Wednesday, October 21, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 21/10

Tin Thế Giới

1.
Lãnh đạo Syria Assad bất ngờ tới Nga gặp Tổng thống Putin

Tối ngày 20/10/2015, lãnh đạo chính quyền Syria có cuộc hội kiến với đồng nhiệm Nga tại Moscow. Chuyến công du nói trên chỉ được Phủ Tổng thống Nga loan tin sáng hôm sau, sau khi ông Bachar al-Assad đã trở lại Damas.

AFP dẫn lại các hình ảnh truyền hình Nga, theo đó, Tổng thống Syria ca ngợi cuộc can thiệp quân sự của Nga, giúp cho việc ngăn chặn "chủ nghĩa khủng bố". Về phần mình, Tổng thống Nga nhấn mạnh, một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Syria là có thể, với "sự tham gia của tất cả các lực lượng chính trị, sắc tộc, tôn giáo" của đất nước, và tiếng nói cuối cùng "thuộc về nhân dân Sỷia".

Người phát ngôn của điện Kremlin cho biết nhiều chủ đề đã được hai bên đưa ra thảo luận một cách "tương đối sáng tỏ", Tổng thống Nga đã được ông Assad "thông báo chi tiết về tình hình tại Syria và các viễn cảnh sắp tới". Một trong các vấn đề khiến Nga lo ngại là, trong hàng ngũ của quân "khủng bố", có khoảng 4.000 chiến binh xuất thân từ Nga và nhiều nước thuộc Liên Xô cũ trước đây.

Một giai đoạn chuyển tiếp 6 tháng

Các nỗ lực ngoại giao cho một giải pháp chính trị tại Syria tiếp tục. Theo Reuters, hôm 20/10/2015, hai giới chức cao cấp của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ xin ẩn danh cho biết, Ankara sẵn sàng chấp thuận một giai đoạn chuyển tiếp chính trị với thời hạn 6 tháng, sau thời gian đó, Tổng thống Assad phải rời bỏ quyền lực.

Vẫn theo nguồn tin nói trên, Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục thương thuyết với Mỹ và các đồng minh khác, trong hiện tại chưa có được đồng thuận về thời điểm mà giai đoạn 6 tháng chuyển tiếp sẽ bắt đầu, nhưng Hoa Kỳ đã chuyển đề nghị này cho phía Nga.

Hôm nay, trong một cuộc họp báo Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu khẳng định lập trường của Ankara là giai đoạn chuyển tiếp chính trị tại Syria có thể diễn ra với hai khả năng, hoặc có sự tham gia của Tổng thống Assad, hoặc không, nhưng điều quan trọng là phải bảo đảm được là ông ta sẽ ra đi. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan hồi tháng trước nhấn mạnh: người Syria không thể nào chấp nhận một kẻ độc tài đã mang lại cái chết cho 350.000 người. - RFI
|
|

2.
Hai nhà ngoại giao TQ bị giết ở Cebu, Philippines

Hai nhà ngoại giao Trung Quốc đã thiệt mạng, một người khác bị thương sau khi một phụ nữ nổ súng tại một nhà hàng ở thành phố Cebu, Philippines.

Phó lãnh sự và một người phụ trách tài chính tại lãnh sự quán Trung Quốc ở Cebu bị giết.

Viên tổng lãnh sự bị thương và đang trong bệnh viện, theo lời cảnh sát.

Một phụ nữ bị bắt tại chỗ.

Cảnh sát nói họ đang tìm hiểu động cơ vụ nổ súng.

Nghi phạm được nói là một phụ nữ người Trung Quốc.

Người phụ nữ này làm việc tại lãnh sự quán Trung Quốc, theo một phát ngôn nhân cảnh sát nói với hãng tin AFP.

Vụ nổ súng xảy ra lúc 13:30 giờ địa phương tại một nhà hàng phục vụ món ăn Philippines.

Người phụ trách nhà hàng, Stephen John Patero, cho biết các vị khách ăn trong một phòng riêng ở nhà hàng.

“Chúng tôi không thấy vụ bắn nhau. Nghe nhiều tiếng súng nổ,” ông nói với AFP.

Người phát ngôn của sứ quán Trung Quốc tại Manila nói bà chưa thể bình luận. - BBC
|
|

3.
Quan hệ Anh-Trung 'lên tầm cao mới'

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói ông tin tưởng chuyến thăm của mình sẽ đưa quan hệ Anh-Trung Quốc lên một “tầm cao mới”.

Ngày làm việc đầu tiên trong chuyến thăm Anh kéo dài bốn ngày, ông Tập Cận Bình cho biết quan hệ giữa Anh và Trung Quốc ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn và cùng trong một “cộng đồng chia sẻ lợi ích”.

Tại dạ tiệc ở cung điện Buckingham, Nữ Hoàng Anh nói đây là “năm đặc biệt trong quan hệ song phương hai nước”.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh ngành thép của Anh mất hàng loạt việc làm, nguyên nhân được cho là vì thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Công ty thép Tata của Anh vừa công bố hàng loạt cắt giảm mới nhất, giảm 1.200 việc làm tại các nhà máy ở Scunthorpe và Lanarkshire. Thủ tướng Anh David Cameron nói ông nêu vấn đề về ngành thép trong cuộc nói chuyện với chủ tịch Tập Cận Bình.

Phát biểu với người đồng cấp và các thành viên của Quốc hội tại Royal Gallery ở Westminster, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói dù chuyến thăm của ông mới bắt đầu, nhưng ông “ấn tượng sâu sắc với sức sống của mối quan hệ Trung Quốc-Anh”.

Ông Tập phát biểu: “Dù Trung Quốc và Anh nằm ở hai đầu đối lập của lục địa Á-Âu, nhưng chúng ta chia sẻ những tình cảm sâu đậm lâu dài.”

Trong bài diễn văn 11 phút, ông Tập trích dẫn Shakespeare cũng như những thành ngữ cổ của Trung Quốc, và nhắc lại sự tham chiến của quân đội Trung Quốc trong cuộc đổ bộ lên bãi biển Normandie trong Thế Chiến II.

Ông cũng được giới thiệu bởi Chủ tịch Hạ viện John Bercow, người từng ca ngợi lãnh đạo đảng đối lập Myanmar, bà Aung San Suu Kyi và “quyền tự do bẩm sinh của con người”.

Biên tập viên Trung Quốc của BBC Carrie Gracie nói đây có thể xem như là bóng gió mỉa mai vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân, bà Bành Lệ Viện, sau đó đã tới Clarence House để gặp gỡ, dùng trà cùng Thái tử xứ Wales và Nữ Công tước Cornwall.

Sau đó, ông Tập đã gặp Công tước Cambridge tại điện Buckingham, và tham dự Quốc yến.

Tại buổi tiệc, Nữ Hoàng Anh ca ngợi “cột mốc” trong chuyến viếng thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình và tuyên bố quan hệ Anh-Trung Quốc đã được “nâng lên một tầm cao mới đầy tham vọng”.

Nữ hoàng ca ngợi sự phát triển nhanh của Trung Quốc đã đưa “hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo khó”; và nói quan hệ giữa Anh và Trung Quốc giờ đây thực sự là “đối tác toàn cầu”.

Trước đó, ông Tập cũng đã được Nữ Hoàng, Công tước Edinburgh và thủ tướng Cameron chào đón trong buổi duyệt binh Horse Guards Parade, với 41 loạt đại bác chào mừng gần công viên Green Park.

Sau đó, ông Tập tham gia một lễ rước dọc theo đại lộ The Mall, đến điện Buckingham ăn trưa với Nữ hoàng.

Ông Tập có buổi nói chuyện với Jeremy Corbyn, lãnh đạo đảng Lao Động đối lập. Ông nói lãnh đạo đảng đã nêu ra nhiều vấn đề, từ nhân quyền đến ngành thép trong một buổi thảo luận “thân mật và có tính xây dựng”.

Những người biểu tình tập trung dọc đại lộ The Mall và bên ngoài Quốc hội, gồm những thành viên đến từ nhóm Chống Trung Quốc – giành Tự Do cho Tây Tạng, và các nhóm nhân quyền từ Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế.

Đám đông người biểu tình chống Trung Quốc và những người ủng hộ Trung Quốc cũng tập trung bên ngoài điện Buckingham.

Tường thuật từ hiện trường

Ben Geoghegan, phóng viên tin tức BBC

Những người ủng hộ ông Tập Cận Bình đông hơn hẳn nhóm người biểu tình vì nhân quyền. Vậy tại sao phải nỗ lực chặn biểu ngữ và chuyển hướng sự chú ý khỏi người biểu tình?

Trong rất nhiều dịp, tôi thấy cờ Trung Quốc cỡ lớn “di chuyển một cách có chiến thuật” để che khuất các biểu ngữ và áp phích của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, Pháp Luân Công và các phong trào Tự Do cho Tây Tạng.

Khi tôi phỏng vấn hai sinh viên nữ, một người đàn ông xuất hiện và yêu cầu các cô này di chuyển đến một vị trí khác vì sau lưng họ có một biểu ngữ chống Tập Cận Bình.

Nhóm phóng viên quay phim của tôi nhận thấy cờ Trung Quốc liên tục được vẫy trước ống kính khi họ cố gắng quay phim những người biểu tình.

Cờ ủng hộ Trung Quốc rất to, trống đánh lớn. Một số người ủng hộ ông Tập dường như quyết tâm làm cho đối thủ của họ không được ai nhìn thấy và không thể phát biểu gì.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond bác bỏ cáo buộc rằng chính phủ quá ngây thơ, và cho rằng “vì lợi ích quốc gia chúng ta phải có quan hệ với Trung Quốc”.

Ông nói: “Tôi nghĩ chúng ta đang phát triển một mối quan hệ chín chắn với Trung Quốc. Họ biết chúng ta không chỉ trông vào Trung Quốc mà còn hướng đến rất nhiều quốc gia để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng ở Anh.”

Chuyến đi đã được lãnh đạo hai nước ca ngợi sẽ bắt đầu cho “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ song phương.

Các công ty Trung Quốc được phép sở hữu cổ phần trong nhà máy điện nguyên tử của Anh. Chuyến đi tuần tới của ông Cameron và ông Tập Cận Bình tới Manchester được trông đợi sẽ đem lại đầu tư mới vào dự án phát triển miền Bắc của Anh quốc.

Nhưng chuyến viếng thăm diễn ra sau bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9%, đợt tăng trưởng thấp nhất của quốc gia này kể từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Theo thông lệ trao đổi quà tặng trong thăm cấp quốc gia, Nữ Hoàng Anh tặng chủ tịch Trung Quốc một tuyển tập thơ sonnet của Shakespeare và hoàng gia nhận quà tặng là hai album nhạc dân ca từ Đệ nhất phu nhân Trung Quốc.

Người ta nói ông Tập rất hâm mộ nhà thơ vĩ đại, và bà Bành Lệ Viện là một ca sĩ được yêu mến ở quê nhà. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Jim Webb rút khỏi cuộc đua tổng thống

Jim Webb, cựu thượng nghị sĩ bang Virginia, hôm thứ Ba loan báo rút khỏi cuộc đua của Đảng Dân chủ tranh cử tổng thống.

Ông Webb đưa ra tuyên bố này tại một cuộc họp báo ở Washington nhưng để ngỏ khả năng tranh cử tổng thống trong tư cách ứng cử viên độc lập. Ông Webb nói ông sẽ nói chuyện với một số người trong những tuần tới trước khi đưa ra quyết định.

Ông Webb phản đối cuộc chiến tại Iraq nhưng có quan điểm bảo thủ về vấn đề kiểm soát súng và những vấn đề khác khiến ông lạc lõng với nhiều cử tri Dân chủ.

"Tôi hoàn toàn chấp nhận rằng quan điểm của tôi về nhiều vấn đề không tương thích với cấu trúc quyền lực và cơ sở đề cử của Đảng Dân chủ," ông Webb nói. "Đảng đó có hàng triệu người Mỹ cần cù và tận tâm. Nhưng cấp lãnh đạo của đảng không thoải mái về nhiều chính sách mà tôi đã đề ra, và thực sự thì tôi cũng không thoải mái với nhiều chính sách họ. Vì lý do này tôi rút tên khỏi bất kỳ sự cứu xét nào để trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ cho chức tổng thống. "

Sau tuyên bố rút khỏi cuộc đua của ông Webb, Đảng Dân chủ còn lại bốn ứng cử viên, với những người đang dẫn đầu là bà Hillary Clinton, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont, cựu thống đốc bang Maryland Martin O'Malley và cựu thống đốc bang Rhode Island Lincoln Chafee.

Thông báo của ông Webb được đưa ra trong khi Đảng Dân chủ đang chờ đợi quyết định của Phó Tổng thống Joe Biden là có tham gia tranh cử hay không. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Trung Quốc viện trợ 150 triệu đôla cho Campuchia

Thủ tướng Campuchia Hun Sen mới đây có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh để nhận một khoản tài trợ trị giá hơn 150 triệu đôla. Phần lớn số tiền đó sẽ được dùng để xây dựng một khu liên hiệp thể thao và giải trí ở Phnom Penh, một quan chức cấp cao Campuchia cho biết.

Trước đó ngày 10/10, tờ Khmer Times cho biết, Thủ tướng Hun Sen sẽ được một trường đại học Trung Quốc trao bằng Tiến sĩ danh dự về văn học Khmer.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Campuchia Sry Thamrong nói rằng, Đại học Dân tộc Quảng Tây nhận thấy ông Hun Sen đã rất xuất sắc trong việc lãnh đạo, thống nhất Campuchia và thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ với Trung Quốc.

Ông Hun Sen đã đến Trung Quốc để tham dự một loạt các hội nghị quốc phòng, thương mại và du lịch. Thủ tướng Campuchia có cuộc gặp với ông Tập Cận Bình tuần trước để ký kết các hiệp định giữa hai nước, theo một bài viết trên trang mạng xã hội Facebook của Thủ tướng Campuchia.

Trong suốt sự kiện này, Trung Quốc cam kết sẽ nhập khẩu 100.000 tấn gạo từ Campuchia mỗi năm, bắt đầu từ năm 2016; xây dựng một bệnh viện ở tỉnh Tbong Khmum, và cung cấp 1 tỉ nhân dân tệ (khoảng 157 triệu đôla) dưới hình thức tài trợ.

Ông Vath Chamroeun, tổng thư ký Ủy ban Olympic quốc gia Campuchia, cho biết hôm thứ Sáu tuần trước rằng gần 100 triệu đôla trong khoản tài trợ sẽ được sử dụng cho giai đoạn 2 của công trình xây dựng khu Liên hiệp Thể thao Quốc gia Morodok Techo, bao gồm sân vận động chính.

Với vai trò chủ trì SEA Games 2023, chính phủ Campuchia đã bắt đầu xây dựng khu Liên hiệp Thể thao trên diện tích 85ha ở bán đảo Chroy Chang¬va, Phnom Penh, từ năm 2013 với chi phí khoảng 39 triệu đôla.

Trong khi một công ty của Thượng nghị sĩ Ly Yong Phat đã được lựa chọn để thực hiện giai đoạn đầu của công trình, dự kiến hoàn thành vào năm 2016, các hạng mục nằm trong giai đoạn 2 sẽ được thực hiện bởi một công ty xây dựng Trung Quốc và được Trung Quốc chỉ định, ông Cham¬roeun cho biết.

“Đây không chỉ là một sân vận động thể thao, nó còn là một khu vui chơi giải trí với tường bao quanh giống như Angkor Wat”, ông nói.

Trong một sự kiện riêng biệt ở Phnom Penh hôm thứ Sáu tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia, bà Bu Jianguo, đã thay mặt chính phủ trao các thiết bị văn phòng trị giá hơn 126 triệu đôla cho Bộ Ngoại giao Campuchia.

Sau khi cảm ơn bà Bu về các thiết bị văn phòng, bao gồm máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy in laser và máy photocopy, ông Namhong nhấn mạnh sự phụ thuộc tài chính của Campuchia vào Trung Quốc.

Ông Namhong nói: “Nền kinh tế Campuchia không thể bị cắt đứt khỏi sự trợ giúp của người dân và chính phủ Trung Quốc”. - VOA
|
|

6.
TQ cảnh cáo 'phản ứng quyết liệt' đối với các cuộc tuần tra của Mỹ

Thông tấn xã nhà nước Trung Quốc cảnh cáo Hoa Kỳ sẽ phạm một ‘sai lầm nghiêm trọng’ nếu hải quân Mỹ xúc tiến các cuộc tuần tra gần các hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Tân Hoa Xã hôm nay nói rằng hành động đó có thể leo thang căng thẳng, dẫn tới ‘những sự hiểu lầm nguy hiểm’ giữa quân đội hai nước, đẩy Trung Quốc tới chỗ phải ‘phản ứng một cách tương xứng và quyết liệt’.

Căng thẳng đã tăng cao trong năm qua trong bối cảnh Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và cho xây 3 phi đạo trên các hòn đảo và bãi đá trên quần đảo Trường Sa trong vùng biển mà Philippines và nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam cũng tuyên bố là thuộc chủ quyền của mình.

Bắc Kinh nói họ xây các cơ sở của là để dùng vào các mục đích nhân đạo, đồng thời biện minh hành động của họ bằng cách tố cáo ngược lại rằng các nước khác, kể cả Việt Nam, cũng đã xây dựng các cơ sở tại đó.

Sau khi cuộc hội kiến giữa Tổng Thống Obama và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Tòa Bạch Ốc thất bại, không đưa ra được một giải pháp cho cuộc tranh chấp khu vực, Mỹ cam kết sẽ hành động để bày tỏ sự bất bình của mình về các hành động bành trướng của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter tuần trước cho biết Hoa Kỳ có kế hoạch điều tàu vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo mà Trung Quốc mà mới bồi đắp tại Trường Sa, ông tố cáo Bắc Kinh đang quân sự hoá các cơ sở tại đây và nhấn mạnh rằng vùng biển này là biển quốc tế và Washington sẵn sàng bảo vệ ‘quyền tự do hàng hải’ trong khu vực.

Bắc Kinh một mực khẳng định các cơ sở đó không được quân sự hoá và chỉ được sử dụng vào các mục đích dân sự, và còn đảm bảo an toàn và tự do hàng hải cho tàu bè qua lại. Một giới chức Trung Quốc mới đây còn nói rằng các ngọn hải đăng mà nước ông mới xây sẽ tạo điều kiện giúp việc tìm kiếm chiếc máy bay của Hãng Hàng Không Malaysia MH-370 bị mất tích.

Phát biểu tại một diễn đàn an ninh cấp cao ở Bắc Kinh hôm 17/10, Phó Chủ tịch Quân Uỷ Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long tuyên bố Bắc Kinh sẽ không bao giờ dùng vũ lực một cách thiếu suy xét ở biển Đông.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Phạm nói Trung Quốc sẽ ‘không bao giờ sử dụng vũ lực liều lĩnh, ngay cả để bảo vệ chủ quyền ở biển Đông’. Ông nói Bắc Kinh sẽ cố gắng hết sức để tránh các cuộc xung đột không mong muốn, và sẽ tìm cách giải quyết tranh chấp và bất đồng với các bên liên quan thông qua đối thoại.

Nhưng hôm nay Tân Hoa Xã nói hành động của Mỹ điều tàu chiến tới gần các đảo tân tạo sẽ khiến Trung Quốc ‘không có một sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường khả năng phòng vệ’. Cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc còn nói rằng lập trường cứng rắn của Washington đã khuyến khích Philippines, một đồng minh của Mỹ, đưa ra thêm những ‘bước hành động có tính cách khiêu khích khác để thách thức Bắc Kinh’.

Manila nhiều lần lên án các công trình xây cất của Trung Quốc trong khu vực, và năm nay đã tăng ngân sách quốc phòng để đối phó với mối đe doạ từ Trung Quốc.

Các chuyên gia Trung Quốc tin rằng nếu tàu Mỹ tiến vào vùng biển ‘nhạy cảm’, các tàu Trung Quốc sẽ cảnh cáo và tìm cách đưa tàu Mỹ ra khỏi vùng biển này. Tuy nhiên một bài viết trên tờ Hoàn Cầu Thời báo, một tờ báo có lập trường diều hâu, nói rằng nếu Mỹ xâm phạm điều mà họ gọi là ‘các quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc, thì quân đội nhân dân Trung Quốc sẽ phản ứng và dùng vũ lực để ngăn lại’.

Trong khi đó tin của quân đội Trung Quốc cho hay là trong tuần này, các giới chức hải quân cấp cao của Mỹ thuộc một phái đoàn 27 người đã tới thăm Tàu sân bay Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Quốc, giữa lúc hai cường quốc tìm cách duy trì các quan hệ quân sự, bất chấp căng thẳng tiếp tục tăng cao một cách đáng ngại.

Tin này không được báo chí Trung Quốc tường trình rộng rãi cho tới ngày hôm nay, thứ Tư 21/10.

Trong mấy ngày qua, hải quân Mỹ đã phô trương lực lượng từ biển Tây Philippines cho tới Ấn Độ dương, Washington đã phái nhiều hàng không mẫu hạm tới tập trận với các đồng minh ở vùng Vịnh Tokyo và Vịnh Bengal.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Reuters trước đây trong tuần, Chủ tịch Tập Cận Bình nói các hòn đảo ở Trường Sa đã ‘thuộc lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa’, và ‘nhân dân Trung Quốc sẽ không cho phép bất cứ ai xâm phạm chủ quyền của mình và các quyền liên quan’.

Tình hình Biển Đông đang trở thành một điểm nóng nguy hiểm, theo ông Willy Lam, một chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Thành thị Hong Kong, giữa lúc Tổng Thống Obama dường như ngày càng nghiêng về lập trường của Bộ trưởng Quốc phòng Carter, theo đó Hoa Kỳ cần có hành động quyết liệt, dứt khoát trước các hành động lấn chiếm biển đảo của Trung Quốc trong khu vực. - VOA

No comments:

Post a Comment