong chính phủ Việt Nam về thái độ nhân nhượng Trung Quốc như lâu nay là sự ngụy biện, ông phát biểu:

“Kể từ thời Trần, những thời trước đây, Việt Nam có thể cống nạp, này khác…; nhưng về mặt lãnh thổ chưa bao giờ nhường một tấc đất nào cho giặc. Đất nước này xưa nay chưa bao giờ như vậy, chỉ dưới thời người cộng sản mới xảy ra tình trạng đất nước, lãnh thổ rơi vào tay giặc mà thôi. Và liên tục như thế và dành cho đời con, đời cháu đòi mà thôi! 

Như Cuba ở bên Hoa Kỳ nhưng họ vẫn có sự phản kháng, độc lập, tự chủ; nên không thể nói chuyện nước nhỏ, nước lớn ở đây. Thời đại ngày nay trong quan hệ quốc tế không nói chuyện nước lớn hay nước bé. Tôi cho đó là sự ngụy biện.”

Trước đây nhiều người Việt trong nước từng xuống đường tham gia những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc. Có những đợt kéo dài được hơn 10 tuần lễ như vào năm 2011; tuy nhiên hầu hết những cuộc biểu tình như thế cuối cùng đều bị chính quyền Hà Nội ngăn chặn.

Hầu hết những người Việt Nam quan tâm đến tình hình đất nước và mối quan hệ với quốc gia láng giềng Phương Bắc trong thời gian gần đây đều tỏ ra quan ngại về những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông. Họ mong mỏi chính quyền Hà Nội cần phải khéo léo tận dụng sự ủng hộ của quốc tế để kiềm chế thái độ ngày càng hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc tại Biển Đông. Họ kỳ vọng vào một thay đổi trong đối sách với chính quyền Bắc Kinh mà Hà Nội theo đuổi bấy lâu nay. - RFA
|
|

6.
Nhân sự Đảng: trẻ tuổi và thân thế

Ông Nguyễn Xuân Anh, 39 tuổi, vừa được bầu làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, theo báo Đà Nẵng.

Như vậy ông Xuân Anh, con trai cựu Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi, hiện là bí thư tỉnh thành trẻ nhất Việt Nam.

Ông cũng đã vượt kỷ lục của cha mình: ông Nguyễn Văn Chi trở thành Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng khi 41 tuổi.

Thành ủy Đà Nẵng, đô thị lớn thứ ba đất nước, còn có ủy viên trẻ Nguyễn Bá Cảnh, 32 tuổi, con trai cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh.

Trong khi đó con trai út của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Nguyễn Minh Triết, 25 tuổi, tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2015-2020.

Ông Triết cũng là người trẻ nhất trong số 55 tỉnh ủy viên Bình Định.

Ông đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN đưa vào tỉnh ủy Bình Định từ cuối năm 2014, khi mới 24 tuổi.

Đi du học ở Anh từ năm 2004 để học dự bị đại học, đến năm 2006, ông Nguyễn Minh Triết vào Đại học Queen Mary, London, học ngành Kỹ thuật Hàng không và Chế tạo máy cho đến năm 2009.

Học xong về nước, ông Triết được sắp xếp công tác ở Trung ương Đoàn trước khi về Bình Định.

Dàn lãnh đạo trẻ

Báo Đà Nẵng, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ thành phố, tường thuật rằng Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng với 350 đại biểu tham gia đã tiến hành bầu nhân sự cho nhiệm kỳ 2015-2020 vào sáng thứ Sáu 16/10.

Danh sách ứng cử có 58 vị và Đại hội đã bầu ra 52 ủy viên mới cho Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI.

Ông Nguyễn Xuân Anh được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng từ tháng 4/2014. Ông còn là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN và Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Năm 2011, ông được bổ nhiệm vào chức phó chủ tịch Đà Nẵng khi mới 35 tuổi.

Trước đó tháng 1/2011, tại Đại hội Đảng XI ông trở thành ủy viên Trung ương dự khuyết trẻ nhất Việt Nam cùng với một người đồng niên, ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai cả của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nhiều khả năng hai ông sẽ trở thành ủy viên chính thức tại Đại hội XII.

Ông Nghị cũng đang là nhân vật được nhiều người trông đợi sẽ giữ trọng trách tại Tỉnh ủy Kiên Giang, khi Đại hội Đảng bộ tỉnh này vừa khai mạc sáng 16/10.

Ông Xuân Anh là con trai cả của ông Nguyễn Văn Chi, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa X.

Ông từng có thời gian du học ở Canada. Sau khi về nước, ông công tác tại ban quốc tế của báo Thanh Niên.

Năm 2006 ông chuyển công tác, nhanh chóng được trao các chức vụ quan trọng như Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thuộc Sở Kế hoạch - Đầu tư Đà Nẵng, sau đó là Phó Chủ tịch, Phó Bí thư rồi Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Vào tháng 10/2010 ông Nguyễn Xuân Anh được bầu vào Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng. - BBC

No comments:

Post a Comment