Monday, October 19, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 19/10

Tin Thế Giới

1.
Bắc Triều Tiên kêu gọi đàm phán về Hiệp ước Hòa bình

Hôm 18/10, Bắc Triều Tiên đã bác bỏ việc nối lại các cuộc đàm phán quốc tế nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân và thay vì thế kêu gọi Hoa Kỳ thương lượng một hòa ước chính thức.

Đề nghị hòa ước nằm trong khuôn khổ một đáp ứng của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên trước các nhận định của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye hôm thứ sáu tại Washington. Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nam Triều Tiên tuyên bố họ sẵn sàng tiếp xúc với Bình Nhưỡng nếu nước này đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Bình Nhưỡng tuyên bố tập trung vào vũ khí hạt nhân sẽ không có tác dụng

Trong một thông cáo do Thông tấn xã trung ương của nhà nước Bắc Triều Tiên đưa ra, và được đọc một phần trên đài truyền hình nhà nước KRT, bộ ngoại giao Bắc Triều Tiên nói các nỗ lực tập trung đặc biệt vào các cuộc đàm phán giải giới hạt nhân quốc tế đã thất bại.

Bắc Triều Tiên đã đồng ý giải thể chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế, bảo đảm an ninh và cải thiện quan hệ ngoại giao theo một thỏa thuận chung năm 2005 giữa 6 bên trong vùng gồm Bắc Triều Tiên, Nam Triều Tiên, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản.

Nhưng Bình Nhưỡng đã không tôn trọng cam kết và đã tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân vào những năm 2006, 2009 và 2013, tất cả đều gây phương hại đến thỏa thuận và đưa đến hậu quả là các biện pháp chế tài do Liên Hiệp Quốc áp đặt đối với Bắc Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên quy trách Mỹ gây căng thẳng liên tục trên bán đảo Triều Tiên

Theo quan điểm của Bình Nhưỡng, các chính sách thù nghịch và những hành động khiêu khích của Hoa Kỳ, trong đó có các cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp ở quy mô lớn trên bán đảo Triều Tiên, đã “làm băng giá bầu không khí” và gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Trong thông cáo của Bộ Ngoại giao, Bình Nhưỡng nói cách tốt nhất để tiến tới là Washington thương nghị một hòa ước để thay thế cho hiệp định đình chiến năm 1953 đã kết thúc chiến tranh.

Trên nguyên tắc, Bắc và Nam Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh theo hiệp định đình chiến ký năm 1953 với Hoa Kỳ, đã đưa đến việc lực lượng LHQ hậu thuẫn cho miền Nam chống lại miền Bắc.

Theo Bình Nhưỡng, một hòa ước cũng khẳng định rõ rằng tiếp tục gia tăng áp lực ngoại giao và chế tài sẽ không đưa Bắc Triều Tiên đến bàn thương nghị.

Thông cáo của bộ ngoại giao Bắc Triều Tiên ngay 18 tháng 10 nói, “Nếu Hoa Kỳ nhất mực theo một con đường khác, bán đảo Triều Tiên sẽ chỉ thấy phương tiện ngăn cản hạt nhân vô giới hạn được củng cố thêm.”

Một giáo sư đồng ý rằng bước đầu hạ giảm căng thẳng là một hòa ước chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên

Ông Chung-in Moon, một giáo sư khoa học chính trị của trường Đại học Yonsei lâu nay vẫn thẳng thắn bênh vực việc thương nghị một hòa ước với Bắc Triều Tiên.

Ông Moon nói, “Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ trừ phi các quan ngại về an ninh được giải quyết và cách tốt nhất để giải quyết mối quan ngại an ninh đó là có một hình thức đàm phán nào đó có liên quan đến việc thiết lập một chế độ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.”

Ông Moon cho rằng bây giờ là lúc thử một sách lược giao tiếp, nhân thái độ hợp tác mới đây của Bình Nhưỡng trong việc tổ chức các cuộc đoàn tụ gia đình trong tuần này và quyết định tạm ngưng đe dọa phóng một hỏa tiễn tầm xa.

Ông Moon nói, “Bắc Triều Tiên đã cho thấy thái độ tự chế và vì vậy sẽ rất có ích nếu Hoa Kỳ có thể đưa ra một hình thức củng cố có mục tiêu nào đó đối với Bắc Triều Tiên.”

Đương nhiên việc thương nghị một hòa ước sẽ cực kỳ phức tạp trong bối cảnh cả Nam và Bắc Triều Tiên vẫn còn duy trì lời khẳng định chủ quyền trên toàn bán đảo Triều Tiên.

Trong thông cáo, Bình Nhưỡng kêu gọi Washington thương nghị một hòa ước nhưng không đề cập đến việc sự tham gia của Seoul hay Bắc Kinh, là các bên khác đã ký hiệp định đình chiến năm 1953.

Và những người hoài nghi thì cho rằng một hòa ước có thể gây thiệt hại cho liên minh giữa Seoul và Washington và đè nặng áp lực lên Hoa Kỳ phải giảm thiểu sự hiện diện quân sự ở Nam Triều Tiên trong khi tưởng thưởng cho Bình Nhưỡng các quan hệ ngoại giao tốt hơn mà không hạ giảm mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Một hòa ước hợp thức hóa việc phân chia hai nước Triều Tiên cũng sẽ đi ngược lại với lời kêu gọi thống nhất trong hòa bình của Tổng thống Park như một “giải pháp cơ bản” để giải quyết vụ tranh chấp hạt nhân và đem lại hòa bình lâu dài cho bán đảo Triều Tiên. - VOA
|
|

2.
Ông Trudeau dẫn đầu cuộc bầu cử Quốc hội Canada

Người dân Canada hôm thứ Hai bỏ phiếu bầu quốc hội trong các cuộc bầu cử có thể cản trở nỗ lực của thủ tướng Stephen Harper tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 và thay vào đó đưa ông Justin Trudeau, con trai của nhà cựu lãnh đạo được nhiều người hâm mộ.

Các cuộc thăm dò hôm Chủ Nhật cho thấy đảng Cấp tiến của ông Trudeau dẫn trước đảng Bảo Thủ của ông Harper với một sự chênh lệch sát sao 38% so với 31% trong khi đảng Những Nhà Dân Chủ Mới được 21%.

Ông Trudeau hứa hẹn một sự thay đổi so với 9 năm cầm quyền của ông Harper, bao gồm mức tăng cường hàng tỷ đô la về chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Nhưng những người đối lập với ông Trudeau lại cho rằng ông còn thiếu kinh nghiệm và chưa sẵn sàng cho chức vụ này. Ông Trudeau được bầu vào quốc hội năm 2008, một năm trước khi ông Harper lên làm thủ tướng.

Thân phụ của ông Trudeau, ông Pierre, rút lui khỏi chính trường năm 1984 sau khi giữ chức thủ tướng trong hầu hết 16 năm trước đó. Ông nổi tiếng là người đấu tranh cho sự hợp nhất của Canada và làm cho tiếng Pháp trở thành một ngôn ngữ chính thức của đất nước này cũng như đề xuất một hiến pháp mới. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Hàng không mẫu hạm Mỹ, Nhật biểu dương lực lượng

Hoa Kỳ và Nhật Bản đã phô trương lực lượng hải quân hôm 18/10 giữa lúc căng thẳng tăng cao ở Biển Đông vì những hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của nước này tại vùng biển đang trong vòng tranh chấp với nhiều nước trong khu vực.

Bản tin của tờ Daily Mail của Anh hôm nay tường thuật rằng sự xuất hiện của đoàn tàu chiến hùng hậu gồm tàu sân bay, tàu khu trục và tàu ngầm tập trung ở ngoài khơi Nhật Bản là một tín hiệu cho thấy sự hiện diện sâu rộng hơn của Hải quân Hoa Kỳ tại khu vực Tây Thái Bình Dương.

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản phô trương các khí tài quân sự của nước này, kể từ khi các nhà lập pháp Nhật Bản phê chuẩn đạo luật quốc phòng mới, cho phép các binh sĩ Nhật được chiến đấu ở nước ngoài để bảo vệ các đồng minh.

Tàu Izumo được mô tả là tàu chiến lớn nhất của hạm đội Nhật Bản kể từ sau Thế Chiến thứ Hai. Tàu sân bay trực thăng này dài 248 mét, được hạ thủy từ tháng 5, là biểu tượng điển hình cho thấy Nhật Bản đang mở rộng hoạt động ở nước ngoài, kể từ khi đạo luật quốc phòng được quốc hội Nhật thông qua. Tàu Izumo có khả năng chứa 28 máy bay, 400 quân và 50 xe vận tải.

Hành động phô trương lực lượng của các đồng minh của Mỹ diễn ra giữa lúc căng thẳng tăng cao trong các quan hệ giữa nhiều nước Đông Nam Á với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.

Sự kiện này diễn ra giữa lúc Mỹ đang có kế hoạch áp sát vùng biển tranh chấp nơi Trung Quốc đã xây nhiều đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa và thiết lập căn cứ quân sự trên đó.  

Trong một bài diễn văn sau một cuộc biểu dương lực lượng hải quân, Thủ Tướng Abe nói với các thuỷ thủ rằng hãy chuẩn bị để tham gia các sứ mạng tương lai và “bảo vệ nền hoà bình của đất nước.”

Trung Quốc trước đó đã bày tỏ quan ngại về việc chính phủ Nhật Bản thay đổi chiến lược quốc phòng.

Thủ Tướng Abe trở thành vị Thủ Tướng Nhật đương nhiệm đầu tiên có mặt trên một hàng không mẫu hạm Mỹ khi ông bước lên chiến hạm USS Ronald Reagan neo tại căn cứ Hải quân Yokosuka thuộc quận Kanagawa, Nhật Bản.

Hôm 18/10 hãng tin UPI tường thuật về hành động biểu dương lực lượng hải quân của các đồng minh của Mỹ cho biết là tham gia cái gọi là ‘cuộc duyệt binh ngoài biển’ này, ngoài các tàu chiến Mỹ, Nhật còn có các chiến hạm đến từ Ấn Độ, Nam Triều Tiên, Australia, và Pháp.

Tổng cộng có tất cả 50 tàu và 61 máy bay tham gia cuộc duyệt binh phô trương lực lượng, được tổ chức mỗi 3 năm một lần. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Ông Xuân Anh với “áp lực nặng nề”

Ngày 16/10, ông Nguyễn Xuân Anh đã được bầu giữ chức vụ bí thư thành ủy Đà Nẵng, là một trong các bí thư tỉnh thành trẻ nhất Việt Nam. 

Trong một cử chỉ được cho là mang phong cách mới, ông Xuân Anh đã công khai số điện thoại và email cá nhân trên mạng internet.

Tuy nhiên khi BBC liên lạc với ông qua số điện thoại công khai trên mạng thì chưa nói chuyện được với tân bí thư vì ông cho hay "đang bận họp". 

Trước đó, ông đã trả lời phỏng vấn một số báo trong nước ngay sau khi đắc cử, và nói ông thấy “áp lực rất nặng nề”.

Trong bài phát biểu bế mạc đại hội Đảng bộ Đà Nẵng, ông Xuân Anh có đọc nội dung mà ông thừa nhận là “có chỉnh sửa rất nhiều” so với bản đầu tiên do Văn phòng Thành Ủy chuẩn bị.

Bài phát biểu có đoạn: "Mỗi cán bộ, đảng viên phải quán triệt sâu sắc rằng không có quyền lực ngoài pháp luật, phải thượng tôn pháp luật và quản lý TP bằng pháp luật."

...Chức vụ là do Đảng phân công, vì vậy, người lãnh đạo muốn làm việc gì thì phải nghĩ “đây không phải quyền lực mà mình được hưởng thụ cho cá nhân hoặc cho gia đình mà tùy tiện muốn làm gì thì làm”.

Trang tin Infonet của Bộ Thông tin Truyền thông đặt câu hỏi: "Nếu ba của ông không phải ông Nguyễn Văn Chi thì ông có nghĩ mình sẽ được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng vào thời điểm hiện nay không?"

Ông Xuân Anh tuy “không phủ nhận truyền thống gia đình” nhưng khẳng định với Infonet: “Ba tôi đã nghỉ hưu năm năm rồi... sự ủng hộ về mặt tinh thần giữa người cha dành cho người con là chính, còn sự can thiệp, sự tác động này kia thì hầu như không có.”

Trả lời phỏng vấn tờ Tuổi Trẻ, ông Xuân Anh có nhấn mạnh xây dựng Đà Nẵng là “Thành phố an bình” – nghĩa là “sắp tới phải cố gắng làm sao hạn chế thấp nhất tình trạng trộm, cướp, giết người”. Trước đây, dưới thời ông Bá Thanh, Đà Nẵng định hướng xây dựng mình là “Thành phố đáng sống”.

Gương mặt trẻ 

Ông Xuân Anh là một trong những gương mặt trẻ xuất hiện trong ban chấp hành Đảng bộ khóa 2015-2020 khiến dư luận chú ý thời gian vừa qua.

Ông là con trai cả của ông Nguyễn Văn Chi, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa X.

Cùng thời điểm, ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhậm chức Bí thư tỉnh Kiên Giang. Ông Nguyễn Minh Triết, một con trai khác của thủ tướng Dũng cũng tiếp tục vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định. - BBC
|
|

5.
Malaysia phẫn nộ vì hành vi khiêu khích của TQ ở Trường Sa

Tư lệnh các lực lượng vũ trang Malaysia Zulkefli Mohd Zin cực lực đả kích ‘hành động khiêu khích vô căn cứ’ của Trung Quốc ở Biển Đông, trong một phát biểu hiếm hoi của Malaysia về cuộc tranh chấp này.

Kuala Lumpur từ trước tới nay vẫn tỏ ra thận trọng về các hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông.

Bản tin của International Business Times hôm 18/10 dẫn lời phát biểu của ông Zulkefli Mohd Zin tại một diễn đàn an ninh tổ chức ngay tại Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc, đề cập đến “hành động ngang ngược’ của nước chủ nhà trong việc xây dựng các đảo nhân tạo ở biển Đông.

Trang mạng Channel News Asia cũng tường thuật về lời chỉ trích hiếm hoi của Malaysia về ý đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein nói nước ông hy vọng Trung Quốc sẽ ngồi vào bàn đàm phán để đạt một Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) với các nước láng giềng, bởi vì theo ông, đây là cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp biển đảo trong khu vực.

Bắc Kinh đã tìm cách trấn an rằng các những công trình xây cất của họ là nhằm "phục vụ các mục đích dân sự, nghiên cứu hàng hải và tạo điều kiện cho giao thông hàng hải, cũng như bảo đảm an toàn trong khu vực". - VOA
|
|

6.
Cuộc gặp gỡ giữa Đại sứ Hoa Kỳ tại VN và bác sĩ Nguyễn Đan Quế

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Ted Osius và bà tổng lãnh sự Rena Bitter vào ngày 16 tháng 10 có cuộc gặp với bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng tại Việt Nam. Ông cũng là chủ tịch Cao Trào Nhân bản đồng thời là một cựu tù chính trị tại Việt Nam.

Nội dung trao đổi chính tại cuộc gặp là gì?

Cuộc gặp được cho biết diễn ra tại một địa điểm cách Tòa tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn chừng 100 thước. Theo lời của bác sĩ Nguyễn Đan Quế thì lần này khi ông đi gặp đại sứ Ted Osius và bà tổng lãnh sự Rena Bitter không bị cản trở như lâu nay mỗi khi ông ra khỏi nhà hay có một sự kiện chính trị nào đó tại Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế cho biết đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius cũng như bà tổng lãnh sự Rena Bitter nắm bắt khá chặt chẽ tình hình tại Việt Nam; nhất là những vấn đề không được truyền thông nhà nước Hà Nội loan tải trong các lĩnh vực tự do thông tin, tự do phát biểu...

Về phần mình, bác sĩ Nguyễn Đan Quế nêu ra nhiều vấn đề với đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius và bà tổng lãnh sự Rena Bitter gồm các thành tựu trong mối quan hệ Mỹ-Việt trong 20 năm qua, vấn đề tháo gỡ mìn, các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, các vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu và tác động đến khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long…

Vấn đề Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mới được đúc kết đàm phán hồi ngày 5 tháng 10 vừa qua tại Hoa Kỳ cũng là một điểm nhấn được bác sĩ Nguyễn Đan Quế nêu ra với đại sứ Mỹ Ted Osius và bà tổng lãnh sự Rena Bitter vào ngày 16 tháng 10 vừa qua. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế cho biết:

“Tôi cũng có nói thêm khi gia nhập TPP có hai mặt đối với phía Việt Nam. Khi vào TPP, Việt Nam phải tuân theo luật lệ chung, nhất là về công đoàn và quyền của người công nhân. Tôi nhấn mạnh rất nhiều về quyền của người công nhân, công đoàn. Thế thì với đời sống chính trị lạc hậu, mất lòng dân, không tôn trọng nhân quyền, không có dân chủ, mà chỉ dùng công đoàn nhà nước để đàn áp thì chắc chắn hệ thống như thế khi hòa đồng với 11 nước khác với nền kinh tế cao hơn, tôi nói thẳng, là không thể được. Nếu muốn vào thành công thì phải đổi hệ thống chính trị. Tôi có dùng một chữ của tôi cho rằng đây là tiến trình tự nhiên ‘natural evolution’, ông Ted Oius cũng đồng ý nhưng chữ ông dùng là ‘organic evolution’. Tôi thấy hai cụm từ cũng giống nhau, không có gì khác hết.”

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế cũng nhắc lại với đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius và bà tổng lãnh sự Rena Bitter quan điểm của bản thân ông khi Việt Nam ký kết hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ- BTA, cũng như gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO, cũng như hiện nay tham gia TPP với 11 nước khác:

“Thế thì tôi cũng có nói với ông ấy thế này: tiến trình thay đổi ở Việt Nam chủ yếu nó là về kinh tế đó. Thế thì ngay như hiệp ước BTA song phương giữa Mỹ và Việt Nam sau khi hai nước bình thường hóa; (lúc đó) tôi cũng ủng hộ rất mạnh. Và đến khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, rất nhiều người phản đối tôi cũng nói là như thế không đúng mà phải nên tham dự. Cứ tham dự, hội nhập với quốc tế là tốt. Theo tôi sau BTA, sau WTO và nay là TPP này trong đó 12 nước có 2 siêu cường kinh tế Mỹ, Nhật làm đầu tàu thì đây là một hiệp ước đối tác về kinh tế khác hoàn toàn với những hiệp ước đối tác kinh tế trong thời kỳ hai khối cộng sản-tư bản. Bây giờ chiến tranh lạnh đã chấm dứt và thế giới đang chuyển mình sang thế chiến lược mới là hợp tác bắc-nam.”

Tại cuộc gặp, bác sĩ Nguyễn Đan Quế cũng nói rõ là phía Hoa Kỳ cần dùng hai hồ sơ TPP và vũ khí sát thương để gây áp lực cải tổ đối với Hà Nội. Ông nói:

“Ngoài TPP chúng tôi có nêu lên một cái để làm áp lực cho Hà Nội là họ đang rất muốn mua vũ khí sát thương. Tôi có nêu với ông ấy đây là hai công cụ để áp lực mạnh nhất đối với một thể chế chính trị không có khả năng/vô khả năng, tham nhũng, thất bại hoàn toàn về sự nghiệp phát triển kinh tế  đang nắm lấy phao cứu sinh TPP, thì đây là thời điểm thích hợp nhất để khuyên bảo Hà Nội nên dân chủ hóa đất nước.”

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế cũng đề cập đến những yêu cầu về tự do thông tin:

“Về quyền tự do thông tin thì riêng tôi có nhắc phải để lưu thông hai chiều trong các sản phẩm viết về Việt Nam từ bên ngoài phải được đưa vào Việt Nam và sản phẩm của cộng sản Việt Nam được đưa ra ngoài. Tôi nhấn rất mạnh về tự do thông tin đa chiều và quyền tự do phát biểu vào thời điểm này là trọng tâm tranh đấu của chúng tôi; phải có quyền này thì chúng tôi mới có thể tiếp tục tranh đấu và đòi hỏi những thay đổi dân chủ tại Việt Nam. Tôi cũng nhấn mạnh đến quyền tự do Internet và trong tương lai là tự do báo chí-báo chí tư nhân. Đó là những mục tiêu mà chúng tôi đòi hỏi, kể cả những phương tiện truyền thông của nhà nước: báo chí, truyền thanh, truyền hình cũng phải mở cửa để cho những ý kiến phản biện, xây dựng vì có tiền đóng thuế của người dân.” 

Theo lời bác sĩ Nguyễn Đan Quế nêu ra với ông đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius và bà tổng lãnh sự Rena Bitter thì phong trào dân chủ tại Việt Nam hiện nay là một phong trào tự phát; nhưng một thực tế hiện nay là lòng dân không còn ủng hộ cho đảng cộng sản Việt Nam nữa mà thậm chí  họ còn chán ghét, thù hằn. Do đó đây là lúc cần tìm một giải pháp tốt đẹp cho vấn đề Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế cho rằng trong bối cảnh Việt Nam phải từ bỏ sự lệ thuộc vào Trung Quốc để quay sang phía Tây Phương và vào lúc Việt Nam sờ được vào phao cứu sinh TPP, thì phong trào dân chủ cũng sẽ tác động đúng vào thời điểm này. Ông cho rằng mọi người Việt Nam bất kể là người quốc gia hay người cộng sản nay đến với đường lối mới: đường lối mang lại tự do, dân chủ và phát triển. Hai đường lối này phải đi đôi với nhau.

“Vấn đề Việt Nam ở thế động, chúng ta phải nhìn vấn đề hoàn toàn ở thế động, mọi chuyện phải xem xét ở thế động; nhưng tổng quát tôi nói rõ: con đường chúng ta đang đi hiểu theo nghĩa của những người tranh đấu Việt Nam và những người tiến bộ trên thế giới của xã hội Tây Phương và của lòng dân Việt Nam là con đường đúng rồi. Bây giờ chúng ta tiến tới và chắc chắn sẽ đạt tới.” 

Kết luận chung về cuộc gặp với đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius và bà tổng lãnh sự Rena Bitter hôm ngày 16 tháng 10 vừa qua, bác sĩ Nguyễn Đan Quế cho rằng đó là một trong những cuộc gặp mà ông thấy vui vẻ nhất. - RFA

No comments:

Post a Comment