Friday, October 23, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 23/10

Tin Thế Giới

1.
Nga loan báo dự án xây căn cứ quân sự tại quần đảo Kuril

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Choigu tuyên bố Nga sẽ thiết lập một căn cứ quân sự ở quần đảo Kuril mà Nhật gọi là Lãnh địa phương bắc bị Liên Xô chiếm lấy sau Thế chiến thứ hai. Quyết định này của Moscow chắc chắn sẽ gây thêm căng thẳng trong quan hệ Nga-Nhật.

Theo hãng tin Interfax và đài truyền hình Zvezda ngày 22/10/2015, bộ trưởng Quốc phòng Serguei Choigu cho biết Nga có kế hoạch thiết lập một loạt căn cứ quân sự tại Bắc Băng Dương và Thái Bình Dương.

Tại Thái Bình Dương, Nga dự trù xây một căn cứ quân sự ở quần đảo Kuril to lớn và tiện nghi hơn thời Liên Xô cũ. Theo như lời bộ trưởng Quốc phòng Nga, trong căn cứ này có cả cơ sở giải trí cho gia đình binh sĩ, rạp chiếu phim, nhà ở, bệnh viện và đường giao thông.

Tin này sẽ làm quan hệ hai nước Nhật-Nga mà cho đến nay, 70 năm sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, vẫn chưa ký hiệp định hòa bình.

Nga cũng đã xây xong một phi trường mới trên đảo Iturup, một trong bốn đảo của quần đảo Kuril và đón thủ tướng Medvedev hồi tháng 8/2015. Vào thời điểm đó, Tokyo đã phản ứng tức khắc. Giám đốc vụ châu Âu của Nhật, nhà ngoại giao Hajime Hayashi đã điện thoại cho đại sứ Nga và trách cứ: hành động của thủ tướng Medvedev xúc phạm đến tình cảm của dân Nhật.

Từ khi Trung Quốc công khai tranh giành đảo Senkeku/ Điếu Ngư với Nhật, máy bay Nga cũng nhiều lần xâm nhập hoặc áp sát không phận vùng Bắc Hải đạo Hokkaido buộc chiến đấu cơ của Nhật phải bay lên ngăn chận. - RFI
|
|

2.
42 người thiệt mạng trong tai nạn giao thông tệ hại nhất trong nhiều thập niên ở Pháp

Ít nhất 42 người, đa số là những người hưu trí, được tin là đã chết trong một tai nạn giao thông gần thành phố Bordeaux của Pháp. Tai nạn này được mô tả là tai nạn giao thông tệ hại nhất tại Pháp trong 3 thập niên nay.

Các giới chức cho hay một xe tải đã tông vào chiếc xe buýt đầy hành khách tại một khúc quẹo gắt trên một con đường gần ngôi làng Puisseguin, khiến cả hai chiếc xe đều bốc cháy.

Tin cho hay 8 người đã chạy thoát khỏi đám cháy, và hàng chục giới chức ứng phó trong các trường hợp khẩn cấp đổ về khu vực này.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã phát biểu về tai nạn này trong khi đang đi thăm Hy Lạp. Ông nói chính phủ đã ‘huy động toàn bộ’ lực lượng liên hệ để ứng phó với ‘thảm họa khủng khiếp này’.

Nhà lãnh đạo Pháp không loại bỏ khả năng cắt ngắn chuyến công du để trở về nước. Trong khi đó, Thủ tướng Manuel Valls, Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve và Bộ trưởng Giao thông Alain Vidal đang lên đường tới hiện trường nơi xảy ra tai nạn, nằm cách thành phố Bordeaux khoảng 50 km về hướng đông.

Tai nạn này được coi là tai nạn giao thông tệ hại nhất tính từ năm 1982, khi 53 người, kể cả 44 trẻ em, bị thiệt mạng trong một tai nạn xe buýt ở miền đông nước Pháp. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Bà Clinton trở lại vận động tranh cử sau cuộc điều trần kéo dài 11 giờ

Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clitnon dự trù sẽ tiếp tục cuộc vận động tranh cử, 1 ngày sau cuộc điều trần kéo dài 11 tiếng đồng hồ về các hành động của bà có liên quan đến vụ tấn công gây chết người tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Benghazi, Libya.

Bà Clinton nói với Ủy ban Quốc hội do đảng Cộng Hòa kiểm soát rằng bà còn mất ngủ nhiều hơn so với tất cả những người khác vì vụ tấn công khiến 4 người Mỹ thiệt mạng, trong đó có Đại sứ Hoa Kỳ tại Libya, ông Christopher Stevens.

Các đảng viên Cộng Hòa cáo buộc có nhiều điều bất nhất trong tường trình của bà Clinton về những sự việc đã xảy ra và những gì lẽ ra có thể làm được để ngăn tránh vụ này. Dân biểu Cộng Hòa Mike Pompeo nói:

“Tôi đoán câu trả lời của bà cũng y như vậy về sự kiện là chúng ta đã gặp ngày càng nhiều sự cố an ninh mà không có sự gia tăng tương ứng về bảo vệ an ninh”.

Bà Clinton đáp: “Thưa ngài dân biểu, tôi xin thành kính không đồng ý. Nhiều lời yêu cầu về an ninh đã được đáp lại. Chúng tôi sẽ vui lòng cung cấp thông tin để làm tài liệu, vì thế tôi không thể nói ý định của ông là gì, nhưng tôi biết chắc một số yêu cầu về an ninh đã được đáp ứng”.

Trong khi một số đảng viên Cộng Hòa nói rằng bà Clinton đã bác bỏ những yêu cầu của Đại sứ Stevens đề nghị tăng cường an ninh ở Benghazi, bà nói những yêu cầu đó không hề đến bàn làm việc của bà và thay vì thế được để trong tay các chuyên gia an ninh.

Một người bênh vực bà Clinton trong ủy ban nêu nghi vấn về động cơ của các vị đồng viện phía đảng Cộng Hòa. Đó là dân biểu Elijah Cummins.

“Tôi không biết chúng tôi muốn gì ở quý vị. Phải chăng chúng tôi muốn hỏi đi hỏi lại quý vị cho đến khi quý vị mệt mỏi, cho đến khi bắt gặp được cái thời khắc mà ông ấy nói đến. Chúng tôi tốt hơn thế nhiều. Chúng tôi là một đất nước tốt đẹp hơn. Và chúng tôi sẽ không dùng tiền của người thọ thuế để tìm cách phá hoại một cuộc vận động tranh cử. Đó không phải là tinh thần của nước Mỹ”.

Trong một khoảnh khắc dường như hết sức nóng giận, bà Clinton, đang dẫn đầu các ứng viên Dân chủ ra tranh chức tổng thống năm 2016, dường như đã ở vào thế vận động.

“Thật là điều hết sức không may một sự việc nghiêm trọng như việc đã xảy ra ở Benghazi lại được dùng cho các mục tiêu chính trị đảng phái, và tôi hy vọng chúng ta có thể cùng tiến tới, bắt đầu hợp tác với nhau, bắt đầu lắng nghe nhau nói”.

Chủ tịch cuộc điều trần hôm qua, dân biểu Trey Gowdy đại diện tiểu bang South Carolonia, ngay từ đầu đã nói động cơ của ông không phải là để phá hoại cuộc tranh cử tổng thống của bà Clinton.

Trong khi cả phe Cộng hòa lẫn bà Clitnon dường như không được thua gì trong cuộc điều trần hôm qua, rốt cuộc cử tri sẽ là người quyết định xem xét như thế nào về các hành động của bà Clinton có liên quan đến Benghazi. - VOA
|
|

4.
Tên Hồ Chí Minh xuất hiện trong cuộc bầu cử thị trưởng ở Mỹ

Chủ một cao ốc ở Lewiston, bang Maine, Hoa Kỳ cho biết đã gỡ bỏ tấm biển gây tranh cãi đả kích một ứng cử viên thị trưởng vì bị người thuê nhà than phiền, nhưng nói rằng tấm biển sẽ lại được dựng lên ở một nơi khác.

Người chủ nhà tên là Joe Dunne này nói ông trưng tấm biển để chống lại ứng viên thị trưởng Ben Chin vì tố cáo ông là một chủ đất tồi tàn. Tấm biển viết: “Đừng bỏ phiếu cho Ho Chi Chin; bỏ phiếu để có công ăn việc làm chứ không để hưởng tiền an sinh xã hội.” Các tấm biển ám chỉ cựu lãnh tụ Việt Nam, ông Hồ Chí Minh, đã xuất hiện ở các tòa nhà tại phố Main và phố Pine, vì có kèm theo một bức hình giống như hí họa ông Hồ.

Tấm biển ở phố Main đã được gỡ xuống hôm thứ Hai. Ông Dunne nói ông Chin là “thô bạo” và ông định sẽ treo tấm biển ở một nơi khác.

Báo The Sun Journal tường thuật rằng ông Chin gọi những tấm biển là “rác rưởi” và gây mất tập trung. Ông Chin đang ra tranh cử thị trưởng và đối đầu với người đương nhiệm, ông Robert Macdonald và ba ứng cử viên khác.

Ông Macdonald từ chối bình luận về những tấm bảng này. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Chính quyền Việt Nam đập phá cơ sở Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm

Thêm một cơ sở tôn giáo tại Việt Nam bị đập phá vào sáng ngày 22/10.

Vụ việc này một lần nữa khơi ra quan ngại về tình trạng cưỡng chế, tịch thu đất đai của các cơ sở tôn giáo một cách tùy tiện.

Sơ Maria Đặng Thị Mỹ Hạnh, thư ký của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cho biết về tình cảnh ‘buộc’ phải giao cho chính quyền Việt Nam 3 cơ sở giáo dục của nhà dòng sau năm 1975, nhưng không hiến đất.

“Nhà dòng có 3 cơ sở giáo dục mà trước năm 1975, các nữ tu dạy học trong 3 cơ sở do nhà dòng xây dựng này. Đến năm 1975, theo thông cáo của Tòa Giám Mục, mình giao nhà trường lại cho nhà nước sử dụng với mục đích giáo dục. Nhà nước sử dụng từ năm 1975 đến tháng 9/2011 thì họ làm đúng mục đích. Nhưng sau đó khi người dân di dời giải tỏa, người ta đi hết nên không còn học trò, trường không hoạt động nữa và không sử dụng đúng mục đích giáo dục nữa thì nhà dòng mới viết đơn xin họ giao trả trường lại cho nhà dòng. Theo thông cáo chung của Tòa Giám Mục và Chính phủ lâm thời lúc đó nói rằng khi mình giao trường cho họ thì họ phải sử dụng đúng mục đích giáo dục, nếu họ không sử dụng đúng thì mình có quyền xin lại vì đó vẫn là tài sản của Giáo Hội”.

Nhưng khi Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm gửi đơn để xin lại cơ sở giáo dục của mình vào tháng 10/2011, chính quyền Thủ Thiêm đã bác đơn của nhà dòng và lần lượt dọn UBND, công an phường và các ban ngành đoàn thể về đây.

Đến năm 2012, khi nhà dòng tiếp tục gửi đơn xin lại cơ sở giáo dục thì nhận được câu trả lời từ chính quyền Thủ Thiêm rằng cơ sở của nhà dòng nằm trong khu vực giải tỏa nên ngôi trường sẽ biến thành đường đi. Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm xin được bồi thường nếu cơ sở bị quy hoạch thì nhận được lời hứa ‘sẽ hỗ trợ’ từ ông Phó Chủ tịch UBND TP. HCM. Ông đề nghị nhà dòng viết đơn đề nghị giá hỗ trợ, nhưng sau khi gửi đơn đi cho tới này, nhà dòng hoàn toàn không nhận được câu trả lời nào.

Sơ Mỹ Hạnh cho biết những người ở trong cơ sở của nhà dòng là UBND, công an… đã dọn ra khỏi cơ sở này vào ngày 20/10. Hai ngày sau thì xảy ra vụ đập phá cơ sở này mà hoàn toàn không có sự báo trước hay tham khảo ý kiến của những chủ nhân thực sự là các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.

“Họ đóng cổng hết, họ bao kín lại, không cho quay phim, chụp hình gì hết. Khi họ đưa xe cần cẩu vào trong sân trường, họ đóng cổng lại hết thì mình ra đấy ngồi, có bà chủ tịch đưa cho mình tờ giấy và nói câu trả lời của họ là họ không trao trả cho mình gì hết vì đó là tài sản của họ. Họ nhận đó là tài sản của họ nên không trao trả mà họ quyết định đập”.

Khi chứng kiến tài sản của mình bị hủy hoại, các nữ tu chỉ biết ra trước cổng trường để phản đối bằng cách đọc kinh và căng băng rôn suốt 2 ngày nay, bất chấp nắng mưa ngày đêm.

“Các nữ tu chỉ ngồi ngoài đọc kinh thôi. Có bốn, năm chục nữ tu ra đọc kinh suốt từ hôm qua đến giờ, không có lúc nào rời ra khỏi chỗ đó hết. Có những giáo dân nghe đến tình trạng như vậy họ đến họ chia sẻ”.

Sơ Mỹ Hạnh cho biết một số linh mục nói sẽ trình báo vụ việc lên Tòa Giám Mục đề nghị có phương án can thiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nữ tu.

“Nhà dòng cũng chưa có phương án gì hết, chỉ biết đọc kinh thôi, cầu mong họ động lòng họ thấy các nữ tu trời mưa trời gió cứ ngồi đọc kinh thôi…”.

Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm là hội dòng Mến Thánh Giá đầu tiên của Giáo phận Sài Gòn. Các nữ tu dòng này đã đến bán đảo Thủ Thiêm từ ngày đầu hội dòng chính thức được thành lập là năm 1840, khi nơi đây vẫn còn là khu rừng hoang vắng. Dần dà, các nữ tu đã mua từng mảnh đất nhỏ và góp nhặt, xây dựng thành các cơ sở lớn để phục vụ cho mục đích giáo dục.

Kể từ khi Thủ Thiêm được quy hoạch trở thành ‘trung tâm mới của Sài Gòn’ do nằm ở vị trí chiến lược bên trong vành đai tăng trưởng Đông Bắc của thành phố này, tài sản của nhiều cư dân, trong đó có các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, đã bị trưng dụng một cách tùy tiện, khiến gây nhiều bất bình, bức xúc trong dư luận.

Đài VOA hiện chưa liên lạc được với chính quyền địa phương để ghi nhận ý kiến phía các giới chức hữu quan.

Tin cập nhật lúc 7:45 phút tối 23/10 cho biết hiện các lực lượng công an, cảnh sát cơ động được điều động rất đông đến bao vây xung quanh khu vực các sơ đang đọc kinh. Mọi con đường vào nhà Thủ Thiêm đều bị ngăn chặn, không ai có thể vào bên trong để hỗ trợ cho các nữ tu. - VOA
|
|

6.
Báo Mỹ giải thích vì sao chính phủ Việt Nam thích Facebook?

Việt Nam vừa cho ra mắt trang ‘Thông Tin Chính Phủ’ trên mạng Facebook dù trước đó đã từng chặn trang mạng xã hội phổ biến này.

Trang Thông Tin Chính Phủ cho ra đời bản tin đầu tiên trên mạng Facebook vào ngày 3/10 với mục tiêu ‘cập nhật kịp thời các thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tới người dân’.

Trang mạng đã thu hút sự chú ý của công chúng trong tuần qua sau khi thông tin về trang này được đưa lên báo chí trong nước.

Giải thích về sự biến chuyển quan điểm trong việc sử dụng mạng xã hội Facebook thay vì các kênh chính thức như trước đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son trong cuộc họp báo chiều 22/10 nói ‘Đây là vấn đề đặt ra từ thực tiễn, là sự phát triển tiến bộ của xã hội mà chúng ta phải tranh thủ’.

Ông Son nói thêm rằng chính phủ Việt Nam ‘tận dụng’ Facebook để ‘gần với dân hơn’, nhưng việc lợi dụng Facebook để đưa tin sai trái, bịa đặt, nói xấu cá nhân, tổ chức, vi phạm tự do của người khác là sai và ‘càng sai trái hơn’ khi ‘dùng Facebook phát ngôn trái với quan điểm, chủ trương của Đảng’.

Mặc dù người đứng đầu Bộ Thông tin-Truyền Thông khẳng định ‘Người dân có thể phản biện chính phủ qua Facebook’, nhưng một số người dùng Facebook phản hồi trên trang mạng rằng những ‘comment’ của họ bị đã bị xóa đi.

Ông Nguyễn Lân Thắng, ở Hà Nội, viết trên Facebook sau khi thử trang Thông Tin Chính Phủ: “Cô Lê Nguyễn Hương Trà, cô đã làm hình mẫu xuất sắc cho quần chúng nhân dân học tập theo về phương pháp đối thoại với Chú Phỉnh [nói lái từ Chính Phủ], chỉ được cười, không được hỏi gì thêm... Đây là những còm [comment] còn sót lại sau 2 tiếng đồng hồ có mấy trăm nhân dân vào hỏi... Chúc mừng các bạn còn sống sót...”.

Không giống như các quan chức Trung Quốc vẫn đang cấm Facebook, Việt Nam – theo nhận xét của Bloomberg – trong khi vẫn duy trì kiểm soát thông tin, chính quyền lại đang tỏ dấu hiệu sẵn sàng mạo hiểm đối diện với sự phẫn nộ của người dân và chỉ trích của người Việt ở hải ngoại về các chính sách và hệ thống độc đảng khi hướng đến một sự chuyển đổi chính trị với một dàn lãnh đạo mới vào năm tới’. 

Tờ báo này trích lời của ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN tại Việt Nam nói: “Lãnh đạo Việt Nam đang trở nên thực tế hơn” và “Một thế hệ quan chức trẻ mới được bầu vào các vị trí khác nhau ở các tỉnh thành vốn là những người rất quen thuộc với các công cụ tiên tiến như Facebook”.

Ông Thành cho Bloomberg biết chính quyền Việt Nam đã ngừng chặn Facebook từ 2 năm trước sau khi có sự vận động của Đại sứ quán Mỹ và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN mà Facebook là một thành viên.

Việt Nam hiện có hơn 30 triệu người sử dụng Facebook (chiếm khoảng 1/3 dân số), với 75% trong số đó nằm trong độ tuổi từ 18-34.

Bloomberg cho rằng các lãnh đạo Cộng sản đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng năm tới, trong đó sẽ mở ra một quá trình chuyển đổi chính trị trong chính phủ. Tờ báo dẫn lời ông Vũ Tú Thành nói các lãnh đạo Việt Nam biết rằng thực hiện từng bước nhỏ hướng tới sự minh bạch và thừa nhận những thiếu sót sẽ làm cho chính phủ được tin cậy hơn.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quang A, thành viên Xã hội Dân sự, lại không vội lạc quan về sự kiện này.

“Chuyện họ dùng các công cụ đó với mục đích để cho người dân có thể đối thoại được với chính phủ. Họ lắng nghe, đưa thông tin một cách minh bạch thì là điều tốt. Còn nếu họ dùng cái đấy chỉ để với mục đích tuyên truyền thì sẽ là xấu. Cái đó hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ họ làm trang đấy như thế nào thôi”.

Tính đến sáng ngày 23/10, trang Facebook Thông Tin Chính Phủ đã có hơn 41.000 người ‘liked’. Mặc dù các giới chức Việt Nam cho biết chỉ đang thử nghiệm duy nhất một trang Thông Tin Chính Phủ trên Facebook, nhưng hiện mạng xã hội này đang có đến 7 trang khác có cùng tên, ảnh đại diện và nội dung tương tự. - VOA

No comments:

Post a Comment