Thursday, October 15, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 15/10

Tin Thế Giới

1.
Myanmar ký hiệp ước ngưng bắn với 8 nhóm vũ trang

Hôm nay, Myanmar ký hiệp ước ngưng bắn với 8 nhóm vũ trang, nhưng các phần tử nổi dậy đáng kể khác chống lại chính phủ đã từ chối không ký hiệp ước. Thông tín viên Steve Herman gửi về bài tường thuật từ văn phòng Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok.

Tại buổi lễ ký kết ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar, Tổng thống Thein Sein ca ngợi thỏa thuận ngưng bắn toàn quốc như một món quà lịch sử dành cho các thế hệ tương lai.

Tổng thống Miến Điện nói: “Hàng chục ngàn binh sĩ của cả hai bên đã bỏ mình trong các vụ xung đột. Hàng trăm ngàn người sống trong các vùng xung đột đã gánh chịu nhiều đau khổ vì cuộc chiến.”

Thừa nhận người sắc tộc Kachin và Wa, với hàng chục ngàn binh sĩ, vẫn còn kiên quyết chiến đấu, tổng thống cam kết “cố gắng hơn nữa để đạt được thỏa thuận với các nhóm khác.”

Khoảng 40 phần trăm dân số Myanmar – tức Miến Điện, là người thuộc các nhóm sắc tộc, nhiều nhóm từ lâu đã đòi nắm quyền kiểm soát các tài nguyên thiên nhiên trong các phần đất của họ.

Tại buổi lễ, người đứng đầu Liên đoàn Sắc tộc Karen, còn gọi tắt là KNU, ông Saw Mutu Say Poe, đã đưa ra lời khuyến nghị với quân đội Myanmar đầy thế lực.

Ông yêu cầu quân đội sử dụng “đối thoại thay vì vũ lực” để thuyết phục các nhóm khác buông khí giới.

Có lẽ KNU là bên đáng kể nhất ký tên vào hiệp ước và đã từng chống lại quân đội 60 năm nay.

Theo các điều khoản ngưng bắn – không nhất thiết phải giải trừ vũ khí – đối thoại chính trị sẽ bắt đầu trong vòng 90 ngày.

Phải mất 2 năm thương lượng mới đưa được 8 nhóm nổi dậy vào cuộc. Những nhóm ký tên vào hiệp ước chủ yếu tập trung dọc theo biên giới Myanmar giáp ranh Thái Lan.

Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói hiệp ước là “một bước thiết yếu trong một tiến trình lâu dài xây dựng một nền hòa bình lâu dài và chính đáng ở Miến Điện. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng bày tỏ những quan ngại về tin tức nói về “các cuộc tấn công quân sự liên tục ở các bang Kachin và Shan cùng với tình trạng các cơ quan nhân đạo không đến được với hơn 100.000 người bị thất tán trong nước ở các khu vực đó.”

Buổi lễ được truyền hình toàn quốc với các đại diện phe nổi dậy mặc trang phục sắc tộc diễn ra chỉ vài tuần lễ trước sự kiện dự kiến sẽ là cuộc tổng tuyển cử khả tín đầu tiên ở Miến Điện từ mấy chục năm nay.

Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ, tức NLD, đảng đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, theo dự kiến sẽ đạt được thắng lợi đáng kể trong cuộc bầu cử, mặc dầu khôi nguyên giải Nobel hòa bình này bị cấm không được lên làm tổng thống, theo hiến pháp do tập đoàn quân đội cầm quyền soạn thảo.

Bà Aung San Suu Kyi đã không tham dự lễ ký hiệp ước ngưng bắn và trước đây đã từng bày tỏ sự hoài nghi về thỏa thuận.

Trước đây trong tuần, ủy ban bầu cử toàn quốc của Myanmar đã cứu xét chớp nhoáng việc trì hoãn cuộc bầu cử tháng tới, viện cớ các vấn đề hậu cần vì nạn lụt nghiêm trọng mới đây.

NLD là đảng duy nhất đưa ra lời phản đối, theo các giới chức của đảng, và ủy ban bầu cử loan báo việc bỏ phiếu vẫn được xúc tiến theo lịch đã định. NLD đã chiếm được 80% số ghế tại quốc hội trong cuộc bầu cử năm 1990, nhưng quân đội đã vô hiệu hoá kết quả, và không chịu trao trả quyền hành rồi sau đó còn đặt bà Aung San Suu Kyi trong tình trạng quản thúc tại gia nhiều năm. - VOA
|
|

2.
Báo chí Trung Quốc chỉ trích Mỹ về Biển Đông --- Úc từ chối tuần tra Biển Đông cùng với Hoa Kỳ

Báo chí Trung Quốc ngày 15/10/2015 lên án Hoa Kỳ có những hành động "khiêu khích liên tục" ở Biển Đông với việc Washington dự trù đưa các chiến hạm đến sát các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng.

Sau cuộc họp thường niên về quân sự và ngoại giao ngày 13/10/2015 giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Hoa Kỳ và Úc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã cảnh cáo Bắc Kinh rằng Washington sẽ đưa tàu chiến đến "bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, kể cả ở Biển Đông". Theo lời các quan chức cao cấp ở Washington, trong những ngày hoặc những tuần tới, các chiến hạm của Mỹ sẽ đi vào phạm vi 12 hải lý chung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở khu vực Trường Sa, để chứng tỏ là Hoa Kỳ không công nhận chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi đó.

Trong bài xã luận ngày 15/10/2015, Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo thân cận với Đảng Cộng sản Trung Quốc, lên án điều mà tờ báo này gọi là "những hành động khiêu khích liên tục" của Hoa Kỳ. Hoàn cầu Thời báo viết: "Trung Quốc không nên dung thứ những vi phạm ngày càng tăng của Mỹ tại các vùng biển và vùng trời bên trên các đảo đang mở rộng". Tờ báo này kêu gọi quân đội Trung Quốc phải "sẵn sàng thi hành những biện pháp trả đũa tương xứng với mức độ khiêu khích của Washington".

Hôm 14/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng đã ra tuyên bố khẳng định là Bắc Kinh "không hề quân sự hóa Biển Đông", nhưng theo bà, có một số quốc gia cứ "giương oai diễu võ" và những nước đó "nên chấm dứt làm ầm ĩ vấn đề này".

Ngày 09/10 vừa qua, theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc đã khánh thành 2 ngọn hải đăng tại Đá Châu Viên và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 13/10 đã lên án việc này, xem đây là một hành động "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam".

Trong khi đó, tại Bắc Kinh hôm nay khai mạc cuộc họp không chính thức, kéo dài 2 ngày, giữa bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc với các đồng nhiệm ASEAN. - RFI

***
Trong bài phát biểu ngày 15/10/2015, Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb tuyên bố Canberra không tham gia các đợt tuần tra cùng với Hoa Kỳ tại Biển Đông và không can dự vào tranh chấp tại một vùng biển nơi có đông tàu thuyền quốc tế qua lại nhất thế giới.

Trả lời trên đài truyền hình của hãng thông tấn Bloomberg tại Hồng Kông, Bộ trưởng Thương mại Úc, Andrew Robb nhấn mạnh "không đứng về phe nào" và "không tham dự vào các hoạt động giám sát hay bất kỳ một động thái nào của Mỹ" trong vùng Biển Đông.

Bộ trưởng Thương mại Úc lên tiếng sau khi Ngoại trưởng Julie Bishop tuyên bố từ Boston – miền đông Hoa Kỳ là Mỹ và Úc "có cùng quan điểm về vấn đề hàng hải". Trong cuộc họp báo chung kết thúc hội nghị 2+2 Úc và Mỹ tại Boston, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước đã "bày tỏ quan ngại sâu sắc" trước các hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo bất hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên Canberra nói rõ là sẽ "không nghiêng về phía nào trong các cuộc tranh chấp lãnh hải" nhưng đồng thời Ngoại trưởng Bishop cũng "thúc giục các bên không nên đơn phương hành xử, ngưng các động thái gây thêm căng thẳng".

Canberra trong thế khó xử, giữa một bên là Hoa Kỳ, đồng minh chiến lược của Úc và bên kia là Trung Quốc, một đối tác thương mại và kinh tế quan trọng hàng đầu. Úc cũng không thể im tiếng trên vấn đề Biển Đông nơi có tới hơn ¾ lượng hàng hóa và các hoạt động giao thương của Úc được vận chuyển ngang qua. - RFI
|
|

3.
LHQ tìm cách đưa các giới chức Bắc Triều Tiên ra toà Hình sự Quốc tế

Hôm qua, một giới chức Hàn Quốc cho đài VOA biết rằng Liên Hiệp Quốc đang xúc tiến nỗ lực mới nhằm đưa các giới chức Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế vì những vụ vi phạm nhân quyền.

Giới chức yêu cầu không nêu danh tính cho hay một nghị quyết đề nghị đưa tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế ICC đang được Ủy ban Thứ ba của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc soạn thảo. Theo giới chức này, đề nghị được sự thúc đẩy của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga có phần chắc sẽ bao gồm những phần chủ yếu của một nghị quyết đã được thông qua tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng 12 năm 2014.

Nghị quyết lịch sử của LHQ đề nghị Hội đồng Bảo an cứu xét việc đưa thành tích nhân quyền của Bắc Triều Tiên ra trước ICC. Nhưng quyết định của LHQ đã vấp phải sự chống đối cửa Nga và Trung Quốc, là các nước có quyền phủ quyết trong Hội đồng.

Nghị quyết mới được coi là một cố gắng khác của LHQ nhắm mưu tìm biện pháp chống lại Bình Nhưỡng thông qua Hội đồng Bảo an. Hồi đầu tháng này, ông Marzuki Darusman, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên, đã đề nghị cơ quan LHQ có biện pháp.

Trong một bản phúc trình, ông Darusman nói, “Các nỗ lực phải được tiến hành để bảo đảm gán trách nhiệm trước Tòa án Hình sự Quốc tế cho những ai vi phạm nhân quyền, kể cả thông qua đề xuất của Hội đồng Bảo an về tình hình trong nước.”

Các nỗ lực mới của LHQ

Một số chuyên gia ở Seoul nói quyết định của LHQ nhằm tăng cường áp lực đối với Bình Nhưỡng về nhũng vụ vi phạm nhân quyền.

Ông Lee Kyu Chang thuộc Viên Thống nhất Dân tộc Triều Tiên, cơ quan nghiên cứu của nhà nước Hàn Quốc, nói, “Một nghị quyết của LHQ có thể không đưa ông Kim Jong Un ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế. Nhưng nó chuyển đi một thông điệp đến Bình Nhưỡng là họ phải ngưng những vụ vi phạm nhân quyền.”

Nghị quyết đang được thảo luận cũng kêu gọi ủng hộ các hoạt động của các văn phòng ở địa phương của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ. Cơ quan này đã mở một văn phòng ở Seoul hồi tháng 6 để điều tra về tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. Bắc Triều Tiên đã nhiều lần đưa ra những lời đe dọa nhắm vào Hàn Quốc vì đã mở văn phòng này.

Nghị quyết mới nhất của LHQ có phần chắc sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của Bình Nhưỡng. Bình Nhưỡng bác bỏ lời chỉ trích quốc tế về thành tích nhân quyền của họ. Kể từ năm 2005, năm nào LHQ cũng phê chuẩn một nghị quyết về nhân quyền chống lại Bình Nhưỡng.

Quyết định của LHQ được đưa ra vào giữa lúc có một sự nồng ấm xuất hiện trong bang giao liên Triều. Bình Nhưỡng đã không phóng hỏa tiễn tầm xa trong dịp kỷ niệm thành lập đảng được quảng bá rầm rộ hồi tuần trước bất chấp nhiều lời đồn đại là họ sẽ làm như vậy. Việc này tạo ra sự lạc quan rằng Bình Nhưỡng có thể tự chế trước các hành động khiêu khích vào lúc này. 

Hai nước Triều Tiên đang chuẩn bị cho những cuộc đoàn tụ vào tuần tới cho các gia đình bị phân ly vì cuộc chiến tranh Triều Tiên. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Ngoại trưởng Mỹ đến Trung Đông, tìm cách ngăn bạo động

Ngoại trưởng Hoa Kỳ chuẩn bị đi thăm vùng Trung Đông để tìm kiếm những cách thức nhằm phục hồi tình trạng yên tĩnh trong lúc có một làn sóng bạo động giữa người Palestine và Israel. Thông tín viên Michael Brown của đài VOA tường thuật.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby hôm thứ tư cho biết Ngoại trưởng Kerry sẽ tìm kiếm những cách thức để giảm thiểu bạo động ngõ hầu Israel và Palestine có thể cùng nhau thương thuyết cho một giải pháp hai quốc gia.

"Những gì mà ông ấy muốn làm ngay lúc này, và như quí vị đã nghe ông ấy nói về việc này ngày hôm qua, là cố gắng tìm kiếm để xem chúng ta có cách nào để giảm thiểu bạo động hay không, và để giúp phục hồi một cảm giác bình tĩnh ở đó, ngõ hầu những công việc có ý nghĩa có thể được thực hiện để tìm ra một giải pháp hai quốc gia. Nhưng ngay lúc này, chúng ta khó có thể có được một cuộc thảo luận như vậy vì đang có quá nhiều bạo động."

Trong những vụ bạo động mới đây, cảnh sát Israel hôm thứ tư giết chết một người đàn ông Palestine sau khi người này dùng dao đâm chết một phụ nữ người Israel 70 tuổi bên ngoài trạm xe buýt chính ở thành phố Jerusalem.

Một người Palestine khác bị giết chết khi tìm cách đâm một cảnh sát viên tại cổng vào Cổ thành Jerusalem.

Israel đã điều động hàng ngàn binh sĩ trên khắp nước để giúp cảnh sát ứng phó với mối đe dọa của những vụ tấn công của người Palestine.

Làn sóng bạo động giữa người Palestine và Israel đã bùng ra cách nay gần một tháng, vì những tin đồn lan truyền trong những khu xóm của người Palestine cho rằng Israel đang định chiếm Đền al-Aqsa tại một địa điểm linh thiêng ở Đông Jerusalem được cả người Hồi giáo lẫn người Do Thái tôn thờ.

Tại một cuộc họp báo mới đây ở Washington, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho rằng Israel và Palestine phải chủ động trong việc tìm kiếm hoà bình.

"Chấm dứt vụ xung đột này không phải là một việc mà Hoa Kỳ hay bất kỳ ai khác trong cộng đồng quốc tế có thể làm thay cho họ. Rốt cuộc thì việc chấm dứt cuộc xung đột này sẽ đòi hỏi cả hai bên thực hiện một số những quyết định khó khăn, một số những quyết định sẽ đòi hỏi họ phải có một sự dũng cảm đáng kể về mặt chính trị."

Hôm qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông sẵn sàng thực hiện cuộc đàm phán hoà bình, nhưng phía Palestine phải có một nhượng bộ quan trọng.

Phía Palestine cũng bất mãn vì Israel tiếp tục xây dựng khu định cư của người Do Thái ở Vùng Tây Ngạn, nơi mà Palestine muốn là một phần của quốc gia của họ trong tương lai. Nhiều người Palestine cũng không hài lòng với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Họ xem ông là một người nhu nhược và chính là lý do làm cho triển vọng có được một hòa ước dựa trên giải pháp hai quốc gia mỗi ngày một xa vời hơn. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
VN phản đối báo cáo tôn giáo của Mỹ

Việt Nam phản đối Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế, được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hàng năm.

Người phát ngôn Lê Hải Bình hôm 15/10 nói báo cáo của Mỹ “không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam”.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nói Việt Nam “vẫn hạn chế hoạt động của các nhóm tôn giáo không đăng ký, đặc biệt là những nhóm mà chính phủ tin là tham gia hoạt động chính trị”.

Ông Lê Hải Bình nói báo cáo của Mỹ “đã ghi nhận những thành tựu của Việt Nam”.

Nhưng ông chê trách Mỹ “vẫn tiếp tục đưa ra một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam”.

Ông nói: “Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách và biện pháp cụ thể để đảm bảo người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.”

Công bố báo cáo hôm 14/10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: “Thông điệp trọng tâm của báo cáo này là các nước được hưởng lợi khi công dân của họ được hưởng đầy đủ các quyền mà họ phải được hưởng.”

Đại sứ lưu động đặc trách Tự do Tôn giáo Quốc tế David Saperstein nhắc về Việt Nam trong tuyên bố hôm 14/10.

“Trong các lần đến Việt Nam, tôi tận mắt thấy các nhóm tôn giáo bị buộc phải trải qua quá trình đăng ký khó nhọc và tùy tiện để được hoạt động hợp pháp.” - BBC
|
|

6.
Hà Nội lên án Trung Quốc đánh chìm tàu cá Việt Nam --- Tại sao VN không thể bảo vệ ngư dân trên vùng biển chủ quyền?

Chính quyền Việt Nam ngày 15/10/2015 đã lên án Trung Quốc đánh chìm một tàu cá gần khu vực đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Hành động này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, một quan chức của tỉnh Quảng Ngãi, miền trung Việt Nam, qua điện thoại, cho AP biết, ngày 29/09 vừa qua, tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, ở Biển Đông, một tàu của Trung Quốc đã đâm thẳng vào một tàu cá của Việt Nam trên đó có 10 ngư dân. Chiếc tàu cá Việt Nam đã bị chìm và các thủy thủ đã được một tàu cá khác của Việt Nam cứu vớt. Cách nay hai ngày, khi các thủy thủ trở về Quảng Ngãi đã thông báo với chính quyền vụ việc trên.

Ông Hoàng tố cáo, "các hành động của Trung Quốc chống lại ngư dân tỉnh Quảng Ngãi ngày càng hung hăng và tàn bạo hơn".Vẫn theo quan chức này, từ đầu năm tới nay, hơn 20 tàu cá Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc tấn công và Việt Nam sẽ có phản đối chính thức với Trung Quốc về những hành động này.

Qua điện thoại, ông Đặng Dũng, thuyền trưởng tàu cá bị đâm chìm cho biết, ông và 9 ngư dân đang ngủ sau một đêm đánh bắt hải sản, thì tàu của ông bị đâm và 5 người Trung Quốc, mang theo dao, nhẩy sang tàu cá Việt Nam, lấy đi các thiết bị đánh cá và cả số hải sản đánh bắt được. Chiếc tàu cá Việt Nam đã bị chìm sau 12 giờ. Các ngư dân có phao cứu hộ đã lênh đênh trên biển suốt 4 tiếng đồng hồ trước khi được một tàu cá khác của Việt Nam đến cứu vớt. - RFI

***
Lại có tin tàu của ngư dân Việt Nam đánh bắt tại quần đảo Hoàng Sa bị tảu kiểm ngư Trung Quốc đâm chìm, cướp hết tài sản.

Vậy chính sách của chính phủ Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo ra sao để ngư dân có thể đánh bắt trong vùng biển truyền thống của Việt Nam?

Vụ việc mới

Số nạn nhân mới nhất là 10 ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đi trên chiếc tàu đánh bắt hải sản QNg 90352 TS do ông Đặng Dũng làm thuyền trưởng.

Tờ Người Lao Động loan tin tàu kiểm ngư Trung Quốc mang số hiệu 02 đâm trực diện tàu của ông Đặng Dũng vào ngày 29 tháng 9. Sau đó một nhóm 5 người từ tàu kiểm ngư O2 nhảy sang sử dụng dao và dùi cui điện tấn công, buộc tất cả thuyền viên về phía mũi tàu, bắt quỳ, giơ tay qua đầu và tra khảo họ suốt cả tiếng đồng hồ.

Sau đó nhóm này cướp tất cả tài sản trên tàu QNg 90352 TS chuyển sang tàu kiểm ngư 02, rồi bỏ đi trong khi chiếc tàu của ngư dân Việt Nam bị thủng, nước biển tràn vào và chìm dần.

Tàu QNg90325 TS phát tín hiệu cầu cứu và may mắn được 2 tàu cá Việt Nam hoạt động gần đó đến cứu được cả 10 thuyền viên trên chiếc tàu bị nạn. Tất cả về đến đảo Lý Sơn vào chiều ngày 12 tháng 10 vừa qua.

Chính sách ‘bám đảo, bám biển’
Một ngư dân ở Bình Châu không muốn nêu tên cho biết được tin tàu của ông Đặng Dũng bị nạn trong khi con trai ông này cũng đang đi đánh bắt tại Hoàng Sa. Ngư dân này nhắc lại Hoàng Sa là vùng biển truyền thống của Việt Nam và đi đánh bắt tại đó còn là một nhiệm vụ. Ông trình bày:

“Có chiếc bị nó đâm chìm mà (người) về rồi. Đảo Hoàng Sa của Việt Nam mình nên cứ đi miết ‘bám đảo, giữ đảo’. Nhà nước khuyến khích đi làm rồi dầu mỡ cũng có ít nhiều gì đó.  Dân cũng yêu cầu Nhà nước quan hệ làm sao để dân làm ăn cho tự do, không còn bị xua đuổi, bắt bớ.”

Theo một chuyên gia trong ngành ngoại giao Việt Nam, hiện đang tỵ nạn chính trị ở Thụy Sĩ, ông Đặng Xương Hùng, thì việc ngư dân Việt cứ ra đánh bắt tại khu vực Hoàng Sa rồi bị tấn công, cướp hết tài sản như lâu nay là một chính sách ‘thí quân’ mà Hà Nội từng thực hiện trong các cuộc chiến. Ông nói:

“Trong chiến tranh thì người cộng sản Việt Nam rất ‘thí quân’; tức để chiến thắng thì thí quân rất nhiều. Ví dụ như ở Quảng Trị và vấn đề thí quân đó đang xảy ra với ngư dân Việt Nam. Tức sử dụng ngư dân để nói lên rằng Hoàng Sa, Trường Sa vẫn là của Việt Nam. Tuyên bố đó ra với bên ngoài để giành được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, còn ngư dân thì cứ thiệt thòi không được bảo vệ từ phía quân đội Việt Nam”.

Ông Vũ Cao Phan, nguyên tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt Trung và nay là một học giả chuyên nghiên cứu về quan hệ giữa hai nước Việt Nam, Trung Quốc cho biết ý kiến của ông trước tin tàu cá của ngư dân Việt lại bị tàu của Trung Quốc tấn công cướp và đâm chìm:

“Hôm qua tôi vừa nhận được tin tổng kết của hiệp hội đánh cá là chỉ từ tháng 5 đến nay có hơn 30 vụ Trung Quốc tịch thu ngư cụ, đâm chìm tàu thuyền Việt Nam đánh cá ở vùng Hoàng Sa. Đó là một điều nhức nhối’

Biện pháp  đề xuất

Thông tin cho biết chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tiến hành một chuyến thăm Việt Nam trong tháng 10 này. Nhiều ý kiến trên mạng phản đối chuyến đi đó cho rằng không thể mời một vị khách khi họ lại là người đang chiếm biển, đảo của Việt Nam. Ngoài Hoàng Sa bị cưỡng chiếm hết vào năm 1974, thì đến nay Trung Quốc gấn như hoàn tất cải tạo những bãi và đá chiếm của Việt Nam từ năm 1988, biến những nơi đó thành đảo nhân tạo với những căn cứ kiên cố trên đó.

Tuy vậy, theo ông Vũ Cao Phan thì dịp ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam lần này là cơ hội để chính quyền Hà Nội đề cập thẳng thắng vấn đề tại Biển Đông với người đừng đầu chính phủ và đảng cộng sản Trung Quốc. Ông Vũ Cao Phan đưa ra đề xuất:

“Biện pháp mà tôi đưa ra là Việt Nam phải chủ động đề nghị Trung Quốc đàm phán về vấn đề Hoàng Sa. Trong khi đàm phán ở trạng thái hòa bình thì hai nước sẽ có những ứng xử vừa phải. Chưa nói kết quả đạt được như thế nào nhưng cần phải đàm phán. Theo tôi nghĩ trước mắt ít nhất Việt Nam phải yêu cầu Trung Quốc, thảo luận, thương lượng là quyền đánh cá của ngư dân Việt Nam tại vùng nước lịch sử đó đã hàng ngàn năm nay không thể không được dùy trì.”

Ông Đặng Xương Hùng thì đặt nghi vấn liệu Hà Nội có thể ‘thoát Trung’ được hay không:

“Về chính sách của Việt Nam thì tôi nghĩ cho đến lúc này với việc ký kết TPP vừa rồi, Việt Nam muốn lợi dụng thế của Mỹ để cân bằng, để tránh khỏi bị o ép trong quan hệ tay đôi với Trung Quốc. Tuy nhiên việc Việt Nam có thực sự muốn thoát hẳn khỏi Trung Quốc hay không thì đó là vấn đề mà tôi muốn đặt câu hỏi. Tôi cũng thắc mắc về ý đồ Việt Nam có muốn thoát khỏi Trung Quốc hay không. Do đó chuyến đi của ông Tập Cận Bình lần này là mẫu thử xem xét tình hình Việt Nam có thực sự muốn thoát khỏi Trung Quốc hay không, hoặc cứ muốn chơi con bài ‘đung đưa’ trong quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc.”

Trong khi đó thì ông Vũ Cao Phan lại cho rằng quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có khác khi so quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines chẳng hạn. Vì vị trí địa lý của Việt Nam và Trung Quốc liền kề nhau.

“Quan hệ giữa hai nước Việt-Trung không thể không hữu nghị, không thể không dựa vào nhau; nhưng cách thức như thế nào đó để Trung Quốc phải hiểu Việt Nam chứ không phải Trung Quốc muốn nói thế nào, muốn làm thế nào thì Việt Nam cũng phải nghe theo. Quan điểm này của tôi khác với nhiều người, ngay cả ở cấp lãnh đạo. 
Tôi không còn làm việc ở Hội Hữu nghị Việt-Trung nữa nhưng tôi còn làm việc với tư cách một học giả và trong những cuộc họp giữa hai bên tôi đều nói hai nước cần có quan hệ tốt vì hai nước không thể thay đổi lịch sử và hai nước láng giềng ở cạnh nhau và chúng ta phải như thế.

Việt Nam đồng ý nhân nhượng Trung Quốc ở điểm này, điểm khác; nhưng không thể khuất phục với kiểu Trung Quốc muốn áp đặt làm theo ý Trung Quốc. Trung Quốc muốn thế nào thì nói như  thế.

Cái cách Trung Quốc (nói), tôi phải nói, nhiều khi không chính xác mà thậm chí có khi sai hẳn đi. Ví dụ nói Việt Nam hiện nay dựa vào Mỹ và Nhật để chống Trung Quốc. Không có chuyện đó, nếu nói đúng hơn, chính hành xử của Trung Quốc đã đẩy Việt Nam vào lòng các nước khác.”

Hồi giữa tháng sáu vừa qua, ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc họp phiên thứ 8 tại Bắc Kinh. Trong dịp đó, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Việt Nam Pham Bình Minh khi gặp thủ tướng Lý Khắc Cường có yêu cầu Bắc Kinh kiểm soát tốt bất đồng ở Biển Đông, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Yêu cầu đó hầu như không hề được đáp ứng. - RFA

No comments:

Post a Comment