Monday, October 26, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 26/10

Tin Thế Giới

1.
Đảng đối lập Ba Lan giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội --- Jimmy Morales, từ một danh hài trở thành tổng thống Guatemala

Đảng đối lập theo đường lối bảo thủ và không thân thiện với các chính sách của EU có tên gọi Pháp luật và Công lý đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Ba Lan hôm 25/10 sau nhiều tháng tranh cử với cam kết chi tiêu nhiều hơn cho phúc lợi xã hội, phản đối đồng euro và chống đối việc tái định cư người Hồi giáo trên lãnh thổ Ba Lan. Thông tín viên Richard Green của đài VOA tường thuật từ Washington.

Kết quả thăm dò ý kiến cử tri rời phòng phiếu cho thấy đảng giành chiến thắng, do cựu Thủ tướng Jarroslaw Kaczynski lãnh đạo, chiếm hơn 39% số phiếu trong khi đảng cầm quyền, thân EU và ủng hộ doanh nghiệp có tên Đảng Cương lĩnh Công dân đứng thứ hai với khoảng cách khá xa là 23%. Ông Kaczynksi tuyên bố:

“Chúng tôi muốn mở rộng vòng tay đối với những ai muốn thấy những thay đổi tốt đẹp hơn, những ai muốn thay đổi Ba Lan. Chúng ta cần nhiều người để làm điều đó”.

Ít lâu sau khi kết quả bầu cử được công bố, Thủ tướng Ewa Kopacz thuộc đảng Cương lĩnh Công dân đã lên tiếng thừa nhận thất bại.

“Ngày nay, Ba Lan rõ ràng đã là một quốc gia hấp dẫn hơn so với 8 năm trước. Ngày nay Ba Lan đã phát triển kinh tế, và tỉ lệ thất nghiệp ở mức một con số. Đó là tình trạng đất nước mà chúng tôi đã để lại cho những người thắng cử ngày hôm nay”.

Các nhà phân tích nói rằng cuộc bầu cử có thể là dấu hiệu cho thấy Ba Lan sẽ cùng với Hungary và Slovakia phản đối việc tái định cử các di dân, chủ yếu là người Syria. Các di dân từ nước này đã đổ tới châu Âu trong những tháng vừa qua để trốn chạy cuộc chiến tại quê hương mình.

Đảng Pháp luật và Công lý cho rằng các di dân Hồi giáo có thể đe dọa tới cách sống của các tín đồ Thiên chúa giáo La Mã.

Ông Kaczynski hồi đầu tháng này cảnh báo rằng các di dân có thể mang theo bệnh tật và ký sinh trùng tới Ba Lan.

Đảng Pháp luật và Công lý nắm quyền từ năm 2005 cho tới năm 2007. Khi ấy, ông Kaczynsky lãnh đạo đất nước cùng với người anh em sinh đôi của ông là cựu tổng thống Lech Kaczynski. Ông Lech Kaczynski sau đó đã thiệt mạng trong một tai nạn máy bay ở miền tây nước Nga năm 2010. - VOA

***
Vì quá chán ngán cảnh đất nước bị tham nhũng làm lũng đoạn, 69% cử tri Guatemala ngày 25/10/2015 bỏ phiếu bầu danh hài Jimmy Morales vào chức vụ tổng thống. Hơn 53% dân số Guatemala sống dưới ngưỡng nghèo khó.

Theo thông tín viên đài RFI trong khu vực Trung Mỹ, Patrick John Buffe sau khi dễ dàng đắc cử, nhiệm kỳ sắp tới của ông Jimmy Morales sẽ đầy rẫy chông gai.

"Từ màn ảnh nhỏ để đến với chiếc ghế tổng thống, Jimmy Morales đã có một bước đại nhảy vọt trên con đường tiến thân. Một số các thành phần chống đối không ngần ngại coi đó là một bước nhảy xuống vực sâu. Thật vậy xuất thân là một nghệ sĩ sân khấu, là một nhà sản xuất các chương trình truyền hình, là một danh hài, ông Morales năm nay 46 tuổi chẳng có một chút kinh nghiệm nào trong các hoạt động chính trị. Ông cũng chưa từng tham gia chính trường. 

Nhưng có lẽ chính vì thế mà ông đã được cử tri ồ ạt dồn phiếu để bầu vào chức vụ tổng thống. Cử tri Guatemala đã quá chán ngán trước nạn tham nhũng tràn lan. Dù là không có kinh nghiệm trong địa hạt chính trị, nhưng Jimmy Morales cho rằng, chỉ cần có "thượng đế và nhân dân ở bên mình", ông sẽ hoàn thành nhiệm vụ. 

Chắc chắn con đường mở ra trước mặt tổng thống Guatemala tân cử đang đầy rẫy chông gai. Ông lên cầm quyền trong lúc công quỹ nhà nước trống rỗng. Jimmy Morales sẽ bắt buộc phải đối thoại với tất cả các ngành nghề trong bộ máy kinh tế. Thêm vào đó đảng Mặt trận quốc gia của ông giành được 11 trên tổng số 158 ghế tại Quốc hội, tổng thống tân cử sẽ phải liên kết với các đảng phải chính trị truyền thống khác. Sau cùng, cử tri Guatemala chắc chắn là sẽ theo dõi chặt chẽ các quyết định trong nhiệm kỳ tổng thống sắp mở ra của ông Morales sau khi đã ồ ạt bỏ phiếu cho ông. Trong trường hợp nổ ra các vụ tai tiếng tham nhũng, dân chúng sẽ sẵn sàng xuống đường và sẽ không dung thứ nếu như chính quyền thiếu minh bạch". - RFI
|
|

2.
Nga 'xoay trục Châu Á' với việc tăng cường sức mạnh quân sự ở Kuril

Nga đang định xây một căn cứ quân sự trên quần đảo Kuril mà họ chiếm của Nhật vào lúc Thế chiến Thứ hai chấm dứt. Các nhà phân tích cho rằng kế hoạch này là một phần của chiến lược 'xoay trục' sang Châu Á của Moscow. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA tường thuật từ Seoul.

Ông Grant Newsham, một chuyên gia an ninh của Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược ở Tokyo, cho rằng chiến lược “xoay trục Châu Á” của Moscow có mục đích gia tăng và bảo vệ công cuộc mậu dịch với các nền kinh tế năng động ở Châu Á Thái Bình Dương.

"Nếu Nga thật sự muốn nắm giữ vai trò của một cường quốc quân sự ở Đông Bắc Á, sự hiện diện quân sự trên quần đảo Kuril rất hữu ích."

Hoa Kỳ đã dùng từ cụm từ 'xoay trục Châu Á' để mô tả những nỗ lực của Tổng thống Barack Obama nhằm gia tăng tầm quan trọng về mặt chiến lược của khu vực này để đối trọng với sự hiện diện quân sự và sức mạnh kinh tế mỗi ngày một lớn của Trung Quốc.

Loan báo của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoygu về việc xây dựng một căn cứ trên quần đảo Kuril cùng với 4 căn cứ ở Bắc Băng Dương là một phần của kế hoạch của Tổng thống Vladimir Putin để tăng cường sự hiện diện quân sự của nước ông trong khu vực này.

Tin tức cho biết trong thập niên qua Nga đã chi tiêu hơn 600 tỉ đô la cho mục tiêu hiện đại hoá quân đội, trong đó có việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân, chiến đấu cơ phản lực và máy bay trực thăng.

Hạm đội Thái Bình Dương của Nga hiện nay có 73 chiếc tàu, gồm 23 tàu ngầm và 50 chiến hạm.

Moscow cũng thiết lập những mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh. Quân đội hai nước hồi gần đây đã tiến hành một cuộc thao dượt hải quân mà hãng thông tấn TASS của Nga mô tả là cuộc diễn tập hỗn hợp lớn nhất “trong lịch sử hiện đại của sự hợp tác” giữa Nga và Trung Quốc.

Ông Newsham cho rằng mặc dù việc xây căn cứ trên quần đảo Kuril gần các tuyến hàng hải giữa Nga và Thái Bình Dương là có giá trị về mặt chiến lược, nhưng những yếu tố khác -- như tinh thần dân tộc và phát huy ảnh hưởng chính trị, cũng có một vai trò trong kế hoạch này.

Ngoài ra, những ngư trường phong phú cùng với tiềm năng dầu lửa và khí đốt dưới đáy biển cũng làm tăng giá trị của quần đảo này.

Việc Nga xây căn cứ quân sự trên quần đảo Kuril có phần chắc sẽ gây phương hại thêm nữa cho mối quan hệ với Nhật Bản, là nước có yêu sách chủ quyền đối với những hòn đảo phía nam trong quần đảo Kuril mà họ gọi là Lãnh thổ Phương bắc.

Liên Xô đã chiếm quần đảo này vào năm 1945, không lâu trước khi Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến Thứ hai, và trục xuất 17.000 người Nhật sinh sống trên những hòn đảo đó. Hai nước cho đến nay vẫn chưa thể ký kết một hòa ước vì vụ tranh chấp về quyền sở hữu của những hòn đảo này. 

Tháng 8 vừa qua, Nhật Bản đã phản đối khi Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đến thăm hai hòn đảo Kunashir và Iturup có tranh chấp và là nơi mà tin tức cho biết Nga đang xây hai tiền đồn quân sự. Hai đảo này nằm gần Hokkaido, hòn đảo cực bắc của Nhật Bản.

Các giới chức Nhật Bản đã có phản ứng dè dặt đối với loan báo hồi tuần trước của bộ trưởng quốc phòng Nga.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật, ông Yoshihide Suga, phát biểu.

"Chúng tôi chưa biết rõ bối cảnh của phát biểu này, nhưng nếu kế hoạch này là có thật, chính phủ Nhật Bản sẽ cực lực phản đối bởi vì chúng tôi giữ nguyên lập trường là những hòn đảo này là phần đất mà Nhật Bản có chủ quyền."

Một số người hy vọng điện Kremlin và chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ tìm được một giải pháp ngoại giao cho vấn đề gây tranh cãi này. Cả hai đều có lợi khi hoạt động mậu dịch gia tăng. Và Nhật Bản có thể là một thị trường béo bở cho nguồn cung ứng dầu lửa và khí đốt rất phong phú của Nga.

Tuy nhiên, Nhật Bản bác bỏ đề nghị của Nga là chỉ trả lại hai hòn đảo nhỏ nhất trong quần đảo Kuril.

Ông Newsham cho biết việc ông Abe đi thăm Ukraine trước đây trong năm nay và sự ủng hộ của Tokyo đối với những biện pháp chế tài do Mỹ dẫn đầu nhắm vào Moscow vì sự can dự của Nga ở Ukraine đã làm cho lập trường của ông Putin trở nên cứng rắn hơn.

"Nhật Bản quả thật không thể làm gì nhiều và tôi nghĩ rằng đó là điều từ trước tới nay vẫn vậy. Nga rõ ràng là chiếm ưu thế."

Hồi đầu tháng này ông Putin đã đình hoãn vô hạn định một chuyến viếng thăm Nhật Bản vì vụ tranh chấp quần đảo Kuril. - VOA
|
|

3.
Động đất mạnh làm rung chuyển Afghanistan, Pakistan

Một trận động đất mạnh làm rung chuyển miền Bắc Afghanistan, làm hơn 100 người dân ở nước này, cũng như nước láng giềng Pakistan thiệt mạng.

Tâm động đất nằm ở khu vực cách Feyzabad 82km về hướng Đông Nam trong một vùng hẻo lánh của dãy núi Hindu Kush.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết trận động đất hôm nay có cường độ 7,5 độ Richter. 

Trưởng quan hành chánh Afghanistan, Abdullah Abdullah, cho hay số người chết và bị thương có thể sẽ còn tăng cao đáng kể.

Trên truyền thông xã hội, văn phòng của ông Abdullah cho biết ‘có báo cáo về thiệt hại nhân mạng lớn do động đất nhưng con số chính xác chưa được các cơ quan hữu trách công bố.’

Người đứng đầu quân đội Pakistan, Tướng Raheel Sharif, đã chỉ huy cho các tư lệnh huy động lực lượng và trực thăng phân phối thiết bị cứu hộ tới khu vực ngay lập tức.

Giới chức y tế cấp tỉnh xác nhận có 6 người tử vong và gần 70 người bị thương trong tỉnh Nangarhar của Afghanistan.

Tỉnh Kunduz ghi nhận có 12 học sinh thiệt mạng ở Takhar và thêm hàng chục người khác bị thương.

Giới hữu trách tỉnh Khyber Pakhtunkhaw ở Tây Bắc Pakistan, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất hôm nay, xác nhận ít nhất có 71 người chết và hơn 600 người bị thương.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ghi nhận có hai cơn địa chấn nhẹ hơn, khoảng 4,7 và 4,8 độ Richter, xảy ra cùng khu vực trong vòng 90 phút sau cơn động đất mạnh ở Afghanistan.

Tin nói các cao ốc ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) bị lắc lư khiến các nhân viên văn phòng tháo chạy ra đường.

Cơn động đất này xảy ra gần đúng nửa năm sau trận động đất tàn phá Nepal giết chết hàng ngàn người và phá hủy hàng trăm hàng ngàn nhà cửa. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Donald Trump: Thế giới sẽ tốt hơn nếu Hussein, Gadhafi còn nắm quyền

Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, nói rằng thế giới sẽ tốt hơn nếu hai nhà độc tài Saddam Hussein của Iraq và Moammar Gadhafi của Libya vẫn còn nắm quyền.

Gọi Iraq là "trường Harvard của khủng bố," ông Trump phát biểu trên chương trình "State of the Union" của đài CNN hôm Chủ nhật rằng nước này đã biến thành một "thao trường cho bọn khủng bố."

"Người ta đang bị chặt đầu, bị dìm xuống nước. Bây giờ còn tệ hơn bao giờ hết dưới thời Saddam Hussein hay Gaddafi," ông Trump nói.

Ông Trump nói rằng Trung Đông "nổ tung" quanh Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, đối thủ Đảng Dân chủ lớn nhất của ông Trump trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc.

Người đang dẫn đầu cuộc đua của Đảng Cộng hòa cũng chỉ trích quyết định xâm lược Iraq của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush vào năm 2003, dựa trên những báo cáo tình báo sai lệch nói rằng Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Hussein, cựu tổng thống Iraq, bị lật đổ vào năm 2003 trong cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu ở Iraq và bị hành quyết vào năm 2006. Gadhafi - người cai trị Libya suốt bốn thập kỷ - bị truất quyền và bị hạ sát vào tháng 10 năm 2011.

Mặc dù ông Trump vẫn dẫn đầu trong các cuộc khảo sát toàn quốc, một cuộc khảo sát của CBS News cho thấy ông ta đạt tỉ lệ ủng hộ ngang với ứng cử viên Đảng Cộng hòa Ben Carson ở mức 27 phần trăm tại bang Iowa, nơi sẽ bỏ phiếu sớm. Hai cuộc thăm dò khác công bố hồi tuần trước cho thấy ông Carson vượt qua ông Trump ở Iowa. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Mỹ, TQ củng cố thoả thuận để tránh va chạm trên không phận Biển Đông

Washington và Bắc Kinh vừa tu chính một thoả thuận Mỹ-Trung quy định cách hành xử để giữ an toàn khi máy bay quân sự của hai bên gặp nhau trên không, trong bối cảnh ngày càng xảy ra các cuộc chạm mặt thường xuyên hơn, và giữa lúc Hoa Kỳ đang cân nhắc việc điều máy bay và tàu áp sát các đảo mà Trung Quốc mới bồi đắp ở Biển Đông.

Hãng tin AP hôm nay tường thuật rằng thoả thuận này quy định phi công của hai nước phải duy trì một khoảng cách an toàn, phải liên lạc với nhau một các rõ ràng, và tránh những cử chỉ không thân thiện, hoặc có thể gây xúc phạm cho phía bên kia.

Điểm tu chính thứ 3, đòi hỏi 'phi hành đoàn quân sự phải tự chế, không dùng những lời lẽ bất nhã hoặc những cử chỉ kém thân thiện', theo AP, cho thấy mức độ hai bên hy vọng có thể tránh được những sự va chạm ngoài ý muốn, mặc dù không có chứng cớ về sự khiêu khích trong các vụ chạm trán mới đây giữa hai bên.

Hoa Kỳ và Trung Quốc ký kết các điều tu chính thoả thuận Mỹ-Trung không lâu sau chuyến công du chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Washington, tiếp theo sau khi xảy ra vụ việc hôm 15/9, khi hai chiến đấu cơ Trung Quốc cản đường bay của một máy bay trinh sát của không lực Hoa Kỳ đang thực hiện một phi vụ tuần tiễu cách bờ biển Trung Quốc 130 km. Phía Mỹ cho rằng hành động của hai chiếc máy bay chiến đấu của Trung Quốc 'không an toàn'.

Trong một sự cố không nghiêm trọng nhất giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra vào 2001, một máy bay trinh sát EP-3 của Hải quân Mỹ và một chiến đấu cơ Trung Quốc đâm vào nhau trên không phận Biển Đông, giết chết một phi công Trung Quốc và buộc phi công Mỹ phải đáp xuống một căn cứ của Trung Quốc trên đảo Hải Nam.

Bắc Kinh bắt giữ 24 thành viên phi hành đoàn trong hơn 1 tuần, gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất trong các quan hệ song phương trong một thập niên.

Trong trường hợp đó, phi công của Trung Quốc Vương Vĩ, đã bay gần phi cơ Mỹ tới mức phi hành đoàn có thể đọc được địa chỉ email của ông ta viết trên một tờ giấy mà ông ta giơ lên cao từ trong phòng lái.

Những hành động nguy hiểm đó của các phi công Trung Quốc cần được kiềm chế, theo lời ông Denny Roy, một chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii.

Chuyên gia này nhận định rằng bằng cách ký biên bản ghi nhớ và những điều khoản tu chính kèm theo để duy trì an toàn trong những lần máy bay quân sự hai nước đối mặt nhau trên không, Bắc Kinh muốn đánh đi tín hiệu tới Mỹ rằng những sự thách thức trên không không phải là chính sách của nhà nước.

Và theo ông, đây là một bước tích cực cho các quan hệ song phương. Trong khi đó, Biển Đông vẫn là một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất.

Tuần trước, Tư Lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô Đốc Scott Swift nói các binh sĩ dưới quyền ông sẵn sàng tuần tra trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo mà Trung Quốc mới xây trong Biển Đông, hành động đó củng cố lập trường của Washington, một mặt không công nhận vùng biển này là thuộc lãnh hải của Trung Quốc, và mặt khác, tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải tại vùng biển mà Mỹ và các nước đồng minh coi là biển quốc tế.

Theo tin AP, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng hoan nghênh việc ký kết các điều khoản tu chính để tránh đối đầu trên không với Mỹ. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói đây là ‘một bước tích cực có ý nghĩa nhằm củng cố sự tin cậy chiến lược giữa hai nước, và để tránh những sự hiểu lầm và tính toán sai lầm”. - VOA
|
|

6.
Kỳ họp cuối Quốc hội khóa 13: Nhiều sự thật được bật mí

Nhiều vấn đề rất nóng

Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ vì quá cấp bách; số tiền thật của ngân sách trung ương là rất mỏng; không thể tăng lương công chức vì không có tiền hoặc vì sao phải bán hết cổ phần nhà nước ở 10 đại công ty.

Đây là những vấn đề rất nóng được bàn cãi ở kỳ họp cuối cùng, trước khi Quốc hội khóa 13 mãn nhiệm. Đáng chú ý chỉ trong vòng ba ngày từ buổi khai mạc 20/10/2015, báo chí có cơ hội tường thuật, giật tít những sự thật gây sốc được bật mí từ một số đại biểu.

Nhận xét về tình hình chung, TS kinh tế Phạm Chí Dũng một nhà hoạt động xã hội dân sự từ Saigon phát biểu:

“Tình hình rối tung rồi, rối tung trước Đại hội 12 ngân sách bây giờ eo hẹp quá. Chính phủ muốn phát hành mấy tỷ đô la trái phiếu quốc tế thì tôi nghĩ tình hình rất khó khăn rồi.”

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa 13 từng nổi tiếng với lời phát biểu thẳng thắn đáng ghi nhớ, đại ý ông cho rằng, Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một mô hình không có thật, vậy mà Việt Nam cứ mất công đi tìm. Ông Bùi Quang Vinh có phát biểu để đời ngay giữa nhiệm kỳ Ủy viên Trung ương khóa 11.

Giờ đây trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội trước khi mãn nhiệm, ông Bùi Quang Vinh lại bật mí một sự thật làm nhiều đại biểu vốn say sưa với thành tích của chính phủ phải cụt hứng, từ này chúng tôi trích từ  tường thuật của báo chí. Theo SaigonTimes Online ngày 22/10/2015, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói với phóng viên của báo là, số tiền thật của trung ương, tức ngân sách trung ương năm 2016 còn lại rất mỏng, vậy mà còn phải chi rất nhiều khoản để đầu tư, trả nợ xây dựng cơ bản của các bộ, ngành và địa phương.

Trước đó trong phiên họp tổ sáng 22/10, ông Bùi Quang Vinh cho biết Bộ Tài chính báo cáo thu ngân sách nhà nước 2016 sẽ tăng 60.750 tỉ đồng so với dự toán năm 2015. Phần tăng này chỉ đúng về mặt nghiệp vụ, lý do là Bộ Tài chính đã cộng vào đó những khoản mà các năm trước không  cộng vào như vốn viện trợ phát triển ODA, tiền giao đất và thu từ sổ số kiến thiết. Trên thực tế tất cả những khoản cộng thêm này Ngân sách Trung ương không được phép sử dụng.

Vẫn theo SaigonTimes Online, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh xác định trên thực tế Ngân sách Trung ương chỉ còn vỏn vẹn 45.000 tỷ đồng. Con số 45.000 tỷ đồng này không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả. Ông Vinh nói số tiền đó quá nhỏ để có thể điều tiết.

Những sự thật về nguồn ngân sách trung ương cạn kiệt và phần nhận xét về nợ công của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh ở cuối phiên thảo luận làm cụt hứng nhiều đại biểu. Xem những gì tờ Thời báo Kinh tế Saigon Online tường thuật, người đọc báo cảm nhận, người bị chưng hửng nhất có lẽ là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Bởi vì trước khi ông Vinh bật mí các sự thật về nợ công, báo chí ghi nhận ông Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu say sưa, tâm huyết về những việc mà Chính phủ phải làm để xây dựng nông thôn, chăm lo cho người dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được SaigonTimes Online trích lời nguyên văn:“Ngân sách như vậy thì phát triển bền vững như mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016-2020 thế nào? Đấy là chưa nói năm nay chúng ta chưa có đồng nào tăng lương. Nói hay thế mà một đồng lương không có là như thế nào.”

Các báo cáo cũng như phát biểu tại kỳ họp thứ 10, cũng là kỳ họp cuối cùng trước khi Quốc hội khóa 13 mãn nhiệm, có vẻ như cứu vãn tình hình thông tin trầm lắng của báo chí chính thức. VnExpress ngày 20/10 có bài “Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn,” tờ báo trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trấn an Quốc hội là nợ công vẫn dưới mức cho phép 65% GDP. Ông Thủ tướng tự hào vì mức tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%. Tuy nhiên Thủ tướng nhìn nhận nợ công tăng nhanh, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn. Đây cũng là lý do Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép phát hành thêm 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ.

Thời báo kinh tế Saigon Online ngày 21/10/2015 trích lời ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận là Chính phủ xin phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ vì quá cấp bách. Ông Thụ hàm ý rằng, kế hoạch vay nợ của chính phủ năm 2015 khoảng 436.000 tỷ đồng nhưng đã không huy động được tiền như ý muốn. Do vậy cần phải phát hành trái phiếu quốc tế vì không còn cách nào khác.

Trong tổng số 436.000 tỉ cần phải vay nợ năm 2015, thì vay nợ mới để trả nợ cũ là 125.000 tỷ, bù đặp bội chi ngân sách 226.000 tỷ và vay để đầu tư 85.000 tỷ. Những con số này cho thấy chính phủ vẫn chi tiêu bừa bãi và khả năng trả nợ là rất thấp.

Nợ công của Việt Nam được Bộ Tài chính tính toán đến hết 2014 là 59,6% GDP theo qui định nhà nước là chỉ bao gồm nợ chính phủ, nợ do chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Mới đây Bộ Kế hoạch Đầu tư đã tính toán lại, theo qui tắc quốc tế thì nợ công của Việt Nam lên tới 66,4%, phần tính bổ sung bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước và nợ bảo hiểm an sinh xã hội. Khả năng trả nợ thực tế của Việt Nam rõ ràng có nhiều dấu hỏi.

TS Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Tài khoản Thống kê Liên Hiệp Quốc nhận định:

“Hiện nay Việt nam chưa gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ, hầu hết các khoản nợ đó là nợ chính phủ, nợ các tổ chức quốc tế với lãi suất thấp. Nhưng nếu tính thêm nợ của doanh nghiệp nhà nước thì vấn đề sẽ gặp khó khăn mà đã từng khó khăn rồi như Vinashin đã không trả nợ được và nếu nợ ngày càng tăng là vấn đề khó. Thứ hai nữa như hiện tại giá trị của đồng tiền Việt và đặc biệt Việt Nam muốn phá giá lớn để có thể xuất khẩu được. Phá giá như vậy khả năng trả nợ sẽ giảm hẳn đi, vì phải trả nhiều hơn bằng đồng VN và như vậy họ có thể không có khả năng trả nợ nữa. Số nợ hàng năm phải trả có thể hơn 20% ngân sách quốc gia, nợ càng tăng lại phá giá đồng bạc nữa thì mất khả năng trả nợ là có.” 

Ẩn chứa nhiều rủi ro

Liên quan tới đề xuất của chính phủ xin phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ. Báo điện tử VnExpress ngày 22/10 trích lời Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn bày tỏ lo ngại, nếu phát hành trái phiếu thêm nữa sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro và sợ rằng con cháu sẽ oán giận. Ông Sơn nhấn mạnh trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm thì đời con phải trả nợ. Kỳ hạn 30 năm thì đến đời cháu.

Ông Huỳnh Ngọc Sơn đã lật lại hồ sơ việc chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế hàng trăm triệu USD rồi cho Vinashin dùng, điều mà ông gọi là những bài học đắt giá.

Trong bối cảnh ngân sách hết tiền, bội chi lớn, thông tin báo chí đề cập nhiều đến quyết định thoái vốn nhà nước ở 10 đại doanh nghiệp đã cổ phần hóa. Việc dứt khoát bán hết cổ phần nhà nước ở 10 công ty có thể mang lại cho ngân sách khoảng 4 tỷ USD, trong đó riêng Vinamilk số cổ phần của nhà nước theo giá đóng cửa ngày 13/10 trị giá 2,47 tỷ USD. Danh sách thoái vốn này gồm các đại gia làm ăn tốt như Vinamilk, FPT, Bảo Minh, Nhựa Bình Minh và một số công ty khác.

Mặc dù chính phủ cải chính việc bán hết vốn nhà nước ở 10 đại công ty là để lấy tiền bù đắp thiếu hụt ngân sách. Nhưng trên một phương diện khác thì việc này có thể xem như một tín hiệu ban đầu về việc tư nhân hóa nền kinh tế. Tuy rằng có những lo ngại việc thực hiện dễ bị thất thoát tiền nhà nước, cũng như những hậu quả gây tác dụng ngược trên thị trường. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long ở Hà Nội nhận định:

“Việt nam khác với các nước nếu mà nói tư nhân hóa thì dị ứng, có nghĩa là trái với xã hội chủ nghĩa. Cách tư duy như vậy cũng là lỗi thời không đúng, cho nên hiện nay yêu cầu thoái vốn nhà nước đối với những lĩnh vực mà nhà nước không cần đầu tư, mà tư nhân có thể đầu tư vào thì cần phải thoái. Đây là quan điểm hoàn toàn đúng với cơ chế thị trường. Điều này thể hiện việc chú ý tới động lực phát triển khu vực tư nhân. Nhưng việc thực thi có đúng hay không thì hãy chờ đợi, nghe thì biết ở đó thôi. Chứ còn thực thi có hiệu quả thì theo tôi nghĩ rất khó như lời nói.”

Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long nhấn mạnh tới việc Thủ tưóng có kế hoạch đến hết năm 2015 sẽ cổ phần hóa hơn 400 doanh nghiệp nhà nước, nhưng đến nay thực hiện được rất ít. Việc này, theo ông gây ra nhiều hậu quả mà vấn đề trách nhiệm cần phải đặt ra.

Quốc hội Việt Nam khóa 13 bước vào kỳ họp thứ 10 cũng là kỳ họp cuối cùng, kéo dài 31 ngày bắt đầu từ 20/10. Đây là khoảng thời gian sau cùng trước khi rất nhiều đại biểu nắm chức vụ cao cấp trong chính phủ, trong Đảng sẽ kết thúc cuộc đời chính trị của mình vì không đủ điều kiện về độ tuổi được tái cử, thí dụ Ủy viên Trung ương Đảng không quá 60 và Bộ Chính trị không quá 65.

Người dân Việt Nam hiếm khi được nghe những lời nói thật về thực trạng đất nước mình. Nhưng trong những ngày vừa qua, nhiều đại biểu đã bật mí những sự kiện rất thật về tình hình kinh tế tài chánh quốc gia. Báo chí tỏ ý tiếc nuối nếu như Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh không được tái cử vào Trung ương Đảng khóa 12, lý do ông Vinh sẽ ở tuổi 63 vào sang năm. Như thế báo chí và người dân sẽ thiếu vắng một ông dám nói thật trong khi đang còn tại chức. - RFA

No comments:

Post a Comment