Saturday, October 31, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 31/10

Tin Thế Giới

1.
'Không ai sống sót' vụ phi cơ Nga gặp nạn

Toàn bộ 224 người trên khoang đều thiệt mạng trong vụ máy bay dân dụng gặp nạn ở miền trung bán đảo Sinai, theo các quan chức Ai Cập tới điều tra hiện trường.

Xác máy bay đã được tìm thấy tại khu vực Hassana và các thi thể đã được đưa đi cùng hộp đen của chiếc phi cơ.

Chuyến bay KGL9286 biến mất khỏi màn hình radar ở độ cao khoảng 31.000ft (9.500m).

Điều tra hình sự

Tổng thống Nga Valadimir Putin đã ra lệnh mở cuộc điều tra chính thức về vụ tai nạn, và cho gửi các nhóm cứu hộ tới hiện trường.

Ông Putin tuyên bố cả nước Nga để tang vào ngày Chủ Nhật.

Một ủy ban do Bộ trưởng Giao thông Maksim Sokolov dẫn đầu sẽ tới Ai Cập vào chiều thứ Bảy.

Hồ sơ hình sự cũng đã được mở đối với hãng hàng không Kogalymavia về tội "vi phạm các quy định bay và công tác chuẩn bị bay", hãng tin Nga Ria tường thuật.

Tin tức nói cảnh sát hiện đang lục soát các văn phòng của hãng.

Hãng hàng không có trụ sở tại tây Siberia này hoạt động dưới tên gọi Metrojet.

Tin cho hay trên khoang có 217 hành khách và phi hành đoàn bảy người. Truyền thông Nga nói trong số 217 hành khách có 200 người lớn và 17 trẻ em.

Các quan chức Ai Cập nói có 214 hành khách là người Nga và 3 người là người Ukraine.

Hãng tin Tass nói một trung tâm hỗ trợ thân nhân của các hành khách vừa được mở tại sân bay Pulkovo, St Petersburg.

Bất ngờ mất độ cao

Trước khi rơi, máy bay bị cho là đã mất độ cao rất nhanh.

Ban đầu đã có những tường thuật trái ngược về số phận của chiếc phi cơ, với một số tin tức cho rằng máy bay biến mất trên bầu trời Cyprus.

Tuy nhiên, văn phòng Thủ tướng Ai Cập Sharif Ismail xác nhận trong một tuyên bố rằng một "phi cơ dân dụng Nga... đã lao xuống ở miền trung Sinai".

Thông cáo từ văn phòng thủ tướng nói chiếc máy bay Airbus A-321 khi đó vừa cất cánh từ khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh trên bờ Hồng Hải, lên đường về St Petersburg.

Thông cáo cũng nói thêm rằng ông Ismail đã thành lập một ủy ban khủng hoảng nhằm xử lý vụ việc.

Truyền thông nói có ít nhất 50 xe cứu thương tới hiện trường.

Việc tiếp cận vào nơi này hiện do quân đội kiểm soát và địa hình nơi đây khá hiểm trở, các phóng viên nói.

Một quan chức nói với hãng tin Reuters là đã có ít nhất 100 thi thể được tìm thấy.

"Có rất nhiều người chết trên mặt đất và nhiều người chết trong lúc vẫn kẹt trong ghế ngồi của mình," quan chức này nói.

Chiếc phi cơ bị gãy đôi, một phần bị bốc cháy còn một phần lao vào tảng đá, ông cho biết thêm.

Hãng hàng không nhỏ

Máy bay này do hãng Kogalymavia của Nga vận hành. Đây là hãng hàng không nhỏ, trụ sở chính ở thành phố Tyumen, vùng Siberia của Nga.

Cơ quan quản lý hàng không Nga Rosaviatsiya ra thông cáo nói chuyến bay số hiệu 7K 9268 rời Sharm el-Sheikh vào lúc 06:51 giờ Moscow (10:51 sáng giờ Hà Nội) và theo lịch trình phải tới sân bay Pulkovo ở St Petersburg lúc 12:10 sáng (16:10 giờ Hà Nội).

Thông cáo này nói máy bay đã mất liên lạc với quản lý không lưu Cyprus 23 phút sau khi cất cánh và biến mất khỏi radar.

Hãng tin Nga Ria-Novosti cho hay phi công chiếc máy bay trước khi mất tín hiệu đã xin chuyển hướng và hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Cairo vì lý do trục trặc kỹ thuật.

Mikail Robertson từ hãng dịch vụ theo dõi trực tiếp các chuyến bay Flight Radar 24 xác nhận độ cao của máy bay khi mất tích là 9.500m.

Ông nói với BBC rằng chiếc phi cơ đã rớt xuống rất nhanh, mất 1.500m chỉ một phút sau khi mất liên lạc.

Phóng viên BBC Orla Guerin từ Cairo nói nhiều khả năng sẽ có đồn đoán về can dự quân sự trong vụ tai nạn này - Sinai là nơi có một mạng lưới các tay súng hoạt động tích cực, trong đó có nhóm thánh chiến Jihadis địa phương tự coi mình là đồng minh với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).

Tuy nhiên, độ cao của chiếc phi cơ vào thời điểm gặp nạn cho thấy đó không thể là hậu quả của một vụ tấn công từ dưới mặt đất, phóng viên BBC nói thêm. - BBC
|
|

2.
TQ vẫn thừa nam nên sẽ hung hăng? --- Biển Đông: Tên lửa siêu âm TQ khiến nguy cơ xung đột với Mỹ gia tăng --- TQ không muốn Thủ tướng Nhật nêu Biển Đông tại thượng đỉnh Seoul

Hàng chục triệu thanh niên nam Trung Quốc ế vợ sẽ tạo ra vấn đề xã hội và có thể khiến chính quyền theo đuổi chính sách quân sự hung hãn, theo một nhà nghiên cứu gốc Hoa ở Anh.

Phát biểu trên trang The Guardian hôm 29/10 nhân tin Trung Quốc sẽ cho các cặp vợ chồng tới đây được có hai con, ông Steve Tsang, giáo sư chuyên về TQ tại ĐH Nottingham nói:

"Mất cân bằng giới tính sẽ vẫn là vấn đề rất lớn."

"Chúng ta nói đến 20 triệu tới 30 triệu người đàn ông trẻ không thể có vợ. Điều này gây ra căng thẳng xã hội và tạo ra một số lớn những người bực bội."

"Lịch sử cho thấy các nước với số đàn ông không vợ rất đông ở tuổi quân dịch thường dễ theo đuổi chính sách ngoại giao mang tính quân phiệt, hung hăng."

Chính sách mỗi gia đình chỉ được có một con, đưa ra thời Đặng Tiểu Bình, bị cho là nguyên nhân gây mất cân bằng giới tính nghiêm trọng cho mấy thế hệ tại Trung Quốc.

Muộn mất nhiều năm

Nay chính sách 'hai con' được hoan nghênh những cũng bị cho là quá muộn để hạn chế tác động của quá trình lão hóa dân số đã bắt đầu.

Số liệu chính thức của Trung Quốc cho hay con số lao động từ 16 đến 59 đã lên đỉnh cao năm 2011 và từ đó bắt đầu giảm.

Năm 2014, số người ở độ tuổi này đã là 916 triệu, bằng 66% dân số cả nước Trung Quốc, giảm nhanh từ 74,5% năm 2010.

Với tin về chính sách một con của Trung Quốc sắp dần được bỏ, các con số khủng khiếp được nêu ra về quá trình thực hiện chính sách này.

Trung Quốc nói từ 1979, nước này đã 'ngăn ngừa 400 triệu trẻ sinh ra' như thể giúp cho thế giới giảm đi từng đó nhân khẩu.

Nhưng cũng theo chính Bộ Y tế Trung Quốc, đã có trên 350 triệu vụ phá thai, nhiều khi là cưỡng bức, được thực hiện trên cả nước.

Tính trung bình mỗi giờ ở Trung Quốc có 1500 vụ phá thai, theo cách tính chính thức.

Cũng từ 1979, Trung Quốc thực hiện 196 vụ triệt sản, trong nhiều trường hợp cũng là cưỡng bức.

Chính sách 'hai con' tới đây cũng sẽ có tác động đến vấn đề nhận con nuôi.

Được biết hàng chục nghìn trẻ em tại Trung Quốc mỗi năm được người nước ngoài đón về làm con nuôi.

Nhiều trẻ là em gái bị mẹ bỏ vì thói trọng nam khinh nữ truyền thống mà nhà nước chỉ cho có một con nên nhiều gia đình chọn con trai. - BBC

***
Nguy cơ xung đột vũ trang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Trung Quốc ở Biển Đông gia tăng cùng với mức độ ngày càng tinh vi của các tên lửa bắn từ tàu ngầm của Trung Quốc. Đó là cảnh báo được đưa ra trong một báo cáo mới, vừa được gởi lên Quốc hội Hoa Kỳ ngày 28/10/2015.

Theo báo cáo của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung, loại tên lửa phóng từ tàu ngầm của Trung Quốc, được biết dưới cái tên YJ-18 (Ưng Kích 18), là một mối đe dọa thật sự, bởi vì tên lửa này trước khi chạm mục tiêu sẽ tăng tốc lên vận tốc siêu âm, cho nên sẽ rất khó cho thủy thủ đoàn của Mỹ bảo vệ chiến hạm của họ. 

Tên lửa YJ-18 có thể bay với vận tốc gần bằng với vận tốc âm thanh chỉ vài mét trên mực nước biển, rồi đến khi chỉ còn cách mục tiêu khoảng 20 hải lý, sẽ tăng tốc lên đến gấp ba vận tốc âm thanh. Theo lời ông Larry Wortzel, một thành viên của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung, tốc độ siêu âm của YJ-18 khiến cho súng trên tàu chiến của Mỹ khó mà bắn chặn tên lửa này. 

Uỷ ban nói trên báo động rằng, vận tốc và tầm bắn của tên lửa YJ-18, cũng như việc triển khai rộng rãi loại tên lửa này, sẽ gây những tác động nghiêm trọng đến khả năng của các tàu trên mặt biển của hải quân Mỹ hoạt động vùng Tây Thái Bình Dương trong trường hợp xảy ra xung đột. 

Lãnh đạo quốc phòng của nhiều nước Đông Nam Á trong những tháng gần đây đã lên tiếng báo động về nguy cơ của các tên lửa bắn từ dưới biển, vào lúc mà các quốc gia trong khu vực đua nhau phát triển hạm đội tàu ngầm và trong bối cảnh mà Hoa Kỳ thách thức những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Báo cáo của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung được đưa ra chỉ vài ngày sau khi chiến hạm USS Lassen của Mỹ đi vào tuần tra trong khu vực 12 hải lý chung quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng ở Trường Sa, nhằm khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải ở khu vực này. Tuy cực lực phản đối, nhưng Trung Quốc đã không ngăn chận, mà chỉ điều động hai tàu hải quân bám theo tàu Mỹ. Nhưng nếu chiến hạm Hoa Kỳ tiếp tục tuần tra sát cạnh các đảo nhân tạo Trung Quốc, chưa biết Bắc Kinh có sẽ còn giữ thái độ kềm chế như vậy hay không. 

Hôm thứ năm vừa qua, trong cuộc hội đàm với Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ, đô đốc Ngô Toàn Thắng, Tư lệnh hải quân Trung Quốc, đã cảnh báo là hành động "khiêu khích" của Mỹ có thể dẫn đến những vụ đụng độ giữa hải quân giữa hai nước. 

Ngoài tên lửa siêu âm YJ-18, Trung Quốc hiện cũng đang có trong tay tên lửa đạn đạo Đông Phong-21 (DF-21), được mệnh danh là tên lửa "diệt hàng không mẫu hạm", mà Bắc Kinh đã phô diễn trong lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm ngày phát xít Nhật đầu hàng đồng minh. Loại tên lửa này được bắn từ các dàn phóng tên lửa di động đặt trên đất liền. - RFI

***
Hôm nay, 31/10/2015, Trung Quốc tuyên bố chống lại ý định của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nêu vấn đề Biển Đông trong cuộc hội đàm giữa ông với Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Seoul ngày mai.

Tuyên bố với các phóng viên tại thủ đô Hàn Quốc hôm nay, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: "Tôi tự hỏi là Nhật Bản có dính dáng gì đến Biển Đông". Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn yêu cầu Tokyo không can dự vào các vấn đề liên quan đến những yêu sách chủ quyền, cũng như những công trình bồi đắp đảo của Trung Quốc ở vùng Biển Đông. 

Ngày mai, tại Seoul, lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ có cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên với đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường. Thủ tướng Trung Quốc hôm nay cũng đã có cuộc gặp song phương với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. 

Về vấn đề Biển Đông, cho tới nay, Seoul vẫn cố giữ một thái độ trung lập, không chỉ trích Trung Quốc nhưng cũng không công khai ủng hộ Hoa Kỳ. Một quan chức bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm nay chỉ nhấn mạnh rằng Seoul vẫn chủ trương là tự do lưu thông hàng hải phải được bảo đảm ở vùng Biển Đông. The thông tin báo chí, Thủ tướng Lý Khắc Cường khi gặp Tổng thống Park Geun Hye đã tỏ ý muốn là Seoul sẽ tiếp tục giữ thái độ trung lập trên vấn đề Biển Đông. - RFI

***
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm nay 31/10/2015 đã tới thủ đô Seoul, Hàn Quốc để chuẩn bị cuộc họp thượng đỉnh Đông Bắc Á quy tụ lãnh đạo ba nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Thông qua cuộc họp lần này, Bắc Kinh hy vọng sẽ cải thiện được quan hệ thương mại và góp phần thúc đẩy nên kinh tế đang bị chựng lại.

Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ có một buổi gặp riêng với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye vào cuối ngày hôm nay. Vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Còn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ đến Seoul vào đầu giờ chiều Chủ nhật 01/11, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh.

Trung Quốc và Hàn Quốc gần đây đã duy trì được mối quan hệ thương mại chặt chẽ. Cả hai nước cùng muốn gây ảnh hưởng tới Bình Nhưỡng để hạn chế tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Mối quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh đã trở nên nồng ấm hơn trong những năm gần đây. Tổng thống Park Geun Hye và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp nhau sáu lần và có mối quan hệ cá nhân khá thân mật.

Tuy nhiên, bà Park đang phải đối mặt với vấn đề cân bằng quan hệ ngoại giao khá tế nhị giữa Bắc Kinh và Washington. Sáu mươi năm liên minh quân sự giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ vẫn là nền tảng quốc phòng của quốc gia Đông Á này và Seoul không muốn trở thành một lá bài trong cuộc chiến tăng sức ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tại Châu Á.

Tuy nhiên, trận chiến có vẻ đang nóng lên vì trong tuần này, một tầu khu trục của Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép tại Biển Đông.

Xuất phát từ cơ chế hội nghị thượng đỉnh hàng năm, cuộc họp ba bên bị gián đoạn từ năm 2012 khi quan hệ giữa ba cường quốc kinh tế Đông Bắc Á ngày càng trở nên căng thẳng. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ngoại trưởng Kerry bắt đầu chuyến công du 5 ngày ở Trung Á

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã tới thủ đô Bishket của Kyrgyzstan, trong chặng đầu của chuyến công du 5 nước Trung Á, giữa lúc các tổ chức nhân quyền hối thúc ông lên tiếng về vấn đề nhân quyền và tự do ngôn luận.

Ông Kerry tới Kyrgyzstan để thực hiện chuyến viếng thăm một ngày, chuyến đầu tiên trong cuộc du hành mỗi ngày một nước còn bao gồm Uzbekistan, Kazakhstan, Tajikistan và Turkmenistan.

Các giới chức Mỹ xem chuyến công du của ông Kerry là dịp để trấn an các nước Trung Á về sự vững mạnh của mối quan hệ của họ với Mỹ trong lúc quan hệ giữa Mỹ với nước Nga láng giềng của họ bị nguội lạnh. Nhưng ông Kerry cũng gặp áp lực đòi ông công khai đề cập tới những khuyết điểm của những nước thuộc Liên Sô cũ này.

Hôm qua, Thượng nghị sĩ Ben Cardin, nhân vật đứng hàng thứ nhì trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đã gửi cho ông Kerry một lá thư công khai để yêu cầu ông thúc đẩy cho việc thả tù chính trị tại mỗi nước mà ông đến thăm.

Ông Cardin yêu cầu ông Kerry khẳng định “cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với những nguyên tắc dân chủ phổ quát” khi ông hội kiến các vị Ngoại trưởng của những nước vùng Trung Á.

Tổ chức Human Rights Watch cũng yêu cầu ông Kerry bày tỏ quan tâm về thành tích nhân quyền của những nước này và hối thúc họ trả tự do cho những người bị tù oan, chấm dứt nạn tra tấn và tôn trọng các quyền tự do cơ bản.

Hồi đầu tuần này, Ủy ban Bảo vệ Ký giả yêu cầu ông Kerry lưu ý tới các nhà báo bị cầm tù vì lý do chính trị, vấn đề kiểm duyệt mạng internet, và những vụ hành hung nhà báo. Tổ chức này nói thêm rằng các cuộc nghiên cứu của họ cho thấy tự do truyền thông “đã xấu đi một cách đều đặn” tại các nước đó trong thời hậu Sô Viết. - VOA
|
|

4.
Thượng viện Hoa Kỳ thông qua thỏa thuận ngân sách 2 năm

Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật hồi sớm hôm thứ Sáu để ngăn Washington khỏi rơi vào các cuộc chiến tài chính kinh niên cho đến hết các cuộc bầu cử năm tới. Dự luật nay sẽ được đưa lên Tổng thống Obama để ký thành luật.

Thượng viện chấp thuận dự luật với 64 phiếu thuận và 35 phiếu chống sau 2 giờ rưỡi sáng thứ Sáu.

Dự luật ấn định mức chi tiêu của chính phủ Hoa Kỳ trong 2 năm và nâng mức trần nợ đến đầu năm 2017, tránh nguy cơ chính phủ liên bang phải đóng cửa một phần hoặc Hoa Kỳ không trả được nợ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ ông Obama.

Hạ viện Hoa Kỳ chấp thuận dự luật hôm thứ Tư. Phe Cộng Hòa nắm quyền kiểm soát cả hai viện quốc hội và đã tranh cãi với phe Dân Chủ về các vấn đề tài chính từ nhiều năm nay.

Các thượng nghị sĩ bảo thủ trong đảng Cộng Hòa lên án thỏa thuận là vô trách nhiệm về mặt tài chính và là một sự đầu hàng trước phe Dân Chủ.

Trưởng khối đa số Thượng viện Mitch McConnell nói: “Thỏa thuận này không toàn hảo”. Ông McConnell đã tham gia nhiều tuần lễ thương nghị giữa các nhà lãnh đạo Quốc hội và Tòa Bạch Ốc.

Theo ông, mặc dù có những khuyết điểm, dự luật này “bác bỏ việc tăng thuế, bảo đảm tiết kiệm dài hạn thông qua các cải cách luật lệ và cung cấp sự hỗ trợ thêm cho quân đội”.

Ông nói thêm rằng: “Mỗi một điều khoản này là một mục tiêu của đảng Cộng hòa khi bước vào việc thương nghị”.

Trưởng khối Dân chủ Harry Reid đồng ý với ông McConnell rằng dự luật đó không phải là lý tưởng.

Ông Reid nói: “Nhưng thỏa thuận ngân sách này hoàn tất 2 ưu tiên chính mà phe Dân Chủ vẫn từng ủng hộ lâu nay. Thứ nhất, nó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc tránh được những cắt giảm gây thiệt hại trong thời gian 2 năm. Và nó bảo đảm chúng ta đầu tư một cách tương xứng vào Ngũ Giác Đài và giới trung lưu”.

Dự luật bãi bỏ việc tự động cắt giảm chi tiêu hàng chục tỷ đôla áp dụng cho các chương trình quân sự và nội địa trong năm 2013. Nói chung, mức chi liên bang sẽ tăng 80 tỷ đôla trên mức cắt giảm trong 2 năm tới.

Để chi trả cho việc tăng chi, dự luật tìm cách tiết kiệm chi phí dành cho các chương trình lợi ích cho người già và tăng thu nhập qua một loạt các biện pháp áp dụng nhất thời, như bán dầu trong lượng dự trữ khẩn cấp của chính phủ.

Tại Hạ viện, các đảng viên ôn hòa của đảng Cộng Hòa đã cùng với phe Dân Chủ thông qua dự luật, vượt qua sự chống đối kịch liệt của khối cực bảo thủ.

Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio, người đang ra tranh cử tổng thống, nói: “Tôi phản đối dự luật này”.

Trong một thông cáo, ông Rubio nói dự luật “không giải quyết một cách nghiêm túc những động cơ dài hạn của khối nợ nần, và không bao gồm biện pháp cải cách cơ bản nào để ngăn Washington chi tiêu khoản tiền không có được”.

Ông Rubio nói thêm: “Chúng ta thất bại về mặt lãnh đạo ở cấp tổng thống và một thể chế chính trị tiếp tục kín đáo thương nghị các thỏa thuận chỉ làm cho con cháu chúng ta rơi vào tình trạng nợ nần ngập đầu ngập cổ”.

Bản thân là một người có chủ trương rất bảo thủ về tài chính, Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Orrin Hatch nói đó là thỏa thuận tốt nhất có thể đạt được trong một kỷ nguyên chính phủ chia rẽ.

Ông Hatch nói: “Nếu ta chờ để có được một dự luật toàn hảo, thì kinh nghiệm dạy cho tôi biết rằng có phần chắc sẽ phải chờ một thời gian lâu, rất lâu”. - VOA
|
|

5.
Mỹ điều binh sĩ tác chiến đặc chủng tới Syria

Một nhóm nhỏ bộ binh Mỹ sẽ được điều động tới miền bắc Syria để giúp hỗ trợ những nhóm đối lập trong cuộc chiến chống lại những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo.

Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu cho biết Tổng thống đã cho phép ít hơn 50 binh sĩ thuộc lực lượng tác chiến đặc chủng của Mỹ phối hợp những chiến binh địa phương ở Syria với những nỗ lực của liên quân do Mỹ dẫn đầu. Việc triển khai những binh sĩ này đánh dấu lần đầu tiên lực lượng trên bộ được gửi tới Syria để phục vụ trong hơn là một cuộc đột kích hay một nhiệm vụ cụ thể.

Những binh sĩ Mỹ được triển khai tới Syria sẽ cung cấp "một số hoạt động đào tạo, một số lời khuyên và một số hỗ trợ" cho những người chiến đấu chống lại những kẻ cực đoan IS, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói với các phóng viên.

"Đây là sự tăng cường một chiến lược mà Tổng thống đã loan báo hơn một năm trước," ông Earnest nói, thêm rằng "cốt lõi" của chiến lược của Mỹ ở Iraq và Syria vẫn là "xây dựng năng lực cho những lực lượng địa phương trên thực địa."

Các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc được cho biết rằng Tổng thống Obama cũng phê chuẩn những cuộc tham vấn với các nhà lãnh đạo của Iraq để thành lập một lực lượng đặc nhiệm tác chiến đặc chủng để củng cố những nỗ lực làm suy yếu và đánh bại những thủ lĩnh và mạng lưới của IS.

Thêm chiến đấu cơ tới Thổ Nhĩ Kỳ

Mỹ cũng sẽ điều thêm chiến đấu cơ A-10 và F-15 đến Căn cứ không quân Incirlik của NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo một quan chức cao cấp của chính quyền.

"Chúng tôi đang dự tính tăng thêm thiết bị quân sự tại Incirlik," Tướng Philip Breedlove, quan chức quân sự hàng đầu tại NATO và Chỉ huy Bộ Tư Lệnh châu Âu của Mỹ, nói với các phóng viên tại Ngũ Giác Đài hôm thứ Sáu trước loan báo của Tòa Bạch Ốc.

Trong khi những chi tiết vẫn đang được thảo luận, những thiết bị được đưa thêm tới Incirlik sẽ "tăng cường hỗ trợ" cho sứ mệnh chống IS, theo ông Breedlove. Ông nói thêm những thiết bị này cũng sẽ được sử dụng để giúp Thổ Nhĩ Kỳ "giải quyết những lo ngại về không phận của mình."

Những kẻ cực đoan đã trở nên khét tiếng với những chiến thuật tàn bạo, trong đó có những vụ chặt đầu, nhắm mục tiêu tấn công bừa bãi kể cả những người Hồi giáo khác không cùng đức tin với họ. Những thủ lĩnh của nhóm này cho biết mục tiêu của họ là thành lập một lãnh địa "caliphate" Hồi giáo, rõ ràng là ở Syria, và nỗ lực tối đa hóa lãnh thổ mà họ kiểm soát ở Trung Đông.

Tòa Bạch Ốc cho biết Mỹ đã đạt được "tiến triển tốt" ở Iraq và Syria khi họ làm việc chặt chẽ với những đối tác hữu hiệu trên thực địa, và giờ đã tăng cường khả năng của mình hợp tác với những lực lượng đó.

Trong khi Mỹ gia tăng nỗ lực quân sự chống lại Nhà nước Hồi giáo, các quan chức nhấn mạnh rằng những nỗ lực ngoại giao cũng được gia tăng để đạt được một giải pháp chính trị ở Syria - bao gồm những cuộc thương thuyết đa quốc gia đang diễn ra ở Vienna, nơi Ngoại trưởng John Kerry đang gặp gỡ những nhà ngoại giao từ Iran và Nga, hai đồng minh chính của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang gặp nguy khốn. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
TQ không gọi vùng biển 12 hải lý quanh đảo nhân tạo ở Biển Đông là lãnh hải --- Hải quân Mỹ, Nhật thao dượt chung lần đầu ở Biển Đông

Trung Quốc không còn gọi vùng biển 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà họ xây ở Biển Đông là lãnh hải, theo bản tin hôm thứ 5 của nhật báo Thế giới (World Journal) ở New York.

Bài báo trích phát biểu hôm thứ Tư (28-10-2015) của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng “chiến hạm Mỹ tự tiện đi vào vùng biển phụ cận của các đảo liên hệ là một sự khiêu khích chính trị nhắm vào Trung Quốc.”

Ông Lục Khảng phát biểu như thế một ngày sau khi tàu khu trục USS Lassen của Mỹ tiến vào vùng biển 12 hải lý của đảo đá Subi trong Chiến dịch Tự do Hàng hải của Hải quân Hoa Kỳ.

Mặc dù cho rằng hành động của Hoa Kỳ là “cố ý khiêu khích”, “xâm nhập trái phép”, người phát ngôn Trung Quốc chỉ gọi vùng biển đó là “hải vực phụ cận”, thay vì “lãnh hải” như tuyên bố hồi đầu tháng này của bà Hoa Xuân Oánh, một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh.

Ông Lục Khảng cũng cho rằng hành động của Mỹ vi phạm các luật lệ quốc tế, như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, và luật pháp Trung Quốc.

Tuy nhiên, trang mạng Phượng Hoàng ở Hồng Kông trích lời ông Lưu Nam Lai, một chuyên gia người Trung Quốc về Luật Biển Quốc tế, nói rằng dựa theo Công ước Quốc tế về Luật Biển mà Trung Quốc đã ký kết, rất khó để nói chiến hạm của Mỹ “xâm nhập lãnh hải của Trung Quốc.” - VOA

***
Báo chí Nhật Bản cho biết Lực lượng Tự vệ Biển của Nhật và Hải quân Hoa Kỳ đang thực hiện một cuộc thao dượt chung ở Biển Đông. Tờ Yomiuri Shimbun nói rằng đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ và Nhật Bản thực hiện một cuộc thao dượt song phương tại vùng biển mà Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền với nhiều nước khác ở Đông Nam Á.

Tờ Mainichi, một nhật báo khác ở Nhật, cho biết khu trục hạm JS Fuyuzuki của Nhật và hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt của Mỹ đang thao dượt ở vùng biển phía bắc đảo Borneo. Bài báo nói rằng chiếc Fuyuzuki dự kiến sẽ về nước ngày 10 tháng 11 và như thế có nghĩa là cuộc diễn tập này kéo dài gần hai tuần lễ. Hai chiến hạm này trước đó đã tham gia cuộc diễn tập Malabar 2015 – là cuộc thao dượt hải quân ba bên với Ấn Độ, kết thúc ngày 19 tháng 10.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật nói với tờ Yomiuri rằng cuộc diễn tập giữa hai nước đồng minh này là một cuộc thao dượt thông thường và không liên hệ tới những hoạt động tuần tra của hải quân Mỹ ở Biển Đông. Tuy nhiên, các giới chức Nhật trước đây đã tỏ ý cho biết họ đang xem xét tới việc thực hiện những cuộc tuần tra chung với Hoa Kỳ ở Biển Đông. - VOA

Friday, October 30, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 30/10

Tin Thế Giới

1.
Lãnh đạo thế giới theo dõi sát cuộc họp về Syria ở Áo

Lãnh đạo các nước trên thế giới hôm nay theo dõi sát các diễn biến ở Vienna, Áo, nơi Hoa Kỳ và một số nước nhóm họp về vấn đề Syria tìm cách dùng các cuộc đàm phàn này để mở đường cho một tương lai không có Tổng thống Bashar al-Assad.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói:

“Chúng tôi tề tựu ở đây sáng nay để đánh giá xem liệu có cách nào thu hẹp các bất đồng giữa lập trường của một bên là Nga và Iran và một bên là các nước khác. Đây là một cuộc thảo luận mang tính thăm dò. Chúng tôi muốn xem liệu có thể tìm ra một giải pháp tiến tới, hay một phương cách thiết lập một tiến trình nhằm chấm dứt nỗi thống khổ và giết chóc ở Syria hay không”.

Việc đạt được một khuôn khổ sẽ không dễ dàng, và sẽ khó mà đạt được bất kỳ sự khai thông nào quan trọng trong cuộc họp giữa 15 nước ở Vienna ngày hôm nay.

Trong một cuộc điều trần về Syria tại quốc hội Mỹ trong tuần này, một số nhà lập pháp đã bày tỏ quan ngại về yếu tố Iran-Nga cũng như về sứ mạng của Mỹ ở Syria.

Thượng nghị sĩ Joe Manchin nói:

“Trong khi Assad đang được Nga giúp đỡ và yểm trợ, chúng ta lại đi chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo. Chúng ta không bảo vệ những người có thể thiết lập an ninh ở Syria. Tình hình rất rối ren. Thật khó để chúng ta có thể nói rằng, đó là “kế hoạch chung cuộc của chúng tôi”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói rằng kế hoạch chung cuộc là phải có một sự chuyển tiếp mà ông Assad không còn nắm quyền ở Syria, nhưng để đạt được mục đích đó với sự đồng thuận của các nước như Nga và Iran dự kiến sẽ không phải là dễ dàng. - VOA
|
|

2.
Chiến thuật ‘biển tàu’: Vũ khí lợi hại của Bắc Kinh ở Biển Đông?

Từng nổi tiếng với chiến thuật "biển người" trên bộ, phải chăng Trung Quốc sẵn sàng sử dụng hình thức "biển tàu" tại Biển Đông để ngăn chặn Mỹ? Câu hỏi này đang được giới phân tích đặt ra vào lúc Washington khẳng định sẽ tiếp tục các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải, đi sâu vào bên trong vùng mà Trung Quốc cho là lãnh hải của họ tại Biển Đông, bất chấp quy định ngược lại của luật lệ quốc tế.

Khi thực hiện chiến dịch tuần tra bên trong vùng 12 hải lý bao quanh đảo nhân tạo Xu Bi (Subi Reef) - và cả đảo Vành Khăn (Mischief Reef), theo một số nguồn tin – tàu khu trục USS Lassen của Mỹ hầu như không gặp một sự cản trở nào.

Thế nhưng, với việc Washington cho biết là sắp tới đây, họ sẽ tiếp tục tiến hành những chiến dịch tương tự, nhiều nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh sẽ không ngồi yên.

Một trong những chiến thuật mà Trung Quốc có thể viện đến là sử dụng đội tàu đông đảo của họ, cả quân sự, và nhất là bán quân sự để bao vây và cản đường tàu Mỹ, buộc đối phương phải thối lui nếu không muốn gây ra sự cố.

Thua Mỹ về chất lượng tàu, nhưng hơn hẳn về số lượng 

Theo hãng tin Anh Reuters, Sam Bateman, một sĩ quan hải quân Úc đã về hưu, hiện là cố vấn cho Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng dù về tinh nhuệ và hiện đại, tàu Trung Quốc còn kém tàu Mỹ, nhưng không nên coi thường vấn đề số đông.

"Ở bất kỳ thời điểm nào, họ (tức là Trung Quốc) đều có số đông... và số lượng, chứ không phải chất lượng, có thể mang tính chất quan trọng trong một số tình huống", bao gồm cả việc đối đầu với những kẻ bị cho là xâm nhập vào vùng biển của mình.

Chuyên gia Bateman và nhiều nhà phân tích an ninh khu vực khác đã cho rằng các chiến hạm Mỹ có thể lâm vào tình thế bị tàu Trung Quốc bao vây nếu Bắc Kinh quyết định ngăn chặn các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải trong tương lai.

Trên báo chí Trung Quốc, một số chuyên gia phân tích đã gợi lên khả năng tàu Trung Quốc cản đường, thậm chí đâm thẳng vào tàu chiến của Mỹ. Theo chuyên gia Bateman, vấn đề là tàu Mỹ vì tôn trọng các quy tắc hành xử trong các trường hợp đó, sẽ không thể nổ súng ngăn chặn, làm cho tình hình xấu đi, và chỉ còn cách rút lui.

Tình hình có thể rắc rối hơn cho Mỹ nếu lực lượng Trung Quốc ra ngăn chặn không phải là tàu quân sự, mà là tàu tuần duyên, trên nguyên tắc thuộc diện bán quân sự, hay chỉ là tàu cá của lực lượng dân quân biển rất đông của Trung Quốc.

Đã dùng số đông để áp đảo Việt Nam và Philippines ở Biển Đông 

Kịch bản kể trên không phải là một điều không tưởng, vì có nhiều dấu hiệu cho thấy là Trung Quốc đã tính đến khả năng dùng số đông để áp đảo đối phương, đặc biệt là tại vùng Biển Đông.

Theo một công trình nghiên cứu của Lầu Năm Góc công bố vào tháng Tư vừa qua, với 116 chiếc tàu đủ loại, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc phụ trách Biển Đông, là hạm đội lớn nhất so với hai hạm đội còn lại của nước này là Bắc Hải và Đông Hải.

Hạm đội 7 của Mỹ, tuy rất hùng mạnh, chỉ có vỏn vẹn 55 tàu, đặt căn cứ ở Yokosuka, Nhật Bản. Ngoài ra, hạm đội này không chỉ tập trung ở vùng Đông Nam Á như Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc, mà phải trải rộng hoạt động từ Tây Thái Bình Dương qua một phần lớn của Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có một đội tàu tuần duyên hùng hậu trong đó có hơn 200 chiếc trên 500 tấn, bao gồm nhiều chiếc trên 1.000 tấn. Về số lượng, đội tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã hơn gấp bội tổng cộng các đội tàu của tất cả các đối thủ châu Á gộp lại. Hơn nữa, như tạp chí quốc phòng Anh IHS Jane từng tố cáo hồi tháng 7 vừa qua, Bắc Kinh rõ ràng đã và đang tiếp tục chuyển đổi tàu hải quân thành tàu bảo vệ bờ biển.

Trong thời gian qua, đội tàu này đã được Bắc Kinh tung vào mọi chiến dịch áp đặt chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông, từ vụ mặc nhiên chiếm bãi Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012, cho đến vụ bảo vệ giàn khoan HD-981 cắm trong vùng biển Việt Nam năm 2014.

Như đã ý thức được sự lợi hại của số lượng tàu Trung Quốc đông đảo, Bộ trưởng Bộ Hải quân của Mỹ, ông Ray Mabus trong những năm gần đây, đã xem việc tăng cường số lượng tàu trong Hải quân Mỹ là một ưu tiên. Trong nhiều bài phát biểu, ông Mabus khẳng định "Số lượng cũng có giá trị riêng của nó". - RFI
|
|

3.
Phó Chủ tịch Quốc hội Cam Bốt bị đảng cầm quyền hạ bệ

Phó Chủ tịch Quốc hội Cam Bốt thuộc đảng đối lập bị đảng cầm quyền phế truất ngày 30/10/2015, qua một cuộc bỏ phiếu. Các nghị sĩ đối lập tẩy chay để phản đối. Khả năng căng thẳng giữa đảng cầm quyền và đối lập bùng phát thành xung đột chính trị.

Theo Reuters, toàn bộ 68 nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Nhân dân Cam Bốt đã ủng hộ việc phế truất ông Kem Sokha, với lý do lãnh đạo đảng Cứu nguy Dân tộc vi phạm thỏa thuận chính trị, với nội dung chính là không bôi nhọ đảng cầm quyền. Dân biểu đảng cầm quyền Cheam Yeap nói: "Ông Kem Sokha luôn có ý đồ phá hoại thỏa thuận, phá hủy mối quan hệ giữa hai đảng chính trị".

Các nghị sĩ đối lập đảng Cứu nguy Dân tộc lên án cuộc bỏ phiếu là vi hiến.

Theo một số nhà quan sát, việc phế truất Phó Chủ tịch Quốc hội Cam Bốt Kem Sokha là biến cố mới nhất, cho thấy thỏa thuận chính trị giữa hai đảng, theo sáng kiến "văn hóa đối thoại mới" của đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt, đã đổ vỡ. Việc ông Kem Sokha được cử vào vị trí lãnh đạo Quốc hội là một phần của thỏa thuận nói trên.

Cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Cam Bốt được tổ chức, sau khi hàng trăm người ủng hộ đảng cầm quyền lấy chữ ký yêu cầu phế truất ông Kem Sokha. Phe ủng hộ đảng cầm quyền tổ chức một cuộc biểu tình hôm thứ Hai tuần này. Hai dân biểu đối lập bị một số người lạ mặt tấn công. Thủ tướng Hun Sen lên án vụ này, nhưng cho rằng vụ hành hung không phải do những người ủng hộ đảng Nhân dân Cam Bốt.

Trên thực tế, cuộc đối đầu tạm ngưng giữa hai đảng Cam Bốt bùng phát trở lại khi 11 thành viên đảng Cứu nguy Dân tộc bị bắt hồi tháng 7/2015, vì biểu tình bất hợp pháp, phản đối kết quả bầu cử 2013.

Thoạt tiên những người này được thả, theo thỏa thuận giữa hai đảng, nhưng không lâu sau đó họ bị bắt lại, sau khi Thủ tướng Hun Sen thúc ép các thẩm phán trừng phạt mạnh. Thủ tướng Cam Bốt cũng cảnh báo, nếu đảng Cứu nguy Dân tộc thắng cử năm 2018, đất nước có nguy cơ nội chiến. Vụ việc nói trên xảy ra trong bối cảnh không khí dân tộc chủ nghĩa tại Cam Bốt dâng cao, với việc đảng Cứu nguy Dân tộc lên án chính quyền của ông Hun Sen nhượng đất cho Việt Nam trước đây. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Các đảng viên Cộng Hòa bầu ông Paul Ryan làm Chủ tịch Hạ viện

Một thành trì bảo thủ, dân biểu Paul Ryan, đại diện tiểu bang Wisconsin, đã được bầu làm tân chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ.

Trong cuộc biểu quyết mang tính đảng phái với phía đối lập là đảng Dân chủ, các đảng viên Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện đã chọn ông Ryan, 45 tuối vào chức vụ cao nhất tại Quốc hội. Trong tư cách chủ tịch Hạ viên, ông lập tức trở thành một trong những người có quyền lực chính trị cao nhất ở Washington, và đứng thứ 2 trên danh sách người kế vị tổng thống.

Ông Ryan kế nhiệm ông John Boehner, một dân biểu đại diện tiểu bang Ohio sắp rời ghế quốc hội sau 25 năm làm dân biểu và 5 năm làm chủ tịch Hạ Viện. Trong một bài phát biểu từ biệt đầy xúc động, ông Boehner tuyên bố ông ra đi “mà không hối tiếc và vướng mắc gì” sau khi đã đề ra một kế hoạch dự chí mới cho chính phủ trong những ngày cuối tại chức.

Ông Ryan lên nhận chức vụ mới sau 17 năm tại Hạ viện và trở thành chủ tịch thứ 54 tại Hạ viện Ông yêu cầu các nhà lập pháp Cộng Hòa và Dân chủ, thường bất đồng về nhiều vấn đề chính sách và chi tiêu, có một thời gian hàn gắn chia rẽ.

Ông nói, “Viện này đang có trục trặc. Chúng ta không giải quyết các vấn đề, lại còn làm tăng thêm các vấn đề.”

Ông Ryan cam kết các nhà lập pháp bình thường sẽ có tiếng nói lớn hơn trong cách thức hình thành luật lệ. Ông nói với các nhà lập pháp: “Tôi tin rằng một sự rõ ràng hơn giữa chúng ta có thể dẫn tới sự từ ái lớn hơn trong chúng ta.”

Sau khi các bạn đồng viện hôm thứ tư chọn ông lên giữ chức chủ tịch, ông Ryan nói các nhà lập pháp của đảng “nghĩ rằng đất nước đang đi không đúng hướng.”

Họ thường tấn công các chính sách do Tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ đề xuất, nhưng hầu hết đều không giành được sự chấp thuận của Tòa Bạch Ốc đối với các đề xuất có tính chất bảo thủ về các chương trình xã hội và cắt giảm chi tiêu.

Ông Ryan tuyên bố, “Chúng ta có nghĩa vụ ở đây trong tòa nhà của nhân dân, làm công việc cho nhân dân, đem lại cho đất nước này một con đường tốt hơn để đi tới.”

Phe Dân chủ đối lập đã công kích ông Ryan là tán thành các chính sách mà họ cho là cắt giảm thuế cho những người giàu có nhất ở Hoa Kỳ và cắt giảm chi tiêu cho y tế và kế hoạch hưu trí của những người Mỹ cao tuổi.

Khi tiểu ban Cộng Hòa họp vào ngày thứ tư, các nhà lập pháp bảo thủ nhất liên kết với Tiểu ban Tự do ủng hộ dân biểu Florida David Webster lên làm chủ tịch, nhưng không có đảng viên Cộng hòa nào ngoài ông Ryan được đề cử tại diễn đàn Hạ viện hôm thứ năm. Các đảng viên Dân chủ thiểu số ủng hộ cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, một nữ dân biểu kỳ cựu của tiểu bang California, nhưng đã dễ dàng bị vượt qua bởi số phiếu bầu của các đồng sự Cộng hòa của ông Ryan.

Ông Mitt Romney, ứng cử viên đảng Cộng hòa tranh chức tổng thống năm 2012, đã chọn ông Ryan làm ứng viên phó tổng thống, nhưng hai ông đã thua cuộc trong cuộc chạy đua với Tổng thống Obama và Phó Tổng thống Joe Biden. Ông Romney và vợ của ông, bà Ann, đã dự khán cuộc bầu chọn chủ tịch Hạ Viện với tư cách khách mời của ông tại Hạ Viện. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Thắng lợi bước đầu của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc

Tòa trọng tài quốc tế ở La Haye, Hà Lan, mới ra phán quyết chống Trung Quốc và ủng hộ Philippines, theo đó đồng ý xem xét vụ kiện Bắc Kinh của Manila liên quan tới biển Đông.

Tòa trọng tài Thường trực hôm qua, 29/10, đã ra phán quyết nói rằng tòa này có đủ thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp chủ quyền ở biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.

Đơn kiện của Philippines cho rằng Trung Quốc đã hành động trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS).

Trung Quốc từng tuyên bố rằng đây là tranh chấp về chủ quyền các hòn đảo trên biển, và điều đó vượt ra ngoài thẩm quyền của tòa.

Tòa án cho biết sẽ cân nhắc 7 trong số 15 khiếu nại của Philippines đối với Trung Quốc, trong khi không xem xét 7 khiếu nại khác, đồng thời muốn làm rõ với Manila về một việc.

Philippines đệ đơn kiện lên Tòa trọng tài Thường trực năm 2013. Tòa án dự kiến sẽ ra phán quyết cuối cùng vào năm sau.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc hôm nay đã lặp lại quan điểm rằng Bắc Kinh sẽ không tham gia vào vụ xử cũng như không chấp nhận phán quyết cuối cùng của tòa.

Luật sư chính của Philippines, Florin Hilbay, hoan nghênh quyết định của tòa, đồng thời gọi đó là “một bước tiến lớn trong nỗ lực tìm một giải pháp ôn hòa và bất thiên vị giữa các bên cũng như làm rõ quyền lợi của họ theo UNCLOS”.

‘Quyền lợi của Việt Nam’

Washington cũng đã hoan nghênh phán quyết, theo một quan chức quốc phòng cấp cao.

Việt Nam cũng từng lên tiếng ‘bày tỏ lập trường’ đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cuối năm ngoái cho biết: “Để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông có thể bị ảnh hưởng bởi vụ kiện Trọng tài biển Đông, Việt Nam đã bày tỏ với Tòa trọng tài về lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện và đề nghị Tòa trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý đó của Việt Nam”.

Trung Quốc lập tức lên tiếng kêu gọi Việt Nam tôn trọng chủ quyền của Bắc Kinh.

Phán quyết vừa kể của tòa được đưa ra 2 ngày sau khi Hoa Kỳ điều một tàu chiến tới phạm vi 12 hải lý gần một trong các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa.

Bất chấp phản đối của Bắc Kinh, Washington tuyên bố sẽ tiếp tục đưa tàu tới bất kỳ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép. - VOA
|
|

6.
Ông Ban Ki-moon có gốc gác Việt Nam?

Sáng ngày 30/10, mạng xã hội tại Việt Nam lan tin bản tin và bút tích được cho là của ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong một chuyến ông đến Sài Sơn, xứ Đoài (huyện Quốc Oai, Hà Nội) để thăm nhà thờ họ Phan Huy.

Facebook của tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện có đăng bức hình ông Ban đang ghi sổ lưu niệm với chú thích: Hình ảnh đầu tiên về việc Ngài Ban Ki moon tại nhà thờ họ Phan ở Quốc Oai, Hà Nội.

Ngày ông Ban đến đây được cho là 23/5/2015.

Tiến sỹ Diện nói ông được người quen làm quan chức địa phương cho hay ông Ban đã tới "chiêm bái, dâng hương tại nhà thờ dòng họ Phan Huy và nhận mình là hậu duệ của dòng họ".

Ông cũng nói thêm tên Ban Ki-moon theo Hán tự là Phan Cơ Văn.

Trả lời phỏng vấn của BBC từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện – công tác tại viện nghiên cứu Hán Nôm, thuộc viện hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết: “Vào lúc sáng sớm hôm nay, một Facebooker ở Mỹ có đưa một thông tin là ngài Ban Ki-moon đã về Việt Nam trong một chuyến đi âm thầm, và ngài có đến nhà thờ của dòng họ Phan Huy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ngài đến thăm, dâng hương và có để lại lưu bút.”

Ông Nguyễn Xuân Diện cũng cho biết thêm, người chụp bức ảnh có trang lưu bút của ông Ban Ki-moon là học giả Lê Vĩnh Trương. Đồng thời ông nói: “Chúng tôi đã so sánh nét chữ của ngài cùng với chữ ký thì đúng là thủ bút của ngài Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon.”

Quan hệ dòng họ

Ông Diện bình luận chuyến thăm “riêng tư” của tổng thư ký LHQ cho thấy có thể có "gốc tích và mối quan hệ của dòng họ Phan của ngài với dòng họ Phan Huy ở Quốc Oai".

Nội dung của trang lưu bút của ông Ban Ki-moon tại nhà thờ họ Phan Huy tạm dịch: “Tôi tỏ lòng cung kính sâu sắc khi đến thăm và thể hiện sự kính trọng sâu sắc đến Nhà thờ họ Phan Huy Chú và các thành viên khác của gia đình họ Phan. Cảm ơn vì đã gìn giữ ngôi nhà thờ này. Là một thành viên của họ Phan, nay làm chức Tổng thư ký LHQ, tôi cam kết với chính mình sẽ luôn cố gắng đi theo những lời dạy của tổ tiên.

Ban Ki-moon
Tổng thư ký LHQ"

Nói về dòng họ Phan Huy tại Việt Nam, ông Diện nói "đây là dòng họ rất lớn khởi phát từ làng Thu Hoạch, tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó có một chi rời ra đến xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai nằm ngay dưới chân Chùa Thầy".

"Dòng họ này có một số điểm đáng chú ý: Rất nhiều người trong dòng họ đi sứ, như Phan Huy Ích, Phan Huy Chú. Ông Phan Huy Chú đã đi sứ Trung Quốc hai lần với vai trò phó sứ, đi Indonesia một lần.

Dòng họ này nổi bật về văn chương và khảo cứu như TS Phan Huy Ôn, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú, Phan Huy Sảng đều là nhà thơ, nhà sử học nổi tiếng của Việt Nam.

Đặc biệt là Phan Huy Chú, người cùng với Lê Quý Đôn được gọi là hai nhà bác học trong lịch sử Trung đại Việt Nam".

Trích dẫn tư liệu, TS Diện cho biết: "Theo nghiên cứu của TS Ngữ văn Lý Xuân Chung, nghiên cứu về bang giao Việt-Hàn thời xưa thì đoàn sứ bộ của Việt Nam và Cao Ly khi đến Yên Kinh - Trung Quốc thì được bố trí ở chung một nhà khách, thì họ có giao lưu với nhau và để lại rất nhiều thơ văn hiện có lưu ở viện nghiên cứu Hán Nôm cũng như ở Hàn Quốc".

"Cũng như cuộc xướng họa của sứ thần hai nước. Đặc biệt là chuyến đi sứ cầu phong dưới triều Tây Sơn, một trong những người trong đoàn đi sứ là cụ Phan Huy Ích. Và cụ cũng đã xướng họa thơ văn với các sứ thần Triều Tiên và để lại thơ văn đến tận bây giờ." - BBC

Thursday, October 29, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 29/10

Tin Thế Giới

1.
Tư lệnh hải quân Mỹ, Trung Quốc họp bàn Biển Đông --- Báo TQ: Bắc Kinh ‘không ngại chiến tranh’ với Mỹ --- Việt Nam lên tiếng về vụ tàu chiến Mỹ

Quan chức hải quân Trung Quốc và Hoa Kỳ chuẩn bị họp trực tuyến về tình hình căng thẳng ở biển Đông, sau khi một chiến hạm của Mỹ thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.

Cuộc họp giữa đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng của Hải quân Hoa Kỳ và Đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, sẽ kéo dài một tiếng hôm nay qua đường truyền video trực tiếp.

Tin cho hay, cả hai viên tướng này cùng gợi ý tổ chức cuộc họp để bàn về những hoạt động gần đây ở biển Đông cũng như mối quan hệ giữa hải quân hai nước.

Đây sẽ là cuộc họp trực tiếp qua đường truyền video thứ ba giữa giới lãnh đạo hải quân Mỹ-Trung.

Bắc Kinh đã lên án việc Washington điều một khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường tiến vào phạm vi 12 hải lý gần một trong các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa hôm 27/10.

Chính quyền đất nước đông dân nhất thế giới tuyên bố đã theo dõi, cảnh cáo chiến hạm USS Lassen đồng thời triệu tập đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh tới để phản đối.

'Diễn tập đối đầu'

Trong một diễn biến khác, tờ China Daily của Trung Quốc đưa tin, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, sẽ tới thăm Bắc Kinh vào tuần tới.

Tờ báo này dẫn một nguồn tin giấu tên, và không cho biết thông tin chi tiết.

Phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ đã từ chối bình luận về thông tin này.

Ông Harris là người mạnh mẽ chỉ trích việc Trung Quốc xây đảo tại Trường Sa nhằm tạo “vạn lý trường thành bằng cát” ở biển Đông.

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc hôm nay đưa tin rằng “một đội tàu chiến trang bị tên lửa dẫn đường” dưới sự chỉ huy của Hạm đội Nam hải đã thực hiện một “cuộc diễn tập đối đầu thực tế” với việc bắn súng phòng không và bắn vào bờ vào ban đêm.

Một trang tin do nhà nước quản lý cho đăng tải các bức ảnh về cuộc diễn tập, và nói rằng cuộc tập trận diễn ra ở biển Đông. Một bức ảnh cho thấy 3 chiến hạm theo đuôi nhau.

Liên quan tới việc Mỹ phái chiến hạm tới tuần tra ở Trường Sa, Việt Nam hôm nay đã lên tiếng “kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Trong khi đó, chính quyền Philippines đã lên tiếng hoan nghênh việc làm của Hoa Kỳ ngay sau khi xuất hiện các thông tin về chuyến hải hành làm Bắc Kinh tức giận. - VOA

***
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cay nghiệt công kích Mỹ vì đã đưa một tàu chiến đến gần các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trong vùng biển tranh chấp.

Một ngày sau khi Washington triển khai một tàu chiến đến gần đảo nhân tạo được xây dựng bởi Bắc Kinh, một tờ báo có quan hệ chặt chẽ với chính phủ nói rằng Trung Quốc không ngại chiến tranh với Mỹ ở Biển Đông. Phản ứng dữ dội của các cơ quan truyền thông chính thức bùng ra sau khi Mỹ cam kết sẽ phái thêm tàu chiến đến khu vực, sau khi tàu khu trục USS Lassen, trang bị phi đạn dẫn đường tiến vào trong phạm vi 12 hải lý gần ít nhất một trong những hòn đảo đang tranh chấp.

Hành động này khơi ra lời công kích giận dữ từ phía Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc, đã triệu tập đại sứ Mỹ và lên án hành động đó là mối đe dọa “bất hợp pháp” đến chủ quyền của mình.

Trong bài xã luận, báo Global Times với chủ trương dân tộc kịch liệt, nói: “Trước sự khiêu khích của Hoa Kỳ, Bắc Kinh nên đối phó với Washington một cách khôn khéo và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Việc này có thể chứng tỏ cho Tòa Bạch Ốc thấy rằng tuy miễn cưỡng, Trung Quốc không ngại chiến tranh với Mỹ trong khu vực, và quyết tâm bảo vệ quyền tự chủ và lợi ích quốc gia.”

Tuy nhiên, tờ báo này cũng kêu gọi các bên kiềm chế, theo đúng đường lối chung của giới truyền thông Trung Quốc là Bắc Kinh giữ vững lập trường đạo đức, không để bị khiêu khích bởi các hành động của Hoa Kỳ.

Tờ báo viết: “Ngũ Giác Đài rõ ràng đang khiêu khích Trung Quốc. Đây là lúc để trắc nghiệm sự khôn ngoan và quyết tâm của nhân dân Trung Quốc. Chúng ta phải giữ bình tĩnh. Nếu chúng ta cảm thấy bị mất mặt và thốt ra vài lời giận dữ, thì sẽ chỉ làm cho Hoa Kỳ đạt được mục tiêu là gây khó chịu cho chúng ta”. 

Trong khi đó, Nhân dân Nhật báo nói, Mỹ đã “gây rắc rối một cách vô cớ” và cáo buộc Washington về tiêu chuẩn nước đôi khi cáo buộc Trung Quốc là quân sự hóa Biển Đông.

Bài báo nói: “Tàu chiến của Mỹ đã cho thấy chính xác ai là người thúc đẩy việc quân sự hóa Biển Đông”.

Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc, nói Hoa Kỳ nhắm mục tiêu gieo rắc bất hòa trong khu vực, như họ đã từng làm ở Trung Đông.

Bài xã luận đăng trên trang nhất của báo này, với tựa đề “Ai không thể chịu nổi một Biển Đông yên tĩnh?” viết rằng: “Hoa Kỳ luôn tuyên bố rằng họ sẽ nhận lãnh trách nhiệm đối với đồng minh. Tuy nhiên, các hành động của họ…làm xấu thêm bầu không khí an ninh trong vùng và gây thiệt hại cho các lợi ích quốc gia và khu vực, phơi bày khía cạnh phi lý, độc đoán và bất lịch sự.”

Bất chấp sự căm phẫn của giới truyền thông, phản ứng của chính phủ chỉ giới hạn trong các tuyên bố với lời lẽ gay gắt hơn là có hành động cương quyết nào ở Biển Đông.

Sự kiện Bắc Kinh không muốn đối đầu kịch liệt với Hoa Kỳ đã là một nguồn gây bất mãn cho nhiều mạng truyền thông xã hội của Trung Quốc.

Một cư dân mạng than thở trên mạng xã hội Sina Weibo, phiên bản Trung Quốc của Twitter than thở: “Họ đi quanh nhà của chúng ta, thế mà chúng ta chỉ biết la hét to qua cửa sổ”.

Một cư dân mạng khác nói: “Thực là một trò hề khi mà chúng ta chỉ có thể tìm cách ngăn không cho Mỹ xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bằng một lời cảnh báo.”

Một người sử dụng mạng khác tỏ ý phẫn nộ bằng cách đăng một tin nhắn gửi cho Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, kêu gọi Washington, “Cút ra khỏi Biển Đông.”

Tin nhắn viết: “Các vị đã sai lầm ở Iraq và Syria. Bây giờ các vị muốn làm gì ở vùng biển của chúng tôi? Các vị có muốn là người khuấy động chiến tranh thế giới thứ ba?”

Tháng trước, Bắc Kinh đã cảnh báo rằng sẽ “không bao giờ cho phép bất cứ nước nào” vi phạm lãnh hải và không phận xung quanh các đảo.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng cho biết các tàu chiến của Mỹ vào vùng biển Trung Quốc “bất hợp pháp” và nói thêm rằng, chính quyền Trung Quốc đã theo dõi và cảnh báo. - VOA

***
Hai ngày sau khi Hoa Kỳ điều tàu tới gần đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Biển Đông, Việt Nam mới lên tiếng về việc này.

Hôm 27/10 tàu khu trục USS Lassen của hải quân Mỹ đã áp vào trong khu vực 12 hải lý quanh hai đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trên đá ngầm Subi và Vành Khăn (Trung Quốc gọi là Chử Bích và Mỹ Tế) thuộc quần đảo Trường Sa.

Ngay lập tức Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ trên các kênh chính thống nhưng Việt Nam, nước cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, chưa đưa ra bình luận gì. 

Thứ Năm 29/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói với các phóng viên ở Hà Nội: "Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển".

“Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

Trước đó, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố tại Bắc Kinh hôm 27/10: "Hành động liên quan của tàu chiến Mỹ đe dọa đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, nguy hại đến an toàn của nhân viên và cơ sở trên các đảo và bãi đá, phương hại đến hoà bình và ổn định của khu vực".

"Trung Quốc cực lực bất bình và kiên quyết phản đối việc này." - BBC
|
|

2.
Trung Quốc chấm dứt chính sách 'một con'

Trung Quốc đã chấm dứt chính sách “một con” đã áp dụng lâu nay và giờ đây họ cho phép tất cả các cặp vợ chồng được có 2 con. Thông tín viên Joyce Huang của đài VOA tường thuật.

Kế hoạch được công bố hôm nay tiếp theo những cuộc họp chính trị kín cấp cao trong tuần này ở Bắc Kinh. Các nhà phân tích nói chính sách 2 con tuy là một biện pháp được hoan nghênh, sẽ không giúp ích gì nhiều cho việc nâng cao sinh suất bị sút giảm hay lực lượng lao động bị co cụm.

Chính sách 2 con là một sự nới lỏng thêm, sau khi vào cuối năm 2013, Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng mà một trong 2 người là con một, được phép sinh đứa con thứ hai.

Không còn sốt sắng nuôi con

Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách một con vào năm 1980 với cố gắng kiểm soát dân số của quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhưng việc thực thi nghiêm khắc biện pháp này, kể cả cưỡng bức phá thai, lâu nay vẫn là một nguồn gây tranh cãi bên ngoài Trung Quốc. Gần đây hơn, chính sách này đã bị cho là một lý do khiến lực lượng lao động trong nước bị co cụm với tốc độ đáng ngại.

Ông Khương Toàn Bảo, một vị giáo sư của Viện Nghiên cứu Dân số và Phát triển thuộc Đại học Giao thông ở Tây An, nhận định như sau:

“Ngay cả trong trường hợp cho phép có 2 con, vẫn có quá nhiều người ở các thành phố có thể không muốn có đứa con thứ hai.”

Giáo sư Khương nói thêm:

“Nói một cách tương đối, dân chúng ở nông thôn có thể thích hơn. Nhưng một số thành phần dân chúng ở nông thôn đã được cho phép có 2 con rồi.”

Tổng cộng 19 tỉnh ở vùng nông thôn Trung Quốc đã áp dụng chính sách 2 con, cho phép các cặp vợ chồng có đứa con thứ hai nếu đứa con đầu là con gái, để giải quyết vấn đề mất quân bình giới tính trong cả nước.

Thế bí Dân số

Với dân số 1,37 tỷ, tổng lực lượng lao động của Trung Quốc tính đến cuối năm ngoái là 1 tỷ người, với khoảng 800 triệu gia nhập thị trường lao động. Nhưng đầu năm nay, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ước tính đến năm 2020, thị trường này sẽ mất tới 1,55 triệu người mỗi năm, từ 2020 đến 2030 sẽ mất đi 7,9 triệu và từ 2030 đến 2050 sẽ mất đi tới 8,35 triệu.

Một sự sút giảm mạnh như vậy sẽ làm mất đi ưu thế của Trung Quốc như một nguồn lao động giá rẻ.

Về việc này, giáo sư Khương Toàn Bảo cho biết như sau:

“Giá thành lao động ở Trung Quốc đã gia tăng rất nhiều, gây thiệt hại cho vị thế công xưởng thế giới của nước này. Vì giá thành lao động cao hơn, các nhà đầu tư quốc tế chắc chắn sẽ ngả qua các nước khác thay vì Trung Quốc.”

Theo giáo sư Khương, ngay cả với chính sách hai con mới này, sẽ phải mất 20 năm trước khi đợt bùng phát sinh sản có thể giúp giảm bớt vấn nạn thiếu lao động.

Tệ hơn nữa là dân số làm việc hiện nay từ các tỉnh ở vùng nông thôn buộc phải rời khỏi các thị trường lao động ở những thành phố sớm hơn dự kiến do giá nhà đất tăng cao và hệ thống đăng ký hộ khẩu nghiêm khắc trong nước.

Điều đó đã gây những trở ngại lớn cho việc tận dụng toàn bộ lực lượng lao động trong nước, theo ông Đào Nhiên, giám đốc Trung tâm Kinh tế Công cộng tại trường Đại học Nhân dân.

“Nếu có thể thúc đẩy sự cải cách về đất đai và đăng ký hộ khẩu, thì tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động mới có thể được làm giảm nhẹ một cách dễ dàng thông qua việc sử dụng toàn bộ dân số trong tuổi lao động từ các tỉnh nông thôn. Đây sẽ là một biện pháp điều chỉnh có hiệu quả nhanh hơn so với việc áp dụng chính sách 2 con”. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Các ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà Mỹ tranh luận lần ba

10 ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà Mỹ đã trình bày những quan điểm khác nhau về chính sách kinh tế và đôi lúc tranh cãi với nhau trong cuộc tranh luận lần thứ ba trên truyền hình. Thông tín viên Jim Malone của đài VOA tường thuật.

Cuộc tranh luận đã sôi nổi ngay từ lúc đầu với việc Thống đốc John Kasich của tiểu bang Ohio chỉ trích ông Donald Trump và ông Ben Carson – hai ứng viên chưa từng nắm giữ chức vụ nào trong chính phủ, về việc đưa ra những đề nghị mà ông gọi là “thiếu thực tế.”

"Thưa quí vị, chúng ta phải tỉnh táo. Chúng ta không thể bầu ra một người không biết làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ. Quí vị phải chọn một người có kinh nghiệm, một người biết cách làm việc, có tinh thần kỷ luật."

Phát biểu đó đã nhanh chóng gặp phải sự phản công từ ông Trump.

"Ông ấy rất tử tế. Ông ấy nói 'tôi sẽ không bao giờ công kích'. Nhưng rồi tỉ lệ ủng hộ của ông ấy trong các cuộc thăm dò bị sụt mạnh. Đó là lý do tại sao ông ấy quýnh lên và trở nên cáu kỉnh. Ông ấy rất cáu kỉnh. Cho nên, quí vị biết không, nếu quí vị thích thì quí vị cứ bầu cho ông ấy."

Cựu Thống đốc Jeb Bush của tiểu bang Florida lên tiếng chỉ trích Thượng nghị sĩ Marco Rubio của tiểu bang Florida là đã không biểu quyết ở quốc hội để đi vận động tranh cử.

"Nhưng này anh Marco, khi anh quyết định làm thượng nghị sĩ thì đó là một công việc với nhiệm kỳ 6 năm, và anh nên tới sở làm. Ý tôi muốn nói là Thượng viện làm việc như thế nào? Chẳng lẽ nó lại giống như tuần làm việc của người Pháp hay sao? Ý tôi muốn nói là anh có ba ngày mà anh phải tới nơi làm việc. Anh có thể đi vận động hoặc là anh từ chức và để cho một người nào khác lên thay."

Thượng nghị sĩ Rubio đáp trả như sau.

"Tôi không nhớ là ông có bao giờ than phiền về thành tích biểu quyết của ông John McCain. Lý do duy nhất mà ông đang làm điều này lúc này là bởi vì ông đang chạy đua cho cùng một chức vụ và một người nào đó đã làm cho ông tin rằng công kích tôi sẽ có ích cho ông."

Bác sĩ Ben Carson, người đang dẫn đầu trong nhiều cuộc thăm dò, đã nghe theo lời khuyên của cố Tổng thống Ronald Reagan là không nên đả kích những người cùng đảng Cộng hoà.

"Tôi tin vào lời răn thứ 11 của ông Reagan và tôi sẽ không nói điều gì xấu về các chiến hữu của tôi ở đây."

Ông John Harwood, người điều hợp chương trình của đài truyền hình CNBC, đã tìm cách “dụ” cựu Thống đốc Mike Huckabee của tiểu bang Arkansas chỉ trích ông Trump.

"Khi ông nhìn vào ông ấy, ông có thấy đó là một người có uy tín đạo đức để đoàn kết đất nước không?"

Ông Huckakabee đã không 'mắc bẫy'.

"Tôi thương Donald Trump. Ông ấy là một người tốt. Tôi đeo cà vạt Trump tối nay. Ông đừng làm vậy nữa nghe không?"

Tỉ phú Trump lớn tiếng chỉ trích người điều hợp chương trình.

"Đó là một câu hỏi hết sức bẩn thỉu! Xin cám ơn ông Thống đốc."

Các ứng viên đã nhiều lần tranh cãi với nhau về kế hoạch thuế khoá, các chương trình của chính phủ dành cho người về hưu, vấn đề tạo ra công ăn việc làm và sự can dự của chính phủ.

Nhưng thượng nghị sĩ Ted Cruz của tiểu bang Texas hướng sự chỉ trích của ông vào những người đặt ra câu hỏi cho các ứng viên.

"Đây không phải là một cuộc đấu võ trong chuồng. Thế mà các ông lại hỏi những câu như 'Ông Trump, ông có phải là kẻ xấu trong truyện tranh hay không?' Tại sao không nói tới những vấn đề có thực chất mà người dân đang quan tâm?"

Các ứng viên Cộng hoà sẽ không có nhiều thời giờ để nghỉ ngơi sau cuộc tranh luận tối thứ tư. Cuộc tranh luận kế tiếp của họ sẽ diễn ra trong hai tuần nữa. - VOA
|
|

4.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Dennis Hastert nhận tội, đối diện án tù

Ông Dennis Hastert, từng là một trong những nhân vật chính trị có nhiều thế lực nhất của Mỹ, hôm thứ Tư đã nhận tội, và đang đối diện với án tù liên quan đến vụ án 3,5 triệu đôla để mua sự im lặng về những tố cáo hành vi tính dục sai trái cách đây rất lâu.

Theo thỏa thuận nhận tội với các công tố viên ở Chicago, cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ thú nhận đã nói dối với Cục Điều tra Liên bang (FBI) về những lý do ông rút 1,7 triệu đôla từ tài khoản ngân hàng trong mấy năm qua.

Cựu dân biểu nay 73 tuổi trước đây là thủ lãnh hạ viện do Ðảng Cộng hòa kiểm soát trong 8 năm cho đến năm 2007, và lúc đó ông là giới chức hàng thứ hai trên danh sách thay thể tổng thống.

Trong một thông cáo ngắn khi nhận tội, ông Hastert nói ông không muốn FBI biết ông "định dùng tiền vào việc gì," nhưng không có chi tiết mới của các truy tố được hé lộ tại tòa.

Các công tố viên liên bang truy tố ông Hastert đã trả 3,5 triệu đôla cho một người không rõ danh tánh để che đậy những hành vi sai trái trong quá khứ. Người được trả tiền đó không lộ diện, nhưng các nguồn tin của giới thực thi luật pháp nói với các hãng truyền thông Mỹ rằng ông Hastert trả những khoản tiền lớn để che giấu những hành vi tính dục sai phạm của ông đối với một bé trai khi ông Hastert còn là một giáo viên trẻ tuổi, và là một huấn luyện viên môn đô vật tại một trường trung học gần thành phố Chicago trong những năm của thập niên 1960 và 1970.

Các công tố viên đề nghị án tù 6 tháng cho ông Hastert, nhưng Thẩm phán Thomas Durkin nói với ông Hastert rằng ông có thể lãnh án tù đến 5 năm, và bị phạt đến 250.000 đôla khi ông bị tuyên án vào tháng 2.

Sau khi rời Quốc hội, ông Hastert trở thành một nhà vận động hành lang với thù lao cao nhất. Ông bị truy tố hồi tháng 5 ở Chicago, bị cáo buộc là rút một khoản tiền lên tới 1,7 triệu đôla, từ năm 2010 đến năm 2014, sắp xếp nhiều lần rút ở mức dưới 10 ngàn đôla là ngưỡng chuyển tiền mặt có thể bị chính phủ nêu nghi vấn.

Ông Hastert bị truy tố tội nói dối với các nhà điều tra về lý do ông rút tiền. Trong thỏa thuận nhận tội, các công tố viên dự trù sẽ bỏ một cáo trạng khác về tội vi phạm các luật ngân hàng liên bang. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Chủ tịch TQ thăm Việt Nam 5-6/11

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Việt Nam trong hai ngày 5-6/11 tới.

Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo viết: "Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 05 đến ngày 06 tháng 11 năm 2015".

Bộ này không cho biết thêm chi tiết.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Tập với tư cách Chủ tịch nước.

Trước đó ông từng thăm Việt Nam hai ngày hồi năm 2011 với tư cách phó chủ tịch.

Hai tuần trước, hàng trăm người ở Việt Nam đã ký tên vào một thư ngỏ kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam không đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hà Nội.

Bản lên tiếng công bố trên Facebook của cựu tù nhân Phạm Minh Hoàng hôm 15/10 sau chưa đầy một tuần đã có 160 chữ ký.

Bản lên tiếng lên án Trung Quốc “đe dọa trực tiếp một cách nghiêm trọng trên các mặt chính trị và kinh tế”.

“Đây cũng là lúc phải xét lại mối quan hệ với Trung Quốc, xét lại những cái gọi là “4 Tốt” hay “16 Chữ Vàng”, xét lại tất cả những ký kết không bình đẳng từ trước đến nay và phải từ bỏ biện pháp đối thoại song phương với Trung Quốc.”

“Nhân dân Việt Nam phải nói 'Không!' về sự có mặt của Tập Cận Bình trên đất nước chúng ta và nhà cầm quyền cần hủy bỏ ý định đón tiếp Tập Cận Bình,” văn bản này viết. - BBC
|
|

6.
Quyết định treo cờ vàng gây căng thẳng trong cộng đồng Việt ở Úc?

Hội đồng thành phố Maribyrnong ở Úc đã bác bỏ những khiếu nại về quyết định treo cờ vàng của thời Việt Nam Cộng Hòa của hội đồng, khiến gây ra lo ngại về một ‘cuộc chiến Việt Nam thứ hai’ tại đây.

Quyết định đồng thuận về việc treo cờ vàng đã được đưa ra trong cuộc họp hội đồng thành phố tuần rồi, mặc dù có một người chống đối cảnh báo là động thái này có thể gây ra sự chia rẽ.

Thị trưởng Maribyrnong Nam Quách cho biết việc đưa ra quyết định treo cờ vàng trong những dịp quan trọng tại các địa điểm như Tòa thị chính và Đài Tri Ân ở Jensen Reserve là do yêu cầu của cộng đồng người Úc gốc Việt.

Hội đồng thành phố nói họ muốn ủng hộ cho dịp kỷ niệm 40 năm người Việt tị nạn định cư tại Úc bằng việc chính thức thừa nhận lá cờ vàng 3 sọc đỏ lần đầu tiên tại đây.

Ông Nam Quách, là con của những người tị nạn Việt Nam, nói chủ nghĩa đa văn hóa đòi hỏi dung chấp sự khác biệt và tôn vinh những di sản đáng tự hào.

Đối với nhiều người tị nạn Việt Nam, cờ vàng là một phần của căn cước của họ và là biểu tượng của sự đấu tranh cho tự do và dân chủ.

Nhưng một người dân tên Anh Vo nói với Sar Weekly rằng quyết định trên là một sự xúc phạm đối với cộng đồng ‘cờ đỏ’ của chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay.

Star Weekly dẫn lời một cựu quân nhân ở Úc cho biết hiện có rất nhiều doanh nhân và cư dân ở Maribyrnong là những người ủng hộ ‘cờ đỏ’.

Ông này cho rằng thành phố Maribyrnong đã mở ra một ‘cuộc chiến Việt Nam thứ hai’ ở Melbourne và cho rằng khi đã đến Úc và trở thành công dân Úc, mọi người nên bỏ lại quá khứ mà chỉ nên biết đến một lá cờ Úc mà thôi.

Việc treo cờ vàng cũng đã từng gây ra bất đồng ở Sydney, nhưng hoàn toàn không có vấn đề gì ở nhiều địa điểm khác ở Úc và trên khắp nước Mỹ. - VOA

Wednesday, October 28, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 28/10

Tin Thế Giới

1.
Mỹ có thể thực hiện thêm các cuộc tuần tiễu ở Biển Đông

Một quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng có phần chắc Hải quân Mỹ sẽ thực hiện thêm các cuộc tuần tiễu gần những hòn đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc và một số nước khác tuyên bố có chủ quyền. Thông tín viên Carla Babb của đài VOA tường trình.

Hôm thứ ba, sau khi chiến hạm USS Lassen của Mỹ tiến vào phạm vi 12 hải lý của một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây hồi gần đây ở Biển Đông, một quan chức quốc phòng Mỹ yêu cầu được giấu tên nói rằng “Đây không phải là cuộc tuần tiễu cuối cùng.”

Viên chức này cho biết vài chiếc tàu của Trung Quốc đã theo dõi khu trục hạm Lassen như họ vẫn thường làm mỗi khi có tàu hải quân Mỹ hoạt động ở Biển Đông. Ông nói “Tất cả những thao tác của các chiếc tàu và máy bay Trung Quốc là an toàn và chuyên nghiệp. Không có gì bất thường”.

Trung Quốc đã lên án cuộc tuần tiễu này và cho rằng đó là một hành động “diễu võ dương oai”, có tính chất “khiêu khích” trong vùng biển vô cùng quan trọng đối với hoạt động thương mại quốc tế.

Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh hôm thứ ba nói rằng tàu Lassen “xâm nhập trái phép” vào hải phận của Trung Quốc và đã triệu Đại sứ Mỹ Max Baucus đến để chính thức phản đối.

Các giới chức quân sự ở Washington cho biết việc tiến gần bãi đá Subi do Trung Quốc chiếm đóng là một hoạt động “tự do hàng hải”, không liên quan gì tới vấn đề chủ quyền của những hòn đảo mà Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đều cho là lãnh thổ của mình.

Tại Washington, Thượng nghị sĩ John McCain nói rằng hoạt động đó của hải quân Mỹ lẽ ra phải được thực hiện từ lâu.

Ông nói “Vì Trung Quốc không ngừng thách thức tự do hàng hải trên khắp khu vực Á châu Thái Bình Dương, nên Hoa Kỳ phải điều máy bay bay qua, phái tàu đi qua và hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép; đó là một việc quan trọng hơn lúc nào hết. Và Biển Đông không thể là ngoại lệ.” Ông đề nghị tiến hành những hoạt động tuần tiễu thường xuyên trên không và trên biển trong những tuần lễ và những tháng tới đây để chứng tỏ “quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ tự do hàng hải.”

Các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng hoan nghênh việc tàu chiến Mỹ tiến gần những hòn đảo có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, tuy những ngôn từ họ sử dụng có tính chất dè dặt hơn.

Tại Manila, Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói “bất kỳ sự di chuyển nào thông qua vùng biển này đều không thể bị cản trở bởi bất kỳ thực thể nào”.

Nhật Bản cho biết họ tiếp tục quan tâm về những hoạt động của Trung Quốc tại những phần đất và những vùng biển có tranh chấp. Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga nói “Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ các thông tin tình báo của mình với Hoa Kỳ”.

Việt Nam chưa bình luận về diễn tiến này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, cho rằng “im lặng là đồng ý”. Ông nói “đây là một chuyến đi mang tính biểu tượng để bảo vệ lợi ích của Mỹ về tự do hàng hải, và phục vụ cho việc ổn định cũng như giữ nguyên trạng biển Đông”.

Cách nay nhiều tuần lễ Mỹ đã tỏ ý cho thấy Hải quân sẽ phái tàu tiến vào vùng biển có tranh chấp chủ quyền. Các chuyên gia tin rằng khoảng 200 binh sĩ Trung Quốc đang đồn trú ở bãi đá Rubi, là nơi vốn chỉ cao hơn mặt nước biển khi thuỷ triều xuống thấp.

Bà Sheila Smith, một chuyên gia về Nhật Bản của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington, cho biết hành động của hải quân Mỹ đã được nhiều người trông đợi. Bà cho rằng phản ứng của Trung Quốc chứng tỏ “họ không muốn giải quyết những vụ tranh chấp này một cách hoà bình” và việc Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự và sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trên những hòn đảo nhân tạo đó cho thấy họ muốn tạo ra “một sự đã rồi.” Bà nói “Họ chỉ muốn chiếm những đảo này.”

Bà Smith cũng cho biết các nước khác đòi chủ quyền ở Biển Đông không thể cạnh tranh với sức mạnh hải quân và không quân của Trung Quốc, nên Hoa Kỳ không thể thoái lui mà phải nắm giữ vị thế lãnh đạo trong khu vực. - VOA
|
|

2.
Nepal có nữ tổng thống cộng sản

Một nữ lãnh tụ cộng sản, bà Bidhya Devi Bhandari, vừa chính thức được công nhận thắng cử làm tổng thống Nepal.

Năm nay 54 tuổi, bà cũng là nữ tổng thống đầu tiên của quốc gia nhỏ bé nằm ở rặng Himalayas.

Là phó chủ tịch Đảng cộng sản (CPN-UML) bà đã giành được 327 phiếu trong Nghị viện Nepal.

Ứng viên của Đảng Quốc đại Nepal, Kul Bahadur Gurung, chỉ được 214 phiếu trong tổng số 549.

Bà Bhandari sẽ làm lễ tuyên thệ vào ngày 29/10 này.

Năm 2008, Nepal lần đầu tiên bỏ chế độ quân chủ sau 239 năm và đưa ông Ram Baran Yadav lên tổng thống.

Nay, các dân biểu trong nghị viện bầu ra tân tổng thống, đưa bà Bhandari lên làm nguyên thủ quốc gia thứ nhì kể từ khi có nền dân chủ đại nghị.

Cộng sản và dân chủ

Bà Bidhya Devi Bhandari là vợ của nhà lãnh đạo cộng sản Madan Bhandari, người chết trong trong một vụ tai nạn giao thông năm 1993.

Đảng của họ cho rằng ông Bhandari bị kẻ thù chính trị lập mưu sát hại.

Bà Bidhya Devi Bhandari từng là một nhà hoạt động cuối thập niên 1970 và cũng từng nắm chức bộ trưởng quốc phòng.

Đảng Cộng sản Marxist-Leninist Thống nhất Nepal (CPN-UML) ra đời năm 1991 từ sự sáp nhập của hai đảng cộng sản khác.

Cùng đảng Quốc đại Nepal, CPN-UML được cho là đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi dân chủ tại Nepal.

Có 31 triệu dân, Nepal là quốc gia vùng núi và có nhiều bất ổn bởi các cuộc tấn công của du kích cộng sản theo chủ nghĩa Mao gây ra từ thập niên 1960 đến nay.

Hồi tháng 4 năm nay, trận động đất khủng khiếp xảy ra làm chết hàng nghìn người và thiệt hại về tài sản vật chất, cơ sở hạ tầng đến nay vẫn chưa được phục hồi. - BBC
|
|

3.
Hàn Quốc phát triển máy bay tiêm kích không người lái

Người ta tin là Bắc Triều Tiên có một đội máy bay dọ thám quân sự. Trước mối đe dọa đó, giờ đây, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc cũng đang thử nghiệm các loại máy bay không người lái, còn được gọi là UAV. Thông tín viên Jason Strother tường trình từ thành phố Daejeon.

Đây không phải là một chiếc máy bay không người lái thông thường. Nó được thiết kế để phát hiện và tấn công một chiếc UAV của địch trên không trung.

Nhà nghiên cứu Shim Hyun-chul và toán sinh viên của ông đang thử nghiệm công nghệ mới có thể một ngày nào đó sẽ được quân đội Hàn Quốc sử dụng.

Ông Shim dẫn đầu nhóm nghiên cứu về các hệ thống không người lái tại trường đại học khoa học và công nghệ KAIST. Ông nói ngày nay máy bay không người lái có thể được chế tạo bởi bất cứ ai.

‘Cái đáng lo là những chiếc máy bay không người lái này rất dễ chế tạo. Chúng có thể làm được rất nhiều việc. Xem chừng đây là một mối đe dọa mới.’

Và ở Hàn Quốc, mối đe dọa đó tới từ miền Bắc.

Sức mạnh quân sự của Bắc Triều Tiên được phô diễn tại một buổi lễ kỷ niệm gần đây tại thủ đô Bình Nhưỡng, trong đó bao gồm dường như là một đội tàu bay không người lái mà một vài chiếc trong số này có thể đã vượt qua biên giới.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay đã phát hiện 4 chiếc máy bay không người lái của Bắc Triều Tiên bị rơi kể từ năm 2014 tới nay.

Tin cho hay một trong những chiếc UAV nhỏ đó đã bay một phi vụ trinh sát qua trung tâm thành phố Seoul.

Dù rằng dường như những chiếc máy bay này chỉ thực hiện nhiệm vụ ghi chụp lại lại hình ảnh, nhưng một số nhà phân tích an ninh lo rằng tiếp theo đó có thể sẽ là những chiếc máy bay không người lái có trang bị võ khí.

Nhà phân tích Moon Sung-muk thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Hàn Quốc ở Seoul phát biểu:

‘Chúng tôi đâu ngờ Bắc Triều Tiên có thể chế tạo những chiếc máy bay không người lái nhỏ như vậy tránh được radar của chúng tôi. Hàn Quốc phải có một kế hoạch an ninh mới để có thể phát hiện được các UAV này nhanh hơn và tấn công chúng.’

Việc này có thể bắt đầu với những chiếc máy bay xung kích không người lái mà ông Shim Hyun-chul cùng nhóm nghiên cứu đang thực hiện.

Theo ông, đương đầu với các máy bay không người lái của Bắc Triều Tiên hay của bất kỳ quốc gia thù địch nào không phải là điều dễ dàng.

‘Các máy bay không người lái rất nhỏ, rất khó phát hiện, cho dù có phát hiện được thì cũng khó có thể làm gì.’

Ông Shim nói điều mà toán nghiên cứu của ông có thể làm là hoàn thiện công nghệ máy bay không người lái của mình nhanh hơn đối phương. - VOA
|
|

4.
VW lỗ 3,48 tỷ euro do vụ bê bối khí thải

Hãng Volkswagen (VW) đã bị rơi vào tình trạng thua lỗ do chi phí gia tăng từ vụ bê bối về khí thải.

Hạch toán tài khoản đầu tiên được VW công bố kể từ khi nổ ra vụ bê bối cho thấy hãng đang đặt sang một bên 6,7 tỷ euro (tương đương 7,4 tỷ đô la) dành để giải quyết vụ này.

Kết quả là VW báo cáo khoản thua lỗ hoạt động lên tới 3,48 tỷ euro trong quý thứ ba năm nay, và một khoản lỗ trước thuế là 2,52 tỷ euro.

Hồi tháng Chín, VW thừa nhận đã cài đặt phần mềm được thiết kế để qua được các kiểm tra về khí thải cho 11 triệu chiếc xe hơi có động cơ diesel của hãng trên toàn thế giới.

Chi phí pháp lý

Trong ba tháng, tính đến cuối tháng Chín, doanh số bán xe giảm 3,7% và sản lượng giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, VW cho biết rằng họ dự báo vẫn có doanh thu gia tăng 4% cho cả năm.

VW cho biết họ dự kiến lợi nhuận của cả năm sẽ "giảm đáng kể", và đó là kết quả do các chi phí để giải quyết vụ bê bối về khí thải.

Matthias Mueller, Giám đốc điều hành và Chủ tịch Hội đồng Quản trị của VW, cho biết:

"Những con số một mặt cho thấy sức mạnh cốt lõi của Tập đoàn Volkswagen, mặt khác cũng cho thấy những tác động ban đầu của tình hình hiện nay đang trở nên rõ ràng hơn."

"Chúng tôi sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để giành lại sự tin cậy mà chúng tôi đã đánh mất."

Trong khi đó, Tập đoàn VW bắt đầu hạn chế chi tiêu và tuyên bố hồi đầu tháng này họ sẽ cắt giảm ngân sách cho nghiên cứu và phát triển của mình. Trong ba tháng vừa qua, Tập đoàn đã giảm chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển tới hơn 1 tỷ euro.

VW cho biết các chi phí pháp lý của vụ bê bối này là "không thể ước tính được vào thời điểm hiện tại", nhưng cho biết trong báo cáo hàng quý của mình rằng các loại kiện tụng mà họ sẽ phải đối mặt là:

- Cáo buộc hình sự và dân sự từ các cơ quan quản lý quốc gia.

- Các vụ kiện tập thể hoặc kiện dân sự cá nhân từ khách hàng.

- Các vụ kiện tập thể hoặc kiện dân sự cá nhân từ các nhà đầu tư.

Kết quả là cổ phiếu của Volkswagen tăng 3,2%, và là cổ phiếu tăng cao nhất trên chỉ số Dax 30 của Đức vào giờ giao dịch đầu tiên. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Hầu hết thế giới muốn Mỹ hủy bỏ lệnh cấm vận Cuba

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ ba hầu như đồng thanh chấp thuận nghị quyết đòi Hoa Kỳ chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế áp dụng đối với Cuba trong hơn 50 năm qua. Thông tín viên Richard Green của đài VOA tường thuật.

191 thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu Washington chấm dứt lệnh cấm vận được áp dụng vào thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh. Chỉ có Mỹ và Israel bỏ phiếu chống lại nghị quyết này.

Đây là sự ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với việc chấm dứt lệnh cấm vận mà Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ trong suốt 24 năm, kể từ khi họ bắt đầu đưa ra nghị quyết về vấn đề này.

Tuy nhiên, Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, ông Ron Goddard, nói rằng cuộc biểu quyết này “sẽ không góp phần làm cho mọi việc tiến về phía trước.”

"Tuy bình thường hoá là một con đường dài và phức tạp, chúng tôi đã có được những tiến bộ đáng kể. Do đó chúng tôi cảm thấy tiếc về việc chính phủ Cuba đã quyết định xúc tiến nghị quyết hàng năm này. Văn bản này không phản ánh những bước quan trọng đã được thực hiện và tinh thần chủ động giao tiếp mà Tổng thống Obama đang theo đuổi. Và do đó, Hoa Kỳ không thể ủng hộ nghị quyết."

Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh phục hồi đầy đủ các mối quan hệ ngoại giao với đảo quốc Cuba. Ông cũng nới lỏng một số hạn chế du hành, nhưng chỉ có Quốc hội Mỹ mới có thể thu hồi lệnh cấm vận đã áp dụng trong 56 năm qua.

Sau cuộc biểu quyết, Ngoại trưởng Cuba, ông Bruno Rodriguez Parrilla, hối thúc Hoa Kỳ đơn phương thu hồi lệnh cấm vận.

"Lệnh cấm vận đối với Cuba là một hành động đơn phương của Hoa Kỳ và nên được đơn phương thu hồi mà không yêu cầu đổi lấy một điều gì cả. Hoa Kỳ phải tự quyết định về việc áp dụng những biện pháp cần thiết để tuân thủ luật pháp quốc tế, như Tổng thống Obama đã nói, để phục vụ cho những quyền lợi quốc gia của nước Mỹ, những quyền lợi sẽ được thăng tiến qua việc thu hồi lệnh cấm vận."

Phó Đại sứ Goddard cho biết các giới chức Mỹ và Cuba đã họp với nhau ở Havana để ấn định một chương trình nghị sự tổng quát cho sự hợp tác bao gồm nhiều lãnh vực, từ chấp hành pháp luật và chống ma tuý cho tới nhân quyền và biến đổi khí hậu.

Ông Goddard nói với Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng việc phục hồi quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Hoa Kỳ với Cuba sẽ mất nhiều năm và đòi hỏi đôi bên phải có quyết tâm và kiên trì. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Australia hoãn diễn tập hải quân với TQ, cân nhắc đưa tàu tới Biển Đông

Các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Úc đang cân nhắc khả năng điều tàu hải quân vào vùng biển gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới xây ở Biển Đông, trong trường hợp Australia quyết định theo chân Hoa Kỳ để thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

Báo Wall St. Journal hôm nay, (28/10) dẫn lời một giới chức trong quân đội Úc quen thuộc với các nhà làm chính sách, nói rằng Australia đang cân nhắc những sự lựa chọn của mình. Giới chức này phát biểu không lâu sau khi tàu khu trục USS Lassen của Mỹ được máy bay hộ tống, đi ngang qua vùng biển trong phạm vi 12 hải lý – cách bãi đá Subi, một trong 7 bãi đá và bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa, nơi mà Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo mới đây.

Vẫn theo WSJ, một giới chức khác đã tham gia công tác soạn thảo cẩm nang quân sự về Biển Đông cho Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne, xác nhận rằng các kế hoạch cho các hoạt động của tàu bè và máy bay trinh sát của hải quân Úc đã được soạn sẵn, mặc dù giới chức này không cho biết là liệu Canberra có ý định thực hiện ngay kế hoạch hay không.

Giới chức này cho biết quân đội Úc đã xem xét những sự lựa chọn của mình, kể cả kế hoạch cho tàu chạy ngang, hoặc máy bay bay ngang, các đảo nhân tạo trong Biển Đông trong nhiều tháng rồi, giữa lúc tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng hơn.

Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne hôm qua bác bỏ rằng hành động đó, nếu được thực hiện, sẽ thách thức quyết tâm của Trung Quốc. Văn phòng của bà không trả lời yêu cầu bình luận của báo WSJ hôm nay, về ý định của Australia và liệu Hoa Kỳ có trực tiếp yêu cầu Australia điều tàu hoặc máy bay vào khu vực nhạy cảm trong Biển Đông hay không.

Theo WSJ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không trả lời yêu cầu gửi bằng fax của báo này yêu cầu bình luận về tin này.

Ông Peter Jennings, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Chính sách Australia, một think-tank được chính phủ Úc hậu thuẫn, nói rằng ông tiên liệu đa số các đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng sẽ thực hiện các chuyến đi để khẳng định quyền tự do hàng hải trên biển và trên không trong Biển Đông.

Ông Jennings nói điều thiết yếu là các đồng minh của Mỹ phải hành động bởi vì không thể ‘để mặc cho Hoa Kỳ phải đơn độc xử lý một vấn đề đang gây nhiều lo lắng cho Philippines và Việt Nam’.

Trong khi đó, tờ Hong Kong Free Press tường thuật rằng Australia loan báo hoãn lại các cuộc diễn tập hải quân chung với Trung Quốc, ngay sau khi chiến hạm Mỹ USS Lassen tiến gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc, một động thái bị Bắc Kinh cực lực lên án.

Theo kế hoạch đã định, hai tàu hộ vệ lớp Anzac của Australia là HMAS Arunta và HMAS Stuart sẽ lên đường tới cảng Trạm Giang, cảng nhà của Hạm đội Nam Hải, để tham gia tập trận chung với tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông vào tuần tới. Nhưng theo trang mạng tin tức News. com. au, cuộc diễn tập này đã được hoãn lại.

Trong một thông báo phổ biến hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Úc nói Australia, tại thời điểm này, không tham gia hoạt động của Mỹ, nhưng ‘điều quan trọng là phải thừa nhận tất cả các nước đều có quyền tự do hàng hải và tự do bay ngang các vùng biển quốc tế, kể cả Biển Đông, dựa trên luật pháp quốc tế. Australia mạnh mẽ hậu thuẫn các quyền đó.

Bà Payne nói thêm rằng Australia có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hoà bình và ổn định, việc tôn trọng luật pháp quốc tế, lưu thông tự do của các thương thuyền đi ngang qua Biển Đông.” Được biết 60% hàng xuất khẩu của Australia đi ngang qua Biển Đông. Và càng phức tạp hơn nữa, khi Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Australia.

Hãng tin AP hôm qua tường thuật rằng nhà lãnh đạo Indonesia kêu gọi tất cả các bên liên quan trong cuộc tranh chấp Biển Đông hãy tự chế. Phát biểu tại Washington hôm thứ Ba, vài giờ sau khi chiến hạm Mỹ USS Lassen tiến gần một trong các đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới bồi đắp trong Biển Đông, Tổng thống Joko Widodo kêu gọi Trung Quốc và ASEAN hãy khởi sự các cuộc đàm phán về một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển để quản lý những căng thẳng tại đây. - VOA

Tuesday, October 27, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 27/10

Tin Thế Giới

1.
Mỹ điều tàu chiến tới Trường Sa, Trung Quốc nổi giận --- Đài Loan, TQ phản ứng về tàu Mỹ --- Mỹ tuần tra Biển Đông: kiên quyết, cần thiết, nhưng chưa đủ

Trung Quốc đã giận dữ phản đối Hoa Kỳ đưa tàu khu trục USS Lassen tới áp sát các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông.

Chính quyền Bắc Kinh cho biết đã cảnh cáo và theo đuôi chiến hạm có trang bị tên lửa dẫn đường của Hoa Kỳ hôm nay, 27/10.

Theo các quan chức Mỹ, trong chuyến đi kéo dài vài tiếng đồng hồ, tàu USS Lassen đã tiến vào khu vực biển 12 hải lý tại bãi đá Vành Khăn và Subi ở Trường Sa.

Đây là bước đi đầu tiên của Mỹ nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở biển Đông, trực tiếp thách thức Trung Quốc, và theo các nhà quan sát, nhiều khả năng sẽ làm leo thang căng thẳng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đã theo dõi, theo đuôi và cảnh cáo chiến hạm USS Lassen khi tàu này tiến vào vùng lãnh hải gần các hòn đảo và bãi đá ở Trường Sa một cách “trái phép” và không được sự cho phép của Trung Quốc.

“Trung Quốc kiên quyết phản đối các hành động khiêu khích có chủ ý của bất kỳ nước nào,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Sau đó, trong cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ này nói rằng nếu Hoa Kỳ tiếp tục “gây căng thẳng trong khu vực”, Trung Quốc có thể sẽ đi tới kết luận rằng nước này cần phải “gia tăng và tăng cường khả năng phù hợp”. 

Ông Lục không nói rõ việc tăng cường đó là gì, nhưng cho biết ông hy vọng là Bắc Kinh sẽ không phải làm điều đó. Tuy nhiên, bình luận của ông cũng ám chỉ rằng Trung Quốc có thể tăng cường thêm nữa sự hiện diện quân sự trên biển Đông. Ông này nói thêm:

“Trung Quốc hy vọng sẽ sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình để giải quyết mọi tranh chấp, nhưng nếu Trung Quốc phải đáp trả thì thời điểm, biện pháp và nhịp độ của sự đáp trả này sẽ được quyết định dựa trên mong muốn và nhu cầu của Trung Quốc”.

Tin cho hay, Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Hoa Kỳ tới để phản đối bước đi của Mỹ.

Truyền hình nhà nước dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trương Nghiệp Toại nói với Đại sứ Mỹ Max Baucus rằng việc làm của Washington “hết sức thiếu trách nhiệm”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cảnh báo Hoa Kỳ “hành động một cách thận trọng và tránh gây khiêu khích”.

Tân Hoa Xã dẫn lời ông Vương nói rằng Mỹ phải “suy nghĩ chín chắn, không hành động hấp tấp và gây rắc rối”.

Một quan chức quốc phòng của Mỹ được các hãng thông tấn phương Tây trích lời nói rằng các chuyến đi trinh sát của tàu chiến Hoa Kỳ sẽ được thực hiện thường xuyên và sẽ diễn ra trong vòng vài tuần nữa, và có thể được tiến hành gần những nơi mà Việt Nam và Philippines đã xây dựng trên Trường Sa.

Nhận định về hành động mới nhất của Mỹ, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch một cơ quan nghiên cứu tư nhân mới thành lập có tên gọi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nói rằng đây là “một chuyến đi mang tính biểu tượng để mà bảo vệ lợi ích của Mỹ về tự do hàng hải, và phục vụ cho việc ổn định cũng như giữ nguyên trạng biển Đông”.

Việt Nam chưa lên tiếng phản ứng sau khi Hoa Kỳ điều tàu vào Trường Sa. Về sự dè dặt này, ông Trường nói thêm:

“Im lặng là đồng ý còn gì. Mỹ có ở cạnh sát Trung Quốc mấy nghìn cây số đâu. Việt Nam là nước có đường biên giới núi liền núi, sông liền sông thì phải có phát ngôn một cách thận trọng. Việc này, Mỹ đã thông báo vài tuần rồi. Trung Quốc lên tiếng phản đối, còn Việt Nam về chính thức là im lặng. Im lặng tức là đồng ý còn gì. Mỹ là cường quốc, có sức mạnh, nên làm những chuyện đấy là làm được. Chứ ta, Việt Nam, chả lẽ lại gây thêm những cái phức tạp cho Trung Quốc? Muốn ổn định là phải đi với Trung Quốc, và muốn phát triển là phải đi với các nước lớn để dùng làm đòn bẩy trong quan hệ với Trung Quốc. Và để phát triển kinh tế nữa thì phải đi với Mỹ, Nhật Bản, EU và với Trung Quốc. Mình phải tính, phải dựa vào lý trý chứ không thể dựa vào tình cảm được. Theo tôi, quan điểm chính thức của Việt Nam là rõ rồi. Việt Nam ủng hộ tự do hàng hải, và bất cứ hành động nào duy trì hòa bình, ổn định và nguyên trạng biển Đông. Và Mỹ cũng nhiều lần tuyên bố là Mỹ sẽ hành động theo luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng chấp nhận là phải hành động theo luật pháp quốc tế. Về cơ bản thì quan điểm của Mỹ và Việt Nam là nhất trí với nhau. Chính quyền Mỹ người ta hiểu lập trường của Việt Nam, cái vị trí địa chiến lược của Việt Nam là vô cùng khó, vô cùng tinh tế, chịu sức ép rất lớn, hàng ngày, hàng giờ của Trung Quốc, thì mình phải tính cho kỹ là ở chỗ đó. Việt Nam tính toán một cách có trách nhiệm, chứ không phải là sợ Trung Quốc hay là không sợ Trung Quốc”.

Trong khi đó, Philippines, một trong các quốc gia mạnh mẽ phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông, hoan nghênh hành động của Mỹ. Tổng thống Philippines tuyên bố:

“Việc Mỹ đi qua các vùng biển tranh chấp này là để chứng tỏ là các nguyên tắc về tự do hàng hải là như thế nào, và họ hành động như vậy để không có việc thay đổi nguyên trạng trên thực địa.”

Nhật Bản, quốc gia cũng có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc nhưng là trên biển Hoa Đông, một lần nữa lặp lại quan ngại về hành động của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp.

Khi được các hãng thông tấn hỏi về phản ứng đối với hoạt động của tàu khu trục USS Lassen, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga cho biết đang phối hợp chặt chẽ với Mỹ để nhận các thông tin tình báo.

Trong khi đó, một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Australia nói rằng chính quyền Canberra mạnh mẽ ủng hộ quyền của mọi nước “về tự do hàng hải, tự do bay bên trên biển Đông, theo luật pháp quốc tế”, nhưng nói thêm rằng “Australia không liên quan tới hoạt động hiện thời của Hoa Kỳ ở biển Đông”.

Tàu khu trục USS Lassen từng do Hạm trưởng người Mỹ gốc Việt Lê Bá Hùng chỉ huy từ năm 2009 tới năm 2010. Tàu này từng tới thăm Đà Nẵng vào tháng 11/2009.

Lần cuối cùng tàu hải quân Mỹ tiến vào khu vực phạm vi 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở biển Đông là năm 2012. - VOA

***
Cần có giải pháp hòa bình với các tranh chấp trên Biển Đông đó là quan điểm của Đài Loan đưa ra sau khi Hoa Kỳ đưa tàu chiến tuần hành tại khu vực Trường Sa đang có tranh chấp trên Biển Đông.

Trong khi đó, Trung Quốc coi động thái của tàu chiến Mỹ là một hành động 'khiêu khích' và một 'trò chơi nguy hiểm' đối với 'ổn định ở khu vực', một bài báo trên trang mạng của Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, cho hay.

Hôm 27/10/2015, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đài Loan, Eleanor Wang, lên tiếng nói:

"Đài Loan muốn thấy tất cả các bên có liên quan có một ứng xử đóng góp cho hòa bình và ổn định ở khu vực," phát biểu từ Đài Bắc của bà Wang, đáp lại việc Mỹ cử một tàu khu trục vào vùng biển nằm trong phạm vi 12 dặm biển của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây ở Biển Đông.

Người phát ngôn của Đài Loan cũng nói thêm:

"Đài Loan cũng hy vọng các bên liên quan sẽ thể hiện sự tôn trọng các nguyên tắc và tinh thần luật pháp quốc tế phù hợp, bao gồm Hiến chương của Liên Hợp Quốc và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển."

Bà Eleanor Wang cũng tái khẳng định tuyên bố chủ quyền của Đài Loan với một số đảo tại vùng biển vốn có nhiều tranh chấp đan xen về chủ quyền.

Bà nói Đài Loan "có tất cả các quyền đối với chúng phù hợp với luật pháp quốc tế".

Đài Loan "sẽ không thừa nhận quyền của bất cứ quốc gia nào tuyên bố hoặc chiếm đóng chúng vì bất cứ lý do gì hoặc bằng bất cứ biện pháp nào".

'Khiêu khích, nguy hiểm'

Trong khi đó, một bài báo trên trang điện tử của Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc, hôm 27/10 chạy một bài báo với tựa đề dài: "Khiêu khích của Mỹ ở Nam Hải (tức Biển Đông, theo cách gọi của Trung Quốc), một trò chơi thiếu trách nhiệm".

Bài báo viết: "Hành vi xâm lăng này có tính chất vô trách nhiệm và nguy hiểm cao độ. Trước hết, nó đã vi phạm cam kết của Washington không đứng về bên nào trong các tranh chấp ở Nam Hải.

"Đồng thời, nó đi ngược lại thỏa thuận mà Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama đã xây dựng củng cố mô hình mới trong các quan hệ chính yếu quốc gia giữa hai người khổng lồ toàn cầu được đặc trưng hóa bởi không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng.

"Những khiêu khích này đe dọa làm xấu đi khoảng cách vốn đã rộng sẵn trong sự tin cậy lẫn nhau giữa Bắc Kinh và Washington, xuất phát một phần từ hành động thám sát chặt chẽ và thường xuyên trên không và trên biển của Washington chống lại Trung Quốc.

"Hành động này cũng nhắm tới việc làm khuấy động vùng biển và hủy hoại các nỗ lực tìm kiếm giải quyết một cách hòa bình và mau sớm các cuộc tranh cãi kinh niên ở Nam Hải và nhờ đó xóa bỏ vĩnh viễn các nguyên nhân cội rễ gây ra các căng thẳng và rắc rối".

Bài báo trên Tân Hoa Xã hôm thứ Ba phản ứng lại việc Hoa Kỳ điều tàu khu trục Lassen vào bên trong khu vực 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở khu vực Trường Sa kết thúc bằng việc tuyên bố:

"Tính đến tầm quan trọng của Nam Hải đối với mậu dịch thế giới, đây là lúc cao điểm để Hoa Kỳ chú ý đến những lời kêu gọi và cảnh báo của Bắc Kinh và chấm dứt việc gây sóng gió, gây ra những sóng gió vô lối, ở vùng biển bận rộn này," Tân Hoa Xã viết.

Hôm 27/10, tàu khu trục Mỹ USS Lassen đã thâm nhập khu vực biển có phạm vị 12 hải lý mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền tại bãi Vành Khăn và Subi ở Trường Sa.

Cùng ngày, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã đưa ra tuyên bố tại Bắc Kinh:

"Hành động liên quan của tàu chiến Mỹ đe dọa đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, nguy hại đến an toàn của nhân viên và cơ sở trên các đảo và bãi đá, phương hại đến hoà bình và ổn định của khu vực".

"Trung Quốc cực lực bất bình và kiên quyết phản đối việc này," người phát ngôn này nói.

Hiện chưa rõ tàu USS Lassen có quay trở lại khu vực này hay không, hoặc Hoa Kỳ có còn phái tiếp một lực lượng hải quân nào trở lại đó cũng với lộ trình tuần tiễu tương tự như tàu khu trục nói trên. - BBC

***
Sau hàng tháng trời loan báo, Washington vào sáng sớm hôm nay, 27/10/2015 đã thực sự khởi động chiến dịch được mệnh danh là "Vì quyền tự do hàng hải" tại vùng Biển Đông, nơi Bắc Kinh bất chấp luật quốc tế, đã cho bồi đắp 7 đảo nhân tạo nhằm áp đặt bằng sức mạnh yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Hành động của Mỹ được cho là kiên quyết, nhưng thận trọng và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trả lời ban Việt Ngữ RFI, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông Carlyle Thayer cho rằng Mỹ cần phải kiên quyết hơn nữa.

Khi cho khu trục hạm USS Lassen khởi động chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải tại vùng Trường Sa, Hoa Kỳ trước hết đã tạm thời xóa nhòa hình ảnh "hổ giấy" thường được gán cho mình.

Thái độ kiên quyết của Mỹ đã được ông Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore nêu bật.

Trả lời hãng tin Anh Reuters, ông giải thích: "Khi dùng đến một tàu khu trục có tên lửa dẫn đường, chứ không phải là một loại tàu nào khác nhỏ hơn… Mỹ đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ". Thông điệp này, theo chuyên gia Storey, lại càng rõ ràng hơn khi mà Washington khẳng định rằng sắp tới đây sẽ có thêm nhiều chiến dịch tương tự được tiến hành.

Hành động của Mỹ tuy kiên quyết, nhưng cũng được đánh giá là rất thận trọng, không muốn khiêu khích vô ích. Điều này thể hiện rõ rệt trong việc chọn địa bàn tiến hành chiến dịch là Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn, hai bãi đá thuộc diện nửa chìm nửa nổi trước lúc được Trung Quốc biến thành đảo, cho nên không thể được xem là có hải phận 12 hải lý. Đảo nhân tạo cũng không được quyền đòi có lãnh hải, do vậy Trung Quốc không thể nào cấm tàu Mỹ di chuyển trong vùng 12 hải lý quanh các đảo này.

Ngoài ra, việc chọn một chiếc tàu như USS Lassen, với thủy thủ đoàn giầu kinh nghiệm cọ sát với tàu Trung Quốc, cũng nhằm đảm bảo cho việc không xẩy ra sự cố đáng tiếc do tính toán sai lầm hay bộp chộp. Các yếu tố nói trên cho thấy là chiến dịch của Mỹ đã được lên kế hoạch một cách rất chuyên nghiệp, vừa giúp Mỹ gởi tín hiệu cứng rắn đến Trung Quốc, vừa giảm thiểu nguy cơ xung đột.

Tuy vậy, nếu lồng chiến dịch này vào trong toàn cảnh Biển Đông hiện nay, một số chuyên gia đã tự hỏi rằng phải hành động của Mỹ đã được đưa ra quá muộn? Đây chính là nhận xét của giáo sư Carlyle khi trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ RFI qua thư điện tử.

"Chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ vừa quá yếu, vừa quá trễ. Lẽ ra Mỹ nên hành động ngay từ năm 2014 khi rõ ràng là Trung Quốc đã bắt đầu rầm rộ xây đảo nhân tạo. 

Tuy nhiên, các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ là điều cần thiết để phản bác việc Trung Quốc đòi chủ quyền từ các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp nên. Không thách thức Trung Quốc tương đương với việc chấp nhận cái gọi là yêu sách pháp lý của Trung Quốc".

Đối với Giáo sư Thayer, Trung Quốc có thể là sẽ không trực diện đối đầu với Mỹ trên hiện trường, nhưng sẽ khuấy động dư luận chống Mỹ, đồng thời tiếp tục củng cố cơ sở trên các đảo nhân tạo để có thể biến các nơi này thành căn cứ quân sự khi có thời cơ.

"Chiến dịch tuần tra của Mỹ sẽ không cản được Trung Quốc trong việc củng cố cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo của nó. Trung Quốc hoàn toàn có thời gian để quân sự hóa các đảo nhân tạo khi điều đó phù hợp với mục tiêu họ đề ra.

Trung Quốc sẽ không dùng tàu Hải quân của mình để đối đầu trực tiếp với Mỹ. Trung Quốc sẽ tiến hành chiến tranh thông tin và pháp lý để cố gắng ngăn không cho Mỹ tiếp tục các cuộc tuần tra. Trung Quốc sẽ nhắm vào các quốc gia trong khu vực, khuấy lên nỗi lo ngại rằng Hoa Kỳ đang làm mất ổn định khu vực."

Trong bối cảnh đó, Giáo sư Thayer cho rằng Hoa Kỳ cần phải thay đổi đối sách.

"Hoa Kỳ cần phải thay đổi chủ trương lúc nào cũng tuyên bố không đứng về phe nào trong các tranh chấp lãnh thổ. Hoa Kỳ cần phải tỏ rõ lập trường bảo vệ hiện trạng ở Biển Đông, và phản đối các hành động đơn phương có hệ quả chiến lược. 

Mỹ nên giúp Philippines trong việc bảo đảm cho ngư dân nước này có thể quay trở lại bãi Scarborough. Thủy quân lục chiến Mỹ nên cùng với đồng đội Philippines đến vùng Bãi Cỏ Mây mà Philippines tuyên bố chủ quyền nhưng có đầy tàu bán quân sự Trung Quốc. Mỹ và Philippines sau đó nên cùng thực hiện nhiệm vụ tiếp tế chung cho lính Philippines trên chiếc ​Sierra Madre mắc cạn ở đấy."

Nói tóm lại, Giáo sư Thayer cho rằng Mỹ nên áp dụng chiến lược bắt Trung Quốc phải trả giá để khôi phục nguyên trạng và chống phá mọi nỗ lực đơn phương của Trung Quốc để thay đổi hiện trạng. - RFI
|
|

2.
Tổng thống Pháp công du Trung Quốc và Hàn Quốc đầu tháng 11

Tổng thống François Hollande sẽ có chuyến công du cấp Nhà nước tại Trung Quốc từ ngày 02-03/11/2015 theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo thông cáo ngày hôm qua 26/11 của Phủ Tổng thống Pháp, nội dung chính của chuyến công du sẽ tập trung vào hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu được tổ chức tại Paris từ ngày 30/11 đến 11/12/2015 năm nay.

Vào tháng 09, Tổng thống Pháp đã thông báo về chuyến công du Trung Quốc để  "cùng với Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra kêu gọi nỗ lực để hội nghị về khí hậu thành công".

Ông François Hollande nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất hành tinh và cũng gây ô nhiễm nhiều nhất, trong việc làm gương để các nước khác noi theo.

Các nhà quan sát nhận định có một điểm tích cực và có thể coi là một dấu hiệu thành công của hội nghị Paris, đó là lần đầu tiên, Trung Quốc tham gia ở cấp cao, trái với hội nghị về khí hậu năm 2009 tại Copenhagen (Đan Mạch).

Tại thượng đỉnh lần thứ 21 về khí hậu do Liên Hiệp Quốc tổ chức (COP21), 195 nước có thể sẽ đạt được một bản hiệp định chung đầu tiên về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Văn kiện này rất quan trọng nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ trên trái đất không quá 2°C. 

Các chuyên gia cảnh báo, nếu vượt quá ngưỡng này, sẽ xảy ra nhiều thiên tai cực kỳ nghiêm trọng, hiện tượng băng tan tại hai cực của Trái Đất, cũng như hiện tượng mực nước biển dâng lên.

Sau Trung Quốc, Tổng thống Pháp sẽ tới thăm Hàn Quốc ngày 04/11 theo lời mời của Tổng thống Park Geun Hye. Chuyến công du nằm trong khuôn khổ "Năm Pháp-Hàn Quốc 2015-2016", đánh dấu kỷ niệm 130 năm thiết lập bang giao giữa hai nưóc.

Trích dẫn thông cáo của điện Elysée, hãng tin AFP cho biết chuyến công du nhằm thúc đẩy "đối tác toàn diện" giữa Pháp và Hàn Quốc. Nhiều dự án hợp tác mới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đại học, khoa học và văn hóa sẽ được ký kết nhân dịp này. - RFI
|
|

3.
Các nhà lập pháp đối lập Campuchia bị người biểu tình hành hung

Hai nhà lập pháp thuộc Đảng Cứu Quốc đối lập ở Campuchia bị thương nặng sau khi bị những người biểu tình bên ngoài trụ sở quốc hội hành hung hôm thứ Hai. Từ Phnom Penh, các thông tín viên đài VOA gởi về bài tường thuật.

Hơn 1.000 người biểu tình chống phe đối lập đã tụ tập bên ngoài trụ sở quốc hội hôm thứ Hai để đòi bãi chức ông Kem Sokha, Chủ tịch Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP). Mặc dù phần lớn những người biểu tình đã giải tán sau khi trao thư thỉnh nguyện cho Quốc hội, một nhóm nhỏ những người biểu tình vẫn ở lại để chờ các nhà lập pháp rời khỏi trụ sở sau phiên họp buổi sáng.

Những người biểu tình đã xông tới chặn xe của hai dân biểu Nhay Chmreoun và Kong Sakphea và hành hung hai nhà lập pháp này. Cả hai đã bị đá và đánh vào đầu, khiến họ bị chảy máu và xây xẩm.

Phát ngôn viên Đảng Cứu quốc, ông Yim Sovann, cho biết hai dân biểu này bị thương ở đầu và mặt sau khi người biểu tình lôi họ ra khỏi xe. Ông nói rằng Đảng Cứu quốc lên án vụ bạo động và yêu cầu giới hữu trách truy tìm thủ phạm.

Ông Sovann nói: "Họ bị thương nặng ở đầu, vì những người biểu tình đã đánh và đá vào đầu và mặt của họ. Họ đang được chữa trị. Không thể bỏ qua một vụ việc nghiêm trọng như vậy. Không thể để cho vụ việc xảy ra trước một cơ quan hàng đầu như vậy. Tôi tin là phải thực hiện những hành động nghiêm túc."

Ông Sovann cho biết nhiều người tin rằng những kẻ hành hung là một phần của nhóm người biểu tình, nhưng Đảng Cứu quốc đang chờ cảnh sát và Bộ Nội vụ cung cấp thêm chi tiết.

Ông Sok Eysan, một người phát ngôn của Đảng nhân dân Campuchia đương quyền, nói rằng đảng ông không dính líu gì tới vụ bạo động. Ông cho biết cuộc biểu tình có sự tham dự của "những nhóm khác nhau."

Ông Eysan cho biết: "Tôi không biết. Nhưng nếu bị truy ra, các hung thủ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sáng nay, khi tôi đi ra, những người biểu tình nói rằng họ thuộc nhiều thành phần khác nhau và không thuộc đảng nào. Tôi cảm thấy ngạc nhiên khi các nhà báo gọi điện thoại hỏi tôi về vụ việc này."

Ông Hun Manith, một dân biểu thuộc Đảng Nhân dân Campuchia và là con trai của Thủ tướng Hun Sen, viết trên Facebook rằng ông không ủng hộ các vụ bạo động.

Các giới chức chính quyền thành phố cho biết trong một thông cáo rằng cuộc biểu tình không hợp pháp và những người tổ chức đã được khuyến cáo phải ngưng biểu tình trước 10 giờ rưỡi sáng. Thông cáo nói thêm rằng những kẻ tấn công sẽ bị điều tra và mang ra trước ánh sáng công lý.

Đại sứ quán Hoa Kỳ lên án vụ tấn công. "Chúng tôi kêu gọi nhà chức trách tiến hành một cuộc điều tra cặn kẽ và minh bạch về vụ tấn công, duy trì trật tự ở trụ sở Quốc hội và bảo đảm an toàn cho những nhà hoạt động chính trị thuộc mọi đảng phái," phát ngôn viên sứ quán, ông Jay Raman, phát biểu như vậy trong email gởi cho ban Khmer của đài VOA. 

Ông Am Sam Ath, điều hợp viên kỹ thuật của tổ chức nhân quyền Licadho, gọi vụ tấn công là một sự vi phạm nghiêm trọng đối với quyền đặc miễn của các nhà lập pháp.

Ông Ath nói: "Thậm chí chúng tôi còn chứng kiến các nhà lập pháp bị hành hung trong lúc làm việc. Nếu nhà chức trách không hành động, thì điều đó chứng tỏ có sự kỳ thị chính trị."

Ông Phil Roberston, Phó giám đốc bộ phận Á châu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, kêu gọi những người ủng hộ đảng nhân dân Campuchia và những người ủng hộ phe đối lập tự kiềm chế và không bạo động.

Vụ hành hung ở Phnom Penh xảy ra trong lúc Thủ tướng Hun Sen thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đến nước Pháp. Tại đây, nhiều người đã biểu tình đòi ông từ chức.

Trong những năm qua, một số chính khách đối lập đã bị bắt trong những vụ trấn áp của chính phủ nhắm vào người biểu tình, nhưng đây là lần đầu tiên trong vòng nhiều năm các thành viên quốc hội bị hành hung. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Mỹ, Indonesia đồng ý tăng cường quan hệ đối tác chiến lược

Hoa Kỳ và Indonesia vừa đồng ý tăng cường hợp tác sau các cuộc họp mà Tòa Bạch Ốc nói là thuộc nỗ lực của Hoa Kỳ nhắm đến tái cân bằng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tổng thống Barack Obama hội đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm thứ Hai. Thông tín viên Mary Alice Salinas của đài VOA từ Tòa Bạch Ốc gởi về bài tường trình sau đây.

Các đám cháy tại những khu rừng và bãi lầy, do nạn phá rừng và hiện tượng El Nino đang hoành hành Indonesia, đã tạo ra một đám mây khói bụi bao trùm nhiều khu vực.

Tai họa đã buộc Tổng thống Indonesia, được công chúng gọi là Jokowi, phải cắt ngắn chuyến thăm Hoa Kỳ, sau khi hội đàm với Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc.

Hai nhà lãnh đạo nói về các vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh, thương mại, khủng bố và hợp tác hải dương.

Tổng thống Obama nói: "Indonesia có dân số lớn, là nước dẫn đầu trong khu vực, có truyền thống dân chủ, là một nước Hồi giáo lớn với truyền thống bao dung và ôn hòa, và giữ một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và thương mại, nên Hoa Kỳ rất muốn làm đối tác với Indonesia."

Tổng thống Widodo phát biểu: "Indonesia có một nền kinh tế mở cửa, và với dân số 250 triệu người, nền kinh tế của chúng tôi lớn nhất Ðông Nam Á. Indonesia đang dự tính gia nhập TPP."

Tòa Bạch Ốc nói rằng các cuộc thảo luận nằm trong chính sách xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, nơi họ muốn gia tăng ảnh hưởng của Washington.

Tổng thống Obama đã tiếp thủ tướng Nhật Bản hồi tháng Tư, tiếp chủ tịch Trung Quốc hồi tháng 9, và Tổng thống Nam Triều Tiên hồi đầu tháng này.

Indonesia đại diện cho phân nửa kinh tế Ðông Nam Á. Nhưng các chuyên gia nói rằng kinh tế nước này được bảo hộ rất cao.

Ông Murray Hiebert, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định:

"Mức trao đổi thương mại giữa Indonesia và Hoa Kỳ chỉ ngang với mức trao đổi giữa Mỹ với Honduras hay với một số nước Trung Mỹ. Indonesia có 250 triệu dân. Đó là mức trao đổi thương mại quá nhỏ."

Mặc dù Tổng thống Widodo bày tỏ ý muốn tham gia TPP, ông đang gặp phải sự chống đối mạnh ở nước ông. Ông Hiebert nhận định.

"Các bước mở rộng của ông Widodo bị giới hạn."

Indonesia cũng cần phát triển hạ tầng cơ sở mạnh hơn để thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên Indonesia giữ một vai trò quan trọng trong khu vực, trong lúc Hoa Kỳ tăng cường những nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hòa bình và an ninh trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Tổng thống Obama sẽ không dừng chân ở Việt Nam?

Tòa Bạch Ốc mới công bố lịch trình công du nước ngoài của Tổng thống Barack Obama trong tháng 11, nhưng không có tên Việt Nam, như kỳ vọng của nhiều người.

Theo lịch trình mới công bố, từ ngày 14 đến 22/11, Tổng thống Obama sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ để dự hội nghị thượng đỉnh G20 trước khi tới đến Philippines dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và đến Malaysia dự Cấp cao Đông Á (EAS) trong khuôn khổ các cuộc họp cấp cao ASEAN.

Thời gian qua, có nhiều đồn đoán rằng Tổng thống Obama sẽ tới Việt Nam vào tháng 11, trùng thời gian diễn ra chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Mới nhất, trong lần tới thăm và phát biểu tại Hội Á châu ở New York hồi tháng Chín, khi được hỏi là liệu ông Obama có tới thăm Việt Nam vào tháng 11 hay không, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang nói:

“Thưa các bạn, việc Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam thì ngài Barack Obama đã nhận lời mời của chúng tôi, trong chuyến thăm năm 2013 [tới Mỹ của ông Sang], ngài đã nhận lời, và trong chuyến thăm gần đây nhất của ngài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngài Obama cũng đã nhận lời. Cụ thể thì do ngài Obama quyết. Các bạn có thể hỏi thêm ngài Obama. Còn về phía Việt Nam, chúng tôi hết sức là mong muốn chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam để nhằm mục đích tăng cường hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa hai nước và thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện mà tôi và tổng thống Obama đã ký kết vào năm 2013.”

Trong khi đó, báo chí trong nước dẫn lời các quan chức cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã nhận lời mời tới thăm Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian cụ thể của chuyến đi này vẫn chưa được công bố.

Mới đây, một nhóm hơn 100 người Việt vừa ký tên vào một bức thư ngỏ gửi cho chính phủ Việt Nam để phản đối chuyến thăm Việt Nam sắp tới của ông Tập, cũng như kêu gọi Hà Nội “hủy bỏ ý định đón tiếp” nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Bức thư đề ngày 15/10, và được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội, có đoạn: “Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, công bố bản lên tiếng này nhằm thể hiện tiếng nói của những người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh đất nước và góp phần kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc trước một hiểm họa nghiêm trọng”.

“Xây dựng nội lực dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh và xây dựng hợp tác hữu nghị với những nước có cùng mục tiêu là yếu tố then chốt để giúp chúng ta giữ được sự độc lập và chủ quyền đối với Trung Quốc”, bức thư viết tiếp. - VOA
|
|

6.
Tàu Trung Quốc ngăn cản Việt Nam cứu người trên biển Đông

Theo các cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam, hai tàu tuần duyên của Trung Quốc đã cản trở một tàu Việt Nam tìm cách cứu hộ một tàu cá đã bị trôi dạt trong hai ngày.

Mãi sau khi giới hữu trách của cả hai nước thông tin liên lạc với nhau, cuộc đối đầu kéo dài ba giờ đồng hồ hôm thứ năm tuần trước (22/10) ở gần quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp mới được giải quyết.

Cuộc chạm trán xảy ra chưa đầy hai tuần sau khi các quan chức Việt Nam nói tàu Trung Quốc đâm vào một tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa ngày 29 tháng 9, khiến tàu bị hư hại và chìm. Thủy thủ đoàn đã được cứu bởi tàu cá khác của Việt Nam.

Trung tâm Cứu hộ và Cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết vụ việc trên kết thúc khi tàu cá cùng 11 thủy thủ đoàn được kéo về về Đà Nẵng lúc 5 giờ chiều ngày thứ Bảy (24/10). Ba ngày trước đó, các thủy thủ truyền tín hiệu radio rằng nhiên liệu đã hết và hai lần truyền tín hiệu sau đó các ngư dân cho biết họ sắp hết nước ngọt để dùng.

Trung Quốc và Việt Nam hiện đang tranh chấp về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh còn tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, nơi chính quyền này cho xây dựng các hòn đảo nhân tạo bất chấp tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Đài Loan và Brunei.

Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia khác đã kêu gọi một giải pháp ngoại giao, và cảnh báo rằng những căng thẳng gia tăng có thể gây nguy hiểm đến tuyến đường biển quan trọng trên biển Đông. - VOA