Tin Thế Giới
1.
TPP còn phải vượt qua ‘cửa ải’ quốc hội ở 12 nước --- Việt Nam sẽ phải làm gì khi gia nhập TPP
Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận thương mại tự do rộng lớn nhất trong lịch sử, được hơn một chục nước thành viên ca ngợi là sẽ thống nhất một thị trường chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại trị giá tới 30.000 tỷ đôla. Nhưng việc thực thi hiệp định chưa phải là chắc chắn. Từ văn phòng của Đài VOA ở Đông Nam Á ở Bangkok, thông tín viên Steve Herman tường thuật về các rào cản lập pháp mà TPP phải vượt qua.
Sau tiến trình đàm phán đầy bí mật, các chính trị gia, các nhóm lợi ích và công chúng tại 12 nước tham gia TPP sẽ sớm có dịp phân tích các chi tiết cua hiệp định khi toàn bộ nội dung của thỏa thuận được công bố.
Một số sẽ thấy những điều khoản mà họ không hài lòng. Và điều đó sẽ gia tăng áp lực lên các nhà lập pháp, khi họ cân nhắc việc thông qua hiệp định này. Nếu tất cả các nước tham gia không phê chuẩn TPP trong vòng hai năm thì 6 quốc gia ký thỏa thuận ban đầu, vốn chiếm 85% tổng sản phẩm quốc nội của khối này, sẽ phải phê chuẩn hiệp định này. Điều đó có nghĩa là việc chấp thuận của Mỹ cùng với Canada hoặc Nhật Bản là điều hết sức quan trọng.
Hiện giờ đã có sự chống đối đáng kể từ một số các thượng nghị sĩ có ảnh hưởng ở Hoa Kỳ, trong đó có cả những người trong đảng Dân chủ của Tổng thống Obama. Cựu Ngoại trưởng đồng thời hiện là ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, là một trong những người phản đối TPP.
Một số nhà quan sát nhận định rằng việc thông qua, nếu có, ở Mỹ sẽ chỉ xảy ra sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm sau.
Bà Deborah Elms, một người phản đối TPP, là giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Á châu tại Singapore.
“Tôi nghĩ rằng nếu Hoa Kỳ không thể hoặc sẽ không thực thi thỏa thuận này thì các nước khác có thể vẫn quyết định xúc tiến và về cơ bản sẽ ra một phiên bản mới của thỏa thuận này mà không có Hoa Kỳ.”
Số phận của TPP ở Canada có thể sẽ phải phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử liên bang vào ngày 19/10.
Ngoài ra, còn có sự chống đối lớn đối với TPP ở Australia và New Zealand, mặc dù có nhiều phần chắc hiệp định này sẽ được quốc hội ở cả hai nước này thông qua, theo nhận định của bà Elms từ Trung tâm Thương mại Á châu. Bà nói thêm:
“Họ tin rằng người Mỹ có được những thứ mà nước này muốn nhiều hơn so với Australia hoặc New Zealand.”
Đảng Lao động New Zealand, hiện không thuộc thành phần của chính phủ, cũng bất mãn về một điều khoản của TPP cấm đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đất đai và nhà ở.
Và Chile cũng là một nước khác mà TPP sẽ vấp phải sự chống đối lớn tại quốc hội, vì những quan ngại về thuốc men với giá cả phải chăng.
Hiện cũng chưa rõ liệu TPP có được thông qua tại Nhật Bản hay không.
Cả hai viện quốc hội Nhật Bản sẽ xem xét hiệp định, và chính phủ đang cân nhắc tổ chức thêm một phiên thảo luận vào đầu năm tới, dù chưa rõ là việc cân nhắc về TPP sẽ hoàn tất hay chưa. Những quyết định đáng kể của chính phủ Nhật Bản về lĩnh vực nông nghiệp sẽ khiến một số nhóm nông gia chống đối việc thông qua thỏa thuận.
Tại Malaysia, nhà lập pháp đối lập Charles Santiago đã chỉ trích TPP là “một trong các thỏa thuận thương mại nguy hiểm nhất khi xét về vấn đề thuốc men với giá cả phải chăng, nhất là tại các nước đang phát triển.” Ông nói với đài VOA rằng chính phủ Malaysia đã cam kết sẽ chỉ hành động sau khi TPP nhận được chấp thuận tại quốc hội. Nhưng chính phủ Malaysia có quyền thông qua hiệp định kể cả đa số các nhà lập pháp phản đối TPP.
“Họ có thể làm điều đó vì trên nguyên tắc, hiến pháp cho phép nội các ký bất kỳ thỏa thuận thương mại nào, và họ từng làm như vậy. Nhưng vì áp lực từ xã hội dân sự, các liên đoàn lao động, từ các nhóm doanh nghiệp, trong đó có các ngành công nghiệp nhỏ và vừa, nên tôi nghĩ chính phủ đã nói rằng “nếu quốc hội không ủng hộ thỏa thuận này, thì chúng tôi cũng không ủng hộ nó”.
Còn tại Việt Nam, một trong các quốc gia hưởng lợi nhiều nhất, một số nhà lập pháp nói với VOA rằng, TPP dự kiến sẽ vượt qua quốc hội một cách dễ dàng.
Australia, Brunei, Mexio, Peru và Singapore cũng là các thành viên của TPP. Tại những nước này, cả chính phủ lẫn các nhà lập pháp ủng hộ thỏa thuận thương mại toàn cầu, TPP dự kiến sẽ được chấp thuận.
Các vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ thu hút được một số nước khác như Trung Quốc và Thái Lan, nhưng các quốc gia nhiều khả năng tham gia hơn là Colombia, Costa Rica, Hong Kong, Panama, Philippines, Hàn Quốc và Đài Loan. - VOA
***
Việt Nam được biết là nước hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 thành viên gia nhập TPP, tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi đó còn rất nhiều rào cản mà doanh nghiệp cũng như nhà nước phải vượt qua nếu không cuộc chơi sẽ gặp trở ngại và không khéo có thể mất những cơ hội thành công trong thị phần khổng lồ này. Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương để tìm hiểu thêm vấn đề.
Mặc Lâm: TPP vừa ký kết xong và VN được xem là nước hưởng nhiều nguồn lợi nhất trong các đối tác. Theo TS thì điều thuận lợi nào mà ông cho là có khả năng xảy ra nhất thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Việt Nam gia nhập TPP thì sẽ có 11 nước đối tác trong đó phần lớn các nước có trình độ phát triển cao hơn chúng ta nhiều cho nên Việt Nam sẽ có một cơ cấu kinh tế bổ xung cho các nước đó và hàng hóa của Việt Nam và các nước bổ xung cho nhau và ít cạnh tranh hơn. Nếu như so sánh giữa Việt Nam và ASEAN thì chúng ta có thể thấy là ASEAN và Việt Nam cạnh tranh với hàng hóa của Thái Lan, dệt may của Campuchia và cạnh tranh hàng điện tử của Malaysia. Nhưng trong trường hợp của TPP thì Việt Nam có điều kiện dễ dàng hơn rất nhiều.
Sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ tập trung vào các lãnh vực như dệt may da giày túi xách hay các mặt hàng đồ gỗ, hay các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như café hồ tiêu và các mặt hàng khác sẽ rất thuận lợi. Vì vậy cho nên cái thuận lợi của Việt Nam nó nằm trong cơ cấu kinh tế.
Hơn thế nữa Nhật Bản rất quan tâm hợp tác với Việt Nam về nông nghiệp, sản xuất rau quả tươi để xuất khẩu sang Nhật và hai bên có thể hợp tác vì lợi ích của cả hai. Đấy là những điều tôi nghĩ rất thuận lợi đối với Việt Nam
Mặc Lâm: Như TS vừa nói thì dệt may và da giày là hai mối lợi xuất khẩu thiết thực nhất, tuy nhiên rào cản kỹ thuật của TPP ghi rõ là nguyên liệu dành cho sản xuất phải mua từ các nước có tên trong hiệp định. Công nghệ may gia công của VN đang nhập nguyên liệu của Trung Quốc là chính do đó VN phải giải quyết nút thắt này như thế nào thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Việc TPP yêu cầu có hàm lượng sợi trong TPP khoảng 70%, tôi không rõ là Việt Nam có thỏa thuận được điều kiện nào thuận lợi hơn hay không nhưng với tình hình như vậy thì tôi nghĩ nó cũng có cái lý của nó đó là TPP muốn Việt Nam xuất khẩu hàng do Việt Nam sản xuất chứ không phải xuất khẩu hộ hàng của Trung Quốc. Vì vậy Việt Nam đang cố gắng nâng cao hàm lượng nội địa, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài và đấy là những thách thức, nhưng thách thức đó nếu được xử lý tốt thì có thể trở thành thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam
Mặc Lâm: Các chuyên gia quốc tế cho rằng Việt Nam sẽ gặp rào cản lớn trong vấn đề thành lập công đoàn cho công nhân độc lập với công đoàn của nhà nước, mặc dù hiện nay VN có thời gian là 5 năm để chuẩn bị cho yêu cầu nghiêm ngặt này. TS có nghĩ rằng vì lợi ích kinh tế của quốc gia Việt Nam sẽ vượt qua được nút thắt này hay không?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam đã chấp nhận các điều kiện như vậy và tôi nghĩ rằng nếu có quyết tâm thực hiện và tổ chức tốt thì Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này.
Mặc Lâm: Riêng về khung pháp luật phù hợp với TPP thì hiện nay chúng ta vẫn còn trong tình trạng soạn thảo, liệu có đủ thời gian để làm công việc phức tạp này hay không?
TS Lê Đăng Doanh: Vâng, Việt Nam đã thấy điều đó, thí dụ như Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp làm việc với các Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế để giảm bớt các thủ tục và gần đây nhất vào ngày 12 tháng 3 năm 2015 thì chính phủ đã có ban hành cái nghị quyết 19 và hiện nay đang tích cực thực hiện nghị quyết này để giảm bớt chi phí và thời gian đối với doanh nghiệp. Tôi nghĩ việc gia nhập TPP và Việt Nam nghiêm chỉnh thực hiện những điều kiện của TPP sẽ là đòn bẫy từ bên ngoài để thúc đẩy Việt Nam cải cách.
Mặc Lâm: Tin VN gia nhập TPP giống như một làn sóng lớn ập xuống doanh nghiệp và cả chính phủ với hàng ngàn việc cần phải làm. Theo ông khả năng hòa nhập cũng như thích hợp với thị trường mới của doanh nghiệp Việt Nam có sẵn sàng chưa trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay.
TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ Việt Nam đang có thời gian để đẩy mạnh việc thực hiện. Bởi vì phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Họ không có điều kiện để có thể hiểu biết và quan tâm nhiều đến các yêu cầu về TPP.
Vì vậy tôi nghĩ trong thời gian mà Quốc hội các nước còn phải thông qua thì Việt Nam nên tranh thủ việc tổ chức thực hiện, cũng như giúp đỡ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách thể chế. Tôi nghĩ rằng đó là những điều Việt Nam đã nhận thức và có thể làm được trong thời gian tới. - RFA
|
|
2.
Nhà văn Ukraine Svetlana Alexievich đoạt giải Nobel Văn chương
Nhà văn Svetlana Alexievich, người Ukraine, là người đoạt giải Nobel Văn chương năm nay.
Uỷ ban Nobel ở Stockholm, Thuỵ Điển, nói “những tác phẩm giàu âm điệu của bà là một đài tưởng niệm về những nỗi đau khổ và lòng dũng cảm của thời đại chúng ta.”
Bà Alexievich đã viết những cuốn sách về ảnh hưởng đối với con người của thảm hoạ Chernobyl, chiến tranh ở Afghanistan, và chiến tranh ở Liên Xô cũ và thời kỳ hậu Xô Viết.
Những tác phẩm của nhà văn, nhà báo người Ukraine này dựa nhiều vào lịch sử truyền khẩu và những cái nhìn của người trong cuộc. - VOA
***
Viện Hàn Lâm Thụy Điển vinh danh một nhà văn, một nhà báo với những tác phẩm "mang đầy âm sắc, một tượng đài của nỗi đau và lòng dũng cảm trong thời đại của chúng ta". Svetlana Alexievitch, 67 tuổi, vừa trở thành nhà văn nữ thứ 14 đoạt giải Nobel Văn học.
Trong buổi công bố về danh tính khôi nguyên Nobel Văn học 2015 Viện Hàn Lâm Thụy Điển giải thích: ban giám khảo dành tặng giải thưởng cao quý này cho một "nhà văn lớn đã khai mở những con đường mới trong văn học".
Vào lúc tên tuổi của Svetlana Alexievitch được ủy ban Nobel xướng lên vào trưa nay, 08/10/2015 thì tại Bélarus, ngay trên quê hương bà, Svetlana Alexievitch vẫn bị kiểm duyệt.
Sveltana Alexievitch là tác giả của những Voices from Chernobyl: The Oral History of a Nuclear Disaster, Quan tài Kẽm, Zinky Boys: Soviet Voices from the Afghanistan War - Zinky boys: Soviet voices from a forgotten war - trong đó tác giả nói về mặt trái của chiến tranh Afghanistan, một cuộc chiến và những thân phận bị lãng quên.
Sinh năm 1948 tại miền Tây Ukraine, Svetlana Alexievitch tốt nghiệp trường báo chí đại học Minsk và bắt đầu sự nghiệp vào những năm 1970, làm việc cho tờ báo Selskaia. Chính trong vai trò của một phóng viên, bà đã có dịp gặp gỡ để ghi lại lời kể của những người đàn bà, nạn nhân hay nhân chứng trong chiến tranh. Từ đó Svetlana Alexievitch đã sáng tác The Unwomanly Face of War. Nhưng mãi tới năm 1985 tác phẩm đầu tay của bà mới được cho ấn bản. Tên tuổi của Svetlana Alexievitch đã nổi lên không chỉ ở Liên Xô mà còn tại nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Sách của bà không đơn thuần là những cuốn tiểu thuyết, mà chúng đều được viết dưới dạng tài liệu, căn cứ vào những trải nghiệm của những người trong cuộc.
Cuốn sách gây tiếng vang lớn của giải Nobel Văn học 2015 dành để nói về tại họa Chernobyl - Voices from Chernobyl: The Oral History of a Nuclear Disaster - Lời khẩn cầu từ Chernobyl tới nay vẫn bị cấm ở Bélarus.
Trước khi đoạt giải Nobel Văn học, Svetlana Alexievitch từng dành được nhiều giải thưởng lớn của văn đàn Châu Âu như giải Médecis của Pháp (2013) hay giải thưởng từ giới in ấn và phát hành sách của Đức. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Dân biểu Cộng hoà Mỹ hôm nay bầu Chủ tịch Hạ viện
Cuộc biểu quyết hôm nay của đảng Cộng hoà để chọn người kế nhiệm Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner dự kiến sẽ có nhiều khó khăn vì sự chống đối của phe cực bảo thủ.
Khối Tự do Hạ viện (House Freedom Caucus) hôm qua bỏ phiếu ủng hộ Dân biểu Daniel Webster của tiểu bang Florida cho chức vụ chủ tịch, chứ không ủng hộ ông Kevin McCarthy, hiện là lãnh tụ khối đa số ở Hạ viện và nhận được sự ủng hộ của đa số trong phe Cộng hoà gồm 247 ghế.
Nếu toàn bộ các dân biểu của Khối Tự do, gồm 40 thành viên, bỏ phiếu cho ông Webster khi toàn thể Hạ viện biểu quyết vào ngày 29 tháng 10, trước khi ông Boehner rời Quốc hội, ông McCarthy sẽ không có đủ phiếu để làm Chủ tịch Hạ viện.
Ông Boehner loan báo ý định từ chức hồi tháng trước sau 25 năm làm dân biểu và 5 năm làm Chủ tịch Hạ viện.
Quyền hạn của ông thường xuyên bị thách thức bởi phe cực bảo thủ, trong đó có nhiều người được bầu vào năm 2010 trong làn sóng của phe “Tea Party” giúp cho phe Cộng hoà giành thế đa số. Những người này đòi có nhiều quyền hơn trong việc làm ra quyết định và các vấn đề chính sách.
Ông Boehner quyết định từ chức sau khi tán đồng một kế hoạch ngắn hạn để giữ cho chính phủ có ngân sách đầy đủ để hoạt động sau ngày 30 tháng 9, khi quyền chi tiêu hết hạn. Qua tiến trình đó, ông bác bỏ những đòi hỏi của phe cực bảo thủ là loại ra khỏi ngân sách khoản tiền tài trợ của chính phủ liên bang dành cho một tổ chức kế hoạch hoá gia đình có tên Planned Parenhood.
Kế hoạch ngưng tài trợ cho Planned Parenthood gặp phải sự chống đối kịch liệt của phe Dân chủ ở quốc hội và Tổng thống Barack Obama. Sự tranh chấp này đã khiến cho chính phủ có thể lâm vào tình trạng đóng cửa từng phần vào ngày 1 tháng 10.
Theo hiến pháp Mỹ, chủ tịch Hạ viện là người thứ nhì, sau phó tổng thống, lên giữ chức tổng thống trong trường hợp tổng thống đương nhiệm từ trần hoặc mất năng lực. - VOA
|
|
4.
Bà Clinton 'không ủng hộ hiệp định TPP'
Hillary Clinton cho hay hôm 7/10 rằng bà phản đối hiệp định TPP của Hoa Kỳ và 11 quốc gia khác, ra chỉ dấu bà không cùng bên với chính quyền của Tổng thống Barack Obama về vấn đề này.
Trả lời chương trình NewsHour của đài PBS, bà Clinton cho hay bà "vẫn đang xem xét thỏa thuận TPP" nhưng lo ngại vì nó chỉ làm lợi cho các tập đoàn dược phẩm.
Bà cũng lo rằng tiền tệ bị 'điều khiển bằng thủ đoạn' vì TPP.
"Với những gì tôi biết về nó hôm nay, tôi không ủng hộ những gì tôi biết về TPP."
"Tôi cố gắng tìm hiểu thêm thật nhiều về thỏa thuận nhưng tôi lo ngại."
Đây là phát biểu quan trọng nhất về ngoại giao và kinh tế của bà Clinton trước cuộc tranh luận giữa các ứng viên của Đảng Dân chủ tham gia tranh cử tổng thống Hoa Kỳ.
Lý do tranh cử
Theo trang Time trong bài ‘Hillary Clinton Opposes Trans-Pacific Partnership’ nhận định rằng đây là phát biểu bà Clinton đưa ra trong bối cảnh tranh cử.
Trước đây, hồi năm 2012, bà Clinton từng ca ngợi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương là “tiêu chuẩn vàng".
Bà cũng từng khen TPP trong cuốn Hồi ký ‘Sự lựa chọn khó khăn’ (Hard Choices) rằng thỏa thuận này "không hoàn hảo nhưng đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và công nhân Hoa Kỳ", theo báo Time.
Báo Anh, trang The Guardian cho rằng “bà Clinton nay đứng cùng ứng viên Dân chủ Bernie Sanders để chống lại TPP”.
Ông Sanders có tiếng là nêu ra các quan điểm thiên tả.
Còn phía Đảng Cộng hòa, TPP đang gây chia rẽ với phái bảo thủ gồm Donald Trump và Rick Santorum, lớn tiếng chống TPP.
Tuy thế, đa phần các nhân vật quan trọng của phe Cộng hòa “nhìn chung là ủng hộ hiệp định này”, theo bài của nhóm phóng viên The Guardian hôm 7/10 từ Washington và New York gửi về.
Được biết, ứng viên tổng thống Jeb Bush của Đảng Cộng hòa ủng hộ TPP. - BBC
|
|
Tin Việt Nam
5.
Vụ kiện thịt gà Mỹ của Việt Nam: Mặt trái của TPP
Chuyên gia nghiên cứu Mỹ nhận định vụ kiện bán phá giá thịt gà Mỹ, mà Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết sẽ tiến hành vào tháng tới, chứng minh tác động của sự tranh chấp gay gắt trong thương mại toàn cầu khi Việt Nam gia nhập ‘sân chơi’ TPP.
Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Á cho báo giới biết hôm 5/10 rằng hiệp hội đang hoàn tất các thủ tục để có thể chính thức khởi kiện bán phá giá gà Mỹ tại Việt Nam trong tháng tới. Theo hiệp hội này, giá thịt gà Mỹ bán ra ở thị trường Việt Nam chỉ 23.000/kg, rẻ bằng nửa giá gà nội địa và chỉ khoảng ¼ giá thịt gà bán ở Mỹ.
Thịt gà đông lạnh Mỹ đã khiến cho các doanh nghiệp chăn nuôi gà ở Việt Nam bị thiệt hại đến 2.700 nghìn tỉ đồng trong vòng 16 tháng qua. Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết nhiều nông dân Việt Nam đã bỏ nghề nuôi gà vì không cạnh tranh nổi với gà nhập từ Mỹ.
Ông Murray Hiebert, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ được báo Bloomberg trích lời nói: “Thịt gà nhập khẩu có giá thấp từ Mỹ đang chứng minh cho Việt Nam thấy tác động cạnh tranh gay gắt trong thương mại toàn cầu”.
Việt Nam được đánh giá là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo về khả năng một số lĩnh vực ở Việt Nam sẽ gặp phải những ‘bài học cay đắng’ khi gia nhập vào sân chơi thương mại toàn cầu.
Chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Đông Nam Á Murray Hiebert nói thêm với Bloomberg: “Việt Nam đang học được rằng trong khi một số sản phẩm hàng may mặc thắng lớn trên thị trường toàn cầu, thì những sản phẩm khác, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, kết cục có thể sẽ mất đi các thị trường mà các nhà sản xuất lớn có lợi thế về quy mô”.
Sau khi sang Mỹ tìm hiểu về thị trường chăn nuôi gà ở Mỹ hồi cuối tháng rồi, ông Âu Thanh Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, nói giá bán thịt gà Mỹ ở Việt Nam là đang bán phá giá khoảng 29% so với sản phẩm cùng loại bán trên thị trường Mỹ. Ông này cho rằng giá thành sản xuất thịt gà Mỹ khoảng 26.000 – 27.000 đồng, không chênh lệch nhiều so với giá thành gà Việt Nam. Do vậy giá bán gà Mỹ về Việt Nam chỉ 18.000 đồng là bán phá giá hơn 30%.
Nhưng các nhà sản xuất gà ở Mỹ nói việc so sánh giá như vậy là sai vì hiệp hội đang so sánh giá của loại sản phẩm cao cấp, không kháng sinh, được Cơ quan Nông nghiệp và Thực phẩm Mỹ (USDA) chứng nhận với các sản phẩm chân gà góc tư đông lạnh xuất khẩu theo lô.
Bloomberg trích lời ông James Sumner, Chủ tịch của Hội đồng Xuất khẩu gia cầm và trứng của Mỹ nói: “Họ đang so sánh những sản phẩm đắt tiền nhất ở Mỹ với các sản phẩm rẻ tiền nhất mà chúng tôi xuất khẩu sang Việt Nam. Điều đó cũng giống như so sánh giá thịt bò thăn tại Mỹ với giá hamburger tại Việt Nam. Không có một lý lẽ chứng minh nào cho một vụ kiện bán phá giá cả”.
Trước đó, Cục Thú y Việt Nam đã bác bỏ khiếu kiện của nhiều nông dân Việt Nam cho rằng thịt gà Mỹ có chất lượng kém vì bán quá hạn.
Các doanh nghiệp sản xuất gà ở Mỹ dựa vào lợi thế về quy mô và nguồn thức ăn chăn nuôi giá rẻ, vốn chiếm đến 70% giá thành sản phẩm, để hạ giá thành xuống. Chính vì vậy mà, theo ông Sumner, các nhà sản xuất ở Mỹ là ‘những nhà sản xuất thịt gà có chi phí thấp nhất thế giới’.
Mặc dù xác định Việt Nam là nước ‘thắng cuộc’ trong TPP, nhưng các chuyên gia nhận định một số ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ phải vất vả cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế tại TP.HCM, được Bloomberg dẫn lời nói: “Việt Nam tin rằng mình sẽ không bao giờ thua về lĩnh vực nông nghiệp do giá nhân công thấp, nhưng thịt gà nhập khẩu Mỹ giá rẻ chứng minh là chúng ta chắc chắn sẽ gánh chịu thiệt hại về các sản phẩm nông nghiệp nếu lĩnh vực này không tự biến đổi”.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA, bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban Cố vấn của Thủ tướng Việt Nam, nhận định ‘cơ hội thắng thua’ của các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc không chỉ vào năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
“Bao nhiêu năm chính phủ Việt Nam năm nào cũng cam kết và đưa ra chính sách gọi là ‘tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp’, nhưng năm nào cũng phải nhắc đến ‘tháo gỡ khó khăn’, có nghĩa là những khó khăn đó về môi trường kinh doanh vẫn còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Những khó khăn về môi trường kinh doanh thì tự thân từng doanh nghiệp không làm được. Nó phụ thuộc vào nỗ lực của Việt Nam trong cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh tốt đẹp, thuận lợi và công bằng với các doanh nghiệp”
Bà Phạm Chi Lan cho rằng những khó khăn về môi trường kinh doanh sẽ cộng thêm bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước vốn đã yếu trong tương quan so sánh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Hội đồng Xuất khẩu Gia cầm và Trứng của Mỹ cho biết Việt Nam nhập khẩu 54.036 tấn thịt gà Mỹ, chủ yếu là đùi gà, trong 7 tháng đầu năm 2015, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện không chỉ thịt gà mà các sản phẩm thịt khác của Việt Nam cũng đang bị thịt nhập khẩu lấn át, chẳng hạn như thịt bò nhập từ Úc.
Ngoài vấn đề thức ăn chăn nuôi phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, năng suất lao động thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, lãi suất ngân hàng cao, chất lượng con giống thấp…là những yếu tố thêm vào khiến cho ngành chăn nuôi Việt Nam bị thua ngay trên sân nhà khi tham gia vào ‘sân chơi’ TPP cũng như các FTA khác. - VOA
|
|
6.
Mỹ đã quyết đi vào 12 dặm quanh đảo nhân tạo Trung Quốc ở Trường Sa?
Trong hai tuần lễ sắp tới, Hải quân Mỹ sẽ cho tàu quân sự tiến vào vùng 12 hải lý chung quanh một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới bồi đắp ở khu vực quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Trên đây là tiết lộ của một quan chức Mỹ cao cấp, được nhật báo Anh Financial Times tiết lộ ngày 08/10/2015.
Động thái này nhằm khẳng định lập trường của Washington, không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực. Vấn đề cho tàu hải quân áp sát các hòn đảo nhân tạo đã được giới chức quân sự Mỹ gợi lên từ nhiều tháng nay. Nhiều nguồn tin trùng hợp đã xác nhận rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã thúc giục Nhà Trắng bật đèn xanh cho chiến dịch được gọi là "tuần tra vì quyền tự do lưu thông trên biển" này, nhưng chưa được.
Một trong những lý do khiến chính quyền Mỹ dè dặt, chính là không muốn gây nên sự cố trước chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hạ tuần tháng 9 vừa qua, trong bối cảnh giữa hai nước đang có bất đồng nghiêm trọng trên hồ sơ Biển Đông.
Tuy nhiên, cử chỉ hòa hoãn của Washington đã bị Bắc Kinh đáp trả bằng những hành vi khiêu khích công khai ngay trước lúc ông Tập Cận Bình đặt chân lên đất Mỹ. Điển hình là vụ tàu chiến Trung Quốc thâm nhập vùng lãnh hải Hoa Kỳ ngoài khơi Alaska vào đúng hôm Tổng thống Mỹ ghé thăm tiểu bang này, và vụ chiến đấu cơ Trung Quốc cắt đường bay của máy bay tuần thám Mỹ trên Hoàng Hải.
Bên cạnh đó, cuộc gặp thượng đỉnh Obama-Tập Cận Bình tại Nhà Trắng hôm 25/09 cũng không giúp được hai bên giảm bớt bất đồng trên vấn đề Biển Đông, thậm chí trước đông đảo báo giới Mỹ và quốc tế, lãnh đạo Trung Quốc còn thản nhiên bác bỏ những lời Mỹ chỉ trích Bắc Kinh xây đảo nhân tạo ở vùng Trường Sa khi cho rằng vùng Biển Đông thuộc về Trung Quốc từ "ngàn xưa".
Trong bối cảnh kể trên, Nhà Trắng chỉ có thể đáp ứng yêu cầu của Hải quân Mỹ, và như tiết lộ của quan chức cao cấp Mỹ là việc tàu quân sự Mỹ áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc sắp sửa diễn ra.
Câu hỏi đặt ra vào lúc này là tàu Hải quân Mỹ sẽ thâm nhập vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo nào, trong số 7 đảo mà Trung Quốc đã bồi đắp? Đây là một vấn đề mà giới chức quân sự Mỹ cần phải cân nhắc vì các thực thể địa lý mà Trung Quốc bồi đắp tại vùng Trường Sa có quy chế khác nhau trước lúc bị biến thành đảo nhân tạo.
Nếu căn cứ vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, thì bốn bãi ngầm Ga Ven (Gaven), Tư Nghĩa (Hughes), Vành Khăn (Mischief), và Xu Bi (Subi) trước lúc được tôn tạo, thuộc diện "bãi cạn lúc chìm, lúc nổi – Low-tide elevations" cho nên chỉ được quyền có hải phận 50 mét bao quanh.
Ba bãi còn lại là Đá Châu Viên (Cuarteron), Chữ Thập (Fiery Cross) và Gạc Ma (Johnson) thì được xem là "đảo đá – rocks", có thể có lãnh hải 12 hải lý, nhưng không thể có vùng đặc quyền kinh tế.
Trong mọi trường hợp Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển không công nhận đảo nhân tạo là một cơ sở để cho một nước đòi lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế, do đó Trung Quốc không có quyền viện dẫn quy chế đảo của các thực thể vừa bồi đắp, để cản trở quyền tự do lưu thông của tàu thuyền các nước khác.
Theo báo Nhật Bản The Diplomat hôm 04/10, rất có thể là Mỹ sẽ chọn phương án tiến sâu vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các thực thể như Xu Bi và Vành Khăn chẳng hạn, vì kể cả trong trường hợp hai thực thể này thuộc chủ quyền của Bắc Kinh - điều đang trong vòng tranh cãi – với tư cách là bãi cạn nửa chìm, nửa nổi trước lúc được bồi đắp – các cấu tạo địa lý này chỉ được tối đa 50 mét bao quanh.
Và công việc đó cũng đủ để cho chứng tỏ một cách rõ ràng là Mỹ bác bỏ các đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc, một điều mà các nước đang bị Trung Quốc lấn lướt tại Biển Đông đang chờ đợi. Câu hỏi đặt ra là liệu các nước này có cùng hành động với Mỹ hay không? - RFI
No comments:
Post a Comment