Monday, May 4, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 4/5

Tin Thế Giới

1.
Bắc Kinh, Đài Bắc tìm cách tăng cường quan hệ trước cuộc bầu cử tổng thống

Các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của Đài Loan và Trung Quốc hôm nay gặp nhau lần đầu tiên trong vòng 6 năm và tiến hành các cuộc thảo luận mà các nhà phân tích nói là để tranh thủ sự ủng hộ cho Quốc Dân Đảng đương quyền ở Đài Loan trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Theo tường thuật của thông tín viên Bill Ide của đài VOA tại Bắc Kinh, thông điệp chính của Chủ tịch Quốc Dân Đảng Chu Lập Luân gởi tới Trung Quốc là gia tăng các cơ hội kinh tế cho thế hệ trẻ ở Đài Loan.

Chuyến viếng thăm Trung Quốc lần đầu tiên của ông Chu Lập Luân là một chuyến đi quan trọng. Chẳng những đây là lần đầu tiên trong vòng 6 năm các nhà lãnh đạo của hai đảng đương quyền gặp nhau, mà bởi vì ông Chu là người rất có thể sẽ trở thành ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Đài Loan.

Ông Chu tới Trung Quốc hôm thứ bảy 2/5 để thực hiện chuyến viếng thăm trong 3 ngày. Chuyến đi bao gồm những cuộc gặp gỡ với các giới chức cấp cao của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, tham dự một cuộc hội thảo giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản, và những cuộc thảo luận có tính chất thân mật với các học giả và sinh viên tại các trường đại học ở Bắc Kinh và Thượng Hải.

Hôm nay, khi gặp Tổng bí thư Tập Cận Bình, ông Chu đã tái khẳng định sự ủng hộ của đảng ông đối với việc Đài Loan và Trung Quốc rốt cuộc sẽ tái thống nhất, một lập trường then chốt đã giúp cho hai đảng cựu thù này có thể gặp nhau. Ông Chu cũng hô hào cho sự tham gia nhiều hơn của Đài Loan vào những nỗ lực nhằm thúc đẩy cho sự hợp nhất khu vực.

Ông Chu Lập Luân nói rằng thế hệ trẻ ở Đài Loan hy vọng thấy được sự thăng tiến của hoà bình khu vực, bất kể là việc đó có được nhờ những hành động nào và do tổ chức nào thực hiện. Ông cho biết trong những nỗ lực thăng tiến sự hợp nhất kinh tế khu vực có Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á châu do Trung Quốc thành lập và kế hoạch “một vòng đai, một con đường” do Bắc Kinh khởi xướng.

Trong chuyến viếng thăm, ông Chu đã lập lại yêu cầu của Đài Loan xin gia nhập ngân hàng cơ sở hạ tầng có số vốn nhiều tỉ đô la của Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và họ có những mối quan tâm về việc Đài Loan gia nhập ngân hàng này với một danh xưng có thể bao hàm ý nghĩa Đài Loan là một nước độc lập.

Trong cuộc gặp gỡ hôm nay, ông Tập Cận Bình cam kết thực hiện thêm những nỗ lực để mang lại lợi ích cho dân chúng Đài Loan, kể cả việc dành cho Đài Loan những sự ưu đãi trong lúc Trung Quốc tiếp tục mở cửa nền kinh tế của mình.

Ông Tập cũng nói với ông Chu rằng đôi bên nên giải quyết các sự khác biệt chính trị bằng cách tổ chức những cuộc thảo luận trên cơ sở bình đẳng. Nhưng ông nói thêm rằng những cuộc thảo luận như vậy chỉ có thể diễn ra với điều kiện Đài Loan chấp nhận đảo này là một phần của Trung Quốc.

Phe Cộng Sản đã đánh bại phe Quốc Dân Đảng năm 1949 trong cuộc nội chiến, khiến họ phải chạy sang Đài Loan. Cuộc họp hôm nay giữa các nhà lãnh đạo của hai đảng là cuộc họp thứ ba kể từ năm 1949 và là cuộc họp đầu tiên từ năm 2009.

Cuộc gặp gỡ diễn ra vào một thời điểm cực kỳ quan trọng đối với Quốc Dân Đảng, khi sự ủng hộ chính trị của dân chúng ở Đài Loan đối với họ bị tuột giốc trong lúc họ tăng cường các mối quan hệ với Trung Quốc.

Ông Trịnh Vũ Thạc, giáo sư môn chính trị của Đại học Thành phố Hồng Kông, cho biết mặc dù chuyến đi có những mối rủi ro cho ông Chu và cho Quốc Dân Đảng, nhưng Trung Quốc có phần chắc sẽ tìm kiếm những cách thức để ủng hộ cho đảng cựu thù này.

"Quốc Dân Đảng chắc chắn có thể nhận được những sự hỗ trợ nào đó từ mối quan hệ với Trung Quốc, và trong trường hợp cá biệt này, việc Đài Loan gia nhập Ngân hàng Cơ sở Hạ tầng Á châu có thể là một sự nhượng bộ mà Trung Quốc sẽ dành cho Đài Loan."

Từ khi giành lại quyền chấp chính qua cuộc bầu cử năm 2008, Quốc Dân Đảng đã đặt ưu tiên cho việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc và từ đó tới nay hai bên đã ký kết với nhau nhiều hiệp định kinh tế.

Nhưng một cuộc phản kháng qui mô lớn do sinh viên dẫn đầu hồi năm ngoái, với cao điểm là việc chiếm cứ trụ sở quốc hội để phản đối một hiệp định thương mại với Trung Quốc, đã động viên những cử tri trẻ tuổi ở Đài Loan và nêu lên nhiều câu hỏi về vấn đề lợi, hại của việc siết chặt quan hệ với Bắc Kinh.

Không lâu sau phong trào phản kháng đó, Quốc Dân Đảng đã bị đại bại trong các cuộc bầu cử chính quyền địa phương và bị mất 8 ghế thị trưởng và huyện trưởng, kể cả thủ đô Đài Bắc, vốn là căn cứ chính của Quốc Dân Đảng.

Đảng đương quyền này hiện giờ vẫn chưa chọn ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng thống. Nhưng nhiều người cho rằng ông Chu Lập Luân là người có cơ hội tốt nhất để giành được thắng lợi. Ông Chu năm ngoái đã tái đắc cử chức vụ thị trưởng Tân Bắc, thành phố lớn nhất Đài Loan. Ông tuyên bố sẽ không rời bỏ chức vụ này để ra tranh cử tổng thống. - VOA
|
|

2.
Biến đổi khí hậu đe dọa nhiều cơ sở hạ tầng Trung Quốc

Trung Quốc, quốc gia phát khí thải nhiều nhất thế giới, thừa nhận biến đổi khí hậu đe dọa nhiều dự án cơ sở hạ tầng của nước này. Trên đây là nhận định của lãnh đạo cơ quan khí tượng Trung Quốc được Reuters loan tải hôm nay, 04/05/2015.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tuần báo Study Times (Thời báo học tập), một tờ báo của trường đào tạo cán bộ đảng Cộng sản Trung Quốc, ấn hành vào hôm nay, ông Trịnh Quốc Giang (Zheng Guoguang), lãnh đạo cơ quan khí tượng Trung Quốc, nhận xét các thiên tai như lũ lụt hay hạn hán là mối đe dọa đối với các công trình lớn như đập Tam Hiệp hay dự án đường sắt nối liền với Tây Tạng. Khí hậu ấm dần lên "tác động đến sự an toàn và ổn định của các dự án lớn, việc vận hành cũng như hiệu quả kinh tế, các tiêu chuẩn kỹ thuật".

Theo lãnh đạo cơ quan khí tượng Trung Quốc, nhịp độ khí hậu nóng lên tại Trung Quốc là nhanh hơn mức trung bình thế giới: mức tăng nhiệt độ phía bắc nhanh hơn phía nam, và mùa đông nhanh hơn mùa hè. Ông Trịnh Quốc Giang thừa nhận thập niên vừa qua là nóng nhất trong vòng một thế kỷ nay. Than chiếm 60% lượng khí thải CO2 tại Trung Quốc. Bên cạnh việc tăng nhanh quá trình hâm nóng khí hậu, than còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, do mây bụi siêu nhỏ.

Công nghiệp giảm mạnh trong tháng 4/2015 

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng HSBC, công bố hôm nay, hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc sụt mạnh trong tháng 4 (với chỉ số PMI 48,9), đây là mức giảm cao nhất so với cách nay một năm (48,1). Chỉ số vượt quá 50 được coi là tăng trưởng. Nguyên nhân trước hết của việc sản xuất thoái lùi là do nhu cầu nội địa thấp. Công nghiệp cũng sụt giảm tại Nhật Bản, một đầu tàu khác của kinh tế thế giới, với PMI 49,9, lần đầu tiên kể từ một năm nay, theo số liệu của Markit/JMMA.

Ngược lại với số liệu của HSBC, thứ Sáu 01/05, chính quyền Trung Quốc đưa ra con số PMI 50,1, cho thấy kinh tế Trung Quốc ổn định so với tháng 3. Nhịp độ tăng trưởng GDP quý 2 của Trung Quốc dự đoán sẽ là 6,8%, so với cùng kỳ năm ngoái, theo một báo cáo công bố hôm nay của Trung tâm tin tức kinh tế nhà nước (State Information Center), trực thuộc Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia. Mức tăng trưởng nói trên là thấp hơn so với 7% vào quý 1 năm nay, gần chạm mức đáy 6,6% quý 1 năm 2009 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Nổ súng tại nơi diễn ra sự kiện về tiên tri Muhammad ở Texas --- Giới hữu trách lục soát nhà nghi can vụ nổ súng

Cảnh sát ở Garland, ngoại ô thành phố Dallas ở Texas, đã bắn chết hai người đàn ông mà họ nói là đã bắn vào một nhân viên an ninh bên ngoài một tòa nhà nơi tổ chức một sự kiện về tự do ngôn luận hôm qua. Sự kiện này còn bao gồm một cuộc thi vẽ biếm họa đấng tiên tri Muhammad, hành động mà nhiều tín đồ Hồi giáo mộ đạo coi là báng bổ thần linh. Thông tín viên đài VOA Greg Flakus tường trình từ văn phòng của Đài VOA ở Houston.

Các quan chức cho biết cảnh sát có mặt tại chỗ đã phản ứng nhanh chóng khi một chiếc xe chạy tới bên ngoài địa điểm diễn ra sự kiện, rồi sau đó hai người đàn ông bước ra và nhả đạn vào nhân viên an ninh bên ngoài toà nhà. Trong vụ chạm súng, cảnh sát cho biết cả hai kẻ tấn công đã tử vong, và nhân viên an ninh bị thương nhưng tính mạng không bị đe dọa.

Thi thể của hai người đàn ông vẫn nằm bên cạnh chiếc ôtô một lúc lâu sau vụ nổ súng, trong khi cảnh sát triển khai một thiếc bị tự động cùng các chuyên gia thuốc nổ để kiểm tra chiếc xe.

Phát ngôn viên của Sở cảnh sát Garland Joe Harn nói với các phóng viên tại hiện trường rằng cảnh sát đã bắt đầu điều tra vụ việc.

“Điều chúng tôi nắm rõ lúc này là họ lái xe tới nơi, bước ra khỏi xe và nổ súng vào nhân viên an ninh. Hiện giờ chúng tôi không biết họ là ai”.

Một khu vực rộng lớn quanh hiện trường xảy ra vụ việc đã bị cảnh sát phong tỏa trong khi họ làm việc một cách từ tốn và thận trọng để xem xét chiếc xe mà những tay súng sử dụng.

Ông Harn nói rằng không có dấu hiệu về thuốc nổ bên trong chiếc xe, nhưng cơ quan chức năng không thể không đề phòng.

“Chúng tôi phải hết sức thận trọng vì những gì đã xảy ra tại các sự kiện khác liên quan tới những người này. Chúng tôi đang áp dụng mọi biện pháp đề phòng. Chúng tôi đã sơ tán các cơ sở kinh doanh ở gần. Chúng tôi đã sơ tán nơi tổ chức sự kiện, và dùng xe buýt của học khu Garland để đưa mọi người ra khỏi khu vực”.

Một tổ chức có tên gọi Sáng kiến Bảo vệ Tự do của Hoa Kỳ có trụ sở ở New York tài trợ cho sự kiện còn bao gồm lễ trao giải cho các bức biếm họa đấng tiên tri Muhammad.

Chủ tịch tổ chức này, bà Pamela Geller, tuyên bố vụ nổ súng là một cuộc tấn công khủng bố vào trang web của bà. Bà nói thêm rằng “đây là một cuộc chiến nhắm vào tự do ngôn luận”.

Bà Geller nổi tiếng vì nỗ lực ngăn chặn việc khánh thành trung tâm Hồi giáo gần địa điểm mà các tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới đã bị làm đổ sập trong các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

Tại châu Âu, một số họa sĩ từng vẽ biếm họa đấng tiên tri Muhammad cho một ấn phẩm của Đan Mạch hồi năm 2005 đã phải đi trốn sau khi bị đe dọa.

Hồi tháng Giêng, các tay súng đã bắn chết 12 người tại văn phòng của tạp chí châm biếm của Pháp tên là Charlie Hebdo ở Paris từng cho đăng tải các bức biếm họa về đấng tiên tri Muhammad.

Nhưng trong khi các trường hợp tương tự cho thấy khả năng có sự liên hệ giữa vụ nổ súng hôm qua với sự kiện diễn ra, cảnh sát cho biết họ chưa tìm thấy bằng chứng nào về động cơ dẫn tới vụ nổ súng.

Nhà chức trách liên bang Hoa Kỳ đang lục soát căn hộ của 2 người bị cảnh sát bắn chết.

Thành phố Garland gần Dallas, cho hay nhân viên an ninh bị trúng đạn đã xuất viện sau thời gian ngắn nhập viện. Cảnh sát đang lục soát bên trong xe của hai nghi can này xem có chứa bom hay không.

Các giới chức chưa tiết lộ danh tánh 2 nghi can cư trú tại bang Arizona lân cận, tuy nhiên, tin tức cho hay một trong hai nghi can tên là Elton Simpson.

Tổ chức Sáng kiến Bảo vệ Tự do của Hoa Kỳ tài trợ cuộc thi rao giải thưởng 10,000 đô la cho người thắng giải.

Trang web của tổ chức cho hay hơn 350 bức biếm họa đã nộp dự thi để chứng tỏ rằng người Mỹ không sợ hãi bởi sự uy hiếp bạo lực của Hồi giáo.

Trung tâm Luật về Nghèo khó ở Miền Nam, nơi lưu giữ dữ kiện về các nhóm hận thù trên toàn nước Mỹ gọi nhóm Sáng kiến Bảo vệ Tự do của Hoa Kỳ là một tổ chức chống Hồi giáo cực đoan. - VOA
|
|

4.
McDonald's tuyên bố tái cơ cấu

McDonald's nói hãng sẽ tái cơ cấu kinh doanh và tăng lượng các cửa hàng bán lẻ trên toàn cầu.

Chuỗi cửa hàng chuyên phục vụ đồ ăn nhanh đã có kết quả kinh doanh kém trong quý đầu năm 2015.

Giám đốc điều hành Steve Easterbrook nói ông muốn thay đổi mô hình "cồng kềnh" hiện nay và phát triển mảng "kết nối kỹ thuật số".

"Các con số không biết nói dối," ông nói. "Tôi sẽ không né tránh việc cần gấp rút tái tổ chức kinh doanh... và việc phải làm thế nào để đối phó với những mối đe dọa cạnh tranh."

Ông Easterbrook nói kế hoạch thay đổi là nhằm tạo ra một hệ thống quản lý gọn nhẹ hơn, "chịu trách nhiệm rõ ràng" theo tiêu chí bớt dựa vào vấn đề địa lý và chú trọng hơn vào "logic kinh doanh".

"Trong năm năm qua, thế giới đã tiến lên nhanh hơn mức phát triển kinh doanh của công ty," ông nói thêm. "Chúng tôi đã không chơi kịp cuộc chơi."

Hãng cũng tuyên bố sẽ tập trung hơn vào các khu vực đem lại lợi nhuận nhiều nhất - chẳng hạn như thị trường Mỹ đem về tới 40% doanh thu.

Ông Easterbrook cũng nói các thị trường quốc tế hàng đầu của hãng, như Úc, Canada, Pháp và Anh sẽ là các ưu tiên hàng đầu.

Hãng cũng xác định các thị trường phát triển nhanh tại các nước như Trung Quốc và Ba Lan, nơi các cửa hàng mới sẽ được khai trương để đẩy mạnh thị phần của hãng trong mảng "IEO" - tức đi ăn tiệm ở những nơi không đòi hỏi phải trịnh trọng, nghiêm túc.

Ông Eastbrook nói thêm: "Chúng tôi nay không thể chấp nhận tiếp tục các cam kết từ quá khứ để lại, cơ cấu kinh doanh hay cách ứng xử kiểu cũ nữa."

McDonald đã vào Việt Nam từ đầu năm 2014, với ông Nguyễn Bảo Hoàng, nhà sáng lập Good Day Hospitality kiêm Tổng giám đốc quỹ đầu tư IDG Ventures, con rể Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, làm đối tác nhượng quyền. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

5.
TQ tăng cường ‘quyền lực mềm’ bằng cách thành lập think tank mới

Trong khuôn khổ nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xoay chiều công luận Mỹ, Trung Quốc đã thành lập một viện nghiên cứu đặc biệt tập trung vào cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Những người sáng lập tổ chức này mô tả đây là think tank đầu tiên của Trung Quốc ngay giữa lòng thủ đô nước Mỹ.

Theo bản tin của tờ The Wall St. Journal, Viện nghiên cứu các vấn đề Trung-Mỹ gồm có 3 nhân viên, làm việc từ một văn phòng nhỏ ở gần Phi trường Ronald Reagan ở Washington. Sứ mạng của viện nghiên cứu này là nghiên cứu và trao đổi về các vấn đề hàng hải và các quan hệ Mỹ-Trung, chứ không đại diện chính quyền Trung Quốc, theo lời của Giám đốc Điều hành của viện, bà Hồng Nông.

Theo lời bà Hồng thì viện muốn xây dựng ‘một diễn đàn để phổ biến một thông điệp đúng đắn từ cả hai phía.’ Bà Hồng bảo vệ bằng tiến sĩ tại Đại học Alberta ở Canada, với chủ đề xoay quanh việc xem xét các vấn đề pháp lý và chính trị tại Biển Đông.

Viện nghiên cứu các vấn đề Trung-Mỹ ra đời tiếp theo sau lời hô hào của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm ngoái, kêu gọi thành lập những think tank mới để cải thiện đường lối quản trị đất nước và tăng cường ‘quyền lực mềm’ của Trung Quốc, đặc biệt là khả năng thăng tiến các lợi ích của Bắc Kinh thông qua các phương tiện văn hoá, truyền thông và giới học thuật.

Các think tank thường có chức năng nghiên cứu, đề xuất và cố vấn chính sách, và viện nghiên cứu chính sách mới của Trung Quốc theo chân một số nước láng giềng của Trung Quốc kể cả đối thủ lâu năm của Trung Quốc trong khu vực, là Nhật Bản và Đài Loan. Hai nước này từ lâu đã tài trợ cho các viện nghiên cứu chính sách của Mỹ, cũng như bảo trợ cho một số viện đại học và chức vụ quan trọng tại các viện đại học này, trong một cố gắng nhằm tạo ảnh hưởng đối với tiến trình làm chính sách của Hoa Kỳ.

Bài viết trên tờ WSJ nói rằng viện nghiên cứu chính sách mới sẽ cho phép các nhà nghiên cứu và các giới chức Trung Quốc có một diễn đàn để tạo ảnh hưởng trong cuộc tranh luận ở Mỹ, và tiến trình làm chính sách tại Hoa Kỳ, đặc biệt là liên quan tới các vụ tranh chấp lãnh hải ở Á Châu, mà tờ báo nói là hiện đang tiếp tục leo thang tới mức có nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.

Trong số các viện nghiên cứu và cố vấn chính sách của các nước Châu Á tại Hoa Kỳ, có Japan Foundation, thành lập năm 1972 để cổ vũ cho những trao đổi văn hoá. Hội này hiện có 22 văn phòng đặt tại 21 quốc gia, kể cả 2 văn phòng tại Hoa Kỳ; Viện Khổng Tử thiết lập năm 2004 để cổ vũ cho ngôn ngữ và văn hoá Trung Hoa. Hiện có tất cả 443 Viện Khổng Tử tại 71 quốc gia, kể cả 144 viện chỉ riêng tại Hoa Kỳ. Ngoài ra còn phải kể đến Taiwan Academy, tức Học viện Đài Loan thiết lập năm 2011 để cổ vũ nền văn hoá Đài Loan. Hiện có 213 học viện Đài Loan tại 64 quốc gia, kể cả 79 văn phòng và 3 học viện tại Hoa Kỳ.

Nguồn tin này nói rằng Tokyo trong năm 2015, đã tăng gấp 3 lần ngân sách dành cho các quan hệ công có tính chiến lược. Nhật Bản, Đài Loan, Nam Triều Tiên, Singapore và Việt Nam đều là các nước cung cấp tài trợ cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), một think tank có uy tín và có rất nhiều ảnh hưởng dối với các nhà làm chính sách Mỹ, theo thông tin được cung cấp trên trang nhà của CSIS.

Trong khi đó tờ The Economist hôm 2 tháng Năm nói rằng sau nhiều tháng ráo riết cải tạo đất xây đảo trong Biển Đông, Trung Quốc đang xoay sang áp dụng một phương hướng tiếp cận có tính ‘tế nhị hơn’, khi hình thành think tank mới ở Arlington, bang Virginia. Tờ báo nói rằng đây là một chi nhánh của Viện nghiên cứu quốc gia về các vấn đề Biển Nam Trung Hoa của Trung Quốc ở Hải Nam.

Dù mới thành lập, nhưng Viện Nghiên cứu các vấn đề Trung-Mỹ đã mời được cựu Ngoại Trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger, lên tiếng tại diễn đàn mới này.

Phát biểu trong một video được thu hình trước, ông Kissinger đề cập tới tầm quan trọng của các quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Tham gia một hội thảo tại diễn đàn này, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Thôi Thiên Khải nói nước ông sẽ hành động một cách tự chế trong Biển Đông, mặc dù cùng lúc, ông khẳng định Bắc Kinh sẽ mạnh mẽ bảo vệ các lợi ích của mình trong vùng biển này.

Tuy nhiên, tờ The Economist bình luận rằng các cố gắng của Trung Quốc, tìm cách phết lên một lớp sơn học thuật để củng cố các đòi hỏi chủ quyền của mình trên hầu hết diện tích Biển Đông - trong phạm vi của cái gọi là đường lưỡi bò mà nước này vẽ ra ở Biển Đông, khó có thể thuyết phục nhiều người ở Hoa Kỳ hay ở Đông Nam Á.

Tờ báo nói các cộng trình lắp đất xây đảo nhân tạo ráo riết của Trung Quốc hồi gần đây đã gây quan ngại sâu xa tại các nước cũng tuyên bố chủ quyền trên các vùng biển này, trong đó có Brunei, Malalysia và Việt Nam, cũng như đồng minh của Mỹ là Philippines. - VOA
|
|

6.
48 người được giải cứu trong vụ đâm tàu ở Vịnh Hạ Long

Tin của Asia Network cho biết tai nạn đâm tàu xảy ra hôm 2/5 khi một tàu chở du khách tham quan Vịnh Hạ Long đâm vào tàu hàng chở đá vào khoảng 12 giờ trưa tại khu vực Hòn Rom, gần Khu vực Đỉnh Hương, đảo Trống Mái ở Vịnh Hạ Long. 

Bản tin dẫn lời các giới chức địa phương nói rằng vụ đâm tàu đã khiến cho tàu chở du khách bị chìm dưới mặt nước.

Nguồn tin này cho biết ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Quảng Ninh, đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo các nỗ lực cứu hộ.

Trên tàu chở khách có tất cả 36 người lớn và 12 trẻ em. Trong khi đó thuyền trưởng của tàu hàng chở đá là ông Bùi Mạnh Sơn, 42 tuổi, đến từ thị trấn Quảng Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Báo chí Việt Nam dẫn lời ông Lê Hồng Thắng - Giám đốc Cảng vụ Thủy nội địa, thuộc Sở Giao Thông Vận Tải Quảng Ninh cho hay dựa vào quy tắc tránh nhau và luật quy định về hoạt động giao thông đường thủy nội địa, thì tại bước đầu, có thể xác định là vụ va chạm có thể được quy lỗi cho tàu hàng chở đá. - VOA


No comments:

Post a Comment