Sunday, October 25, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 25/10

Tin Thế Giới

1.
Hải quân Hàn Quốc bắn cảnh cáo tàu chiến Bắc Triều Tiên

Hải quân Hàn Quốc trong lúc săn đuổi tàu cá Trung Quốc ở biển Hoàng hải, đã phát hiện một tàu tuần duyên của Bắc Triều Tiên xâm nhập vào vùng giới tuyến. Bị bắn năm phát đại bác cảnh cáo, chiến hạm của Bình Nhưỡng quay đầu lại mà không bắn trả. Vụ việc đã xảy ra vào ngày thứ Bảy 24/10/2015.

Căng thẳng xảy ra đúng vào lúc đợt hội ngộ thứ hai giữa các gia đình ly tán đang diễn ra tại núi Kim Cương, Bắc Triều Tiên. Theo AFP, hải quân Hàn Quốc đang truy đuổi ngư dân Trung Quốc xâm nhập lãnh hải đánh cá bất hợp pháp thì lại phát hiện một tàu tuần duyên của Bắc Triều Tiên xuất hiện trong khu vực giới tuyến trên biển mà Bình Nhưỡng không công nhận.

Hải quân Hàn Quốc đã bắn 5 phát đại bác cảnh cáo. Tàu chiến Bắc Triều Tiên rút ra khỏi khu vực và không bắn trả. Thông tin trên đây do bộ Quốc phòng Hàn Quốc loan báo.

Về phần Bắc Triều Tiên, qua tuyên bố của Ủy ban Thống nhất đất nước, Bình Nhưỡng lên án Hàn Quốc "khiêu khích, nổ súng giữa ban ngày, làm tăng thêm căng thẳng tại bán đảo".

Cũng bằng lời lẽ nặng nề, hãng KCNA, cơ quan tuyên truyền của Bình Nhưỡng lên án điều mà họ gọi là "hành động nguy hiểm của bọn cướp Nam Triều Tiên phá hoại quan hệ hai miền Nam Bắc", có thể dẫn đến "xung đột vũ trang".

Cũng tại khu vực này, một cuộc hải chiến năm 1999, đã gây tử vong cho hàng chục thủy thủ đôi bên. Năm sau, 2010, một tuần dương hạm của Hàn Quốc trúng ngư lôi của Bắc Triều Tiên khiến 46 sĩ quan và binh sĩ bị thiệt mạng. Trong vụ này, Bắc Triều Tiên đã phủ nhận trách nhiệm. - RFI
|
|

2.
Trung Quốc giúp Lào phá hoại sông Mêkông

Tương lai sông Mêkông quả là u ám với Trung Quốc góp phần không nhỏ vào công việc phá hoại. Tác hại to lớn của những con đập do chính Bắc Kinh xây dựng trên thượng nguồn chưa được thẩm định đủ, thì mới đây, Trung Quốc lại trực tiếp tung tiền giúp Lào xây dựng thêm một con đập thứ ba ở vùng hạ nguồn sông Mêkông, sau khi đã mượn vỏ bọc một tập đoàn Malaysia để thúc giục Vientiane ngang nhiên xúc tiến việc xây dựng con đập thứ hai, tiếp theo con đập thứ nhất được cho là đã xong được 50%.

Theo một báo cáo ngắn của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington, con đập thứ ba trên dòng Cửu Long khúc chảy qua Lào do Trung Quốc xây dựng là đập Pak Beng, cách cố đô Luang Prabang ở miền Bắc Lào khoảng 100 cây số đường chim bay.

Ngày 21 tháng 09 vừa qua, các quan chức Lào đã thảo luận với Tập đoàn Đầu tư Hải ngoại Đại Đường (Datang) của Trung Quốc về đề án xây con đập Pak Beng, sẽ có khả năng sản xuất ra 4.700 gigawatt/giờ điện một năm với hơn 90% phần trăm sản lượng sẽ được bán sang Thái Lan.

Như thông lệ, các đại biểu Lào đã nhấn mạnh rằng Vientiane rất quan tâm đến việc bảo đảm sao cho con đập sắp được xây dựng có được đầy đủ tính chất "bền vững và thân thiện về mặt kinh tế".

Sau khi dự án được phê duyệt, thông tin về đề án này sẽ được gửi đến các nước khác trong Ủy ban Sông Mêkông và các tổ chức quốc tế để lấy ý kiến.

Và đây chính là điều đáng quan ngại đối với các tổ chức các nước láng giềng, đặc biệt như Cam Bốt hay Việt Nam nằm ở phía dưới con đập, vì chính quyền Lào đã có thói quen hỏi ý lấy lệ, còn làm thì cứ làm, nhân danh chủ quyền tối thượng của mình.

Theo một số nhà quan sát, sở dĩ Vientiane đã có thái độ ngang ngược như vậy, đó chính là vì họ được Trung Quốc chống lưng. Nếu đối với đập Pak Beng, vai trò của Trung Quốc rất hiển nhiên, với một tập đoàn Trung Quốc làm chủ công trình, thì đối với đập thủy điện thứ hai ở vùng hạ nguồn sông Mêkông là Don Sahong, ở Nam Lào, gần biên giới với Cam Bốt, thì mới đây, bàn tay Trung Quốc đã bị vạch trần.

Trong một bài viết mới đây, nhà nghiên cứu kỳ cựu về Sông Cửu Long Ngô Thế Vinh đã nêu bật sự kiện là Mạng lưới Sông ngòi Quốc tế International Rivers Network vào đầu năm nay 2015 đã gởi thư phản đối đích danh Tập đoàn thủy điện Nhà nước Trung Quốc Sinohydro về việc can dự vào đề án đập thuỷ điện Don Sahong, sẽ có tác hại môi trường và xã hội nghiêm trọng.

Theo nhà nghiên cứu Ngô Thế Vinh, tập đoàn MegaFirst của Malaysia, chủ đầu tư của Don Sahong, thực ra chỉ là một công ty bình phong cho tập đoàn Trung Quốc Sinohydro, đã từng bị rất nhiều tai tiếng về những con đập gây ra những tác hại môi sinh.

Đối với các nhà quan sát, từ lúc xúc tiến đề án xây con đập Xayaburi vào năm 2012 cho đến đập Don Sahong, và sắp tới đây là đập Pak Beng, chính quyền Lào luôn theo cùng một kịch bản, chờ cho kế hoạch tiến xa rồi mới báo cho các láng giềng, lấy ý kiến nhưng phớt lờ các phản đối.

Đập Xayaburi, theo báo Vientiane Times, đã hoàn tất được 50%, và sẽ đi vào hoạt động vào năm 2019, còn đập Don Sahong thì đã bắt đầu được xây dựng, dù vẫn bị Phnom Penh và Hà Nội chống đối.

Thái độ bất cần láng giềng của Lào, theo nhà nghiên cứu Ngô Thế Vinh, xuất phát từ việc Lào đã có được hậu thuẫn vô điều kiện của Trung Quốc trong việc này, và dòng Mêkông sẽ còn tiếp tục bị gây hại với các đề án khác, trong đó tập đoàn Trung Quốc Sinohydro sẽ trực tiếp làm chủ thầu của đập Pak Lay của Lào và Sambor của Cam Bốt, hai nước Đông Nam Á được cho là đã rơi vào quỹ đạo của Bắc Kinh. - RFI
|
|

3.
Argentina bầu cử tổng thống

Cử tri Argentina hôm nay đi bầu tổng thống mới, người sẽ lên kế vị bà Cristina Fernandez de Kirchner, nữ tổng thống cùng với người chồng quá cố, đã chế ngự chính trường nước này 12 năm qua.

Các cuộc thăm dò mới đây cho thấy ứng cử viên Daniel Scioli, người được bà Fernandez chọn, gần đạt đến ngưỡng 40% phiếu bầu để giành được chiến thắng dứt khoát, nếu cách được đối thủ kết tiếp 10 điểm.

Ông Scioli hứa sẽ đẩy mạnh những yếu tố cốt lõi của "chủ nghĩa kirchner," một chủ nghĩa dân túy xây dựng trên các lý thuyết bảo vệ thương mại, an sinh xã hội và bảo vệ cho tầng lớp người lao động.

Đối thủ chính của ông Scioli là ông Mauricio Macri, người có quan điểm trung hữu hiện là thị trưởng Buenos Aires, và từng là chủ của câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng Boca Juniors.

Ông Macri muốn dỡ bỏ chính sách quản lý vốn và những hạn chế thương mại để giành niềm tin của các nhà đầu tư và thu hút ngoại tệ mạnh cho nền kinh tế đang khát ngoại tệ của Argentina. - VOA
|
|

4.
Lý Khắc Cường: "Trung Quốc vẫn vượt qua khó khăn" dù tăng trưởng không đạt 7%

Hai ngày trước khi khai mạc Đại hội Trung ương 5, phát biểu tại Trường Đảng ở Bắc Kinh, Thủ tướng Lý Khắc Cường cố gắng tỏ ra lạc quan về tình hình kinh tế quốc gia.

Theo hãng thông tấn Pháp, trong buổi nói chuyện vào chiều ngày 24/10/2015 tại Trường Đảng trung ương, ông Lý Khắc Cường nhìn nhận tăng trưởng của nền kinh tế thứ 2 toàn cầu trong năm nay có thể không đạt được 7% như mong đợi.

Dù vậy theo ông, Trung Quốc nhờ vào "những tiềm năng to lớn" vẫn có thể vượt qua những thách thức đang đặt ra. Tuyên bố nói trên nhằm xua tan những lo ngại về thực trạng kinh tế của Trung Quốc sau khi Tổng cục thống kê vào tuần trước công bố tỷ lệ tăng trưởng của quý 3/2015: Lần đầu tiên từ năm 2009 tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc chỉ đạt 6,9 %. 

Phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường được đưa ra ngay sau khi phó thống đốc Ngân hàng Trung Quốc Trung Quốc, Dịch Cương (Yi Gang) tuyên bố: GDP của Trung Quốc trong giai đoạn 5 năm sắp tới (2016-2020) tăng trưởng ở khoảng từ 6 đến 7 % một năm. 

Đại hội Trung ương 5 mở ra từ ngày 26 đến 29/10/2015 tại Bắc Kinh. Một trong những ưu tiên của kỳ họp này nhằm soạn thảo kế hoạch phát triển cho 5 năm sắp tới. Trung Quốc cần duy trì tỷ lệ tăng trưởng tối thiểu 7 % một năm để đạt được mục tiêu là nhân thu nhập đầu người lên gấp đôi vào năm 2020, so với thời điểm của năm 2010. 

Trung Quốc chờ thời cơ để gia nhập TPP?  

Tờ báo Study Times được phát hành một tháng đôi lần để phổ biến cho các sinh viên Trường Đảng Trung Quốc trong số ra ngày 25/10/2015 nhận xét Bắc Kinh sẽ tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương vào "thời điểm thuận lợi".

Tờ báo này không vòng vo: một số lãnh đạo Bắc Kinh coi hiệp định TPP là một "âm mưu" chống Trung Quốc nhằm ngăn chận tham vọng vươn ra thế giới của quốc gia này. Nhưng báo Study Times viết thêm: những mục tiêu TPP hướng tới, cũng là những mục đích được Bắc Kinh theo đuổi. Bắc Kinh sẽ gia nhập TPP "vào thời điểm thích hợp".

Hiện Bắc Kinh đang thúc đẩy một hiệp định thương mại riêng, có tên gọi là Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP bao gồm 16 quốc gia. Trong đó có 10 thành viên ASEAN và 6 nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. RCEP là một dự án với mục đích là tạo thế đối trọng với TPP. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam: 'Ngân sách hết tiền đúng kịch bản'

Một Phó thủ tướng nói ngân sách cuối năm 'hoàn toàn không ngoài dự tính theo kịch bản' và biện hộ quyết định vay 3 tỷ USD qua trái phiếu quốc tế.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh được báo VnEconomy dẫn lời khẳng định diễn biến của ngân sách cuối 2015 “hoàn toàn không ngoài dự tính vì các kịch bản đã được tính toán từ đầu năm”.

Đề cập về việc Chính phủ Việt Nam trình Quốc hội đề nghị cho phép phát hành 3 tỷ đôla trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để đảo nợ trong nước giai đoạn 2015-2016, ông Ninh được báo này dẫn lời:

“Luật cho phép cơ cấu lại nợ cho có lợi nhất chứ không phải vì không trả được phải đảo nợ. Trước đây mình vay cao, dù chưa đến hạn, nhưng khi mà được vay khoản thấp hơn để trả nợ, thì mình làm, luật cho phép, trên nguyên tắc đặt lợi ích quốc gia lên trên hết”.

Lý giải nguyên nhân khiến ngân sách cạn kiệt, ông Ninh nói là do giá dầu giảm quá mạnh so với dự kiến, khiến tổng các khoản thu liên quan đến dầu thô trong năm 2015 giảm 63.000 tỷ đồng.

"Bên cạnh đó là lộ trình hạ thuế để trợ giúp doanh nghiệp. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2015-2020 thuế suất giảm từ 25% xuống 22% rồi 20%, nhưng vì khó khăn nên phải hạ nhanh hơn," ông Ninh cho biết.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng hôm 12/10 đề xuất phương án phát hành trái phiếu quốc tế khoảng 3 tỷ USD để giải quyết hàng loạt khó khăn trong nước.

Luật Ngân sách không cho phép phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển thừa nhận điều này mặc dù nói việc phát hành trái phiếu mới "gần như là cách khả thi nhất" khi mà phát hành trái phiếu trong nước từ đầu năm đến nay đang gặp khó, vẫn còn hơn 40% chưa thực hiện được.

“Chính phủ đang đề nghị phát hành trái phiếu quốc tế, tất cả đều giành cho đảo nợ. Nếu Quốc hội bảo không thì Chính phủ phải chấp hành, nhưng khi đó tình hình sẽ hết sức khó khăn,” ông Hiển nói.

Hôm 16/10, trả lời phỏng vấn của BBC, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói về quan ngại đối với hai con số khác nhau về nợ công: một của Viện Nghiên cứu chính sách thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 66,4% GDP, một của Bộ Tài chính là 59,4% GDP. Đáng lưu ý là con số đầu vượt mức trần mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố là 65%”.

Ông cũng đề cập chuyện công luận có lý do để quan ngại về sức ép của nợ công với nền kinh tế sau một loạt động thái gần đây của chính phủ Việt Nam: vay thêm 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước, tiếp đó vay thêm 1 tỷ đôla của ngân hàng Vietcombank, rồi bán trái phiếu, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn.

Ông nhấn mạnh: “Mỗi người Việt Nam hiện đang gánh hơn 1.000 đôla nợ công và tôi hy vọng chính phủ sẽ giải trình rõ về vấn đề nợ công trước quốc hội. Theo tôi, nợ công là điều bình thường, vấn đề đáng chú ý là việc vay nợ đem lại hiệu quả gì trong đầu tư kinh tế”.

'Hết tiền'

Trong khi đó, Thời báo Kinh tế Sài Gòn hôm 21/10 ghi nhận ý kiến của ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội rằng “việc phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ vì tình hình tài chính quá cấp bách”.

Ông Thụ cho biết kế hoạch vay nợ của Chính phủ là năm 2015 phải huy động 436.000 tỷ đồng để bù đắp bội chi (226.000 tỷ), đầu tư (85.000 tỷ) và vay để đảo nợ (khoảng 125.000 tỷ).

Ông trấn an rằng “nợ quốc gia vẫn ở ngưỡng an toàn” nhưng tăng nhanh và tiến sát đến trần nợ công.

Trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội và thực hiện ngân sách năm 2015 và kế hoạch năm 2016 mấy ngày trước, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tiết lộ: “Ngân sách trung ương hiện chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Với mức này không biết để làm cái gì, chưa nói để trả nợ với các thứ. Cho nên gần như không có tiền để làm gì cả”.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 23/10, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định: “Một quốc gia đã không trả được nợ mà còn phải đi vay để trả nợ cũ thì có vấn đề lớn về quản lý ngân sách nhà nước rồi. Nhưng đây chỉ là một trong những nguyên do khiến ngân sách cạn kiệt như hiện nay”.

Theo ông Thành, việc ngân sách cạn kiệt là chỉ dấu sau một quá trình quản lý nhà nước không hiệu quả. Ông diễn giải thêm: “Kinh tế không đủ thu để nuôi ngân sách trong lúc ngân sách bội chi từ năm này qua năm nọ mà không kiềm lại được”. - BBC
|
|

6.
Nguyễn Lân Thắng: 'tôi chấp nhận rủi ro'

Một nhà hoạt động vận động cho xã hội dân sự từ Việt Nam bình luận những lý do, nguyên nhân đằng sau việc ông bị một số người, trong đó có nhiều người lạ mặt, 'đe dọa, xúc phạm và tấn công' những ngày gần đây, nhưng nói sẵn sàng 'chấp nhận hậu quả, rủi ro'.

Trao đổi với BBC hôm 25/10/2015, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, nhà hoạt động trên mạng xã hội, cho hay trong các ngày liên tiếp ở tuần này ông và một số thành viên trong gia đình đã bị 'tấn công', 'rình rập' ở nhiều địa điểm khác nhau trong đó có nhà riêng và ở nơi con gái nhỏ của ông đi học.

Ông nói với BBC: "Hiện tại quý vị cũng biết gia đình tôi cũng như bản thân tôi đã bị một lực lượng tổ chức giống như kiểu Hồng vệ binh của Trung Quốc...

"Họ đã liên tục xúc phạm danh dự, đến quấy rối tại gia đình. Cũng như là còn một lực lượng khác lạ mặt tấn công khi mà chúng tôi đến đón con ở trường mầm non. 

"Thế và tình tiết mới nhất là ngay đêm qua, thì họ đã dùng sơn đỏ khắc vào cửa gia đình nhà tôi be bét một màu đỏ trông rất là kinh hoàng.

"Và hiện tại có rất nhiều có rất nhiều dấu hiệu là những đám người này họ liên tục họ theo dõi, họ theo đuổi tôi và họ sẽ còn tiếp tục khủng bố tôi."

'Động cơ khủng bố'?

Về nguyên nhân đằng sau những diễn biến có tính chất 'bạo lực, khủng bố' đã xảy ra như trong các cáo buộc được đưa ra như trên, nhà hoạt động nói:

"Nguyên nhân thì họ nói rằng tôi xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh, xúc phạm lãnh tụ của dân tộc.

"Thế nhưng tôi không tin rằng đấy là cái lý do mà họ tìm cách mà họ tấn công tôi.

"Mà tôi cho rằng đây là những toan tính chính trị của những phe phái ở trong giai đoạn Đại hội Đảng này.

"Một việc đàn áp nhân quyền như vậy thì chắc chắn là nó sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến quá trình đàm phán TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương).

"Và nếu như Việt Nam không gia nhập được TPP, thì việc lệ thuộc vào Trung Quốc là rất rõ.

"Tôi nghi ngờ rằng tất cả những sự việc này là đứng đằng sau là tất cả những nhóm người nằm ở trong an ninh, nằm ở trong quân đội, nhưng mà không phải là tất cả.

"Tức là những người nằm trong bộ phận đó, nhưng mà họ có quan điểm là lệ thuộc vào Trung Quốc," kỹ sư Lân Thắng nói.

'Động chạm thần tượng?'

Khi được hỏi liệu ông có ý thức được hay không về những rủi ro khi 'đụng chạm' tới các 'hình tượng chính trị' của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà hoạt động đáp:

"Tôi đã biết những sự thật về Hồ Chí Minh thông qua rất nhiều tài liệu từ rất lâu rồi.

"Và tôi cũng hiểu những rủi ro mà tôi phải đương đầu, nhưng mà tại sao tôi làm điều đó, thì tôi làm điều đó là có chủ ý, tôi chấp nhận tất cả những hậu quả.

"Tôi chấp nhận hậu quả bởi vì tôi nghĩ đến giai đoạn này, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, của mạng xã hội, thì sự thật tôi nghĩ rằng không còn nhiều người thực sự tin vào cái hình tượng Hồ Chí Minh.

"Và tôi nghĩ tôi cần phải là người nói ra những điều đấy, làm những điều đấy để cho những người còn sợ sệt, những người còn u mê, người ta phải tìm hiểu bằng được những cái sự thật ẩn dấu sau hình tượng chính trị Hồ Chí Minh," nhà vận động này nói.

BBC chưa có điều kiện kiểm chứng những chi tiết mà kỹ sư Nguyễn Lân Thắng đưa ra trong cuộc trao đổi.

Trong cuộc phỏng vấn hôm Chủ nhật, nhà hoạt đông từ Hà Nội cũng trả lời các câu hỏi liên quan những cáo buộc cho rằng ông 'nhận tiền' của nước ngoài để 'hoạt động chống phá' Đảng, nhà nước và chính quyền Việt Nam', cũng như để 'nói xấu, bôi nhọ' lãnh tụ của Đảng. - BBC

No comments:

Post a Comment