Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc cảnh báo chống lại những cuộc tuần hành của Hoa Kỳ ở Biển Đông
Trung Quốc đã gửi đi một lời cảnh báo dường như nhắm vào Hoa Kỳ chớ nên có thái độ mà Trung Quốc gọi là “khiêu khích” ở Biển Đông.
Lời cảnh báo được ra sau khi có tin tức hôm qua nói rằng quân đội Hoa Kỳ đang có kế hoạch đưa tàu chiến đến gần các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã ráo riết xây dựng với hy vọng củng cố khẳng định chủ quyền trong vùng biển có tranh chấp.
Theo các bản tin, các giới chức Hoa Kỳ nói họ đang cứu xét việc đưa tàu chiến vào trong khu vực 12 hải lý gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh nói là sự mở rộng hợp pháp của lãnh thổ họ trong vòng 2 tuần sắp tới.
Cả Ngũ Giác Đài lẫn Tòa Bạch Ốc đều không xác nhận các bản tin. Tháng trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter phát biểu về tình hình ở Biển Đông, ông nói Hoa Kỳ sẽ “đưa máy bay, tàu và hoạt động vào hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, như lực lượng Hoa Kỳ vẫn làm trên khắp thế giới.”
Hoa Kỳ không thừa nhận những khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trong vùng, mà Philippines, Việt Nam và các nơi khác cũng đòi chủ quyền.
Đáp lại một câu hỏi hôm nay về việc Hoa Kỳ có thể tiến hành các cuộc tuần tra, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói với các phóng viên rằng Bắc Kinh “sẽ không bao giờ cho phép bất cứ nước nào vi phạm lãnh hải và không phận của Trung Quốc trong quần đảo Trường Sa, nhân danh việc bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển và trên không”.
Chưa rõ Trung Quốc có thể có những biện pháp nào. Một bản tin trên tờ South China Morning Post trích thuật một nguồn tin quân sự ở Trung Quốc gợi ý rằng Bắc Kinh có những chọn lựa “hợp lý về phí tổn cho tình trạng đối đầu như thế chẳng hạn như sử dụng máy bay không người lái để ngăn cản tàu bè.
Không nêu đích danh Hoa Kỳ, bà Hoa nói Trung Quốc hối thúc “các bên liên hệ chớ nên có các hành động khiêu khích, và thực sự có một lập trường có trách nhiệm về hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Ngoài Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei đều có các khẳng định chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông và trong những năm gần đây đã xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Quần đảo Trường Sa nằm gần như ngay trung tâm những vụ khẳng định chồng chéo nhau đó.
Hoa Kỳ từng tuyên bố sẽ không can thiệp vào những vụ tranh chấp lãnh thổ đang tiếp diển, nhưng sẽ bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển trong một khu vực thiết yếu cho hàng hải quốc tế.
Biển Đông là nơi có khoảng 5.000 tỷ đô la giao thương hàng năm và trong chuyến đi mới đây đến Hoa Kỳ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo không nhắm mục tiêu vào bất cứ nước nào.
Trung Quốc nói việc xây dựng thực ra là để củng cố khả năng của họ đóng góp vào sự an toàn của vùng biển và cung cấp những dịch vụ khác như dự báo thời tiết và hỗ trợ tìm kiếm và cứu hộ.
Tuy nhiên, việc hoàn tất hai phi đạo có khả năng xử lý các máy bay quân sự, và các dấu hiệu xây dựng một phi đạo thứ ba, đã khiến Hoa Kỳ và các quốc gia khác kêu gọi Trung Quốc đình chỉ hoạt động “quân sự hóa” ở các tiền đồn hẻo lánh gây thêm căng thẳng trong khu vực. - VOA
|
|
2.
Bộ tứ Đối thoại Quốc gia ở Tunisia đoạt giải Nobel hòa bình
Bộ tứ Đối thoại Quốc gia ở Tunisia đã đoạt giải Nobel Hòa bình năm nay về công tác trong việc ủng hộ tiến trình dân chủ hóa ở nước này sau cuộc “Cách mạng Hoa Nhài” năm 2011. Thông tín viên VOA Luis Ramirez tại châu Âu gửi về bài tường thuật từ London.
Tại Oslo hôm nay, Người đứng đầu Ủy ban Nobel, bà Kaci Kullman Five đưa ra thông báo:
“Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định giải Nobel Hòa bình năm 2015 sẽ được trao cho Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia về sự đóng góp quyết liệt của họ trong việc xây dựng một nền dân chủ đa nguyên ở Tunisia sau cuộc Cách mạng Hoa Nhài năm 2011”.
Bộ tứ này gồm các nghiệp đoàn lao động cũng như Liên minh Nhân quyền Tunisia và Hội Luật gia Tunisia.
Bà Kullman Five nói nhóm này đã khởi sự công tác vào một thời điểm khi tiến trình dân chủ hóa mong manh của Tunisia đang lâm vào nguy cơ sụp đổ vì hậu quả của những vụ ám sát chính trị và tình trạng bất ổn xã hội.
“Bộ tứ này đã thiết lập một tiến trình chính trị ôn hòa để thay thế vào một thời điểm đất nước đứng ở bờ vực nội chiến”.
Tunisia là hiện trường của những vụ nổi dậy dân chúng đầu tiên năm 2011 được gọi là “Mùa Xuân Ả Rập”. Người dân Tunisia đã xuống đường và buộc Tổng thống lâu đời là ông Zine el Abidine Ben Ali phải ra đi, với hy vọng chấm dứt nhiều thập niên cai trị độc tài và tham nhũng.
Tựu trung Tunisia là câu chuyện thành công duy nhất của Mùa Xuân Ả Rập.
Trong khi Ai Cập và Libya chìm vào tình trạng hỗn loạn chính trị và Syria rơi vào một cuộc nội chiến toàn diện, Tunisia đã thực hiện một tiến trình bầu cử bất bạo động trong đó cử tri hồi năm ngoái đã đem lại chiến thắng cho một chính đảng thế tục.
Nhưng vẫn còn những thắc mắc về mức độ bền vững của các thắng lợi vào lúc nước này tiếp tục đối phó với vấn đề tham nhũng, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở mức 35% và việc hàng ngàn thanh niên Tunisia bị tuyển mộ vào hàng ngũ các phần tử cực đoan, trong đó có nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Năm nay, Hoa Kỳ đã cam kết hàng trăm triệu đô la viện trợ và hợp tác thêm để củng cố nền dân chủ non trẻ. Trong một chuyến thăm Washington của Tổng thống Tunisia hồi tháng 5, Tổng thống Obama đã chỉ định nước này là một đồng minh chính ngoài khối NATO của Hoa Kỳ, khiến Tunisia có thể nhận thêm viện trợ quân sự.
Ủy ban Nobel hôm nay tuyên bố hy vọng Tunisia sẽ là một tấm gương cho các nước khác.
Danh sách 273 ứng viên năm nay nằm trong số các danh sách dài nhất từ trước đến nay được đề cử giải Nobel hòa bình và bao gồm Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng như Thủ tướng Đức Angela Merkel. - VOA
|
|
3.
Nga phủ nhận tên lửa rơi xuống lãnh thổ Iran
Moscow ngày hôm qua lên tiếng phủ nhận các tên lửa bắn từ chiến hạm neo đậu trong vùng biển Caspian nhắm vào Syria đã rơi xuống lãnh thổ Iran, theo như khẳng định của một quan chức Hoa Kỳ. Phía Iran hôm nay 09/10/2015 trả lời câu hỏi của AFP cũng không xác nhận sự việc.
Trong một thông cáo, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, tướng Igor Konachenkov tuyên bố: “Bất kỳ một nhà chuyên nghiệp nào cũng biết rõ là trong các chiến dịch như thế, chúng tôi luôn ấn định rõ mục tiêu trước và sau đó là tác động: tất cả các tên lửa được bắn đi từ các chiến hạm của chúng tôi đều đã trúng đích”.
Lời tuyên bố trên được đưa ra sau khi một quan chức Hoa Kỳ khẳng định với hãng tin Pháp, đồng thời xác nhận nguồn tin từ CNN cho rằng bốn tên lửa hành trình của Nga bắn đi hôm thứ Tư 08/10 nhắm vào quân thánh chiến Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Syria đã rơi xuống lãnh thổ Iran.
Nguồn tin trên cũng không nêu rõ khu vực bị ảnh hưởng tại Iran, quốc gia đồng minh của Nga trong việc bảo vệ chế độ Bachar Al Assad, lẫn những thiệt hại do tên lửa gây ra. Phía Iran ngày hôm nay 09/10/2015, thông qua phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, cũng chỉ trả lời ngắn gọn với giới báo chí là “Chúng tôi không xác nhận" thông tin này.
Tuy nhiên, sự việc cho thấy Nga đang gia tăng các chiến dịch tấn công tại Syria, nhất là khi đưa vào hoạt động các chiến hạm neo đậu trên biển Caspian. Một chiến dịch quân sự kết hợp giữa không kích và bắn tên lửa hành trình trên gần 1.500km và “được kết hợp đồng bộ với các chiến dịch của quân đội Syria trên bộ”, theo như thông báo của chính quyền Nga. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Phe Cộng Hoà rối loạn về việc chọn Chủ tịch Hạ viện
Đảng viên Cộng hòa được nhiều người chờ đợi sẽ trở thành chủ tịch Hạ viện đã gây bất ngờ cho các đồng sự hôm qua khi loan báo rút lui không ra ứng cử. Quyết định của trưởng khối đa số Hạ viện Kevin McCarthy có nghĩa là cuộc chạy đua để kế nhiệm Chủ tịch John Boehner vừa từ chức nay lại rộng mở. Thông tín viên VOA Jim Malone ghi nhận chi tiết.
Trụ sở Quốc hội náo loạn khi người được cho là sẽ trở thành chủ tịch kế tiếp tại Hạ viện gây bất ngờ cho các đồng sự vào lúc việc bỏ phiếu sắp bắt đầu.
Ông Kevin McCarthy biết rằng mình đã gây kinh ngạc cho các bạn đồng viện.
Ông nói một người nào khác sẽ phải tìm cách hàn gắn sự rạn nứt giữa các đảng viên bảo thủ và các đảng viên truyền thống của đảng Cộng hòa.
Ông nói có lẽ cần phải có một gương mặt mới để tạo sự đoàn kết. Ông cho biết sẽ tiếp tục làm trưởng khối đa số nhưng ông nói ông đã phát hiện ra khi nói chuyện với tất cả mọi người rằng nếu muốn đoàn kết và vững mạnh thì cần phải có một gương mặt mới để giúp làm việc đó.
Trong số những người ra ứng cử vào chức chủ tịch có dân biểu Jason Chaffetz của tiểu bang Utah.
Ông Chaffetz bày tỏ sự cực kỳ kinh ngạc, nhưng cho rằng đảng Cộng hòa sẽ phải suy ngẫm rất nhiều và điều đó sẽ diễn ra.
Các làn sóng kinh động đã lan khắp nước tới Las Vegas, nơi người định ra ứng cử tổng thống là ông Donald Trump loan tin đó tại một cuộc tập họp.
Phe Dân chủ cũng kinh ngạc và theo dõi sát tình hình hỗn loạn tại Quốc hội. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho rằng đã có sự rạn nứt trong đảng Cộng Hòa. Sự rạn nứt đó thể hiện trong các cuộc họp ở Iowa và New Hampshire. Và cũng còn thể hiện cả trong những cuộc họp riêng của hội nghị Đảng Cộng hòa tại Hạ viện. Ông nói đây quả thực là một thách thức cho đảng Cộng hòa và nó thực sự đe dọa đến khả năng thắng cử của đảng”.
Sự rạn nứt đã có mầm mống từ lâu, theo cựu dân biểu Cộng hòa Vin Weber. Ông Weber nói nó cho thấy rất nhiều sự hỗn loạn bên trong đảng Cộng hòa. Ông nói không nhất thiết dùng từ yếu kém để mô tả nhưng chắc chắn nó chứng tỏ đảng Cộng Hòa không thống nhất.
Theo sách lược gia của đảng Cộng hòa, ông Ford O’Connell, sự chia rẽ còn được dung dưỡng thêm bởi ý muốn của phe bảo thủ muốn tỏ ra cứng rắn hơn trong việc đối phó với Tổng thống Obama:
Ông O’Connell cho rằng họ chỉ muốn một người nào đó sẽ không hài lòng với nguyên trạng. Ông nghĩ nhiều đảng viên Cộng hòa chỉ cảm thấy là đã bị thất bại nhiều lần trước Tổng thống Obama và phe Dân chủ tại Quốc hội, và điều họ muốn thấy là một người nào đó có tinh thần chiến đấu.
Phe Cộng Hòa đã hoãn cuộc bỏ phiếu đề cử người kế nhiệm một cách vô thời hạn và Chủ tịch Boehner cho biết ông sẽ tiếp tục ở lại chức vụ cho đến khi chọn được người kế nhiệm. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Mỹ đẩy mạnh viện trợ thực thi luật hàng hải cho Việt Nam
Hoa Kỳ vừa loan báo tăng gấp 4 lần viện trợ cho Việt Nam và 3 nước khác ở Châu Á giúp tăng cường khả năng thực thi luật pháp trên biển, nhưng nhấn mạnh rằng động thái này không liên hệ tới tranh chấp Biển Đông với Bắc Kinh.
AFP ngày 9/10 dẫn loan báo của Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, William Brownfield cho biết khoản viện trợ trị giá hơn 100 triệu đô la giúp Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia thực thi luật hàng hải.
Ngân quỹ này thuộc khuôn khổ sáng kiến thực thi luật hàng hải trị giá ban đầu 25 triệu đô la mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry công bố hồi cuối năm 2013.
100 triệu viện trợ vừa kể sẽ được dùng để cung cấp cho lực lượng tuần duyên và các cơ quan hàng hải của 4 nước Châu Á các thiết bị và tàu giúp cải thiện công tác thông tin liên lạc và giám sát.
Trợ lý Ngoại trưởng Brownfield nói: "Chúng tôi biết rõ có những vấn đề đang xảy ra trong khu vực nhưng sự hỗ trợ của chúng tôi chỉ chú trọng vào công tác thực thi luật hàng hải".
Phát biểu sau chuyến công du Việt Nam, Philippines và Indonesia, ông Brownfield nhấn mạnh khoản viện trợ của Hoa Kỳ là hoàn toàn minh bạch, không có gì che giấu, ngụ ý đây không phải là hành động thách thức lực lượng tuần duyên Trung Quốc.
Viện trợ của Mỹ dành cho Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia được loan báo giữa bối cảnh Trung Quốc đang vận dụng lực lượng tuần duyên quốc gia thực thi tuyên bố chủ quyền trên hơn 80% diện tích Biển Đông, bất chấp các tuyên bố chồng chéo của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. - VOA
|
|
6.
Cựu Bộ trưởng Thương mại VN: TPP có thể gây thiệt hại lớn cho Việt Nam
Việt Nam được xem là nước hưởng lợi nhiều nhất trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương vừa hoàn tất giữa 12 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, nhưng một cựu Bộ trưởng Thương mại của Việt Nam cho rằng Việt Nam có thể bị nhiều thiệt hại rất lớn từ TPP nếu không cấu trúc lại nền kinh tế.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết nói Việt Nam còn nhiều mặt chưa sẵn sàng cho TPP và cần phải phấn đấu rất nhiều.
Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ tối 9/10 bàn về những mặt lợi-hại của TPP đối với thực trạng kinh tế Việt Nam hiện nay, ông Triết cũng khuyến cáo rằng cơ cấu kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam cần phải chuyển hóa kịp thời vì không phù hợp với TPP cũng như xu hướng kinh tế thế giới trong thời đại toàn cầu hóa.
Ông Lê Văn Triết: Việt Nam có thuận lợi ở chỗ các xuất phát điểm thấp. Giao tiếp với thị trường toàn cầu hóa, Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn ở chỗ kinh tế chưa được mở rộng và được lợi từ các cắt giảm thuế cùng những ưu đãi mà tự do hóa thương mại đem lại.
VOA: 11 nước còn lại trong khối TPP, họ có lợi gì khi bắt tay TPP với Việt Nam?
Ông Lê Văn Triết: Họ cũng có những thuận lợi trong giao tiếp, trao đổi thương mại với Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng nhân cơ hội đó sẽ có nhiều lợi ích, tiếp nhận được những thuận lợi trong quan hệ buôn bán với các nước vì ngoài vấn đề thương mại còn có đầu tư và nhiều lĩnh vực khác. Việt Nam có được hưởng những lợi ích đó hay không còn tùy thuộc vào khả năng chuyển hóa để thực hiện TPP thế nào, chứ không phải chỉ được hưởng lợi.
VOA: Nếu không linh hoạt chuyển hóa kịp thời, những cái hại trông thấy từ TPP đối với Việt Nam là gì?
Ông Lê Văn Triết: Có nhiều cái thiệt, thiệt rất lớn. Ví dụ như hiện nay Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều trong buôn bán với nước ngoài. Thứ hai, Việt Nam chưa có những thể lệ, chính sách, cơ chế kể cả trong vấn đề thuế và các vấn đề khác để có thể triển khai thực hiện được. Việc này Việt Nam chưa phải là đã sẵn sàng. Bất lợi thứ ba, Việt Nam đang bị lệ thuộc nhiều trong quan hệ thương mại với một số nước trong đó có láng giềng gần. Bây giờ bước ra khỏi cái đó là một điều khó đối với Việt Nam, phải có quá trình, phải có hoạt động tích cực về mặt pháp lý, chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, và ứng phó với thị trường. Những việc này Việt Nam còn phải phấn đấu rất nhiều.
VOA: Theo ông, lĩnh vực nào trong nền kinh tế Việt Nam sẽ được lợi nhiều nhất từ TPP và lĩnh vực nào bị tổn thương, thiệt hại nhiều nhất?
Ông Lê Văn Triết: Lĩnh vực được hưởng lợi là gia công hàng xuất khẩu như may mặc. Nếu khéo léo và làm tốt, Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc chế tạo một số mặt hàng phục vụ cho ngành thông tin, điện tử. Cái bất lợi của Việt Nam là phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài nhiều quá. Lâu nay một số nước đang chạy đua nhau xây các cơ sở chế tạo các nguyên liệu, phụ liệu bán cho Việt Nam để được hưởng lợi khi Việt Nam xuất khẩu sang các nước TPP. Như vậy, họ được lợi còn Việt Nam cuối cùng chỉ được cái là gia công thôi. Lĩnh vực dễ bị tổn hại từ TPP là các sản phẩm nông nghiệp. Lĩnh vực này chưa được sự bảo vệ của nhà nước từ nhiều năm trước đây. Do đó, khi Việt Nam mở cửa đưa nhiều mặt hàng vào với thuế suất bằng không thì việc này tác động đến nông dân nhiều nhất.
VOA: Cần các bước nào cụ thể, cấp bách để Việt Nam có thể bước vào TPP được lợi hoàn toàn, tránh rủi ro?
Ông Lê Văn Triết: Cái đó có nhiều vấn đề lớn lắm, đi từ cấu trúc lại nền kinh tế của Việt Nam. Nhìn vào sự phát triển kinh tế của các nước, từng ngành kinh tế, từng lĩnh vực mặt hàng thì Việt Nam có nhiều cái chưa hòa mình với dòng chảy thương mại thế giới. Cho nên, cấu trúc lại nền kinh tế, cấu trúc lại thể chế pháp lý, thủ tục, chính sách. Đó là những vấn đề rất lớn hiện giờ. Đó là về mặt nhà nước. Về mặt doanh nghiệp, sự am hiểu về thể chế, luật lệ và hiệp định liên quan đến thương mại, đầu tư thế giới thì Việt Nam xưa nay chưa phải là nước có nhiều kinh nghiệm, doanh nghiệp Việt Nam chưa được dàn dựng để có thể nhảy vào chiến trường dễ dàng như một số nước. Hơn nữa, cấu trúc nền kinh tế Việt Nam khi bước vào TPP cũng có nhiều cái phải thiết kế lại cho phù hợp. Cơ cấu nền kinh tế Việt Nam hiện giờ chưa phù hợp với TPP.
VOA: Những điểm nào được xem là chưa phù hợp? Có phải ông muốn nói tới mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa?
Ông Lê Văn Triết: Cái đó thật là một vấn đề lớn. Ngoài ra, anh cần phải hiểu các nước có gì để anh mua mà không phải sản xuất và hiểu các nước cần gì để anh sản xuất. Đó là những vấn đề cũng khá lớn. Thú thật là tôi cũng không hiểu ‘xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’ nghĩa là gì. Tôi nói thật. Bởi vì theo tôi hiểu, khái niệm kinh tế thị trường hoàn toàn khác với khái niệm kinh tế xã hội chủ nghĩa. Hai cái này không phải cứ khớp lại bằng lời nói thì nó hình thành trên thực tế được đâu. Bản chất kinh tế thị trường khác với bản chất kinh tế xã hội chủ nghĩa. Không ai nói được cho rõ nó [kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa] là cái gì.
VOA: Khi đưa ra định nghĩa này, có phải Việt Nam muốn theo kinh tế thị trường nhưng vẫn còn nuối tiếc cái gọi là ‘xã hội chủ nghĩa’, không muốn rời xa nó?
Ông Lê Văn Triết: Vấn đề này thì nó hơi đau đầu.
VOA: Theo ông, nên chăng cởi bỏ hẳn lớp áo cũ ‘xã hội chủ nghĩa’ để hoàn toàn đi theo mô hình mới là kinh tế thị trường?
Ông Lê Văn Triết: Bây giờ tôi cũng không thể nói là nên bỏ như thế nào. Việc này đòi hỏi phải xem lại trên thế giới, coi những nước họ làm kinh tế xã hội chủ nghĩa có nước nào làm thành công hay không. Tất cả những chuyện đó cần phải nghiên cứu.
VOA: Trong con mắt người từng đứng đầu Bộ Thương mại Việt Nam, ông thấy mô hình kinh tế thị trường hay mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa ưu điểm hơn?
Ông Lê Văn Triết: Cuộc ‘Đổi mới’ của Việt Nam năm 1986, khởi đầu tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 cũng như sang Đại hội đảng lần thứ 6 đều xác định mô hình kinh tế khởi xướng cho ‘Đổi mới’ chính là kinh tế thị trường chứ không có nói ‘theo định hướng xã hội chủ nghĩa’. Chính vì đặt ra kinh tế thị trường, nó phù hợp với luật phát triển của xã hội loài người và luật phát triển của người sản xuất cho nên ‘Đổi mới’ thành công. Nhưng sau này lại thay đổi thành ‘kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’, rồi sau đó lại thêm ‘có sự quản lý của nhà nước’ nữa. Cái đó nó làm cho mọi việc rối ra.
VOA: Xin chân thành cảm ơn cựu Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này. - VOA
No comments:
Post a Comment