Sunday, October 4, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 4/10

Tin Thế Giới

1.
Nga tiếp tục tiến hành chiến dịch không kích ở Syria --- Tổng thống Pháp cảnh báo nguy cơ chia cắt Syria

Nga kiên quyết tiếp tục không kích các cứ địa của khủng bố và các mục tiêu khác ở miền bắc Syria, bất chấp phương Tây nói rằng chiến dịch oanh kích phần lớn nhắm vào các nhóm nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn.

Hoa Kỳ và các đồng minh lên án chiến dịch không kích của Nga.

Phương Tây nói rằng Moscow dùng cuộc hành quân như một lá chắn để chống đỡ cho chính phủ bị vây hãm của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Trong những lên án mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói chỉ có 5% các cuộc không kích của Nga nhắm vào các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo, phần lớn còn lại nhắm vào các nhóm nổi dậy Syria được phương Tây hậu thuẫn đang tìm cách lật đổ chế độ Assad.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama quả quyết rằng cuộc xung đột không thể trở thành một "cuộc chiến tranh ủy nhiệm" giữa Washington và Moscow, cho dù hai nước thực hiện hai chiến dịch không kích nhắm vào những nhóm khác nhau bên trong Syria.

Cho tới giờ, Nga vẫn chưa đáp ứng kêu gọi của Tổng thống Obama về việc tìm kiếm một giải pháp chính trị, trong đó không có một vai trò cho ông Assad ở Syria.

Tại một cuộc họp thượng đỉnh ở Paris hôm qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói với Tổng thống Vladimir Putin rằng những vụ không kích của Nga ở Syria phải giới hạn trong việc tấn công các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo mà thôi.

Cũng trong ngày hôm qua, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem lên tiếng tại Liên Hiệp Quốc để bênh vực cho hành động của ông Putin. Ông cũng nói rằng chính phủ Syria sẽ tham gia các nhóm công tác của Liên Hiệp Quốc để tìm cách đạt được một thoả thuận hoà bình. - VOA

***
Tổng thống Pháp François Hollande không che dấu e ngại Syria bị chia đôi lãnh thổ và toàn vùng Trung Đông sẽ bị hai hệ phái Shia và Sunni lôi vào vòng chiến. Tổng thống Pháp kêu gọi Vladimir Putin ưu tiên tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Trong một bài phỏng vấn truyền hình sẽ được phát vào tối nay, 04/10/2015, tổng thống Pháp nhận định: điều quan trọng là tránh chia đôi lãnh thổ Syria và nhất là một cuộc chiến tranh tôn giáo giữa phe Shia do Iran và Nga ủng hộ, và bên kia là hệ phái Sunni được các vương quốc vùng Vịnh hỗ trợ.

Do vậy, tổng thống Pháp nhấn mạnh là cần phải xem tổ chức Nhà nước Hồi giáo là đối thủ và Nga phải có cùng thái độ như Tây phương.

Theo tổng thống Pháp, lãnh đạo Nga Vladimir Putin hiện giờ không phải là đồng minh của Tây phương, nhưng là đồng minh của Bachar al Assad. Tổng thống Pháp "hy vọng" là tổng thống Nga sẽ thay đổi lập trường, trở thành đối tác thật sự của Tây phương, tìm một giải pháp chính trị cho Syria. Điều cần làm ngay là tấn công IS.

Trong bài phỏng vấn, tổng thống Hollande một lần nữa khẳng định các cuộc không kích của Nga tại Syria không tập trung đánh vào IS. Ông cho biết đã trực tiếp nhắc nhở Vladimir Putin trong cuộc họp tại Paris hôm thứ sáu.

Tổng thống Pháp lo ngại là nếu không giải quyết được khủng hoảng tại Syria một cách khẩn cấp thì không chỉ có Syria lãnh hậu quả là toàn thể Trung Đông và châu Âu sẽ bị vạ lây. Chính từ sa mạc Syria và Irak mà chiến binh khủng bố được huấn luyện để sau đó lan ra khắp nơi. - RFI
|
|

2.
Bầu cử Bồ Đào Nha: Cánh trung hữu có thể thắng

Sau bốn năm thi hành các biện pháp khắc khổ, hôm nay, 04/10/2015, 10 triệu cử tri Bồ Đào Nha được kêu gọi bầu lại Quốc hội. Hai cánh tả và hữu cùng không có triển vọng đạt đa số tuyệt đối.

Tuy nhiên, liên minh trung hữu của thủ tướng Premier ministre Pedro Passos Coelho có khả năng tiếp tục thêm một nhiệm kỳ thứ hai vì dân Bồ Đào Nha muốn tránh để bị rơi vào trường hợp như của Hy Lạp.

Theo nhận định của thông tín viên đài RFI Marie-Line Darcy từ Lisboa, cử tri Bồ Đào Nha không mấy hào hứng trong cuộc bỏ phiểu lần này:

"Kèn trống, công-phét-ti, không khí các buổi meeting khép lại mùa vận động tranh cử tại Bồ Đào Nha lúc nào cũng như ngày hội. Thế nhưng các chương trình vận động cũng như kết quả bầu cử lần này mang màu sắc khá ảm đạm và bi quan. Theo lời một cử tri, uy tín của các chính trị gia Bồ Đào Nha đã sứt mẻ nhiều, các chính khách thường ‘nói một đằng, làm một nẻo’. Cũng có những người cho biết họ sẽ đi làm bổn phận công dân, đến các phòng phiếu, nhưng để bỏ phiếu trắng, bày tỏ phẫn nộ trước các chính sách khắc khổ. Người dân cảm thấy là họ đã phải hy sinh quá nhiều. 

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cánh hữu có triển vọng về đầu với khoảng 37% phiếu ủng hộ, đảng Xã hội chỉ thu thập được chừng độ 33%. Cử tri Bồ Đào Nha có vẻ như sẵn sàng giữ liên minh cầm quyền lại thêm một nhiệm kỳ. Cũng liên minh này đã áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng từ bốn năm qua. Giám đốc tờ báo thuộc cánh trung Observador, ông José Manuel Fernandes quan niệm giai đoạn khó khăn nhất đối với Bồ Đào Nha đã thuộc về quá khứ. Dù vậy có nhiều triển vọng là cánh tả cũng như cánh hữu không đạt được đa số tuyệt đối và sẽ phải thành lập một chính phủ liên minh để điều hành đất nước".

Kinh tế Bồ Đào Nha liên tục bị suy thoái. Năm 2011 Lisboa dưới sự điều hành của thủ tướng José Socrates - đảng Xã hội, đàm phán với châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế để nhận được một gói hỗ trợ 78 tỷ euro. Tương tự như trong trường hợp của Hy Lạp, Bồ Đào Nha cũng phải cam kết tiến hành hàng loạt các biện pháp cải tổ. Nhưng khác biệt nằm ở chỗ đến tháng 5/2014 Bồ Đào Nha đã không còn phải ngửa tay xin các nhà tài trợ giúp đỡ.

Công luận xứ này lo ngại, những nỗ lực để đưa Bồ Đào Nha thoát khỏi khủng hoảng và cảnh nợ nần chồng chất sẽ bị tiêu tan nếu để cho đảng Xã hội trở lại cầm quyền. - RFI
|
|

3.
Israel giới hạn người Palestine vào Phố Cổ sau vụ đâm chém

Cảnh sát Israel hôm Chủ nhật cho hay họ giới hạn người vào Phố Cổ Jerusalem sau vụ một người Palestine dùng dao đâm chết hai người Do Thái và làm bị thương hai người khác vào chiều tối thứ Bảy.

Lệnh cấm hai ngày không áp dụng đối với những người Palestine cư ngụ, làm việc và học hành tại Phố Cổ, nhưng những người khác ở Đông Jerusalem sẽ không được phép vào Phố Cổ.

Một lệnh giới hạn khác áp dụng đối với đàn ông dưới 50 tuổi không được phép vào khu vực nhạy cảm – Đền thờ Hồi giáo al-Aqsa.

Tổ chức chủ chiến Hồi Giáo Jihad nói kẻ tấn công là một thành viên của tổ chức này.

Vụ tấn công ngày thứ Bảy xảy ra hai ngày sau khi một cặp vợ chồng với 4 đứa con bị bắn chết tại Bờ Tây do Israel chiếm đóng.

Những vụ đụng độ mới đây tại khu vực Đền al-Aqsa ở Đông Jerusalem đã chứng kiến những người biểu tình Palestine ném đá và bom xăng vào những người không phải là Hồi Giáo. Những người này được phép theo luật của Israel đến thăm khu vực này.

Israel chiếm Đông Jerusalem cùng với Bờ Tây từ tay Jordan trong cuộc chiến tranh năm 1967. Người Palestine đòi lãnh thổ này là thủ đô của quốc gia tương lai của họ. - VOA
|
|

4.
Số tử vong trong vụ đất chuồi ở Guatemala lên tới 86 người

Đến Chủ nhật thì hầu như không còn hy vọng tìm được nạn nhân nào còn sống sót trong vụ đất chuồi lớn xảy ra tại một vùng ngoại ô thủ đô Guatemala.

Tổng số người thiệt mạng nay lên đến 86 người, và có thể sẽ còn tăng thêm trong lúc các toán cứu hộ đào bới hàng tấn bùn đất để tìm kiếm khoảng 350 người mất tích.

"Đây là điều tệ hại nhất xảy ra với chúng tôi," một phụ nữ đang chờ tin của 21 người thân trong gia đình của bà nói.

Giới hữu trách cho hay khoảng 125 căn nhà bị phá hủy hoàn toàn hoặc bị hư hại vào tối thứ Năm khi đất chuồi đột ngột xảy ra sau những trận mưa lớn.

"Tôi vừa đi ra ngoài làm vài việc mẹ tôi sai và khi quay về thì không còn gì nữa," Carlos Ac, 17 tuổi, nói với hãng tin AFP.  Mẹ và 7 anh chị em của Carlos đều mất tích.

Đất chuồi vùi lấp làng El Cambray II, thuộc thành phố Santa Catarina Pinula, cách thủ đô Guatemala City khoảng 15 kilômét về hướng đông.

Tổng thống Alejandro Maldonado cho biết nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ và Cuba đề nghị giúp cứu trợ cho nước ông. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Đàm phán TPP lại thất bại

Bộ trưởng thương mại của 12 quốc gia trong dự án thành lập vùng Thương mại Tự do Xuyên Thái Bình Dương TPP đã chia tay nhau vào hôm nay chủ nhật, 04/10/2015, sau 5 ngày đàm phán mà không đạt được thỏa thuận. Dự kiến họp thêm một ngày, nhưng cuối cùng hội nghị phải kết thúc trong vòng 15 phút vì tiến triển rất ít.

Theo AFP, Hoa Kỳ hy vọng trong cuộc thương lượng lần này tại Atlanta, 12 nước thành viên sẽ xóa được bất đồng trên ba hồ sơ gai góc: xuất nhập cảng sữa, phụ tùng xe hơi và bảo vệ bằng sáng chế thuốc.

Hồ sơ thứ ba này đã trở thành chướng ngại không vượt qua được.

Theo lời bộ trưởng thương mại Nhật Bản Akira Arami kể lại với báo chí, Hoa Kỳ muốn bảo vệ bằng sáng chế thuốc  của các công ty tân dược Mỹ thêm một thời hạn 12 năm. Trong khi đó thì Úc đòi phải rút ngắn còn 5 năm. Hoa Kỳ chấp thuận thỏa hiệp giảm xuống 8 năm, nhưng nhiều nước đang phát triển như Peru quyết liệt không chấp nhận thời hạn lâu dài, vì muốn nhanh chóng hưởng quyền chế tạo theo công thức gốc với giá thấp.

Các tổ chức phi chính phủ như Y sĩ Không Biên giới chỉ trích đòi hỏi bảo vệ "độc quyền" của các công ty dược phẩm của Mỹ sẽ làm giá thuốc tăng cao, bất lợi cho bệnh nhân ở những nước nghèo.

Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb, tuy lo ngại thất bại tại Atlanta sẽ làm hỏng dự án TPP, đã tuyên bố tin tưởng các bên sẽ đạt được đồng thuận trong tương lai trên hồ sơ gai góc này. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

6.
Campuchia trục xuất hơn một nghìn người Việt

Gần 2 nghìn người, phần lớn là người Việt, đã bị chính quyền Phnom Penh trục xuất trong 9 tháng đầu năm 2015, số liệu của chính phủ Campuchia cho biết.

Tính từ tháng Một tới tháng Chín năm nay, 1.919 người đã bị đuổi khỏi vương quốc này, trong đó có 90% là người gốc Việt.

Theo con số mà cơ quan nhập cảnh Campuchia công bố, tỷ lệ người Việt Nam bị trục xuất gia tăng kể từ năm ngoái.

Năm 2014, trong khoảng thời gian từ tháng Bảy và tháng 12 khi số liệu được ghi nhận, có 1.307 vụ trục xuất, trong đó người Việt chỉ chiếm hơn 80%.

Phe đối lập Campuchia bấy lâu nay thường sử dụng “con bài” người Việt ở Campuchia để cáo buộc chính quyền Phnom Penh nhân nhượng Hà Nội.

Chưa rõ là việc Campuachia trục xuất nhiều người Việt như trên có nhằm mục đích chứng tỏ sự cứng rắn đối với vấn đề nhập cư cho những người phản đối thấy hay không.

Ngoài người Việt, các di dân trái phép còn từ các nước như Trung Quốc, Nigeria, Mỹ, Anh, Pháp và Italia.

Theo các quan chức địa phương, những người bị trục xuất không có giấy tờ nhập cảnh hợp pháp, giấy phép làm việc và thường vào Campuchia trái phép qua các tuyến đường không chính thống.

Tổ chức nhân quyền Adhoc hoan nghênh việc chính phủ minh bạch về con số người bị trục xuất, nhưng nhấn mạnh rằng họ cần phải được đối xử công bằng.

Ngoài vấn đề di dân, phe đối lập cũng thường cáo buộc chính quyền “dâng đất” cho Việt Nam.

Trả lời VOA Việt Ngữ khi biểu tình bên ngoài trụ sở Liên Hiệp Quốc hôm 26/9, ông Thành Kiên, một người Khmer Krom, nói với VOA Việt Ngữ: “Nếu mà giải quyết vụ đất đai không được hoặc không thể giải quyết cái vụ người Việt Nam ở trên đất nước Campuchia bất hợp pháp quá nhiều thì nên cho [Thủ tướng] Hun Sen ra đi". - VOA

No comments:

Post a Comment