Saturday, October 10, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 10/10

Tin Thế Giới

1.
Gần 90 người chết trong vụ đánh bom kép đẫm máu ở Thổ Nhĩ Kỳ

Hai vụ nổ kép nhắm vào cuộc tuần hành kêu gọi hoà bình do phe thân người Kurd tổ chức ở thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay đã làm ít nhất 86 người chết và gần 200 người bị thương.

Các vụ nổ xảy ra tại cổng ra chính của nhà ga nằm ở quận Ulus, đươc cho là có mục đích gây ra thương vong tối đa cho những người tham dự cuộc mít tinh do các nghiệp đoàn và các nhóm xã hội dân sự tổ chức.

Tin cho hay, tình trạng hỗn loạn đã xảy ra ở hiện trường vụ đánh bom, trong khi các nhân viên cấp cứu, những người sống sót và cảnh sát tìm cách lập lại trật tự.

Các thi thể cùng các lá cờ màu vàng của Đảng Nhân chủ Nhân dân thân người Kurd nằm la liệt trên mặt đất.

Các nhà phân tích cho rằng thủ phạm có thể là tổ chức Nhà nước Hồi giáo hoặc các phần tử theo chủ nghĩa dân tộc của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn Phản đối đảng bị cấm hoạt động là Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Hiện chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên án điều ông gọi là “vụ tấn công độc ác nhắm vào sự đoàn kết và hoà bình của đất nước chúng ta.”

Ông thông báo sẽ huỷ bỏ tất cả các cuộc hẹn trong 3 ngày tới đây để tập trung đối phó với thách thức an ninh.

Trong khi đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói đất nước phải đoàn kết chống lại khủng bố, và kêu gọi quốc tang 3 ngày để tưởng nhớ các nạn nhân.

Ông nói có các chỉ dấu cho thấy hai kẻ đánh bom tự sát thực hiện vụ tấn công.

Hoa Kỳ đã lên án “vụ tấn công khủng bố kinh hoàng”.

Các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng những vụ nổ bom này là “một vụ tấn công khủng bố.”

Chính phủ ra lệnh cho truyền thông địa phương không chiếu đoạn video về vụ nổ bom thứ nhất.

Những vụ nổ cách nhau vài phút sáng nay đã xảy ra trong lúc dân chúng tụ tập để tham gia một cuộc mít tinh qui mô lớn để kêu gọi chấm dứt vụ xung đột giữa các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và phe PKK đòi ly khai.

Ông Selahattin Demirtas, lãnh tụ đảng Dân chủ Nhân dân, có chủ trương thân người Kurd, cho báo chí biết rằng số tử vong có phần chắc sẽ ở mức cao. Ông so sánh vụ tấn công này với hai vụ nổ bom hồi tháng 7 tại hai thành phố Diyarbakir và Suruc, nơi đa số cư dân là người Kurd, ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhóm Nhà nước Hồi giáo nói rằng họ đã thực hiện vụ nổ ở Suruc, giết chết 33 người và gây thương tích cho 104 người. Vụ này làm bùng ra những vụ đụng độ giữa binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và những phần tử thánh chiến. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng dùng vụ nổ bom ở Suruc để biện minh cho việc phát động những vụ không kích nhắm vào các vị trí của phe người Kurd ở miền bắc Iraq và Syria. Những vụ không kích này chấm dứt tiến trình hoà bình kéo dài 4 năm giữa Ankara với nhóm PKK.

Những nhân vật tranh đấu thuộc đảng Dân chủ Nhân dân cho biết trong các tin nhắn Twitter rằng những vụ nổ hôm nay “làm nhiều người chết và bị thương.” Họ cũng tố cáo cảnh sát tấn công những người tìm cách đưa người bị thương đến bệnh viện. Nhưng một phát ngôn viên cảnh sát nói rằng giới hữu trách chỉ tìm cách làm cho mọi người rời khỏi hiện trường càng nhanh càng tốt để tránh có thêm thương vong trong trường hợp xảy ra những vụ nổ khác nữa.

Sau vụ nổ bom hôm nay, PKK loan báo họ ra lệnh cho chiến binh của họ hạn chế những hoạt động quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ đáp trả khi nào bị các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tấn công.

Bạo động hôm nay xảy ra trong lúc chỉ còn vài tuần là tới ngày bầu cử quốc hội, làm tăng thêm cảm giác lo âu trong dân chúng đối với những ảnh hưởng tai hại của cuộc chiến tranh ở lân bang Syria và những vụ đụng độ ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ giữa các lực lượng chính phủ với những phần tử chủ chiến của phe PKK. - VOA
|
|

2.
Bắc Triều Tiên diễu binh rầm rộ kỷ niệm 70 năm thành lập đảng

Hôm nay ngày 10/10/2015, Bắc Triều Tiên đã tổ chức diễu binh phô trương sức mạnh nhân ngày kỷ niệm 70 năm thành lập đảng lao động Triều Tiên. Trước hàng trăm nghìn binh sĩ và quần chúng trên quảng trường Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng, lãnh đạo số 1 của chế độ Bình Nhưỡng Kim Jong Un dành phần lớn bài diễn văn ca ngợi công lao to lớn của đảng dưới sự lãnh đạo của Kim Nhật Thành và Kim Jong il.

Lãnh tụ Triều Tiên, nhân dịp này đã thách thức Hoa Kỳ, tuyên bố đất nước ông sẵn sàng đương đầu với "mọi cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra".

Thông tín viên RFI tại Seoul, Frédéric Ojardias tường trình:

"Đứng trên khán đài, Kim Jong un vẫy tay về phía quảng trường Kim Nhật Thành rộng mênh mông đặc kín binh lính, bên cạnh là Lưu Vân Sơn, nhân vật số 5 trong ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc và cũng là một trong số hiếm hoi các quan chức nước ngoài tới Bình Nhưỡng dự lễ kỷ niệm. 

Cuộc diễu binh rầm rộ như thế này là dịp để chế độ Bình Nhưỡng phô trương sức mạnh. Lễ kỷ niệm còn là dịp để mỗi người dân Bắc Triều Tiên buộc phải bày tỏ thái độ sùng kính đối với lãnh tụ tối cao Kim Jong un. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã đọc bài diễn văn đầu tiên trước quần chúng kể từ 3 năm qua.

Lễ diễu binh còn muốn gửi một thông điệp đến thế giới bên ngoài. Với việc phô ra các loại xe tăng và tên lửa, Kim Jong un muốn nhắc đến mối đe dọa quân sự thực sự.

Người dân Bình Nhưỡng thì đang nóng lòng chờ đợi lễ hội kết thúc. Theo báo Daily NK Hàn Quốc , những biện pháp an ninh ngặt nghèo được áp dụng từ một tháng qua tại thủ đô Bình Nhưỡng đã cản trở nhiều hoạt động thương mại khiến giá cả thực phẩm tăng vọt".

Dịu giọng với miền Nam

Về quan hệ với Hàn Quốc, theo Tân Hoa Xã, đến Bình Nhưỡng dự lễ kỷ niệm hôm qua ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên thường trực Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc đã trao cho lãnh đạo bắc Triều Tiên bức thư của Chủ tịch Tập Cận Bình với nội dung khẳng định "tầm quan trọng sống còn" trong quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng.

Vẫn theo Tân Hoa Xã, trong buổi tiếp quan chức Trung Quốc, lãnh đạo Kim Jong un tuyên bố "Bắc Triều Tiên sẵn sàng cố gắng để cải thiện quan hệ hai miền Nam-Bắc và để giữ gìn ổn định trên bán đảo Triều Tiên". Ông Lưu vân Sơn khẳng định sẽ cùng với Bình Nhưỡng tìm cách nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. - RFI

***
Buổi lễ có ít quan khách nước ngoài tham dự, nhưng ông Lưu Vân Sơn, nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ 5 của Trung Quốc, đã đứng cạnh ông Kim Jong Un trong suốt cuộc duyệt binh.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã bị căng thẳng từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền năm 2011. Nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Bắc Triều Tiên chưa đi thăm Bắc Kinh và đã không đến dự cuộc duyệt binh qui mô lớn của Trung Quốc hồi tháng trước nhân kỷ niệm 70 năm thế chiến thứ hai chấm dứt.

Các nhà quan sát cho rằng việc Trung Quốc phái ông Lưu Vân Sơn đến Bình Nhưỡng kỳ này có thể là một dấu hiệu của sự cải thiện quan hệ.

Trong thời gian qua nhiều người dự đoán Bắc Triều Tiên sẽ thực hiện một vụ thử nghiệm phi đạn tầm xa nhân dịp kỷ niệm này. Nhưng các nhà phân tích và các giới chức Nam Triều Tiên nói rằng không có dấu hiệu của những sự chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm như vậy. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Hạ viện Mỹ thu hồi lệnh cấm xuất khẩu dầu thô

Hạ viện Mỹ hôm thứ sáu đã biểu quyết để chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu hầu hết các loại dầu thô.

Dự luật, được thông qua với 261 phiếu thuận và 159 phiếu chống, giờ đây được chuyển sang Thượng viện. Các nhà phân tích cho rằng việc thông qua tại Thượng viện sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Nếu được Thượng viện thông qua, dự luật sẽ được trình lên Tổng thống Barack Obama, là người đã doạ phủ quyết.

Lệnh cấm xuất khẩu này được áp dụng sau khi vụ cấm vận dầu lửa của khối Ả Rập hồi thập niên 1970 làm cho giá dầu ở Mỹ tăng mạnh.

Các công ty dầu lửa và một số các tổ chức bảo thủ cho rằng Hoa Kỳ giờ đây là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới và lập luận rằng xuất khẩu dầu thô sẽ tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và làm cho giá xăng dầu hạ thấp qua việc gia tăng lượng cung ứng dầu trên thế giới.

Những người chống đối, trong đó có các nhóm bảo vệ môi trường và nghiệp đoàn công nhân ngành thép, nói rằng xuất khẩu dầu thô sẽ làm cho công ăn việc làm bị mất đi và xăng dầu trong nước tăng giá. - VOA
|
|

4.
Tổng thống Obama: TPP 'thăng tiến giá trị Mỹ, bảo vệ công nhân Mỹ'

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được tuần qua giữa Hoa Kỳ và 11 nước khác “thăng tiến các giá trị của nước Mỹ và bảo vệ công nhân Mỹ.”

Trong bài diễn văn hàng tuần phát thanh hôm nay, ông Obama cho biết phải mất 5 năm để thương thuyết cho hiệp định này vì “tôi muốn có được thoả thuận tốt nhất có thể có cho công nhân Mỹ… Những luật lệ thương mại lỗi thời làm cho công nhân của chúng ta bị bất lợi. Và TPP sẽ thay đổi điều đó.”

Tổng thống Obama cũng nói rằng TPP bao gồm những tiêu chuẩn lao động và môi trường mạnh mẽ nhất trong lịch sử; “và không giống như những hiệp định thương mại trước đây, những tiêu chuẩn này thực sự có thể được chấp hành.”

Những người ủng hộ TPP cho rằng hiệp định này sẽ thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế cho các nước tham gia. Những người chỉ trích ở Mỹ cho rằng hiệp định này không làm gì nhiều để bảo vệ công ăn việc làm ở Mỹ hay bảo vệ môi trường. Họ cũng cho rằng hiệp định này làm gia tăng chi phí của một số loại thuốc men.

Vấn đề thuốc men đã được bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, đề cập tới. Khi còn làm ngoại trưởng dưới quyền ông Obama, bà đã tham gia cuộc đàm phán TPP nhưng bây giờ bà chống đối vì bà lo ngại hiệp định này chỉ có lợi cho các công ty dược phẩm. Bà cho biết bà cũng “lo ngại” về sự thao túng chỉ tệ của những nước khác.

Ông Donald Trump, người đang tham gia cuộc chạy đua để được đảng Cộng hoà đề cử làm ứng cử viên tổng thống, nói rằng TPP là “một thoả thuận hết sức tệ hại.”

Quốc hội phải chấp thuận TPP trong những tháng tới đây để hiệp định có hiệu lực. Tổng thống Obama sẽ cần tới sự ủng hộ của cả hai đảng, và một số nhà lập pháp đối lập dường như không chịu chấp thuận bất cứ điều gì mà tổng thống ủng hộ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Trung Quốc khánh thành hải đăng ở Trường Sa

Chính quyền Bắc Kinh đã đưa vào hoạt động hai ngọn hải đăng trên các bãi đá ở Trường Sa, tiếp tục mạnh mẽ khẳng định chủ quyền ở quần đảo tranh chấp với Việt Nam và các nước.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 10/10 nói rằng hai ngọn hải đăng đó nhằm mục đích giúp các tàu bè qua lại trên biển Đông cũng như cải thiện an toàn hàng hải.

Bộ Giao thông Trung Quốc đã tổ chức lễ khánh thành trên hai bãi đá nằm tại Trường Sa mà Bắc Kinh gọi là Nam Sa.

“Các ngọn hải đăng trên bãi đá Hoa Dương và Xích Qua thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc sẽ hỗ trợ hiệu quả tàu bè qua lại cũng như cải thiện đáng kể an toàn hàng hải của tàu bè trên biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông)”, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh tuyên bố.

Bà Hoa cũng tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở dân sự và công cộng ở biển Đông để hỗ trợ các tàu bè.

Việt Nam chưa có phản ứng trước việc Trung Quốc khánh thành hai ngọn hải đăng, nhưng từng tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi đối với Trường Sa và Hoàng Sa”.

"Khiêu khích"

Trong một diễn biến khác liên quan tới biển Đông, theo quan chức Mỹ, Hoa Kỳ đang xem xét việc đưa các tàu chiến vào gần khu vực các đảo nhân tạo của Trung Quốc nhằm đưa ra dấu hiệu rằng Washington không công nhận các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực này.

Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ được trích lời nói rằng, các tàu của Mỹ sẽ di chuyển trong vùng 12 hải lý, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải xung quanh các đảo mà Bắc Kinh đã xây dựng ở quần đảo Trường Sa trong vòng hai tuần tới.

Trong khi đó, trang tin Navy Times dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ nói rằng hành động này có thể diễn ra “trong vòng vài ngày”, nhưng vẫn đang chờ được chính quyền Obama phê chuẩn.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã kêu gọi Hoa Kỳ chớ nên có thái độ mà Trung Quốc gọi là “khiêu khích” ở biển Đông. - VOA
|
|

6.
Hải quân Philippines và Thái Lan bắt ngư dân Việt

Gần 20 ngư dân Việt Nam đã bị Philippines và Thái Lan giữ “vì đánh bắt cá trái phép” trên lãnh hải các nước này.

Hải quân Philippines “tóm” 7 ngư dân Việt Nam ở ngoài khơi tỉnh Ilocos Norte hôm 8/10.

Phát ngôn viên của lực lượng cảnh sát tỉnh này nói các ngư dân Việt Nam, trong đó có hai người dưới tuổi vị thành niên, bị giữ để điều tra về “hành vi đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế” của Philippines.

Ông này nói thêm rằng những người Việt đã được đưa đến bệnh viện để khám sức khỏe trước khi tiếp tục bị hải quân Philippines giam giữ.

Trong khi đó, hai tàu cá Việt Nam với 11 ngư dân đã bị bắt ở ngoài khơi tỉnh Narathiwat của Thái Lan hôm 10/10.

Theo chính quyền địa phương, hai tàu cá này đã được sơn trông giống tàu cá của Malaysia và có mang theo lưới kéo mà theo họ nói là hủy hoại các sinh vật biển.

Hai thuyền trưởng thú nhận đã sửa sang tàu như vậy để trốn tránh cảnh sát biển và hải quân Thái.

Cảnh cáo

Chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng về các vụ bắt giữ mới nhất ngư dân Việt của Thái Lan và Philippines.

Tuy nhiên, trước đó, sau khi Thái Lan bắn chết ngư dân tỉnh Kiên Giang hồi tháng trước, Việt Nam đã yêu cầu Bangkok “không dùng vũ lực” đối với ngư dân Việt Nam.

Theo phía Việt Nam, ngày 11/9, một số tàu cá của tỉnh Kiên Giang đã đánh cá trái phép trong vùng biển của Thái Lan.

Sau đó, các tàu này bị lực lượng cảnh sát biển Thái Lan truy đuổi và sử dụng vũ khí tấn công khiến 1 ngư dân Việt thiệt mạng và 2 người khác bị thương.

Trong những tháng gần đây, chính quyền Indonesia và Palau, quốc đảo ở Thái Bình Dương, cũng đã bắt giữ nhiều tàu cá của Viêt Nam rồi sau đó phá hủy các tàu này để cảnh cáo các ngư dân Việt không được đánh bắt cá trái phép. - VOA

No comments:

Post a Comment