Friday, May 1, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 1/5

Tin Thế Giới

1.
Tuần hành Ngày Quốc tế Lao Động trên khắp thế giới

Người lao động trên khắp thế giới đã xuống đường hôm thứ Sáu để đánh dấu ngày Quốc tế lao động - tiếng Anh thường được gọi là May Day - để tham gia các cuộc tuần hành và đòi tăng lương cũng như cải thiện các điều kiện làm việc.

Hàng ngàn người tham gia các cuộc tuần hành ở Indonesia và Philippines, nơi mà người lao động phải xoay sở với mức thu nhập chưa tới 2 đôla mỗi ngày, để đòi tăng mức lương tối thiểu, việc làm được bảo vệ và chấm dứt quy chế “làm việc theo hợp đồng”. Người lao động theo hợp đồng không được hưởng các quyền cũng như những lợi ích tương tự như những công nhân bình thường. 

Người lao động ở Hàn Quốc thề sẽ tổ chức một cuộc tổng đình công nếu chính phủ thông qua các biện pháp cải cách lao động như kế hoạch đã định.

Giới lao động ở Iran đã tổ chức một cuộc biểu tình ở Tehran nhân Ngày Quốc tế Lao động, để đòi cải thiện điều kiện làm việc và phản đối việc người lao động nước ngoài giành việc của họ trong nước cộng hòa theo Hồi giáo này.

Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tình trạng phong toả vì lý do an ninh giữa lúc cảnh sát nước này tìm cách ngăn chặn các cuộc biểu tình trái phép trong ngày Quốc tế Lao động.

Các công đoàn Hy Lạp kêu gọi một cuộc đình công kéo dài 24 giờ. Hàng ngàn công nhân Hy Lạp đã xuống đường ở thủ đô Athens để đánh dấu ngày Quốc Tế Lao động, và để phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng theo đòi hỏi của các chủ nợ quốc tế.

Trong khi đó, tại Đức, một cuộc đua xe đạp nhân Ngày Quốc tế Lao động đã bị hủy bỏ sau khi cảnh sát Frankfurt chận đứng một âm mưu tấn công do các phần tử cực đoan Hồi giáo toan thực hiện ngay trước cuộc đua.

Tại Nga, giới lao động và sinh viên vẫy cờ Nga trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow để mừng Ngày Quốc tế Lao động. - VOA
|
|

2.
Trung Quốc nói sẵn sàng để Mỹ dùng cơ sở tại Trường Sa cho hoạt động cứu nạn

Hôm nay 01/05/2015, Reuters đưa tin, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh sẵn sàng để cho Hoa Kỳ và các nước khác sử dụng các cơ sở do Trung Quốc kiểm soát tại Trường Sa, cho các hoạt động nhân đạo. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các hoạt động xây dựng và mở rộng của Trung Quốc trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông bị nhiều quốc gia lên án mạnh mẽ.

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, được công bố tối qua, dẫn lời Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi (Wu Shengli): "(Chúng tôi) mời các tổ chức quốc tế, Hoa Kỳ và các nước có liên quan, trong tương lai sử dụng các cơ sở hạ tầng, khi điều kiện cho phép, vì các hợp tác tìm kiếm và cứu nạn trong trường hợp thảm họa".

Trước đó, trong một cuộc hội đàm qua truyền hình với Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, đô đốc Jonathan Greenert, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc giải thích việc xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông có thể "cho phép cải thiện các dịch vụ công cộng tại vùng biển này, như dự báo khí tượng, nghiên cứu hải dương và cứu nạn, làm tròn các nghĩa vụ quốc tế về an ninh tại hải phận quốc tế".

Vẫn thông báo nói trên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn lời Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ yêu cầu Bắc Kinh giải thích với các nước trong khu vực về mục tiêu xây dựng, mở rộng tại các vùng đảo tranh chấp, đặc biệt giới chức Hải quân Mỹ đề nghị Trung Quốc cho các nước sử dụng các cơ sở tại vùng biển này, vì hoạt động nhân đạo chung.

Thông báo nói trên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc được đưa ra một ngày sau khi Bắc Kinh lên án Việt Nam và Philippines chiếm đóng các đảo tại Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là "Nam Sa". Theo báo mạng Ấn Độ Zeenews. india, đây là lần đầu tiên Trung Quốc tố ngược, bị Việt Nam và Philipines chiếm đảo.

Trước đó, theo báo chí Philippines (The Philippines Star), ngày 19/04/2015, một chuyến bay của Không quân Philippines (PAF) có ý định chở người từ đảo Pag-Asa (tên Việt Nam là đảo Thị Tứ) đi cấp cứu, thì bị một chiến hạm Trung Quốc rọi đèn pha và bắn pháo sáng. Hoạt động cứu nạn phải tạm dừng. Sau đó, có tin là chính đại sứ quán Mỹ tại Philippines đã hỗ trợ một máy bay dân sự để chuyên chở bệnh nhân. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Dân Biểu Mỹ đề nghị dự luật gia tăng sức ép về nhân quyền Việt Nam

Washington cần gia tăng sức ép để Việt Nam cải thiện về nhân quyền trước khi đẩy mạnh hợp tác kinh tế và thương mại song phương. Đó là nội dung một dự luật trình lên Quốc hội Hoa Kỳ ngày 30/04/2015.

Đúng vào lúc Việt Nam kỷ niệm 40 chấm dứt chiến tranh, các dân biểu Mỹ thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã trình lên Quốc hội dự luật mang tên "Luật về Nhân Quyền Việt Nam 2015".

Gắn liền vấn đề nhân quyền với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, dự luật khuyến cáo chính quyền Washington trong tiến trình đàm phán với Hà Nội, "đừng vì những lợi ích kinh tế, thương mại mà quên những hồ sơ nhậy cảm, như nhân quyền".

Dân biểu Christopher Smith của đảng Cộng Hòa giải thích: "Hạ viện Mỹ cần nhanh chóng thông qua dự luật về nhân quyền Việt Nam 2015", vì trong năm nay, Hoa Kỳ và Việt Nam có triển vọng kết thúc đàm phán về hiệp định TPP. Hiệp định đó mở ra triển vọng đem lại nhiều lợi ích thương mại cho phía Việt Nam. Washington cũng đang tăng cường hợp tác về an ninh với chính quyền Hà Nội.

Christopher Smith là chủ tịch tiểu ban đặc trách về vấn đề nhân quyền, trực thuộc Ủy ban đối Ngoại của Hạ viện Mỹ. Ông ghi nhận: "tình trạng nhân quyền tại quốc gia này còn rất tồi tệ". Dân biểu Mỹ kết luận: "Đảng Cộng sản không phải là tương lai của Việt Nam… người Mỹ không thể bảo lãnh cho những hành vi tra tấn, bắt giam phóng viên, các nhà lãnh đạo tôn giáo, giới bảo vệ người lao động, các tiếng nói bảo vệ dân chủ hay bảo vệ quyền tự do trên mạng".

Theo bảng xếp hạng về tự do nhân quyền của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, cho tới giữa tháng 2/2015 có tới 34 blogger của Việt Nam đang bị bắt giữ.

Dự luật vừa được đại biểu Quốc hội Mỹ, Christopher Smith trình lên Hạ viện đã được đảng Dân Chủ ủng hộ. Dự luật này không nhắm vào các hoạt động hợp tác mang tính nhân đạo, các chương trình hợp tác khắc phục hậu quả chất động da cam hay phòng chống HIV. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

4.
Blogger Điếu Cày gặp Tổng thống Obama

Nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày hôm nay 1/5 đã gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc.

Các bức ảnh do các hãng thông tấn chụp cho thấy nhà bất đồng chính kiến này ngồi ngay bên phải, và một công dân Ethiopia ngồi bên trái nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.

Đây là cuộc gặp mặt riêng của ông Obama với các ký giả được coi là “bị đàn áp” nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới.

Hồi năm 2012, cũng nhân ngày này, Tổng thống Obama đã nêu trường hợp bị cầm tù của blogger Điếu Cày, và kêu gọi cộng đồng quốc tế “không quên” ông.

Tháng 10 năm ngoái, Hà Nội đã phóng thích blogger này rồi trục xuất ngay sang Mỹ.

Nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải được thả chỉ ít lâu sau khi Washington dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Hà Nội.

Việt Nam cũng đang gấp rút muốn hoàn tất việc thương thảo Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương với các đối tác, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Blogger Đoan Trang viết trên trang cá nhân rằng việc Việt Nam “trục xuất” blogger Điếu Cày “một lần nữa cho thấy chính quyền Việt Nam sử dụng công dân mình, nhất là những người bất đồng chính kiến, như con bài để mặc cả, đổi chác như thế nào”.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới lên tiếng cho biết rằng việc thả ông Hải rồi cho đi Mỹ là “vì lý do nhân đạo”.

Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam từ Học viện Quốc phòng Australia, nhận định với VOA tiếng Việt rằng chuyện ông Hải được phóng thích là “một quyết định mang tính chính trị”, và “mang tính chiến lược chung”.

Phát biểu sau cuộc gặp với giới chức Việt Nam năm ngoái, ông Scot Marciel, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, tuyên bố rằng Hoa Kỳ không theo đuổi chính sách đổi chác trong mối bang giao với Việt Nam. - VOA
|
|

5.
Đại sứ Pete Peterson: Mỹ không ngầm muốn thay đổi ý thức hệ trong lòng Việt Nam

Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam thời hậu chiến khẳng định Hoa Kỳ không ngầm muốn thay đổi ý thức hệ trong lòng Việt Nam, một trong những yếu tố được xem là thách thức lớn nhất cho quan hệ song phương kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975 tới nay.

Trong cuộc trao đổi với Trà Mi VOA Việt ngữ đánh dấu 40 năm kép lại cuộc chiến Việt Nam, cựu đại sứ Pete Peterson từng là một tù binh chiến tranh Việt Nam, khẳng định trở ngại lớn nhất trong bang giao giữa Washington với Hà Nội hiện nay là nhân quyền Việt Nam, ‘vấn đề mà Mỹ sẽ không đơn thuần bỏ qua.’

Giữa lúc đôi bên năm nay kỷ niệm 2 thập niên bình thường hóa quan hệ, vị sứ giả có công hàn gắn bang giao hai nước cựu thù cũng dự đoán rằng ‘trong 20 năm kế tiếp, chắc chắc Việt-Mỹ sẽ trở thành đồng minh mạnh mẽ ở Đông Nam Á.’

VOA: Là vị đại sứ Mỹ tại Việt Nam đầu tiên thời hậu chiến, ông đánh giá những gì đôi bên đạt được đang ở mức nào trên thang điểm từ 1-10?

Đại sứ Peterson: Câu hỏi này khó đấy. Tôi rất hài lòng vì những gì hai nước đã đạt được, chắc chắn tròn 7 điểm, nhưng tôi không biết đôi bên đã đạt được tất cả những gì có thể hay chưa vì có những giai đoạn khó khăn. Thời kỳ suy thoái tài chính ở Châu Á và một số các vấn đề khác ngăn cản tiến bộ của chúng ta, nhưng nhìn chung, tôi nghĩ các thành quả hai nước đạt được rất tốt. 

VOA: Ông nhận xét thế nào về những lợi ích từ mối bang giao Việt-Mỹ, thời ông làm đại sứ và thời nay?

Đại sứ Peterson: Tôi không nghĩ chúng ta có thể đo lường được đâu. Khi nỗ lực đạt Thỏa thuận Thương mại Song phương (BTA), chúng tôi nghĩ thỏa thuận này sẽ giúp cải thiện quan hệ thương mại hai chiều lên hàng triệu đô la, nhưng đã lên tới mức hàng tỷ đô la. Hiện giờ trao đổi mậu dịch giữa hai nước hằng năm trên 35 tỷ đô la, cũng nhờ vào một số việc chúng tôi làm thời bấy giờ.

VOA: Còn những gì chưa làm được trong quá trình ‘biến thù thành bạn’ đó, đại sứ thấy thế nào?

Đại sứ Peterson: Đôi bên giờ không còn nhìn nhau như kẻ thù nữa mà là đối tác mạnh của nhau. Tôi đoán là trong 20 năm kế tiếp, chắc chắn Việt-Mỹ sẽ trở thành đồng minh mạnh mẽ ở Đông Nam Á vì lợi ích chung đưa hai nước xích lại gần nhau đến nỗi không màng tới những hoạt động từ chiến tranh.

VOA: Nhiệm vụ chính mà ông và những người kế nhiệm ông cùng chia sẻ là ‘mở ra trang mới trong quan hệ song phương và chấm dứt những sự chia rẽ.’ Nhiều người cho rằng sau 20 năm, vế sau của nhiệm vụ này vẫn chưa đạt được. Theo ông trở ngại chính là gì?

Đại sứ Peterson: Làm mới quan hệ khó hơn nhiều so với những gì người ta nghĩ, có rất nhiều vấn đề thật sự rất khó để giải quyết vì phía Việt Nam ngần ngại tiến tới mối quan hệ mà Hoa Kỳ nghĩ tới. Trước đây cũng không có sự ủng hộ rộng rãi tại Mỹ đối với việc làm mới mối quan hệ này. Cho nên, đã có những trở ngại rất lớn, nhưng sự kiên nhẫn và nhiệt huyết từ những các nhà ngoại giao và thương thuyết gia có liên hệ đã thành công trong nỗ lực này. Nay, phần lớn những vấn đề mà chúng ta đương đầu lúc ấy đã qua rồi, nhưng cũng còn nhiều vấn đề tồn tại. Nhân quyền Việt Nam vẫn còn là trở ngại cho quan hệ Việt-Mỹ. Đôi bên vẫn còn mâu thuẫn trong nhiều vấn đề về thương mại. Có nhiều việc hai bên đồng ý và nhiều việc không nhất trí, nhưng sự trưởng thành của mối quan hệ cho phép chúng ta đối thoại các vấn đề này một cách thẳng thắn. Cho nên, tất cả đều có thể giải quyết được. Điều chúng ta cần làm trong tương lai là duy trì quan hệ đối tác mạnh mẽ, xây dựng từ những điều đồng thuận, và tiếp tục đối thoại các vấn đề bất đồng cho tới khi đạt được giải pháp. 

VOA: Theo ông, thách thức lớn nhất trong quan hệ song phương là nhân quyền, lòng tin chính trị, hay hệ tư tưởng?

Đại sứ Peterson: Yếu tố đầu tiên tôi sẽ gạt ra là vấn đề hệ tư tưởng. Nhiều người nghĩ rằng Mỹ ngầm ý muốn thay đổi ý thức hệ trong lòng Việt Nam. Nói thẳng, tôi cho là Mỹ thậm chí không cân nhắc tới điều này. Vấn đề lớn nhất tồn đọng là chuyện nhân quyền của Việt Nam. Đây là vấn đề mà Mỹ không đơn thuần bỏ qua. Để Việt-Mỹ từ mối quan hệ đối tác toàn diện tiến tới quan hệ đối tác chiến lược, nhân quyền Việt Nam sẽ là vấn đề chính phải thảo luận và phải tìm ra giải pháp. Theo tôi, việc này đòi hỏi phía Việt Nam phải có một số thay đổi về chính sách quốc gia. Mặt khác, có các vấn đề có lợi cho Việt Nam liên quan tới hợp tác quân sự giữa bối cảnh Mỹ chuyển trọng tâm về Châu Á, nghĩa là phía trước cần có những sự nhượng bộ và trao đổi cho một tình huống ‘được tất, không mất gì.’ Tóm lại, có trở ngại nhưng không có nghĩa là các trở ngại đó đẩy lùi sự tiến bộ. 

VOA: Như ông nói, cách biệt nên được thu hẹp bằng phương thức ngoại giao, nhưng trong mối bang giao này, về vấn đề nhân quyền, các đường hướng ngoại giao không mang lại thay đổi đáng kể. Quan điểm ông thế nào? Làm sao có thể khắc phục?

Đại sứ Peterson: Tôi cho điểm Việt Nam khá cao trong những thay đổi về nhân quyền và quyền tự do tôn giáo trong những năm qua. Tôi theo dõi rất chặt chẽ và nhận thấy những cải thiện lớn trong hai lĩnh vực này ở Việt Nam. Tôi nghĩ cần phải cho điểm Việt Nam vì những bước đi đó. Vấn đề đang đối mặt với Việt Nam giờ đây là phải can đảm cho phép người dân chỉ trích, bất đồng quan điểm với nhà nước, hoặc cho các blogger thể hiện những ý kiến không ca ngợi chính sách của nhà nước. Những điều này thật ra sẽ giúp tăng cường sức mạnh chứ không phải làm suy yếu nhà nước. Các vấn đề về nhân quyền có thể được giải quyết bằng sự hiểu biết và sự trưởng thành của nhà nước Việt Nam.

VOA: Về điều đại sứ mô tả là ‘cải thiện nhân quyền’, sẽ có người lập luận ngược lại rằng nhân quyền Việt Nam có ‘cải thiện’ khi so với thành tích của chính họ nhiều năm trước đây, chứ không phải là một sự tiến bộ lớn so với các nước. Ông nghĩ sao?

Đại sứ Peterson: Nếu so thời điểm hiện tại với thời mốc từ sau năm 1975 sẽ thấy nhân quyền Việt Nam có tiến bộ đáng kể. Nhưng đúng là nếu so sánh nhân quyền Việt Nam với lăng kính và chuẩn mực quốc tế thì chưa đạt. Tuy nhiên, không mấy nước đạt được 100 điểm tuyệt đối. Sự hoàn thiện về nhân quyền là điều mong muốn nhưng không hẳn là mục tiêu. Cam kết về ‘nhân quyền hoàn thiện’ là điều không thể, khó nước nào làm được. Cho nên, điều phấn đấu đạt được là tiến bộ và cải thiện từ năm này sang năm khác, hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế. Đó là mục tiêu đối với Việt Nam và họ sẽ đạt được nếu họ thật tâm muốn làm. 

VOA: Có ý kiến cho rằng ngoài vấn đề nhân quyền và lòng tin chính trị, quan hệ Việt-Mỹ còn có một trở ngại khác là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đại sứ nghĩ sao?

Đại sứ Peterson: Tôi không nghĩ đó nhất thiết là một trở ngại. Việt Nam phải chơi với cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Hà Nội dĩ nhiên không muốn quan hệ xấu với bạn hàng khổng lồ Trung Quốc, nhưng cũng có những vấn đề về Biển Đông mà Việt Nam không thể nhất trí với Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh trở thành mối đe dọa ổn định của Đông Nam Á, điều mà nhiều người tin là sự thật, thì Mỹ sẽ có mặt hỗ trợ Việt Nam đối phó với một số vấn đề đó, vì một Đông Nam Á không ổn định cũng chính là đe dọa an ninh đối với Mỹ và thế giới nói chung. Trong trường hợp này, vị trí của Việt Nam sẽ được chiếu cố hơn.

VOA: Theo ông, triển vọng về mối quan hệ đồng minh quân sự Việt-Mỹ xa gần ra sao?

Đại sứ Peterson: Đã có tín hiệu là phía Mỹ muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân sự với Việt Nam. Washington đã loan báo dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam. Theo tôi, chắc chắn trong 4-5 năm tới, đôi bên sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, nhưng tôi không chắc liệu sẽ có một sự đảo ngược bất thình lình, dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này hay không. Việc này phụ thuộc vào chuyện đôi bên có lập quan hệ đối tác chiến lược hay không.

VOA: Còn về quan hệ đồng minh quân sự Việt-Mỹ, chúng ta có thể trông thấy sớm nhất là chừng nào?

Đại sứ Peterson: Hai bên hợp tác trong một số khía cạnh như giáo dục, trao đổi, hay Mỹ cung cấp một số thiết bị quân sự cho Việt Nam, nhưng tôi không biết sẽ có một quan hệ đồng minh quân sự giữa hai bên trên con đường phía trước hay không.

VOA: Nhìn mối quan hệ Mỹ-Nhật: Nhật Bản từ kẻ thù hôm qua nhanh chóng trở thành đồng minh của Mỹ hôm nay và cũng là trụ cột trong các lợi ích an ninh của Mỹ ở Châu Á. Tại sao Việt-Mỹ không thể như vậy dù đã bình thường hóa quan hệ 20 năm nay?

Đại sứ Peterson: Việt Nam và Nhật Bản hoàn toàn khác, không thể so sánh được. 

VOA: Theo ông, Việt Nam làm thế nào có thể trở thành trụ cột trong các lợi ích an ninh của Mỹ ở Đông Nam Á?

Đại sứ Peterson: Tôi nghĩ cần cẩn trọng về việc này vì Việt Nam có láng giềng khổng lồ phương Bắc. Hà Nội không muốn cho Bắc Kinh thấy là họ nghiêng về một nước nào. Việt Nam rất cẩn trọng để luôn có sự cân bằng trong chính sách đối ngoại, rằng họ là ‘toàn cầu hóa’. Tôi cho rằng Hà Nội sẽ tiếp tục chính sách này. Dĩ nhiên Việt Nam không muốn biến thành kẻ thù của Trung Quốc và họ sẽ tiếp tục giảm thiểu bất kỳ cản trở nào cho mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh. Hoa Kỳ sẽ không cố gắng áp lực Việt Nam đứng về bên nào, mà hoàn toàn tùy thuộc vào quan điểm của phía Việt Nam, vào quyết định của họ muốn thăng tiến quan hệ với Mỹ tới mức nào về mặt quân sự.

VOA: Ở thời mốc đánh dấu 20 năm quan hệ Việt-Mỹ năm nay, đại sứ có đề nghị gì giúp phát triển hơn nữa quan hệ song phương?

Đại sứ Peterson: Mối quan hệ đang tiến triển khá tốt, những tiến bộ đạt được tới nay khiến tất cả các nước đang phát triển trên thế giới khao khát có được. Dù Việt Nam còn thiếu nhiều thứ, cần phải làm nhiều thứ về mặt cơ sở hạ tầng, cần cải cách giáo dục và nhiều vấn đề khác về nhân quyền; nhưng tiềm năng trong 20 năm tới là rất lớn. Mối quan hệ Việt-Mỹ theo thời gian sẽ giúp củng cố tất cả những điều đó. Hoa Kỳ muốn là một đối tác giúp Việt Nam thành công. Đối thoại tiếp diễn giữa đôi bên sẽ đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Không có vấn đề đặc biệt nào cần phải giải quyết ngoại trừ vấn đề nhân quyền Việt Nam. Nhân quyền Việt Nam vẫn còn là một vấn đề rất nhạy cảm tại Mỹ. 

VOA: Xin chân thành cảm ơn đại sứ Pete Peterson đã dành thời gian cho đài VOA trong cuộc trao đổi về quan hệ Việt-Mỹ. - VOA
|
|

6.
Việt Nam bị đề nghị trở lại danh sách cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo

Việt Nam tiếp tục bị đề nghị trở lại danh sách cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo trên thế giới (CPC) vì các vi phạm nghiêm trọng tiếp diễn.

Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới (USCIRF) trong phúc trình thường niên 2015 công bố hôm 30/4 nêu rõ dù có một số tiến bộ, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục giới hạn chặt chẽ các sinh hoạt tôn giáo độc lập.

USCIRF đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt kê Việt Nam trở lại danh sách CPC, một động thái có thể dẫn tới các biện pháp chế tài từ Mỹ.

Báo cáo nói hiện có ít nhất từ 100-200 tù nhân lương tâm đang bị giam cầm tại Việt Nam, trong số này có những người bị tù tội chỉ vì hoạt động tôn giáo hoặc cổ súy cho tự do tôn giáo.

USCIRF cho biết các vi phạm về tự do tôn giáo không những tiếp diễn ở Việt Nam mà trong một số trường hợp thậm chí còn tệ hại đi.

Phúc trình tố cáo rằng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn dùng luật và các nghị định hành chính kiểm soát hoạt động tôn giáo và đàn áp các cá nhân hay tổ chức tôn giáo nào bị họ xem là mối đe dọa, trong đó có các tổ chức tôn giáo độc lập của Phật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Thiên Chúa giáo, và Tin lành.

Một nhà hoạt động cho nhân quyền và tự do tôn giáo Việt Nam được nhiều người biết tiếng ở hải ngoại, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, nhận xét về phúc trình 2015 của USCIRF về tình hình Việt Nam:

“Năm nay tôi thấy hầu hết các tôn giáo đều được nêu ra như Hồi giáo của người Chàm hay Bahai v..v..Trong trường hợp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được chú trọng rất nhiều ở hai điều: một là Đức Tăng thống Thích Quảng Độ bị quản thúc quá lâu và vấn đề sách nhiễu chư tăng ở Huế. Một điểm đặc biệt khác, phúc trình đưa ra đúng ngày 30/4 có ý nghĩa rất lớn nói lên tình trạng tang thương của tôn giáo Việt Nam trong tình trạng tang thương của Việt Nam.”

Nhà hoạt động cổ súy quyền tự do tôn giáo, mục sư Thân Văn Trường, tán đồng khuyến nghị của USCIRF cho rằng Việt Nam cần phải trở lại danh sách CPC để chịu áp lực buộc phải cải thiện:

“Rất cần thiết vì thực tế ở đây rất nhiều bạn bè chúng tôi còn đang ở trong tù như mục sư Dương Kim Khải, Nguyễn Công Chính, linh mục Nguyễn Văn Lý, vẫn không có gì thay đổi cả. Các nhóm, nhánh sinh hoạt tư gia vẫn còn bị bắt bớ, khó khăn. Việc huấn luyện thần học vẫn còn bị hạn chế. Máu của anh em chúng tôi vẫn còn phải đổ, anh em chúng tôi còn phải chịu khổ rât nhiều về niềm tin, đức tin tôn giáo của mình. Cho nên, tôi nghĩ Việt Nam rất đáng trở lại CPC để có biện pháp buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải cải thiện tình trạng tự do tôn giáo.”

Theo khuyến nghị của USCIRF, ngoài việc đưa Việt Nam vào danh sách CPC, chính phủ Hoa Kỳ cần tiếp tục thúc đẩy Hà Nội soạn thảo các điều luật mới đơn giản hóa các điều kiện đăng ký hoạt động tôn giáo, cho phép người dân được quyền chọn lựa đăng ký hay không, và bảo đảm rằng những ai không đăng ký vẫn được phép hoạt động tôn giáo hợp pháp và thỏa đáng.

Bên cạnh đó, vẫn theo đề nghị của USCIRF, Washington nên nhất quán và công khai nêu vấn đề nhân quyền với Hà Nội trong mọi cấp độ của mối quan hệ, kể cả trong các cuộc thảo luận song phương về quân sự, thượng mại, an ninh, và kinh tế.

USCIRF cũng kêu gọi chính phủ Mỹ bảo đảm rằng các cuộc đối thoại nhân quyền thường niên với Việt Nam dẫn tới các hành động và kết quả cụ thể liên quan đến nhân quyền và tự do tôn giáo và báo cáo Quốc hội tiến bộ trong các vấn đề này.

Kể từ năm 2001 tới nay, USCIRF hằng năm liên tục đề nghị liệt kê Việt Nam vào danh sách CPC. 

Trong hai năm 2004, 2005, do đề xuất của Uỷ hội, Việt Nam bị Hoa Kỳ liệt vào danh sách CPC trước khi được rút tên ra vào cuối năm 2006.

Giữa bối cảnh quan hệ Việt-Mỹ hiện nay, liệu có khả năng Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ chấp thuận đề nghị của Ủy hội USCIRF hay không? Nhà hoạt động Võ Văn Ái nhận định:

“Đưa vào CPC sẽ thay đổi tình trạng tôn giáo tại Việt Nam. Tuy nhiên, có điều tôi lo lắng là hiện tình chính trị Đông Nam Á và Thái Bình Dương có thể làm vấn đề tôn giáo bị lu mờ. Nếu đó là sự thật thì sẽ rất tai hại cho trường hợp Việt Nam. Tất cả các tôn giáo trong nước có thể đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển và kiến thiết đất nước vì có tín đồ đông và có mạng lưới về y tế, từ thiện, xã hội, giáo dụ..v..v.. Hơn nữa, chúng ta đang sống trong không khí bạo lực và khủng bố trên thế giới, yếu tố tôn giáo trong trường hợp Việt Nam sẽ đóng góp rất lớn về mặt xã hội. Nếu nhà nước Việt Nam có thể thấy được những điều đó, họ phải thay đổi. Tôi nghĩ bản thân chế độ Hà Nội không thể nào thay đổi chủ trương đối với tôn giáo. Điều này đòi hỏi áp lực quốc tế đặc biệt từ Hoa Kỳ. Nếu Mỹ có áp lực lớn để thay đổi chính sách tôn giáo tại Việt Nam thì điều này sẽ đóng góp rất lớn cho vấn đề phát triển của Việt Nam.”

USCIRF do Quốc hội Hoa Kỳ thành lập sau khi ban hành Sắc luật 1998 bảo vệ tự do tôn giáo trên thế giới. Đây là một tổ chức tham vấn độc lập cho chính phủ có nhiệm vụ giám sát tự do tôn giáo toàn cầu và đưa ra các khuyến nghị dựa trên những tiêu chuẩn trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

Quan hệ Việt-Mỹ đã cải thiện đáng kể từ sau chiến tranh kết thúc năm 1975 nhưng vấn đề nhân quyền của Việt Nam vẫn tiếp tục là trở ngại cho mối bang giao gần gũi hơn giữa hai nước cựu thù.

Washington kêu gọi Hà Nội cần phải tiến bộ hơn nữa trong lĩnh vực nhân quyền.

Việt Nam lâu nay bác bỏ các chỉ trích về vi phạm tự do tôn giáo dù thừa nhận còn nhiều điều cần phải khắc phục.

Hà Nội mong các quan điểm khác biệt giữa hai nước Việt-Mỹ trong vấn đề nhân quyền sẽ dần dần được giải tỏa thông qua các cuộc đối thoại thẳng thắn và xây dựng.

Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam thời hậu chiến, Pete Peterson, trong cuộc phỏng vấn với VOA Việt ngữ đánh dấu 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, khẳng định nhân quyền Việt Nam là ‘vấn đề mà Mỹ sẽ không đơn thuần bỏ qua.’ - VOA


No comments:

Post a Comment