Friday, October 9, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 5/10

Tin Thế Giới

1.
Hoàn tất thỏa thuận TPP

Mỹ, Nhật, và 10 nước Vành đai Thái Bình Dương khác hôm nay đạt thỏa thuận về hiệp định tự do mậu dịch khổng lồ giúp giảm bớt các rào cản và đề ra các quy định thương mại cho 40% kinh tế thế giới.

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương được hoàn tất ở thành phố Atlanta, bang Georgia miền Nam nước Mỹ, đỉnh điểm của 7 năm đàm phán gai góc về các rào cản thương mại đối với các mặt hàng nông nghiệp và các sản phẩm từ sữa, xe hơi mới, các tiện ích công nghệ mới nhất, các loại thuốc tiên tiến và nhiều mặt hàng khác kèm theo những quy định về môi trường và lao động.

Theo dự kiến các quan chức sẽ công bố chi tiết của hiệp định trong ngày hôm nay. Thỏa thuận này phải được phê chuẩn bởi cơ quan lập pháp quốc gia của 12 nước trong khối. Từng ngành công nghiệp trong mỗi nước đang vận động mạnh mẽ để bảo vệ sản phẩm của họ trước hàng nhập khẩu từ nước ngoài hoặc để mở ra cơ hội xuất khẩu để làm ăn ở các nước khác.

Hoàn tất thỏa thuận TPP là một thắng lợi lớn về chính sách đối ngoại cho Tổng thống Mỹ Barack Obama dù chưa chắc Quốc hội sẽ chấp thuận thỏa thuận này. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ có phần chắc sẽ không xem xét thỏa thuận TPP cho tới năm sau.

Tổng thống Obama đã vận động cho hiệp ước này vượt qua sự phản đối từ đa số đồng nghiệp trong đảng Dân chủ của ông tại Quốc hội, những người cho rằng thỏa thuận này sẽ làm mất hàng ngàn công ăn việc làm của dân Mỹ vì các nhà sản xuất chuyển hoạt động sang các quốc gia khác nơi có mức lương nhân công rẻ hơn. Ngược lại, các đảng viên Cộng hòa chú trọng doanh thương thường phản đối nhiều chính sách đối ngoại và đối nội của Tổng thống Obama thì phần đông lại ủng hộ việc hoàn tất hiệp định thương mại TPP.

Tuy nhiên, một nhà lập pháp chủ chốt trong đảng Cộng hòa, dân biểu Paul Ryan, ứng viên của đảng này tranh chức Phó Tổng thống hồi năm 2012, tỏ ra thận trọng về việc hoàn tất thỏa thuận TPP.

Ông Paul Ryan nói "Một Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương thành công có nghĩa là ảnh hưởng của Mỹ sẽ lớn hơn trên thế giới và có thêm việc làm tốt ở nội địa, nhưng chỉ có một thỏa thuận tốt, một thỏa thuận đáp ứng những nguyên tắc của Quốc hội trong đạo luật vừa ban hành về quyền xúc tiến thương mại, mới có thể được thông qua tại Hạ viện Mỹ. Tôi chưa vội phán xét cho tới khi nào có thể xem văn bản chung cuộc và tham khảo ý kiến với các đồng nghiệp và các cử tri của tôi."

Tại Hoa Kỳ, chấp thuận chung cuộc cho TPP có thể rắc rối vì cuộc bầu cử Tổng thống 2016 sắp tới. Có thể mãi đến năm 2017 Quốc hội Mỹ mới có hành động về hiệp ước này, khi một tân Tổng thống lên nhậm chức. Theo quy định của Hiến pháp, Tổng thống Obama không được tranh cử thêm nhiệm kỳ thứ ba.

Nhiều nhà phân tích kinh tế xem TPP như một thỏa thuận có thể đối chọi với sự tăng trưởng và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngay cả khi nền kinh tế của Bắc Kinh đã chậm lại, nó vẫn có tác động giao dịch rộng khắp trên thế giới.

10 quốc gia khác cũng có tên trong thỏa thuận hôm nay bao gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, Việt Nam, New Zealand, Australia, Brunei, Singapore và Malaysia. - VOA
|
|

2.
Khoa học gia Ireland, Nhật, Trung Quốc đoạt giải Nobel Y Học 2015

Giải Nobel đầu tiên trong năm nay vừa được công bố.

Ủy ban Nobel tại Stockholm trao Giải Nobel Y học cho các khoa học gia của Ireland, Nhật Bản, và Trung Quốc.

Nhà khoa học William Campbell từ Ireland và khoa học gia Satoshi Omura từ Nhật Bản cùng chia giải thưởng cho khám phá về một "liệu pháp mới" chống lại chứng nhiễm trùng gây ra bởi loài ký sinh trùng giun tròn.

Khoa học gia người Trung Quốc Đồ U U phát minh ra một loại thuốc giúp làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong nơi các bệnh nhân sốt rét, và bà là người thứ ba được nhận Giải Nobel y học năm nay.

Ủy ban Giải thưởng Nobel nhấn mạnh "Hai phát minh vừa kể cung cấp cho nhân loại các phương tiện mới mạnh mẽ chống lại những chứng bệnh làm suy yếu sức khỏe tác động tới hàng trăm triệu người mỗi năm. Các kết quả về cải thiện sức khỏe con người và giảm bớt đau đớn bệnh tật là vô lượng."

Ông Campbell hiện đang là một nghiên cứu sinh danh dự tại Đại học Drew ở Madison, New Jersey, miền đông Hoa Kỳ.

Ông Omura, người có 2 bằng tiến sĩ - một trong lĩnh vực khoa học dược và một về hóa học - là giáo sư danh dự tại Đại học Kitasato của Nhật Bản.

Bà Đồ U U là giáo sư Học viện Y học Cổ truyền Trung Quốc. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Hoa Kỳ hỗ trợ Đài Loan bảo vệ Biển Đông

Ngân sách quốc phòng Mỹ tài khóa 2016 được lưỡng viện Quốc hội Mỹ biểu quyết ngày thứ năm 01/10/2015 cho phép bộ Quốc phòng cung cấp phương tiện và huấn luyện cho 7 nước Đông Nam Á bảo vệ an ninh Biển Đông. Điểm đặc biệt là vào giờ chót Đài Loan được đưa vào danh sách này, theo nguồn tin của The Diplomat.

Theo đề nghị của Thượng Viện và được Hạ viện chấp thuận, Đài Loan sẽ được Hoa Kỳ tài trợ trong khuôn khổ ngân sách "gia tăng an ninh hàng hải và ý thức về hàng hải của các nước ở dọc theo bờ Biển Đông". Danh sách các quốc gia Đông Nam Á được Mỹ "tài trợ và huấn luyện" gồm 7 nước là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Brunei và Singapore.

Theo văn bản của đạo luật ngân sách quốc phòng, Mỹ ủng hộ Đài Loan phù hợp theo đạo luật an ninh chung giữa hai nước còn gọi là "Taiwan Relation Act", theo đó Hoa Kỳ có bổn phận bảo vệ Đài Bắc nếu hải đảo bị Hoa lục tấn công.

Một cách chính xác, đạo luật ngân sách quốc phòng 2016 của Mỹ quy định: Washington phải tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Đài Loan trang bị những phương tiện hiện đại và vượt trội để có thể cân bằng với sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc. Trong số các loại vũ khí cần được tăng cường có tàu xung kích cao tốc, tên lửa địa đối hải, hệ thống tu sửa khẩn cấp phi đạo, mìn tấn công và tầu ngầm để bảo vệ eo biển Đài Loan.

Để tránh gây bất bình vô ích cho Bắc Kinh, Hoa Kỳ không mời Đài Loan tham gia vào cuộc tập trận của các quốc gia Vành đai Thái Bình dương, gọi tắt là RIMPAC mặc dù các nhóm gây áp lực yêu cầu. Ngược lại quân đội Đài Loan sẽ phải được tham dự chương trình huấn luyện song phương với quân đội Mỹ. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

4.
Hội nghị Trung ương 12 bàn về nhân sự --- Việt Nam: Hội nghị T.Ư 12 bàn về "bộ tứ quyền lực"

Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (khóa XI) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khai mạc tại Hà Nội ngày 5/10, với công tác nhân sự cấp cao là chủ đề chính.

Tại hội nghị, kéo dài đến ngày 11/10, lần đầu tiên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ trình Trung ương Báo cáo về công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt.

Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết ban chấp hành trung ương sẽ bàn về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp “đặc biệt” đối với Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI tái cử khóa XII.

Báo cáo của Bộ Chính trị cũng đề ra tiêu chuẩn cho “tứ trụ” (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội).

Các phương án khác nhau về việc lựa chọn lãnh đạo cấp cao tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 sẽ được xem xét.

Ông Trọng nhấn mạnh: “Thống nhất cao về vấn đề này sẽ là cơ sở rất quan trọng để Trung ương bàn và quyết định nhân sự cụ thể ở các Hội nghị Trung ương tiếp theo.”

Người đứng đầu Đảng Cộng sản cho biết Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, thảo luận “kỹ” dự kiến danh sách giới thiệu ứng cử Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII. - BBC

***
Sáng nay 05/10/2015 tại Hà Nội đã khai mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó sự kiện đáng chú ý là lần đầu tiên Bộ Chính trị đưa ra các tiêu chuẩn cho bốn chức danh chủ chốt là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.

Được biết các nội dung được bàn bạc là tình hình kinh tế xã hội năm 2015, kế hoạch phát triển 2016, chuẩn bị nhân sự cho Ban chấp hành Trung ương khóa 12, bầu đại biểu Quốc hội khóa 14 và Hội đồng Nhân dân các cấp cho nhiệm kỳ 5 năm tới.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý cần đánh giá tác động của những diễn biến bất thường trên thế giới hiện nay để đề ra các mục tiêu quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội những năm tiếp theo. Về nhân sự, tất cả các tỉnh thành và các ban ngành trung ương đã hoàn thành việc giới thiệu người vòng 2.

Tại hội nghị này, lần đầu tiên Bộ Chính trị báo cáo về chuẩn bị nhân sự cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt cho khóa tới ; đưa ra các tiêu chuẩn về cơ cấu, số lượng, độ tuổi… nhất là xem xét trường hợp "đặc biệt" đối với các ủy viên Trung ương và ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư tái cử. - RFI
|
|

5.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6.2% trong năm 2015

Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng 6,2% trong năm 2015, theo phúc trình cập nhật Tình hình Kinh tế vùng Đông Á và Thái Bình Dương do Ngân Hàng Thế giới công bố hôm nay.

Trong phúc trình công bố 2 lần mỗi năm được hãng tin Xinhua trích dẫn, Ngân Hàng Thế giới cho biết “Đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ vượt mức 6% trong năm 2015, trong bối cảnh nhu cầu nội địa hồi phục, phản ánh mức tiêu thụ của tư nhân gia tăng và mức tăng đầu tư.”

Vẫn theo phúc trình này, lạm phát sẽ được giữ ở mức thấp tuy giới hữu trách đã nới lỏng chính sách kiểm soát tiền tệ. Ngân Hàng Thế giới dự đoán lạm phát tại Việt Nam sẽ nằm ở mức 1,5% trong năm nay.

Theo Ngân Hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn có thể đối mặt với một số rủi ro từ bên ngoài như đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn èo uột và có nhiều bất định.

Giá gạo và giá các nông sản khác thấp trên toàn cầu cũng có thể tác động tới thu nhập của các gia đình nông dân, và mức tiêu thụ trong nước.

Trong năm 2014, GDP của Việt Nam tăng 5,98%.

Báo Korea Times của Nam Triều Tiên hôm nay tường thuật rằng trong khi các sản phẩm xuất khẩu của Nam Triều Tiên ra nước ngoài đang bị tác động vì tình trạng kinh tế Trung Quốc, Nga và các nền kinh tế lớn mới trỗi dậy khác bị chậm lại, thì các mặt hàng xuất khẩu sang Việt Nam, và Ả Rập Saudi tăng vọt với tỉ lệ hai con số, dựa trên các số liệu của Cơ quan Xúc tiến Thương mại Đầu tư của Nam Triều Tiên (KOTRA).

Lượng hàng xuất khẩu sang Việt Nam đã tăng vọt 30,2% trong 8 tháng đầu năm nay, so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường khác cho hàng xuất khẩu của Nam Triều Tiên, ngoài Việt Nam, còn có Ả Rập Saudi, tăng 22%, tiếp theo đó là Marốc và Cộng hoà Czech. - VOA
|
|

6.
Chủ tịch Sang phong hai đại tướng --- Thủ tướng bổ nhiệm 4 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Chủ tịch nước ông Trương Tấn Sang vừa phong hàm Đại tướng cho hai Thượng tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ngô Xuân Lịch và Đỗ Bá Tỵ vào thời điểm chỉ vài tháng trước Đại hội Đảng.

Ông Sang được trích lời nhấn mạnh đến "những đóng góp to lớn, đặc biệt của cá nhân" của hai vị vừa nhận hàm Đại tướng "trong sự nghiệp xây dựng chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam".

Theo báo chí Việt Nam đưa tin về buổi lễ diễn ra hôm 5/10/2015 tại Phủ Chủ tịch, cùng dự lễ có hai đại tướng nữa.

Đó là Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an.

Tuần trước, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng ký quyết định bổ nhiệm thêm bốn thứ trưởng quốc phòng, đưa tổng số từ sáu lên 10.

Theo quyết định ký hôm 02/10, các ông Lê Chiêm, Võ Trọng Việt, Bế Xuân Trường và Trần Đơn được cử giữ chức thứ trưởng tại Bộ Quốc phòng.

Cả bốn ông đều là trung tướng và Ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thông tấn xã Việt Nam nói hai ông Lê Chiêm và Bế Xuân Trường hiện là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Việt là Tư lệnh Bộ đội biên phòng và ông Đơn là Tư lệnh quân khu 7.

Các quyết định nhân sự quan trọng trong bộ máy của Đảng, Công an và Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay được đưa ra vài tháng trước kỳ Đại hội Đảng 12 dự kiến vào năm 2016.

Giáo sư Carlyle Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Úc trong một bài viết gần đây cho rằng các phương án nhân sự cao nhất vẫn còn chưa giải quyết được bế tắc.

Nếu như vậy, việc lựa chọn lãnh đạo mới ở các chức vụ tối cao có thể cần một phiên họp trung ương tiếp theo cho tháng 11 nếu không đạt được đồng thuận. - BBC

***
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký các quyết định bổ nhiệm 4 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, gồm các Trung tướng là Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Chiêm, Võ Trọng Việt, Bế Xuân Trường và Trần Đơn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ngày 2-10 đã ký các quyết định bổ nhiệm 4 Trung tướng, đều là Ủy viên Trung ương Đảng, làm Thứ trưởng mới của Bộ Quốc phòng.

Cụ thể, tại Quyết định 1698/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trung tướng Lê Chiêm sinh tháng 1-1958; quê huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; trước khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng tham mưu trưởng, từng là Tư lệnh Quân khu 5.

Tại Quyết định 1699/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm Trung tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội biên phòng, giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trung tướng Võ Trọng Việt sinh tháng 9-1957; quê huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Tại Quyết định 1700/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm Trung tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trung tướng Bế Xuân Trường sinh tháng 12-1957; quê quán huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng; trước khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng tham mưu trưởng, từng là Tư lệnh Quân khu I.

Tại Quyết định 1701/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm Trung tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh quân khu 7, giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trung tướng Trần Đơn sinh tháng 6-1958; quê quán huyện Tân Châu, tỉnh Long An.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng hiện nay, ngoài Bộ trưởng, Đại tướng Phùng Quang Thanh và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, có các Thứ trưởng: Tổng tham mưu trưởng, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ; Thượng tướng Trương Quang Khánh; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh; Thượng tướng Lê Hữu Đức; Thượng tướng Nguyễn Văn Hiến; Thượng tướng Nguyễn Thành Cung; Trung tướng Lê Chiêm; Trung tướng Võ Trọng Việt; Trung tướng Bế Xuân Trường và Trung tướng Trần Đơn. - nld

No comments:

Post a Comment