Thursday, October 22, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 22/10

Tin Thế Giới

1.
WHO: Giảm lượng chất ô nhiễm ngắn hạn có thể cứu mạng người

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hàng triệu cái chết có thể được ngăn chận mỗi năm bằng cách giảm thiểu những chất ô nhiễm ngắn hạn. Theo tường thuật của thông tín viên Lisa Schlein của đài VOA tại trụ sở chính của Tổ chức Y tế Thế giới ở Geneve, phúc trình của tổ chức này đề nghị cắt giảm bụi than, ozone và methane.

Carbon dioxide là chất chính gây hiệu ứng nhà kính làm cho nhiệt độ trái đất gia tăng. Nhưng bụi than, hay bồ hóng, cùng với methane và ozone trong khói mù ở đô thị cũng góp phần gây ra nạn biến đổi khí hậu và có hại cho sức khoẻ con người.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, những loại khí thải có chứa các chất gây ô  nhiễm không tồn tại lâu có thể gây ra các chứng bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp và ung thư phổi. Tổ chức này nói rằng các chất đó mỗi năm gây ra 7 triệu ca tử vong vì ô nhiễm không khí.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng nói rằng các chất ô nhiễm đó còn làm cho sản lượng nông nghiệp bị sút giảm.

Người đứng đầu bộ phận môi trường của Tổ chức Y tế Thế giới, bà Maria Neira, cho biết các chất ô nhiễm trong nhà cũng như ngoài trời có ảnh hưởng lớn đối với tình trạng biến đổi khí hậu. Nhưng bà cho biết các chất đó chỉ tồn tại trong khí quyển từ vài ngày cho tới 10 ngày - không giống như chất carbon dioxide, là chất có thể tồn tại hàng trăm, hàng ngàn năm.

"Vì những chất ô nhiễm này tồn tại không lâu, cho nên khi chúng ta giải quyết được chúng, chúng ta có thể giảm thiểu lượng khí thải rất nhanh chóng và nhờ đó chúng ta có thể cải thiện phẩm chất không khí và làm chậm lại tốc độ biến đổi khí hậu ngắn hạn. Chúng ta sẽ có ngay một sự sút giảm của những bệnh tật phát sinh từ ô nhiễm không khí."

Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra một số biện pháp ít tốn kém để giảm thiểu các chất ô nhiễm ngắn hạn, Đứng đầu danh sách đó là giảm bớt lượng khí thải của xe cộ bằng cách áp dụng những tiêu chuẩn cao hơn về khí thải và hiệu suất năng lượng.

Ô nhiễm không khí trong nhà cũng là một nguồn gây ra bệnh tật và tử vong. Theo các báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 2 ngàn 800 triệu gia đình sử dụng những nguồn nhiên liệu bẩn, như than, củi và dầu hôi để nấu nướng và sưởi ấm.

Các chuyên gia của tổ chức này nói rằng sử dụng những loại lò sạch hơn và có hiệu suất cao hơn, hoặc sử dụng những loại nhiên liệu khác, có thể làm giảm đi những mối rủi ro cho sức khoẻ. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

2.
WikiLeaks phổ biến giấy tờ, thông tin của Giám đốc CIA

Những thông tin từ tài khoản email cá nhân của Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) John Brennan đã bị phổ biến trên internet, chỉ vài ngày sau khi những tay tin tặc khoe là đã xâm nhập vào tài khoản của ông. Thông tín viên Jeff Seldin của đài VOA gửi về bài tường thuật.

Wikileaks hôm thứ Năm đã loan tải trên internet một số văn kiện từ tài khoản của ông Brennan, trong đó có những văn kiện dường như là bản thảo của những báo cáo về những thách thức mà cộng đồng tình báo Mỹ đang đối mặt và những đề nghị về cách ứng phó của Mỹ đối với Iran. Trang mạng chống bảo mật này cũng phổ biến một bản thảo của đơn xin sưu tra an ninh của ông Brennan, trong đó có những thông tin cá nhân như số an sinh xã hội.

WikiLeaks bênh vực cho hành động của họ và cho biết ông Brennan “đã đôi lúc sử dụng tài khoản này cho một số dự án liên quan tới tình báo.” Họ cũng nói rằng họ dự trù phổ biến thêm các văn kiện khác trong những ngày tới đây.

Một phát ngôn viên CIA bác bỏ những tuyên bố của WikiLeaks. Người phát ngôn này nói: “Không có chỉ dấu nào cho thấy bất kỳ văn kiện nào bị phổ biến cho tới lúc này là thuộc loại cần bảo mật,” và đó chỉ là “những văn kiện mà một công dân bình thường có quan tâm và am hiểu vấn đề an ninh quốc gia đều có.”

​Phát ngôn viên CIA gọi vụ tin tặc này là một hành vi tội phạm. Ông nói: “Gia đình Brennan là nạn nhân. Những tài sản điện tử riêng tư của gia đình Brennan đã bị cướp phá với ác ý và đang được phổ biến trên mạng.”

Những văn kiện đăng trên WikiLeaks dường như được cung cấp bởi một học sinh trung học. Tuần trước, thanh niên này cho Tờ New York Post biết rằng anh ta đã xâm nhập tài khoản email cá nhân của vị giám đốc CIA để phản đối chính sách đối ngoại của Mỹ.

Tất cả những văn kiện WikiLeaks phổ biến hôm thứ Năm đều là những thứ đã có trước ngày ông Brennan tham gia chính phủ của Tổng thống Barack Obama.

Một bài viết vào năm 2007, có nhan đề “Vấn nạn Iran,” cảnh báo rằng việc Tehran tiếp tục sử dụng chủ nghĩa khủng bố là “đặc biệt đáng lo ngại và ác ôn,” nhưng cũng phê phán việc Tổng thống Bush gọi Iran là một phần của “trục ác” sau vụ tấn công khủng bố ở Mỹ năm 2001.

Bài viết này khuyên tổng thống kế tiếp của Mỹ “dịu giọng,” và cho rằng “cần tiến hành một cuộc đối thoại trực tiếp cấp cao với Iran vì tầm quan trọng của nước này đối với lợi ích chiến lược của Mỹ và đối với sự ổn định tổng thể của khu vực.” Ông Brennan cũng đề nghị Washington “giơ ra những củ cà rốt có ý nghĩa và cây gậy,” và gợi ý chính phủ Mỹ nên cử ông Colin Powell làm đặc sứ tới Iran để thảo luận về việc thực hiện cuộc đối thoại.

​WikiLeaks cũng phổ biến một lá thư của cựu thượng nghị sĩ Kit Bond viết năm 2008 cho các bạn đồng viện về đề nghị của ông nhằm hạn chế những kỹ thuật thẩm vấn của CIA. Họ cũng cho đăng dự thảo luật của ông Bond về vấn đề này.

Ông Patrick Skinner, cựu nhân viên tình báo Mỹ và đang giữ chức giám đốc các dự án đặc biệt của công ty tình báo tư nhân Soufan Group, cho biết vụ rò rỉ này có lẽ không gây ra những tác động về địa chính trị. Ông nói: “Các cơ quan tình báo khác sẽ tìm kiếm những thông tin để tìm cách làm xăng ta hoặc khích động dư luận, nhưng vị giám đốc của CIA không phải là một mục tiêu có tính chất thực tế cho những ý đồ như vậy. Việc này có tính chất hạn hẹp và cá nhân hơn.”

Các giới chức chính phủ và các chuyên gia trong khu vực tư cho rằng vụ này cho thấy tính chất dễ bị tổn hại của một môi trường mà trong đó sự cần thiết của sự liên lạc nhanh chóng và dễ dàng đã vượt khỏi khả năng bảo vệ thông tin của các cơ quan chính phủ và của các công ty.

Bà Saryu Nayyar, giám đốc công ty Gurucul, chuyên cung cấp dịch vụ ngăn chận nạn đánh cắp thông tin cá nhân, nói: “ Đây là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất vào lúc này. Nó đang xảy ra nhiều lần trong một ngày tại bất kỳ tổ chức nào. Những tay tin tặc xâm nhập vào hệ thống, hành động như là một người bên trong và lấy đi những tài sản trí thức quan trọng và những dữ liệu mật.”

Các giới chức chấp hành luật pháp cho biết họ đang điều tra vụ tấn công mạng nhắm vào tài khoản email cá nhân của giám đốc CIA. Một thông cáo của Cục Điều tra Liên bang (FBI) cho biết: “FBI đang điều tra vấn đề này cùng với Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ. Chúng tôi không thể bình luận thêm vì đây là một cuộc điều tra đang tiếp diễn.” - VOA
|
|

3.
Ông Joe Biden tuyên bố không tranh cử tổng thống

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa tuyên bố ông quyết định không ra tranh quyền đề cử của Ðảng Dân chủ để ra tranh cử tổng thống, chấm dứt những tuần lễ đồn đoán liệu ông có tranh cử hay không.

Phát biểu tại Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc hôm nay, ông Biden nói rằng sự đau buồn sau cái chết của con trai ông, Beau Biden, vì ung thư não hồi tháng 5 làm ông không chuyên tâm hay tập trung đủ để hoàn tất những thời hạn chót, hay các cuộc tranh luận, và đại hội đảng."

"Tôi tin là chúng tôi không còn đủ thời gian nữa, thời gian cần thiết để để chiến thắng trong cuộc vận động tranh quyền đề cử của đảng," ông Biden phát biểu tại Tòa Bạch Ốc, với phu nhân là bà Jill và Tổng thống Barack Obama đứng kế bên. "Mặc dù tôi sẽ không là một ứng cử viên, tôi sẽ phát biểu rõ ràng và uy lực về quan điểm của chúng tôi trong một đảng là gì, và mục tiêu chung chúng tôi cần hướng đến của một quốc gia là gì."

Ông Biden, 72 tuổi, ca ngợi Tổng thống Obama rằng "ông Obama đã lãnh đạo đất nước từ khủng hoảng sang hồi phục."

Ông Biden đã làm thượng nghị sĩ hơn 3 thập niên, đại diện bang Delaware.  Ông đã ra tranh cử tổng thống hai lần nhưng không thành công, lần mới đây là vào năm 2008.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton đang dẫn đầu cuộc đua tranh cử tổng thống năm 2016 bên Ðảng Dân chủ, thứ nhì là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont trong các cuộc trưng cầu dân ý. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Việt Nam tái xuất khẩu lao động giúp việc nhà sang Đài Loan

Nhóm người giúp việc Việt Nam đầu tiên đã tới Đài Loan hôm thứ Tư (21/10) sau khi nước này dỡ bỏ lệnh cấm kéo dài 10 năm đối với một số loại hình người làm công từ Việt Nam.

Nhóm người giúp việc đầu tiên này sẽ nhận được khoản lương 17.000 TWD/tháng (khoảng 520 USD/tháng) sau khi nước này nâng mức lương tối thiểu lên từ 15.840 TWD vào tháng rồi.

Đài Loan đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thuyền viên và người chăm sóc, giúp việc gia đình từ Việt Nam vào năm 2005 vì tỉ lệ bỏ trốn quá cao. Do lệnh cấm này mà số người giúp việc nước ngoài tại Đài Loan đã sụt giảm đáng kể. Hiện Indonesia đứng đầu về số người giúp việc nhà tại Đài Loan, chiếm đến 80% trong tổng số người giúp việc nhà được đưa vào Đài Loan.

Hồi tháng 4, Đài Loan thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vào tháng 7 sau khi Indonesia loan báo hồi đầu năm rằng nước này có kế hoạch ngừng gửi người giúp việc nhà ra nước ngoài vào năm 2017, khơi ra những lo ngại về tình trạng thiếu hụt người giúp việc tại Đài Loan.

Kể từ đó, Việt Nam tăng cường huấn luyện người giúp việc và cam kết trừng phạt những người bỏ trốn cũng như đưa ra những biện pháp để đối phó với tình trạng này.

Theo thông báo tuyển dụng của các cơ sở tuyển nhân công của Việt Nam, những người muốn làm công việc giúp việc nhà ở Đài Loan phải nằm trong độ tuổi từ 25-45, phải được huấn luyện 390 giờ về luật pháp Đài Loan, phong tục, tập quán, ngôn ngữ cũng như các kỹ năng cần thiết cho công việc trước khi đến Đài Loan. - VOA
|
|

5.
Đình chỉ điều tra ông Hồng Lê Thọ --- Đình chỉ điều tra Bọ Lập

Hôm thứ Tư 21/10, blogger Hồng Lê Thọ, chủ trang "Người Lót Gạch" đã nhận được Quyết định "Đình chỉ điều tra bị can" từ Công an TP. Hồ Chí Minh.

Trong quyết định do đại tá Lê Hồng Hà - phó thủ trưởng cơ quan điều tra cấp, có ghi nội dung: "Sau khi tiến hành điều tra thấy: Hành vi tàng trữ, phát tán tài liệu có nội dung đả kích, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà Nước do bị can Hồng Lê Thọ thực hiện đã được ngăn chặn kịp thời, không còn nguy hiểm cho xã hội, không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự".

Ông Hồng Lê Thọ bị bắt ngày 29/11/2014 và bị tạm giam đến ngày 11/2/2015. Ông bị khởi tố về tội: "Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.

BBC đã liên lạc với ông Hồng Lê Thọ nhưng ông từ chối trả lời phỏng vấn về sự kiện này.

Ông Hồng Lê Thọ được đình chỉ điều tra một ngày sau khi nhà văn Nguyễn Quang Lập công bố ông nhận quyết định đình chỉ điều tra, vào hôm 20/10.

Trả lời phỏng vấn của BBC về sự kiện đình chỉ điều tra nhiều người trong đợt này, ông Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập hoạt động trong nước nhận định có thể vì lý do ngoại giao “chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Obama dự kiến vào tháng 11 sắp tới”.

Ông Phạm Chí Dũng cũng cho biết các nhà hoạt động, và blogger “tương đối tự do hơn từ giữa năm nay, đặc biệt là sau chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đến Washington”.

“Tôi lấy ví dụ như blog Bà Đầm Xòe - của nhà văn Phạm Thành - trong đó đợt này có thể viết đủ thứ, tôi có cảm giác như tham gia vào một cuộc bút chiến rất thoải mái không còn bị giới hạn. Đọc blog này, người ta sẽ tự hỏi không biết chuyện gì đang diễn ra tại Hà Nội.” - BBC

***
Hơn tám tháng sau khi được tại ngoại, nhà văn Nguyễn Quang Lập vừa nhận quyết định đình chỉ điều tra hôm 20/10.

Hôm 20/10, nhà văn Nguyễn Quang Lập thông báo trên Facebook: “Bọ Lập vừa nhận được quyết định đình chỉ điều tra, chưa biết đi mô nhậu đây”.

BBC đã liên hệ với nhà văn để hỏi thêm chi tiết, nhưng ông từ chối trả lời các câu hỏi phỏng vấn mà chỉ nói ngắn gọn qua mạng xã hội: “Tôi không đi đâu ra ngoài nên không dùng điện thoại di động. Cảm ơn quý đài đã quan tâm nhưng tôi không muốn "ồn ào" chuyện này”.

Nhiều facebooker đã gửi lời chúc mừng đến ông Lập.

Nhà báo Nguyễn Thông comment: "Chúc mừng ông. Nhưng kể cũng lạ, muốn bắt thì bắt, muốn thả thì thả, muốn đình chỉ thì đình chỉ, quá tùy tiện".

Trong thời gian bị cấm đi khỏi nơi cư trú, ông xuất hiện trên mạng xã hội một cách ‘ôn hòa’ khi bình luận về những vấn đề thời sự.

'Bắt quả tang viết văn'

Tháng 2/2015, ông Lập, tức Bọ Lập, chủ trang blog Quê Choa, được cho tại ngoại nhưng vẫn trong tình trạng “tiếp tục bị điều tra về tội Tuyên truyền chống phá Nhà nước theo Điều 88, Bộ Luật Hình sự”.

Ông Lập bị bắt tạm giam ngày 6/12/2014 và sau đó bị khởi tố.

Thông cáo trên website Bộ Công an khi đó cho biết cơ quan điều tra công an TP Hồ Chí Minh đã "bắt quả tang, ra lệnh khám xét khẩn cấp và tạm giữ hình sự" với ông Nguyễn Quang Lập và đang "tiếp tục điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật".

Vụ bắt giữ ông Lập đã gây nhiều sự chú ý trong và ngoài nước.

Khác với đa số cây bút bị bắt giữ trước đây, ông Lập thuộc dòng chủ lưu trong giới văn chương Việt Nam, thường xuất hiện trên truyền thông và có nhiều tác phẩm được in chính thức.

Sau khi ông bị bắt, nhiều nhân sỹ trí thức trong nước đã ký tên kêu gọi trả tự do cho ông Lập, trong số này có ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và nhà văn Nguyên Ngọc.

Thỉnh nguyện thư này đã thu hút được hơn 600 chữ ký trên mạng. - BBC
|
|

6.
Thế hệ 'Kim Yong Un' mới trong đảng Cộng sản Việt Nam

Tin ông Justin Trudeau, 43 tuổi, con trai của cựu thủ tướng Canada Pierre Trudeau, đắc cử chức vụ thủ tướng hôm 20/10 nhận được nhiều phản hồi tích cực từ công luận thế giới. Báo chí Việt Nam đã dành từ ‘con nhà nòi’ để nói về ông Trudeau. Trong khi đó, những gương mặt trẻ con cái của các lãnh đạo hàng đầu Việt Nam vừa được bổ nhiệm vào những vị trí chủ chốt ở các tỉnh, thành sau Đại hội Đảng bộ ở các tỉnh thành tuần qua, lại khiến không ít người lo lắng.  

Trong cuộc phỏng vấn với Khánh An của Ban Việt Ngữ đài VOA, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, thành viên của Diễn đàn Xã hội Dân sự, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển IDS, phân tích sự khác biệt trong hệ thống và kết quả của quá trình chọn lãnh đạo giữa Việt Nam và các nước dân chủ và nguyên nhân tại sao một thế hệ trẻ lãnh đạo mới lại không hẳn là một dấu hiệu tốt cho Việt Nam.

Trước tiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét chung về những lãnh đạo trẻ mới lên của Việt Nam.

TS. Nguyễn Quang A: Những gương mặt trẻ đó thực sự họ lên được những chức to như thế, không ai biết có phải là bằng tài năng của họ hay không hay chỉ bằng mối quan hệ ‘con ông cháu cha’. Trong một hệ thống không minh bạch, không được bầu cử một cách tự do để lựa chọn những vị lãnh đạo, thì khả năng sau – khả năng ‘con ông cháu cha’ – là nhiều.

VOA: Nếu vậy, ông nhận xét thế nào về những công cụ đánh giá, chẳng hạn như các cuộc thi chuyên viên để được bầu cử vào các chức vụ này nọ?

TS. Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ đấy là công cụ của riêng đảng Cộng sản thì khó mà đánh giá là công cụ đó khách quan đến thế nào, chính xác bao nhiêu. Rất đáng tiếc là phải nói như vậy.

VOA: Khi những gương mặt trẻ vừa được nắm giữ các chức vụ, có nhiều luồng dư luận tỏ ra lo ngại, nghi ngờ. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam vừa lên tiếng nói ‘không nên cứ thấy bổ nhiệm người trẻ là nghi ngờ’. Đúng là ở các nước khác thì đây là dấu hiệu đáng mừng, tại sao ở Việt Nam lại có sự lo lắng như thế? Ông đánh giá thế nào về thực tế ở Việt Nam, theo tiểu sử thì họ cũng là những người được gửi đi đào tạo ở các nước và cũng có một năng lực nhất định?

TS. Nguyễn Quang A: Tiêu chuẩn trẻ là một tiêu chuẩn tốt. Nhưng bên cạnh tiêu chuẩn trẻ, còn rất nhiều tiêu chuẩn khác có thể còn quan trọng hơn tiêu chuẩn trẻ. Ở những nước có sự cạnh tranh lành mạnh và minh bạch trong việc bổ nhiệm, bầu cử, nếu được người trẻ thì đúng là rất tốt. Nhưng ở những nước độc tài, tiêu chuẩn trẻ chưa nói lên được điều gì. Hãy nhìn vào Bắc Triều Tiên với một lãnh đạo trẻ là ông Kim Jong Un, tôi nghĩ người ta lo ngại là phải.

VOA: Như thế có phải mức độ tin cậy của công chúng đối với chính quyền là chưa cao?

TS. Nguyễn Quang A: Không phải là chưa ở mức cao mà là rất thấp.

VOA: Với tin tân thủ tướng Canada vừa đắc cử, báo chí Việt Nam dành cho ông những lời lẽ rất tích cực, gọi ông là ‘con nhà nòi’, trong khi báo chí lề trái gọi những người trẻ mới lên là ‘thái tử đảng’. Theo ông, cách nói như thế có chủ quan, thiên vị hay không?

TS. Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ họ không thiên vị chút nào cả, bởi vì không thể so sánh Canada và Việt Nam được. Việt Nam có nền chính trị độc tài, Canada là một nước dân chủ. Ở những nước dân chủ, có thể ‘con nhà nòi’ hay con những nhà quen hoạt động chính trị, người ta có thể có khả năng đó. Nhưng cuối cùng cũng phải là cái đảng đó được nhân dân tín nhiệm hoặc bản thân người đó phải được nhân dân tín nhiệm thì mới được bầu. Còn ở Việt Nam, thử hỏi có nhân dân nào tín nhiệm những người ‘con ông cháu cha’ hay không? Tôi không phản đối gì việc họ là những người trẻ, nhưng hãy để cho người dân chọn những người trẻ đấy thì tốt hơn.

VOA: Đứng ở vị trí của những người trẻ vừa đảm nhận những chức vụ trên, nếu họ thực sự có khả năng và muốn tham gia vào các hoạt động của chính phủ, làm sao họ có thể chứng tỏ thực lực khi họ ở dưới cái bóng quá lớn của cha mẹ và với sự chỉ trích rất nhiều từ công luận?

TS. Nguyễn Quang A: Nếu họ thực sự muốn chứng tỏ khả năng của họ thì họ hãy khuyên bố mẹ họ xóa bỏ chế độ độc tài này đi. Tôi vẫn đồng ý cho họ tự do chọn đảng Cộng sản này nhưng đảng Cộng sản hãy bỏ độc quyền đi, để cho có thêm một vài đảng nữa. Trong một vài đảng khác nữa đó, những người trẻ có thể tự do cạnh tranh được với mấy ông ‘con ông cháu cha’ này. Trong trường hợp đó mà họ thắng cử thì tôi mừng cho họ.

VOA: Ông dự đoán thế nào về tương lai của ban lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam với sự xuất hiện của những gương mặt mới trẻ như thế?

TS. Nguyễn Quang A: Tôi chưa dám đánh giá gì nhưng tôi nhìn sang Bắc Triều Tiên thì tôi thấy rất lo ngại.

VOA: So sánh Việt Nam với Bắc Triều Tiên như thế liệu có chủ quan hay không?

TS. Nguyễn Quang A: Có thể sự so sánh nào cũng đều khập khiễng. Nhưng ông Kim Jong Un cũng được học ở phương Tây từ nhỏ, ở Thụy Sĩ, là một đất nước rất tiên tiến. Thế nhưng khi vào guồng máy như ở Bắc Triều Tiên thì những người đi học ở phương Tây ấy cũng tỏ ra vô ích. Vậy thì những ông ‘con ông cháu cha’ trẻ ở Việt Nam này có đi học ở đâu đâu chăng nữa, nhưng cái guồng máy này nó làm các ông đấy bị hư đi.

VOA: Như thế là ông muốn nói đến cái lỗi hệ thống chứ không phải con người?

TS. Nguyễn Quang A: Đúng như thế. Tôi hoan nghênh những ông trẻ ‘con ông cháu cha’ này nếu các ông ấy cạnh tranh lành mạnh trong một hệ thống đa đảng. Còn ở trong hệ thống một mình đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo thì tôi không thể không lo được.

VOA: Cám ơn TS. Nguyễn Quang A đã dành thời gian cho đài VOA. - VOA

No comments:

Post a Comment