Friday, October 2, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 2/10

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc siết chặt kiểm duyệt sau các vụ đánh bom ở Quảng Tây

Giới hữu trách ở Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp kiểm duyệt truyền thông trong nước tường thuật về những vụ đánh bom gây chết người ở tỉnh Quảng Tây, trong đó có 7 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương vào trước ngày lễ Quốc Khánh.

Một thông cáo của cục tuyên truyền trung ương công bố hôm qua hạn chế tất cả các cơ quan truyền thông Trung Quốc, kể cả mạng truyền thông xã hội, không được gửi phóng viên đến Liễu Châu hay đăng tải các bài tường thuật đặc biệt trong khi một thông cáo khác của cục phụ trách không gian ảo cấm việc sử dụng các hình ảnh cận cảnh về các vụ nổ.

Chỉ thị được một hãng tin độc lập là China Digital Times, chuyên tường thuật về các chính sách kiểm duyệt, trích dẫn nói rằng: “Chỉ đăng tải lại các nguồn tin có thẩm quyền như Xinhua News… Những người vi phạm phải điều chỉnh ngay tức khắc vấn đề này và xóa bỏ các bài đã đăng”.

Các từ khóa tìm kiếm có liên quan đến các vụ nổ hay nghi can trên các cổng thông tin và mạng truyền thông xã hội như Weibo sau đó đã bị kiểm duyệt gắt mặc dù công an đã xác định bản chất những vụ nổ là “hình sự”.

Giới phê bình nói việc chính quyền Trung Quốc giảm thiểu việc lan truyền tin xấu hay khả năng phổ biến tin đồn là chuyện thường tình, nhất là khi các vụ nổ lại xảy ra vào một thời điểm nhạy cảm trước ngày ăn mừng lễ Quốc Khánh.

Họ cũng lo ngại tin xấu có thể châm ngòi cho những ảnh hưởng chính trị hay gây phương hại cho thanh danh của nhà nước vì nó chứng tỏ chính phủ đã không quảng bá pháp trị một cách hữu hiệu, theo lập luận của nhà bỉnh bút Willy Lam làm việc tại Hồng Kông.

Ông Lam nói: “Đó là một thí dụ nữa về các công dân bất mãn sử dụng các phương tiện riêng và rất bạo động cho hả sự bất mãn bởi vì họ không có cách nào khác để có được công lý về những vấn đề nghiêm trọng với các tòa án Trung Quốc thường bị chính trị hóa một cách nặng nề”.

Ông Lam nói thêm rằng dân chúng Trung Quốc đã mất tin tưởng vào hệ thống pháp lý, đặc biệt trong trường hợp ở các vùng nông thôn như Liễu Châu, nơi tòa án có phần chắc nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng sản.

Về việc điều tra các vụ nổ, giới hữu trách ở Liễu Châu không cung cấp tin tức cập nhật trong ngày hôm nay.

Nhưng họ đã xác nhận ông Ngụy Ngân Dũng, 33 tuổi, ở thị trấn Đả Phố Lộ, là nghi can chính và đưa tên đương sự vào danh sách truy nã.

Theo một thông cáo của cảnh sát, đăng trên nhật báo Southern Metropolis, ông Ngụy là một người ở địa phương thuộc xã Cần Kiệm ở Đả Phố Lộ. Ông ta đã làm việc tại một mỏ đá gần đó và đã từng đi du hành Thái Lan hồi đầu tháng 12.

Một bản tin khác của nhật báo này nói ông Ngụy là một quản đốc về chất nổ tại mỏ đá, nơi cha vợ và vợ cũng làm việc. Ông ta đã từng bị tù một năm vì đã đăng những lời bình phẩm trên mạng và bị kết tội “gây rối trật tự công cộng”.

Truyền thông địa phương tường thuật rằng trước khi xảy ra những vụ nổ, ông Ngụy bị phát hiện đã đăng những lời bình quá khích như “Đã đến lúc phải giết. Chính chính quyền địa phương đã buộc tôi phải sử dụng phương tiện này”.

Trong khi đó, hai trong số những người bị thương nói với nhật báo này rằng họ đã được cho tiền để giao những kiện hàng cho một người lạ. Một người nói kiện hàng đã nổ sau khi anh ta mở nó ra theo lời yêu cầu của người nhận trong khi một người khác nói rằng kiện hàng phát nổ sau khi anh ta quay lại xe khi không tìm thấy người nhận tại một trường tiểu học. - VOA
|
|

2.
Trung Quốc lần đầu tiên phái tàu ngầm hạt nhân tuần tra chiến đấu --- Triển khai sang Biển Đông: Tàu chiến Ấn Độ thăm cảng Đà Nẵng

Một tàu ngầm loại 094 của Trung Quốc, được trang bị phi đạn có khả năng bắn tới Hoa Kỳ, có thể đã bắt đầu tuần tra chiến đấu, theo một nguồn tin ở Hồng Kông.

Quân đội Giải phóng Nhân dân, một tờ báo nhà nước của Trung Quốc, cho biết, ông Lưu Minh Lợi, ủy viên chính trị của Hạm đội Nam Trung Hoa của Bắc Kinh, đã khen thưởng công trạng hạng nhất cho 41 thành viên của căn cứ hải quân Vịnh Yalong trên đảo Hải Nam. Theo tờ Minh Báo của Hồng Kông, lễ trao thưởng chứng tỏ Trung Quốc phái các tàu ngầm nguyên tử lớp Jin thực hiện cuộc tuần tra chiến đấu lần đầu tiên.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Ngũ Giác Đài cho biết hồi tháng 9 rằng Hải quân Trung Quốc có thể sẽ triển khai một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo JL-2 nhưng không đưa ra ngày cụ thể.

“Khả năng duy trì tuần tra răn đe liên tục là cột mốc quan trọng đối với vũ khí hạt nhân”, ông Larry Wortzel, thành viên của Ủy ban Giám sát An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung do quốc hội Mỹ thành lập, nói với Bloomberg ngày 24/9. “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ công bố khả năng này nhằm phô trương sức mạnh và uy tín”.

Ủy ban Giám sát An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung cho biết, phái tàu tuần tra là một bước tiến quan trọng đối với Trung Quốc.

Các tên lửa JL-2 có tầm bắn 4.600 dặm và có thể bắn tới Alaska nếu khai hỏa từ khu vực gần Nhật Bản, và tất cả 50 tiểu bang của Hoa Kỳ nếu bắn từ vùng biển phía đông của Hawaii.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, 41 thành viên của căn cứ hải quân Vịnh Yalong đã phóng thành công tên lửa JL-42 SLBMs từ tàu ngầm loại 094 hồi tháng 11 năm 2013 và đã được ghi nhận với giải thưởng đầu tiên.

Ông Anthony Wong, chủ tịch Hiệp hội Quân sự Quốc tế Macau, cho biết, Trung Quốc đã bắt đầu phát triển các tàu ngầm loại 094 vào năm 1985, và lần đầu tuần tra vào năm 2005, nhưng Bắc Kinh đã vấp phải trì hoãn trong việc phóng thử tên lửa JL-2.

Tàu ngầm của Trung Quốc sẽ cần phải đi qua các rạn san hô ở Biển Đông để không bị các máy bay trinh sát tầm ngắn của Hoa Kỳ phát hiện. - VOA

***
Hải quân Ấn Độ, ngày hôm nay, 02/10/2015 thông báo, tàu chiến INS Sahyadri tới thăm cảng Đà Nẵng, miền trung Việt Nam, trong vòng bốn ngày. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chiến dịch triển khai hải quân tới khu vực Biển Đông và trong chính sách "Hướng đông" của New Delhi.

Theo báo Economic Times, chuyến thăm cảng Đà Nẵng của tàu Sahyadri nhằm mục đích tăng cường quan hệ song phương, nâng cao khả năng phối hợp hành động giữa hải quân hai nước. Tháng 08/2014, các tàu chiến của Ấn Độ đã ghé thăm cảng Hải Phòng, miền bắc Việt Nam.

Tàu Sahyadri thuộc lớp Shivalik, đã được đưa vào sử dụng từ năm 2012. Theo Hải quân Ấn Độ, đây là loại tàu đa năng và được trang bị một hệ thống vũ khí hiện đại, như tên lửa tầm xa chống hạm, các loại tên lửa phòng không tầm trung và tầm ngắn, nhiều loại pháo đối phó với các mối đe dọa trên không và trên bộ. Bên cạnh đó, tàu còn có thêm hai trực thăng đa năng nâng cao đáng kể sức mạnh hỏa lực.

Trong thời gian thăm cảng Đà Nẵng, nhiều hoạt động hợp tác giữa hải quân hai nước được dự kiến, như trao đổi gặp gỡ với chỉ huy hải quân Việt Nam, đón tiếp người dân lên thăm tàu. Hải quân hai nước sẽ tiến hành tập trận chung để nâng cao khả năng phối hợp trao đổi thông tin cũng như trong các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Sau Đà Nẵng, tàu Sahyadri sẽ tới vịnh Sagami, Nhật Bản để tham dự Lễ Duyệt binh Hải quân (International Fleet Review).

Để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, năm 2003, Ấn Độ và Việt Nam đã thiết lập cơ chế "Đối thoại an ninh". Năm 2007, hai nước ký Thông cáo chung về việc "Thiết lập quan hệ đối tác chiến lược" và năm 2009, New Delhi và Hà Nội ký "hợp tác quốc phòng". Các tài liệu nói trên làm cơ sở cho việc tăng cường hợp tác hải quân giữa hai nước. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
CIA 'rút nhân viên khỏi Bắc Kinh'

CIA rút nhân viên ra khỏi sứ quán tại Bắc Kinh, Trung Quốc vì sợ dữ liệu bị ăn cắp có thể làm lộ điệp viên của họ, theo báo Washington Post.

Hồi tháng Tư, dữ liệu về 21 triệu nhân viên chính phủ Mỹ đã bị đánh cắp từ Văn phòng quản lý nhân sự Mỹ (OPM).

Các công ty an ninh cho rằng tin tặc Trung Quốc là thủ phạm.

Nhân viên cơ quan tình báo Mỹ CIA giấu tên nói với báo Washington Post quyết định rút khỏi Bắc Kinh là nhằm “đề phòng”.

CIA từ chối bình luận chính thức.

Vụ đánh cắp dữ liệu ở OPM không có thông tin về nhân viên CIA, nhưng có hồ sơ kiểm tra nhân thân nhân viên của Bộ ngoại giao.

Tờ báo Washington Post nói những người làm việc ở sứ quán Mỹ nhưng không bị bộ ngoại giao Mỹ kiểm tra chính là người của CIA. - BBC
|
|

4.
Bão Joaquin tăng cường độ thành bão cấp 4

Bão Joaquin đã gia tăng cường độ khi nó quét qua quần đảo Bahamas hôm thứ Năm và trở thành bão cấp 4 "cực kỳ nguy hiểm," Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) cho biết.

Joaquin, với sức gió trung bình là 205 km/giờ, đã gây nên mưa lớn, lũ nhỏ và nước triều dâng cao đáng kể khi nó ập vào những hòn đảo thưa dân ở trung tâm và phía đông.

Đây là cơn bão thứ ba trong mùa bão Đại Tây Dương của năm 2015.

Nhà chức trách ở các bang dọc Bờ Đông của Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị đón bão, có thể sẽ đổ bộ vào đầu tuần sau, gần ba năm sau khi Siêu bão Sandy tàn phá bang New York và New Jersey, làm thiệt mạng hơn 120 người và gây thiệt hại tài sản khoảng 70 tỉ đôla.

Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ ở thành phố Miami cho biết cơn bão Joaquin sẽ hoành hành ở trung tâm quần đảo Bahamas với gió và mưa suốt đêm ngày thứ Năm, nói thêm rằng San Salvador, Đảo Cat và Rum Cay dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất trước khi cơn bão chuyển lên hướng bắc tiến về phía Mỹ.

Cơ quan dự báo cho biết nước triều bão sẽ dâng lên từ 1,5 tới 3 mét ở trung tâm Bahamas, có thể lên đến 51 centimét nước mưa ở một số khu vực.

Grand Bahama, New Providence

Trước đó, một cảnh báo bão đã được ban hành cho hai hòn đảo Grand Bahama và New Providence, nơi tập trung đa số dân cư hơn 375.000 người của đảo quốc này.

Khó dự đoán được đường đi của bão Joaquin sau khi quét qua Bahamas. Nhưng ít nhất một mô hình máy tính dự đoán nó đi thẳng vào Vịnh Chesapeake của bang Virginia và Maryland vào Chủ nhật và Thứ hai trong khi xuống thành bão cấp 2. Đó sẽ là tin xấu cho những thành phố lớn nằm trong đất liền như Washington, Baltimore và Philadelphia.

Một dự báo khác cho thấy nó đi ra ngoài biển, cách xa bờ.

Trong một sự kiện riêng biệt, một hệ thống áp thấp bao phủ vùng ven Bờ Đông được dự báo sẽ trút vài centimét nước mưa trong ngày thứ Năm và thứ Sáu. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Định chế nước ngoài tăng điểm Thủ tướng Việt Nam

Được hưởng nhiều ưu đãi

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được các định chế nước ngoài, vốn là các chủ nợ của Việt Nam, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài cho hưởng nhiều ưu đãi, giúp ghi điểm về tình hình kinh tế trước kỳ Đại hội Đảng lần thứ 12.

GSTS Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định:

“Thực tế mà nói thì trong thời gian vừa qua việc xử lý vấn đề mất giá  tiền tệ, thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp và tạo sự điều kiện cho sự hợp tác của nước ngoài vào để phát triển doanh nghiệp trong thị trường Việt Nam, tôi cho là đạt được mong muốn của nền kinh tế là phát triển. Và tốc độ tăng trưởng GDP của quý này thì rõ ràng là nó đã phát triển tương đối khá chạm ngưỡng 6,5%. Tôi cho là những việc này đã ghi điểm cho nền kinh tế Việt Nam, cũng như sự thúc đẩy kinh tế với vai trò của Thủ tướng Chính phủ.”

Báo chí Việt Nam mấy ngày qua đồng loạt đưa tin Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 của Việt Nam lên 6,5%, khá cao so với dự báo 6,1% trước đó. Ngoài ra ADB còn dự đoán mức tăng GDP 6,6% cho nền kinh tế Việt Nam cho năm 2016. Những dự đoán của ADB cao hơn Ngân hàng Thế giới, dù WB cũng điều chỉnh nâng tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6% cho năm 2015; 6,2% năm 2016 và đến 2017 thì đạt 6,7%. Điểm chung là cả hai định chế vừa nêu đều hạ giảm hoặc giữ nguyên dự đoán mức tăng trưởng GDP của các nước Đông Nam Á còn lại.

Ngoài ra, theo tin ghi nhận Việt Nam đã tăng 12 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo công bố sáng ngày 30/9/2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Theo VnExpress, Việt Nam là quốc gia có mức tăng bậc mạnh nhất trong khu vực và nay xếp thứ 56 trên 140 quốc gia được WEF khảo sát. Ông Bùi Quang Vinh Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư được trích lời nói nguyên văn, đó là kết quả của việc Việt Nam chấp nhận cuộc chơi toàn cầu.

Đáp câu hỏi, phải chăng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang có thêm thuận lợi trước kỳ Đại hội Đảng XII sắp tới, do được các tổ chức nước ngoài ghi điểm. TS Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập, một tổ chức xã hội dân sự không phụ thuộc chính quyền nhận định:

“Tôi nghĩ là trước bất kỳ Đại hội nào thì cũng có những sự vận động, vận động chính thức và vận động hành lang. Một trong những vận động hành lang đã xuất hiện ở những điểm rất đặc biệt, đó là Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á và cả Qũi Tiền tệ Quốc tế nữa. Nhưng Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á châu chính là hai chủ nợ lớn nhất của Việt Nam. Trong suốt 20 năm qua hai định chế này tài trợ rất nhiều dự án cho Việt Nam… Đương nhiên Chính phủ Việt Nam và trong đó ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được ghi điểm. Việc đánh giá chỉ số kinh tế càng tô hồng bao nhiêu, thì vị thế của họ trên con đường tiến tới Đại hội XII càng vững chắc bấy nhiêu.”

Sự kiện gọi là ghi điểm cho chính phủ được báo chí nhà nước trình bày nhiều nội dung khác nhau đối với Diễn đàn Đầu tư toàn cầu tại Việt Nam, diễn ra sáng 30/9/2015 tại Hà Nội. Trước 700 nhà đầu tư đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có vẻ như được tham mưu tốt, đã có bài phát biểu được mô tả là khéo léo và gây ấn tượng. Tự đề cao thành tích, Việt Nam là trong số ít quốc gia liên tục duy trì tăng trưởng kinh tế dương. Qui mô nền kinh tế không ngừng tăng lên, an sinh xã hội không ngừng được cải thiện. Nền kinh tế Việt Nam bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới với kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp. Tuy nhiên ông Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn cần phải cải thiện với nhiều biện pháp cụ thể, để vượt qua thách thức và những hạn chế của chính mình, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Báo mạng VnEconomy dùng lời Thủ tướng để dẫn nhập bài tường thuật. Chúng tôi xin trích nguyên văn lời ông Nguyễn Tấn Dũng: “Việt Nam luôn hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư lâu dài. Việt Nam luôn coi thành công của các bạn là thành công của chính chúng tôi. Chúng tôi mong muốn đối thoại cởi mở để chúng ta cùng thành công.”

Bốn biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài

Theo Tuổi Trẻ Online, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mời gọi và nêu bốn biện pháp chính để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các biện pháp này bao gồm, nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tập trung cải thiện khuôn khổ pháp luật và khuôn khổ hành chính, nâng cao năng lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; tiếp tục thay đổi bổ sung chính sách, sản phẩm dịch vụ phù hợp đối với thị trường tài chính; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Một trong những điểm quan trọng được báo chí nhấn mạnh, ông Nguyễn Tấn Dũng mời gọi khuyến khích các công ty tập đoàn  nước ngoài có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, có công nghệ tham gia quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mua bán sáp nhập doanh nghiệp nhà nước Việt Nam. Theo lời ông, trong thời gian tới, sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa được niêm yết trên thị trường chứng khoán, đây chính là cơ hội tốt cho các đối tác nước ngoài.

Mặc dù chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bị coi là chậm và không thành công mấy, nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn tự hào là trong thời gian 20 năm qua đã cổ phần hóa 90% khối lượng 12.000 doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng đề cao làn sóng FDI đang trở lại Việt Nam, trong 9 tháng của năm 2015 đã có các dự án FDI với vốn đăng ký mới hơn 17 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó số vốn giải ngân gần 10 tỷ USD. Liên quan đến sự kiện vừa nêu, VnExpress đặt tựa bài rất kêu, Việt Nam lại đứng trước cơ hội trở thành ngôi sao FDI.

Nhận định về sự kiện làn sóng FDI mới dự báo đổ vào Việt Nam thực tế mang ý nghĩa gì. TS kinh tế Phạm Chí Dũng từ Saigon phát biểu:

“Khi tính lượng đầu tư nước ngoài vào Việt nam thì không chỉ tính vốn đăng ký hay thực hiện mà cần tính theo tiêu chí cơ cấu quốc gia. Trong thời gian hai năm vừa rồi có làn sóng đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam mà nghe nói chủ yếu là các doanh nghiệp Trung Quốc, họ dịch chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam để đón trước thành công của TPP. Khi nào TPP chính thức được mở ra thì họ sẽ có thị trường Việt Nam để xuất. Có thể mức tăng đầu tư nước ngoài trong đó chiếm phần khá nhiều là doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu vậy nó sẽ có lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc.

Dù là đầu tư nước ngoài có tăng lên nhưng nếu Việt nam không có cải cách thể chế kinh tế khơi dậy sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thì lúc đó Việt Nam sẽ cũng chỉ đóng vai trò là thị trường cung cấp lao động mà thôi, chứ không thể có chuyện được hưởng lợi về các chuyện khác đặc biệt là vấn đề công nghệ cao.”

Trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư toàn cầu tại Việt Nam cũng có những ý kiến e ngại khuyến khích mời gọi ưu đãi đầu tư nước ngoài quá nhiều, thì cũng gây tác dụng ngược là làm giảm khả năng phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí họ bị thua trên sân nhà vì không đủ năng lực cạnh tranh. Giáo sư Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định:

“Những ý kiến ấy cũng có một phần… chứ không phải tất cả. Nếu anh chấp nhận nguồn vốn ấy (FDI) quá nhiều thì rõ ràng vai trò của các doanh nghiệp trong nước sẽ giảm đi, điều đó là đúng. Nhưng tôi cho rằng chính phủ có cách để điều tiết vốn này, tức là không cho nó ồ ạt. Cách của chính phủ hiện nay là cố gắng đưa vào những doanh nghiệp có nhu cầu phát triển, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ. Đó là điều chính phủ đã nhìn nhận trước và cũng để làm thế nào đồng bộ phát triển nền kinh tế.”

Bức tranh kinh tế vươt qua khủng hoảng và trở thành điểm sáng thu hút đầu tư được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chính phủ của ông cố gắng thể hiện ở Diễn đàn Đầu tư toàn cầu tại Việt Nam. Trong tuần lể này truyền thông báo chí nhà nước còn quảng bá nhiều đánh giá tích cực về các chỉ số vĩ mô đẹp của nền kinh tế.

Theo giới chuyên gia, các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế được trình bày đẹp mắt chưa phải là kết quả của cải cách thể chế. Bởi vài tháng trước đây hầu hết các chuyên gia tham gia các cuộc hội thảo kinh tế đều đã kêu gọi đổi mới lần thứ hai, vì nền kinh tế đã hết động lực để phát triển. Nhưng dẫu sao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tạo ra được những bước đi thuận lợi trước Đại hội Đảng XII và phải chăng các định chế quốc tế đã vô tình can dự. - RFA
|
|

6.
Việt Nam cấm làm du lịch trên đảo Bình Ba vì lý do an ninh

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa ban hành quyết định ‘không được tiến hành, phát triển các loại hình du lịch’ tại đảo Bình Ba, hòn đảo lớn nhất trong vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, vì lý do an ninh, quốc phòng.

Quy định mới của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/11 ở khu vực mũi Hời, thuộc đảo Bình Ba, Hòn Chút, gần Nha Trang.

Đảo Bình Ba còn được gọi là “đảo tôm hùm” đang ngày càng thu hút khách du lịch vì vẻ nguyên sơ và những bè tôm hùm nổi tiếng.

Lý do có quy chế mới là nhằm ‘bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự’. Theo đó, các dự án đầu tư liên quan đến khu vực căn cứ quân sự Cam Ranh đều phải xin phép Bộ Quốc phòng trước khi trình lên chính phủ hoặc thủ tướng Việt Nam để được phê duyệt.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Trần Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết việc cấp phép đầu tư và các khu vực thuộc vịnh Cam Ranh từ trước tới nay đều phải thông qua ý kiến của Quân khu 5 và Vùng 4 hải quân. Các hoạt động kinh doanh du lịch hiện nay trên đảo Bình Ba đều là tự phát của người dân.

Khách du lịch bắt đầu đến đảo Bình Ba từ năm 2012 do khám phá của những người đi du lịch bụi. Từ đó tới nay, tất cả khách du lịch đến hòn đảo này đều phải trình báo với chính quyền và không được phép ở lại qua đêm.

Riêng người nước ngoài hoặc Việt kiều cho đến nay vẫn không được cấp phép ra đảo Bình Ba vì lý do khu vực này năm trong phạm vi quản lý của căn cứ quân sự. - VOA

No comments:

Post a Comment