Sunday, October 11, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 11/10

Tin Thế Giới

1.
HRW: Bom chùm do Nga chế tạo được sử dụng ở Syria --- Israel không kíck dải Gaza

Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch hôm Chủ nhật cho hay một loại bom chùm do Nga chế tạo được sử dụng tại miền bắc Syria lần đầu tiên.

Tổ chức có trụ sở ở New York này nói rằng diễn biến mới này "làm tăng những lo ngại lớn" rằng hoặc là Nga dùng bom chùm trong chiến dịch không kích mà họ thực hiện gần hai tuần qua ở Syria, hoặc là Nga cung cấp bom chùm cho quân đội Syria.

Phó Giám đốc bộ phận Trung Ðông của Human Rights Watch, ông Nadim Houry nói: "Điều đáng lo sợ là một lần nữa một loại bom chùm khác được sử dụng tại Syria sẽ gây thương vong lớn cho thường dân trong thời gian tới. Nga và Syria không được sử dụng bom chùm và cả hai phải tham gia lệnh cấm của quốc tế ngay tức khắc."

Báo cáo của Human Rights Watch dựa vào những hình ảnh ghi nhận được tại làng Kaf Halab, cách thành phố Aleppo khoảng 15 kilômét về hướng tây nam. Các hình ảnh cho thấy mảnh của loại bom này và các vụ nổ trên không của bom chùm.

Bộ Quốc phòng Nga hôm Chủ nhật nói rằng chiến đấu cơ của Nga tiếp tục oanh kích miền tây bắc Syria, nhắm vào 63 mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo trong ngày qua tại các tỉnh Hama Latakia, Idlib và Raqqa.

Nga nói quân đội của họ gia tăng các cuộc không kích chống nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo ở Syria, để yểm trợ cho các binh sĩ của chính phủ Syria đang bao vây hai ngôi làng ở phía bắc Hama từ hôm thứ Sáu.

Nói với truyền thông báo chí Nga hôm thứ Bảy, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov liên kết số cuộc oanh kích gia tăng với "sự tăng mạnh con số mục tiêu trên bộ" mà máy bay và vệ tinh trinh sát phát hiện.

Tại Washington, các giới chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng đã họp bằng truyền hình với các giới chức quốc phòng Nga trong nỗ lực tăng cường các biện pháp an toàn cho máy bay hoạt động trên không phận có mật độ hoạt động đang tăng mạnh của Syria. người phát ngôn Peter Cook của Ngũ giác đài nói cuộc họp mang tính "kỹ thuật" và chỉ tập trung vào các biện pháp an toàn trên không.

Bộ Quốc phòng Nga cũng dùng những ngôn từ tương tự nói về cuộc họp.

Các giới chức Mỹ chỉ trích Nga sau khi Moscow cảnh báo không rõ ràng hôm 30 tháng 9 chỉ khoảng một giờ đồng hồ trước khi chiến đấu cơ của Nga mở đợt oanh kích đầu tiên ở Syria để hỗ trợ cho Tổng thống Bashar al-Assad.

Moscow nói chiến dịch oanh kích của Nga chủ yếu nhắm vào các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo, nhưng các nhóm nổi dậy nói rằng đa số các cuộc không kích của Nga đánh vào những nơi không có sự hiện diện của Nhà nước Hồi giáo. - VOA

***
Một cuộc không kích của Israel vào sáng Chủ nhật ở Dải Gaza làm thiệt mạng một phụ nữ Palestine đang mang thai và đứa con gái của bà.

Quân đội Israel nói rằng cuộc oanh kích là để đáp trả các vụ tấn công bằng rốc-két phóng đi từ Gaza và nhắm vào hai cơ sở làm vũ khí của phe Hamas.

Tin tức hôm thứ Bảy nói rằng một rốc-két bị hệ thống phòng thủ vòm sắt của Israel đánh chặn ở Hof Ashkelon, ngay phía bắc của Gaza.

Các nhân viên cứu thương ở Gaza cho biết người phụ nữ và con gái của bà đã thiệt mạng khi tòa nhà bị oanh kích sụp xuống. Nhiều người khác bị thương.

Cũng trong ngày Chủ nhật, quân đội Israel nói rằng một phụ nữ Palestine đã kích nổ một quả bom gài trong xe tại một chốt kiểm soát ở Khu Bờ Tây, làm bị thương một cảnh sát viên.

Bạo động diễn ra sau khi xảy ra thêm những vụ đâm bằng dao tại khu vực Phố Cổ ở Đông Jerusalem hôm thứ Bảy.

Trong vụ thứ nhất, một thiếu niên 16 tuổi đâm 2 người Israel trước khi bị cảnh sát bắn chết.

Sau đó một người Palestine 19 tuổi đâm 2 cảnh sát viên Israel trước khi bị bắn chết.

Làn sóng tấn công ở Đông Jerusalem xảy ra chung quanh địa điểm Đền thờ al-Aqsa của người Hồi giáo mà người Do Thái gọi là Núi Đền. - VOA
|
|

2.
Quân đội Iraq oanh kích trúng đoàn xe của thủ lĩnh IS

Quân đội Iraq cho biết đã oanh kích trúng đoàn xe của thủ lãnh Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi ở tỉnh Anbar thuộc miền tây gần biên giới Syria.

"Không quân Iraq oanh kích trúng đoàn xe của tên tội phạm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi," theo một thông cáo của các lực lượng an ninh Iraq.

Baghdadi đang trên đường đến Karabla để họp với các chỉ huy trưởng của Nhà nước Hồi giáo, thông cáo nói tiếp.

Một số thủ lãnh khác của nhóm cực đoan này theo tin nói cũng bị hạ sát hoặc bị thương.

Số phận của thủ lãnh Baghdadi hiện không rõ. Ông Baghdadi tự xưng là người đứng đầu Nhà nước Hồi giáo trong khu vực và nhóm Sunni theo chủ trương cực kỳ cứng rắn của ông kiểm soát Iraq và Syria.

Các tin trước đây ở Iraq nói rằng ông Baghdadi bị thương hoặc bị hạ sát không được kiểm chứng hoặc sau đó bị phủ nhận. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Hàng nghìn người Đức phản đối đàm phán thương mại Âu-Mỹ

Hàng trăm nghìn người hôm 10/10 đã tuần hành ở thủ đô của Đức để chống lại thỏa thuận thương mại tự do quy mô lớn mà Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ đang thương thảo.

Cảnh sát Berlin nói có khoảng 100 nghìn người tham gia cuộc tuần hành, trong khi những người tổ chức nói rằng có khoảng 250 nghìn người đổ ra đường phản đối Hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương, còn gọi tắt là TTIP.

Chính phủ Đức thời gian qua đã thúc đẩy việc thông qua hiệp định này vì cho rằng nó sẽ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo cơ hội tốt hơn cho các công ty quy mô nhỏ và vừa cạnh tranh trên thị trường thế giới, trong khi giảm bớt sự quan liêu.

Nhưng những người phản đối hiệp định này lại cho rằng tiến trình đàm phán không diễn ra minh bạch, và thiếu sự giám sát của công chúng.

Họ cũng lo ngại rằng thỏa thuận sẽ trao cho các tập đoàn đa quốc gia quá nhiều quyền lực mà không đoái hoài gì tới các công nhân và người tiêu dùng.

Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ đã đàm phán về TTIP từ năm 2013.

Những người hậu thuẫn hiệp định này hy vọng các cuộc đàm phán sẽ được đẩy nhanh sau khi Hoa Kỳ và 11 nước nằm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã đạt được thỏa thuận liên quan tới Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương. - VOA
|
|

4.
Kỷ niệm ngày Columbus tiếp tục gây tranh cãi ở Mỹ

Tại Hoa Kỳ, ngày 12 tháng 10 được đánh dấu là ngày nhà thám hiểm Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ. Thành quả này được vinh danh vào ngày thứ Hai của tuần lễ thứ hai của tháng 10, như là một niềm tự hào, nhất là đối với cộng đồng người Mỹ gốc Ý, vì Ông Columbus là người Ý. Nhưng với những người khác ngày lễ này gây nhiều tranh cãi.

Ông John Viola, chủ tịch tổ chức quốc gia người Mỹ gốc Ý, nói rằng ý nghĩa của ngày lễ này khác nhau.

"Đó là một dịp, một ngày lễ mà chúng tôi có thể vinh danh những gì chúng tôi đóng góp cho đất nước này, để vinh danh lịch sử của tổ tiên chúng tôi," ông Viola nói. "Tôi nghĩ với cả nước Mỹ, Ngày Columbus là dịp để vinh danh nước Mỹ là quốc gia của di dân."

Với một số người, ông Columbus là một nhà thám hiểm vĩ đại, nhưng nhiều người khác thì cảm thấy bị tổn thương bởi di sản của ông.

Ông Joe Genetin-Pilawa, Giáo sư môn lịch sử tại Đại học George Mason nói rằng nhà thám hiểm này đã bắt nhiều người bản địa làm nô lệ.

"Trong khoảng 10 năm của lần đổ bộ thứ nhất – từ năm năm 1492 đến năm 1502 -- chúng tôi ước tính dân số của bộ tộc bản địa Taino ở Bahamas từ một triệu người giảm xuống chỉ còn 500 người," Giáo sư Genetin-Pilawa nói.

Ông Robert Holden, phó giám đốc của Hiệp hội quốc gia của người Mỹ Bản địa, nói rằng lịch sử của ông Columbus đã bị biến dạng.

"Luôn luôn có sự nghi ngờ trong các cộng đồng bộ tộc người bản địa, và cách chúng ta nhìn vào những gì được viết bởi những người không phải là người bản địa cho độc giả không phải là người bản địa," ông Holden nói.

Ông David Silverman, Giáo sư lịch sử của Đại học George Washington, nói rằng toàn bộ câu chuyện phải được kể lại.

"Tôi nghĩ chúng ta không nhất thiết tập trung vào chỉ một khía cạnh quá khứ của ông Columbus và lại không chú ý đến những khía cạnh khác. Phải mang cả hai bên đặt lại với nhau để đưa Columbus trở lại với hình không gian ba chiều," Giáo sư Silverman nói.

Một số người ở Hoa Kỳ chọn cách đánh dấu ngày này là Ngày của Người Bản địa thay vì Ngày Columbus.

Ông Genetin-Pilawa nói tên của ngày lễ này nên được chính thức thay đổi.

"Chắc chắn là tôi nghĩ rằng chúng ta phải nêu lên câu hỏi về việc dùy trì ngày lễ liên bang tưởng nhớ ông Christopher Columbus," Ông Genetin-Pilawa nói. "Và ngày nào được chọn làm Ngày của Người Bản địa. Tôi ủng hộ việc lập ra ngày lễ đó." 

Nhưng ông Viola không tán đồng với ý kiến đó. Ông nói người Mỹ Bản địa nên chọn một ngày khác để vinh danh văn hóa của họ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Thiếu niên 17 tuổi bị đánh chết khi bị tam giam

Dư luận tại Việt Nam lại quan ngại và bất bình về vụ việc cháu Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, vào ngày hôm qua 10 tháng 10 được chính thức thông báo qua đời tại bệnh viện Bạch Mai do phù nề não bởi bị đánh trong thời gian 2 tháng bị công an giam giữ.

Phản đối việc công an đánh chết dân

Ngay sau khi có tin chính thức nạn nhân Đỗ Đăng Dư đã tử vong, một số nhà hoạt động tại Hà Nội, cùng thân nhân của người chết, vào tối ngày 10 tháng 10 tiến hành một cuộc phản đối trước Bệnh viện Bạch Mai. Họ mang các biểu ngữ như ‘Đả đảo công an giết cháu Đổ Đăng Dư’, ‘Bệnh viện Bạch Mai đồng lõa với tội ác’…

Vào lúc 10 giờ 15 sáng ngày 11 tháng 10, chị Thảo Teresa cho biết lại việc phản đối và đòi hỏi phải làm sáng tỏ về cái chết của cháu Đỗ Đăng Dư. Đây được cho là cách để bảo vệ cho nhiều người dân tại Việt Nam hiện nay:

“Lý do mà tôi cũng như những anh em tham gia thứ nhất là (đòi hỏi) cho em Dư, thứ hai để phản đối việc nhà cầm quyền đánh đến chết công dân mà trở thành một tình trạng chung trong rất nhiều năm nay do nhà cầm quyền này làm rồi. Dân vào đồn công an bị đánh chết rồi họ đưa ra nhiều lý do để bao biện cho việc làm đó, nên đó là lý do mà tôi quyết định đến đó để đồng hành cùng gia đình em.”

Cái chết bất minh?

Một người chú của nạn nhân Đỗ Đăng Dư vào sáng 11 tháng 10 cho biết gia đình đang làm việc với phía cơ quan chức năng và thi thể người chết vẫn còn trong nhà xác Bệnh viện Bạch Mai:

“Đang làm việc, còn bận làm việc, chưa (đưa xác về)”

Những người quan tâm vụ việc thuật lại lời của bà Đỗ thị Mai, mẹ của cháu Đổ Đăng Dư, thì con bà bị bắt quả tang lấy cắp 2 triệu đồng của một gia đình hàng xóm hồi ngày 5 tháng 8. Số tiền đã được trả lại nhưng người lấy cắp vẫn bị đánh và bị đưa đến công an xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ làm việc. Sau đó Đỗ Đăng Dư bị giam tại trại Xa La, Hà Đông. Suốt thời gian bị giam giữ gia đình không được gặp mặt mà chỉ gửi vào được một số mì gói. Gia đình cũng không nhận được lệnh tạm giữ, tạm giam nào.

Đến ngày 4 tháng 10, gia đình mới được một người xưng danh là công an gọi điện báo đến Bệnh viện Bạch Mai để thăm cháu Đỗ Đăng Dư. Cháu nằm tại khoa hồi sức nhưng hôn mê không biết gì.

Bà Đỗ thị Mai cho biết người con trước khi bị bắt làm nghề phụ vữa và sức khỏe bình thường.

Luật sư Nguyễn Hà Luân vào 12:15’ trưa ngày 11 tháng 10 cho biết một số hoạt động đang được tiến hành liên quan vụ việc của cháu Đỗ Đăng Dư như sau:

“Sáng hôm nay tôi có đến cơ quan điều tra Thành phố Hà Nội cùng luật sư Trần Thu Nam. Hiện nay anh Nam đang đi cùng đoàn đến bệnh viện để thực hiện công việc rồi. Tôi hiện tại không có mặt trong đoàn đó."

Giải thích của truyền thông Nhà nước và chính quyền

Báo An Ninh Thủ trong số ra ngày 11 tháng 10 nói rằng Đỗ Đăng Dư bị một người cùng buồng giam ở Trại giam Số 3 hành hung. Người đó tên Vũ Văn Bình, và giám đốc công an thành phố Hà Nội đề nghị khẩn trương tổ chức điều tra, kết luận về vụ việc.

Bài báo cũng nói rằng sau 2 ngày bắt giam cảnh sát điều tra, công an huyện Chương Mỹ đã có lệnh tạm giam 2 tháng đối với Đổ Đăng Dư. Lệnh này được viện Kiểm sát Nhân dân huyện Chương Mỹ phê chuẩn. Ngày 5 tháng 10 vừa qua Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Chương Mỹ có lệnh gia hạn tạm giam để phục vụ công tác tố tụng.

Phản ứng về giải thích của công an

Một số cư dân mạng cho rằng các biện pháp của cơ quan chức năng là nhằm che giấu thủ phạm trực tiếp gây ra cái chết cho cháu Đỗ Đăng Dư và phạm nhân Vũ Văn Bình là ‘vật tế thần’.

Chị Thảo Teresa cho biết ý kiến đối với bài viết liên quan vụ việc nạn nhân Đỗ Đăng Dư bị đánh đến chết trong trại tạm giam trên báo An Ninh Thủ Đô:

“Tôi vừa viết một status trên facebook của tôi. Đó là một sự nực cười và bẩn thỉu. Bẩn thỉu vì họ đưa ra lý do người cùng buồng giam đánh em Dư vì rửa bát không sạch. Đây là câu nói cực kỳ trơ trẽn và khốn nạn, vì câu nói đó may ra chỉ có đứa trẻ con 3 tuổi mới tin, còn những người có trí khôn bình thường thì không bao giờ tin vào chuyện đó. Tôi cho nếu họ có ý tốt nói người cùng buồng giam đánh em này thì chính người quản giáo, giám thị trại giam đó và đặc biệt ông Trần Đại Quang (bộ trưởng công an) phải là người chịu trách nhiệm lớn nhất trong vấn đề này. Bởi vì đó là quân của ông ta, làm láo thì ông ta phải chịu thôi. Tất cả những lý do họ đưa ra để nói lấy được, chứ không có chuyện mà người cùng buồng giam đánh một người khác đến chết vì rửa bát không sạch.

Hôm qua khi chúng tôi đến thì tạo một sức ép rất lớn đối với nhà cầm quyền và họ đã cho an ninh vây quanh.

Đối với thông tin mà báo An Ninh Thủ đô đưa ra là đã có lệnh tạm giam, gia hạn tạm giam của cảnh sát điều tra, công an huyện và viện kiểm sát nhân dân huyện Chương Mỹ, thì chị Thảo Teresa lập luận rằng cơ quan chức năng có con dấu trong tay nên lúc này họ có thể tạo ra bất kỳ giấy tờ gì mà họ muốn.

Đối với gia đình nạn nhân là người dân thường không biết rõ pháp luật và nỗi sợ công an, chính quyền là những điểm để giải thích lý do suốt thời gian người con bị tạm giam 2 tháng mà không lên tiếng đòi hỏi quyền lợi chính đáng theo yêu cầu của pháp luật.

Chị Thảo Teresa này cũng cho rằng cái chết mới nhất của một nạn nhân khi đang bị giam giữ như trường hợp em Đỗ Đăng Dư là một bài học cho người dân Việt Nam. Chị nói:

“Tôi nghĩ sau lần này, chính cơ quan điều tra và chính các nhà báo ‘lề đảng’, tối hôm qua một số cũng đến muốn đưa tin nhưng phải còn chờ chỉ thị; họ nói thẳng phải chờ chỉ thị của sếp. Gia đình em Dư kiến thức (về luật) không có, mình phải thông cảm vì họ sống dưới chế độ công an trị nên rất sợ; không thể tưởng tượng nổi: 2 tháng tạm giam một con người, một vị thành niên mà không có bất kể một giấy tạm giam nào. Bình thường 3 ngày phải có một lệnh tạm giam, 3 lệnh 9 ngày. Không có giấy mà lại đánh em chết.”

Đây chính là một cảnh tỉnh, và chính người dân Việt Nam phải nhận ra vấn đề đó vì hôm nay là em Dư và có thể ngày mai là tôi và người dân nào đó sống trên đất nước này.”

Trước đây nhiều người từng biết đến những vụ việc chết bất minh trong khi bị tạm giam như anh Nguyễn Công Nhựt ở Bình Dương, ông Trịnh Xuân Tùng ở Hà Nội… Gia đình cũng kiên quyết đòi công lý cho người bị nạn; thế nhưng họ cũng mỏi mòn với cách giải quyết của các cơ quan chức năng.

Vào tháng 3 vừa qua, ủy ban thường vụ quốc hội Việt Nam họp và nghe trung tướng Trần Trọng Lượng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm báo cáo là trong mấy năm từ tháng 10 năm 2011 đến tháng 9 năm 2014, có 226 người chết tại nhà giam giữ, trại tạm giam trên cả nước.

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, trụ sở tại New York vào tháng 9 năm ngoái ra phúc trình về nạn công dân chết trong đồn công an rất đáng ngại tại Việt Nam. Tổ chức này kêu gọi chính quyền Việt Nam phải có biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm quyền con người như thế. - RFA
|
|

6.
Bắc Kinh chiêu dụ học giả ngoại quốc để bảo vệ lập trường về Biển Đông

Báo mạng Anh ngữ tại Đài Loan Want China Times hôm nay, 11/10/2015, tiết lộ: Trung Quốc đang tung tiền ra để mời học giả từ các nơi khác, kể cả từ Đài Loan, nghiên cứu vấn đề tranh chấp Biển Đông, theo hướng bảo vệ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Theo tờ báo Đài Loan, chính quyền Trung Quốc đã bơm tiền vào Đại học Nam Kinh để thúc đẩy nghiên cứu về các vấn đề Biển Đông. Với ngân quỹ này, Đại học Nam Kinh đã thành lập một trung tâm nghiên cứu gọi là hợp tác để đổi mới công việc nghiên cứu Biển Đông (tên tiếng Hoa là Trung Quốc Nam Hải Nghiên cứu Hiệp đồng Sáng tân Trung tâm - tiếng Anh gọi là Collaborative Innovation Center for South China Sea Studies).

Ông Chu Phong (Zhu Feng), từng là giáo sư nghiên cứu về quốc tế tại Đại học Bắc Kinh được chọn làm Giám đốc Trung tâm, còn ông Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), đứng đầu Viện Nghiên cứu Nam Hải ở Hải Nam, được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc.

Cho đến nay, Bắc Kinh đã mời học giả ngoại quốc đến nghiên cứu về vụ Philippines kiện các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông trước Tòa án Trọng tài quốc tế và Tòa án Quốc tế về Luật Biển vào năm 2013. Gần đây hơn, các học giả nước ngoài cũng được "huy động" vào việc "xem xét" vấn đề tàu Hải quân Mỹ tiến vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc vừa bồi đắp tại Trường Sa.

Việc chiêu dụ các học giả ngoại quốc phải chăng bắt đầu có kết quả? Trong một bài "Ý kiến" đăng trên nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 21/09/2015, một chuyên gia Biển Đông người Mỹ, Tiến sĩ Mark Valencia, đã không ngần ngại phê phán lời kêu gọi của giới lập pháp Mỹ muốn Hải quân Hoa Kỳ tiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo của Trung Quốc. Đối với nhà nghiên cứu này, vốn hợp tác chặt chẽ với các trung tâm Trung Quốc, thì việc làm đó "thiếu không ngoan, thậm chí nguy hiểm" và Bắc Kinh có phần có lý trong việc quy định các hạn chế quanh các đảo này.

Theo tờ Want China Times, Trung tâm nghiên cứu tại Đại học Nam Kinh đã thành lập mười chương trình nghiên cứu nhỏ với hy vọng sẽ chiêu dụ được học giả nước ngoài để học hỏi được từ các phân tích của họ. Một trong những chương trình đề xuất hợp tác với Đài Loan, bất chấp việc Đài Bắc cũng có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông.

Việc hợp tác với học giả Đài Loan sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng kết luận của họ để củng cố lập luận của Bắc Kinh vì lẽ hai bên đều đòi chủ quyền rộng khắp, trên hầu như toàn bộ Biển Đông. - RFI

No comments:

Post a Comment